Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
1. Tốn nhiều thì giờ

Đó là cả một chuyện không tuởng mà Ơn trên đã giúp đỡ cho tôi hoàn thành cuốn hồi ký này. Một sự kiện mà các bạn cũng đoán được là vì lý do tôi quá bân rộn vì nghề nghiệp phục vụ cho cộng đồng, bổn phận làm chồng làm cha trong gia đình và điều quan trọng hơn cả là tôi không phải là một nhà văn chưa bao giờ viết sách. Mục đích chính là tôi viết lại cuốn hồi ký này là cho các con tôi vì chúng nó sinh trưởng bên này không đọc và viết được tiếng Việt và ít tiếp xúc với cộng đồng người Việt do đó những ý tưởng về nguồn gốc, dân tộc và đất nước nơi cha mẹ chúng nó sinh và trưởng thành là những cái gì quá mơ hồ và trừu tượng đối với chúng nó.

Để cho các con tôi đọc và thông cảm được những cảm nghĩ và những ước mơ của cha chúng nó nên tôi phải viết bằng tiếng Anh. Sau khi tôi viết xong mỗi tiểu truyện, xin các bạn đừng cười tôi nhờ các em sinh viên Mỹ đọc và sửa lại để được mạch lạc và suông sẻ hơn. Các em sinh viên khi đọc rất lấy làm thích thú và khuyến khích tôi. Thời gian tôi hoàn tất cuốn hồi ký này khoảng gần 2 năm. Giai đoạn thứ hai là viết lại bằng tiếng Việt. Công việc này nhanh chóng hơn.

Tuy vậy, phải mất gần một năm mới xong. Điều khó khăn cho tôi xin lỗi là trong khoảng thời gian gần 30 năm xin các bạn đừng cười là tiếng Việt của tôi cũng rất yếu vì suốt ngày từ chỗ làm việc đến khi về nhà mỗi ngày tôi chỉ được nói tiếng việt một vài ba câu và tôi cũng không có nhiều thì giờ để đọc sách báo tiếng Việt do đó tôi phải nhờ người sửa lại để được trôi chảy và dễ hiểu.

Người giúp tôi là anh Nguyễn v Trung, người Việt gốc Hoa mỗi ngày sau giờ làm viêc ghé qua bệnh viện để sửa bài. Ngày qua ngày, kiến tha lâu cũng đầy tổ. Viết xong nhân dịp kỳ nghỉ hè năm ngoái (11/2013) tôi mang bản thảo bằng tiếng Việt đi biếu bà con và bạn bè xem và xin ý kiến. Trong số các bạn bè thân hữu mà tôi gửi bản thảo để xem ý kiến có anh Cao Cang và anh Huy Phương.

Anh H. Phương sau khi đọc qua đề nghị cho xuất bản vì sách viết ra là để cho nhiều người đọc không phải là để cất dấu trong chiếc laptop. Một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn các bạn bè, các em sinh viên tập sự ở bệnh viện, anh Cang, anh An và anh H. Phương đã ủng hộ và góp ý kiến để cuốn sách này, đứa con tinh thần của tôi đến tay các độc giả. Tuy nhiên, trong khi đọc nếu các bạn thấy có điều gì sơ sót theo các bạn nghĩ là có thể làm tổn hại đến uy tín của một cá nhân nào hay đến cộng đồng và tổ quốc của chúng ta nên cho tôi biết để tôi sửa sai lại cho cuốn hồi ký này được hoàn chỉnh hơn. Xin thành thật cám ơn quý vị
.

2. Động lực nào viết cuốn hồi ký này

Hằng ngày trong những lúc giao tiếp dù có cẩn thận mấy đi chăng nữa, chúng ta sẽ có những sự đụng chạm làm cho chúng ta phải bực dọc, vui buồn nhưng rồi những sự đau buồn đó dần dần được xóa nhòa với thời gian. Tuy nhiên có những sự kiện quá quan trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta nên đã đi sâu vào trong tiềm thức và khó mà quên được. Một trong những phương cách hữu hiệu để giải tỏa những sự ưu phiền đó là dùng giấy trắng và mực đen để giãi bày tâm sự với hy vọng có người đọc qua va thông cảm.

Tôi cũng vậy sau khi trải qua bao sự thăng trầm của cuộc sống mà vui ít buồn nhiều những kỷ niệm và những ước mơ đó đã được cất dấu sâu trong tiềm thức, nhưng vì quá bận rộn với công ăn việc làm, nên tôi tự an ủi sẽ ghi chép lại khi tôi về hưu trí lúc gia đình và con cái được ổn định lúc đó cũng còn chưa muộn. Nhưng rồi thình lình một sự kiện lớn đã xảy ra trong gia đình là lúc tôi bị tai nạn xe cộ vào tháng 5/2011. Nằm trên giường bệnh tôi bắt đầu run sợ khi nghĩ đến các con tôi vì chúng nó còn quá nhỏ lúc đó cháu nhỏ nhất chưa xong trung học. Các con tôi sinh và lớn lên ở đất nước này.

Tôi thì quá bận rộn với công cuộc mưu sinh ít thì giờ tiếp xúc với con cái và vì sự quá chênh lệch về tuổi tác giữa tôi và các con tôi nên tình cảm giữa tôi  và các con không được khắng khít lắm. Do đó tôi tin rằng nếu chẳng may tôi mất đi thì chỉ trong một thời gian ngắn các con tôi sẽ quên hẳn hình ảnh của cha chúng nó đã suốt một đời tận tụy hy sinh vì chúng nó. Thêm vào đó các con tôi lại không nói được tiếng Việt và lại không sống và tiếp xúc nhiều với cộng đồng Việt Nam do đó dần dần các con tôi sẽ quên nguồn gốc và cội nguồn của mình, nơi chôn nhau cắt rốn  của cha mẹ chúng nó.

Tôi đã cầu nguyện xin cho tôi được sớm bình phục và tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách trình bày viết lại cho các con tôi cuộc đời mà tôi phải phấn đấu vượt qua gian khổ để đem lại cơm no áo ấm cho các con tôi và có dịp phân bày cho chúng những chuyện xào xáo trong gia đình vì sự hiểu lầm giữa cha mẹ chúng nó và hy vọng chia sẻ những kinh nghiệm sống còn của cha mẹ làm bài học cho các con tôi trên con đường tạo dựng tương lai.

3. Xin lỗi

Như tôi đã trình bày những biến cố quan trọng trong đời tôi, những suy nghĩ, những khổ tâm, những tủi nhục và những niềm ước mơ mà tôi viết lại đó là những gì mà tôi đã cất giữ tận đáy lòng của tôi sau nhiều năm. Các độc giả khi đọc xin đừng để những thành kiến và chính trị làm bóp méo. Cũng như cụ Tố Như nói khi đọc qua truyện Kiều, mua vui cũng được một vài trống canh. Thích thì đọc không thích thì bỏ qua vì đây là một hồi ký không phải là một sử liệu nên tôi chỉ thuật lại những sự kiện đã xảy ra và có nhiều ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của tôi trong khoảng thời gian đó mà tôi nhớ được. Nếu có những giai thoại nào quá đáng có thể làm tổn thương đến danh dự của môt cá nhân nào đó hay đến sự tự do và sự sống còn của dân tộc xin các độc giả cho tôi biết để tôi có thời gian điều chỉnh lại.

4. Bác sĩ Quân Y

Tôi sinh trưởng trong một đại gia đình với nhiều anh em. Ngay từ thời thơ ấu, cha mẹ tôi đã dạy cho chúng tôi bài học thương mến và chia sẻ với những người kém may mắn. Tôi còn nhớ hồi tôi còn nhỏ sau một bữa ăn chiều có người ở dưới tỉnh lên Đalat biếu cho gia đình chúng tôi một xấp bánh tráng dừa. Mẹ tôi sau khi nướng bánh chia cái bánh tráng dừa nhỏ bằng chiếc dĩa chia đều cho tất cả mọi người trong gia đình lúc đó có tất cả là 12 người gồm ba mẹ tôi , 7 anh em tôi và 3 người cháu mà ba mẹ tôi đem về nhà nuôi dưỡng. Hình ảnh đó đã in nặng vào tầm ý thức của tôi và đã nói lên sự công bằng, bình đẳng và tình thương.

Lớn lên trong lúc còn học trung học tôi đã có những ý tưởng giúp người, hòa đồng với xã hội và tâm nguyện giúp đỡ các người kém may mắn như vào viện dưỡng lão của các Soeurs ở Đalat hay vào cô nhi viện ở Domaine de Marie chơi với các em mồ côi trong những ngày cuối tuần. Tôi tuy là người ngoại đạo, một bữa một cha ở giòng chúa Cứu Thế ở Suối Vàng có gợi ý cho tôi nếu tôi muốn cha sẽ giúp tôi vào chủng viện để tôi có nhiều phương tiện và môi trường thích hợp với sở nguyện của mình.

Tôi cám ơn cha có nhã ý giúp tôi nhưng để tôi suy nghĩ lại. Cuộc đời đưa đẩy lúc vào trường Y Khoa, dù bận rộn với học hành thi cử tôi cũng đã cố gắng thu xếp giờ giấc vào cuối tuần theo anh Tề V. Công bạn cùng lớp theo hội sinh viên đi khám bệnh và chích thuốc cho đồng bào nghèo ở ngoại ô thành phố hay đi quyên góp cứu giúp các đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Do đó để trả lời câu hỏi vào quân đội có hợp với tôi không. Nói thật sau khi tốt nghiệp 4 năm nội trú, đuợc giấy đi trình diện nhập ngũ tôi cũng rất bất mãn vì sự bất công của xã hội nên tôi đã vội vàng vào trường xin gặp thầy Chiếu, giáo sư khoa trưởng để đòi hỏi lại sự công bằng và hợp lý.

Nhưng sau khi nghe thầy kể cho tôi nghe chuyện Tái Ông mất ngựa và hứa hẹn là sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự tôi sẽ được chính thức trở về trường. Do đó tôi suy nghĩ ở lại trường giúp đỡ các đàn em hay đi lính thi hành nghĩa vụ của một người công dân trong lúc đất nước lâm nguy trong một thời gian đó cũng là một trong những niềm ước mơ và hãnh diện của tôi là trong mọi hoàn cảnh tôi được phục vụ cho đồng bào và tổ quốc thân yêu của tôi. Thế là tôi vui vẻ chấp nhận.

Cuộc sống trong quân ngũ hoàn toàn khác hẳn với dân sự và thêm vào đó thời gian huấn luyện cơ bản quá ngắn ngủi do đó lúc đầu tôi cũng bị rất nhiều bỡ ngỡ. Nhưng tôi đã quen chịu đựng cực khổ trong thời gian 4 năm nội trú, thêm vào đó dưới sự chỉ đạo và tiếp đón niềm nở của ban giám đốc QYV và tình huynh đệ chi binh của các bạn đồng nghiệp và nhân viên Y Tá của bệnh viện nên tôi đã kịp thời thích ứng với một cuộc sống mới một cách nhanh chóng. Trong công việc hàng ngày, tôi đã thấy tận mắt những thảm cảnh tàn khốc cùa chiến tranh, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, với bản tánh hiền lành và thương người tôi cảm thấy là tôi đã có quá nhiều may mắn hơn cả các bạn đồng đội đã phải hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ tự do và quyền sống trong đó có tôi và cả gia đình tôi nữa. Tôi đã tự nguyện hiến dâng cuộc đời tôi cho dân tộc và tổ quốc và tự ghép mình vào kỷ luật của quân ngũ.

5. Bịa chuyện

Như tôi nói ngay từ lúc đầu đây là một cuốn hồi ký của tôi, một người công dân bình thường low profile trong xã hội, một người cha trong gia đình và một người thầy thuốc trong bệnh viện, tôi viết lên những biến cố quan trọng đã ảnh hưởng và xoay trở đến cuộc sống và sinh mạng của tôi với mục đích là để chỉ dẫn cho các con tôi và bạn chúng nó những kinh nghiệm xương máu mà cha của chúng nó đã trải qua làm bài học, tấm gương và kinh nghiệm sống cho các cháu trên con đường tạo dựng tương lai. Do đó để trả lời là tôi có bịa chuyện hay không, xin các bạn độc giả tự suy xét và tôi không trả lời. 


6. Thắc mắc về ngày tháng

Như tôi khẳng định đây là cuốn hồi ký nói lên những sự kiện, những tâm trạng và những suy nghĩ của tôi đối với mỗi giai đoạn và quãng đời mà tôi đã trải qua. Ký ức dù quan trọng mấy đi chăng nữa nhưng rồi với thời gian và cuộc sống sẽ dần dần bị phai nhạt do đó có rất nhiều khiếm khuyết khi nhắc lại thời gian về những bối cảnh đó.  Xin các độc giả đừng hiểu lầm và bỏ qua những chi tiết nhỏ đó. Nếu thật quan trọng trong kỳ tái bản tôi sẽ nhờ các anh em trong ban ấn loát sửa lại để cuốn hồi ký này được hoàn mỹ hơn.

7. Giúp Trại Cùi

Trong những tháng đầu mới làm ở quân y viện, tôi có gặp và quen một người Mỹ làm cố vấn cho tòa hành chánh tỉnh và một anh sinh viên từ Saigon ra đi nghĩa vụ học đường. Một buổi cuối tuần bạn tôi mời tôi thăm bãi biển Qui Hòa và nghỉ lại qua đêm ở nhà khách của tu viện của các bà Mẹ người Pháp giọng Franciscan giúp trại cùi. Tôi được các mẹ đón tiếp niềm nở. Cảm động với lòng hiếu khách của các mẹ người Pháp, tôi có hỏi qua về tình hình bệnh nhân của bệnh viện các mẹ coi sóc. Mẹ bề trên S. Antoine và mẹ quản lý S. Ositz trình bày cho tôi những khó khăn của bệnh viện khi đưa bệnh nhân xuống dân Y viện để giải phẫu vì mọi người coi bệnh cùi là bệnh truyền nhiễm và sự gần gũi săn sóc bệnh nhân trong lúc hậu phẫu ở dân Y viện gặp nhiều khó khăn giữa bệnh nhân và nhân viên Y tá.

Do đó tôi có hội ý với mẹ nên liên lạc với ban giám đốc QYV dưới quyền chỉ huy của trung tá Nguyen X. Cẩm và tôi sẽ tình nguyện giúp đỡ. Nếu được sự đồng ý của ban giám đốc bệnh viện, tôi sẽ đứng ra thành lập toán giải phẫu lưu động bằng cách mượn các dụng cụ giải phẫu của QYV, Y tá giải phẫu và gây mê, những người tình nguyện thuộc nhân viên cơ hữu của QYV giúp bệnh nhân và tôi đảm nhiệm BS giải phẫu và điều tri . Tuy được sự hỗ trợ đồng ý của ban lãnh đạo QYV, lúc đầu chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng rồi với nhiệt thành và làm việc bất vụ lợi với thời gian công việc mỗi ngày một tiến triển và khả quan hơn.

Ngoài tôi ra còn có BS Tôn thất Minh chuyên khoa chỉnh hình và Bs Đỗ Trọng Khoa đã đóng góp một phần không nhỏ  trong công việc cứu chũa các bệnh nhân trại cùi. Chúng tôi tình nguyện làm việc một hay 2 lần một tuần tùy theo nhu cầu không kể đến những trường hợp cấp cứu. Với những nhiệt thành, tình thương và nhẫn nại, chúng tôi toán giải phẫu lưu động của Quân Y Viện đã gây được sự tín nhiệm của các Mẹ bề trên và sự thương yêu kính mến của các bệnh nhân trại cùi.

8. Xầm xì

Nói chung ngoài công việc của một người BS trong QYV, được sự giúp đỡ và hỗ trợ của ban giám đốc Quân Y viện và các nhân viên cơ hữu, với tinh thần làm việc bất vụ lợi như giúp trại cùi và chăm sóc sức khỏe các em mồ côi ở Ghềnh Ráng Qui Nhơn, chúng tôi đã được sự kính mến của các bạn đồng nghiệp và nhân viên cơ hữu của bệnh viện. Sống trong một tập thể với mỗi người một ý chúng tôi không thể làm vừa lòng và thỏa mãn tất cả mọi người. Do đó dù có người nói nhỏ nói to, phê bình về những công việc tôi làm, chúng tôi nghĩ công việc chúng tôi làm là chính đáng và chúng tôi tiếp tục tiến hành.

9. Giúp người bạn

Tôi gặp người cố vấn dân sự làm việc ở tòa hành chánh thị xã Qui Nhơn trong một buổi họp. Người đó sau nhiều lần giao tiếp đã trở thành bạn thân của tôi. Anh bạn tôi theo lời anh kể sống ở NY cùng tuổi với tôi, còn độc thân. Đầu óc của anh rộng rãi không tính toán và tính tình lại sảng khoái nên mới gặp nhau chúng tôi đã hợp và chẳng mấy chốc trở thành bạn thân. Tôi trong quân đội còn anh là người ngoại quốc để tránh những sự phiền phức có hại đến sự an toàn của 2 chúng tôi do đó chúng tôi thường gặp nhau vào bữa cuối tuần đi tắm biển và ăn cơm tối ở nhà khách của tu viện ở Qui Hòa nơi ít có người bản xứ lui tới.

Lúc đầu thỉnh thoảng anh đưa cho tôi xem những văn bản tịch thu của VC mà anh có và anh nhờ tôi xem và  giúp anh tìm hiểu những đoạn mà anh không hiểu và thắc mắc. Sau đó dần dần với tình bạn và lòng ái quốc nhất là để bảo vệ quyền sống và sự an toàn của dân chúng trong đó có chúng tôi và gia đình, tôi tình nguyện giúp anh phiên dịch những tài liệu quan trọng tịch thu từ VC.  Thêm vào đó thỉnh thoảng anh hỏi tôi về tình hình chiến sự, số bệnh binh nhập viện mà tôi biết trong những buổi sáng bàn giao công việc. Tình thật tôi giúp đỡ anh ấy với tình bạn tin tưởng lẫn nhau và tôi nghĩ những chuyện tôi làm không làm tổn hại đến nền an ninh quốc gia hay quyền sống của dân tộc nên tôi đã sẵn sàng cộng tác.

Tôi cũng biết là những chuyện tôi làm một ngày nào đó đối phương biết được sẽ có ảnh hưởng xấu đến cuộc đời và cả sinh mạng của tôi nhưng vì lòng ái quốc và muốn bảo vệ sự tự do và quyền sống của con người nên tôi chấp nhận và không hối hận. Nhờ những văn bản ấy đã giúp tôi hiểu thêm những mưu mô thâm độc của đối phương như khích động sự khờ dại ngây thơ của người thành phố lợi dụng tôn giáo làm phá hoại kinh tế và sự an ninh trong thành phố và những sự tàn ác của VC đối với tù binh trong những vùng tạm chiếm.

10. Những ngày cuối cùng ở Quân Y viện

Khoảng gần một tuần lễ sau khi thành phố Qui Nhơn di tản một số người lạ mặt có vũ khí đã đến bệnh viện tự xưng là Bộ đội miền Bắc đến tiếp thu cơ sở Bệnh viện. Trước sân cờ của bệnh viện chúng tôi tất cả những người còn lại trong bệnh viện đã chứng kiến cảnh đau lòng tủi nhục khi chứng kiến lá cờ Vàng thân yêu 3 sọc đỏ và lá cờ hồng thập tự được kéo xuống và được thay thế bằng lá cờ nửa xanh nửa đỏ và lá cờ đỏ sao vàng. Trong buổi bàn giao bệnh viện tôi được lệnh giải tán quân y viện theo kế hoạch như sau:

Về số bệnh nhân hiện có trong bệnh viện, chúng tôi sẽ cho xuất viện những anh em bệnh binh đã hồi phục. Những người còn yếu chưa hồi phục được thuyên chuyển sang bệnh viện dân y và những bệnh nhân này vẫn được tôi tiếp tục chăm sóc với sự giúp đỡ của các anh chị em y tá của bệnh viện dân y. Nhân viên cơ hữu của bệnh viện ngoài tôi ra tất cả đều được cấp giấy trả về quê quán và sẽ trình diện với chính quyền sở tại chỗ các anh em sinh sống. Tôi sẽ được chuyển qua dân y viện làm việc duới sự quản lý của ban lãnh đạo Dân Y viện.

Ngày cuối cùng trước khi rời QYV tôi xin phép được ghé thăm bệnh viện Cùi và chào giã biệt các bệnh nhân trong đó và cảm ơn các Mẹ đã đón tiếp tôi nồng hậu trong thời gian qua. Đứng trong cổng bệnh viện chào tạm biệt các anh em, nhìn các anh em y tá đã cùng tôi làm việc trong thời gian ngắn ngủi vì tình đồng bào ruột thịt và huynh đệ chi binh đã phải hy sinh sự an toàn của mình cho tổ quốc tôi quá xúc cảm không cầm được nước mắt. Tôi cám ơn các anh em và cầu nguyện xin Ơn trên và các vong hồn tử sĩ che chở cho các anh em được bình an.

11. Chôn cất anh hùng tử sĩ

Để giữ vệ sinh công cộng và tránh những bệnh truyền nhiễm do ruồi muỗi gây nên, sau khi ra sau bệnh viện thấy cảnh các vị anh hùng tử sĩ nằm ngổn ngang trong và ngoài nhà xác, cơ thể bị xình thối và cảnh heo chó tới xé thịt tranh ăn tôi quyết định tạm thời chôn cất các anh em tử sĩ trên một khoảng đất trống một ngôi mộ chung sau nhà xác và giữa nhà máy giặt và máy đèn dưới chân cột cờ tổ quốc. Đất cát nên việc đào ngôi mộ đó rất là dễ dàng, Sau đó lần lượt các anh em tử sĩ được chôn cất dưới cùng là những người may mắn có áo quan trên là những người lính chết trận trong khoảng thời gian di tản.

Theo lời các anh em kể lại có tất cả 47 tử sĩ trong nấm mồ tập thể này trong đó có Dại tá Thông sau khi tuẫn tiết được các anh em đưa về quân y viện. Trong lúc phụ an táng các anh em tử sĩ, tôi cám ơn sự hy sinh cao cả của các anh em, những người đồng đội mà tôi không quen và nguyện cầu trong mọi hoàn cảnh tôi không quên được các anh em và chờ khi tôi về với cát bụi, một phần thể xác của tôi sẽ trở về đây gặp lại các anh em.

12. Đại tá Thông

Xin thành thật xin lỗi tôi chỉ là một nhân viên tầm thường nhỏ bé của Quân Y Viện làm sao tôi gặp và trò chuyện với các cấp bậc chỉ huy gồm các tướng tá trong địa phương tôi đang phục vụ. Nhưng tất cả mọi người đều biết phía bắc tỉnh Bình Định do thành phần chủ lực trung đoàn 42 sư đoàn 22 do Đại tá Nguyễn Hữu Thông chỉ huy và sự hỗ trợ của các anh em địa phương quân trấn giữ và do đó đại đa số thương bệnh binh ở QYV là thành phần chủ lực sư đoàn 22.

Tôi chỉ gặp Đại Tá một lần vào chiều tối ngày thứ 2 sau khi thành phố Qui Nhơn di tản. Đại tá và phái đoàn, tất cả họ là người đến thăm bệnh viện lúc đó trời gần tối bằng trực thăng. Tôi và một số các anh em Y tá đã ra nghênh đón Đại tá và phái đoàn. Sau khi nghe tôi báo cáo về tình hình của bệnh viện, thuốc men, nhân lực và bệnh nhân sau đó tôi đã đưa Đại Tá đi thăm phòng cấp cứu, lúc đó đầy những bệnh binh vừa mới chuyên chở về trong ngày chờ cứu cấp, phòng mổ, phòng hồi sức và phòng hậu phẫu.

Trước khi đưa tiễn Đại Tá chúng tôi cùng các anh em những người ở lại hứa với Đại tá, đại diện cho quân đội và đồng bào không vì quyền lợi cá nhân mà phản bội với những chiến hữu, những thương bệnh binh đã và đang chiến đấu để bảo vệ tự do và quyền sống của dân tộc. Ngoài Đại tá Thông, như quí vị đã biết tôi chỉ là một thành phần nhỏ không tên tuổi và ít giao dịch với bên ngoài, nên tôi nhiều khi có gặp các cấp chỉ huy chỉ chào xã giao. Do đó nếu hỏi thêm tôi tình thật tôi không biết.

13. Động cơ nào anh ở lại

Tham sống sợ chết, lo lắng cho một tương lai bất ổn không ngày mai, lại hiểu nhiều về những sự đối xử vô nhân đạo của đối phương với tù binh địch, nhiều lúc làm cho tinh thần tôi bị giao động và mất ý chí sáng suốt đã làm tôi nhiều lúc ngã lòng muốn trốn chạy. Nhưng rồi nhìn các anh em thương bệnh binh những người bạn đồng đội không quen biết vì tự do đã hy sinh mạng sống của mình đang nằm la liệt ở phòng cấp cứu cho sự cứu chữa, nhìn những ánh mắt và nụ cười của các anh em y tá trẻ đang hy sinh sự an toàn của mình đã tình nguyện ở lại đang phục vụ bệnh nhân, tình người và tình huynh đệ chi binh đã trấn áp được những tư tưởng yếu hèn và ích kỷ của tôi.

Đó là động cơ chính thúc đẩy tôi ở lại cho đến giờ phút cuối. Để trả lời ai là những người ở lại. Trong lúc nghỉ ngơi giữa 2 cuộc giải phẫu tôi họp ban chỉ huy bệnh viện trong đó Thiếu tá quản lý Sự là sĩ quan cao cấp nhất bàn về số phận của các anh em cơ hữu bệnh viện. Trong hoàn cảnh khó khăn này tôi không ép buộc các anh em ở lại làm việc vì phần lớn ai cũng có gia đình và có trách nhiệm lo cho sự an toàn của gia đình họ và chính ngay bản thân của tôi  cũng không biết ngày mai ra sao, thì làm sao tôi có thể đứng ra gánh trách nhiệm bảo vệ và che chở sự an toàn của các anh em và gia đình nên tôi đề nghị để các anh em tự quyết định lấy số phận của mình là đi hay ở lại.

Thiếu tá quản lý Sự vị sĩ quan cao cấp sẽ báo cáo với cục Quân y để họ tạm thời rời khỏi nhiệm sở và sẽ trở lại bệnh viện khi tình hình ổn định. Đại đa số các anh em Y tá tình nguyện ở lại là trẻ và độc thân. Vài ngày sau đó còn có thêm một số anh Y tá sau khi đưa gia đình đến Nha Trang đã trở về phục vụ và một vài anh em binh sĩ thuộc trung đoàn 42 sau khi tan hàng ở bãi biển Qui Nhơn cũng vào bệnh viện phụ giúp.

14. Số phận của tôi

Trong buổi bàn giao quân Y viện cho bộ đội miền Bắc trước mặt các anh em y tá tôi đã bị kết tội là Việt gian bán nước làm tay sai cho 2 đế quốc Mỹ và Pháp phản bội lại nhân dân và cách mạng. Những ngày tôi ở trong quân Y viện và ở dân Y viện tôi là một người tù bị giam lỏng đi đâu cũng có bộ đội canh chừng. Sau cùng tôi đã được chuyển giao qua nhà tạm giam Qui Nhơn để điều tra lý lịch và làm các thủ tục trước khi trả tôi về nguyên quán. Sau 1 tuần lễ ở trại tạm giam, không một lời giải thích tôi cùng khoảng 200 anh em binh sĩ và dân sự ở trong trại tạm giam được gửi đi trại cải tạo sau khi nghe bài tuyên bố nẩy lửa của ông cán bộ ở trại tạm giam Qui Nhơn.

Chúng tôi là nhũng người có tội đối với tổ quốc và nhân dân, kể từ giờ phút này sẽ là những người nô lệ của những người chiến thắng. Để được an toàn trở về với gia đình, chúng tôi phải nghiêm chỉnh chấp hành nội qui gồm có miệng không được nói, có tai không được nghe, có mắt không được thấy và có đầu óc không được suy nghĩ và để tránh những sự phiền phức chúng tôi không được tiết lộ chi tiết và lý lịch của mình cho những người đồng đội.

15. Lao động khổ sai

Đó là địa ngục trần gian. Từ một người thư sinh yếu đuối không quen lao động chân tay nay phải làm những công việc nặng nhọc không phải ngành nghề của mình như chặt cây, phá rừng, làm rẫy, khuân vác, dưới sự kiểm tra chặt chẽ của cán bộ và du kích, thêm vào đó làm việc theo đội theo toán, vì tinh thần tự trọng không muốn làm đình trệ năng xuất lao động của đội và toán nên tôi đã cố gắng làm hết sức mình được đến đâu hay đến đó.

Thêm vào đó ăn uống không đủ, đau bệnh không thuốc men và nghỉ ngơi, và đầu óc lại căng thẳng vì trong thời gian tẩy não nên chẳng bao lâu tôi đã trở thành một người máy không tình cảm không xúc động với một đầu óc bị rỗng tếch. Do đó vào một đêm tôi được bộ đội mở khóa gọi đi phỏng vấn, tôi rất là vui mừng vì sắp được giải thoát để được về một bên kia thế giới, một nơi mà tôi tin tưởng là không có oán ghét và không hận thù. Để mô tả tôi lúc này tôi xin đem sự nhận xét của ba tôi lần đầu tiên đi thăm tôi sau gần 8 tháng không tin tức là tôi đã giống như một trong những người tử tội trong phim "chúng tôi muốn sống" trên màn ảnh lớn bị đấu tố trước tòa án nhân dân.

16. Người quản giáo

Trong thời gian một năm sau khi bị lao động khổ sai tôi được may mắn chuyển về tổng trại Kim Sơn Nghĩa Bình với chức vụ Y tá trông nom vệ sinh và đảm nhiệm công việc săn sóc sức khỏe cho các anh em cùng cảnh ngộ. Việc coi sóc sức khỏe của các nhân viên và ban lãnh đạo của trại là do Bà Y sĩ Luận và Bà Y Tá Xuyến đảm nhiệm, nhưng trong các trường hợp khẩn cấp trong đó Cán Bộ hay ban lãnh đạo bị bệnh tôi được gọi lên để hỏi thăm ý kiến.

Lúc đầu tôi rất sợ sệt và mặc cảm vì tôi là tớ, họ là chủ và trách nhiệm nếu có chuyện gì bất lành xảy ra cho người Cán bộ trong lúc họ đau ốm những trách nhiệm đó sẽ đổ trên đầu của tôi. Vì lời thề Hypocrates, trong mọi hoàn cảnh, tôi phải hết  lòng cứu giúp chăm sóc bệnh nhân những người đang cần sự giúp đỡ dù họ là bạn hay thù. Tuy được sự tín nhiệm của Cán bộ và cơ quan, tôi không lợi dụng những đặc ân mà họ cho tôi để chèn ép các bạn đồng cùng cảnh ngộ. Do đó tôi làm việc mà tinh thần không một chút hối hận. 

17. Anh là người đạo Phật mà làm công việc của người Công Giáo

Nói nôm na tôi cũng như đại đa số người VN nói mình là đạo Phật mà chả bao giờ đi chùa tụng kinh. Đạo mà tôi cũng như đại đa số của người VN là thương cha kính mẹ, trên kính dưới nhường làm thiện tránh ác. Khoảng một năm khi tôi được về tổng trại sau đó đi trại 2 để làm Y tá, có khoảng 100 người Thượng người Rađê ở Ban mê Thuộc được chuyển đến trại vì bị nghi ngờ phản loạn Fulro trong đó có một cha đạo. Trong một bữa theo toán làm cây đi chặt củi cho nhà bếp, cha và một số người trong đội thừa lúc cán bộ lơ là đã đánh gục anh bộ đội quản giáo cướp súng và trốn trại.

3 ngày sau đó, trong toán trốn trại có 3 người bị người dân tộc bắt giữ trong khi lạc vào rừng hoang và được giải về trại. Trong 3 người đó có cha đạo. Những người này đi đứng không vững, cơ thể đầy vết thương sưng vù vì có lẽ đã bị thương sau khi trốn trại và bị bộ đội đánh đập trong lúc giải giao về trại. Những người này được chuyển qua nhà kỷ luật để chờ ngày chuyển trại ra tòa án. Lúc đó tôi là Y tá của trại. Một trong những công việc hàng ngày của tôi là giúp những người bị kỷ luật ăn uống và chăm sóc vệ sinh mỗi ngày một lần khi những người bị kỷ luật được mở cùm.

Nhà kỷ luật đó là một túp nhà tranh vách đất nhỏ nằm sau trại, bề ngoài không thấy gì lạ. Người bị kỷ luật được đặt nằm trên một tấm phản lớn bất động vì tay chân bị cùm. Nằm cả ngày bất động trên tấm phản, tay chân bị cùm, những người phạm kỷ luật buộc lòng phải ỉa đái tại chỗ. Những người phạm kỷ luật được mở cùm mỗi ngày một tiếng đồng hồ. Tôi là người có nhiệm vụ vào chăm sóc sức khỏe cho người bị kỷ luật và làm vệ sinh nhà kỷ luật. Mặc dù được chăm sóc vệ sinh hàng ngày nhưng vì phóng uế tại chỗ nên nhà kỷ luật lúc nào cũng có mùi hôi thối và ruồi muỗi rất nhiều.

Do đó sau khi mở cùm cho các nạn nhân xong bộ đội thường phải tránh xa vì mùi hôi thối và tránh ruồi muỗi tấn công. Mỗi ngày tôi vào nhà kỷ luật đem phần ăn của họ nhận từ nhà bếp mà tôi đã pha chế lại cho họ dễ nuốt. Sau khi giúp các anh em thay áo quần làm vệ sinh và lau chùi chỗ nằm của họ được sạch sẽ tôi chăm sóc các vết thương của các anh em bằng nước muối mà tôi nấu và xoa bóp chân tay của họ đã bị sưng vù vì phải bị bất động quá lâu.

Những người nằm trong nhà kỷ luật tùy theo cá tính của mỗi người phản kháng bằng những hành động khác nhau, người thì suốt ngày chửi mắng chế độ vì trước sau gì cũng sẽ chết, người thì rên rỉ kêu khóc. Những tiếng nguyền rủa chửi mắng  và những lời than khóc ban ngày thì không ai nghe thấy vì tiếng động, nhưng ban đêm nghe rõ mồn một. Đó là một đòn tâm lý của VC làm đe dọa tinh thần của những anh em trong trại. Trong khi chăm sóc giúp Cha ăn uống Cha đã gửi cho tôi một chiếc thánh giá nhỏ bằng gỗ và một mảnh giấy trong đó Cha viết cho tôi một bài kinh và những cách thức cầu nguyện cho người sắp chết được cứu rỗi.

Cha nói trong thời gian ngắn ngủi ở trại Cha nhận thấy qua những hành động của tôi đã lo lắng chăm sóc cho các tù nhân làm Cha cảm động nên Cha có lời nguyện là tôi sẽ giúp Cha lo lắng việc tinh thần của các tù nhân trong lúc những người này đang cần sự cứu giúp về phương diện tinh thần nếu các anh em yêu cầu. Lúc đầu tôi từ chối vì tôi là người ngoại đạo làm sao tôi có tư cách gì mà làm những công việc này, nhưng cuối cùng thấy Cha mỗi ngày một yêu cầu và không muốn làm Cha thất vọng nên tôi đã nhận lời và Cha bắt tôi hứa là Cha sẽ là người đầu tiên nhận những bi tích này để giúp cho linh hồn của Cha được cứu rỗi về đất Chúa.

18. Niềm tin tôn giáo

Cho dù tôi không theo một tôn giáo nào nhưng sau mỗi lần gặp khó khăn tôi lúc nào cũng tin tưởng có Ơn trên bên cạnh tôi đã giúp đỡ và nâng đỡ làm ngọn đuốc dẫn đường chỉ lối cho tôi trong đêm tối và đã che chở, giúp đỡ cho tôi có được sự khôn lanh, một tinh thần minh mẫn và một thân thể tráng kiện để tôi ứng phó và bình yên vượt qua bao trở ngại.

19. Anh là người hào hoa

Tôi cũng là người như lời đức Phật dạy: hỉ nộ, ái ố. Ai cũng vậy, gặp người đẹp nào mà chẳng say mê đeo đuổi, nhất là trong những lúc thần kinh bị khủng hoảng có được người khác phái an ủi động viên tinh thần. Ví dụ như mối tình của tôi với cô Tuyết Đông trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Dân Y Viện và mối tình người tù cải tạo với cô Bắc Kỳ nho nhỏ trung úy bộ đội trong địa ngục trần gian.

20. Lập nghiệp

Yếu tố nào đã giúp tôi thành công? Làm việc cần cù, thành thật coi trọng chữ tín như lời BS W. Denis chủ tịch cơ quan từ thiện Bright Light Center nhắn nhủ. Làm công việc xúc rác ngoài đường phố, thư ký cho một hội từ thiện hay một người bác sĩ chữa trị bệnh nhân nói chung, đó chỉ là một phương cách phục vụ cho xã hội và cộng đồng của chúng ta đang sống. Trong mọi hoàn cảnh dù lớn hay nhỏ sang hay hèn nền tảng gia đình là một trong những yếu tố quan trọng giúp đỡ đi đến sự thành công.

Tục ngữ ta cũng có câu (tề gia trị quốc bình thiên hạ). Cũng như những lời tôi thường nhắc nhở các sinh viên đi thực tập để thành công trước khi dự định làm một công việc gì phải nghĩ đến khả năng của mình có thể đảm nhiệm việc đó hay không.

"You have to think who you are, what are your capacity you can handle before to plan
."



Nhà Væn NguyÍn Månh Trinh BS NguyÍn Công TrÙ Trä L©i PhÕng VÃn
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
DSC_0735-001 (600 x 793)
Loading