Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh° (4)
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG
tại Quân Y Viện Qui Nhơn.

Quân y viện Qui Nhơn là một trong những bệnh viện quân-y quan trọng thuộc Vùng II Chiến thuật, vì thường phải đón nhận các thương bệnh binh từ hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và luôn cả phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 09/03/1975.

Chỉ Huy Trưởng QYV và các bác sĩ tháo chạy trong đêm.

Đúng vào ngày tôi trực. Buổi tối đêm 08/3/1975 và rạng sáng ngày 09/3/1975, chúng tôi đã nhận một số lớn thương binh và đồng bào ở trại gia binh bị thương vì đạn pháo kích của Việt cộng ở đèo Cù Mông.

Như thường lệ, ngay sau phiên trực đêm, sáng hôm đó, chúng tôi họp bàn giao phiên trực ở phòng khách của quân y viện, để báo cáo với bộ chỉ huy của bệnh viện, tình hình bệnh nhân trước khi mãn phiên trực. Phòng khách của bệnh viện trong buổi bàn giao lúc nào cũng đông người và náo nhiệt, nhưng hôm đó lại vắng vẻ và thưa thớt lạ thường.

Chúng tôi đợi hơn nửa giờ nhưng không thấy Chỉ huy trưởng là Trung tá Nguyễn Xuân Cẩm cùng các bác sĩ của bệnh viện có mặt như thường lệ.

Sau đó sĩ quan trực đến báo cáo, là toàn bộ các bác sĩ của quân y viện cùng gia quyến của họ, các viên chức tòa hành chính tỉnh và bộ chỉ huy cảnh sát ở thị xã đã tháo chạy trong đêm. Thị xã Qui Nhơn hiện nay như rắn không đầu. Giặc chưa đến mà đã mở cửa đầu hàng vô điều kiện. Dân chúng trong thị xã hoang mang và hoảng sợ, cũng vội vàng thu dọn đồ đạc và tư trang, cùng với gia đình di chuyển vào phía Nam, nơi mà họ tin tưởng sẽ là chỗ an toàn cho chính bản thân và gia đình họ.

Điều mỉa mai là trong khi thành phố hoàn toàn bỏ trống, trong khi quân đội nằm ở ngoại ô, thành phần chủ lực sư đoàn 22, vẫn còn tiếp tục trấn thủ các vùng ngoại ô, bảo vệ thành phố.

Cuộc chiến tàn khốc vẫn diễn ra ác liệt với nhiều thương vong. Thiếu tá Sự, sĩ quan quản lý ở phiên trực của tôi, đến tham khảo và hỏi ý kiến của tôi nên phải làm sao. Tôi đưa ý kiến, nên gọi cho Cục Quân Y, báo cáo khẩn cấp tình hình và xin thêm người ra tiếp viện. Thiếu tá Sự còn hỏi tôi về tình trạng và số phận của các nhân viên hiện đang làm việc trong quân y viện thì sao. Theo ý kiến của tôi, muốn bệnh viện hoạt động hữu hiệu, chúng tôi rất cần sự cộng tác và giúp đỡ của các anh em. Trong buổi sáng bàn giao, bệnh viện vẫn còn có khoảng 200 nhân viên đến làm việc.

Cách đấy vài ngày tôi đã nghe tin đồn, có lẽ do phía đối phương đưa ra để tung hoả mù, là sẽ có cuộc đình chiến giữa Việt cộng và chính phủ VNCH, và đèo Cù Mông sẽ là ranh giới. Sự thật ra sao thì chúng tôi không biết, nhưng cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt, bằng cớ là trong đêm, chúng tôi đã nhận một số lớn thương binh từ chiến trường gửi về.

Tin đồn đình chiến đó đã làm suy giảm tinh thần chiến đấu của các anh em binh sĩ ngoài chiến trường, làm giao động tinh thần và cuộc sống của nhân dân địa phương.

Trong ngày hôm đó, trong bệnh viện chỉ có phòng cấp cứu, phòng mổ, phòng hồi sức, phòng hậu giải phẫu là còn làm việc,còn các doanh trại khác, công việc phục vụ bệnh nhân rất là lơ là. Tôi cũng hiểu được tâm trạng của các anh em nhân viên trong bệnh viện, phần lớn ai cũng có gia đình và trong tình hình chiến tranh hiện nay, gia đình của họ đang chờ đợi sự quyết định của họ là di tản hay ở lại.

Trong lúc nghỉ ngơi giữa hai cuộc giải phẫu, tôi họp ban chỉ huy của bệnh viện, trong đó thiếu tá Sự là người có chức vụ cao nhất. Tôi nghĩ là trong hoàn cảnh khó khăn nầy, tôi không thể ép buộc các anh em phải ở lại làm việc, vì ai cũng có gia đình và có trách nhiệm lo cho người thân của mình. Hơn nữa, ngay chính bản thân của tôi cũng không biết được ngày mai sẽ ra sao, thì sao tôi có thể bảo vệ, che chở sự an toàn cho các anh em cùng với gia đình. Ai cũng muốn có đất lành để nương tựa và bảo vệ hạnh phúc an vui cho gia đình. Tôi đề nghị nên để họ tự quyết định. Sau cùng, thiếu tá Sự và thành phần còn lại của bộ chỉ huy quân y viện quyết định tạm thời để cho các anh em tự quyết định lấy số phận của mình là đi hay ở lại, vì đó là quyền sống của các anh em. Thiếu tá Sự sẽ báo cáo với Cục Quân Y, để họ tạm thời rời khỏi nhiệm sở, và sẽ trở lại bệnh viện sau khi tình hình an ninh đã ổn định và an toàn hơn.

Sau khi anh em chia tay, thành phần y tá xung phong tình nguyện ở lại bệnh viện còn khoảng vài chục người. Đa số là những người độc thân chưa lập gia đình, trong khi cuộc chiến vẫn còn ác liệt, thương binh và gia đình binh sĩ bị thương vẫn tiếp tục đưa về bệnh viện. Tôi và các anh em y tá trong phòng mổ, phòng hồi sức và cấp cứu, vẫn làm việc ngày đêm liên tục.
Các anh em y tá trẻ tình nguyện ở lại bệnh viện nhìn tôi bằng con mắt ái ngại. Nếu tình trạng nầy vẫn tiếp tục, không biết chúng tôi sẽ chịu đựng được bao lâu, vì sức người có giới hạn. Tôi cố gắng trấn tĩnh anh em, vì Cục Quân Y hứa sẽ tăng viện khẩn cấp cho chúng ta thuốc men và nhân lực. Một vài anh em trong khi giải lao đã chuyện trò với tôi. Theo họ những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Ngãi Bình Phú đều đã quá biết sự tàn ác và dã man của Việt cộng, vì họ đã chứng kiến tận mắt những hành động tra khảo và khủng bố của đối phương đối với tù, hàng binh trong các vùng chúng tạm chiếm. Nếu một ngày nào đó rơi vào tay của đối phương, tôi cũng sẽ phải chịu những cực hình đó.

Tham sống và sợ chết, lo lắng về cuộc sống của một ngày mai bất ổn, không có tương lai, nhiều lúc làm cho tinh thần tôi giao động, mất đi ý chí sáng suốt và làm cho tôi ngã lòng. Nhưng rồi nhìn các anh em thương bệnh binh, những người bạn đồng đội mà tôi chưa bao giờ quen biết, đang nằm la liệt ngoài phòng cấp cứu chờ đến phiên mình giải phẫu, nhìn những ánh mắt và nụ cười của các anh em y tá trẻ, xung phong làm việc không biết mệt để phục vụ thương bệnh binh, tình người và tình huynh đệ chi binh, đã trấn áp được những tư tưởng yếu hèn và ích kỷ của tôi.

Đời người quá ngắn ngủi, sống chết đều có số. Cuộc sống của chúng tôi và các anh em y tá trẻ là phục vụ cho quần chúng, xã hội và đất nước. Tuy rằng chúng tôi chỉ là một thành phần nhỏ bé trong guồng máy xã hội, không thể làm xoay trở được ván cờ, nhưng chúng tôi ít ra cũng đã làm được một cái gì đó cho tổ quốc, dân tộc chúng ta trong lúc đất nước đang gặp cơn nguy biến.

Tôi cười và động viên tinh thần của các anh em.

Lời hứa ở lại với anh em thương, bệnh binh.
Cục Quân Y điện khẩn cho chúng tôi, khuyên chúng tôi phải cố gắng kiên trì, chúng tôi sẽ nhận được thuốc men và nhân lực tăng cường cho bệnh viện trong một thời gian ngắn. Thời gian thì không nói rõ là khi nào đến, nhưng đã ủng hộ được tinh thần phấn đấu của các anh em y tá bệnh viện, chúng tôi làm việc có hậu phương hậu thuẫn và yểm trợ.

Buổi chiều cùng ngày, Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng Trung đoàn 42, thuộc Sư Đoàn 22 BB, đến thăm bệnh viện. Sau khi nghe tôi báo cáo về tình hình thương bệnh binh, thuốc men và nhân viên của bệnh viện, tôi đã đưa đại tá đi tham quan phòng cấp cứu đầy người không có chỗ nằm, phòng mổ, phòng hồi sức và phòng hậu phẫu. Trước khi rời khỏi bệnh viện, tôi đã cố gắng cầm nước mắt, hứa với đại tá, chúng tôi không vì quyền lợi cá nhân mà phản bội lại các chiến hữu thương bệnh binh, những người đã hy sinh cho tổ quốc, cho màu cờ, để bảo vệ sự an toàn cho đồng bào và đất nước .

Ngày 11/03/1975 .

Đại Tá Nguyễn Hữu Thông tự sát.

Chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng, vì Cục Quân Y đã giữ lời hứa, chúng tôi nhận được điện khẩn từ trung ương sẽ có máy bay mang đồ tiếp liệu cho chúng tôi ngay trong ngày. Tôi cùng với các anh em đã chuẩn bị di chuyển các bệnh nhân ở phòng cấp cứu, phòng hồi sức, và hậu phẫu ra phi trường dân sự. Tôi cũng không quên nghĩ đến sự an toàn của các mẹ người Pháp ở trong trại cùi, các tu sĩ và các em bé ở Cô nhi viện Gềnh Ráng. Tôi cho người đến nói với họ rằng, nếu muốn di tản, họ sẽ được chấp nhận tháp tùng theo các bệnh binh về một nơi an toàn hơn. Tất cả mọi người đều nghĩ là tôi sẽ cùng với các bệnh binh có mặt trong cuộc hành trình nầy.

Các mẹ người Pháp trước khi chia tay có hứa với tôi là về đến Sài-gòn sẽ tùy cơ ứng biến, nếu có chuyện gì xảy ra, các mẹ sẽ giúp đỡ tôi giấy tờ đi định cư ở Pháp. Nhưng trong giờ phút cuối, trước khi máy bay cất cánh, tôi đã quyết định ở lại nơi mảnh đất cằn cỗi nầy, giữ đúng lời hứa với các chiến sĩ hiện còn đang chiến đấu để bảo vệ cho sự tự do và quyền sống làm người.

Về lại bệnh viện, tôi nhờ các anh em di chuyển số thương bệnh binh còn lại về một trại lớn để dễ bề chăm sóc. Một điều không may cho tôi là các anh em đã quên ghé nhà tạm giam, trong đó có một người bộ đội bị thương đang điều trị. Người nầy vì lý do an ninh, nên chân của anh ta vẫn còn bị xích vô giường bệnh, vì không ai để ý đến, nên khi bộ đội vào tiếp thu bệnh viện, người thanh niên nầy đã bị đói lả người, vì không được ăn uống trong suốt cả tuần lễ trước khi được tiếp cứu. Căn cứ vào việc này, sau đó Việt cộng đã mạnh miệng kết tội tôi, trong giờ phút cuối cùng vẫn còn ngoan cố, cố tình chống đối lại nhà nước và nhân dân.

Cũng trong ngày, một số các anh em y tá sau khi đưa gia đình về đến Nha Trang, nơi mà họ nghĩ là sẽ an toàn, sau khi trình diện với chính quyền sở tại, họ đã trở lại quân y viện, phụ giúp chúng tôi trong công cuộc điều trị thương bệnh binh.

Theo lời các anh kể lại, hiện nay toàn bộ bộ chỉ huy của quân y viện cũng đang có mặt ở Nha Trang để chờ lệnh, trong đó có cả trung tá chỉ huy trưởng. Những người nầy thay vì ủng hộ tôi trong việc làm chính đáng, là ở lại cùng anh em không chịu di tản, đã kết tội tôi là nằm vùng cho đối phương. Họ còn cười mỉa mai rằng tôi là Việt cộng nằm vùng ở quân y viện gần hai năm, mà tình báo an ninhđã quá dở, không khám phá ra được. Những hành động tôi làm trong quá khứ chỉ là để che mắt mọi người.

Ngẫm nghĩ lại, số phận của tôi hiện giờ đang bị trên đe dưới búa. Tôi đang ở giữa hai lằn đạn, rất dễ chết. Nếu phe quốc gia trở lại quân y viện, tôi sẽ bị kết tội nằm vùng phản quốc; nếu kẻ địch là người thắng cuộc, tôi sẽ là Việt gian bán nước, ngoan cố chống lại cách mạng. Niềm oan ức đó chỉ có trời cao mới hiẻu được, nhưng tôi vẫn làm việc mà không hối hận với lương tâm.

Buổi chiều, thình lình chúng tôi nghe có tiếng súng nổ lớn phía bãi biển Qui Nhơn. Chúng tôi nghi Việt cộng đã vào thành phố. Nhưng sự thật là khác hẳn, trung đoàn 42 đang trấn thủ, bảo vệ các vùng ngoại ô của tỉnh Bình Định, được lệnh rút khỏi tỉnh bằng tàu hải quân sẽ cập bến Quy Nhơn.

Theo lời kể lại của các anh em binh sĩ, theo dự tính tàu hải quân sẽ cập bến ở bãi biển Qui Nhơn và sẽ đảm trách công cuộc rút lui của trung đoàn, dưới sự chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Hữu Thông. Không may cuộc tính toán bị thất bại, vì trung đoàn đã đến chỗ hẹn sớm hơn lúc nước thủy triều đang rút, nên tàu hải quân không thể cập bến được và cuộc triệt thoái của trung đoàn đã gặp nhiều trở ngại. Những người lên tàu đã chen lấn làm mất trật tự, sau cùng vì sự an toàn, tàu hải quân đã phải rút lui.

Trung đoàn 42 đã tan hàng trên bãi biển Qui Nhơn, chưa đánh đã tan, quá xấu hổ và nhục nhã nên đại tá Nguyễn Hữu Thông đã tuẫn tiết ở bãi biển này. Thi hài của ông được đồng đội đưa đến quân y viện và quàn ở nhà xác , binh lính bị thương ở bãi biển trên con đường triệt thoái cũng được chở đến bệnh viện để chăm sóc. Chúng tôi đã phải làm việc liên tục suốt đêm trong công cuộc cứu chữa cho các thương binh.

Ngày 12/03/1975. An táng 47 tử sĩ trong một nấm mồ tập thể.

Tờ mờ sáng, thình lình chúng tôi nghe tiếng đại bác nổ vang dội, đó là đạn pháo từ các tàu hải quân được lệnh bắn lên phá đài radar nằm bên hông quân y viện trên đèo Qui Hoà, phá hủy các kho tiếp trữ xăng dầu và y cụ sau quân y viện.

Nghe anh em y tá vào báo, tôi suy nghĩ lần này có lẽ tất cả chúng tôi sẽ phải bỏ mạng trong cuộc phá hủy nầy nhưng chưa biết tính sao. Một anh y tá có ý kiến hay, đề nghị treo cờ trắng có chữ thập đỏ ở cột cờ lớn trước quân y viện, báo hiệu có nhiều người đang ẩn trú nơi đây. Quả thật như vậy, khi cờ hồng thập tự được treo lên, tàu hải quân ngưng bắn phá và rút đi. Một lần nữa, chúng tôi và toàn thể các anh em thương bệnh binh đã được cứu mạng.

Gần trưa các anh em vào báo cáo, kho thuốc và kho lương thực của quân y viện, vì không được canh giữ cẩn thận đã bị dân địa phương vào ăn cắp trong đêm. Làm sao để phục vụ các thương binh nặng khi không có thuốc men và lương thực cho họ cùng nhân viên cấp dưỡng. Đó là một câu hỏi đã làm cho tôi phải suy nghĩ nát óc không trả lời được. Tôi nhờ các anh em đi xuống từng kho thuốc ở các trại gia binh bỏ trống, thu nhặt tất cả những thuốc men còn bỏ sót lại để tiếp tục cứu chữa thương binh. Về lương thực tôi đề nghị các anh em cố gắng duy trì khẩu phần ăn cho các thương bệnh binh được lúc nào hay lúc đó, và cắt giảm một chút lương thực của các anh em cấp dưỡng trong đó có cả tôi, có sướng cùng chia, có cực cùng chịu.

Một điều may mắn cho quân y viện là sau khi Trung Đoàn 42BB triệt thoái đi, số thương binh đến quân y viện điều trị đã giảm nhiều. Một điều may mắn nữa là máy điện chạy cho phòng mổ và phòng hồi sức vẫn còn đủ nhiên liệu dùng trong một thời gian.

Quân y viện vì thiếu người dọn dẹp trong một thời gian ngắn, nên rác rến tràn ngập khắp mọi nơi, mùi hôi thối của các tử thi sau nhà xác xông lên, đã làm cho mọi người khó thở và buồn nôn.

Tôi cùng một số các anh em đi vòng bệnh viện đến nhà xác, nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng, tử thi của các anh hùng tử sĩ trong những ngày gần đây không người coi sóc, bị bỏ nằm la liệt trong và ngoài nhà xác, heo và chó đã lợi dụng đến xé xác tranh ăn.

Vì vấn đề vệ sinh chung cho quân y viện, và tránh bệnh truyền nhiễm, tôi đề nghị các anh em cùng tôi đào một nấm mồ tập thể để chôn cất những anh em nầy. Nấm mộ tập thể nầy được đào ngay trước cột cờ tổ quốc mà cách đây vài tuần lúc nào cũng có một toán anh em chiến sĩ hằng ngày đứng dàn chào và đưa tiễn các anh hùng tử sĩ đã bỏ thân vì đại cuộc. Có chừng khoảng 47 anh em tử sĩ đã được an nghỉ trong nấm mộ tập thể nầy, trong đó có cả đại tá Nguyễn hữu Thông, vị chỉ huy đã tuẩn tiết ở bãi biển Qui Nhơn, đã được anh em binh sĩ đưa về đây.

Trong lúc phụ an táng các anh em, tôi đã không cầm được nước mắt và khấn nguyện cùng các anh em tử sĩ rằng trong mọi hoàn cảnh, tôi cũng sẽ không quên các anh em và một ngày nào đó, khi tôi về với cát bụi, một phần thân xác của tôi sẽ trở về đây để gặp lại các anh em.

Loading