Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Trần Văn Tích QYHD/9
Phỏng theo câu ngạn ngữ tiếng Pháp Pauvreté n'est pas vice, hôm nay tôi nghĩ ra câu Maladie n'est pas vice, mang bệnh không phải là mang tội. Nhân loại không bao giờ kêt án người mắc bệnh tim hay bệnh hủi. Nhập đề như vậy để khẳng định rằng trong bài viết này tôi không hề có ý nghĩ xúc phạm đến hai ông Vũ Ánh và Nguyễn Hưng Quốc; ngược lại, tôi kính trọng tráng chí dấn thân của nhị vị họ Vũ và họ Nguyễn trong lĩnh vực văn hoá chính trị. Tuy nhiên cung cách ứng xử, hành vi cá biệt của họ mang tính bất thường, hay nói đúng hơn, mang tính bệnh lý. Ở cả hai vị tồn tại cùng một lúc hai thứ tình cảm, nhị vị bày tỏ thái độ ngược nhau đối với cùng một đối tượng, quí vị thiết tha với hai giá trị tinh thần trái chiều.
Đó là tình trạng ambivalence (lưỡng đoạn) trong tâm thần học. Nhị vị có những hành vi mang tính phá hoại chống lại xã hội (asocial, dyssocial) mà không do một động cơ nào rõ rệt, tựa hồ như từ một yếu tố bẩm sinh hoặc do một tỳ vết tâm linh; ở đây khoa tâm bệnh học dùng tính từ pervers (thác loạn) để mô tả. Riêng ông Vũ Ánh lại còn thuộc nhóm Vũ Quí Hạo Nhiên (với kết quả thống kê quái gỡ về tỷ lệ đồng hương chấp nhận cờ máu) và Ngô Nhân Dụng [với chủ trương Một ngày cho Tổ quốc Việt Nam (sic) đồng loạt tại nhiều thành phố]. Phần ông Nguyễn Hưng Quốc thì phổ biến thi ca tính dục tục tỉu của một tác giả khác trên Tiền Vệ. Quí vị tập họp thành hai ê-kíp tự phát cùng nhau làm theo cung cách ứng xử của một cá nhân, mà lại làm theo một cách vô thức. Y khoa mệnh danh tình huống này là “lây lan tâm lý“, contagion mentale. (Thành ngữ gần gụi trong tiếng ta là đồng bệnh tương lân).
Bệnh án Nguyễn Hưng Quốc
Ông Nguyễn Hưng Quốc viết một loạt ba bài để bàn về “chống“ và “không chống“. Điểm xuất phát của Ông là kiến giải sau đây: “Thứ nhất, tôi không thích chữ “chống”. “Chống”, trong tiếng Việt, khác với các từ hoặc từ tố được xem là tương đương trong tiếng Anh như “fight”, “against”, “counter-” hay “anti-”, thường gợi lên hai ấn tượng chính: một, gắn liền với tổ chức, và hai, có tính chất bạo động.“. Nhận xét về tiền đề này trong lập luận theo kiểu Nguyễn Hưng Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái viết: “Nguyễn Hưng Quốc không “chống vì từ “chống“ có hàm ý: (a) đứng vào một nhóm, một tập thể nào đó mà Nguyễn Hưng Quốc thì chỉ muốn đứng một mình, và (b) bạo động, điều mà Nguyễn Hưng Quốc không ưa chuộng. Mình không biết Nguyễn Hưng Quốc lấy những từ tố (semantic features) này từ đâu ra.“ Bệnh lý học cung cấp tương đối dễ dàng lời giải cho thắc mắc của Tiền sĩ Nguyễn Văn Thái.
Cung cách trình bày lý luận của ông Nguyễn Hưng Quốc có giá trị rất lớn trong chẩn đoán tâm thần học. Vừa mới bảo là không thích từ “chống“ nhưng ngay trước đó - trong đầu đề bài viết - chính mình lại viết “chống“ rồi sau đó, ung dung viết “không chống“. Triệu chứng học tâm thần cho biết tác giả mắc bệnh loạn trí năng (dysgnosie), loạn trí nhớ (dysmnésie); nói nôm na là viết sau quên trước. Là nhà giáo giảng dạy Việt ngữ ở bậc Đại học Úc Đại Lợi nhưng ông Nguyễn Hưng Quốc sử dụng dấu phấy, dấu chấm và chữ “và“ trong câu văn Việt ngữ sai văn phạm, như tác giả Vũ Trọng Khải chỉ rõ. Đây là triệu chứng dysgrammatisme (thất điều ngữ pháp). Mắc chứng thất điều ngữ pháp, bệnh nhân dùng những chữ vô nghĩa, bố trí từ hỗn loạn, không có liên quan ngữ nghĩa, bất tuân cú pháp, bất chấp ngữ pháp. Có người bênh vực ông Nguyễn Hưng Quốc và cho rằng viết theo kiểu như thế mới là thông thái, cao siêu, tài ba. Không phải vậy. Ngôn ngữ có những qui ước phải được tôn trọng, hành văn có những những luật lệ phải được tuân thủ. Viết sai văn phạm không phải là thông thái, càng không phải là trí tuệ. Cũng có khi khoa tâm thần học dùng thuật ngữ dysgraphie (loạn năng viết) để chẩn đoán bệnh ông Nguyễn Hưng Quốc. Dysgraphie hàm nghĩa khả năng diễn tả ý tưởng qua cách viết câu văn, qua cách viết ra chữ bị tổn hại.
Ông Nguyễn Hưng Quốc thuộc lòng thơ Trần Tiến Dũng. Ông rất tâm đầu ý hợp với thành quả thi ca của ông Trần Tiến Dũng. Bài thơ Ông nhẩm đọc tại phi trường Nội Bài chẳng những có nhiều chữ “đái“ (hiểu là thải nước tiểu ra khỏi cơ thể) mà còn có thêm câu: “và cầm cặc nhịp nhịp từng giọt.“ Ngòi bút có bản lãnh không kiêng sợ từ ngữ thô tục bất nhã. Thô tục nhưng đúng chỗ có sức mạnh riêng của nó, bất nhã mà đắc địa có tính đa năng của nó. Nhưng thơ Trần Tiến Dũng không đạt được các tiêu chuẩn này; trái lại nó biểu thị tính pervers của tác giả, và cụ thể hơn nữa, nó là triệu chứng perversion sexuelle, loạn dâm; đương nhiên là trong suy tưởng, không phải là qua hành động. Bệnh nhân pervers có những thác loạn trí năng đa dạng. Họ có thể có những luận điểm phản xã hội, chống cộng đồng (luận điểm “không chống cộng“). Họ có thể hiểu sai nội dung của một vấn đề (ngày nay nhân loại “không chống cộng mà chống toàn trị“), họ có thể giảng sai ý nghĩa của một từ ngữ (“chống“ là bạo lực, là tập thể). Họ có xu hướng hành động sai đường lối, họ dễ “lạc đường“. (Lạc đường theo kiểu Đào Hiếu, không phải Lạc đường vào lịch sử theo kiểu Nguyễn Mạnh Côn).
Bệnh án Vũ Ánh
Trước đây ông Vũ Ánh từng nêu nghi vấn rằng nếu Miền Nam thắng cộng sản thì có thể người cộng sản sẽ bị người quốc gia đày đọa, hành hạ, ngược đãi còn hơn người cộng sản đã hành xử đối với người quốc gia sau ngày 30.04. Tôi đã có bài “chống“ bài viết này.
Mới dây, Ông lại có bài viết về cuốn sách Đức, A reporter's love for a wounded people / Đức, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương. Tác giả sách này là Uwe Siemon-Netto, một phóng viên chiến trường gốc Đức. Sau đây là trích đoạn thứ nhất từ bài viết của ông Vũ Ánh: “Những phụ nữ và trẻ thơ chết trong Tết Mậu Thân ở khắp nơi tại miền Nam hay ở miền Bắc từ sự độc ác của bất cứ phe nào trong cuộc chiến đều đáng thương cả. Họ đều là những thường dân!“.
Tác giả hành văn thiếu chính xác: dịp Tết Mậu Thân chỉ có phụ nữ và trẻ thơ ở miền Nam là nạn nhân, ở miền Bắc không có thảm cảnh đó. Ông Vũ Ánh chứng tỏ có triệu chứng dysgraphie, loạn năng viết. Trích đoạn thứ hai: “Cái ác này (cái ác trong vụ Mỹ Lai, TVT chú) cũng không thua gì cái ác khi những đạn pháo kích của Cộng quân bắn một cách bừa bãi vào trường tiểu học Cai Lậy năm 1971 hay vào bất cứ khu vực đông dân cư nào thời chiến tranh. Ấy thế mà khi sang đây, ở đất nước Mỹ, ở thời đại văn minh của các phương tiện truyền thông mà còn có một cựu ký giả như tác giả cuốn sách nói trên phân biệt cái ác có chính sách và cái ác không phải là chính sách. Phân biệt nặng nhẹ từ những hành động tàn ác thì không nói làm gì, nhưng thiên lệch và biện minh cho cái ác là điều khó chấp nhận.“
Trước hết, Siemon-Netto không hề biện minh cho cái ác. Chia sẻ công luận, tác giả người Đức lên án phe quốc gia trong hai trường hợp: vụ thảm sát Mỹ Lai và hành động giết tên đặc công Việt cộng của tướng Nguyễn Ngọc Loan. Chỉ có hai tình huống đó. Tôi nghĩ giả thử ông Vũ Ánh muốn hài tội thêm phe quốc gia thì Ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách đưa thêm bằng chứng liên quan đến những hành động tàn bạo của Miền Nam hay Đồng minh. Trong khi đó Việt cộng không những chỉ tàn sát đồng bào Huế vào dịp Tết Mậu Thân và giết trẻ thơ ở trường tiểu học Cai Lậy mà còn bắn giết đồng bào vô tôi vạ qua ném lựu đạn vào đêm lửa trại tại sân vận động Qui Nhơn, qua nả đại bác lên Đại lộ Kinh hoàng, qua “cường tập“ vào đoàn người rút chạy khỏi Pleiku, qua đánh bom giết cả trẻ sơ sinh ở nhà hàng Mỹ Cảnh v.v.. Ngoài ra còn nhiều vụ khủng bố thanh toán “phản động“ mà nạn nhân là những Lê Minh Trí, Nguyễn Văn Bông, Trần Anh v.v.. Đó là nói về con số nạn nhân.
Nhưng quan trọng hơn là cung cách ứng xử của hai phe khi phạm “cái ác“. Viên trung úy người Hoa Kỳ trong vụ Mỹ Lai phải ra toà án quân sự. Tướng Nguyễn Ngọc Loan không hề nhận được một hình thức tưởng thưởng nào. Trái lại, tên đặc công ném lựu đạn khủng bố vào sân vận động Qui Nhơn hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Những tên chỉ huy quân đội Việt cộng nả đại bác vào thường dân trên đường trốn chạy loài quỉ đỏ đều được lên cấp thăng chức. Cái ác phe quốc gia vẫn mang tính nhân bản, nó tuân phục lương tri, nó chịu phép pháp lý. Cái ác của cộng sản là thứ ác phi nhân, là loại ác thú tính, là kiểu ác được Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tố Hữu đề cao. Tôi thách ông Vũ Ánh kiếm tìm được tác giả hay tác phẩm nào thuộc thư tịch Miền Nam có những thành quả trí tuệ thuộc loại của cộng sản mà tôi vừa kể. Ở đây, ông Vũ Ánh, y như ông Nguyễn Hưng Quốc, hiểu sai nội dung cái ác. Ông là một bệnh nhân pervers, trí năng Ông bất bình thường, nói đúng ra là thác loạn. Trong chiến tranh quốc-cộng vừa qua, có ba cấp độ tàn ác. Tàn ác nhất là Việt cộng, thứ đến là đoàn quân viễn chinh Pháp (đốt nhà, hãm hiếp, chặt đầu) và thứ ba mới đến quân đội Đồng minh. Quân lực Việt Nam Cộng Hoà không hề ác. Từng là phóng viên chiến trường, ông Vũ Ánh biết rõ hơn ai hết điều này.
Chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã cưu mang, đào tạo, ưu đãi ông Vũ Ánh. Từ tận cùng vô thức, từ vực sâu tàng thức, Ông dành cho chế độ Miền Nam nhiều cảm tình. Ông biết ơn chế độ quốc gia. Nhưng nay Ông bỗng dưng quay lại chống báng tập thể tỵ nạn, đả kích cộng đồng lưu vong, phê phán Vietnamese diaspora. Hiện giờ nơi bệnh nhân Vũ Ánh tồn tại cùng một lúc hai tình cảm, hai thái độ trái ngược nhau đối với đồng hương quốc ngoại. Ông vừa yêu vừa ghét cùng một đối tượng tâm lý. Chung qui cũng vẫn lại là ambivalence. Thực ra tính hai chiều của tình cảm vốn là bình thường nhưng nếu không vượt qua được mâu thuẫn tâm thần thì nó trở thành bệnh lý. Trong các tâm bệnh thường có những trường hợp như vậy, yêu và ghét, khẳng định và phủ định; khiến bệnh nhân không thể lựa chọn một thái độ dứt khoát mà trở thành lưỡng lự, nửa nọ nửa kia.
“Post traumatic syndrome"
Khoa tâm bệnh lý (psychopathologie) cố gắng mô tả một cách có hệ thống và phân loại các bệnh chứng tâm lý. Mức độ rối loạn tâm thần có thể đạt cường độ gây nên một hội chứng rõ nét, kéo dài, gây rối trong cuộc sống nhưng chưa làm tan rã nhân cách. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “nhiễu tâm“ (névrose). Phân tích những căn nguyên gây rối loạn tâm lý còn phải tìm cách xác định cơ chế bệnh sinh, tức quá trình hình thành các triệu chứng. Thông thường có thể phân biệt những cơ chế thần kinh bên cạnh những cơ chế tâm lý. Cơ chế thứ nhất do những tổn thương hệ thần kinh gây ra (ví dụ sau tai biến mạch máu não), triệu chứng học tương đối rõ ràng, đơn giản.
Cơ chế thứ hai thuộc lĩnh vực tỳ vết tâm linh, thường đa dạng, phức tạp. Phản ứng của người bệnh có thể mang dạng thức bù trừ, thoái lùi, thu mình, tự ti, tự vệ; hay ngược lại, người bệnh có thể phản ứng hung hăng, thách đố, tấn công, khiêu khích, gây hấn. Có trường hợp nạn nhân chuyển sang chí hướng tìm về với tôn giáo. Lập luận của ông Vũ Ánh và/hoặc chủ trương của ông Nguyễn Hưng Quốc tựa hồ muốn khích bác công luận, quấy nhiễu số đông thuộc tình huống thứ hai (tần công, gây hấn). Phân tâm học chủ xướng đây đều là những hình thái của vô thức bị dồn nén nên tìm cách biểu lộ bằng những hành vi bất thường nhằm giải toả các xung đột thầm kín bên trong. Nhật Tiến, Nguyễn Ngọc Ngạn giống Vũ Ánh, Nguyễn Hưng Quốc.
Lưu vong là một hoàn cảnh bất thường. Tỵ nạn là một thách đố số mệnh. Hầu hết những người tỵ nạn lưu vong đều mang những chấn thương tâm thần. Thư tịch y khoa nghiên cứu vấn đề này rất đầy đủ và gọi chung các rối loạn tâm lý do ly hương, tù đày, gia cảnh tan nát, thất thoát tài sản, hội nhập khó khăn v.v..là hội chứng hậu chấn thương, post traumatic syndrome (PTS), còn gọi là post traumatic stress disorder (PTSD). Nói chung, tác động mạnh mẽ của những hoàn cảnh sống bất lợi đối với bản thân trên những vùng đất lạ không hay ít hiếu khách thường gây nên tình trạng tinh thần suy sụp, có khi đột ngột, lắm khi tiệm tiến.
Gia đình tôi đến Đức tháng hai năm 1984. Cơ quan Hồng Thập Tự và Trung tâm Độc Lập thấy ngay nhu cầu phải tìm hiểu về những rối loạn tâm thần ở người tỵ nạn Việt Nam trên đất Tây Đức (độ đó nước Đức chưa thống nhất) và cá nhân tôi được lựa chọn để làm công việc này. Công trình nghiên cứu hoàn tất được công bố trên tạp chí Độc Lập số tháng ba năm 1988, được đài phát thanh BBC truyền bá về Việt Nam và được chuyển sang Đức ngữ để in vào một chuyên san nhân dịp kỷ niệm thập niên thành lập Trung tâm Độc Lập năm 1990. Đồng thời bệnh viện tôi làm việc là một bệnh viện chuyên về y khoa tâm-thể, nhận điều trị những ca bệnh lý với biểu hiện là thực thể nhưng về căn nguyên thì các yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng.
Cho nên chắc thế nào cũng có khía cạnh méo mó nghề nghiệp ở đây. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nhị vị Vũ Ánh và Nguyễn Hưng Quốc vẫn đang cùng đứng chung hàng ngũ chống cộng với tôi. Tôi không tin rằng cái gọi là Nghị quyết 36 chi phối được nhị vị. Riêng đối với ông Nguyễn Hưng Quốc, tôi không tán thành quan điểm cho rằng ông Quốc viết ba bài “chống và không chống“ là nhằm mong có ngày Việt cộng cho phép ông về Việt Nam. Đối với tôi, nếu ông Quốc cần về Việt Nam thì chính Việt cộng cũng cần Ông về vì như thế, cả hai bên đều có lợi. Huống chi ông Nguyễn Hưng Quốc và ông Vũ Ánh đều có những đóng góp hữu giá cho thư tịch và báo chí trong tinh thần thượng tôn tự do dân chủ. Tác phẩm Văn học Việt Nam dưới Chế độ Cộng sản, Nhà Xuất bản Văn Nghệ, 1991, là một công trình biên khảo khá công phu của ông Nguyễn Hưng Quốc, dẫu được viết vào thời điểm Ông còn “chống cộng“. Phần ông Vũ Ánh thì chắc cũng từng có bài viết bình tâm, bình thường, công minh, chính trực.
Nói tóm và nói gọn, tôi không mặn mà với cách nhìn theo đó hai ông Vũ Ánh và Nguyễn Hưng Quốc đã rời bỏ thế đứng của người quốc gia vì những lý do chính trị. Với tôi, lý do quan trọng nhất là lý do bệnh lý. Hai ông cần sự thông cảm. Hai ông cần được chia sẻ tâm tư.
Công luận hải ngoại nên là môi trường dưỡng trí cho hai ông Vũ Ánh và Nguyễn Hưng Quốc.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Trích dẫn hình minh họa từ Internet