Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com



PHẦN THỨ NHẤT


MẶT TRẬN BIÊN GIỚI TÂY NAM

CHƯƠNG 8:                      
                                

Cu¶c chi‰n ViŒt-Miên-Hoa 1979-1989 Hoàng Dung
 

Tình Hình Chính Trị Ngoại Giao Ba Nước Việt - Miên - Hoa Trong Năm 1978
      
Trong hai tháng đầu năm 1978, bộ Chính Trị trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh, bàn về cách đối phó với tình thế mới. Cuộc họp đã đưa ra những quyết định quan trọng: đối phó quyết liệt hơn với Campuchia, đương đầu với Trung Hoa, giải quyết vấn đề người Việt gốc Hoa để trừ mối hoạ “thù ngoài giặc trong”, liên minh chặt chẽ với Liên Xô để được hậu thuẫn trong việc đối phó với Trung Hoa và được viện trợ về quân sự, kinh tế, tăng cường đấu tranh ngoại giao và tuyên truyền, nhất là đối với Hoa Kỳ và các quốc gia trong khối ASEAN.

Trước hết, việc Campuchia đoạn giao với Việt Nam là một bất ngờ và suy thoái ngoại giao của Việt nam. Còn đang được sự thương hại của nhiều nước trên thế giới vì đã có vẻ như ở trong tình trạng một nước nhỏ bị nước lớn bắt nạt, Việt Nam giờ đây bị tố cáo mưu toan xâm lấn nước nhỏ láng giềng, mà nước nhỏ này lại là một đồng minh của Việt Nam trước kia. Ngoài ra, cuộc hành quân tiến sâu vào lãnh thổ Campuchia tháng trước cho thấy sức mạnh của quân đội Khmer Đỏ không đáng sợ lắm, nhưng đã làm thái độ của Pol Pot thêm cứng rắn. Không còn cách nào hoà giải được với Campuchia và cũng không thể để cuộc chiến tranh biện giới kéo dài, nó sẽ gây tổn hại quá nhiều về tài nguyên, nhân lực, kinh tế, ngoại giao Việt Nam quyết định phải triệt hạ chính quyền Pol Pot một lần cho xong. Ý định này được sự đồng tình của Liên Xô. Cuối tháng 1-1978, khi tướng Grigoriyevich Pavlovsky, tư lệnh các lực lượng trên bộ của Liên Xô thăm viếng Lào, Võ Nguyên Giáp bay sang tham khảo ý kiến và được khuyên nên dùng quân đội ồ ạt xâm lăng chớp nhoáng Campuchia như Liên Xô đã từng làm khi xâm lăng Tiệp Khắc để hạ bệ thủ tướng cấp tiến Dubcek (1) năm 1968. Việt Nam đã áp dụng biện pháp này, với một bình phong “Mặt Trận Giải Phóng” như đã từng làm trước kia.

Việc thành lập “Mặt Trận”, sau này được gọi là “Mặt Trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Quốc Campuchia” được bộ Chính Trị giao cho Lê Đức Thọ. Mới đầu, mặt trận này gồm những cán bộ Khmer tập kết về Hà Nội năm 1954 chưa trở về Campuchia và đang phục vụ trong quân đội hay các cơ quan của Việt nam như Pen Sovan(2), Chansi, Khang Sarin... cùng với những cán bộ mới đào thoát sang như Hun Sen, Bou Thang (3). Binh sĩ và các cán bộ cấp thấp được tuyển mộ từ những người trốn sang Việt nam tị nạn hay những người Việt gốc Khmer. Những người này được hứa sẽ được giao những chức vụ hành chánh sau khi chiếm được Campuchia. Những trại huấn luyện tân binh được thiết lập tại Vị Thanh, Xuân Lộc. Ngày 22-4-1978, lữ đoàn đầu tiên của Mặt Trận bí mật ra mắt. Tới cuối năm, cùng với một số binh lính của Heng Samrin vừa trốn sang, lực lượng của Mặt Trận có khoảng ba hay bốn tiểu đoàn, được gọi phóng đại lên là lữ đoàn. Các lữ đoàn này được gom lại thành “đoàn 778” do Heng Samrin làm tư lệnh(4). Khoảng tháng 6-1978, một đài phát thanh tiếng Miên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tố cáo tội ác của chính phủ Pol Pot và kêu gọi dân Campuchia nổi loạn.

Cũng như Trung Hoa khi đem quân đánh Việt Nam, đã tố cáo Việt Nam là tay sai Xô Viết, Việt Nam không coi Campuchia là kẻ thù chính, mà đổ hết lỗi cho Trung Hoa là nước đứng sau khuyến khích, xúi dục. Bằng chứng Việt Nam nêu ra là Campuchia đã đoạn giao với Việt Nam ngay sau chuyến viếng thăm Phnom Penh của Trần Hồng Quý, phó thủ tướng của Trung Hoa, và một tháng sau, phó chủ tịch quốc hội Trung Hoa Đặng Dĩnh Châu công khai tố cáo Việt Nam âm mưu phá hoại Campuchia. Một khi đã quyết định ra mặt đối nghịch với Trung Hoa, Việt Nam phải nghĩ đến mối hiểm hoạ của hơn hai triệu người Hoa đang sống ở Việt Nam. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ dân số nhỏ, nhưng người gốc Hoa là một thế lực kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam. Trước năm 1975, vì cần sự giúp đỡ của Trung Hoa, những người Hoa miền Bắc rất được chính quyền Hà Nội coi trọng. Họ được hưởng tất cả quyền lợi của người Việt, nhưng lại không phải đi lính. Trong khi đó, ở miền Nam, người Hoa sống nhiều về buôn bán và họ làm ăn rất phát đạt. Chính phủ Ngô Đình Diệm thời đó có ra một đạo luật bắt người Hoa phải nhập Việt tịch, nếu không sẽ mất môn bài buôn bán. Vì thế đa số đã nhập Việt tịch. Lúc đó Trung Hoa phản đối dữ dội, và bình phong của cộng sản Bắc Việt là Mặt Trận Giải Phóng cũng hùa theo cộng sản Trung Hoa, hứa hẹn sau khi chiến thắng sẽ để cho người gốc Hoa tự do chọn lựa quốc tịch.

Những người cộng sản Việt Nam bắt đầu cảnh giác người gốc Hoa từ khi có cuộc Cách Mạng Văn Hoá ở Trung Hoa năm 1966. Phe quá khích và Hồng vệ binh đã xếp Việt Nam thuộc thành phần “xét lại”. Một số vũ khí Liên Xô đi qua Trung Hoa bị chặn lại. Một số học sinh, sinh viên gốc Hoa ở Bắc Việt cũng tổ chức được một nhóm nhỏ Hồng vệ binh dự định gây náo loạn. Người Hoa lại càng trở nên khả nghi sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Nixon năm 1972. Ngày 30-4-1975, Hoa kiều trong Chợ Lớn đã không chào đón bộ đội Bắc Việt bằng cờ đỏ sao vàng mà bằng cờ cộng sản Trung Hoa với hình Mao Trạch Đông.

Hành động thách đố đầu tiên của chính quyền cộng sản Hà Nội đối với Trung Hoa là việc bắt Hoa kiều phải nhập Việt tịch nếu không sẽ mất hộ khẩu và khẩu phần mua lương thực năm 1976. Lúc đó ở Trung Hoa, đảng Cộng Sản còn đang bận thanh trừng nội bộ và tranh chấp quyền hành nên không phản ứng mạnh. Năm sau, khi tình hình hai nước trở nên gay go, Việt Nam âm thầm trục xuất những người gốc Hoa sống ở những địa phương sát biên giới.
       
Sau khi tình hình nội bộ trong nước của Trung Hoa đã tạm thời ổn định, để đối phó với Việt Nam, chính sách đối với Hoa kiều hải ngoại lần đầu tiên được công bố, qua một bài viết của Liêu Thừa Chí, chủ tịch ủy ban Hoa Kiều Hải Ngoại Vụ, đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 4-1-1978. Liêu Thừa Chí tuyên bố Trung Hoa sẽ giành quyền bảo vệ tất cả các Hoa kiều hải ngoại còn mang quốc tịch Trung Hoa, sẽ giúp đỡ họ nếu muốn trở về quê hương định cư và xây dựng tổ quốc. Còn những người đã thay đổi quốc tịch, Trung Hoa vẫn còn xem họ là họ hàng và bằng hữu. Nhưng Trung Hoa cũng thúc đẩy họ nên thành lập một mặt trận thống nhất chống bá quyền. Đối với Việt Nam, đó là một hình thức kêu gọi nổi loạn, và thấy cần phải phản ứng mạnh. Ngày 24-3-1978, Việt Nam phát động chiến dịch đánh tư sản mại bản trên toàn lãnh thổ miền Nam (chiến dịch này gồm hai đợt, mệnh danh là X1 và X2)(5)
     
Tuy theo thông cáo chính thức của đài phát thanh, chiến dịch này nhằm “triệt hạ những thành phần tư sản, đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, và được phát động đồng đều trên các tỉnh và thị xã miền Nam”, nhưng mục tiêu chính của chiến dịch là những người gốc Hoa trong Chợ Lớn. Từ mờ sáng ngày 24-3-1978, quân đội đã bất ngờ bố trí ở những vị trí trọng yếu, rồi công an, các học sinh đoàn viên xông vào những căn nhà đã được chú ý từ trước, quản thúc những người trong nhà, và lục soát từng hòn đá, từng viên gạch để tìm kiếm và tịch thu tất cả vàng bạc, tiền tệ, của cải. Chủ nhà sau đó bị quy định thành phần và đẩy đi kinh tế mới.  Chỉ trong vòng một tuần, hàng chục ngàn gia dình, đa số là người Hoa bị trắng tay.
       
Trước hành động quyết liệt của Việt Nam, Trung Hoa không thể nào không phản ứng, nếu không sẽ bị mất mặt. Là một nước lớn, từng coi các nước lân bang như chư hầu, từng giúp đỡ dồi dào cho Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam đã ngang nhiên phản bội, công khai thách đố chính sách bảo vệ Hoa kiều hải ngoại mà Trung Hoa vừa công bố hai tháng trước.
      
Trước hết, Trung Hoa ngưng tất cả bảy mươi lăm dự án viện trợ cho Việt Nam, rút hết các chuyên viên về nước. Hành động đó là một biện pháp trừng phạt tương tự như Liên Xô đã dùng đối phó với Trung Hoa năm 1960. Ngày 24-5-1978, Trung Hoa bắt đầu gọi Hoa kiều ở Việt Nam là “nạn kiều”, và tố cáo Việt Nam đã đàn áp và xử tội những nạn kiều này một cách vô cớ. Nhiều Hoa kiều bị lột sạch hết của cải trước khi về đến Trung Hoa. Do sự khuyến khích của Trung Hoa nhằm lũng loạn kinh tế Việt Nam, cũng như sự ngấm ngầm đồng tình của Việt Nam nhằm tống xuất mối hiểm hoạ đạo quân thứ năm, trong tháng 6, hơn 100 ngàn kiều dân Trung Hoa phần đông là thợ mỏ, ngư phủ, thợ lành nghề ở Bắc Việt theo đường bộ vượt biên giới về nước. Đồng thời, để lôi kéo sự chú ý của dư luận thế giới về tình trạng nạn kiều, ngày 26-5-1978, Trung Hoa tuyên bố sẽ gửi hai tàu chuyên chở sang Việt Nam để đón những nạn kiều này về nước.  Kế hoạch đó là một thất bại, Việt Nam tố cáo Trung Hoa định áp dụng chính sách “ngoại giao tàu chiến”, và tuyên bố “biển Đông không phải là cái ao sau của Trung Quốc để tàu Trung Quốc muốn đến là đến, muốn đi là đi”. Sau sáu tuần bỏ neo chờ đợi ngoài khơi, không được vào bờ, hai chiếc tàu đó phải trở về không. Việt Nam được dịp cảnh cáo những nước Đông Nam Á là vì vấn đề Hoa kiều, Trung Hoa sẽ có thể xen vào nội bộ nước họ.
       
Thái độ thù địch đã rõ ràng, Việt Nam công khai đưa ra toà những gián điệp Trung Hoa bị bắt như Lý Nghiệp Phu, Trần Hoạt, Trần Trường Giang. Những người này khai là họ đã hoạt động theo chỉ thị của đại sứ Trần Chí Phương(6). Đồng thời, Việt Nam bắt đầu cho in và phổ biến rông rãi những tác phẩm của Vương Minh(7), một đối thủ cũ của Mao Trạch Đông trong thời kỳ đảng Cộng Sản Trung Hoa mới thành lập. Những cán bộ từng có nhiều quan hệ với Trung Hoa như Hoàng Văn Hoan, ủy viên trung ương đảng, Chu Văn Tấn, tư lệnh quân khu 1, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, Lê Quảng Ba, phó chủ tịch quốc hội, Lý Ban, thứ trưởng bộ Ngoại Thương, lần lượt bị mất chức. Ngoài ra, vì tình hình kinh tế quá tồi tệ, Việt Nam đã nghĩ ra được kế hoạch “vượt biên bán chính thức” để xuất cảng người và thu lợi (kế họach tổ chức lấy tiền giúp vượt biên này được đặt cho một ám danh là “phương án 2”). Từ đó, phong trào thuyền nhân ra đời. Phong trào này, tuy đã giúp cho Việt nam thu vét được một số tiền, và trục xuất được những phần tử không tin cậy, nhưng đã phô bày thực chất của Việt nam và dập tắt hết một số thiện cảm còn lại mà nhân dân thế giới đã dành cho họ.
      
Trong khi Việt Nam âm thầm xếp đặt kế hoạch đối phó với Trung Hoa và triệt hạ chính quyền Pol Pot thì tại Campuchia, những lãnh tụ Khmer Đỏ quyết tâm đẩy mạnh chiến tranh biên giới và bắt đầu thanh trừng hàng ngũ lãnh đạo quân khu Đông. Sau chuyến viếng thăm Campuchia của phó thủ tướng Trần Hồng Quý, bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Hoa gửi một phái đoàn khác gồm những nhân vật ôn hoà hơn, thuộc phe Đặng Tiểu Bình, do Đặng Dĩnh Châu, vợ của cố thủ tướng Chu Ân Lai, và Hàn Niệm Long, thứ trưởng ngoại giao, cầm đầu. Chính sách cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ, cùng với sự thất bại của quân Campuchia trước sức tấn công của quân đội Việt Nam tháng trước đã khiến Trung Hoa muốn Campuchia theo đuổi một đường lối mềm dẻo hơn. Trung hoa khuyến khích Pol Pot nên dùng lại Sihanouk để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng, và gợi ý Campuchia nên thương thuyết với Việt Nam trên căn bản “năm nguyên tắc sống chung hoà bình” mà Trung Hoa từng đề ra.
      
Campuchia cương quyết bác bỏ những đề nghị đó. Đặng Dĩnh Châu không được gặp mặt Sihanouk, và Nuon Chia, trong diễn văn tiếp đón phái đoàn Trung Hoa, đã gián tiếp trả lời là “nhân dân Campuchia kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi phá hoại từ bên trong, hay những hành động khiêu khích và xâm lược từ bên ngoài”. Trước thái độ cứng rắn đó, vì không thể mất đi đồng minh chiến lược Campuchia, Trung Hoa đành phải quay lại đường lối cũ và bắt đầu ồ ạt chở vũ khí tới Campuchia. Khi phái đoàn Đặng Dĩnh Châu còn ở Campuchia, thì cuộc thanh trừng nội bộ ở quân khu Đông đã bắt đầu. Ba sư đoàn từ quân khu trung ương, dưới sự chỉ huy của Son Sen, Ta Mok và Ke Pauk kéo vào quân khu Đông. Lần lượt những cán bộ tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, bí thư chi uỷ của quân khu bị bắt vào Tuol Sleng. Tới cuối tháng 4, số cán bộ quân khu bị bắt vào đó lên tới gần năm trăm người, trong số đó có Heng Thal, tư lệnh sư đoàn 290, anh ruột Heng Samrin.
     
Cuộc thanh trừng quy mô này đã được kín đáo nhắc tới trong bài bình luận nổi tiếng trên đài phát thanh Phnom Penh ngày 10-5-1978 về vấn đề chỉ cần hy sinh hai triệu dân Campuchia là có thể tiêu diệt hơn năm chục triệu người Việt. Đoạn cuối của bài diễn văn đó kết luận “Chúng ta phải thanh lọc quân đội, đảng, cũng như quần chúng nhân dân để chúng ta có thể tiếp tục chiến đấu bảo vệ đất đai và nòi giống Campuchia”.  Sau khi đã thanh toán những cán bộ cấp dưới, Pol Pot và Duch nhắm vào So Phim. Ngoài việc bị nghi ngờ có quan hệ với Việt Nam, So Phim đã có thể bị thanh toán vì uy tín của So Phim không những ở trong nước, trong đảng mà còn đối với Trung Hoa. Một lãnh tụ Khmer Đỏ khác cũng được Trung Hoa coi trọng là bộ trưởng Thông Tin Hu Nim đã bị thanh toán trong tháng 7-1977. Mới mấy tháng trước, khi đi Trung Hoa chữa bệnh, So Phim đã được Trung Hoa đề cao, cho quay một cuốn phim về cuộc đời ông ta. Là một người đa nghi, Pol Pot không thể nào không coi So Phim là một địch thủ đáng ngại cần tiêu diệt.
       
Trung tuần tháng 5, Ke Pauk, tư lệnh quân khu trung ương liên tiếp mời So Phim tới bộ chỉ huy của ông ta để họp, nhưng So Phim cẩn thận chỉ gửi người đại diện. Gửi người nào đi là mất người đó. Tới ngày 24-5-1978, một lữ đoàn thiết kỵ từ quân khu Trung Ương kéo đến bao vây bộ tư lệnh quân khu Đông ở Suong, bắt giam tất cả những sĩ quan hiện diện. So Phim chạy thoát nhưng ông ta còn nuôi hy vọng Pol Pot chỉ hiểu lầm, nên đã chạy ngược về Phnom Penh, cho người liên lạc xin hẹn gặp với Pol Pot để giải thích.  Ngày 2-6 -1978, So Phim đến điểm hẹn gần bờ sông, nhưng Pol Pot không tới mà chỉ thấy hai phà chở đầy binh lính. Biết số phận mình, So Phim rút súng tự sát, vợ con ông ta cũng bị giết. Chín ngày sau (11- 6-78), đến lượt Nhim Ros, tư lệnh quân khu tây bắc, thông gia của Sophim cũng bị bắt đi mất tích cùng con trai và con dâu.
     
Sau khi quân đội quân khu Trung Ương chiếm giữ bộ tư lệnh quân khu Đông, các sĩ quan còn lại của hai sư đoàn 4 và 5 được gọi đến họp, theo lệnh của Ta Po, một đàn em thân tín của Pol Pot vừa mới được bổ nhiệm làm bí thư khu uỷ quân khu Đông thay So Phim. Tất cả những người đến đều bị bắt. Số còn lại như Chia Sim, Mat Ly, theo Heng Samrin trốn vào rừng. Quân đội quân khu Tây Nam sau đó tràn đến, cùng quân đội quân khu Trung Ương tàn sát tất cả không những binh sĩ mà cả dân cư sống trong những tập thể. Họ bị chở bằng xe vận tải tới những cánh đồng máu và bị đập chết. Tổng số những người bị tàn sát trong đợt này lên tới hơn một trăm ngàn người. Những người còn sống theo Heng Samrin vào rừng, tiếp tục đánh du kích chống lại quân chính phủ, nhưng sau đó vì bị đói khát, bệnh tật phải trốn sang Việt Nam.
      
Với sự đào thoát của hơn một ngàn binh sĩ Khmer Đỏ và một cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn như Heng Samrin, Việt Nam đã có được những yếu tố thuận lợi cần thiết để phát điển và công khai hoá Mặt Trận Giải Phóng Campuchia. Lê Đức Thọ bay vào Nam, triệu tập những cán bộ cũ như Pen Sovan, Chia Soth và những cán bộ mới đào thoát như Heng Samrin, Chia Sim hội họp ở trường sĩ quan cảnh sát cũ ở Thủ Đức. Tất cả đồng ý là sẽ phát động cuộc tổng tấn công vào cuối tháng 12, khi mùa gặt tới và mùa khô bắt đầu.
       
Nằm trong kế hoạch tổng tấn công Campuchia, và để hoá giải mối đe doạ của Trung Hoa, Việt Nam tiến thêm một bước nữa vào trong quỹ đạo của Liên Xô. Ngày 28-6-1978, Việt Nam gia nhập khối kinh tế Comecon của phe Cộng Sản. Trước đó mấy tuần, Võ Nguyên Giáp đã bí mật sang Liên Xô, mang theo bản thảo của hiệp ước “hợp tác và hữu nghị”. Bản hiệp ước này, nhằm buộc chặt Việt Nam vào đường lối đối ngoại và an ninh của Liên Xô, nên Liên Xô chỉ bằng lòng viện trợ dồi dào, nhưng không chịu giúp để Việt Nam có thể tự sản xuất lấy võ khí. Trong một cố gắng cuối cùng để duy trì phần nào sự độc lập, trên đường sang Liên Xô, Võ Nguyên Giáp bí mật ghé lại phi trường New Dehli để gặp hai bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Ân Độ. Trong cuộc tiếp xúc, Giáp yêu cầu Ấn Độ giúp Việt Nam thiết lập một nhà máy chế tạo vũ khí nhẹ. Nhưng chính phủ Ấn Độ lúc đó không còn là chính phủ thiên tả của bà Gandhi nữa, mà là một liên minh hữu phái của thủ tướng Desai, nên lời yêu cầu của tướng Giáp bị từ khước tức khắc. Võ Nguyên Giáp sang tới Liên Xô, giao lại bản dự thảo hiệp ước để Liên Xô giữ lại nghiên cứu, sửa đổi, và rồi hai tuần sau, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô Nikolai Firubin mang trở lại Việt Nam, chờ đợi được ký kết vào lúc thuận tiện. Nhưng kể từ lúc đó, Liên Xô đã bắt đầu chuyên chở vũ khí, phi đạn, radar, Mig 21 tới Đà Nẵng. Những lời công kích Trung Hoa của Liên Xô cũng gay gắt hơn. Những chuyên viên quân sự Liên Xô cũng bắt đầu đến nghiên cứu và quan sát các hải cảng và phi trường Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tân Sơn Nhất.
       
Trong thời gian đó, ngày 2-7-1978, Campuchia ký thoả ước bất tương xâm với Thái Lan để có thể dồn hết quân từ các quân khu phía tây sang biên giới phía đông. Vào cuối năm 1978, quân số Campuchia trú đóng tại biên giới sát Việt Nam lên tới 19 sư đoàn (quân đội Campuchia có tất cả 23 sư đoàn). Cuối tháng 7 năm đó, Son Sen lên đường đi Bắc Kinh.
      
Tại Bắc Kinh, khi gặp Son Sen, Đặng Tiểu Bình thẳng thừng phê bình đường lối cai trị dã man của Campuchia, và một lần nữa, khuyến cáo Campuchia nên đoàn kết chống kẻ thù chung là Việt Nam, đem Sihanouk trở lại chính trường, và cải thiện lại uy tín đối với quốc tế. Trung Hoa cũng khuyên Campuchia nên sửa soạn một cuộc chiến tranh tiêu hao, hơn là theo đuổi chiến tranh quy ước và chính diện với Việt Nam. Do sự khuyến cáo này, tình trạng phân biệt người mới người cũ ở các hợp tác được nới lỏng, Sihanouk bớt bị cô lập, một số trí thức đã bị gửi đi lao động sản xuất được gọi về Phnom Penh, ba nhà báo Tây Phương được mời đến Campuchia để quan sát “thành quả cách mạng”, và Ieng Sary lên đường đi New York mở cuộc tấn công ngoại giao.
       
Thời gian đó, Việt Nam dự định sẽ ký hiệp ước liên minh với Liên Xô vào tháng 11 trước khi tổng tấn công Campuchia vào tháng 12. Nhưng trước khi ký hiệp ước với Liên Xô, Việt Nam muốn trấn an các nước Đông Nam Á và cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ. Vào tháng 9-1978, Phạm Văn Đồng lên đường đi thăm Thái Lan, Malaysia và Singapore. Chuyến đi được sắp xếp vội vã để chặn đầu chuyến đi của Đặng Tiểu Bình được dự trù vào tháng 11.  Tại Malaysia, Phạm Văn Đồng đã làm ngạc nhiên nhiều người khi ông đến đặt vòng hoa tại đài chiến sĩ trận vong, tưởng niệm những binh sĩ đã chết trong cuộc chiến tranh tiêu diệt Mã cộng. Ông cũng xin lỗi về lỗi lầm đã ủng hộ loạn quân trước kia. Tại Thái Lan, Phạm Văn Đồng công khai hứa là sẽ không giúp đỡ đảng Cộng Sản Thái, và ngỏ ý muốn ký một thoả ước thân hữu với các nước ASEAN. Đề nghị này bị từ khước. Hai tháng sau, chuyện bình thường hoá bang giao với Hoa Kỳ cũng bị bãi bỏ.
      
Tuy biết rằng hiệp ước liên minh với Liên Xô sẽ gây chấn động và bất lợi cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, nhưng vì ngày phát động tấn công Campuchia sắp tới, Việt Nam không còn có thể chờ đợi được nữa. Ngày 1 tháng 11-1978, phái đoàn đảng và chính phủ của Việt Nam do Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng dẫn đầu đáp chuyến máy bay đặc biệt của Liên Xô sang Moscow. Tại đây, Brezhnev cùng phân nửa ủy viên bộ Chính Trị cộng đảng Liên Xô ra tận phi trường tiếp đón. Hai ngày sau, hiệp ước được ký kết. Điều 6 của hiệp ước có viết “Nếu bên nào bị tấn công hay bị đe doạ tấn công, hai bên ký tên sẽ lập tức thảo luận và tìm cách loại bỏ mối đe doạ và sẽ dùng những biện pháp thích hợp và hữu hiệu để bảo đảm hoà bình cũng như an ninh hai nước”. Những biện pháp thích hợp đó bao gồm ngoài việc viện trợ quân sự ồ ạt cho Việt Nam, là việc hải quân và không quân Liên Xô có thể sử dụng những căn cứ quân sự ở Việt Nam. Trong buổi tiếp tân ăn mừng thoả hiệp, Lê Duẩn tuyên bố là Việt Nam lấy làm vinh dự được nhận lãnh “nhiệm vụ quốc gia thiêng liêng và nghĩa vụ quốc tế cao cả”.
      
Trước khi lên máy bay về nước ngày 9-11-1978, Lê Duẩn đã khom lưng cúi đầu chào các lãnh tụ Liên Xô hai lần để bày tỏ lòng “biết ơn sâu sắc”.
      
Hiệp ước hữu nghị Việt Xô kể trên là một món quà bất ngờ cho Đặng Tiểu Bình khi ông ta đi thăm các nước ASEAN. Sau khi Việt Nam đứng hẳn về phía Liên Xô, các nước này cảm thấy cần phải gần gũi hơn với Trung Hoa. Tuy lời tuyên bố không giúp cộng sản Thái của Phạm Văn Đồng đã đặt Đặng Tiểu Bình vào một địa vị khó xử, vì Trung Hoa đã và đang tài trợ đảng Cộng Sản Thái, nhưng ông ta đối phó lại bằng cách tấn công, nói rằng ông sẽ không nói dối như Phạm Văn Đồng, và công nhận Trung Hoa trên nguyên tắc có nghĩa vụ giúp đỡ tinh thần cho các đảng cộng sản khác. Tuy nhiên, khi tiếp kiến riêng với thủ tướng Thái Kriangsak, ông ta hứa sẽ chấm dứt viện trợ đảng Cộng Sản Thái. Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình cũng không giấu diếm ý định dùng biện pháp quân sự để đối phó với Việt Nam.
      
Sau khi Đặng Tiểu Bình từ Thái Lan trở về, bộ Chính Trị trung ương đảng Cộng Sản Trung Hoa họp hơn một tháng ở Bắc Kinh. Sau những buổi họp, những người thuộc phe Đặng Tiểu Bình như Đặng Dĩnh Châu được cử vào bộ Chính Trị, Triệu Tử Dương được bầu làm tổng bí thư. Những người thuộc phe Hoa Quốc Phong như Uông Đông Hưng, Trần Hồng Quý, Vũ Đệ bị loại. Đặng Tiểu Bình thực sự nắm hết quyền hành ở Trung hoa. Bộ Chính Trị chấp thuận hết những đề nghị của ông về việc áp dụng một chính sách kinh tế cởi mở và lập trường mềm dẻo hơn trong vấn đề Đài Loan ngõ hầu dễ dàng thiết lập bang giao với Hoa Kỳ. Bộ Chính Trị cũng chấp thuận luôn đường lối “bốn hiện đại” và sau cùng, là việc mở một cuộc hành quân xâm lấn giới hạn vào lãnh thổ Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Hoa bước vào một khúc quanh mới.

CHÚ THÍCH :


(1): Alexander Dubcek, bí thư thứ nhất và thủ tướng Tiệp Khắc năm 1968, phát động một cuộc cải cách được gọi là “Mùa Xuân Prague” nhưng bị quân Liên Xô và chư hầu tiến vào dẹp tan.  Dubcek bị bắt đem về Moscow một thời gian ngắn rồi được thả về, cho qua làm đại sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng ông sẽ bỏ nhiệm sở đào thóat.  Ông không đào thóat nên bị trục xuất ra khỏi đảng.
(2): Pen Sovan: trốn sang Bắc Việt năm 1973, phụ trách đài phát thanh tiếng Khmer tại Hà Nội, được đem về làm tổng bí thư năm 1979. Có hành động không chịu thuần phục, bị Lê Đức Thọ cho bắt về Hà Nội tháng 12, 1981 và bị tù mười năm.
(3): Hun Sen sau làm thủ tướng, từ 1985 đến nay. Bou Thang bộ trưởng quốc phòng
(4) Theo Nayan Chanda, đứng đầu đòan 778 là Heng Samrin nhưng thực ra do đại tá Nguyễn Đức Hùng bí danh Tư Chu, từng là chỉ huy trưởng đòan đặc công F100 trước 1975 làm tư lệnh, chính ủy của đòan 778 là Ba Cung.
(5): Trong lọat bài “Những Nhân Chứng Của Cuộc Xé Rào Lịch Sử” đăng trên báo Tiền Phong từ 19/6/06 đến 25/6/06, trùm công an Mai Chí Thọ viết:”Đợt X1 còn tạm được, nhưng đến đợt X2, xét lại gần 2000 đối tượng thì chỉ đúng có 3 đối tượng, còn ngòai ra, tiêu diệt hết nhà giàu đồng thời xóa đi hết những ưu thế, cơ sở vật chất có sẵn của Hòn Ngọc Viễn Đông.  Những tài sản của các đối tượng X1, X2 đem về đổ dồn chất đống đầy các kho… sau một thời gian ngắn, những tài sản này từ từ biến mất”.  
(6): Trong cuốn Dossier Kampuchéa, cuốn II của nhà xuất bản Le Courrier du Vietnam năm 1978 tại Hà Nội ghi lời khai của một ”giáo sư Lý”, một gián điệp Trung Hoa, nói là ông ta đã cùng đồng phạm Vương Mạn Hà đích thân gặp đại sứ Trần Chí Phương (être recu par l’ambassadeur Tchen Tche Fang en personne). Tuy nhiên, có lẽ ông này chỉ làm một thời gian ngắn vì theo một tài liệu khác, đại sứ Trung Hoa lúc đó  là Dương Công Tố, sau là Lý Thế Thuần.
(7): Vương Minh: (Wang Ming), được Liên Xô cho về lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1931, sau đó về làm cho văn phòng Quốc Tế Cộng Sản tới 1937 mới trở về Trung Hoa.  Có lẽ bị Mao tranh giành quyền lực, bỏ sang Liên Xô sống từ 1956.

          

Tài liệu tham khảo:
- When the war was over, Elizabeth Becker, nhà xuất bản Schuster, Inc, New York
- Brother Ennemy, Nayan Chanda, nhà xuất bản MacMilan Publishing Company New York
- The Vietnam-Campuchea conflict, Foreign Languages Publishing House, Hà nội.
- Chinese aggression against Vietnam, Vietnam Courier, Hanoi.







Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading