Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Loading
Ngày QuÓc HÆn "In English"
30-4
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Trần Văn Tích

Ông Dick Black là một công dân Hoa Kỳ có cảm tình với chính nghĩa quốc gia. Ông vận động Nghị viện Tiểu bang Virginia vinh danh Việt Nam Cộng Hòa qua Nghị quyết SJ 455. Câu văn quan trọng nhất trong SJ 455 nguyên văn như sau : “(…) That the General Assembly designate April 30, in 2013 and in each succeeding year, as South Vietnamese Recognition Day in Virginia(...)“.

Chủ động khai sinh SJ 455 là một cơ cấu lập pháp của tiểu bang Virginia, nghĩa là của người Mỹ một trăm phần trăm. Nhất định General Assembly Virginia không thuộc cộng đồng tỵ nạn Việt Nam. Người Hoa Kỳ soạn thảo, ban hành, áp dụng và giải thích luật Hoa Kỳ theo quan điểm của người Hoa Kỳ và riêng trong trường hợp SJ 455 thì văn kiện pháp lý này chỉ có giá trị trong cương vực tiểu bang Virginia.

Tôi ở nước Đức, đương nhiên SJ 455 không hề chi phối tôi về mặt luật học. Dẫu vậy tôi vẫn thắc mắc tại sao lại dùng chữ recognition. Tôi hiểu recognition là công nhận, thừa nhận, nhìn nhận; chẳng hạn chính quyền USA công nhận chính quyền Germany. Nhưng South Vietnam đâu còn nữa sau ngày 30.04.75 mà bây giờ Virginia đòi thừa nhận! Chỉ tại vì ngày nào USA đành đoạn và lật lọng bỗng dưng không chịu “thừa nhận“ Miền Nam Việt Nam nữa nên mới có ngày 30.04 để đến bây giờ có thêm SJ 455.

Đấy là điều tréo cẳng ngỗng thứ nhất. Điều tréo cẳng ngỗng thứ hai là, - ít nhất theo Cô Lữ Anh Thư - cũng chính Virginia đã từng có SJ 139 ban hành năm 2002 do Thượng Nghị sĩ Leslie Byrne bảo trợ với nội dung chủ yếu là công nhận ngày 30.04 là National Vietnamese Remembrance Day và một số nhân vật cộng đồng địa phương có uy tín, danh vọng như cụ Giáp Ngọc Phúc, quí ông Đoàn Hữu Định, Lý Văn Phước đã “nhận Nghị quyết đó ngày 26.04.2002."

Nếu chữ recognition không hề hàm nghĩa “quốc hận“ nên dư luận mạnh mẽ lên án những kẻ âm mưu xoá bỏ Ngày Quốc Hận (!) thì chữ remembrance - theo vốn liếng Anh ngữ của tôi - cũng đâu có mang ý nghĩa “quốc hận“. Thế mà tại sao năm 2002 không hề có ai phản đối, thậm chí đòi Hoàn trả quyết nghị lại cho tiểu bang như năm 2013 này? Mà sao Virginia đã có sẵn SJ 139 liên quan đến Ngày 30.04 rồi mà giờ đây lại cho ra đời thêm SJ 455 cũng liên quan đến Ngày 30.04?

Điều tréo cẳng ngỗng thứ ba. Vẫn theo Cô Lữ Anh Thư, tiểu bang Virginia năm 2002 còn có quyết nghị SJ 137 - cũng do Thượng Nghị sĩ Leslie Byrne chủ xướng - vinh danh Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa 19.06 là Vietnamese American Freedom Fighter Day. Nhóm chữ này được Cô Lữ Anh Thư chuyển sang Việt ngữ thành “Ngày Chiến sĩ Tự do Việt Nam“. Thế chữ American trong nguyên tác Nghị quyết SJ 137 biến đâu mất tiêu rồi? Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, lúc tôi còn ngày ngày ngồi làm việc với cố vấn Mỹ, từng được gọi là AFRVN, Armed Forces of the Republic of Viet Nam; thế thì tại sao ngày nay vinh danh Ngày Quân lực không gọi là vinh danh AFRVN Day mà lại gọi gì gì Freedom Fighter?

Điều tréo cẳng ngỗng thứ tư. Tôi có rất nhiều bằng hữu, đồng nghiệp, thân quyến hiện đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Tôi không biết bà con bên đó gọi Ngày Quốc Hận bằng tiếng Mỹ là gì nên viết điện thư qua hỏi. Có người không trả lời được. Có anh bạn nha sĩ cho biết không biết gọi ra sao nhưng đề nghị dịch là National Anger Day, National Hatred Day, National Day of Hatred. Anh bạn rất thông thái của tôi còn mách là Căm Bốt cũng có Day of National Hatred tức ngày 20.05. Tôi căn cứ vào dữ kiện này và google thêm thì tìm được các nhóm chữ Day of Tying Anger, Day of Maintaining Rage còn tên gọi chính thức thì dài dòng hơn : Day of Hatred against the genocidal Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan clique and the Sihanouk-Son Saan reactionary groups. Như vậy có vẻ đồng hương tỵ nạn tại Hoa Kỳ cứ thung dung thoải mái dùng ba chữ Ngày Quốc Hận trong giao thiệp hằng ngày giữa người Việt chúng ta, còn hình như chưa có một nhóm chữ Anh ngữ tương đương nào chính thức và thống nhất được dùng để nói cho người Mỹ cùng các sắc dân khác hiểu. Tôi hy vọng sẽ được sự chỉ giáo của quí vị công dân Mỹ gốc Việt về cách dịch Ngày Quốc Hận.

Tôi không dám mạo hiểm dấn thân vào những lĩnh vực cực kỳ gay cấn khác do suy luận, diễn dịch mà ra như Việt Tân giật dây, Đế quốc thao túng v.v.. Tôi chỉ suy nghĩ nông cạn rằng chúng ta có vẻ dư thừa năng lượng để bàn chuyện trên mạng và rất lấy làm vui thấy chúng ta được như thế.