Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Bà TrÜng M¥c Áo Gì?
SlideHaiBaTrung
NguyÍn HiŠn
Tuổi học trò là tuổi mộng mơ, tuổi đem rồng thêm rắn vào câu chuyện. Còn nhớ lúc nhỏ, một chiều sau giờ học tôi hổn hển chạy về nhà, quăng cặp táp đánh rầm xuống bàn học và xộc vào bếp tìm mẹ tôi: ‘Mẹ! Mẹ có biết hai bà Trưng mặc quần áo gì không?’ Mẹ tôi sững người nhìn tôi như nhìn một thằng bé từ sao Hỏa mới lạc đến: ‘Mày hỏi làm gì, thằng vớ vẩn.’ ‘Con hỏi cô giáo rồi, nhưng mà cô giáo cũng không biết. Con hỏi để con vẽ bà Trưng đánh quân Tàu.’ Mẹ tôi hiểu không phải chuyện đùa: ‘Chờ bố mày về mà hỏi. Ði học bài đi.’

Bố về, tôi tưởng chừng đã quên chuyện, thì mẹ tôi nhắc lại câu hỏi: ‘Này lúc chiều thằng Khanh nó mới hỏi tôi hai bà Trưng mặc quần áo ra sao. Bố nó có biết thì bảo nó để nó còn tô mầu cho trường. Gớm cô giáo gì mà chuyện ấy cũng không biết, còn bắt nó làm.’ Bố tôi bỏ kính ra, lau, đeo kính vào, rồi lại gỡ ra. Ðó là dấu hiệu ông đang bối rối lắm. ‘Bố cũng không biết. Ðể bố hỏi bác Cư.’ Bác Cư ở cùng xóm. Là phóng viên, miệng bác dẻo hơn mấy bà ngoài chợ, chuyện trong xóm, chuyện ngoài đường, chuyện trên trời dưới đất từ cổ tới tân bác kể vanh vách có mạch lạc, cả giờ không dứt.

Nhưng bác Cư cũng ngớ người ra vì câu hỏi cắc cớ của tôi. ‘Trong sách họ nói hai bà Trưng cưỡi voi, mặc giáp vàng, có thế thôi,’ bác nói. ‘Giáp bằng vàng hở bác?’, tôi hỏi. ‘Ừ! Thì sách họ chỉ ghi có thế làm sao bác biết hơn được,’ bác Cư lảng ra. Tôi cứ tưởng bà Trưng phải mặc quần áo đỏ chóe như mấy cô đào trong tuồng Tàu. Nhưng chẳng lẽ vậy, vì bà Trưng dám chống cả Tàu mà, không lý nào bà lại bắt chước mặc đồ của kẻ thù. Như vậy đúng là bà phải mặc áo bằng vàng thật rồi. Còn áo giáp chắc là cũng giống như bộ áo của Trần Hưng Ðạo tôi thấy trong sách. Bức vẽ nguệch ngoạc ấy may là đã thất lạc trong một hộc tủ nào đó của cô giáo nay đã thành một bà lão... Chắc gì bà còn nhớ đến tôi, đứa học trò đã cho bà một trận cười chảy nước mắt.

Ðến năm chớm được hai mươi mốt tuổi, tuổi bắt đầu được tự do hành xử như một người lớn, tôi vồ được cô bé nữ sinh Trưng Vương, người đóng vai Trưng Trắc, áo hoàng hậu, nghênh ngang ngồi trên lưng thớt voi to kềnh mượn trong sở thú đối diện trường, hai tay đài các đặt trên kiệu mây phủ nhiễu tía có tua vàng, che lọng vàng, đi trên đại lộ Thống Nhất giữa hai hàng hộ tống của các chị em cùng trường cầm phướn và cờ chạy lúp xúp theo. Hãnh diện đã qua mặt cả ông thầy dạy sử, người chiếm được trái tim bà Trưng Nhị, tôi khoe tướng lên cho cả giảng đường biết.

Thằng Hòa còm mỉa mai: ‘Lấy được bà Trưng thì có gì là ngon.’ ‘Mày ngon mày ráng làm như tao thử coi, ở đó mà đòi chọc quê,’ tôi chĩa lại. Hòa còm xì một tiếng: ‘Hứ! Mày giả bộ như mày là ông Thi Sách không bằng. Ông chết rồi bà Trưng mới leo lên voi ngồi đấy nhé. Mày lấy bà Trưng cưỡi voi là lấy vợ thừa con ạ. Ngu vậy mà cũng lên mặt ta đây. Mày đã được hoãn gia cảnh thì thiếu gì đứa con gái chịu lấy.’ Thì ra tấm giấy hoãn dịch còn có giá trị hơn bằng sư phạm Toán học. Bà Trưng của tôi thực tế hơn bà Trưng trong sử nhiều bậc.

Tôi tịt ngòi, mất cả ý định muốn thử xem bà Trưng của mình có còn trinh không. Một buổi tối ngồi vò đầu nhau trên ghế đá công viên, khi nhắc lại chuyện xưa tôi hỏi người yêu: ‘Hồi đó em và con Oanh mặc bộ đồ hai bà Trưng là lấy mẫu ở đâu vậy?’ Nàng cười ngỏn ngoẻn, liếc yêu tôi: ‘Thì mấy bà cô giáo nói mặc sao em mặc vậy. Ðồ là của Thiết Lập may, còn kiểu họ kiếm đâu sao em biết được. Chắc họ xem sách, hay truyền miệng cho nhau từ đời này sang đời khác như truyện cổ tích ấy mà.’

Sau cuộc đổi đời, Bà Trưng một ngày ôm con dẫn chồng chạy gần nửa vòng trái đất mơ một chuyện phục quốc tân thời. Tôi ban ngày lặn hụp trong thung lũng Silicon, ban đêm chúi đầu giữa hai núi silicon tròn ấm như con đà điểu vục mỏ trong cát nóng, không còn thời giờ và tâm trí để nghĩ đến chuyện sử sách. Thời gian cứ phủ dần lớp bụi bất trị lên quá khứ.

Một hôm cuối ca làm việc, tình cờ nói chuyện với thằng manager, kể cho nó nghe bằng thứ tiếng Mỹ ba rọi chuyện tình chúng tôi ngày trước, tôi chợt nhớ lại câu hỏi khi xưa. Nó sốt sắng dẫn tôi lại thư viện trong thành phố, lục tìm trong vi phim, trong vi tính, có lẽ để chứng tỏ cho tôi biết xứ Mỹ cái gì cũng có. CIA có con mắt thần soi suốt cả thế giới thì sá gì cái chuyện cỏn con này. Ấy vậy mà thằng xếp trán hói của tôi cũng đã vã mồ hôi trong căn phòng chứa một núi sách và một núi phim, không tìm ra lời giải. Cô hướng dẫn được dịp trổ tài, ghi chép câu hỏi cẩn thận để đưa về thư viện trung ương. Tôi thắc thỏm chờ.

Thế rồi lại một lần nữa, lúc tôi gần quên câu chuyện thì vào một buổi ăn trưa thằng manager xà vào bàn tôi ngồi trong căng tin. Nó bảo: ‘Thư viện họ trả lời là họ không tìm ra. Tao xin lỗi mày.’ Tôi đành bấm bụng chịu, nhưng cố vớt vát: ‘Ông thầy nói nước Mỹ chứa đủ mọi thông tin trên thế giới, sao nó lại tìm không ra?’ Thằng manager mặt đỏ rần, nổi quạu gắt: ‘Xứ tao mới có ba bốn trăm năm lập quốc thì làm sao biết đến được chuyện văn hiến hơn bốn ngàn năm của tụi mày. Mày đi tìm ông đại sứ của nước mày mà hỏi.’

‘Nhưng... tôi sợ ông đại sứ chỉ biết có việc cấp visa cho mấy người muốn đi du lịch...,’ tôi rụt rè.
‘Ðồ óc rỗng!’ nó gầm lên, ‘thì mày viết thư cho ông bộ trưởng văn hóa của mày đi. Chẳng lẽ việc gì cũng phải nhờ đến tụi tao.’

Tôi nhìn quanh, cố tìm tờ báo che mặt. Thằng ngu. Nó quên là ở nước tôi, ngài đại sứ ở đây, cũng như ông bộ trưởng ở xa tít mù kia, những người sinh ra từ nghèo khổ và được nuôi dưỡng bằng chiến tranh, hẳn họ còn lo toan những vấn đề thiết thực hơn tìm một giải đáp cho câu hỏi tầm ruồng của tôi. Vì thế tôi đành cười trừ, trợn trạo cố nuốt miếng sandwich, đồng thời một lần nữa vùi mẩu chuyện vớ vẩn ấy dưới những sợi tóc đã bắt đầu hoa râm. May ra đến khi lũ con tôi lớn lên, muốn trở về nguồn, có ngày chúng nó sẽ tìm ra câu trả lời chăng. Hay là bọn nhỏ lại chọc tôi khi nghe tôi kể chuyện này: ‘Daddy! Áo nào cũng được mà. Ba lo làm chi cho mệt.’


Nguyễn Hiền

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading