Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Tåp Ghi
 
Phi‰m LuÆn cûa Tôn Kàn
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Đại hội Y Nha Dược Việt Nam trong Thế Giới Tự Do kỳ 8 đã được long trọng tổ chức tại Melbourne Úc châu vào hai ngày 9&10 năm 2014.

Thành quả vẻ vang của Đại hội đã được hai  Bác sĩ Chủ tịch Cấn bích Ngọc và Hồ cẩm Nhung cùng ban Tổ chức với Bác sĩ Phạm phú Nhân và Phạm sĩ Liệu chính thức thông báo và tường trình. Kàn tôi chỉ được Chủ bút Thân trọng An giao cho nhiệm vụ thu lượm Potins bên lề Đại hội. Mừng húm, vì đây là gãi đúng chỗ ngứa của Kàn tôi vốn thích ăn tục nói phét và rất kị đít cua đít cáy cùng những biên bản kiến nghị lòng thòng rắc rối tơ vò!

Nhất là Kàn tôi còn được vinh dự đứng chụp hình chung với hai chị chủ tịch duyên dáng khả ái, nhiều anh ganh tị lườm nguýt tôi đến méo cả người!

Trước tiên, cần phải viết về cuộc hành trinh dông dài mệt mỏi này.

Thời xưa còn trẻ,ngồi trên máy bay mười mấy tiếng đồng hồ coi như pha. Nay tuổi đã qúa bẩy bó thì sợ bay lâu, do vậy phải cắt lộ trình thành nhiều chặng ngắn. Trước tiên nghỉ xả hơi vài ngày tại LA, rồi ngưng ở Tahiti ít bữa. Chúng tôi đã đi du lịch gần khắp thế giới  nhưng chưa hề đặt chân đến Tahiti.
Đây là một hòn đảo nằm giữa Thái bình dương về phía Nam của Hawaii, thuộc Polynésie Francaise. Thủ đô là Papeete, chịu ảnh hưởng của Pháp. Cảnh khá đẹp giống Maldive và Bora Bora, với những bãi biển cát trắng và nước trong vắt nhìn thấu tới đáy. Đặc sản nổi tiếng độc đáo của Tahiti là ngọc trai đen, có hòn tròn to tới 16mm, trị giá tới 10.000đôn Mỹ!

Sau vài ngày phè phỡn ở Tahiti, lại nhẩy lên máy bay đi Melbourne.

Tôi đã thăm tỉnh này 2 năm trước và đã viết một bài về Melbourne đăng trên Diễn đàn Sinh Viên Quân Y. Thành phố vẫn đáng yêu như xưa, nhưng khá lạnh vì tháng tám là giữa mùa đông. Hệ thống sưởi của Úc không tân tiến bằng bên Bắc Mỹ, cho nên nhiều hôm trong nhà mặc áo coat co ro ngồi ăn cơm, răng run lập cập thiếu điều mẻ cả bát! Dân Việt làm ăn có vẻ khấm khá hơn, nhưng bánh cuốn và phở vẫn dậm chân tại chỗ!

Vài ngày trước khi Đại hội khai mạc, có hung tin là Bác sĩ Lê thanh Cảnh đã qua đời. Tôi có hân hạnh được tiếp xúc điện đàm với anh Cảnh vào ngày trước khi anh mãn phần. Anh chị Trần xuân Dũng và vợ chồng chúng tôi có đến thăm viếng và chia buồn với tang quyến. Anh Cảnh là một trong vài Nội trú của Thầy Hữu được xuất ngoại du học dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.Mọi người đều thương tiếc một người hiền hậu tài ba.

Kỳ này, sự hiện diện của các anh em bên Bắc Mỹ rất yếu ớt, lơ thơ có vài mống. Từ Huê Kỳ, tôi chỉ gặp anh chị Trần đình Thủy.  Phái đoàn Canada gồm có cặp Đào bá Ngọc, Lê thành Ý, Nguyễn đình Hiệu, Nguyễn Nam Anh, Nguyễn văn Ngưu và Nguyễn trùng Khánh. Lý do có lẽ vì đường đi qua xa. Anh Phạm hữu Trác không tham dự được vì không được khỏe.

Nhưng anh em có nhắc đến anh là người đã sáng lập ra Đại hội và là người đã đóng góp rất nhiều công lao cho cộng đồng Y giới Việt Nam tại hải ngoại.

Qua Melbourne tất nhiên phải nhắc đến hai anh Trần xuân Dũng và Trần quốc Đông.

Anh Dũng là đàn anh của tôi trong Quân Y TQLC, anh là một Thiếu Tá trẻ nhất trong Quân lực VNCH. Anh cũng là người sáng tác ra nhiều câu thơ tục bất hủ. Anh đã ra tận phi trường đón chúng tôi về khách sạn. Sau Đại hội, chúng tôi lại về tá túc tại nhà anh ít bữa giống như hai năm trước. Tai đây lại gặp chú Vũ, con trai út anh chị Dũng. Chúng tôi rất mừng được biết chú Vũ nay đã có công ăn việc làm và có cô bồ!Đàn gà của chú vẫn hằng ngày đẻ trứng như xưa!

Anh chị Trần quốc Đông mời chúng tôi đến nhà dùng cơm tối.

Tôi lại được hầu tiếp quần hùng Úc trên bàn mạt chược, vận đỏ lại toàn thắng, biểu diễn thiên ù và còng tay chủ nhà đưa vào bóp vì can tội đánh khung!

Kỳ này khỉ đỏ đít, đánh đâu ăn đấy, về LA xoa với Phạm gia Thuần và Lưu đức Thụy lại vồ!
Đến tuổi này hầu như cái gì cũng chán, chỉ có xoa mạt chược thì còn mê! Bốn cụ ngồi quanh bàn vuông, vừa xoa vừa đấu hót tưng bừng, đầu óc làm việc tính toán nhanh như chớp giúp cho người ta tránh bệnh Alzheimer! Yêu cầu các chị bên Cali ghi nhận điều này nghe!

Đại hội năm nay có một giải thưởng mới do anh Trác đề nghị, đó là giải tặng cho người lớn tuổi nhất đi dự Đại hội. Giải này về tay chị Trần nguơn Phiêu. Tôi có hân hạnh được tiếp chuyện với chị, được biết chị đang du học ở Toulouse thì gặp anh Phiêu đang du học ở Bordeaux. Chị nay tóc đã bạc phơ nhưng vẫn còn nhanh nhẹn  minh mẫn. Tôi có đứng chụp hình chung với chị. Tôi cho chị biết là tôi đang đọc hai cuốn Gió Mùa Đông Bắc và Những Ngày Qua do anh là tác giả và rất khâm phục cuộc đời và văn tài của anh.

Mùa đông ở Melbourne khí hậu giống như ở Đà Lạt, tôi chỉ ở nhà trùm chăn đọc sách, chẳng muốn đi đâu. Trước khi chia tay, anh chị Dũng lại đãi một bữa vịt Bắc Kinh ngon tuyệt vời.
Sau đó chúng tôi bay qua Auckland, New Zealand. Đây là một hải cảng trông hơi giống Toronto, sạch sẽ ngăn nắp hiền hòa nhưng không có gì đặc sắc. Phở và cơm Tầu thì khiếp đảm, may qúa có một tiệm cơm Thái tạm nuốt được! Qua vài ngày nghỉ ngơi dưỡng sức thì bay về lại Los. Việc đầu tiên là đi ăn cơm Huế ở tiệm Huế ơi!  với vợ chồng Phạm gia Thuần.

Những ngày ở chơi với vợ chồng Thuần và vợ chồng Thụy râu thì chỉ có xoa mạt chược và ăn nhậu lu bù kèn, vui ơi là vui!!

Mò về tới Toronto thì mệt bở hơi tai, thế nhưng vẫn phải tuân lệnh ông Chủ bút cặm cụi ngồi viết bài cho kịp đăng vào TSYS số tháng 9, chẳng hiểu có được khen thưởng gì không hở ông Chủ bút?

Về nhà lại có mật báo viên Phùng quang Tuấn trình cáo là trong khi vợ chồng Tôn mỗ ngao du sơn thủy ăn phải toàn đồ khó nuốt, mấy cặp xê lô cố ở nhà chúng nó tổ chức tiệc tùng ăn nhậu linh đình, chẳng có đứa nào thở lời nhớ nhung thương tiếc, thế này thì hỏng bét,láo qúa,láo qúa! Phải trừng trị nặng mới được. Phạt không mời uống vang ngon trong hai tháng,nghe chưa?!

Trình làng ỏm tỏi là đã  dinh tê, vòi ăn rầm rĩ mà chả thấy ma nào mời mọc, thế này thì loạn rồi!  Có lẽ cần phải dọa xách va li trốn đi thêm vài tháng nữa may ra chúng mới sáng mắt ra?!

Thôi vậy, đành mò ra phố Tầu xực dim xum và mì  vịt, vừa rẻ vừa ngon chẳng đâu bằng!

Ôi Canada! Ôi Toronto!  Đối với ta mi là nhất!

Chẳng đâu bằng nhà, Thánh nhân đã  phán, đúng thiệt! Cũng như đánh mạt chược, tránh đừng phỗng về nhà lớn, nó ù to dam cho lòi con mắt!

TônKàn
TQLC
tapghi1
tapghi2
tapghi3
tapghi4
tapghi5
tapghi6
Loading