Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

to-lich-30-4-1975
Tháng 4 ñen: TØ Appomatox ljn ViŒt Nam 1975 VÛ  Væn Dzi
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Hàng năm vào ngày 12 tháng 4, tổ chức các phụ nữ Cách Mạng Mỹ, Daughters of Revolution đều làm lễ truy điệu và tưởng niệm các chiến sĩ của cả hai bên Nam và Bắc Quân đã bỏ mình trong cuộc Nội Chiến 1861 - 1865, tại thành phố Appomatox (Virginia). Ngoài căn nhà Appomatox Court House là nơi tướng Robert Lee ký giấy đầu hàng tướng Ulysses Grant thì còn có một nghĩa trang nhỏ ở bên cạnh có 19 ngôi mộ của Bắc Quân (Confederate) và 1 ngôi mộ của Nam Quân (Unionist) được chôn cất cùng với nhau, đánh dấu sự chấm dứt cuộc chiến tương tàn cốt nhục cũng như sự giảng hòa giữa hai bên Nam và Bắc để tạo thành một nước Mỹ hùng mạnh và thống nhất như ngày hôm nay.

Các sử gia nhận định rằng nếu không có sự khoan hồng rộng lượng của tướng Grant cũng như tinh thần can đảm, chấp nhận hoàn cảnh của tướng Robert Lee thì có lẽ cuộc chiến sẽ còn kéo dài dưới một hình thức khác như du kích, tiêu thổ kháng chiến trong rừng rậm Appalachia. Nước Mỹ sẽ không được toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay vì miền Nam tuy đã thua trận nhưng không quên được mối thâm thù huyết hải do phía Bắc quân gây ra ví dụ như đã đốt cháy thành phố Atlanta, phá hủy đất đai, ruộng vườn của miền Nam do tướng Sherman tạo nên!

Appomatox và chấm dứt chiến tranh.

Sau khi thất bại trong việc giải vây cho thủ đô Richmond và Petersburg thì tướng Robert Lee, tư lệnh quân đoàn Northern Virginia tìm cách rút lui về hướng Tây để tiếp nối với quân đoàn phía Nam hòng phản công lại. Nhưng vì đường tiếp liệu bị tướng Ulysses Grant cắt đứt và quân số bị thua kém nên tướng Lee đành phải chấp nhận đầu hàng vào ngày 9 tháng 4 năm 1865. 

Tướng Grant sau khi bao vây đạo quân của tướng Lee không còn lối thoát thì gửi thư đề nghị với tướng Lee hãy buông súng. Sau khi được bảo đảm một số điều kiện tối thiểu thì tướng Lee đã cùng với 3 phụ tá cưỡi ngựa đến gặp tướng Grant tại một ngôi nhà tại Appomatox để ký giấy đầu hàng. Ngày 12/4 chính thức đánh dấu chấm dứt chiến tranh giữa hai bên với sự giải tán của phía Nam Quân và nhất là tướng Grant ban hành một màn đại xá cho toàn thể binh lính và sĩ quan Nam quân được trở về đời sống bình thường, không có sự trả thù hay trừng phạt bất cứ một người nào.

Sau khi nhận được lá thư chấp nhận đầu hàng thì tướng Grant đã tỏ ra cao thượng cho phép tướng Lee chọn địa điểm hai người gặp nhau và ngôi nhà Appomatox court house đã được dùng làm nơi ký giấy thỏa thuận ngưng bắn và giao nộp các cỗ trọng pháo. Hai bên gặp nhau lần đầu tiên, sau hơn 20 năm, vì trước đó hai người cùng là chiến hữu trong cuộc chiến tranh với Mexico mà cả hai đã đem lại chiến thắng cho nước Mỹ.

Sau khi thăm hỏi một cách thân thiện cũng như kể lại thời gian trước đây tại Mexico thì tướng Grant nhắc lại những điều kiện mà ông đã hứa trước đây là sau khi cam kết buông súng thì tất cả phía Nam Quân được trả về nguyên quán, không bị trừng phạt. Sau khi giao nộp hết võ khí nặng thì các sĩ quan được quyền giữ lại một khẩu súng nhỏ để tùy thân và mỗi người được cấp một con ngựa và một số lương thực để trở về với gia đình. Sau khi tướng Lee rời khỏi ngôi nhà và lệnh ngưng bắn được ban hành thì tướng Grant ra lệnh cho các binh lính không được reo hò, đánh trống thắng trận vì "những người Nam Quân đó đều là anh em của chúng ta và không ai được phép ăn mừng trước sự thất bại của họ..."

Tướng Joshua Chamberlain, đại diện phía Bắc quân sau khi nhận các khẩu trọng pháo được trao lại thì ông đã nghiêm trang chào kính lá cờ Confederate của phía Nam Quân được hạ xuống và ông nói"chúng ta tôn trọng danh dự lá cờ của nhau." Tướng Grant hiểu rằng vẫn còn khoảng 175.000 Nam quân ở mặt trận phía Nam chưa đầu hàng nên ông để cho tướng Lee dùng uy tín của mình thuyết phục họ buông súng. Tướng Lee cảm phục sự cao thượng của tướng Grant nên ông đã ra lệnh cho tất cả phải tuân lệnh đầu hàng vì vẫn còn một số sĩ quan không chịu thua và dự định sẽ rút vào những khu rừng phía Nam đánh du kích kéo dài cuộc chiến thêm nhiều năm nữa hoặc rút ra bên ngoài nước Mỹ lập chiến khu tại Cuba hoặc Mexico..Nhưng cuối cùng thì qua tinh thần thượng võ và hào hùng của tướng Grant và tướng Chamberlain và sự sáng suốt của tướng Lee nên cuộc Nội chiến thực sự chấm dứt, giải tỏa sự hận thù giữa hai bên Nam và Bắc!

Bài học tháng 4 đen.

Tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới, dù là nội chiến hay ngoại xâm cũng có lúc sẽ phải chấm dứt và hai bên thắng hay bại đều phải giảng hòa vì quyền lợi của hai bên. Nhưng muốn có một sự giảng hòa thật sự thì cần phải có những hành động nhận lỗi và sửa đổi lại những lỗi lầm xảy ra trong cuộc chiến. Nếu một bên vẫn giữ lập trường ngoan cố, phủ nhận hay che lấp những lỗi lầm thì không thể có giảng hòa và sự hận thù sẽ tiếp tục kéo dài từ đời này qua đời khác như trong cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm, có lẽ lâu nhất thế giới!

Trong suốt thời gian đệ nhị thế chiến và tiếp theo là cuộc chiến tranh lạnh thì các nước Âu châu đã giảng hòa với Nga/Đông Âu sau khi những tội ác ghê gớm của Stalin được Gorbachev, Yeltsin chính thức xin lỗi dân tộc Ba Lan trong vụ thảm kịch tại Katyn, xin lỗi Hungary trong vụ khởi nghĩa 1956 và dân tộc Tiệp trong vụ mùa Xuân tại Prague 1968. Tây Đức sau khi "nuốt sống" Đông Đức cũng không trừng phạt những thành phần có tội với dân chúng và bỏ ra hơn 700 tỷ USD tái thiết lại cho miền Đông.Nhật Bản cũng xin lỗi và bồi thường cho dân tộc Triểu Tiên về những tội ác diệt chủng trong 45 năm cai trị khiến hai nước Nhật và Hàn hiện nay đã hòa hiếu và cùng nhau phát triển kinh tế thành một khu vực thịnh vượng nhất Á Châu.

Chính phủ Mỹ cũng xin lỗi cộng đồng Nhật khi đem đầy ải hàng vạn công dân gương mẫu vào những trại tập trung trong đệ nhị thế chiến khi họ bị nghi ngờ một cách oan uổng làm gián điệp cho địch. Cộng đồng da đen và da đỏ cũng được xin lỗi, bồi thường từ chính phủ liên bang và lời xin lỗi đã được chấp thuận khiến ngày nay nước Mỹ đã có một vị Tổng Thống da đen! Có lẽ hành động cao đẹp nhất là của Nelson Mandela sau khi lấy lại được quyền hành đã có chính sách "Truth and Reconciliation," giao hảo với phe da trắng thiểu số sau khi những lỗi lầm được công nhận và không bị trừng phạt..

Chính phủ Đức cũng công khai xin lỗi và bồi thường rộng rãi cho Israel về vụ Hitler đã diệt chủng 6 triệu dân Do Thái trong vụ Holocaust khiến hiện nay 80% dân Israel có cảm tình với người Đức. Nước Hòa Lan nhỏ bé cũng được Đức bồi thường vì đã làm cho hàng vạn người bị chết đói trong đệ nhị thế chiến. Đức bỏ ra rất nhiều tiền giúp Hòa lan khôi phục sau vụ lụt năm 1953 tàn phá vùng Zuyderzee khiến hiện nay hai nước trở nên thân thiết, ngoại trừ trong những trận đấu bóng đá giữa đội Ajax Amsterdam và Bayern Munich!

Lấy đại nghĩa thắng hung tàn.

Hiện nay có một vài dư luận đưa ra đề nghị là sau 38 năm thì nên có sự giảng hòa và bỏ ngày Quốc Hận 30/4 bằng một ngày khác. Gần đây có một vài cuốn sách ghi nhận rằng miền Nam VN đã "thắng cuộc" miền Bắc. Tuy bị thua trận nhưng miền Nam với văn hóa cao hơn đã "giải phóng" miền Bắc bị chế độ Cộng Sản cầm giữ trong hơn 20 năm u tối. Dù cho có thắng trận bằng quân sự nhưng miền Bắc không thể tránh khỏi quy luật của lịch sử là khi hai nền văn hóa va chạm thì phía cao hơn sẽ thắng và đồng hóa phía kém hơn như trường hợp quân Mông Cổ, Mãn Châu bị đồng hóa bởi người Hán tộc, quân dã man Barbarians bị đồng hóa bởi văn minh La Mã, quân du mục Trung Á bởi văn minh Ấn Độ...

Sau những chiến thắng quân sự ban đầu! Một sự thật không thể chối cãi là hiện nay miền Nam đã chinh phục miền Bắc bằng con đường văn hóa nghệ thuật, khoa học và kinh tế tuy rằng vẫn bị ở trong một chế độ "Bắc Kỳ trị" vẫn ăn mừng ngày 30 tháng 4 như một ngày thắng trận nên không thể nào có sự giảng hòa giữa hai miền cũng như với cộng đồng Việt Nam hải ngoại với gần 5 triệu người nhưng có thu nhập còn cao hơn cả một nước Việt Nam nghèo đói và tụt hậu. Muốn có giảng hòa thì phe "thắng trận" cần phải có thái độ thẳng thắn nhận lỗi lầm trước đây trong cuộc chiến.

Một vài cử chỉ cần làm là sửa sang lại nghĩa trang quân đội, khôi phục lại vị trí của lá cờ vàng 3 sọc đỏ, trả lại tên Saigon cho thành phố, trả lại những tên đường phố như cũ, trả lại những tên trường học Petrus Ký, Gia Long, Trưng Vương, Chasseloup Laubat, Marie Curie... xin lỗi miền Nam về những hành vi phản bội trước đây như trong vụ Tết Mậu thân và nhiều vụ khác không thể kể hết được ví dụ như vụ hạ sát Đức Giáo Chủ Huỳnh phủ Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo với hàng triệu tín đồ tại Miền Tây, các tổ chức và đảng phái Việt Nam bị ám sát.Cộng Sản Bắc Việt đã chiếm được miền Nam bằng những hành động hung tàn và cường bạo nhưng miền Nam đã thắng bằng trí nhân và đại nghĩa nên ngày 30 tháng 4 sẽ vĩnh viễn là một ngày Quốc Hận cho đến khi nào có một sự hối cải thực sự của phe"thắng trận nhưng thua cuộc!"

Je me souviens!

Những du khách khi sang thăm tỉnh Quebec thường thấy trên các bảng số xe có câu "Je me souviens." Không hiểu ý nghĩa của câu này là gì, có thể là tôi không quên nguồn gốc văn hóa Pháp của tôi hoặc tôi không quên trận đánh Cánh đồng Abraham mà không may tướng Montcalm bị thua tướng Anh Thomas Wolfe khiến làm cho người dân Quebec bị người Anh đô hộ. Có lẽ nhờ tinh thần này mà ngày nay Quebec đã trở thành một quốc gia độc lập trên thực tế, dành lại chủ quyền mà họ tự hào đã đánh đuổi được người Anh bằng văn hóa và ngôn ngữ qua câu châm ngôn "Maitre chez nous." Một ngày kia người dân miền Nam cũng sẽ làm được như người dân Quebec và đem lại tự do độc lập cho dân tộc.

Vũ văn Dzi,MD (retired).

Loading