Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Gió Mùa ñông B¡c (11-2)
trannguonphieu2
Những đoản văn của BS Trần Nguơn Phiêu đã đăng trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y:

1- Quân Y Hải Quân
2- Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười
3- Lê Quang Vinh: loạn tướng hay anh hùng
4- Những nhân chứng cuối cùng

Bản tin về:
Lễ Vinh Danh BS Trần Nguơn Phiêu


Gió Mùa Đông Bắc:
-Lời Nói Đầu - Chương 1
-Chương 2 - Tuổi Thơ
-Chương 3 - Thời Trung Học
-Chương 4 - Một thời sôi động trước Nam Bộ Kháng Chiến
-Chương 5 - Phong Trào Thanh Niên
-Chương 6 - Về quê Cao Lãnh - Trở lại Sài Gòn trước cơn khói lửa
-Chương 7 - Cách Mạng Mùa Thu
-Chương 8 - Những Ngày Đầu Nam Bộ Khánh Chiến
-Chương 9 - Lần Đầu Chạm Địch
-Chương 10 - Những Ngày Tản Cư
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (1)
TrÀn NguÖn Phiêu

C
hương 11

Hồi cư về Sài Gòn (2)

Tổ chức Nam Thanh còn một hãnh diện khác là đã xuất bản được bản nhạc Nhớ Chiến Khu, một bản nhạc của Ðỗ Nhuận, rất thịnh hành vào lúc khởi đầu Nam Bộ Kháng Chiến. Một đồng chí họa sĩ tài hoa, ở xóm sau nhà thờ Bà Chiểu đã nhận vẽ bìa cho bản nhạc. Anh tên Hoa, từng được hội Việt Mỹ tổ chức trình bày tác phẩm, đã sáng tác bìa một màu, xanh lá cây, với hình một chiến sĩ, đầu đội ca lô, vai vác súng, đứng dưới một cột cờ. Lá cờ phất phới, nếu cố ý nhìn thật kỹ sẽ thấy ẩn hiện hình một sao năm cánh! Qua mặt cơ quan kiểm duyệt để xuất bản một bản nhạc có hình bìa như thế, phải cho là một kỳ công. Một anh bạn ở nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu đã thực hiện việc in ấn bản nhạc này. Hoàng Mai Lưu là tên ghép ba họ của các sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước. Triệu đã đến nhà anh bạn khi bản in vừa ráo mực, ở vùng chợ An Ðông - thời bấy giờ chỉ là một xóm nhà lá - để chở hết về đem chia giấu vì sợ Sở Kiểm duyệt đổi ý cho chỉ thị tịch thâu lại thì lỗ vốn!

Nhân dịp nghỉ hè năm học đầu tiên ở trường Chasseloup Laubat, Triệu được chỉ định vào khu để dự khóa huấn luyện Thanh niên. Ðây là một khóa tổ chức cho nhiều đoàn thể thanh niên, với ý định đồng nhất chủ trương tranh đấu và hướng dẫn cách thức hoạt động bí mật yểm trợ kháng chiến. Tổ chức Nam Thanh được đưa tham dự trên mười thanh niên. Toán nhỏ của Triệu gồm năm người được liên lạc viên chỉ cách đi vào khu bằng ngả Bình Chánh. Khi xe đò đến một khoảng có một chuồng ngựa ven đường thì xin xuống và từ đó, theo đường đê, đi vào xóm. Từ đường cái đi đến rặng cây trong xóm độ hơn năm trăm thước, là một khoảng đất ruộng trống trải, những người canh gác đón khách có thể có thì giờ quan sát, nhận diện người sẽ đến một cách dễ dàng.

Ðúng như dự đoán của Triệu, khi đến gần rặng cây, Triệu đã thấy thấp thoáng hình bóng rải rác của những người dùng ống nhòm quan sát tình hình từ đường cái đi vào trong xóm. Toán nhỏ của Triệu đã được nhanh chóng gom lại và đưa vào trong. Vì đã có bố trí người liên lạc nhận diện nên Triệu và các bạn được đưa đi ngay vào một nơi khá xa có tên là “Tổng Phát Hành”. Nơi đây, Triệu vui mừng gặp một người quen, đã có lần biết trước trong những buổi hội ở thành. Anh tên Trần Bạch Ðằng, một đoàn viên cấp chỉ huy của Thanh niên Cứu quốc, có cái miệng cười đặc biệt, méo một bên trông rất dễ thương. Bạch Ðằng vui cười chỉ vào một quán nhỏ khá đông khách: “Bạn nào muốn ăn hủ tiếu thì đây là cái quán cuối cùng. Vô trỏng nếu có thèm xin ráng chịu!”. Số người được đưa đến Tổng Phát hành cũng có đến hơn ba bốn chục người. Triệu gặp được một số anh em đã từng học ở Petrus Ký, được giới thiệu vào khu. Phần lớn các anh này đều tình nguyện dự lớp huấn luyện quân sự.

Tổng Phát Hành cũng là nơi các cán bộ đã xong các khóa học tập, nhận công tác trở lại thành. Vì vậy nơi đây cũng là nơi các toán vào khu và những người trở ra trao đổi vật dụng cần thiết cho đời sống ở bưng, đặc biệt là nóp, một loại túi ngủ rất giản tiện của người nông dân miền Nam. Lăn tròn nằm trong nóp, trên nền đất hay trên phản, vừa được ấm áp, vừa tránh được muỗi. Cả những khi gặp đám mưa nhỏ, lác đan nóp thấm nước sẽ nở ra, người nằm ngủ có thể tránh qua cơn mưa, khỏi sợ ướt át.

Bữa cơm trưa ngoài trời hôm đó chỉ có cơm và cá khô kho nhưng cũng khá vui mặc dầu anh em đã được chỉ thị phải cố giữ yên lặng, không được náo động xóm làng dân chúng. Trưởng cơ quan ở đây là một người Bắc đứng tuổi, tánh tình vui vẻ, nói năng chững chạc. Ông bị cụt tay trái; tay phải lúc nào cũng giữ chặt ba lô đeo trước ngực (có thể là nơi giữ tiền điều hành cơ quan tiếp đón?). Sau bữa ăn, toán của Triệu gồm hơn mười người đã bịn rịn chia tay với các toán đi học các khóa quân sự. Một nữ liên lạc viên phụ trách lớp huấn luyện chánh trị của Triệu, chia toán thành hai nhóm đi cách nhau không xa, dẫn lên đường, len lỏi qua lối mòn các xóm. Cùng đi với Triệu là một bạn cùng lớp, con một vị bác sĩ, đã cộng tác rất nhiệt thành với Triệu, chấp nhận các hiểm nguy. Anh tên Mới, quê ngoại vốn ở vùng Tân An nên anh đã nhận biết ngay các nơi chị liên lạc viên đang đưa đi. Triệu đã dặn nhỏ với anh là nên giữ bụng, để khi cần còn biết lối mà về.

Có một đoạn đường phải băng ngang một vùng trảng nước tuy không sâu nhưng khá rộng. Chị liên lạc viên cho biết trước là toán phải cố vượt cho nhanh vì nơi đây là khoảng trống, thường hay bị máy bay Pháp bắn phá nếu thấy có những đoàn người di chuyển. Mọi người đều xắn quần lên cao để cố đi nhanh nhưng vì trong vũng có rất nhiều đỉa nên chốc chốc phải dừng lại để tuột gỡ đỉa đang bám hút máu. Có một chị tên Mai, từ bé đến lớn, chưa bao giờ bị đỉa bám nên đã sợ hãi, khóc sướt mướt. Anh em đành phải thay phiên nhau cõng chị để vượt qua trảng.

Suốt buổi chiều, việc di chuyển được nhanh chóng nhưng đến tối thì phải đành đi chậm lại. Ðể khỏi lạc đường, hai nhóm nay được nhập lại làm một, nối đuôi nhau di chuyển dưới ánh trăng mờ ảo. Có một bận, đang đi trên đường mòn nhỏ gập ghềnh, một anh bạn thấy có khoảng trống lớn hơn, tưởng nhầm là đường rộng, co chân nhảy qua, lại lọt tòm vào một mương nước, anh em phải kéo lên, ướt cả quần áo!

Sau cùng, toán đi đến một trạm liên lạc nằm cạnh một bờ sông và đã tiếp tục cuộc hành trình bằng ghe nhỏ. Tránh được việc mệt mỏi vì đường sá gập ghềnh, anh em đã góp sức chèo chống nên thuyền lướt rất nhanh qua các sông rạch. Toán đã đến Trường Cán bộ vào lúc quá ba giờ khuya. Ðây là một căn nhà cây khá rộng, nhìn từ bên ngoài trông phảng phất như một nhà thờ Thiên Chúa. Triệu và các bạn được khuyên nên đem trải nóp vào trong, tìm khoảng trống để ngủ. Dưới ánh sáng mờ mờ của một ngọn đèn dầu nhỏ treo giữa nhà, Triệu tìm được một chỗ trống giữa các khóa sinh đã đến từ trước đang nằm la liệt. Vì mệt mỏi sau một ngày di chuyển, Triệu đi vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.

Ðang yên giấc trong chiếc nóp ấm áp, bỗng Triệu cũng như các khóa sinh khác đều giật mình tỉnh dậy vì tiếng hát đồng ca vang dội, từ một phòng bên trong:

“Anh nghe chăng cung kèn rạng Ðông?
Ðang uy linh lừng vang trên không,
Ðang thiết tha hùng hồn
Phơi chí gan Lạc Hồng
Cháy lên nhuộm bao ánh hồng...
Anh nghe chăng cung kèn rạng Đông?
.................................................”


Trong tiếng đồng ca, Triệu nhận được một giọng hát rất quen thuộc nhưng chưa đoán ra tên người hát. Khi Triệu ra khỏi nóp và ngồi lên thì cũng đúng lúc toán đồng ca vừa tươi cười, từ nhà sau lên phòng họp lớn. Triệu vui mừng nhận ra ngay anh Hồ Thái Bạch, người có tiếng hát quen thuộc Triệu đã gặp trong các buổi hội Liên đoàn Học sinh ở nhà anh Ðỗ Cao Minh. Triệu cũng nhận ra được Trương Công Cán, cựu học sinh ban Tú tài trường Petrus Ký đã ra Bắc học về Y. Hai anh thuộc ban cán bộ điều khiển Trường và sáng nào cũng phụ trách việc đánh thức khóa sinh bằng bản Cung kèn Rạng Ðông của nhạc sĩ Hùng Lân.

Các khóa sinh đã được chỉ thị phải tập hợp nhanh sau nửa giờ làm vệ sinh buổi sáng và dọn dẹp nóp ngủ để phòng họp có thể sử dụng cho việc học trong ngày.

Nơi huấn luyện có tên là Trường huấn luyện Cán bộ Thanh niên “Dương Văn Dương”. Dương Văn Dương là người “anh Cả” của tập hợp quân sự Bình Xuyên. Những trận tấn công quân Pháp và Anh-Ấn lúc khởi đầu kháng chiến ở Nam Bộ phần lớn do các bộ đội Bình Xuyên thực hiện dưới sự điều động của Dương Văn Dương. Anh đã tử thương vì bị phi cơ bắn ở Bến Tre. Con kinh lớn và dài nhất trong chiến khu Ðồng Tháp tên La Grange thời Pháp, nay được mang tên mới là kinh Dương Văn Dương.

Trường tuy nằm trong chiến khu nhưng việc bị phi cơ tấn công hay địch nhảy dù tập kích là chuyện có thể xảy ra nên buổi học tập đầu tiên được dành cho giải thích nội quy sinh hoạt nội bộ, tổ chức toán khi có báo động để di chuyển phân tán...

Triệu nay nhờ ban ngày nên đã đoán chắc là trường đã chọn một giáo đường Thiên Chúa giáo, được xây cất bằng cây, để làm cơ sở. Bục giảng đặt ở vị trí cao trong giáo đường là nơi đặt bảng đen và bàn các giáo viên. Phòng học lớn ban ngày và cũng là phòng ngủ ban đêm đúng là giáo đường ngày trước. Trường nằm giữa một xóm ven một con rạch nhỏ, ăn thông ra sông Vàm Cỏ Tây. Dân chúng trong xóm không nhiều. Một số lớn thấy có mang dây chuyền với dấu thánh giá ở cổ. Trong nhiều lần tiếp xúc với các giáo dân này, Triệu có cảm giác là họ không có nhiều thiện cảm với những người xa lạ đã đến chiếm nơi tôn thờ của họ!

Trong thời gian học tập, đã có đôi phen có kẻng báo động nổi lên, và lớp học đã phân tán để lẩn trốn ra xa, núp dưới tàn lá rậm rạp của các luống mì. Những lúc ấy thì không có học hành gì được, chỉ ngồi tán gẫu. Hồ Thái Bạch nhân dịp đó, đã nhiều lần than với Triệu là nay anh vướng làm cán bộ phụ trách trường, không biết ngày nào có thể trở lại lớp học để có được dịp chọn nghành Y. Bạch thường có dịp nghe Trương Công Cán thuật về những ngày Cán theo học Y ở Ðại học Hà Nội, nên Bạch lại càng thêm náo nức, hi vọng cuộc chiến mau chấm dứt.

Chiến tranh có vẻ như mỗi ngày mỗi thêm quyết liệt. Trường tuy chưa bị ném bom nhưng đã hai lần bị phi cơ bắn phá bằng đại liên khiến một cây cột lớn trong giáo đường bị tiện mất gần phân nửa nhưng vẫn còn đứng vững. Các buổi học bị ngưng trệ nhiều lần vì báo động có phi cơ địch. Trường vì thế đã lấy quyết định phải mở các lớp học chung về đêm và sáng sớm. Ban ngày sẽ dành cho các chươmg trình sinh hoạt toán để phân tán tránh bị tấn công.

Ngoài việc theo dõi các lớp học, Triệu còn có một chương trình khác: kế hoạch chuẩn bị gây không khí xáo trộn ở Sài Gòn, tổ chức bãi khóa song song với các việc bãi công, bãi thị... Việc này có thể sẽ giúp một số thanh niên có cơ hội chọn đi vào chiến khu theo kháng chiến.

Trong những lúc sinh hoạt, nhiều khóa sinh đã bắt đầu nhận thấy trong lớp học, có những khóa sinh có những hoạt động hơi khác thường với phần đông các bạn khác. Sau buổi cơm chiều, hoặc trước những buổi thảo luận, những anh này thường cùng ngồi hội họp riêng. Sau hỏi ra mới biết là các anh này thuộc loại đảng viên, nên thường nhận được các chỉ thị đặc biệt chỉ dành cho họ. Những khi có chương trình thi đua diễn thuyết chẳng hạn, các anh nầy thuộc loại chuyên môn nói dài, nói dai với một loại câu nói thường rất giống nhau. Một việc có thể tóm vào vài câu đã được họ tán dông, tán dài nghe mãi ai cũng chán nhưng cuối cùng, họ đều được ban giảng huấn chấm giải cao!

Vì theo kế hoạch đã định trước,việc tổ chức bãi khóa ở các trường ở Sài Gòn phải được thực hiện cùng lúc với các xáo trộn xã hội khác nên Triệu đã phải trở về thành trước khi khóa học chánh thức kết thúc. Thêm nữa, trong những ngày chót ở trường, Triệu lại bị bịnh sốt rét tái phát. Triệu đã vướng phải bịnh này từ ngày về sinh sống ở Biên Hòa. Gặp thời buổi chiến tranh, thuốc men hiếm nên khi nào sức khỏe yếu kém hoặc bị cảm lạnh là bịnh lại tái phát. Mỗi ngày vào giờ gần như nhất định là thấy mình mẩy ớn lạnh, xong lại bị cơn rét run cầm cập, đắp bao nhiêu mền cũng vẫn run. Hết cơn run lại đến sốt nóng và nhất là đầu đau như búa bổ! Sau đó còn phải qua một cơn mình đổ mồ hôi như tắm, trước khi thân thể có thể trở lại trạng thái bình thường.

Mặc dầu đang gặp lúc bịnh rét tái phát nhưng gặp lúc có chuyến liên lạc dẫn về thành nên Triệu phải cố gắng nhập vào toán với hi vọng là khi đi đường sẽ vào ngày không lên cơn sốt vì Triệu bị cơn rét cách nhật, ngày bị ngày không. Nhờ đoạn đầu di chuyển bằng ghe nên Triệu không cảm thấy mệt nhọc. Ðến trạm chót, bắt đầu phải lên bộ, người liên lạc cho biết phải chờ đến đêm tối mới dám cho thuyền băng qua sông. Trong khi chờ đợi, anh em trong đoàn hùn tiền nhờ anh trạm trưởng lo cho một buổi ăn. Vì ở vị trí ven sông, nơi có nhiều thực phẩm tươi nên anh đã ra công làm cho một bữa ăn với khóm nấu canh chua, cá sông kho tộ, khác hẳn với cái thực đơn cá khô kho với măng hằng ngày của trường cán bộ thanh niên. Mùi rau om thơm phức của nồi canh chua cộng với hương vị mặn mà của trách cá kho đã làm cơn sốt rét của Triệu tiêu tan lúc nào không biết, chẳng cần đến một viên thuốc trị bịnh! Từ ngày đó, Triệu tìm được chân lý: nếu giữ gìn sức khỏe cho đầy đủ, ẩm thực cho đúng cách thì phần lớn bịnh gì cũng lướt qua được.

Những ngày trở lại đô thành là những ngày vất vả huy động anh em xếp đặt kế hoạch cổ động hô hào bãi khóa, bãi thi. Ðể tăng thêm hiệu quả, tất cả các anh em đều đồng ý phải gây tiếng nổ ngày bãi khóa. Ðịa điểm được lựa chọn là các trường Trung học lớn: Petrus Ký, Nữ Học Ðường, Chasseloup Laubat, Marie Curie. Sắp đặt sao cho lựu đạn nổ cùng một lúc ở bốn địa điểm nhưng phải cố tránh gây ra tai nạn cho học sinh thật ra không phải là chuyện dễ thực hiện. Triệu đã chỉ dẫn cách thức gài lựu đạn nổ chậm, học được trong khoá: cột cần lựu đạn bằng dây tim đèn dễ bắt lửa, dùng loại nhang un muỗi làm hệ thống trì hoãn. Việc khó là phải đem được lựu đạn vào thành phố. Việc này Triệu phải nhận trách nhiệm thực hiện. Anh Mới, người đã từng tháp tùng với Triệu vào khu, lần này cũng xin tình nguyện cùng trở vào với Triệu.

Triệu nhận được giấy giới thiệu để vào khu gặp La Văn Liếm, nhân vật khét tiếng, phụ trách Công An thành. Cầm giấy giới thiệu mà Triệu phải ngẩn ngơ vì giấy giới thiệu chỉ là một mảnh giấy thường có kẻ hàng, xé trong một tập vở học trò với ba hàng chữ viết tay lem luốc, gởi gấm người quen. Triệu chờ đợi nhận được một công văn với ấn đóng hẳn hoi thay vì tấm giấy nhỏ, viết chữ lem nhem. Triệu chỉ lo ngại không biết vào khu có gặp được La Văn Liếm không, hay lại có thể bị bắt đi tù vì một cái giấy giới thiệu không giá trị. Mới và Triệu trở vào khu lần này thấy không có gì là khó khăn vì đã biết trước đường đi nước bước. Lần này thì quen thuộc hơn nên đến khỏi Bình Chánh là xuống xe, đi nhanh vào xóm, tháp tùng theo dân chúng địa phương. Vừa vào được khỏi các chòm cây không xa lắm, đã bị ngay các du kích chận lại hạch hỏi. Sau đó Mới và Triệu được người liên lạc đặc biệt dẫn đường đến gặp ông trùm Công an khét tiếng của vùng Ðô thành.

Ông La Văn Liếm nằm vắt vẻo trên võng treo trên một bộ ván thấp, tươi cười nhận tấm giấy giới thiệu của Triệu, trong khi bụng Triệu thắc mắc lo âu, không biết cái tấm giấy sơ sài với vài hàng chữ lem luốc ấy quả thật có giá trị gì không! Bỗng nhiên, một câu hỏi của ông Liếm đã khiến những lo âu của Triệu tan biến trong khoảng khắc: “Anh là Mã (bí danh của Triệu) phải không? Có người nhờ tôi đưa cho anh thơ này khi gặp anh. Anh xem và đoán được là của ai không?”

Triệu cầm lấy bức thơ cũng được viết trên một trang giấy xé trong một tập vở học trò, có những hàng chữ đều đặn nhưng rất nhỏ. Triệu nhận ra ngay là lối viết đặc biệt của Giáo sư Phạm Thiều. Triệu cho ông Liếm biết là đã nhận được thơ viết tay của giáo sư. Ông Liếm đùa: «Ðúng rồi, thơ của ông giáo sư gởi cho học trò ruột của ổng đó. Thầy anh và học trò của ổng chắc ai cũng thiếu ăn nên người nào trông cũng ốm nhom! Lần công tác này, anh đem vô thành võ khí dữ nên phải ở lại đêm, chờ sáng mai sớm, trà trộn theo dân chúng đi chợ Sài Gòn để tránh bị xét ở cầu Renault”.

Ðêm ấy, Triệu và anh bạn Mới được giới thiệu đến ngủ đêm trong nhà một nông dân. Chủ nhà có sẵn nóp và chỉ cho hai anh em Triệu lên nằm ngủ ở bộ ván giữa nhà nhưng hai đứa đều thối thoát, xin được ngủ ngoài sân vì cả hai phải khư khư giữ theo mình hai cái cặp sách học trò, mỗi cái chứa ba trái lựu đạn vừa mới được ông Liếm phân phát lúc ban chiều. Chuyến công tác này là công tác ngắn không có gì là mệt nhọc nhưng nguy hiểm. Cả hai đứa đều lo âu, suốt đêm không ngủ được: nếu không may bị xét bắt có mang lựu đạn vô thành thì kể như đời tàn! Cả hai đã thỏa thuận: nếu thấy bị chận xét, phải liều chạy thoát thân, rủi bị bắn thì phải đành cam chịu vậy!

Ðến nút chặn ở cầu Renault, vì có nhiều xe hàng nối đuôi vào Sài Gòn, Chợ Lớn buổi sáng và cũng nhờ anh lơ xe đã “bắt tay” với lính xét nên anh em Triệu qua trót lọt. Tuy vậy Triệu cũng “bắt tay” cho tiền anh lơ để xin cho xuống trước khi xe về đến bến vì nơi đây thường có đầy dẫy các tay mật thám. Hình như cả tài xế và lơ đã biết trước trên xe có bộ hành “mặt lạ” trên tuyến đường của họ nên khi anh lơ ra hiệu xin ngừng là tài xế thắng ngay xe lại và còn thúc hối “Xuống lẹ đi!”

Chất nổ đã đem được vào thành phố rồi, việc phối trí thực hiện công tác kể ra không có gì là khó khăn vì đã được bàn thảo nhiều lần từ trước. Ngày được chọn là nhằm buổi khởi đầu cuộc thi Tú Tài phần Nhứt. Các trường được chọn là các trường công lập Petrus Ký, Chasseloup Laubat, Nữ Học Ðường và Marie Curie.
Căn cứ xuất phát được chọn là một biệt thự nhỏ ở gần góc đường Pière Flandin và Testard. Ba Má của anh Ðoan, chủ nhân ngôi biệt thự đã cho con trai là anh Ðoan được sống riêng biệt ở dãy nhà sau để tiện việc học hành. Vì thế nên nơi đây là chỗ lý tưởng để Triệu và các bạn liên lạc, hội họp nhưng không bao giờ dùng nơi đây để lưu giữ tài liệu hay làm cơ sở in ấn. Ngôi biệt thự quá đẹp, cha mẹ Ðoan quá tử tế, dễ thương, nên anh em cũng sợ có việc gì bại lộ sẽ làm hại đến gia đình bạn. Ðịa điểm xuất phát nằm ở vị trí gần các trường Marie Curie, Nữ Học Ðường và Chasseloup Laubat nên từ đây có thể theo dõi diễn tiến dễ dàng. Chỉ có Trung học Petrus Ký là ở xa hơn mà thôi. Duy Thảo là học sinh Nữ Học Ðường từ lâu nên nhận lãnh đặt lựu đạn ở đây. Riêng trường Marie Curie thì anh Cần, con trai giáo sư Phạm Thiều tình nguyện phụ trách. Petrus và Chasseloup Laubat được hai bạn khác lãnh trách nhiệm đặt chất nổ. Triệu và Mới ngồi trông chờ kết quả sau khi các anh em đã xuất phát. Cuối cùng chỉ có Chasseloup Laubat và Petrus Ký là hai nơi lựu đạn gài đã gây tiếng nổ lớn, náo động các lớp thi. Ở Nữ Học Ðường và Marie Curie thì không nghe thấy được kết quả nào.

Tối hôm đó, không ngờ Cần lại táo bạo leo tường trở lại vào bên trong trường Marie Curie để đem về cho Triệu xem quả lựu đạn anh đã đặt. Bộ phận trì hoãn đã hoạt động, cần bật được tháo đã đập vào kíp nổ nhưng lựu đạn đã “thúi” tịt ngòi! Cần tức mình nên đã rủa không ngớt miệng, kêu tên ông Liếm, cho rằng ông ta đã thấu cáy học sinh, phân phát cho những quả lựu đạn tịt ngòi! Anh còn có ý định hỏi Duy Thảo vị trí đặt trái lựu đạn không nổ ở Nữ Học Ðường để biết lý do vì sao lựu đạn không nổ! Anh em phải xúm nhau lại kiểm thảo việc làm thật sự rất can đảm của Cần nhưng lại rất trái nguyên tắc bảo mật, có thể làm nguy hại để tổ chức bị phát giác nếu anh bị địch bắt (Sau năm 1975, Cần được biết là Ðại tá Pháo binh trong Quân đội miền Bắc).

Các truyền đơn, báo chí bí mật phân phát ở các trường kêu gọi học sinh bãi thi, bãi khóa để phối hợp với các phong trào đình công bãi thị ở ngoài dân chúng thật sự đã có gây được tiếng vang lớn trong hàng ngũ thanh niên. Trong một buổi hội kêu gọi các học sinh muốn vào khu tham gia kháng chiến được tổ chức ở nhà một đoàn viên tên là Thu Ðen ở đường Hàng Thị, Gia Ðịnh, Triệu còn nhớ đã có mặt vài thanh niên mà sau này sẽ là những bác sĩ giải phẫu tài danh như Phạm Hà Thanh, Phan Ngọc Anh...


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading