Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Loading
Xuân Này Con Không VŠ
TT_050213_BINH
Nguyễn Mạnh Tiến QYHD/19

        Trong gia đình tôi, ngày Tết luôn luôn là một ngày truyền thống trọng đại trong suốt năm. Đi đâu thì đi, vào tối Giao Thừa, Bà ngoại, Bố Mẹ và tất cả các anh chị em tôi đều có mặt trong bữa cơm cuối năm thịnh soạn, bên bàn thờ gia tiên đã được sửa soạn trang trọng và tươm tất. Cơm nước xong, chúng tôi ngồi quây quần vừa cắn hạt dưa ăn bánh mứt, vừa trò chuyện, rồi bầy cuộc rút bất xem thử hên xui, chờ đón Giao Thừa.

        Năm nào cũng vậy, trước khi đồng hồ điểm 12 giờ khuya một chút là Bố tôi, áo quần tề chỉnh, mở cửa ra đường đi bộ một quãng, canh đúng giờ Giao Thừa là quay về gõ cửa, tự xông đất nhà mình. Bà ngoại, Mẹ tôi và chúng tôi đã chờ sẵn để mở cửa đón ông, rồi mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới. Bố tôi mở một chai champagne, rót cho cả nhà uống để tiễn năm cũ và đón mừng năm mới. Những chiếc bánh chưng đầu tiên trong năm được mở ra, ăn chung với dưa món, giò chả, thịt đông, là những món ăn truyền thống ngày Tết. Rồi canh bất lại được tiếp tục trong tiếng cười đùa vui vẻ. Cũng có năm tôi đi cùng Bố Mẹ lên chùa Xá Lợi hoặc chùa gì tôi quên mất tên gần vườn Tao Đàn để lễ Phật và hái lộc đầu Xuân. Chẳng năm nào mà chúng tôi đi ngủ trước 2 giờ sáng.

        Vậy mà sáng mồng Một Tết, vào khoảng 8 giờ là cả nhà đã lại quần áo chỉnh tề, tụ họp trong phòng khách để chính thức chúc Tết Bà ngoại, Bố Mẹ và nhận những phong bao mừng tuổi đỏ chót, cho dù đã lớn. Sau đó tôi chở Bố Mẹ đi chúc Tết những bậc trưởng thượng trong họ suốt buổi sáng. Buổi chiều ngày mồng Một thì Bố Mẹ tôi ở nhà để tiếp bà con cấp nhỏ hơn đến chúc Tết . Còn tôi thì tự do. Hồi còn nhỏ thì mấy anh em đi chơi loanh quanh, lắc bầu cua, đánh bài cào với bọn trẻ hàng xóm. Lớn hơn thì đi chơi với bạn. Sau này thì thường chạy lên nhà người yêu chúc Tết ông bà nhạc tương lai, và ở chơi đến tối. Năm nào cũng vậy, với tôi Tết luôn luôn là một dịp tụ hội đầm ấm của cả gia đình, và là dịp mọi người gặp gỡ, chúc tụng lẫn nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới.

        Cuối năm 1973, tôi tốt nghiệp Bác sĩ từ trường ĐH Y Khoa Saigon. Vì đã gia nhập Quân Y ngay từ năm thứ nhất YK, đã qua huấn luyện quân sự căn bản, nên khác với các bạn dân y trong cùng lớp, chúng tôi chọn chỗ và đáo nhậm đơn vị ngay. Tôi chọn binh chủng Biệt Động Quân vì muốn phục vụ và sống trong một đơn vị chiến đấu để thực sự biết được thế nào là chiến tranh, thoả chí tang bồng và óc tò mò của một thanh niên còn "hăng tiết vịt"!

        Đơn vị tôi trú đóng tại An Lộc, thị xã của tỉnh Bình Long. Sau mùa hè đỏ lửa, mặc dù quân ta tái chiếm được An Lộc, nhưng quốc lộ 13 là con đường độc đạo thông thương nối Bình Long với Sài Gòn bị lực lượng Việt Cộng cắt đứt, biến An Lộc thành một ốc đảo cô lập, ra vào chỉ bằng phương tiện duy nhất là trực thăng.

        Ngồi trên trực thăng bay vào An Lộc lần đầu, thú thật là tôi không mấy gì hào hứng. Từ cao độ 4,000 feet nhìn xuống, chỉ thấy bát ngát một màu xanh của rừng, màu xám của núi phía xa, và lỗ chỗ những hố bom đỏ lòm, vì đây là miền đất đỏ. Bay giữa ban ngày mà bỗng nhiên trực thăng thả liên tiếp khoảng chục trái hỏa châu. Thấy tôi ngơ ngác, một anh lính đi phép về trong cùng chuyến bay giải thích rằng đấy là biện pháp để chống hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 do địch bắn lên phi cơ, để nếu có xẩy ra thì hỏa tiễn sẽ nhắm vào mấy trái hỏa châu nóng đỏ rực kia mà tấn công. Đó là bài học thực tế chiến trường đầu đời của tôi, nghe cũng hơi lạnh xương sống!

        Đơn vị tôi đóng ở ngay gần trung tâm thị xã, nơi một căn cứ cũ của quân đội Hoa Kỳ, gồm một số hầm kiên cố đào sâu xuống đất. Ngày nào địch cũng pháo kích, nên mọi sinh hoạt của đơn vị đều diễn ra dưới mặt đất, từ Trung Tâm Hành Quân, các Ban Truyền Tin, Tiếp Liệu ..vv kể cả Ban Quân Y của tôi, đều có hầm riêng để làm việc. Hầm QY khá rộng rãi, ngoài chỗ ngủ cho nhân viên còn có 15 giường cho thương bệnh binh, từ các Tiểu Đoàn BĐQ đóng chốt ngoài vòng đai thị xã chuyển về. Việc khám bệnh, chữa bệnh...vv đều xẩy ra trong hầm, thường khi có việc gì cần mới lên mặt đất. Mới đầu thì tôi thấy tù túng khó chịu, sau cũng quen dần.

        Sau này dạn dĩ hơn, tôi đi vòng vòng quan sát quang cảnh điêu tàn của thành phố. Thị xã An Lộc sau mấy tháng chịu hàng trăm ngàn quả pháo của quân Cộng nã vào, đã thành bình địa, không còn một cao ốc, một ngôi nhà nào nguyên vẹn.. Những ngôi nhà không còn mái, tường sập loang lổ, cột rui bằng gỗ cháy đen. Rải rác trong nhiều con đường là những xác xe tăng địch bị quân ta bắn cháy. Cả thành phố chỉ còn toàn là quân nhân thuộc các đơn vị BĐQ, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Không có bóng dáng của một người dân nào: họ đã được di tản về Lai Khê và Bình Dương ngay từ khi cuộc tấn công của VC bắt đầu. Độc nhất chỉ còn một quán bán cà phê của bà Năm Gù, có hai cô con gái tuổi đôi mươi tên là cô Tính và cô Toán, hai bóng hồng duy nhất của An Lộc, và dĩ nhiên là đối tượng của hàng nghìn cây si quân đội.

        Trong Ban QY Liên đoàn của tôi có độ 20 hạ sĩ quan và binh sĩ. Khoảng 5, 6 người ở lại hậu cứ tại Long Bình lo sổ sách và tiếp vận. Số còn lại lên An Lộc hành quân, cứ vài tháng lại hoán đổi với toán hậu cứ. Hóa ra lính lại sướng hơn quan, cứ vài tháng ở rừng lại được về nghỉ khỏe vài tháng ở hậu cứ, trong khi xếp của họ là tôi phải nằm ở hành quân mút mùa Lệ Thủy, vì là bác sĩ duy nhất của Liên Đoàn!

        Ngày lại ngày, đời sống trôi qua nhàm chán. Có những lúc chiến trường sôi động, thầy trò bận rộn muốn khùng luôn khi thương binh di tản về nằm đầy dưới hầm Bệnh xá. Cũng có những thời gian thật rảnh rỗi, Bệnh xá chỉ có dăm ba bệnh binh bị thương nhẹ, sốt rét hay đau ốm nên ít công việc, thầy trò chúng tôi tiêu khiển bằng cách đánh cờ, đánh domino hay binh xập xám. Ăn uống thì vô cùng thanh đạm: có ban ẩm thực nấu ăn ngày hai bữa cho các sĩ quan Liên đoàn, có canh tôm khô nấu với rau tiếp tế hàng tuần từ hậu cứ (thường đã héo queo), và chủ yếu là thịt hộp Quân tiếp vụ.

        Lên đơn vị được vài tháng là đã cận Tết. Xếp đã ra lệnh: các sĩ quan đều phải ở lại, không ai được về phép ăn Tết vì đơn vị cấm trại, cảnh giác tối đa, đề phòng địch thừa cơ hội tấn công như hồi Tết Mậu Thân.

        Tết năm ấy là Tết đầu tiên trong đời mà tôi phải xa nhà. Ngày 30 Tết, trừ mấy quân nhân có nhiệm vụ canh gác, doanh trại vắng hoe. Trời nóng như thiêu, nên quan cũng như lính ai nấy đều chui xuống hầm để tránh cơn nóng và gậm nhấm nỗi buồn của người lính trấn thủ lưu đồn. Chiều đến, vài người bạn sĩ quan trong Liên Đoàn kéo xuống hầm QY chơi với tôi. Có một chai whisky Nhật rẻ tiền, hiệu "Four Seasons" do một anh may mắn được về phép mới lên mang theo, chia nhau 4,5 mạng nhậu với cá khô, vèo cái đã hết, chẳng thấm vào đâu. Ngồi nói dóc suông mãi cũng chán, anh em lần lượt ra về. Đến chập choạng tối chỉ còn mình tôi nằm khoèo trong hầm, nghĩ đến gia đình giờ này đang tíu tít lo sửa soạn đón Giao thừa, nhớ người yêu, nhớ không khí Tết gia đình đầm ấm, lòng buồn như chấu cắn!

        Tôi thiếp ngủ lúc nào không biết, và chợt thức dậy khi nghe tiếng hát và tiếng đàn guitare vang lên trong căn hầm. Tôi rời chỗ ngủ bước ra ngoài. Dưới ánh điện le lói của chiếc đèn nhỏ chạy bằng pin truyền tin, một chú bệnh binh ngồi trên ghế bố vừa ôm đàn vừa hát, chung quanh là một số thương bệnh binh và nhân viên Ban QY. Chú đang hát bài "Xuân Này Con Không Về". Tài nghệ đàn hát của chú đúng ra là...dưới trung bình. Thế nhưng, dàn thính giả của chú, kể cả tôi mới vừa gia nhập, tên nào tên nấy mặt thưỡn ra dài ngoẵng, có tên còn rưng rưng nước mắt!
    
         "Con biết Xuân này Mẹ chờ tin con
        Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
        Năm trước con hẹn rằng con sẽ về
        Nay én bay đầy trước ngõ
        Mà riêng con vẫn xa ngàn xa...
        Nếu con không về chắc Mẹ buồn lắm
        Mái tranh nghèo không người sửa sang...
        Mẹ ơi con xuân này vắng nhà..."

Chú lính hát xong bài, thính giả hoan hô nhiệt liệt, yêu cầu hát tiếp. Chú chơi tiếp bài "Đồn Vắng Chiều Xuân":

        " Đầu xuân năm đó anh ra đi
        Mùa xuân này đến anh chưa về
        Những hôm vừa xong phiên gác chiều
        Ven rừng kín hoa mai vàng
        Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ...
        Mùa hoa năm đó ta chung đôi
        Mùa hoa này nữa xa nhau rồi
        Nhớ đêm hành quân, thân ướt mềm
        Băng dòng sông loang trăng đầy
        Lòng ước muốn vớt ánh trăng thề viết tên em...
        Đồn anh đóng ven rừng mai
        Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa
..."

       Ở cái xứ khỉ ho cò gáy, khô cằn sỏi đá này, rừng thì rặt lồ ô xen lẫn những đồn điền cao su, đào đâu ra "én bay đầy trước ngõ ", "mai đào nở vàng trên nương " với "ven rừng kín hoa mai vàng " như mấy ông nội nhạc sĩ giàu tưởng tượng viết ra! Những bài hát này, dạo trước tôi xếp vào loại "nhạc sến", cho là bình dân rẻ tiền, không có giá trị nghệ thuật. Ấy thế mà hôm nay nghe mấy bài này, do một chú lính kém tài năng trình diễn, tôi lại thấy lòng chùng hẳn xuống, cảm động muốn khóc, vì chúng đánh đúng vào tâm trạng cô đơn của một tên lính xa nhà khi Tết đến!

        Mùa Tết năm sau tôi cũng bị giữ lại An Lộc vì chiến trường đầu năm 1975 rất khốc liệt. Rồi Cộng sản vào chiếm trọn miền Nam, do đó mấy mùa Tết liền tôi cũng không có mặt ở nhà, vì mắc đi... tù tập trung cải tạo! Ra khỏi nhà tù nhỏ năm 1978, mặc dù đã về với gia đình nhưng vài cái Tết trong Nhà Tù Lớn (là cả nước VN bị đầy đọa trong gông cùm CS) không để lại trong ký ức tôi những kỷ niệm tốt đẹp. Không khí đầm ấm, vui tươi của những mùa Xuân ngày cũ không còn nữa. Thay vào đó là những cái Tết gượng gạo trong lo âu và căng thẳng, vì luôn chỉ băn khoăn kiếm đường vượt biên.

        Năm 1980, tôi cùng vị hôn thê - nay là bà xã - từ Saigon xuống Rạch Giá, lên chiếc ghe nhỏ mỏng manh thẳng đường ra biển, và may mắn đến được bờ bến tự do. Từ khi định cư ở nước Úc, năm nào chúng tôi cũng cố gắng tổ chức Tết theo truyền thống Việt Nam, ráng hết sức để tạo không khí Tết trong gia đình. Tối 30 Tết bao giờ cũng phải có bàn thờ cúng tổ tiên, cúng ông Táo tươm tất. Cả nhà sẽ thức đón Giao thừa để chúc Tết lẫn nhau. Ngày mồng Một Tết, không ai đi làm hay đi học (từ lúc các cháu còn nhỏ cho đến khi lên Trung học, Đại học...vv, chúng tôi đều báo và xin phép nhà trường cho các cháu nghỉ học), mặc quần áo chỉnh tề chính thức chúc Tết. Làm như thế mỗi năm, chúng tôi mong các con cũng theo gương đó mà sau này may ra còn giữ được chút hơi hướm gì gọi là văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt. Nhưng cho dù có cố gắng đến đâu chăng nữa, không bao giờ tôi tìm lại được những cảm giác êm đềm và ấm cúng của những mùa Xuân năm cũ tại thành phố Saigon thân yêu, khi gia đình sum họp đầy đủ cha mẹ và các anh chị em.

        Xa quê hương đã hơn 30 năm chưa một lần trở về, tôi vẫn mơ hoài đến một ngày tươi sáng, khi quê hương không còn quằn quại dưới ách cai trị của tập đoàn độc tài CSVN. Khi đó, gia đình tôi chắc chắn sẽ về lại Saigon để ăn một cái Tết có lẽ là sung sướng nhất trong đời, trên một đất nước Việt Nam thực sự tự do dân chủ. Đó là giấc mơ to lớn nhất, là nguyện vọng thiết tha nhất của chúng tôi.

        Trước cao trào đấu tranh đòi dân chủ ngày một lớn mạnh của người Việt trong nước, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của giới trẻ quốc nội, cộng thêm sự hỗ trợ bền bỉ của người Việt hải ngoại, tôi tin chắc rằng ngày sụp đổ của CSVN sẽ không còn xa nữa.

        "Thế khó Bỉ rồi thời lại Thái
        Cơ thường Đông hết lại sang Xuân..."

        Ngày huy hoàng ấy của dân tộc VN chắc chắn sẽ đến trong tương lai gần! Mong lắm thay!


Nguyễn Mạnh Tiến