Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh° (5)
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.

Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Ngày 13/03/1975.
Số phận của một tù binh

Một nhóm nhỏ các người lạ có trang bị vũ khí AK, tự xưng là bộ đội miền Bắc đến để tiếp thu bệnh viện. Họ ra lệnh cho anh em chúng tôi ra trình diện trước sân cờ quân y viện với tay không vũ khí. Lá cờ quốc gia VNCH và lá cờ hồng thập tự đã được hạ xuống và thay thế bằng lá cờ xanh đỏ của Mặt Trận GPMN.

Trong buổi lễ chuyển giao bệnh viện, tôi vẫn mặc áo quần lính trận. Như đã có sắp dặt trước, thình lình có một người phụ nữ bên phe đối phương với tóc dài đuôi ngựa, nhảy xô tới và đạp tôi té xuống đất. Phụ nữ này chĩa súng AK vào ngực tôi và lớn tiếng quát mắng:

-“Đúng là dân khốn kiếp, đến giờ nầy vẫn còn ngang bướng, vô nhân đạo, đã gông cùm một nguời bạn đồng chí trên giường bệnh và bỏ đói, bỏ khát.”

Đó chính là người thương binh bộ đội mà tôi đã nói ở trước.

Quá đột ngột, các anh em có người muốn nhảy vô tiếp cứu, nhưng tôi đã bình tình, ngăn cản anh em. Bạo động và xô xát lúc nầy chỉ đưa đến sự chết chóc, vì hiện chúng tôi đang như cá nằm trên thớt!

Trong buổi lễ tiếp thu, các anh em y tá đã tình nguyện ở lại bệnh viện, được trả về nguyên quán cùng ngày, sau đó số phận của họ sẽ do địa phương xét xử. Thương bệnh binh, những người nào cứng cáp có thể xuất viện được sẽ cho xuất viện. Những người nào cần phải điều trị thì được gởi qua dân y viện cạnh bên để tiếp tục điều trị.
Còn số phận của tôi thì sao?

Theo lời tuyên bố răn đe, căn cứ vào quá khứ bắt tay với đế quốc Mỹ và Tây, chống lại nhà nước và nhân dân, tôi bị xem là Việt gian phản quốc, sau nầy sẽ được xét xử công minh. Nay nhà nước đang cần người chuyên môn, nên tôi tạm thời được chuyển sang dân y viện, để tiếp tục phục vụ và điều trị cho các thương bệnh binh.

Nhìn các anh em đã cùng tôi làm việc trong thời gian ngắn ngủi đó, vì tình người và tình huynh đệ chi binh, đã phải hy sinh sự an toàn của mình, và gia đình cho tổ quốc, cho tự do, đã lặng lẽ âm thầm đi ra cổng bệnh viện, tôi nhìn theo và cố cầm nước mắt.

Tôi phải cám ơn sự hy sinh cao cả đó của các anh em. Họ xứng đáng được vinh danh là những anh hùng của quốc gia và dân tộc. Tôi xin ơn trên và các vong hồn anh hùng tử sĩ hãy nâng đỡ và hỗ trợ tinh thần cho các anh em trong công cuộc sống còn, giúp họ vượt qua mọi khó khăn của một tương lai bất ổn và không biết đến ngày mai.

Ngày: 16/03/1975.
Tự tử nhưng không chết.

Sau khi hoàn thành công việc chuyển tiếp bệnh viện cho bộ đội miền Bắc và di chuyển các thương bệnh binh còn yếu qua dân y viện, tôi lên gặp bộ chỉ huy của bệnh viện, xin cho phép tôi được vào trại cùi Qui Hòa thăm một lần cuối cùng. Được sự chấp thuận, tôi vào trại cùi với 2 bộ đội đi theo canh giữ. Trước đây muốn vào trại cùi, tôi được các mẹ đến tận quân y viện đón và chở tôi bằng chiếc xe hơi nhỏ. Nay tôi muốn vào thăm trại cùi, tôi phải đi bộ, sau khi qua khỏi đèo Qui Hòa là đến trại cùi.

Lần đầu tiên tôi đã thưởng thức được vẻ đẹp đầy thơ mộng của bãi biển Qui Hòa, khi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống,một bên là núi cao còn một bên là biển trong xanh với bãi cát dài trắng xóa. Tôi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, hít thở cái không khí tự do mà tôi đã có, nhưng sau cùng đã bị đánh mất vì những sự tham nhũng thối nát, ích kỷ, và sự phản bội của những người trong chế độ cũ.

Trên đường xuống trại, một vài người bệnh nhân đã phát hiện được sự có mặt của tôi, là cả một sự ngạc nhiên, một số lớn đồng bào và bệnh nhân đã đứng sẵn chờ đón tôi ở cổng trại cùi. Trong trại chỉ có một bà mẹ trẻ nhất ở lại coi sóc cho tu viện và bệnh viện. Trước sân tu viện có rất nhiều đồng bào, tôi đã đứng lại và cám ơn sự nồng nhiệt đón tiếp của đồng bào.

Tôi còn nói theo suy nghĩ và phỏng đoán của tôi, hôm nay cũng là lần đầu và cũng là lần cuối đến bệnh viện thăm đồng bào và các bà mẹ, những người tôi rất cảm phục vì đã hy sinh, phục vụ cho những người bệnh nhân, đã bị xã hội hất hủi, tránh xa vì bệnh truyền nhiễm. Ngày mai cuộc đời của tôi ra sao, đó là những bí mật chỉ có ơn trên và Thiên chúa mới biết được. Nhưng dù đi đâu chăng nửa, tôi cũng luôn luôn nhớ đến các mẹ và các bệnh nhân khốn khổ nầy.

Hai người bộ đội rất lấy làm ngạc nhiên vì thấy đồng bào và bệnh nhân đón tiếp tôi quá nồng nhiệt nên theo hỏi tôi, tôi đã làm cái gì mà đồng bào cảm mến tôi đến thế. Tôi trấn an họ và chỉ trả lời, tất cả những gì các anh thấy và nghe, đó là câu trả lời cho các anh. Và để tiễn đưa tôi, chuông giáo đường đã vang dội trong vùng thung lũng, như trong một ngày hội lớn.

Về đến doanh trại, tôi nghĩ cuộc đời của tôi đã trọn vẹn, tôi đã làm tròn bổn phận và công việc của một người chiến sĩ phục vụ cho đồng bào, và tổ quốc, cho sự tự do và sinh tồn của đất nước. Tôi đã hứa với các anh em trong nấm mộ tập thể chờ tôi, và cho tôi một chỗ đứng cùng với các anh em. Tối hôm đó, tôi đã tự tay truyền thuốc mê cho tôi để ngưng thở, và uống một lần 50 viên Chloroquine.

Nhưng cuộc đời tôi đâu có dễ dàng buông xuôi được, thuốc mê đã giúp tôi có được một giấc ngủ an lành, sau bao nhiêu ngày mất ngủ vì lo lắng. Và ngay trong ngày, tôi đã ói ra tất cả các viên thuốc độc liệu. Thượng đế muốn tôi phải sống với bao nhiêu chông gai và thử thách trước mắt.

Cuộc đời của tôi đã chuyển sang một hướng khác, trong thời gian qua dân y viện để giúp đỡ và điều trị thương bệnh binh, giúp cho họ mau chóng bình phục để trở về nguyên quán.

Ngoài công việc chữa trị cho các thương bệnh binh, công việc chính yếu của tôi là giúp đỡ cho các bác sĩ miền Bắc hiểu biết về những dụng cụ y tế, cách điều hành phòng mỗ, những phương tiện và dụng cụ mà đối với họ là quá tối tân.

Nhận thấy trình độ và sự hiểu biết về y học của họ quá yếu kém, không đủ khả năng, nên trong khi giúp đỡ họ, tôi tò mò hỏi về trình độ học vấn và cách giáo dục y tế của miền Bắc. Câu trả lời rất là đơn giản, sự huấn luyện căn bản chính yếu, không phải là trường học hay sách vở, mà là quá trình căn bản phục vụ cho bác và đảng, bắt đầu từ hộ lý, sau một thời gian phục vụ, sẽ được bồi dưỡng lên làm y tá. Lại sau một thời gian công tác với quá trình phục vụ tích cực, họ sẽ được đi học để bồi dưỡng nghiệp vụ lên làm cán sự y tế, rồi dần dần lên làm y sĩ và sau cùng là bác sĩ.

Trong thời gian nầy, tôi cũng được cấp chỗ ăn ở trong bệnh viện, như các bạn đồng nghiệp và nhân viên khác, và cuối tháng tôi còn nhận được một số tiền nhỏ để bồi dưỡng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi làm việc ở dân y viện, tôi gặp lại một người bạn gái trước kia làm cán sự y tế, sau ngày "giải phóng" được phong chức y sĩ.

Người đẹp mà tôi gặp ở dân y viện tên là Tuyết Đông; cô có bản tính hiền hòa và sống hòa đồng với mọi người. Cô ấy đã giúp đỡ và nâng đỡ tinh thần trong lúc tôi bị giao động. Trong lúc hoạn nạn, có người an ủi, giúp đỡ, thông cảm tâm sự đau xót của kẻ mang thân phận hàng thần lơ láo giữa đám người xa lạ thì còn gì an ủi và ấm áp hơn nữa. Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy. Tôi đã khờ dại yêu cô ấy, dù biết thân phận của mình là kẻ tội đồ, không có ngày mai, không có tương lai, nhưng tôi nghĩ, đó chẳng qua cũng là định mệnh...

Trong vòng một tháng, các thương bệnh binh lần lần bình phục và xuất viện. Tôi lên gặp ban giám đốc bệnh viện, xin phép được trở về nguyên quán, sau khi hoàn tất nhiệm vụ đã giao phó; họ bảo tôi an tâm chờ đợi, tôi sẽ được toại nguyện.

“Tập trung cải tạo”

Vài ngày sau, tôi được ban giám đốc bệnh viện kêu lên cám ơn, sau đó gửi thẳng tôi đến trại tạm giam ở thị xã Qui Nhơn, chờ ngày cứu xét.

Trại tạm giam đầy cả tội nhân là những người làm việc cho chính quyền cũ. Trước khi vào trại, tôi phải làm giấy tờ cam kết, giao trọn các tài sản và tiền bạc của tôi cho chính quyền địa phương quản lý, luôn cả chiếc xe Honda mà tôi mới mua trước ngày mất nước vài tháng; ngoài ra, còn có tiền bạc mà cha mẹ tôi cho, hiện cất giữ trong ngân hàng để dùng khi cần thiết.

Trong trại tạm giam, tôi có gặp một vài anh em y tá trước làm ở quân y viện; gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ kêu tôi vào một góc dặn dò tôi những chuyện phải làm trong thời gian sắp tới, trong đó quan trọng là việc làm hồ sơ lý lich. Các anh ấy dặn tôi phải chuẫn bị làm một hồ sơ lý lịch, càng đơn giản, ít chi tiết càng tốt. Sau đó phải cố gắng học thuộc lòng tờ lý lịch thảo sẵn trong óc, ngay cả dấu phết và dấu chấm cũng phải thuộc lòng. Vì sau nầy, chỉ một sự thay đổi nhỏ trong tờ lý lịch sẽ đưa đến nhiều phiền toái, có hại đến bản thân, không nên coi thường.

Một điều quan trọng thứ hai, các anh đã khuyên tôi phải cẩn thận trong lúc chuyện trò với người khác vì có cả trăm con mắt theo dõi và dòm ngó. Ai cũng vậy, ngày hôm nay là bạn, nhưng có một chút quyền lợi riêng tư sẽ biến thành kẻ thù. Các anh nói, đó là những kinh nghiệm xương máu, của những người đi trước để lại. Trong suốt tuần lễ ở trại tạm giam, không ai hỏi hay tra vấn tôi gì cả.

Bên ngoài, cô bạn gái của tôi, khi nghe tin tôi bị giải qua trại tạm giam, đã hoảng sợ, lên gặp ban giám đốc bệnh viện để hỏi nguyên do. Câu trả lời rất là đơn giản: ngụy quân và ngụy quyền trước khi trả về nguyên quán, phải trãi qua các thủ tục cơ bản điều tra lý lịch. Họ nói, tôi, xét kỹ lại thời gian đi "lính ngụy" chưa được hai năm, ở quân y viện chứ không phải ra tác chiến; thêm vào đó, tôi đã ở lại và giữ gìn các cơ sở quân đội nguyên vẹn, không bị cướp phá, đó là công lao lớn đối với đảng và nhà nước. Thêm nữa, với chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước, trọng dụng nhân tài và những thành phần trí thức, cần họ giúp một tay để xây dựng lại đất nước đã bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm qua. Không sớm thì muộn, tôi sẽ được trả về nguyên quán an toàn, ở lại trại giam chỉ là tạm thời, không có gì phải lo sợ quá đáng. Tội nghiệp cho cô ấy, sau mỗi ngày đi làm về, đều ghé trại tạm giam để mang thức ăn, an ủi và nâng đỡ tinh thần cho tôi.

Chuyện gì đến sẽ đến. Vào khoảng một tuần lễ ở trại tạm giam, tôi và khoảng gần 200 người thanh niên trai trẻ, thuộc các thành phần ngụy quân và ngụy quyền, được kêu lên tập hợp trước sân cờ của trại tạm giam. Một nhân vật lớn của công an, đã cho chúng tôi một bài học sắt máu mà qua nhiều năm tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng.

"Chúng mày là những người thuộc thành phần của chế độ cũ, trong guồng máy của ngụy quân và ngụy quyền. Kể từ giờ phút nầy, chúng mầy đã trở thành những tội nhân của chiến tranh. Chúng tôi đại diện cho bác và đảng, đã có các chứng cớ rõ ràng là chúng mầy đã nhiều năm phạm nhiều tội ác, nhúng tay vào máu, giết chết đồng bào vô tội. Chúng mầy phải nhớ, sau một cuộc chiến, bao giờ cũng có người thắng và kẻ bại. Dĩ nhiên kẻ bại trận phải phục vụ, làm nô lệ cho người chiến thắng. Kể từ giờ phút nầy, chúng mầy là người bại trận, là những phạm nhân của chiến tranh, chúng mầy sẽ bị đền tội một cách đích đáng. Và để sóng sót trở về với gia đình, chúng mầy phải nhớ 4 điều căn bản trong khi phục vụ cho chúng tôi là:

Có đầu óc, nhưng không được lý luận và suy nghĩ.
Có mắt, nhưng không được nhìn thấy.
Có miệng, nhưng không được nói.
Có tai, nhưng không được nghe."

Sau bài học nảy lửa, chúng tôi bị bịt mắt và đẩy lên xe, chở đến một nơi gọi là trại “cải tạo,” nằm giữa chốn rừng sâu nước độc, sống kiếp nô lệ trong địa ngục trần gian.
Ở nhà, cô bạn gái của tôi được giải thích là, chúng tôi đã được gửi đi “học tập cải tạo.”

Đi cải tạo như đi quân trường, có cơm ăn và áo mặc đầy đủ. Dưới chính sách khoan hồng của bác, đảng và nhà nước, những người nầy sau một thời gian học tập thông suốt chính sách và chế độ, sẽ được an toàn trả về với gia đình, cùng chung lưng góp sức xây dựng lại đất nước đã bị quá nhiều đau khổ vì chiến tranh!
Loading