Vẽ tranh trên lụa là một kỹ thuật đã hiện diện từ nhiều thế kỷ trong ngành hội họa Việt Nam. Có hai kỹ thuật vẽ tranh lụa.

 

Kỹ thuật cổ truyền thống được vẽ trực tiếp trên lụa khô.

 

Kỹ thuật hiện đại bắt đầu từ thập niên 1930, áp dụng nhuộm đi nhuộm lại mầu lên mặt lụa.

 

Lụa vẽ thường là lụa tằm. Gần đây đã sản xuất loại lụa chuyên dùng để vẽ tranh, mỏng và hơi thưa, nhìn rõ thớ lụa.

 

Trước khi vẽ, lụa phải được căng trên khung và phết một lớp hồ loãng. Người vẽ rửa qua lớp hồ này để bột mầu có thể ngấm vào thớ lụa.

 

Mầu dùng vẽ lụa là mầu nước, phẩm hay mực nho. Sau này, người ta cò dùng những họa phẩm đục, dầy hơn như tempera, mầu bột, phấn mầu…

 

 

 

Việt Nam hiện nay có một số tranh lụa cổ rất qúy.

 

Cổ nhất là chân dung Nguyễn Trãi và Phùng khắc Khoan. Sau đến chân dung Quang Trung giả và chân dung bốn danh sĩ họ Phan huy: Phan huy Cẩn, Phan huy Ích, Phan huy Thục và Phan huy Vinh. Cuối cùng là chân dung Nguyễn văn Siêu và Thụy trung hầu Trịnh đình Kiên.

 

 

Chân dung NGUYỄN TRÃI

 

Hiện trưng tại Viện Bảo Tàng Lịch sử ở Hà Nội. Vẽ vào thời nhà Lê, không rõ tác giả.

 

Nguyễn Trãi sanh năm 1380, quê ở Chí Linh Hải Dương. Ông là tác giả bài hịch Bình Ngô Đại Cáo theo phò Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xây dựng lên nhà Lê.

 

Ông để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, trong đó phải kể đến Lam Sơn thực lục, Vĩnh lăng thân đạo bi (bia), Dư địa chí và Ức trai thi tập.

 

Năm 1442, thời vua Lê thái Tông ông bị án Lệ chi Viên và bị tru di tam tộc.

 

Đến năm 1464, vua Lê thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

 

 

Chân dung PHÙNG KHẮC KHOAN

 

Ông sinh năm 1523 tại Hà Tây và mất năm 1613.

 

Tục gọi là Trạng Bùng, ông làm quan dưới thời chúa Trịnh Kiểm và vua Lê thế Tông và Lê kinh Tông. Năm 1613, ông được cử đi sứ bên Trung Quốc. Khi trở về, ông truyền nghề dệt the lượt và trồng ngô trồng vừng cho dân ta.

 

Ông biên soạn nhiều bản văn thơ, trong đó có Ngôn chi thi tập và Mai lĩnh sử hoa thi tập. Bài vị hiện để thờ tại chùa Tây Phương Hà Nội.

 

 

Chân dung vua QUANG TRUNG giả

 

Năm 1790, vua Càn Long nhà Mãn Thanh triệu vời vua Quang Trung sang triều kiến để ăn mừng bát tuần thượng thọ. Vua Quang Trung, vì năm trước mới đánh bại quân Thanh, bèn cử một phái đoàn trong đó có một người giả dạng nhà vua. Triều đình Mãn Thanh tiếp đón phái đoàn theo đúng nghi lễ và cho họa sĩ vẽ chân dung của ông vua… giả! Bức tranh này hiện được cất giữ trong kho tàng cổ họa của Mãn Châu.

 

 

Chân dung PHAN HUY ÍCH

 

Tên thật là Phan công Huệ, ông thuộc một giòng họ lớn ở Hà Tĩnh rất giàu truyền thống văn chương khoa bảng. Ông sinh năm 1751 và mất năm 1822 tại quê nhà. Ông làm quan cho nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn. Ông hoàn chỉnh bản dịch Chinh phụ ngâm của Đặng trần Côn.

 

Trong 4 danh sĩ Phan huy chỉ kiếm được chân dung tranh lụa của Phan huy Ích.

 

 

Chân dung NGUYỄN VĂN SIÊU

 

Chân dung này do một họa sĩ Trung Hoa vẽ hiện lưu trữ tại sở Văn Hóa Hà Nội.

 

Ông sinh năm 1799 tại Thanh Trì Hà Nội và mất năm 1872. Ông là bạn thân của Cao bá Quát, hai người đều nổi tiếng văn hay chữ tốt:

 

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

 

Ông làm quan dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức. Ông là người cho bắc cầu Thê Húc và xây cất Bút Tháp Đài Nghiên cạnh Hồ Gươm.

 

 

Chân dung Trịnh đình Kiên

 

Chỉ biết ông là Thụy trung Hầu. Chưa kiếm ra tiểu sử. Mong có ngày bổ túc.

 

Còn 2 bức tranh lụa Ông Nghè vinh quy và Tiếp sứ thần hiện treo ở Viện Bảo Tàng Mỹ thuật Hà Nội thì sẽ có người gửi hình qua nay mai.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1/Phan cẩm Thượng (họa sĩ). Tranh lụa từ truyền thống đến hiện đại. Đại học Mỹ Thuật Sài gòn.

2/Wikipedia. Tranh lụa.

 

 

Bình Ngô Đại Cáo