Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Gió Mùa ñông B¡c (13)
trannguonphieu2
Những đoản văn của BS Trần Nguơn Phiêu đã đăng trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y:

1- Quân Y Hải Quân
2- Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười
3- Lê Quang Vinh: loạn tướng hay anh hùng
4- Những nhân chứng cuối cùng

Bản tin về:
Lễ Vinh Danh BS Trần Nguơn Phiêu


Gió Mùa Đông Bắc:
-Lời Nói Đầu - Chương 1
-Chương 2 - Tuổi Thơ
-Chương 3 - Thời Trung Học
-Chương 4 - Một thời sôi động trước Nam Bộ Kháng Chiến
-Chương 5 - Phong Trào Thanh Niên
-Chương 6 - Về quê Cao Lãnh - Trở lại Sài Gòn trước cơn khói lửa
-Chương 7 - Cách Mạng Mùa Thu
-Chương 8 - Những Ngày Đầu Nam Bộ Khánh Chiến
-Chương 9 - Lần Đầu Chạm Địch
-Chương 10 - Những Ngày Tản Cư
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (1)
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (2)
-Chương 12 - Gặp lại Nàng Thơ
TrÀn NguÖn Phiêu
Chương 13

Vướng vòng lao lý


Ngày mai là ngày Một tháng Năm, ngày lễ Quốc Tế Lao Ðộng. Triệu vừa đạp xe ra khỏi nhà độ hơn trăm thước thì có cảm giác như có gì lành lạnh sau lưng. Ðường sá vào xế trưa thường vắng người vì nắng trưa gay gắt nhưng hôm nay lại quá vắng. Ðến một góc đường, Triệu lái xe rẻ vào bên trái để đi về phía chợ Gia Ðịnh, nơi có nhiều hàng quán và hành khách đang chờ xe ở ga xe điện. Nhìn vào kính chiếu hậu, Triệu thấy một người Pháp mặc thường phục, đang đạp xe theo sau Triệu không xa. Biết chắc là mình đã bị theo dõi, Triệu đạp nhanh đến quán trà Huế của bà Ba cạnh bên ga xe điện, nói lớn mật hiệu để bà Ba thông báo sau cho các anh em là mình có thể bị bắt: “Bà có tiền lẻ, đổi cho tôi giấy Hai Mươi?”

Bà Ba chưa kịp trả lời thì bỗng nhiên, từ trong một quán bên hông chợ, một người Việt nhảy ra chận xe Triệu lại và bên kia đường, một người Việt khác cũng nhảy ra từ tiệm hớt tóc Nicolas, níu lấy tay cầm của chiếc xe Triệu. Biết chắc chắn là đã bị mật thám chận bắt rồi nhưng Triệu giả bộ ngạc nhiên hỏi: «Có chuyện gì vậy?». Người đã nắm chặt ghi đông xe đạp lạnh lùng đáp:
-Anh cứ theo chúng tôi về bót.

Người Pháp mặc thường phục vẫn cứ lẽo đẽo theo sau, đi đến bót cảnh sát ở góc đường Thốt Nốt và chợ Gia Ðịnh. Ðến nơi, y bỏ xe đạp ở ngoài, cùng đi theo vào bót và nói với viên cảnh sát đang ngồi gác là cho y xin ký giấy gởi Triệu nhờ bót tạm giữ, trong khi họ sẽ còn tiếp tục công việc.

Viên cảnh sát trực phiên hôm đó là người Triệu vẫn từng gặp mặt đứng gác chung quanh chợ Bà Chiểu. Ông ta thỉnh thoảng ngước mắt nhìn Triệu như có vẻ thương hại và chỉ nói với Triệu vỏn vẹn có một câu: “Ðây không phải là lính kín bót Catinat. Nhóm nầy thuộc An ninh Phi trường Tân Sơn Nhứt”.

Triệu ngồi ở bót độ hơn ba tiếng, từ 2 giờ trưa đến mãi 5 giờ mới thấy toán An ninh bắt Triệu trở lại bót để lãnh Triệu ra. Triệu được chỉ thị phải đạp xe theo một người dẫn đường, trong khi viên an ninh người Pháp và Việt đạp xe theo sau. Phải mất hơn một giờ đi quanh co đến ngoại vi sân bay Tân Sơn Nhứt, Triệu mới được đưa vào một cơ sở, bên ngoài có hàng rào kẽm gai dầy đặc nhưng không thấy có bảng hiệu gì. Triệu bị tống giam vào một buồng nhỏ bề ngang cỡ hai thước, sâu bốn thước, bên trong có để một thùng cây để tiêu tiểu. Trước khi giam, người phụ trách trại khám xét Triệu rất kỹ, bắt phải cởi bỏ thắt lưng và dây giày giao cho y trước khi gài khóa cửa lại.

Ngồi bệt xuống sàn xi măng lạnh của nhà giam, Triệu không cảm thấy buồn cho thân phận mình vì từ ngày tham gia hoạt động chống chế độ thực dân Pháp, Triệu và các anh em đồng chí hướng đã biết trước sẽ có những ngày thất thế sa cơ. Việc Triệu đang lo nghĩ là không biết có những bạn nào trong tổ chức cũng bị bắt không. Lúc bị bắt gởi ở bót cảnh sát chợ Bà Chiểu, Triệu đã cố tình ngồi day mặt nhìn ra đường để nếu có người quen tình cờ đi qua, họ sẽ biết là Triệu đang bị bắt để thông báo cho bên ngoài biết.

Triệu tin tưởng là bà Ba ở quán trà Huế gần ga xe điện đã chứng kiến được việc Triệu bị mật thám bắt và đã thông báo cho tổ chức biết mà tìm phương ẩn lánh hoặc phân tán tài liệu. Triệu toan tính những điều gì phải khai báo khi bị tra hỏi để tìm cách đánh lạc hướng hay trì hoãn để anh em ở ngoài có được cơ hội trốn thoát. Triệu chỉ thấy lòng se lại khi nghĩ đến việc Duy Thảo có thể bị bắt vì Thảo vốn rất ốm yếu, sợ không chịu nổi kham khổ nếu bị giam cầm.

Triệu còn đang miên man tính toán thì cửa nhà giam chợt bỗng mở toang và viên mật thám người Pháp trong đám bắt Triệu lúc ban trưa thải vào cho Triệu một ổ bánh mì. Triệu bật ngồi dậy, nói cảm ơn và vừa đưa tay toan lượm ổ bánh thì bất ngờ bị một cú đá vào ngực, bật ngửa té sóng sượt ra sau. Hắn ta hai tay chống nạnh, hất hàm bảo: “Mầy có hỏi xin tao: có được phép được lượm ổ bánh không?”. Nói xong anh đóng sầm và khóa cửa lại.

Triệu thấy đau chói ở ngực, ở miệng cảm thấy mằn mặn vị máu ở cổ họng, nhưng cố ráng sức ngồi lên, thở từng chập từng hơi dài để lấy lại bình tĩnh, chấp nhận thân phận tù đày, theo lời dạy của người chú thứ Sáu đã có thời vào tù ra khám trong thời gian hoạt động cách mạng trước kia. Triệu vói tay cầm ổ bánh mì lăn lóc trên nền xi măng, phủi cho sạch bụi nhưng không màn cắn lấy một miếng tuy bụng đã thấy đói. Tâm trí Triệu đang bận rộn vì bao nhiêu ước đoán về những việc sắp xảy ra, bao nhiêu chuẩn bị để trả lời những câu thẩm vấn, bao nhiêu lo âu cho bè bạn còn bên ngoài, không biết có còn ai bị bắt, ai thoát được...

Ðang còn suy tính như thế thì bỗng nhiên cửa phòng giam lại được mở ra và một người Pháp dáng vóc dình dàng, lực lưỡng, ra dấu bảo Triệu đứng lên, đi theo anh ta. Triệu được đưa vào một phòng rộng khoảng tám thước trên tám thước. Giữa phòng có kê một chiếc ghế cây kiên cố, có trang bị chỗ gác tay. Nhiều đèn điện sáng chói được đặt rọi vào ngay chiếc ghế. Ở một góc phòng, có hai nhân viên ngồi trong bóng tối, sau một bàn viết được kê trên bục cao. Hai cây đèn có chụp, rọi vừa đủ ánh sáng xuống mặt bàn.

Hai chồng hồ sơ khá dầy được để ở giữa mặt bàn. Liếc sơ qua, Triệu nhận thức được hai tập san Nam Thanh do Triệu thực hiện nhân dịp Tết vừa qua và nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Tế Lao Ðộng 1 tháng 5. Một tài liệu về tranh luận Duy Tâm-Duy Vật của tác giả Hải Triều, có bìa xanh dợt được phân phối ở Trường Cán bộ Thanh niên Dương Văn Dương cũng dễ nhận biết vì khổ nhỏ bỏ túi và màu bìa.

Một nhân viên Việt bảo Triệu phải cổi áo sơ mi, quăng áo xuống đất. Xong, anh ta cột hai cánh tay và cổ tay Triệu vào thành ghế. Nhìn các ngón tay Triệu, anh ta nói trỏng như để đe dọa: “Móng tay học trò cắt ngắn, sát quá, khó mà lấy kềm rứt ra được!”. Anh lính mật thám người Pháp to con thì lấy tay xoa vào vết bầm đỏ trên ngực Triệu và nói : “Cái thằng lính hung dữ này (Ce méchant soldat) nó ghét mầy nên đạp mầy mạnh quá phải không? Cũng tại mầy đã hỏi nó có giấy tờ gì chứng minh để bắt mầy không nên nó nổi giận đó”.

Lúc ấy Triệu mới biết là anh mật thám này đã nghe nhầm. Triệu chỉ hỏi anh ta bằng tiếng Pháp khi ngồi ở bót cảnh sát, một cách “xã giao”: “Ông đã có lịnh bắt tôi về việc gì?”(Vous avez l’ordre de m’arrêter pour quelque chose?). Có lẽ vì Triệu nói quá nhỏ, không rành rẽ, nên anh ta đã hiểu lầm là “Ông đã có lịnh bắt tôi hay giấy tờ gì không?”( Avez vous l’ordre de m’arrêter ou quelque chose?) . Triệu phân bua với tên mật thám là mình đã nói với tên kia: “Pour quelque chose” chớ nào có nói “ Ou quelque chose”. Anh mật thám to con cười lớn : « Từ chữ “Pour” qua chữ “Ou”, hại mầy bị đòn nặng ». Thật ra Triệu cũng chẳng cố ý muốn phân bua làm gì. Thiệu vẫn được các chú từng vào tù ra khám cho biết là mật thám Pháp thường làm ra vẻ như giữa bọn họ, có những loại ác và loại thiện để nhiều khi dùng cảm tình để khai thác tù nhân.

Triệu còn đang hoang mang, không biết việc tra hỏi sẽ diễn tiến ra sao thì bỗng thấy một nhân viên khác dẫn vào phòng một người có dáng dấp mập và lùn, chân đi khấp khểnh. Ðầu anh được che kín bằng một bao vải, loại bao chứa bột mì, có khoét hai lỗ để mắt có thể nhìn ra bên ngoài. Anh được dẫn đến trước mặt Triệu độ vài phút, xong được đưa trở lại ra ngoài phòng. Triệu đoán biết ngay là họ đang cho người “mang bao bố ra nhìn mặt”, nhưng hôm nay lại là “bao vải”. Nhìn hình dáng lùn, mập và lối đi khấp khểnh, Triệu sực đoán biết ngay tông tích của người trùm bao vải: đó chắc chắn là anh Tín, một liên lạc viên đã từng đưa Triệu ra, vào mật khu. Anh là người vui tính, lanh lợi. Mỗi khi đến nơi dừng chân nào, trong khi mọi người đều ngồi nghỉ mệt, anh lại xông xáo đi ra ngoài một đỗi xa mới trở lại. Hỏi anh đã đi đâu thì anh thường cho biết: đi vòng vòng để thăm dò đường, rủi khi có biến động thì biết đường đưa các anh chị đi trốn thoát!

Biết được Tín có lẽ là người đã khai cho mình bị bắt, Triệu thấy trong tâm yên ổn một phần nào vì Tín chỉ là liên lạc viên đưa đường, nhất là đã đưa Triệu về thành trong lúc khóa học ở trường Cán bộ chưa bế mạc. Trong toán về thành lúc bấy giờ, ai cũng nghe biết tin Triệu phải bỏ học trở về vì đang bị sốt rét nặng. Triệu tin chắc là Tín không biết được là Triệu phải về để chuẩn bị công tác tổ chức học sinh bãi khóa. Như vậy chắc không có việc thực dân Pháp biết về việc Triệu đã tiếp xúc để nhận chất nổ từ tay xếp Công an Lê văn Liếm!

Trong khi Triệu còn đang lo lắng suy đoán về những gì sắp sẽ xảy ra cho Triệu thì người nhân viên đã dẫn người bịt mặt bỗng trở lại phòng, cầm trên tay một xấp giấy tờ khá dầy. Y đến to nhỏ, bàn cãi với hai người đang ngồi, những người mà Triệu đã tiên đoán là những nhân viên thẩm vấn. Người nhân viên mang kính cận gọng đồi mồi, có dáng dấp là cấp trên của những người hiện diện, bỏ kính xuống bàn và hất hàm hỏi Triệu: “Mầy là học sinh lớp Tú tài trường Chasseloup phải không?”

- Dạ phải, Triệu đáp.

- Tao cần phải dịch ra tiếng Tây cái đống truyền đơn mắc dịch nầy nội trong đêm nay. Ngày mai là ngày nghỉ lễ Lao Ðộng, tao không có đủ nhân viên làm việc. Mầy phải thức dịch cho xong đêm nay. Như vậy tối nay tao miễn cho mầy khỏi ăn đòn!

Triệu được đưa trở lại phòng giam. Một người phục dịch đem một cái ghế, một chiếc bàn nhỏ, đặt ngay ở cửa phòng, với giấy viết và các xấp tài liệu cần phải dịch. Cửa phòng để mở toang để ánh sáng đèn điện chiếu thẳng xuống mặt bàn. Ðó chắc cũng để họ canh chừng? Nhìn sơ qua các tài liệu, Triệu nhận biết ngay phần nhiều là các truyền đơn được rải phân phối ở các chợ nhân ngày lễ Lao Ðộng Quốc Tế và các truyền đơn hô hào ủng hộ kháng chiến của Ủy ban Nhân dân Thành phố Sài Gòn- Chợ Lớn.

Triệu bắt đầu ngồi dịch các tài liệu mà phần lớn Triệu đã từng nhận trách nhiệm phân phối. Có cả vài truyền đơn chính do tay Triệu đã thảo, rút ra từ những bài xã thuyết Triệu viết ở trang đầu của các tập san Nam Thanh của tổ chức! Càng đọc, Triệu càng cảm thấy hứng khởi do những lời lẽ trong các truyền đơn. Triệu đã quên mình đang trong tình cảnh cá chậu chim lồng. Triệu đã cố viết những câu Pháp văn đầy nhiệt huyết như để cổ động, thuyết phục người đọc về chính nghĩa của cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc. Triệu nhớ lại những lời văn hùng hồn của nhà nữ cách mạng Ðức Rosa Luxemburg, Triệu như say mê nhớ lại những câu cuối cùng của Gabriel Péri nói với các đồng chí Pháp, trước giờ bị quân thù chiếm đóng Ðức đem ra xử bắn: “Nous allons préparer tout à l’heure des lendemains qui chantent” (Chúng ta đang chuẩn bị cho những ngày mai ca hát)...

Triệu đã viết không biết mệt, quên cả việc đang bị muỗi chích suốt đêm và khi trời chưa hừng sáng, xấp tài liệu đã được Triệu dịch xong xuôi. Triệu đưa các bản dịch thuật cho những người đang ngồi trong sân canh giữ Triệu. Họ liền vào dẹp chiếc bàn, ghế và đóng sầm cửa phòng giam lại. Lúc ấy Triệu mới cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đói khát nhưng đã lăn ngay ra ngủ, quên hẳn khúc bánh mì lăn lóc trong góc phòng.

Những tiếng lao xao ngoài sân nhỏ đã đánh thức Tiệu khi trời hừng sáng nhưng Triệu cũng chưa hình dung được những gì đang xảy ra ngoài phòng giam. Chợt có tiếng mở khóa, cửa phòng được mở rộng và một người có lẽ là tạp dịch ra lịnh bảo Triệu đem thùng phân và nước tiểu theo hắn đi đổ ở một hố phân ở phía sau phòng giam độ hơn trăm thước. Triệu quan sát nhanh thì chợt thấy có hơn một chục người khác bị giam chung ở một sân kế cận, cách ly với sân nhỏ chỗ giam Triệu bằng hai hàng kẽm gai cao trên ba thước.

Họ đang mỗi người cầm một dĩa thiếc, đứng chờ được phát thức ăn. Trong khi Triệu cầm vòi nước rửa thùng phân, chợt Triệu thấy hai tù nhân khác đang cùng khiêng một thùng phân đi đổ, nhưng là loại thùng nặng, lớn hơn so với cái thùng nhỏ của phòng Triệu. Tuy là hai người khiêng nhưng vì một người cao, một người lùn lại đi khấp khểng nên việc di chuyển thùng phân trông rất khó khăn. Lần này thì Triệu nhận ra ngay người có dáng nhỏ, thấp đích thị là Tín. Khi đi về phía Triệu, tay trái Tín khiêng thùng, tay phải Tín tuy đưa tới lui như để lấy thăng bằng nhưng Triệu nhận thấy ngón tay cái của Tín cứ bật ra bật vào không ngừng, như cứ chỉ vào đám người đang chờ lãnh thực phẩm. Lúc đi đến sát Triệu, Tín nói nhỏ: “Khanh!”.

Triệu đã từng biết Khanh, một nữ đoàn viên của tổ chức, đang phụ trách một sạp bán vải ở chợ Bến Thành. Gian hàng bán vải của chị là một trong những trạm liên lạc của tổ chức ở Thành. Triệu đã cùng vài anh em thân tín đến đây để nhận chỉ thị hay đưa tin tức vào khu. Khanh cũng là người yêu của Tín. Nhân một lần Tín hướng dẫn Khanh vào khu, cần phải vượt qua một trảng lớn đầy nước, không có cây cối để ẩn núp, nhưng phải đi rất nhanh để tránh máy bay Pháp bắn nếu bị phát hiện, Khanh đang đi vượt nước bỗng rú lên vì thấy hai bắp chân đã bị đỉa bám hút máu. Khanh khóc lớn và nhất định rút lui trở lại, không dám vượt trảng. Trước tình thế khó khăn ấy, Tín đã trở lại, cõng Khanh qua trảng nước để bắt kịp đoàn người đang di chuyển. Có lẽ mối tình hai người đã khởi sự từ dịp cõng vượt trảng nước có nhiều đỉa ấy?

Nhìn theo hướng ngón tay trỏ của Tín, Triệu chợt nhận ra dáng dấp của Khanh trong nhóm người bị bắt đang đứng lấy thức ăn. Như vậy, Triệu đoán hiểu là Khanh đã bị bắt trước, bị khai thác và đã phải tiết lộ tông tích của một vài đoàn viên. Triệu thấy lòng trùng xuống vì cảm thấy tội nghiệp cho một nữ đồng chí chắc đã phải cam chịu nhiều tra tấn, khổ nạn thân xác!

Ðược đưa trở lại phòng giam, Triệu đem đặt thùng phân vào vị trí cũ, đậy nắp và ngồi lên như ngồi trên một chiếc ghế, miên man suy nghĩ về những gì phải đối phó sắp đến. Triệu tin chắc là Khanh, ngoài việc biết Triệu vào khu dự khóa huấn luyện và biết chỗ ở của Triệu vì có lần phải đưa chuyển gấp tin tức, Khanh không có cơ hội để biết các hoạt động khác của Triệu. Nhất là việc biết Triệu đã có lần đem chất nổ vào Thành!

Người phục dịch đưa vào cửa một dĩa nhôm cơm và một miếng cá khô, đóng cửa phòng giam lại nhưng Triệu vẫn cứ ngồi thừ, suy tính, không thiết gì đến món ăn, cho đến khi Triệu bỗng nghe tiếng vài người Pháp đứng nói chuyện trước phòng. Bỗng chốc cửa được mở rộng. Ánh nắng chan hòa chiếu sáng khiến Triệu lóa mắt, khi được lịnh phải ra sân để trình diện gặp một trong hai thẩm vấn viên đã trao cho Triệu hồ sơ phải dịch trong đêm vừa qua. Ngoài ra còn có một sĩ quan Không Quân Pháp mang lon Ðại tá và một thanh niên Pháp trẻ độ 15 tuổi. Triệu có cảm giác như đã từng biết gương mặt người thanh niên này ở một nơi nào đó. Viên thẩm vấn nói với người Ðại tá Không Quân:

-Ðây là tên đã dịch các tài liệu tôi đã trình lên văn phòng Ðại tá lúc sáng nay.

Ông này hỏi lại Triệu:

-Anh có phải là học sinh trường Chasseloup Laubat không?

Triệu lễ phép trả lời:

-Tôi đang học lớp Ðệ Nhất Tú tài.

Tên thanh niên Pháp tiến đến gần Triệu, nâng càm Triệu lên và ra lịnh:

-Khi trả lời Ðại tá, phải nhìn vào mắt Ðại tá, không được cúi mặt xuống.

Viên Ðại tá nhỏ nhẹ nói với tên thanh niên:

-Thôi được, cứ để anh ấy yên (Laisses le tranquille). Phong tục, lễ phép Việt Nam khi trẻ nói với người lớn thường làm như vậy, không dám nhìn thẳng mặt như Pháp. Mà mầy có nhận biết tên nầy học cùng trường không?

-Có, hình như hắn học lớp của Má.

Nghe đến đây, Triệu chợt đoán biết anh này là con của viên Ðại tá Không Quân và cũng là con của một giáo sư của Triệu ở trường. Vì sĩ quan Pháp không có lệ đeo bảng tên trên áo như các quân lính Mỹ mà Triệu đã từng có dịp xem trên các phim chiếu bóng, nhưng khi thấy gương mặt người con phưởng phất rất giống bà giáo sư Pháp văn tên Ch. nên Triệu lúc ấy mới đoán chắc đây là chồng và con của bà.

Triệu có may mắn được học hai năm liền với giáo sư Ch. trước khi thi Tú tài phần Một. Khi Triệu tiên khởi lên học ban Tú tài thì bà Ch. cũng bắt đầu dạy Pháp văn khi theo chồng đến Việt Nam năm đầu tiên. Vì Triệu viết các bài luận Pháp văn khá nên được bà chú ý. Từng là trí thức đã có thời tham gia kháng chiến chống Ðức Quốc xã khi nước Pháp bị chiếm đóng lúc xảy ra Ðệ Nhị Thế Chiến nên bà có những ý nghĩ rất dân chủ, cởi mở. Triệu đã được bà coi như học trò ruột và bà đã tìm hiểu xem Triệu đã học viết Pháp văn với những ai. Triệu thú nhận đã có lúc thích Anatole France nên đã mượn hầu như hết tất cả sách của Anatole France trong tủ sách của gia đình Nguyễn An Ninh ở đường Hàng Thị Gia Ðịnh. Ðọc cả năm mà không bắt chước viết được. Sau vì thích đọc truyện Les Misérables của Victor Hugo, đọc tới lui trên bốn năm lần như từng thích đọc truyện Tam Quốc nên từ đó, chắc đã nhiễm cách viết của Victor Hugo lúc nào không hay!

Ðại tá Ch. bảo viên thẩm vấn: “Tôi sẽ cho anh biết quyết định sau”. Triệu bị đưa trở lại phòng giam như trước.

Vào độ bốn giờ chiều hôm ấy, Triệu được đưa đi nhốt ở một trại giam khác cũng trong căn cứ Không Quân, cách xa nơi trước khoảng hơn mười lăm phút lái xe. Phòng giam rộng độ bốn trên sáu thước, bên trong có bồn cầu xí thay vì thùng phân. Hình như đây là những phòng giam kỷ luật quân nhân Pháp vì Triệu nghe tiếng họ ca hát, la lối ngày như đêm.

Triệu được dẫn đến trình diện Ðại tá Ch. Ông cho biết vì Triệu là học sinh nên trong thời gian giam giữ, Triệu phải dịch cho văn phòng ông một vài tài liệu. Ông đưa cho Triệu một quyển sách quay ronéo, khá dầy. Liếc sơ qua, Triệu nhận thấy đó là quyển Tân Dân Chủ Cách Mạng của Mao Trạch Ðông. Ông cho Triệu biết, hôm văn phòng An ninh đưa lên các tài liệu được Triệu phiên dịch vào đúng giờ ăn sáng, có mặt bà Ch. nên bà đã tình cờ nhận biết tuồng chữ của Triệu. Bà lo âu xin chồng đem giam Triệu ở nơi khác vì đã có lần, khi một nhân viên mật thám bị ám sát, họ đã bắt hai phạm nhân đem bắn để trả thù. Chuyện đó hiện còn đang trong vòng điều tra!

Giống như khi bị bắt ngày trước, trong phòng giam, Triệu được cho đặt một bàn nhỏ có ghế ngồi viết, với giấy và viết chì để dịch thuật. Mặc dầu lòng vẫn đầy lo âu cho tình huống của bạn bè bên ngoài, Triệu đã bắt tay vào việc với nhiều hăm hở vì đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về chủ trương của Mao Trạch Ðông, người áp dụng thuyết mạcxít-lêninít ở Trung Quốc theo một chiều hướng khác, coi nông dân là lực lượng cách mạng chánh yếu thay vì là lực lượng công nhân như ở Âu-Mỹ.

Sau những thất bại vì phải tuân theo chỉ thị của Staline, khuyên đảng Cộng sản Trung quốc phải hợp tác với Quốc Dân Ðảng để cuối cùng bị Tưởng Giới Thạch đàn áp ở các thành phố lớn, Mao Trạch Ðông đã phải «vạn lý trường chinh» kéo lên Diên An lập chiến khu mới. Mao Trạch Ðông đã suy ngẩm ra chủ thuyết lấy «nông thôn bao vây thành thị» để đưa cách mạng đến thành công. Trong gần bốn hôm, ngày đêm làm việc ròng rã, Triệu đã hầu như dịch xong quyển sách nhỏ của Mao Trạch Ðông. Triệu không có dịp xem lại những gì đã viết, vì dịch đến đâu thì lại có người đến gom hết đem trình cho văn phòng, nói là để đánh máy lại cho rõ cho thượng cấp đọc?

Ðến ngày thứ sáu, Triệu được đưa lên gặp lại Ðại tá Ch. Ông cho Triệu biết sẽ được tha về nhà trong buổi chiều để có thể tiếp tục trở lại đi học, với điều kiện không được rời khỏi thành phố và phải đến trình diện mỗi khi có lịnh gọi. Sau buổi ăn trưa, Triệu lại được đưa lên văn phòng Ðại tá Ch. Triệu vô cùng ngạc nhiên thấy bà giáo sư Ch. cũng có mặt tại đó. Ông Ch. lấy lý do cần xuống trại một lúc, có lẽ để bà Ch. nói chuyện riêng với Triệu. Bà cho Triệu biết bà không có ý muốn trách cứ Triệu về việc làm của Triệu.

Trong thời còn trẻ, khi Pháp bị Ðức chiếm đóng, bà cũng đã có những hoạt động như Triệu. Nhưng sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, những diễn biến chánh trị ở Âu Châu đã đem lại cho bà và những người đồng chí nhiều kinh nghiệm mà những người còn trẻ và hăng say như Triệu chắc chắn rồi sẽ nhận thấy về sau này. Bà chỉ muốn Triệu hãy tiếp tục con đường học vấn để sớm thành tài, có được thời cơ giúp nước trong tương lai hữu hiệu hơn. Chính bà đã xin cho chồng bà thả Triệu để Triệu có thể tiếp tục đi học. Chuyện về sau, quyết định sẽ tùy Triệu, nhưng bà mong là Triệu sẽ không làm bà thất vọng.

Triệu chỉ biết cám ơn bà thầy đã thật tình lo âu cho Triệu. Hai thầy trò sau đó đã rơm rớm nước mắt, chia tay khi chồng bà trở lại, đưa cho Triệu giấy xuất trại. Triệu được người trong văn phòng cho xe đưa về nơi bị giam đầu tiên để lấy lại xe đạp, lòng đầy lo âu, lầm lũi đạp trở về chợ Bà Chiểu.

Cả nhà sửng sốt vui mừng khi nhìn thấy Triệu dựng xe trước sân. Triệu chỉ thấy an tâm một phần nào khi biết được tin Duy Thảo và các bạn bè không ai đã bị bắt. Duy Thảo đã được đưa đi di chuyển ẩn náu ở nhiều nơi trong thành phố và hiện đang tạm trú ở một trại mộc sản xuất đóng bàn ghế ở đường Hồng Thập Tự. Người nhà đã cho Triệu biết, chính nhờ bà Ba bán quán trà Huế thông báo tin tức kịp thời khi thấy Triệu bị mật thám bắt nên bạn bè đã kịp thời lẩn trốn và cất giấu tài liệu.

Riêng ở nhà Triệu, sách báo, truyền đơn đang in dở dang và vật liệu in ấn đang sử dụng ở nhà xe sau nhà đã được kịp thời thiêu hủy. Triệu cảm thấy lòng buồn vô tả vì đã phải chịu mất mát các tài liệu quý giá gom góp từ những ngày khởi đầu tham gia tranh đấu với các bạn bè. Triệu đã từng giữ lại các bích chương, các tấm chương trình của những buổi trình diễn văn nghệ khi cộng tác với các sinh viên từ Hà Nội “xếp bút nghiên” trở về Nam như Ðêm Lam Sơn, Tục Lụy, Con Thỏ Ngọc, Hội Nghị Diên Hồng... Ðặc biệt nhất là tờ truyền đơn in màu hồng của nhóm ông Hồ Văn Ngà kêu gọi dân chúng cùng đến sân vận động Vườn Ông Thượng, tham dự cuộc biểu tình ngày 18 tháng Ba, một tuần sau ngày lịch sử 9-3-1945, Nhật lật đổ chánh chánh quyền Pháp ở Ðông Dương.

Lần đầu tiên có được cơ hội tham dự một cuộc biểu tình công khai trên 50 ngàn người, để tưởng niệm những nhà ái quốc chống thực dân Pháp, Triệu đã vô cùng xúc động được chứng kiến việc người Pháp bị hất khỏi Việt Nam sau gần một thế kỷ đô hộ. Giữa sân vận động, một bàn thờ Tổ Quốc uy nghi đã được dựng lên, khói trầm nghi ngút. Các diễn giả Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Nguyễn Vĩnh Phương đã lần lượt kêu gọi dân chúng cùng đứng lên đoàn kết quyết tâm tranh đấu cho một Việt Nam tự do, độc lập. Những khẩu hiệu, những ước vọng thầm kín trong lòng dân chúng, lần đầu tiên được hô to vang dậy giữa lòng thủ đô miền Nam đã gây trong lòng Triệu bao nhiêu phấn khởi của tuổi trẻ. Triệu không ngờ được việc mình lại có cơ hội sống những giờ phút lịch sử ấy.

Triệu tuy trong lòng hối tiếc các tài liệu, kỷ vật bị thiêu hủy nhưng cũng thông cảm các lo âu của gia đình vì cả nhà có thể mắc vòng lao lý nếu nhà bị lục xét. Tuy nhiên, các người trong gia đình làm sao biết được những giấy tờ quan trọng khác mà Triệu đã khoét dấu trong các cột cây lớn trên trần nhà! Vì nay đã bị “ động ổ”, những tài liệu quan trọng này, như những con dấu, những giấy giới thiệu để đi vào mật khu cần phải được lưu trữ ở nơi an toàn khác. Triệu lo lắng bồn chồn vì vẫn e sợ tuy được thả về nhưng chắc chắn vẫn có thể bị theo dõi.

Tự mình đem tài liệu di chuyển đến nơi khác trong lúc này là việc dại dột. Triệu đã nghĩ đến một nơi lưu trữ đặc biệt nhưng phải nhờ có sự giúp tay của Duy Thảo. Việc này trước kia đã từng đem ra bàn và đã được Duy Thảo giải quyết: Trong tổ chức phụ nữ của Duy Thảo có một đoàn viên rất tích cực tên Lượng. Lượng có người anh tên Long, cũng là một đoàn viên Nam Thanh và cả hai là anh em cùng cha khác mẹ với đương kim Thủ tướng Trần Văn Hữu.

Ðộ hơn hai tuần sau khi Triệu được thả, Duy Thảo đã đem giấy tờ, báo chí nhờ Lượng và Long cất hộ. Kể từ đó, không ai có thể ngờ là các tài liệu mật của tổ chức Nam Thanh lại được lưu trữ trong tư dinh của Thủ tướng Nam Phần, ngoài cổng có cơ quan an ninh canh gác!

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading