Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Tác giả Uwe Siemon-Netto, Ph.D.

Tác giả Uwe Siemon-Netto, Ph.D.

Phe Tà ñã Th¡ng Cu¶c
 
Nguyên Tác Tiếng Anh
 
Tác giả: Uwe Siemon-Netto
Chuyển ngữ: Lý Văn Quý

(Nguồn: Tạp chí Quân đoàn Hoa Kỳ (The American Legion)
https://www.legion.org/magazine/217890/wrong-side-won
Một phụ nữ miền Nam Việt Nam than khóc trước thi thể của chồng, được tìm thấy cùng với 47 nạn nhân khác trong một mồ chôn tập thể gần Huế (ảnh Corbis)
Vào cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, Ralph White tìm mọi cách để gia nhập Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ nhưng bị từ chối vì một chấn thương mắt trong khi chơi quần vợt. Tuy nhiên, khi cuộc chiến sắp kết thúc trong hỗn loạn vào tháng 4 năm 1975,  anh chàng White 27 tuổi đang ở Sài Gòn và đã hành động đúng với phương châm “Mãi mãi trung thành” (Semper fidelis) của TQLC Hoa Kỳ, mặc dù theo ý nghĩa của bên dân sự.

Bằng mọi cách dỗ dành, tạo áp lực và luồn lách khéo léo các thủ tục quan liêu, White đã tìm ra cách khôn ngoan để giải cứu 112 nhân viên người Việt của ngân hàng Chase National cùng với gia đình họ: anh nhận họ làm con nuôi trước sự hiện diện của viên thẩm phán Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đối mặt với sự thất bại sắp xảy ra của Hoa Kỳ và đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, người Mỹ dân sự từng ước ao được gia nhập TQLC này đã đạt được một chiến thắng tuy nhỏ nhưng đáng chú ý.

Ngày 30 tháng 4, 10975, các chiến xa T-54 do Liên Sô sản xuất đã hoàn tất cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa bằng cách húc tung cánh cổng dinh Tổng thống tại Sài Gòn. Bên trong dinh, Tổng thống VNCH mới nhiệm chức Dương Văn Minh, tức Minh “Cồ” đề nghị bàn giao quyền lực. Đại tá Bắc Việt Bùi Tín đáp: “Không có vấn đề bàn giao quyền hành ở đây… Các ông không thể chuyển giao thứ gì mà các ông không có.”

Đối với tôi là một người Đức, những câu nói này y hệt các điều khoản mà phe Đồng Minh đã áp đặt lên đất nước tôi năm 1945 khi tôi còn là một đứa trẻ: một cuộc đầu hàng vô điều kiện. Điều trớ trêu là vào lúc Thế Chiến Thứ Hai đang kết thúc, rõ ràng là một chính quyền tàn ác đã phải đầu hàng theo phương thức này nhưng chuyện ngược đời đã xảy ra 30 năm sau tại Sài Gòn: một chế dộ độc tài với các tính năng vô nhân đạo cùng cực đã áp bức một đối phương nhân bản hơn - mặc dù còn nhiều khiếm khuyết - phải đầu hàng vô điều kiện, và thế giới lại còn reo hò mừng vui.

Với tư cách phóng viên tường thuật cho một nhà xuất bản lớn nhất của nước Đức trong thời gian 5 năm, tôi có thể kết luận là phe tà đã thắng cuộc. Chẳng có lý do gì để mà vui mừng cả. Mặc dù vậy, khi Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố tại trường đại học Tulane University New Orleans rằng “cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ,” một tuần trước khi Việt Nam Cộng Hòa bị nghiền nát, ông đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt.

Phản ứng này đáng lẽ phải tẻ nhạt hơn nếu nhận thức về số phận hẩm hiu mà hàng loạt những ngưòi miền Nam Việt Nam đã phải gánh chịu. Đối với họ, sự nghiệt ngã trên thực tế chỉ mới là bước đầu với chiến thắng của Cộng Sản. Theo Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, từ 200.000 đến 400.000 người đã chết đuối khi vượt biển trên những chiếc thuyền đánh cá hay tự chế. Khoảng 65.000 người đã bị hành quyết. Một triệu người đã phải vào trại tập trung, trong số đó có 165.000 người bị tra tấn và bỏ đói đến chết. Tạp chí National Review tường thuật là trong số những người bị giết có 30.000 đã từng cộng tác với CIA và tên tuổi họ nằm trong các danh sách bị bỏ quên lại trong tòa Đại sứ Hoa Kỳ.

So sánh một cách tương đối, Ralph White đã thành công vượt qua mặt chính phủ Hoa Kỳ: anh đã mang được tất cả mọi người dưới sự trách nhiệm của anh thoát ra khỏi Việt Nam, đúng như dự tính khi anh tình nguyện từ Bangkok sang Sài Gòn với tư cách Tổng giám đốc tạm thời chi nhánh Việt Nam của ngân hàng Chase hai tuần lễ trước khi Sài Gòn bị thất thủ. Sau đó, trong bản tường trình với cấp trên tại ngân hàng Chase, anh viết “duy trì mối liên lạc giữa nhà băng và tòa Đại sứ Hoa Kỳ nhằm bảo đảm một sự phối hợp tối đa với kế hoạch di tản” là “mục đích duy nhất” của nhiệm vụ anh.

“Đọc lại bản báo cáo của một người 27 tuổi, tôi cảm thấy khá hãnh diện,” White nói. Bây giờ ông là một nhà văn sống tại Litchfield, Connecticut.

Gần bốn thập kỷ sau ngày VNCH bị sụp đổ, tôi biết đến một câu chuyện cảm động khác về một người phụ nữ Hoa Kỳ đã hành động một cách dũng cảm và trung thành với những giá trị của bản thân không khác bất kỳ một người chiến sĩ nào. Patricia Palermo là một phụ nữ tóc vàng xuất thân từ Nebraska và làm nhiệm vụ tiếp viên hàng không cho hãng Pan Am. Cô tình nguyện làm nhân viên kế toán trên các chuyến bay con thoi giữa Guam và Sài Gòn để tiễn đưa các “thanh niên khỏe mạnh, hồng hào và sung sức đi vào chiến địa,” cô kể lại trong một cuộc phỏng vấn. “Khi tôi gặp lại họ 12 tháng sau, trông họ giống như các ông già 50 tuổi. Nhiều người bị thương và tàn phế, còn một số thì nghiện ngập. Họ không được phép lên máy bay cho đến khi những người “trở về” khác đã được chất lên khoang máy bay - trong những cỗ quan tài kẽm.”

Palermo bây giờ đang sống tại New York, đã trả lời trong một cuộc phòng vấn qua điện thoại rằng bà đã bị xúc động mạnh bởi những chuyến bay đó và đã cố gắng quẹn đi. Cho đến năm 1980 khi bà xem truyền hình về cuộc diễn hành đầu tiên để vinh danh các cựu chiến binh Việt Nam. Bà kể lại: “Tôi lập tức nhào ra khỏi cửa và gia nhập ngay vào đoàn diễn hành.”

Giai đoạn khủng khiếp nhất trong sự nghiệp tiếp viên của Palermo là vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến khi hãng Pan Am chở về Hoa Kỳ có  ít nhất là 5.000 trẻ sơ sinh, hầu hết là con lai Mỹ đã được mang ra khỏi Sài Gòn. “Chúng tôi không được phép rời máy bay vì hỏa lực địch nhưng chúng tôi mục kích các bà mẹ tuyệt vọng ném con mình qua hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất để được phi hành đoàn mang đi an toàn. Tôi còn nhớ có một người nào đó trong lúc tuyệt vọng giao cho tôi hai đứa bé giấu trong một cái rổ. Có một lúc tôi đếm được hơn 400 bé sơ sinh trên chiếc Boeing 747. Chúng được đặt khắp mọi nơi, ngay cả trong các ngăn hành lý trên đầu, và chúng nằm thật im, luôn luôn nằm thật im lặng…”

Tôi theo dõi sự kiện Sài Gòn thất thủ trên màn truyền hình trong căn phòng của tôi tại Paris với niềm đau buồn và nỗi uất hận dâng trào. Tôi ngạc nhiên trước thành tựu xuất sắc của chiến dịch “Ngọn gió thường xuyên” (Operation Frequent Wind), mang đi được 1.373 người Mỹ còn lại và 5.595 người Việt cũng như các người  thuộc các quốc tịch khác bằng những chiếc trực thăng hầu hết đậu trên bãi đáp trên nóc văn phòng tùy viên quân sự tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ vào hai ngày 29 và 30 tháng Tư. Tôi đã có mặt nơi đó bẩy năm trước trong cuộc công kích Tết Mậu Thân và đứng ở bên kia đường quan sát sự thất bại của Cộng sản khi tấn công vào tòa Đại sứ. Nhưng bây giờ chúng sắp sửa thành công, đó là lý do niềm đau buồn của tôi.

Tuy nhiên nỗi uất hận của tôi là đám sinh viên và trí thức đang cổ vũ chiến thắng của Cộng sản như một công cuộc giải phóng. Họ đã thực hiện điều đó ở khắp mọi nơi: bên kia tả ngạn dòng sông Seine; tại chính quê hương tôi là Tây Đức và cả Hoa Kỳ. Rừng cờ Việt Cộng màu xanh đỏ trên màn truyền hình làm tôi buồn nôn bởi vì đối với tôi, các màu cờ đó tượng trưng cho những hành động thảm sát ghê tởm mà tôi đã chứng kiến tại Việt Nam.

Chẳng hạn, trong một đêm tại Trung Nguyên, tôi đã thấy tận mắt những thi thể bị băm vằm của một ông xã trưởng, với người vợ và 12 đứa con của họ. Bọn sát nhân Cộng sản đã tra tấn họ. Dân làng kể lại với tôi rằng cả gia đình đã bị giết vì ông xã trưởng đã nhất định trung thành với chính phủ Sài Gòn. Đó là vào năm 1965. Vào năm bầu cử 1967 bọn Việt Cộng đã phạm ít nhất 100.000 vụ khủng bố tương tự đối với người dân lành nhằm ngăn cản họ không cho đi bỏ phiếu.

Lúc một xướng ngôn viên người Pháp loan báo chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã cáo chung, theo bản năng tôi với tay lấy cuốn sách đã từng nằm trên bàn đầu giường tôi tại khách sạn Continental Sài Gòn và tôi mang theo tới Paris: “Hai đất nước Việt Nam.” Nhiều lần, tôi đã gặp Bernard B. Fall, tác giả của cuốn sách, cũng là một học giả về chính trị tại Sài Gòn và Washington trước khi anh bị giết vì mìn Việt Cộng. Theo tôi, anh là một chuyên viên sắc sảo nhất thế giới về Đông Dương. Có một đoạn trong cuốn sách đã ám ảnh tôi từ đó cho đến tận bây giờ. Fall đã trích lời của chiến lược gia chính của Bắc Việt là tướng Võ Nguyên Giáp (chết ngày 4/10/2013), người đã tuyên bố trước các chính ủy của một sư đoàn rằng: “Kẻ thù (ám chỉ phương Tây)…không có… các phương tiện tâm lý và chính trị để theo đuổi một cuộc chiến tranh trường kỳ.”

Giáp không hề nghi ngờ về khà năng quân sự của Hoa Kỳ nhưng hắn tin rằng đã tìm ra tử huyệt của chế độ dân chủ. Fall diễn tả: “Giáp kết luận, rõ ràng là dư luận công chúng tại các chế độ dân chủ sẽ yêu cầu chấm dứt ngay sự ‘đổ máu vô ích,’ hoặc lập pháp họ sẽ nhấn mạnh muốn biết sẽ phải bỏ phiếu bao lâu nữa cho những ngân khoản khổng lồ mà không thấy một sự chiến thắng rõ ràng trong tầm tay. Điều này sẽ vĩnh viễn buộc các nhà lãnh đạo quân sự của các quân đội dân chủ phải hứa hẹn sẽ kết thúc nhanh chóng cuộc chiến - để ‘mang các thanh niên về nhà trong dịp Giáng sinh’ - hoặc buộc các chính trị gia dân chủ phải chấp thuận hầu như bất cứ sự thỏa thuận nhục nhã nào cũng được thay vì đồng ý một chiến dịch chống chiến tranh du kích lâu dài.”

Tôi tự hỏi: có phải sự phân tích kinh hoàng đó đã khiến Washington không hề phản ứng như lời hứa “với sức mạnh quân sự quyết liệt” đối với mọi sự vi phạm Hiệp định Paris 1973 của Bắc Việt? Hiệp định đã qui định là Hà Nội chỉ có quyền giữ 80.000 quân chính quy tại miền Nam nhưng không chuyện gì xảy ra khi con số này được nâng lên thành 200.000. Trong lúc thảm kịch Việt Nam đang diễn ra một cách đau đớn tôi cũng tự hỏi tại sao giới truyền thông chúng tôi, kể cả một số đông không công khai hay ngầm đứng về phe Việt Cộng, lại không tường thuật cho các độc giả biết về bằng chứng không thể chối cãi được là người dân miền Nam không bao giờ chấp nhận Cộng sản: nghĩa là ngay từ đầu các phóng viên chúng tôi đã thấy họ chạy trốn bọn Việt Cộng.

Họ đã không hề chạy vượt qua sông Bến Hải qua miền Bắc hay vào những vùng gọi là đã được “giải phóng” bởi Cộng sản. Cho đến phút cuối, các nạn nhân chiến cuộc đã tập trung về những vùng đất bị thu hẹp dần còn dưới quyền kiểm soát của Sài Gòn. Hai triệu người đổ về thành phố Đà Nẵng. Các gia đình chạy trốn Cộng sản đã làm tắc nghẽn các nẻo đường dẫn về Sài Gòn đến nỗi làm chậm cả bước tiến của bộ đội Bắc Việt. Và đến khi mọi chuyện kết thúc, các “thuyền nhân” không những vượt biển từ miền Nam mà ngay cả từ các bến cảng miền Bắc nữa. Chưa hề bao giờ trong lịch sử Việt Nam xảy ra những cuộc di cư vĩ đại như vậy, kể cả trong các thời kỳ người Tàu, người Pháp hay người Mỹ hiện diện tại Việt Nam. Tại sao mà gọi sai lầm là “giải phóng?” Từ trước tôi đã nghi ngờ điều này rồi và bây giờ tôi càng tin chắc là luận cứ đó là một trong các thương tổn của cuộc chiến Việt Nam. Và tính trung thực về tri thức cũng chịu chung số phận.

Một đoạn hình thoáng chiếu nhanh trên màn truyền hình Pháp đã nằm lại trong tâm tưởng tôi hàng chục năm sau vì đã phản ảnh các hồi tưởng đó. Đoạn phim chiếu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc trực thăng UH-1A (Huey) đáp xuống hàng không mẫu hạm USS Midway. Tôi đã từng quen ông Kỳ và rất thích ông. Đúng, ông là một viên tướng “màu mè” thuộc Không Quân Việt Nam, một con “công” giống như nhiều tướng lãnh khác trong suốt lịch sử nhân loại. Nhưng ông không hề là một “tên hề tham nhũng” như nhiều người vẫn kết án ông.

Sáu năm trước đây vào tháng 5 năm 1969, ông Kỳ và tôi đã có dịp cùng đáp chuyến bay từ Sài Gòn đến Paris. Lúc đó tôi đang tường thuật về các cuộc đàm phán hòa bình cho Việt Nam và ông Kỳ dẫn đầu phái đoàn Sài Gòn. Cuộc trò chuyện của chúng tôi ngượng ngạo một cách bất thường vì có lẽ cả hai chúng tôi đều biết mọi chuyện không tốt đẹp cho phe ông ta tại Hội đàm Paris. Rõ ràng là nhận thức sai lầm của Hoa Kỳ và các quốc gia khác về cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đã bẻ gãy ý chí quyết thắng của người Mỹ trong cuộc xung đột này.

Ông Kỳ giận dữ nói “Nhưng chúng tôi đã chiến thắng vụ Tết mà tại sao người Mỹ lại nghĩ ngược lại?”

Tôi trả lời: “Thưa Thiếu tướng, tôi biết điều đó vì tôi đang có mặt tại Huế lúc các ông thắng trận. Nhưng công chúng tại Hoa Kỳ và Âu Châu đã nhận được một thông điệp khác hẳn.”

Tại Huế tôi đã đứng trên miệng một mồ chôn tập thể chứa thi thể của ít nhất 1.000 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị Cộng sản thảm sát. Khi thấy một toán truyền hình Mỹ đứng quanh quẩn đó nhìn mông lung, anh bạn đồng nghiệp Peter Braestrup của tờ Washington Post hỏi họ: “Tại sao tụi bay không quay cái cảnh này?” Tay quay phim trả lời: “chúng tôi đến đây không phải để tuyên truyền chống cộng.”

Tôi kể lại cho ông Kỳ câu chuyện đó. Ông giữ im lặng, không nói gì cả. Ông Kỳ biết là tôi hiểu chiến thắng quân sự của Hoa Kỳ và VNCH trong tết Mậu Thân đã bị bóp méo thành một thảm bại về chính trị khi Walter Cronkite tuyên bố là cuộc chiến không thể thắng được trên truyền hình CBS trong một bình luận ngắn sau một chuyến đi Việt Nam ngắn ngủi sau Tết. Điều này khác hẳn những gì mà giới phóng viên chiến trường chúng tôi đã chứng kiến và tường thuật từ Huế. Tổng thống Lyndon B. Johnson đã từng nói: “Nếu ta mất Cronkite, coi như ta đã mất thành phần trung lưu Hoa Kỳ rồi.” Tôi chia sẻ sự mất mát đó và không bao giờ tha thứ cho “biểu tượng” Cronkite vì hành vi sơ suất nghề nghiệp của ông.

Ông Kỳ nhìn chằm chằm vào cánh cửa dẫn vào khoang lái của chiếc máy bay Air France.

Tôi hỏi ông: “Tại sao ông cứ nhìn về hướng đó?”

Ông Kỳ lặng lẽ trả lời: “Tôi chỉ ước làm một gã phi công trở lại.”

Vài năm trước đây tôi có dịp giảng dạy một lớp báo chí trình độ cao học tại trường đại học Concordia University Irvine. Chúng tôi tập trung vào một cộng đồng lớn và thành công của người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Orange County. Cô sinh viên Kellie Kotraba, nay là một ký giả thành công tại Missouri, đã tìm ra một công trình của một nhóm tám nhà nghiên cứu nổi tiếng của trường đại học Harvard, dẫn đầu bởi BS tâm thần Richard F. Mollica. Công trình có tựa đề là “Sự biến dạng về cấu trúc não bộ và các hậu quả về tâm lý đối với các cựu tù nhân chính trị miền Nam Việt Nam sau khi sống sót qua các thương tích trên đầu và bị tra tấn.”

Công trình nghiên cứu này được Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ xuất bản và cho thấy là hàng ngàn cựu tù nhân chính trị người Việt hiện đang sống tại Hoa Kỳ vẫn còn bị thương tổn nặng nề bởi hậu quả sự tra tấn mà họ từng chịu đựng trong ngục tù hàng chục năm về trước. “Có thể là khoảng hơn 100.000 người trong số họ,” BS Mollica kể lại với Kobatra. Cô sinh viên này sau đó chuyển đến tòa đại sứ Việt Cộng tại Washington để lấy ý kiến. Kobatra đã nhận được một điện thư  từ tùy viên báo chí tòa đại sứ Phạm Tùng chối cãi: “Tất cả thông tin cho rằng các học viên trại cải tạo (sic) bị tra tấn (sic) hoàn toàn không đúng sự thật.”

Điều này cũng không có gì lạ. Điều đáng ngạc nhiên là sự kiện công trình nghiên cứu của BS Mollica không được giới truyền thông Hoa Kỳ chú ý khi được xuất bản năm 2009, và khi tôi giới thiệu bài viết hấp dẫn của Kobatra cho nhiều nhà xuất bản thì cũng chẳng có ai để ý đến.

Tôi tự hỏi: "Tại sao các nhà biên tập Hoa Kỳ làm ngơ trước sự đau khổ vì hậu quả chiến tranh Việt Nam với một qui mô lớn như vậy ngay trong lòng đất nước Mỹ?" Rõ ràng có một sự tương đồng mạnh mẽ giữa những gì đã xảy ra trong 300 trại giam Cộng sản theo kiểu gulags của Liên Sô và những trại tập trung của Đức Quốc Xã tại Âu Châu. Tôi vừa đọc xong bản dịch ra tiếng Pháp về cha Andrew Nguyễn Hữu Lễ, một vị linh mục Công giáo hiện đang sống tại New Zealand. Cha đã trải qua 13 năm ngục tù Cộng sản, trong đó có 2.020 ngày bị cùm chân, gây ra những vết thương bị giòi bọ đục khoét.

Trong cuốn sách “Tôi phải sống,” cha Lễ đã kể lại với những chi tiết rùng rợn về người bạn tù, cựu Thiếu tá Quân Lực VNCH và Dân biểu Quốc Hội Đặng Văn Tiếp đã bị giết như thế nào trong sự vui mừng của một đám đông quan chức Cộng sản và các bà vợ thì reo hò thích thú. Ông bị chúng trấn nước cho thật đầy bụng. Sau đó thì tên quản tù Bùi Đinh Thi, một trong những đồ tể tàn ác nhất của trại tù Thanh Cẩm đã nhảy lên bụng ông Tiếp cho đến khi ông bị vỡ bụng, ruột gan lòi ra cho đến chết.

Bùi Đinh Thi đã từng nằm vùng là Đại úy trong quân đội VNCH. Những tù nhân trại Thanh Cẩm kể về hắn như là một tay “Kapo,” một từ ngữ nói về quản tù trong các trại tập trung Đức Quốc Xã. Giống như một số quản tù Đức Quốc Xã khác, hắn đã trốn qua được Hoa Kỳ. Hắn bị phát hiện tại thành phố Garden Grove, California, bị bắt và trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ. Theo báo cáo mới nhất, hắn đang sống tại quần đảo Marshall Islands.

Trong cuốn sách của ông, cha Lễ đã diễn tả những cơn hồi tưởng thường xuyên, lúc nào cũng kèm theo những cơn đau quặn ruột. Hồi tưởng là một triệu chứng rất nhiều cựu chiến binh Việt Nam mắc phải. Khi tôi làm mục vụ nội trú cho họ tại Trung tâm Y Khoa VA tại St. Cloud, Minn., tôi đã gặp một anh thợ làm bánh từ St. Paul vẫn luôn bị những cơn ác mộng hành hạ. Hằng ngày anh hồi tưởng lại một biến cố đã xảy ra đối với anh gần Đà Nẵng. Anh đang ngồi đằng sau một chiếc vận tải quân sự thì trông thấy một đứa bé đang rút chốt một quả lựu đạn ra sẵn sàng ném vào bên trong xe và có thể sẽ sát hại cả một Tiểu đội trong đó.

Anh đã bắn chết nó. Nhưng từ đấy, hằng đêm anh nhìn thấy khuôn mặt méo mó của đứa bé đang giãy chết. Anh cựu chiến binh nói: “Nó chỉ vào khoảng tám tuổi đầu. Bây giờ tôi có hai đứa con song sinh trạc cùng tuổi và tôi thấy mặt đứa bé hiện về trên khuôn mặt con tôi.” Đó là câu chuyện buồn nhất mà tôi từng nghe kể trong thời gian nội trú, một phần của chương trình giáo dục về Thần học mà tôi theo đuổi giữa đời, có lẽ phát sinh từ những kỷ niệm trong thời gian làm phóng viên tại Việt Nam.

Nhưng có một điều tệ hại hơn nữa mà tôi phát giác ra trong đám cựu chiến binh Việt Nam là hầu hết mọi người trong cả trong ba nhóm mục vụ mà tôi hướng dẫn cùng với một bác sĩ tâm lý đều bị gọi là “những tên sát nhân trẻ em” trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên khi từ mặt trận trở về nhà. Có một ngưòi còn bị nhà thờ yêu cầu đừng đến nữa cho tới khi nào tóc mọc dài trở lại và làm ơn mặc áo dân sự vào.

Hầu như tất cả mọi người trong các nhóm đều có niềm tin nơi Chúa nhưng lại nghĩ rằng Chúa đã bỏ rơi họ tại Việt Nam. Vì vậy họ đã “chối bỏ Chúa,” họ nói vậy. Tôi đã viết một cuốn sách Thần học cho các cựu chiến binh Việt nam với nhan đề “Lòng Tha Thứ của Chúa,” để nhắc lại nội tâm của nhà Thần học tử-vì-đạo người Đức tên là Dietrich Bonhoeffer. Ông ta nói là con người được ơn gọi phải “chịu sự đau đớn cùng với Chúa trong một thế giới vắng mặt Chúa.” Trong trường hợp này, có nghĩa là Chúa đang cùng chịu khổ đau với họ và luôn luôn hiện diện trong nỗi thống khổ của họ, cả lúc tại Việt Nam và sau này trở về nhà. Do đó, Chúa không hề bỏ rơi họ mà luôn chịu khổ đau cùng với họ. Nhiều người trong số các bệnh nhân của tôi đã tìm được một niềm an ủi nào đó qua ý tưởng này.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn nghe nhiều cựu chiến binh Việt Nam đặt câu hỏi, “Phải chăng mọi sự hy sinh đều vô ích?” Với tư cách một cựu phóng viên chiến trường, tôi không thể trả lời câu hỏi này một cách suông sẻ được. Nhưng đứng trên phương diện Thần học, tôi có câu trả lời. Trong bản luận án nổi tiếng “Phải chăng các chiến binh đều có thể được cứu rỗi,” Martin Luther so sánh ơn gọi của các chiến sĩ tương tự như nhà giải phẫu phải cắt bỏ tay chân của bệnh nhân nhằm cứu phần còn lại của cơ thể. Rất nhiều khi bệnh nhân sẽ qua đời vài ngày hay vài tháng sau đó sau cuộc giải phẫu. Nhưng điều này đâu có nghĩa là cuộc giải phẫu hoàn toàn vô ích?

Với tư cách một phóng viên chiến trường tôi thấy chắc chắn đại đa số các chiến binh Hoa Kỳ và VNCH đã thi hành nhiệm vụ của họ một cách trung thành nhằm phục vụ cho người khác. Phe tà phái đã thắng cuộc, đó là sự thật. Vì là một người Thần học, tôi phải thêm: Con người không phải là Chúa của lịch sử, và lịch sử luôn luôn được mở rộng về tương lai. Có thể sẽ phải trải qua hằng chục năm nữa mới thấy sự hy sinh của các chiến sĩ tại Việt Nam mang lại kết quả và chế độ Cộng sản sẽ tan biến, giống như các chế độ độc tài khác đã biến mất. Có lẽ lúc đó thế giới mới khám phá ra là máu mà các chiến sĩ Hoa Kỳ và đồng minh đã đổ xuống tại Việt Nam là hạt nhân cho một sự vinh quang sâu đậm hơn là chiến thắng mà họ đã bị tước bỏ trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Cuốn sách mới nhất của tác giả Uwe Siemon-Netto có nhan đề: “Đức: Tái bản lần thứ nhất - Vinh Quang của sự Phi Lý: Tình Yêu của một phóng viên cho dân tộc Việt Nam bị bỏ rơi" có bán trên Internet tại
www.siemon-netto.org


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading