Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
rtt-15 (1000 x 668)
CÜ«i Ng†n SÃm - Ride The Thunder (15)
 
Ban Dịch Thuật: Lý Văn Quý - Nguyễn Hiền - Nguyễn Hoàng Diệu - Trịnh Bình An

Nguyên tác tiếng Anh
Chương 10

Tổng tấn công Tết Mậu Thân: Trận chiến mở màn

N
ếu Hoa Kỳ còn cân nhắc việc sử dụng sức mạnh quân sự để giải cứu thủy thủ đoàn của tàu USS Pueblo hay giản dị hơn là trừng phạt Bắc Triều Tiên, thì các cuộc tấn công trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu vào sáng sớm 31 tháng 1 (1968) chắc chắn đã buộc Washington phải chú ý trở lại vùng Đông Nam Á và chứng tỏ các giới hạn hay sự miễn cưỡng của họ trong việc sử dụng các giải pháp theo lối chiến tranh qui ước nhằm giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra trong cùng một lúc.

Thật khó để có thể đánh giá hết được sự thiêng liêng về Tết của hầu hết người Việt Nam.
Tết là một lễ hội có tính cách tôn giáo từ lâu đời, bắt nguồn từ Đạo Phật và bao trùm mọi tầng lớp người Việt, giống như Giáng Sinh đối với hầu hết người Mỹ thế tục. Nếu khái niệm Giáng Sinh được dùng để người dân Mỹ thường hiểu được thì Tết của người Việt được xem là tổng hợp ý nghĩa của các lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Tạ Ơn, và còn hơn thế nữa đối với những người đón Tết.

Nặng về văn hóa hơn là tôn giáo, việc đón mừng Ngày Đầu Năm Âm Lịch là một lễ hội truyền thống được tổ chức khắp mọi nơi thuộc Á Châu. Tuy nhiên, Tết là tập tục đặc biệt của người Việt và được đón chào bởi toàn dân Việt bất kể là tín hữu Phật Giáo, con chiên Công Giáo hay bất kỳ ai khác. Ngay cả đối với Việt Cộng, mặc dù sau một thời gian coi nhẹ trong 10 năm trời, truyền thống Tết có vẻ như đã thấm nhập vào ngay cả chủ nghĩa Cộng Sản.

Bắc Việt và Việt Cộng đã sử dụng những phương tiện khó tin nhằm lên kế hoạch, sửa soạn tiếp liệu và điều động các cánh quân vào vị trí sẵn sàng tấn công ở các mặt trận không sao kể siết trên cả nước vào dịp Tết Nguyên Đán. Dựa trên tính qui mô của kế hoạch và sự áp đảo bất ngờ, những người vẽ kế hoạch của Hà Nội đã hy vọng rằng cùng với sự hiện diện của tám chục nghìn quân giải phóng đủ để kích động người dân Miền Nam đang chịu nô lệ đứng lên chống lại chính phủ mà họ cho là bù nhìn do Mỹ dựng lên và chào đón những người anh em phía Bắc như là những người được quyền thừa kế hay là người mang ngọn đuốc dẫn đường cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

Dựa vào hoạt động của địch quân tại Khe Sanh, các tay phân tích tình báo Mỹ tin rằng sắp có nhiều trận chiến trên quy mô rộng lớn hơn đang được chuẩn bị. Cùng với việc ngưng bắn gần kề trong dịp Tết, Tướng Westmoreland đã được mật tin về chuyện này. Do đó ông đặt tất cả các lực lượng Hoa Kỳ trong tình trạng báo động toàn diện chỉ một ngày trước khi kỳ nghỉ Tết bắt đầu. Vì lý do nào đó, Tướng Westmoreland đã không chia sẻ thông tin tình báo với người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hòa
.

Đối với hầu hết người Việt Nam, Tết âm lịch được tổ chức trong suốt một tuần và được chuẩn bị thật trang trọng trong mọi gia đình. Tết cũng là dịp để người Việt thực hiện những tập tục cổ truyền, thể hiện niềm tin cho sự may mắn. Trước Tết, họ lau chùi nhà cửa, khi quét dọn, họ sẽ quét từ ngoài vào trong để chắc chắn rằng tất cả các điều tốt lành phải được ở lại trong gia đình, họ chuẩn bị thật nhiều những món ăn đặc biệt hầu có đủ để thết đãi bạn bè, bà con, những người chắc chắn sẽ đến để chúc tụng, tặng quà cho nhau trong dịp Tết cổ truyền.

Đối với người dân thường, ngay cả trong thời chiến, họ vẫn có thể tự do vui chơi với gia đình suốt cả một tuần lễ hội. Trong khi đó thì các quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nếu không thuộc 50% quân số cấm trại, cũng chính thức được nghỉ bốn ngày phép để về nhà  đón Tết với gia đình. Những người ở lại trong đơn vị, nếu không trực tiếp tác chiến, thì cũng có thể được thoải mái một phần nào để đón Tết.

Hầu hết trẻ em Việt Nam và nhiều người lớn đi ngủ vào buổi tối ngày 30 tháng 1 (1968) với cả niềm an lạc, chờ đón năm mới Mậu Thân với bao hy vọng ngọt ngào giống như ký ức rộn ràng về buổi chiều trước Giáng Sinh. Ngay cả tiếng súng hay các tiếng nổ lớn trừ khi quá gần, họ vẫn nghĩ rằng âm thanh của pháo giao thừa đang báo hiệu niềm hạnh phúc và tin mừng xuân đến.

Thực tế rất kinh hoàng, hàng loạt những cuộc tấn công mở màn cho đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân vào sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968 đã hết sức liều lĩnh và tàn bạo. Đột nhiên không biết từ đâu Cộng sản xuất hiện khắp nơi ở toàn Miền Nam đồng loạt tàn phá các thành phố thị trấn, làng mạc của Miền Nam Việt Nam.

Để mở màn cho trận Tết Mậu Thân, Cộng Sản đã tấn công vào ba mươi chín căn cứ quân sự, bốn mươi bốn tỉnh lỵ, sáu mươi bốn quận lỵ, một số lớn làng mạc, gần như tất cả sân bay, căn cứ của đồng minh và các cơ sở, đồn bót quan trọng của Miền Nam Việt Nam. Ở Sài Gòn họ tấn công vào tòa đại sứ Mỹ, dinh Tổng thống, Bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân, sân bay Tân Sơn Nhất, bộ chỉ huy Hải quân VNCH, và đài phát thanh Sài Gòn. Chỉ trong vài ngày đầu tiên, các thành phố Huế, Đà Lạt, Kontum, và Quảng Trị đã bị cộng quân tàn phá. Cũng tương tự như những gì người Nhật đã thực hiện vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 khi bất ngờ mở cuộc tấn công xuyên Thái Bình Dương vào Trân Châu Cảng, Mã Lai Á, Hồng Kông, Guam, Phi Luật Tân, và đảo Wake. Chỉ khác ở điều là Cộng quân đã thực hiện các cuộc tấn công trong lúc đang tiến hành một cuộc chiến.

Mặc dù xảy ra trên cùng một đất nước, trong lúc này trận chiến đã hoàn toàn khác hẳn. Trước kia Miền Nam phải đánh nhau với kẻ thù luôn lẩn tránh trong những vùng hầu hết là thôn quê hẻo lánh hay địa thế rừng núi hiểm trở thì  giờ đây Cộng quân cải trang như dân thường tập trung tấn công vào ngay các vùng đô thị trong những tình huống thuộc chiến tranh qui ước.

Chỉ vài giờ sau khi tình thế bị bất ngờ ban đầu đã được cải thiện, lực lượng Nam Việt Nam và quân đội Mỹ đã tái phối trí và bắt đầu phản công để nắm lại thế chủ động ngoài chiến trường. Thương vong phe ta khá cao, đặc biệt là các thường dân vô tội. Phía Cộng quân thì còn cao hơn nữa, rất cao.

Tình trạng hỗn loạn ban đầu của cuộc tổng tấn công Tết đã là đề tài hấp dẫn cho báo chí. Trận đánh tại Tòa Đại Sứ Mỹ đặc biệt được chú ý. Mặc dù toán đặc công 19 tên phá nổ bờ tường để xâm nhập vào Tòa Đại Sứ đã bị giết hết chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, khán giả truyền hình Hoa Kỳ đã có cái cảm giác sai lầm rằng Việt cộng đã hoàn toàn kiểm soát Tòa Đại Sứ cũng như các cơ sở then chốt khác trong khắp cả nước.

Mặc dù cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân chỉ là một loạt các cuộc tấn công mang tính qui ước của Cộng sản, tạo điều kiện cho lực lượng đồng minh có dịp may bằng vàng để phát hiện, tiếp cận và tiêu diệt một kẻ thù lâu nay vẫn né tránh giao tranh với lợi thế hỏa lực của Hoa Kỳ, giới truyền thông bị ảnh hưởng bởi sự bất ngờ và cường độ của trận đánh vẫn tiếp tục đưa tin tức có lợi cho kẻ thù.

Gần như ngay từ đầu, các sự kiện có vẻ như thoát ra khỏi tầm kiểm soát nếu nhìn theo khía cạnh của hệ thống truyền thông. Đối với những người phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ, thì những hình ảnh ghê gớm nhất của cuộc chiến Việt Nam cho đến cuối năm 1967 chỉ thể hiện qua sự kiện tự thiêu của các nhà sư để phản đối các tệ nạn của chế độ Ngô Ðình Diệm đã được lan truyền một vài năm trước đó. Giờ đây mọi chuyện thay đổi hẳn.

Đối với đại đa số người dân Việt Nam, đặc biệt là những người sống tại các thị xã và thành phố lớn, cho đến thời điểm các trận tấn công ngày 31 tháng 1 năm 1968, chiến tranh hay khủng bố là một cái gì đó mà họ phần lớn chỉ đọc được trên báo hay được nghe lại từ một ai đó. Điều này giờ đây đã thay đổi hoàn toàn. Truyền thông phương Tây ghi nhận sự cố tình và tính chất toàn diện về các cuộc tấn công của Cộng quân. Máu người vô tội và cả du kích Cộng quân ngụy trang như dân thường bắt đầu đổ ra trên các đường phố thương mại trước kia rất sầm uất của Sài Gòn.

Ngày 01 tháng Hai, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố thiết quân luật và các lực lượng hỗn hợp Việt Mỹ đã kiểm soát lại được phi trường Tân Sơn Nhất.

Bây giờ, phóng viên báo chí có dịp dễ dàng hơn để quan sát các lực lượng Hoa Kỳ và Quân lực VNCH phản công lại kẻ thù. Trong thế chiến II, tại Iwo Jima, Joe Rosenthal đã chụp lại được vĩnh viễn cái giây phút sau này trở thành biểu tượng hào hùng của đơn vị Thủy Quân Lục Chiến lúc họ dựng cái lá cờ lịch sử trên đỉnh Suribachi.  Những gì nhiếp ảnh gia của hãng thông tấn Associated Press, Eddie Adams, đã ghi lại về hành động của Tướng Nguyễn Ngọc Loan ngày 1 tháng 2 năm 1968, đã không cho các lực lượng Nam Việt Nam cái phút huy hoàng như Joe Rosenthal đã làm. Mặc dù họ cũng tử chiến dưới lằn đạn của kẻ thù tàn bạo và  hiếu chiến tựa như quân Nhật núp trong các hang động tại Iwo Jima.

Khoảng cuối năm 1967, Tướng Nguyễn Ngọc Loan được chọn để nhận nhiệm vụ Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Vốn nổi tiếng thông minh, gan dạ, đầy khả năng và thanh liêm, viên tướng xuất thân là phi công được cầm quân nơi tuyến đầu. Từng có nhiều kinh nghiệm ngoài chiến trường cả trên không lẫn dưới đất, trong buổi sáng ngày 1 tháng Hai, tướng Loan lại đích thân xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, lần này tại Chợ Lớn để điều binh khiển tướng.

Cảnh sát và quân đội VNCH đã phối hợp tác chiến chống lại lực lượng Cộng Sản, đa số cải trang như thường dân hoặc thậm chí giả làm nhân viên cảnh sát trà trộn vào vào đám đông bất hạnh và hoảng loạn. Bắt quả tang một tên Đại úy VC giả dạng như thường dân đã tàn sát gia đình một sĩ quan cảnh sát cùng với vợ và ba đứa con nhỏ, tướng Loan mang tên Cộng sản này ra xử ngay tại chỗ.  Chiếu theo điều luật là thành phần đặc công và khủng bố không được hưởng các quyền lợi theo như thông lệ  tù binh chiến tranh được hưởng, và sau khi chắc chắn về tội ác của hắn, tướng Loan đã hành động theo lẽ thông thường chấp nhận được ngoài mặt trận là hành quyết tên Việt Cộng ngay tại chỗ.

Thật không may cho Tướng Loan và chính quyền Miền Nam, bức hình sau này đoạt giải thưởng Pulitzer chụp được cái thực tế khủng khiếp của tên cán bộ Việt Cộng bị bắn vỡ sọ, văng óc ra ngoài một bên đầu đã được tung ra mà không có lời mào đầu hay giải thích rõ ràng. Cái nhân vật mà trước đó không lâu đã sát hại không thương tiếc cả một gia đình đã bỗng nhiên trở thành nạn nhân vô tội của một đám đông cuồng sát một cách sai lầm. Thêm vào bức hình bất động của Eddie Adams, một đoàn làm phim khác cũng ghi được toàn cảnh cuộc hành quyết. Không có lời bình kèm theo nhằm giải thích sự việc đã xảy ra tại chỗ. Điều này làm tăng thêm nhận thức không chính xác về hành động của Tướng Loan. Với tấm hình và đoạn phim được phát hành và chiếu đi chiếu lại trên thế giới Tự Do lẫn Cộng Sản, tướng Loan lập tức trở thành nhân vật điển hình cho tất cả những điều thối nát và quái quỷ của chính phủ bù nhìn do Hoa Kỳ dựng lên.

Với tấm hình đăng trên trang nhất của các tờ báo khắp nơi trên thế giới và đoạn phim cảnh xử án chiếu lệ được chiếu đi chiếu lại đến phát ngấy, tướng Loan vẫn chỉ huy thuộc cấp trong các trận đánh cận chiến tàn bạo trong từng căn nhà trong vùng đô thị và bị những vết thương nghiêm trọng có thể đi đến việc phải cưa mất một chân.

Huế

Trận đánh tại Huế diễn ra chậm rãi hơn. Gần Hà Nội hơn là Sài Gòn, cái thành phố mang một ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng đối với tất cả người Việt Nam này lâu nay đã tránh không bị những tác động lớn trong cuộc chiến Việt Nam. Trong nhóm lãnh tụ Cộng sản thì Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh (trước khi mang tên là Hồ Chí Minh) đều đã từng theo học tại ngôi trường Trung học ưu tú Quốc Học nằm trong trung tâm của thành phố. Điều lạ lùng và trớ trêu là chính ông Ngô Đình Diệm cũng là môt trong những cựu học sinh xuất thân từ trường này ra.

Trong những ngày đầu cûa trận đánh, từ bốn ngàn đến sáu ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em bất hạnh đã bị Cộng sản và bọn cán bộ kết tội là phản động hay thân chính quyền VNCH bắn giết, đánh đập bằng gậy gộc, đâm chết bằng lưỡi lê trước khi bị đem chôn tập thể, trong số đó có người bị chôn sống. Giới truyền thông Hoa Kỳ không hề chú ý đến sự kiện này. Nếu như có ai ở Hollywood, Berkeley, Madison hay Ann Arbor có nhỏ ít giọt lệ cho những nạn nhân này thì giới báo chí không hề biết đến.

Trận chiến đánh vào thành phố Huế, khởi đầu một ngày sau khi đợt tổng tấn công Tết đã nổ ra ở khắp miền Nam Việt Nam đặc biệt hết sức đẫm máu và kéo dài, đó là chưa kể đến các hành động  tàn bạo của đám Cộng quân hung ác. Quân đội Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng đã quyết định điều động 14 tiểu đoàn bộ binh vào trận chiến kéo dài hai mươi bảy ngày đêm mà kết quả có khoảng 85 phần trăm trong số 6.000 bộ đội Cộng Sản tham gia trận chiến đã bị giết ngay trên trận địa. Khoảng 400 lính Việt Nam Cộng Hòa cùng với 147 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bị chết trong trận đánh nầy.

Ở Khe Sanh, cuộc vây hãm kéo dài 77 ngày đêm khốc liệt. Sự kiên cường của TQLC cộng với hỏa lực Hoa Kỳ liên tục và gần như vô tận đã đánh tan các sư đoàn Bắc Việt dàn hàng ngang để tấn công họ. Nếu kể cả những người thiệt mạng khi một chiếc C-123 bị bắn rớt trên phi đạo Khe Sanh vào ngày 6 tháng 3 thì tổng cộng có 248 quân nhân trong lực lượng phòng thủ bị tử thương trong một chiến dịch mà TQLC Hoa Kỳ mệnh danh là chiến dịch Scotland. Trong khi đó, rất khó để xác định được số lượng chính xác về thiệt hại của đối phương trong cùng thời gian, nhưng tình báo đã ước lượng có khoảng 10.000 tới 15.000 quân Bắc Việt đã bỏ mạng tại Khe Sanh và các vùng phụ cận.

Trận vây hãm Khe Sanh, được giới quân sự và báo chí ghi nhận lại là Chiến dịch Scotland và kéo dài 77 ngày đã không thật sự kết thúc sau 11 tuần lễ. Tiếp sau đó là các chiến dịch Pegasus và Scotland II được tiến hành gần như là song song và cuộc chiến kép dài thêm vài tháng nữa với các đơn vị chủ lực của bộ binh và TQLC Hoa Kỳ. Trong lúc các đơn vị còn sống sót của Bắc Việt phân tán nhỏ ra để rút chạy về nơi trú ẩn của họ tại Lào thì các hoạt động tại Khe Sanh và vùng phụ cận từ từ lắng xuống để rơi vào một sự bình yên vô lý, giống như cả hai bên cuối cùng đã chẳng còn thiết tha gì nữa. 

Những nỗ lực trên bộ và trên không đã gây thiệt hại lớn cho quân đội Bắc Việt. Tuy nhiên mặc dù với các pháo đài bay B-52 không kích suốt ngày đêm, lực lượng Hoa Kỳ cũng không thể tiêu diệt nổi các vị trí trọng pháo nằm sâu trong các hang động của rặng núi Cơ Rốc về phía Tây của căn cứ hỏa lực, ngay sát bên trong biên giới Lào. Qua các cuộc tranh luận bất tận sau này thì rất khó mà kết luận rằng mặt trận Khe Sanh là một thủ đoạn chiến thuật được nghiên cứu kỹ lưỡng của kẻ thù nhằm đánh lạc hướng các trận đánh Tết hay chỉ đơn thuần là một nỗ lực tạo ra một chiến thắng Điên Biên Phủ thứ hai chống quân đội Hoa Kỳ, hay là cả hai mục đích một lúc.

Ngoại trừ chiến trận tại Khe Sanh và Huế, các cuộc tấn công ồ ạt của cộng quân vào dịp Tết đã bị đánh bại trong vòng hai tuần. Tổng số thương vong của dân thường miền Nam, QLVNCH và quân đội Hoa Kỳ đã đạt những mức độ cao chưa từng thấy trong cuộc chiến Việt Nam nhưng với sự ước lượng tổn thất của Cộng sản vào khoảng từ 45 tới 50 ngàn bị giết và hàng ngàn tù binh bị bắt sống, giới quân sự Hoa Kỳ cũng như giới lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam Cộng Hòa đã tuyên bố các loạt hành động vừa qua là một chiến thắng lớn cho phe đồng minh.

Chiến trận trải dọc theo các vùng nông thôn và rừng rậm của miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục. Mặc dù đạt được yếu tố bất ngờ, các lực lượng Cộng sản đã thất bại thê thảm trong mục tiêu kích động người miền Nam đứng lên đồng loạt, để chống lại Mỹ và “ngụy quân.” Vả lại, Quân lực VNCH thường giữ vững được trận tuyến; và với sự yểm trợ tối đa của lực lượng Hoa Kỳ, họ đã tiêu diệt các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng nay đã bị lộ ở khắp các địa phương. Thêm vào các thiệt hại, bản chất dối trá và lọc lừa của Cộng sản lần đầu tiên bị mọi người nhận xét và trải nghiệm đã là nguyên nhân tạo ra một cao trào của những thanh niên nay tình nguyện phục vụ Tổ Quốc. Binh chủng TQLC Việt Nam cũng được lợi nhiều từ cái tâm lý của dân miền Nam tương tự như sự kiện Trân Châu Cảng đối với người Mỹ.

Ngoài chuyện đếm xác ngoài mặt trận, tính chất tàn bạo khủng khiếp của cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân đã không được khán giả Mỹ tán thành mấy khi họ ngồi xem truyền hình trong các bản tin buổi tối. Trong khi tướng Westmoreland muốn có thêm quân đội để truy kích sâu vào lãnh thổ Lào hay ngay cả vùng phía nam của Bắc Việt nhằm đánh một đòn chí mạng hầu kết thúc cuộc chiến, một yêu cầu đã bị từ khước, thì cuộc tấn công của Cộng sản đã thành công làm một cuộc “đảo chánh” lớn về tuyên truyền đối với dư luận Mỹ mà chính viên bại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không thể nào mơ nổi.

Những tên cướp biển Crimson

Lúc Đại đội I của Sói Biển được giao trách nhiệm bảo vệ cầu Bình Lợi thì Lê Bá Bình đã phục vụ trong TQLC gần sáu năm trời và đã có thừa kinh nghiệm chiến trận nhiều hơn là anh tưởng. Đại đội anh đã thuần thục trong những chuyện như tuần tra, phục kích, vượt rừng, lội ruộng, khám xét làng mạc, và gần đây nữa là địa hình thành thị. Họ có thể đổ bộ vào đất liền hay nhảy bằng trực thăng như những tay chuyên nghiệp dày dạn. Tuy vậy, vẫn còn vài chuyện họ chưa bao giờ thực hiện.

Sài Gòn và các khu vực phụ cận được bao quanh bởi nhiều sông, rạch và cửa sông. Có hàng chục cây cầu huyết mạch cho việc giao thông trật tự và buôn bán thường lệ. Thường thì việc mất đi một cây cầu sẽ gây trở ngại cho thành phố và cả nước tuy không phải là một đòn trí mạng. Hầu hết mọi nơi và trong đa số các trường hợp nếu có một chiếc cầu nào đó bị phá hủy thì đều có thể tìm được một con đường vòng khác.

Cầu Bình Lợi là một kiến trúc chắc chắn sẽ gây chú ý cho kẻ thù chuyên nhắm vào tấn công và phá hủy các mục tiêu có giá trị về chiến lược. Đó là một cây cầu sắt then chốt cho tuyến xe hỏa vẫn còn chạy giữa Sài Gòn và Huế. Do đó công tác bảo vệ cầu hết sức quan trọng về cả hai mặt tiếp vận và tâm lý. Với các nhịp cầu bắc qua nhánh sông Đồng Nai đổ vào sông Sài Gòn, cầu Bình Lợi chỉ cách phi đạo Tân Sơn Nhất không đầy năm cây số về phía Đông. Căn nhà của bố mẹ Bình ở Tân Bình cũng chỉ nằm trong tầm súng cối về phía Tây Nam nơi mà anh đang hành quân.

Khởi thủy được vẽ kiểu bởi người Pháp và xây dựng bởi nhân công Việt Nam, chiếc cầu dài hơn 300 mét chưa kể đoạn đầu cầu. Tuy được xây dựng để chịu đựng một trọng tải nhỏ hơn đường theo kiểu Mỹ, cầu cũng đủ chỗ tương đương cho một lằn đường được sử dụng hầu hết bởi người bộ hành và xe đạp, nhưng càng ngày càng được nhiều xe cộ trọng tải nhẹ dùng hơn. Công tác bảo vệ cầu một cách thích hợp, do bởi kích thước khá dài và độ uốn cong nhẹ của giòng sông, đã phải đòi hỏi sự huy động cả ba Đại đội của Tiểu đoàn 3 TQLC và tăng cường thêm một Đại đội luôn luôn ở vị thế trừ bị nữa.

Các sĩ quan cao và trung cấp của Quân lực VNCH và TQLC Việt Nam tin rằng vào giai đoạn cuối của cuộc công kích Tết Mậu Thân này, kẻ thù đã không còn đủ nguồn nhân lực ở địa phương để mở bất kỳ cuộc tấn công qui ước nào trên cầu Bình Lợi nữa. Tuy vậy, vẫn không loại trừ khả năng những tên khủng bố và đặc công lén vào để phá sập cầu với hy vọng phá hủy con đường thương mại huyết mạch quan trọng nầy.

Điều trớ trêu cho Lê Bá Bình là trải qua gần hai ngàn ngày chiến đấu và quá trình huấn luyện tốn kém tại Quantico, cái ý tưởng cuối cùng đưa đến chuyện cứu cây cầu Bình Lợi khỏi bị phá hủy không bắt nguồn từ những cuốn sách hay bài giảng quân sự mà từ các định luật về vật lý mà anh đã thấy áp dụng một cách hời hợt trong một cuốn phim hạng bét chẳng ai nhớ đến do Burt Lancaster đóng vào đầu thập niên 1950.

Trong thời gian dẫn đến tổng công kích Tết Mậu Thân và trước khi được điều về bảo vệ cầu Bình Lợi, Tiểu đoàn 3 TQLC đã từng đóng góp một phần không nhỏ trong các cuộc hành quân. Trong những thành tích được ca ngợi nhất là cuộc hành quân hỗn hợp vào tháng 7/1967 trong đồng bằng sông Cửu Long cùng với Tiểu đoàn 4 TQLC, được biết đến như là Tiểu đoàn “Kình Ngư” và Sư đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ. Chính thức mệnh danh là chiến dịch Coronado II, các lực lượng VNCH và Hoa Kỳ đã chiến đấu trong nhiều ngày chống lại một số lực lượng đối đầu quan trọng của Cộng sản.

Trong lúc cuộc chiến đang diễn tiến thì viên sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ, Trung tướng Fred Weyand đã bay vào mặt trận để khuyên bộ chỉ huy của hai Tiểu đoàn TQLC Việt Nam nên rút ra, không nên trực diện với kẻ thù để hỏa lực không quân Mỹ đạt hiệu quả hơn. Câu trả lời chung của TQLC Việt Nam là nếu triệt thoái ra sẽ tạo cơ hội cho đối phương tẩu thoát. Thay vào đó, cả hai Tiểu đoàn trưởng đã ra lệnh cho lính của họ tấn công thẳng vào vị trí của Việt Cộng. Số kẻ thù bị giết trong trận giao tranh đó tổng cộng lên tới 145 người.

Những tay TQLC Việt Nam này khác hẳn đa số các đơn vị VNCH khác. Họ biết chiến đấu. Trên thực tế họ rất hào hứng khi được đánh nhau. Họ không bao giờ lùi bước trước một cuộc giao tranh. Tinh thần chiến đấu và khả năng của cấp chỉ huy TQLC cuối cùng đã được người Mỹ biết đến, ra đến cả ngoài cái nhóm nhỏ các sĩ quan TQLC Hoa Kỳ luân phiên làm cố vấn cho họ trong nhiều năm qua.

Trước Tết thì toàn bộ Tiểu đoàn Sói Biển, trừ vài người đã được cấp phép nghỉ Tết, được bố trí đến Vĩnh Lộc. Đây là một vùng làng mạc buồn tẻ, bằng phẳng, thoáng và dân cư tương đối thưa thớt nằm vào khoảng bẩy cây số về hướng Tây Tây Nam của sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ địa hình bằng phẳng nên đây là một chỗ lý tưởng để đối phương bắn hỏa tiễn và bích kích pháo vào sân bay. Do đó Việt cộng thường chơi bẩn bằng cách thỉnh thoảng lén lút trà trộn vào khu vực nầy để bắn vài ba loạt đạn nhằm làm gián đoạn hoạt động của sân bay. Bộ Tư Lệnh TQLC đã quyết định thường xuyên phái một Tiểu đoàn luân lưu về Vĩnh Lộc, nếu như có Tiểu đoàn TQLC nào đóng quân gần đó và đang ở tình trạng bất khiển dụng. Vào cuối tháng Giêng 1968 thì Tiểu đoàn Sói Biển đang trong tình trạng như vậy nên được nhận nhiệm vụ đó.

Nhờ đã quen với địa hình nên Tiểu đoàn trưởng bố trí cẩn thận bốn Đại đội trải rộng trên một khu vực vài cây số vuông nhằm tăng cường tối đa sự hiện diện và hỏa lực cơ hữu của đơn vị. Mục đích chuyện này là để ngăn Việt Cộng mưu toan bất cứ điều gì, ít nhất là khi Tiểu đoàn còn đó. Vào chiều ngày 30 tháng Giêng năm 1968, tất cả các Đại đội của Tiểu đoàn 3 đều có mặt ở trong và chung quanh Vĩnh Lộc và họ cũng đang chờ đón bình minh của năm con Khỉ.

Khi đất trời, kể cả Sài Gòn và vùng phụ cận, nổ tung trong khói lửa của địa ngục trong những giờ đầu của ngày 31 tháng Giêng 1968 thì Tiểu đoàn 3 TQLC vẫn hoàn toàn kiểm soát Vĩnh Lộc. Cách trận đánh gần nhất khoảng năm cây số, các quân nhân đều đã thức và sẵn sàng trong tư thế chiến đấu trước khi bình minh ló dạng. Ngay tại Vĩnh Lộc thì yên tĩnh một cách kỳ lạ. Thay vì cố gắng bắn súng cối từ các khu vực chung quanh thì Việt Cộng đã tấn công toàn lực thẳng vào Tân Sơn Nhất và hàng chục các vị trí khác có vẻ như là đồng loạt một lúc.

Tin tức và thông tin chính xác ở cấp độ lính tráng trong những giờ sớm sủa của ngày đầu tiên chiến trận mới này không được rõ ràng. Tại khu vực bộ chỉ huy nhỏ bé của Tiểu đoàn, các nhân viên truyền tin bù đầu liên lạc với các đơn vị khác. Những điều nghe được ban đầu không phấn khởi chút nào cũng như không tạo được niềm tin cho mọi người. Mối quan tâm chính đáng của các sĩ quan và lính tráng là lo lắng cho gia đình, hầu hết ở Sài Gòn hay sống trong căn cứ TQLC tại Thủ Đức gần đó. Người bình thường có thể sẽ bỏ trốn về nhà để tìm cách giúp đỡ, nhất là Thủ Đức cũng không xa nơi đó bao nhiêu. Tuy nhiên không hề có chuyện bất tuân thượng cấp. Họ là lính TQLC. Họ cương quyết với nhiệm vụ được giao là canh phòng Vĩnh Lộc nhưng khao khát được xung phong để trả thù kẻ thù giờ đây đang tập trung và táo tợn.

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên của cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, những người lính của Tiểu đoàn Sói Biển chủ yếu là án binh bất động, tình hình chiến sự có vẻ như bỏ qua họ. Thỉnh thoảng chỉ có một vài loạt đạn súng cối bắn vu vơ vào khu vực họ và không gây thương vong nào cả. Sau cùng thì Tiểu đoàn được giải tỏa lệnh phòng thủ Vĩnh Lộc khi có một Chi đội thiết giáp M-48 Hoa Kỳ đến thay thế các vị trí của họ.

Từ Vĩnh Lộc họ lập tức được điều động vào trung tâm Sài Gòn. Tại đây, mỗi đại đội của Tiểu đoàn được phối hợp với lực lượng địa phương và thành phần cảnh sát quốc gia, hành quân tích cực vào các khu vực tương đương với quận hạt hành chánh Việt Nam.

Bình và Đại Đội 1 được phái đến hoạt động tại Quận Nhất tại phía Nam trung tâm Sài Gòn, không xa hơn ba cây số nhà của bố mẹ anh. Lực lượng địa phương nắm vững tình hình thành thị hơn thành thử TQLC được sử dụng hầu hết là đóng chốt và vây kín các khu vực lại trong khi cảnh sát đi vào từng căn nhà và các tòa kiến trúc để lùa kẻ thù ra.

Qua giây phút ban đầu bị bất ngờ, các lực lượng địa phương đã nhanh chóng nắm lại thế chủ động chiến đấu. Thật dễ dàng để nhận diện ra kẻ xấu. Với làn da nhợt nhạt trắng hơn so với người miền Nam mà họ đến để “giải phóng,” những người miền Bắc lạc lõng lại thường ăn mặc khác thường đủ cho họ dễ bị nhận ra là mục tiêu. Nhiều tên Việt Cộng cải trang khá kỹ nhưng lại mang những thứ như các tấm khăn quàng cổ quá lộ liễu làm lộ nguyên hình ngay lập tức. Nhiều tên khác thì chạy lên chạy xuống đeo AK-47 là dấu hiệu chắc chắn để thành mục tiêu đáng giá. Trong vài trường hợp, nếu không phải là trong lúc đang giao chiến thì có thể là tức cười nữa. Nhiều tên Việt Cộng chạy lăng quăng làm như mỗi đứa đang đeo một cái tấm bảng thật lớn “Bắn tôi đi.” Các lực lượng địa phương và lính Sói Biển đã hăng say bắn chết những tên quỷ đỏ này.

Ngoài việc Việt Cộng rõ ràng là thiếu hiểu biết về phong hóa của Sài Gòn, quân phòng thủ còn được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương đã khoá lại hầu như tất cả các ngõ hẻm và đường kiệt hẹp dẫn vào hoặc ra khỏi mỗi một khu phố nhỏ trong thành phố. 15 năm trước đó, Bình và đứa em tên An cùng tất cả bạn bè cũng đã từng phòng thủ địa bàn trong trò chơi chiến tranh bằng cách đóng lại chính các ngõ ngách này, bây giờ đã được khóa chặt để ngăn chận những kẻ xâm nhập thực thụ không lọt vào được. Hầu hết thường dân nằm trong nhà và đóng chặt cửa để đối phó với các bạo động bên ngoài đã lan tràn qua nhiều khu vực rồi. Bởi chính sự hiện diện của họ ngoài đường phố và không tìm được nơi trú ẩn, nhất là trong tình hình giới nghiêm đã khiến quân khủng bố Việt Cộng buộc phải đi vào vùng tử địa của Cảnh sát Sài Gòn, của lính VNCH và TQLC tràn lòng căm thù và giận dữ.

Cộng với việc khóa chặt hoàn toàn từng vùng khu phố rộng lớn, hàng ngàn căn nhà và cơ sở buôn bán tại Sài Gòn cũng đóng chặt ngăn không cho bên ngoài dễ dàng len vào. Sự an toàn còn được củng cố thêm bởi một quyết định nhanh chóng của tướng Loan. Nhờ ông đã thả dàn phân phát cho thường dân ngay trong những ngày đầu của các cuộc tổng tấn công một số lượng lớn vũ khí nhẹ và đạn dược, bọn Việt Cộng rất ngán chuyện phải chui vào nhà dân để trốn tránh sự truy lùng của lực lượng Cảnh sát và quân đội VNCH. Tổ chức nhân dân võ trang mới của thành phố Sài Gòn mà bản chất là một lực lượng nội bộ đáng kể đã làm nên sự khác biệt trong công việc phòng thủ thành phố. Quyết định của chính quyền phát sinh từ nhu cầu thực tế khi giao việc tự vệ cho chính các công dân của mình đã chứng tỏ là một quyết định khôn ngoan. Điều này chắc không bao giờ được thử nghiệm tại miền Bắc.  Ý thức tự lực tự cường bắt nguồn từ quyết định đó đã phát triển và giúp rất nhiều vào việc vãn hồi bình yên và trật tự.

Trong suốt thời gian chiến trận trong thành phố, Bình không dám mạo hiểm về thăm bố mẹ mặc dù nhà chỉ cách một khoảng đi bộ. Trong khi một tỉ lệ lớn quân tấn công và khủng bố là người miền Bắc và dễ dàng bị nhận diện ra, mọi người cũng biết là có một số gián điệp địa phương và kẻ phản bội đã giúp đỡ kẻ thù. Nếu có ai đó có thể chỉ điểm cho Cộng sản rằng Bình là một Đại úy TQLC và thấy anh về thăm cha mẹ, gia đình thì anh có thể thành mục tiêu của bọn Việt Cộng chỉ biết khủng bố dân lành, nhất là những người mà chúng cho là chống đối kịch liệt với “Cách mạng.” Bình phải chờ một vài tuần trước khi có thể thực sự về nhà. Trong lúc chờ đợi, anh chỉ có thể liên lạc với gia đình qua những người trung gian.

Sau một thời gian vài ngày tại Quận Nhất và cả thành phố Sài Gòn, lực lượng địa phương, Cảnh sát Quốc gia và các đơn vị quân đội VNCH tiếp tục tái chiếm lại những vùng trước kia nằm trong tay kẻ thù và tiễu trừ dần các ổ kháng cự. Sau tuần lễ thứ nhất, thành phố đã đủ an toàn để khỏi bị nạn khủng bố, và Tiểu đoàn 3 được điều về giữ một vai trò chiến lược hơn trong công tác phòng thủ cầu Bình Lợi.

Có lẽ vì hàng chục và hàng chục cuốn phim mà anh đã từng xem trong các rạp xi-nê đông đúc tại Tân Định cũng như trong các vùng lân cận đã quá xa rời thực tế tại Việt Nam cho nên chỉ có một con người nhạy cảm như Lê Bá Bình mới nhớ nổi từng chi tiết một cách kỳ lạ tất cả các tình tiết và câu chuyện của những cuốn phim hay cũng như dở mà anh đã thích thú theo dõi, bây giờ tưởng chừng như đã xa xưa lắm rồi.

Nhằm luôn luôn ở tình trạng sẵn sàng, mỗi Đại đội của Tiểu đoàn 3 được luân chuyển từng vùng được chỉ định trong công việc bảo vệ cầu Bình Lợi. Một Đại đội được trấn ngay trên cầu và vùng tiếp giáp cầu. Đại đội thứ hai thì đóng vị trí tại bờ Sài Gòn của giòng sông và Đại đội thứ ba chịu trách nhiệm bờ bên kia. Còn Đại đội thứ tư thì được Tiểu đoàn trưởng giữ lại làm dự phòng trong trường hợp một trong ba Đại đội kia cần tăng viện hay để đáp ứng tình huống bất ngờ nào đó. Hiểm họa có thật và mọi TQLC đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Đại úy Bình rất kỹ lưỡng trong công việc được giao phó. Mỗi ngày và nhiều lần trong ngày anh đích thân tuần tra địa hình mà Đại đội của anh chịu trách nhiệm. Anh nắm rõ địa thế chung quanh, những nét đặc biệt của bờ sông trong vùng anh phụ trách, từng khúc uốn quanh của giòng sông, biết con nước chảy và chỗ nào có nước xoáy. Nơi nào anh không đích thân kiểm tra được thì anh quan sát cặn kẽ bằng thị giác. Bản thân anh và các chiến sĩ Đại đội 1 luôn luôn canh chừng cẩn mật, chú ý đến các dấu hiệu có thể hé lộ kẻ thù có thể mưu toan phá cầu như thế nào.

Giống như một tay thám tử khảo sát hiện trường tội ác để tìm dấu vết, Bình để ý đến tất cả những điều hiển nhiên cũng như khó nhận ra, tìm những sự thay đổi khác thường có thể báo hiệu có điều gì đó không ổn. Anh biết kẻ thù rất xảo quyệt và bọn Việt Cộng có khả năng sử dụng các phương tiện hạn hẹp để tạo sức tấn công lớn. Qua cường độ và mức tinh quái mà cuộc tổng công kích đã chứng minh, cũng như việc cố tình vi phạm một cách trắng trợn sự linh thiêng của truyền thống Tết, tất cả những điều này đã chứng tỏ là không có một chuyện gì mà bọn quỷ đỏ không dám làm.

Vào khoảng vài trăm thước phía Đông và hạ lưu của cây cầu, trong hàng ngàn chuyện phải quan sát thì Bình thấy có hai cái thùng nằm trên một cái bến đã hai ngày nay rồi. Ngày thứ ba khi anh đưa ống nhòm lên mắt để quan sát lần đầu tiên trong buổi sáng thì anh thấy mọi việc vẫn y nguyên như chiều hôm trước, chỉ trừ chuyện là hai cái thùng đã biến mất.

Không hiểu vì lý do gì, anh nhớ lại một cảnh từ bộ phim cũ “Những tên cướp biển Crimson” của Burt Lancaster. Trong đoạn phim đó, Lancaster cùng hai diễn viên phụ đã khôi hài sử dụng không khí tích trong một cái thuyền bị lật ngược để thoát khỏi một tình huống xấu mà không bị phát hiện. Nếu một chiếc ghe bị lật ngược có đủ dưỡng khí để các tay anh hùng xi-nê có thể tẩu thoát ngon lành dưới nước thì Bình tự nhủ liệu kẻ thù địa phương có thể nào sử dụng cái ý tưởng tương tự với hai cái thùng giờ đây đã biến mất? Có khi nào bọn Việt Cộng đã đặt chúng vào chân cầu dưới mặt nước và dùng nguyên tắc như vậy để đặt chất nổ?

Sự kiện hai cái thùng biến mất đã làm viên Đại úy trẻ lo lắng đủ để anh ra lệnh thuộc hạ đi tìm và mượn về một cái máy phát điện từ một cửa hàng tại địa phương. Trong vòng một tiếng đồng hồ, TQLC của Đại đội 1 đã mang về một cái máy phát điện lớn nhất chạy bằng xăng mà họ có thể tìm được. Một tiếng đồng hồ nữa thì họ chạy máy phát điện và châm giây điện xuống giòng nước lặng lờ chảy ngay dưới chân cầu Bình Lợi. Lính của Bình cho nổ máy điện từng chập vài phút đồng hồ như là một biện pháp phòng thủ chống lại những mưu toan đánh sập cầu. Một vài TQLC nghĩ rằng chuyện này thật điên khùng. “Cái ông Đại úy Bình này định làm cái trò gì vậy?”

Vậy mà thành công. Sáng sớm hôm sau, xác chết tươi của hai tên người nhái Việt Cộng cùng với một khối lượng lớn chất nổ đã được một Đại đội khác của Tiểu đoàn 3 TQLC phát hiện vào khoảng vài trăm thước ở mé sông phía dưới trong đám cỏ cao. Xác của hai tên này không hề có vết đạn hay vết đâm, chẳng có gì cả. Cả hai rõ ràng bị chết đuối trong khi âm mưu giật sập cầu Bình Lợi. Chiều cùng ngày, người nhái của chính Tiểu đoàn 3 lặn xuống dưới chân cầu và tìm ra những cái thùng tương tự như những cái bị biến mất mà Bình đã thấy. Những cái thùng này được cột chặt vào chân cầu ngay dưới mặt nước giống như Bình đã tưởng tượng ra vậy.

Dù đang giữa tình huống chém giết và điên cuồng, Bình cũng phải bật cười. Đám lính TQLC của anh thì rất hả hê. Trong bộ phim đời thật của Lê Bá Bình, không có Burt Lancaster, anh đã tinh ranh hơn và thắng được những tên cướp biển Crimson thật ngoài đời. Ít nhất là lần này và trong màn này.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading