Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Vertigo
Alfred Hitchcock (1899-1980) photo by Jack Mitchell

Alfred Hitchcock (1899-1980) photo by Jack Mitchell

Phåm Anh DÛng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
    Chóng mặt, xây xẩm (dizziness) là một trong những những triệu chứng thông thường, nhất là ở những người lớn tuổi. Hầu như ai cũng đã cũng có lần bị đau ốm và cảm thấy chóng mặt.

      Khi bị chóng mặt có thể có cảm giác như là cả gian phòng di chuyển, hay tự cảm thấy chính mình xoay vòng vòng. Khi đó được gọi là sự choáng váng (vertigo).

        Nhiều khi bệnh nhân bị chóng mặt quá gây buồn nôn và bị ói mửa.

      Tai trong (inner ear) có thần kinh và mê cung (labyrinth) với nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể và do đó nhiều bệnh gây chóng mặt, choáng váng hay bắt nguồn tự những rối loạn ở tai trong.

       Một vài nguyên nhân sự choáng váng có thể là:

            1. Choáng váng khi thay đổi vị trí (benign paroxysmal positional vertigo): bệnh nhân thấy choáng váng khi xoay đầu đổi vị trí. Thí dụ đang nằm hướng về một phía, quay đầu về phía bên kia thì thấy chóng mặt.

             2. Viêm thần kinh thính giác (vestibular neuronitis): ở tai trong, những cơ quan kể cả dây thần kinh thính giác, gọi là thần kinh não số 8 (cranial nerve #8), bị viêm khi nhiễm bệnh do cực vi trùng (virus).

          3. Bệnh Menière (Meniere’s disease): do mê cung (labyrinth) là một cơ quan ở tai trong vì lý do nào đó có nhiều nước hơn bình thường.

            4. Bướu thần kinh thính giác (acoustic neuroma): bị bướu bắt nguồn từ thần kinh thính giác đè vào các cơ cấu của tai trong, cần phải giải phẫu để lấy bướu ra.

          5. Có khá nhiều loại thuốc gây choáng váng như aspirin, streptomycin (thuốc chữa bệnh lao), gentamycin (trụ sinh). Thuốc chữa dị ứng (antihistamines) như dihydropheniramine (Benadryl) cũng làm buồn ngủ, chóng mặt. Thuốc chữa bệnh cao áp huyết (hypertension) hay chữa bệnh tim cũng có thể gây xây xẩm.

           6. Có khi chỉ uống rượu hay cà phê, hút thuốc lá và vì không dùng quen cũng có thể thấy chóng mặt. Dĩ nhiên, nếu không muốn không bị nữa, chỉ cần tránh những thứ này.

     Bị chóng mặt hay choáng váng mà không có lý do giản dị rõ rệt (thí dụ như say rượu), không nên khinh thường mà cần phải đi bác sĩ để tìm nguyên nhân mà chữa trị.

     Bị xây xẩm như muốn xỉu (presyncope) hay bị xỉu thật (syncope), phải nghĩ đến bị áp huyết quá thấp nhất là khi đang nằm mà nhỏm dậy (orthostatic hypotension), bệnh tim suy (heart failure), tim đập loạn xạ (cardiac arryhmia) hay thiếu máu (anemia)...

      Còn khá nhiều nguyên nhân khác gây chóng mặt, quan trọng như bị tai biến động mạch não (CVA, stroke)... và khó có thể bàn hết tại đây. Điểm quan trọng là cần đi khám bác sĩ gia đình. Nếu coi thường, bệnh có thể nặng thêm và có khi nguy hiểm đến tính mạng.

       Bàn đến chuyện choáng váng, vertigo, làm liên tưởng đến một cuốn phim rất nổi tiếng,Vertigo của đạo diễn Alfred Hitchcock.

      Nam tài tử chính trong phim là James Stewart, người khi đóng phim hầu như luôn luôn thủ vai những nhân vật tốt, thành thật và đặc biệt lúc nào cũng có vẻ lúng túng vụng về nhưng ông lại thành công ở đặc điểm diễn xuất đó. James Stewart nổi tiếng ở những phim như Mr. Smith Goes to Washington (1939), It’s A Wonderful Life (1946)..., đoạt giải Academy Award trong phim The Philadelphia Story (1940) và về sau còn được tặng thêm một giải Academy Award Đặc Biệt năm 1985.

     Trong Vertigo, James Stewart đóng vai một thám tử bị chứng chóng mặt và sợ hãi, choáng váng mỗi khi ở trên cao (acrophobia). Người thám tử được một người bạn giầu có thuê để theo dõi một phụ nữ trẻ do Kim Novak, nữ tài tử tuyệt đẹp có tóc bạch kim đóng vai trò. Người đàn bà được theo dõi, lại chính là vợ của ông bạn có tiền. Vai nữ chính này, trong phim muốn tự tử vì những ám ảnh trong tiền kiếp xa xưa. Người đàn bà nhảy xuống hồ ở chân cầu Golden Gate tại San Francisco và được người thám tử cứu. Sau đó, hai người yêu nhau và phim dẫn đến những tình tiết bí mật, thật là ly kỳ đến phút cuối.

       Sinh năm 1899, tại Luân Đôn, Anh Quốc Alfred Hitchcock là đạo diễn bắt đầu từ những phim câm như The Lodger (1927), rồi Blackmail (1929), The Man Who Knew Too Much (1934),The Thirty-Nine Steps (1935), The Lady Vanishes (1938)...

      Năm 1939, sau khi qua Hollywood, Hitchcock thực hiện nhiều phim rất hay và nổi tiếng:

            Rebecca (1940), phim đầu tiên Alfred Hitchcock làm ở Hoa Kỳ, một thành công ngay lập tức, với hai giải Academy Awards trong đó một giải là phim hay nhất trong năm.

          Dial M For Murder (1954), phim khá hồi hộp, do Grace Kelly, nữ tài tử nổi tiếng có một vẻ đẹp lạnh lùng, diễn xuất vai chính. Grace Kelly (1929-1982) từng được trao tặng Academy Award trong phim The Country Girl (1954), còn đóng thành công trong hai phim khác của Hitchcock là Rear Window (1954) và To Catch a Thief (1955). Kelly sau bỏ nghề điện ảnh, trở thành công chúa của quốc gia Monaco, khi kết duyên với hoàng tử Rainer III năm 1956.

        The Man Who Knew Too Much (1956) được quay phim lại do James Stewart và Doris Day đóng vai chính. Phim này có bài hát được giải Academy Awards Qué Será Será tức làWhatever Will Be, Will Be của Jay Livingston và Ray Evans. Bài hát này có bản dịch tiếng Việt của Tiêu Khúc là Biết Ra Sao Ngày Sau (1958), ngày xưa ca sĩ Thanh Lan hát khá hay.

         Vertigo (1958)... và rất nhiều phim khác.

     Đa số đều là những phim trên, đều cho người xem nhiều cảm giác mạnh, hồi hộp.

     Hai phim cuối cùng Alfred Hitchcock chuyển sang thực hiện loại phim rùng rợn:

        Psycho (1960), phim đen trắng, do nam tài tử Anthony Perkins đóng vai một người điên, bị ám ảnh bởi người mẹ đã chết và thành sát nhân. Cảnh phim người điên giết người dã man trong phòng tắm làm ai xem cũng phải sợ. Phim này về sau được quay lại thành phim mầu, rồi lại thêm Psycho II và Psycho III, không do Alfred Hitchcock đạo diễn.

        The Birds (1963) kể chuyện những con chim điên khùng, họp lại thành đàn đi giết người.

     Tất cả những phim của ông, xem kỹ đặc biệt sẽ thấy Hitchcock đều xuất hiện thoáng qua một lần.

    Ngoài những phim điện ảnh, ông còn thành công trong những chương trình truyền hìnhAlfred Hitchcock Presents (1955-1965) và cũng là tác giả của những chuyện ngắn nổi tiếng được đặt tên là Stories To Be Read with the Lights On (1973).

     Năm 1980, sau khi được Hoàng Gia Anh trao tặng tước hiệu Hiệp Sĩ (Knighthood), ông từ trần cũng năm đó.

     Alfred Hitchcock (1899-1980) là một thiên tài điện ảnh của thế giới.

(Độc giả cần phải tham khảo thêm với Bác Sĩ Gia Đình của mình)


BS Phạm Anh Dũng, ABFP
Santa Maria, California, U.S.A.
Tháng 06, 2000


Loading