Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh° (8)
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.

Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
TÌM MIỀN ĐẤT MỚI
AIRRAYA CAMP, NOV 6th, 1980.
BOAT NO : SS0244IU 

Sau bữa cơm thanh đạm với cán bộ lãnh đạo và ban quản giáo của trại giam, tôi rời khỏi trại lúc trời đã xế chiều.

Chỗ đầu tiên mà tôi đến ghé thăm là quán bà Lá ở trước cổng trại. Tất cả bạn bè và gia đình, thân nhân của tù cải tạo thuộc trại Kim Sơn ở Nghĩa Bình đều biết quán bà Lá. Gốc gác của bà ở đâu và ra sao thì không ai biết, nhưng bà là một người đàn bà nổi tiếng tốt bụng, đã giúp đỡ phương tiện và nơi chốn nghỉ ngơi cho những người từ phương xa đến thăm thân nhân trong trại, trong lúc họ chờ đợi làm thủ tục để gặp người thân.

Bà cũng là một người rất rộng rãi và có lòng thương người, thỉnh thoảng bà đã gửi cho những người thăm nuôi một chút tặng vật và thức ăn cho những người bệnh nằm trong bệnh xá của trại để bồi dưỡng. Tôi đã nghe bao nhiêu người nói về lòng tốt và tính tình quảng đại của người thiếu phụ nầy trong nhiều năm qua và chính tôi đã bao nhiêu lần nhận những thức ăn và tặng vật của ít lòng nhiều của bà để trao lại cho anh em bệnh nhân nhưng chưa bao giờ được gặp mặt người đàn bà hảo tâm này. Đó là lý do chính mà tôi muốn gặp để cám ơn bà về sự giúp đỡ các bệnh nhân trong trại.

Tôi vừa bước vào chiếc quán cóc của bà được dựng lên bên đường, trước khi vào cổng trại, bằng những vật liệu thô sơ thì một người thiếu phụ trung niên áo quần sạch sẽ ra chào đón khách. Tôi tự giới thiệu mình là ai và muốn được gặp bà Lá chủ quán. Té ra chính là bà. Bà rất ngạc nhiên và mừng rỡ khi gặp tôi, vì mọi người ra về trước , ghé quán bà, có nói là tôi đã bị giữ lại trại. Bà nói có một số người được trả tự do đã ghé quán bà chờ nghe tin tức về tôi, nhưng vì trời sắp tối nên cuối cùng đã thất vọng phải chia tay. Chào đón ân cần và niềm nỡ, bà có nhã ý mời tôi ở lại vì trời đã chiều, việc đi lại sẽ khó khăn bất tiện khi đêm xuống.

Tôi cám ơn bà đã giúp đỡ thân nhân của những người trong trại, đi thăm nuôi có nơi tạm trú bình an qua đêm, cảm ơn những món quà của ít lòng nhiều mà bà đã gởi giúp anh em ốm đau trong trại. Tôi cũng cảm ơn bà có lòng tốt cho tôi ngủ lại nhưng vì thời gian có hạn, tôi chỉ được phép của cơ quan cho tôi ở lại thị xã Qui Nhơn vài ngày trước khi về lại với gia đình của tôi ở Sài Gòn nên phải từ chối lòng tốt của bà.

Thấy cầm giữ tôi ở lại không được, bà nói đừng để bà buồn lòng, bà muốn tôi dùng cơm tối xong sau đó sẽ nhờ đứa con trai của bà chở tôi xuống quốc lộ bằng xe Honda. Tôi cũng lễ phép từ chối vì không muốn lợi dụng lòng tốt của người thiếu phụ tốt bụng nầy. Sau cùng, vì muốn làm cho bà vui lòng, tôi chỉ xin bà cho tôi một cốc nước dừa tươi để nhớ lại mùi vị quê hương mà nhiều năm nay tôi đã không được thưởng thức.

Tôi về đến quốc lộ I thì đã gần nửa đêm. May mắn, tôi đón được xe chở hàng và xin quá giang về thị xã Qui Nhơn. Chủ xe hàng khi biết tôi là một trong những người vừa mới được trả tự do nên đã vui vẻ sẵn sàng giúp đỡ.

Trở về Qui Nhơn sau một thời gian gần 5 năm xa cách, tôi cũng không thấy có gì thay đổi; phố xá thì có vẻ nghèo nàn hơn, xe cộ không được tấp nập rộn ràng như lúc trước. Ngoài đường phố thì chỗ nào cũng đầy những tấm bảng sơn đỏ với các khẩu hiệu ca ngợi bác và đảng, mừng nước nhà được thống nhất, độc lập và tự do.

Tôi đến nhà người bạn gái làm y sĩ trong dân y viện, người mà tôi cảm mến trong thời gian ngắn ở dân y viện trước khi đi cải tạo, cũng là người đã thay mặt cho gia đình tôi gửi quà cáp thăm nuôi trong thời gian tôi đi tù cải tạo. Theo dự định, tôi sẽ ở lại đây vài ngày để đi thăm viếng và cám ơn các bạn bè, những người đã không quản ngại cực khổ đi lên trại thăm nuôi và ủng hộ tinh thần tôi trong khoảng thời gian khốn cùng.

Sáng hôm sau, trong lúc tôi ra giếng sau nhà của cô ấy để rửa mặt và tắm rửa thì có người hàng xóm nhận diện ra tôi; thế là chỉ mấy phút sau tiếng lành đồn xa, bà con hàng xóm đã tấp nập đến thăm và chào hỏi tôi. Người quen biết không bao nhiêu còn người lạ thì rất nhiều.

Nhớ đến những lời căn dặn của các cán bộ cơ quan, tôi đã phải thận trọng trong sự tiếp xúc với bạn bè và hàng xóm đến thăm viếng. Từ sáng đến chiều không ăn uống và nghỉ ngơi, tôi đã mệt
lả người vì tiếp khách, thêm vào số người đến thăm mỗi lúc một đông, tôi lo ngại đến một viễn cảnh là tôi có thể trở lại trại cải tạo. Tôi thấy trong những người đến thăm viếng tôi, người tốt mà tôi quen biết trước kia thì không bao nhiêu, phần nhiều là người lạ, họ đến vì tò mò và hiếu kỳ. Nếu có người xấu, họ sẽ chụp mũ cho tôi là đã kích động quần chúng thì đó là một đại họa. Cô bạn gái cũng tỏ ra lo lắng cho tôi.

Sau cùng vì sự an toàn của bản thân, tôi quyết định bỏ dự tính ở lại đây vài ngày và phải rời khỏi thị xã Qui Nhơn càng sớm càng tốt. Tôi đã lặng lẽ không một lời tạm biệt, âm thầm lén đi ngỏ sau và đáp chuyến xe đò tốc hành vào Sài Gòn ngay buổi chiều hôm ấy, nơi đến mà tôi nghĩ sẽ an toàn cho tôi hơn.

Trên giấy tờ lý lịch, quê quán của tôi là Đà Lạt, vì tôi còn độc thân và có cha mẹ bảo lãnh, nhưng trong bữa ăn trưa với cán bộ cơ quan trong ngày ra trại, họ hỏi tôi muốn về trú ngụ ở đâu thì họ sẽ giúp. Tình thật, tôi nói cha mẹ tôi ở Đà Lạt, nhưng tôi học ở Sài Gòn, nên nếu cơ quan giúp được thì cho tôi về Sài Gòn, một thành phố lớn có nhiều môi trường thuận lợi và dễ dàng cho tôi đáp ứng và thích nghi với một cuộc sống mới, phát huy hết khả năng về nghề nghiệp chuyên môn của mình. Do đó trên giấy tờ ra trại, địa chỉ cư trú chính thức của tôi là Sài Gòn.

Ra nhà tù nhỏ, vô nhà tù lớn

Vào đến Sài Gòn, tôi tạm trú nhà cô em gái ruột ở quận Phú Nhuận. Gia đình cô ấy cũng rất là đơn chiếc vì có hai con nhỏ phải chăm lo săn sóc, chồng cô thì tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh thời trước, thuộc "hàng ngũ ngụy quyền" nên đã phải đi cải tạo ở miền Bắc, chưa về. Trước ngày 30/4/1975, cô là giáo viên, sau khi "giải phóng" cô bị sa thải vì chồng là ngụy quân, ngụy quyền phải đi cải tạo. Để sinh sống, nuôi con và thỉnh thoảng đi thăm nuôi chồng, cô xoay ra buôn bán chợ trời. Cô có cái sạp trước cửa bưu điện thành phố, chuyên mua đi bán lại các món hàng do người nước ngoài gởi về cho thân nhân trong nước qua đường bưu điện.

Theo đúng thủ tục, ngày hôm sau tôi ra công an quận để trình diện. Tôi xuất trình giấy tờ ra trại cho công an quận xem. Sau khi thông qua các giấy tờ do trại cấp, người công an quận gọi tôi vào phòng kín để phỏng vấn và điều tra thêm về lý lịch. Sau đó họ ra lệnh cho tôi, mỗi tuần lễ phải đến công an quận trình diện một lần. Khi đến trình diện, tôi phải trình nộp cho công an bản danh sách cùng địa chỉ của những người mà tôi đã tiếp xúc trong tuần. Tôi hỏi tại sao, họ đã nói thẳng vào mặt tôi, theo lý lịch, tôi bị liệt vào danh sách những người Việt gian bán nước trong thời gian Mỹ ngụy, nên tuy được trả tự do nhưng vẫn phải bị quản chế bởi chính quyền địa phương nơi đang cư ngụ.

Tuy đã được những người cán bộ quản giáo căn dặn trước khi rời trại để chuẩn bị tinh thần trong thời gian sắp tới, nhưng nghe công an quận nói thế, đầu óc của tôi cũng không khỏi quay cuồng đảo lộn. Té ra, ra khỏi nhà tù nhỏ để vô nhà tù lớn. Tất cả những niềm mơ ước và dự định về tương lai sau khi thoát khỏi vòng tù tội nay đã trở thành mây khói, vì trong tình trạng pháp lý bị quản chế như một người tù bị giam lỏng và một lý lịch xấu đối với chính quyền như thế này, tôi phải làm gì đây để có thể tự lực mưu sinh trong khoảng thời gian sắp tới? Ở trong trại giam, tuy bị mất tự do nhưng tôi còn có cơm ăn ngày ba bữa, ngoài công việc và trách nhiệm hằng ngày, đầu óc của tôi không phải bị dày vò vì sinh kế. Còn ở đây...

Sau vài ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, tôi đã ghé lại Bệnh viện Bình Dân, trước là tìm thăm bạn bè và các thầy cũ, sau dò la tin tức xem tôi có hy vọng gì để có thể trở lại ngành nghề cũ được không. Người tiếp tôi là bác sĩ Bùi Văn Đức, trước là nội trú bậc đàn anh của tôi, người mà tôi hy vọng rất nhiều vì anh ấy đã biết nhiều về thành tích học hành và quá khứ của tôi, với tính tình thật thà và thẳng tính của anh trước đây, tôi nghĩ anh sẽ có nhiều cơ hội tốt để giúp tôi vượt qua hoàn cảnh khó khăn nầy.

Gặp anh tay bắt mặt mừng, nhưng anh đã làm cho tôi thất vọng. Sau vài phút gặp gỡ chào hỏi, anh hỏi qua về thời gian tôi đã làm gì sau ngày “giải phóng,” giống như người công an quận mới thẩm vấn tôi vài ngày trước đây. Với tình thật tôi nói với anh là tôi vừa mới ở trại cải tạo ra, không quen biết nhiều với người bên ngoài và không có nghề nghiệp nào khác ngoài nghề cũ, tôi hy vọng nhờ ở sự quen biết của anh, anh có thể giúp đỡ cho tôi kiếm được việc làm trong ngành nghề cũ lúc khó khăn nầy.

Nghe thế, anh đổi ngay thái độ bằng cách từ chối khéo. Anh nói vừa mới ở trại cải tạo ra, tôi cần một thời gian dài để tịnh dưỡng và thích ứng với môi trường mới và xã hội mới. Làm việc dưới chế độ mới hoàn toàn khác hẳn với chế độ cũ, anh nói trọng trách của người thầy thuốc dưới chế độ mới ngoài kinh nghiệm và khả năng, còn phải có tinh thần trách nhiệm và đạo đức "lương y như từ mẫu" như "bác Hồ" đã dạy (làm như bác sĩ thuộc chế độ cũ toàn là bà Chằn cả!), thêm vào đó còn phải biết hồng hơn chuyên.

Chính tới giờ phút nầy tôi cũng không hiểu anh ta nói chuyện đó với tôi với một mục đích gì. Anh chỉ trích hệ thống giáo dục và đường lối giáo dục sai lầm của trường y khoa cũ, rằng đã giảng dạy cho chúng tôi những thành kiến xấu, như coi thường và khi dể bệnh nhân vì không đồng giai cấp và xem công cuộc chữa bệnh chăm sóc bệnh nhân như là một phương tiện để mưu sinh, chú trọng nhiều đến tiền bạc mà không màng đếm xỉa đến sinh mạng và sự an toàn của bệnh nhân. Muốn gia nhập lại ngành nghề cũ theo anh ấy nghĩ, tôi cần phải có một thời gian dài học tập và phải chịu đựng được nhiều thử thách và khó khăn...

Tôi không ngờ trong một thời gian mấy năm sống trong chế độ mới mà Bùi Văn Đức “tiến bộ” đến thế, hơn cả mấy năm tôi "học tập" trong trại cải tạo. Anh đã hoàn toàn thay đổi hẳn, từ cử chỉ đến cách ăn nói của anh giống hệt như một cán bộ đã đi theo "bác và đảng" nhiều năm, đã "kinh qua" nhiều năm sống và chiến đấu gian khổ trong rừng núi. Tôi hỏi thăm về sức khỏe của các thầy cũ, anh ấy nói một số lớn các thầy trước dạy trường y khoa nay đã từ chức, một số xuất ngoại hay cáo lão về hưu. Còn bạn bè của tôi cũng vậy, phần lớn đã xuất ngoại hay rời bỏ nhiệm sở vì không hội đủ tiêu chuẩn và lý lịch căn bản để hành nghề.

Từ giã bệnh viện sau khi nghe bác sĩ Đức cho tôi một bài học về một cuộc sống mới với những giáo lý của “bác và đảng.” Tôi có cảm tưởng là nếu tôi may mắn được trở về với ngành nghề cũ, trong một thời gian ngắn rồi tôi cũng cùng chung số phận như đại đa số bạn bè của tôi, nghĩa là sẽ bất mãn vì phải làm việc trong một cộng đồng với quá nhiều sự chênh lệch về khả năng nghề nghiệp, giữa những người đồng nghề mà khác tư tưởng, thêm vào đó còn bị chèn ép bởi những người lãnh đạo "hồng hơn chuyên" như anh Đức đã nói.

Tôi thấy thật khó lòng thích ứng và hòa đồng được với hoàn cảnh mới, mà tiêu chuẩn hành nghề không lấy chuyên môn làm trọng, thay vào đó là một lý lịch và thành tích tốt, quá trình tham gia cách mạng tốt. Đấy là những "vốn quí" của xã hội mới, thứ như tôi kiếm đâu ra? Tôi thấy rồi tôi cũng như phần lớn các bạn bè chỉ còn một lối thoát là vượt biên đi tìm tự do ở miền đất mới còn hơn phải chịu nhục sống trong một xã hội bị người kềm kẹp, chà đạp và khinh rẻ như thế này.
Tôi không muốn ăn bám vào gia đình của em gái vì hoàn cảnh cô ấy cũng không dư giả gì, mỗi ngày phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Ba mẹ tôi nghe tin tôi được về thì mừng rỡ, vội vã về Sài Gòn thăm tôi.

Để giải quyết tình trạng quá tuyệt vọng vì không nghề nghiệp và không tiền bạc sinh sống của tôi, ba mẹ đã đề nghị tôi nên tạm trở về Đà Lạt để sống. Ông nói đã mua được một cái rẫy ở gần thác Cam Ly, chờ tôi về để mỗi ngày khai khẩn đất hoang trồng đậu và trồng khoai, vui cảnh điền viên, tịnh dưỡng tinh thần, bồi dưỡng lại sức khỏe và chờ cơ hội sẽ tính sau. Tôi nghĩ Sài Gòn là một chỗ thị tứ rộng lớn, có thể gặp bạn bè giúp đỡ, có thể có cơ may được bay nhảy, còn nếu về Đà Lạt thì dường như đi vào một đường hầm không lối thoát vì ngoài gia đình ba mẹ tôi ra thì bạn bè không có ai. Tôi đã từ chối khéo lòng tốt của cha mẹ và xin phép ở lại đây thêm một thời gian nữa, trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của ông bà.

Hằng tuần, cứ đến sáng ngày thứ sáu, tôi phải đến công an quận để trình diện. Đó là một cơn ác mộng không khác gì tôi đã trải qua trong thời gian bị tẩy não ở trại cải tạo. Người công an sau khi duyệt qua bản báo cáo đầy chi tiết của tôi về danh sách, mục đích và địa chỉ của những người mà tôi tiếp xúc trong tuần, đã hạch hỏi tôi về những người đó. Nói đúng sự thật, tôi mới về thì bạn bè bà con đến thăm hỏi là tôi biết vậy thôi, nếu hỏi thêm về chi tiết của những người nầy, ở đâu, làm gì để sinh sống và vân vân thì tôi không trả lời được. Thế là tiếp tục bị hạch xách và dọa nạt. Và cứ sau khi đi trình diện về thì cả ngày hôm ấy tâm trí tôi cứ bần thần và tối hôm đó bị nhức đấu mất ngủ vì thần kinh bị căng thẳng và tinh thần khủng hoảng.

Để tránh bớt những phiền não khi bị hạch sách bởi công an quận lúc đi trình diện, tôi đã dần dần hạn chế những sự tiếp xúc với bạn bè và bà con lối xóm. Cô em gái hỏi tôi tại sao mới ra trại trong một thời gian ngắn mà tính tình và thái độ cư xử của tôi đối với những người chung quanh trong việc giao tiếp hằng ngày đã nhanh chóng thay đổi. Thấy tôi cả ngày ngồi lầm lì một mình trong phòng, không thích trò chuyện và tính tình lại cộc cằn, nóng nảy, dễ cau có tức giận và hay gây gổ, cô đoán là mỗi lần đi trình diện công an, hẳn tôi đã bị làm khó dễ hạch sách đủ thứ vì không có tiền bạc và quà cáp làm trà nước.

Cô nói chuyện đó cũng dễ hiểu thôi, lúc những người nầy còn ở trong rừng, sự sống của họ đơn giản, có sao cũng được, không có nhiều nhu cầu. Nay được về thành phố, ở một môi trường khác biệt, họ cũng phải cần đến tiền bạc để tiêu xài, may sắm để theo kịp trào lưu, thích ứng với một cuộc sống xa hoa ở đô thị. Với số lương căn bản ít ỏi của cán bộ công nhân viên chỉ vừa đủ ăn, làm sao họ có đủ tiền bạc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất khác nếu không trông vào khoản trà nước ngoài lề. Nói thật, trong tình trạng hiện nay, tiền tiêu dùng hàng ngày tôi còn không có thì làm sao có tiền bạc để làm quà cáp trà nước cho họ, và ngay cả nếu có đi nữa thì dù một xu tôi cũng không cho những hạng người nầy, cái thứ ngoài mặt giả nhân giả nghĩa còn bên trong thì chứa một bồ dao găm.

Để giết thời gian và quên đi thời gian, tôi tìm sách báo ra đọc. Sau gần 5 năm không đọc sách báo, mỗi lần cầm cuốn sách lên, chỉ trong vòng năm phút là tôi hoa mắt và nhức đầu. Nếu mở TV hay radio lên để xem để nghe thì còn chán hơn. Đề tài thì khô khan chán ngắt, nội dung thì có tính cách tuyên truyền nhiều hơn là cung cấp kiến thức hay giải trí.

Buồn bực, mất ăn mất ngủ, tinh thần lúc nào cũng bị giao động, cơ thể tôi mỗi ngày một sa sút, những căn bệnh cũ trong trại cải tạo dần dần tái phát. Thêm vào đó tôi lại bị chứng bệnh gọi là Stress syndrome, một bệnh thần kinh mà hầu hết những người ở tù lâu hay những người lính đi chiến trường lâu năm thường hay mắc phải. Những người bị bệnh nầy thường hay bị mất ngủ, đầu óc lúc nào cũng bị dày vò về những cảnh giết chóc hay bị khủng bố, trừng phạt trong lúc bị ngục tù. Nhiều lúc tinh thần quá dao động, người bệnh không thể tự kiềm chế những hành động của mình. Phần lớn những người bệnh nầy khi về với gia đình đã không thích ứng được với hoàn cảnh nên đã bị ngã bệnh nặng, sau cùng ra đường làm bậy để rồi lâm vào cảnh tù tội, hay bị giam giữ ở nhà thương điên để trị bệnh tâm lý thần kinh.

Ánh sáng cuối đường hầm

Trong những người bạn còn lại mà tôi còn một chút tin tưởng và giao thiệp là bác sĩ Ngô Anh Tuấn và anh Nguyễn Đức Chương, một người thương phế binh mà tôi đã cố gắng chạy chữa cho anh ấy được bình phục, hồi tôi còn làm việc ở quân y viện Qui Nhơn.

Tôi thường ghé nhà bạn nghỉ qua đêm và tôi đã nghe kể về những hành động ăn cướp trắng trợn dã man của tập đoàn chính quyền cộng sản. Nhân danh nhà nước cách mạng, họ đã cướp của cải và tài sản của nhân dân trong những vụ đổi tiền, chống tư sản mại sản, niêm phong tài sản của cải của các gia đình giàu có, thu tiền cho phép xuất ngoại rồi lại tổ chức gây tai nạn giết người để cướp của (vụ tàu sắt), đuổi dân đi kinh tế mới để chiếm đoạt trắng trợn nhà cửa tốt đẹp của người ta….Cứ nhìn những ngôi biệt thự khang trang bề thế trên những con đường lớn của Sài Gòn nay thuộc về tay những ông to bà lớn từ trong rừng ra hay từ Bắc vào thì biết phù phép ăn cướp của đám chính quyền này cao tay như thế nào.

Tôi cũng không ngờ mới trong vòng 5 năm mà chính quyền và tập đoàn cộng sản thối nát mau như thế. Bề ngoài họ nói nhân nghĩa, đánh đổ giai cấp thống trị bóc lột, đem lại sự bình đẳng và công bằng cho nhân dân, san bằng sự chênh lệch giữa người giàu và nghèo. Bên trong thì họ tạo dựng nên một giai cấp mới với nhiều đặc quyền đặc lợi, đó là giai cấp cán bộ, giai cấp những người thống trị.

Họ cũng bày ra một giai cấp mới, giai cấp hận thù bị trị, đó là, giai cấp ngụy quân ngụy quyền thuộc chính quyền cũ, với nhiều hạn chế khắt khe đới với con cái của giai cấp này. Họ đã tàn phá tài sản của quốc gia, chận đứng trào lưu tiến bộ của quần chúng, áp dụng chính sách ngu dân bằng cách cản trở sự học vấn của con cái ngụy quân ngụy quyền, đuổi đẩy dân thành phố đi kinh tế mới để chiếm nhà chiếm đất…

Tôi thấy mình giống như một người sau giấc ngủ dài, đến lúc mở mắt ra thì nhìn thấy toàn sự thật quá phũ phàng. Nghe bạn bè thầm thì về những hành động giả nhân giả nghĩa của tập đoàn cộng sản càng làm cho tôi tức giận và lo lắng thêm khi nghĩ đến tương lai bản thân mình cũng như gia đình mà tôi sẽ có trong tương lai. Chắc chắn là vợ con tôi sẽ "ăn theo" cái lý lịch ngụy quân ngụy quyền Việt gian bán nước của tôi mà lãnh một tương lai không lấy chi làm phấn khởi.

Bạn tôi, bác sĩ Ngô Anh Tuấn, thấy tôi mỗi ngày một sa sút từ tinh thần đến thể xác, nên cũng rất lấy làm lo ngại cho tôi.

Anh nghĩ chỉ có một giải pháp tạm thời để giúp cho tôi vượt qua cơn khủng hoảng là kiếm cho tôi một công việc gì đó để làm, bất cứ là làm việc gì dù lớn hay nhỏ, để khi làm việc sẽ tạm quên đi những sự chèn ép và ẩn ức mà tôi đã cố gắng kềm giữ trong tâm tư. Anh đã vào gặp bác sĩ Trương Thìn, một người trong ban lãnh đạo của Sở Y tế Thành phố, nói về hoàn cảnh đáng thương của tôi đang cần sự giúp đỡ. Cũng may cho tôi là lúc đó đang có dự định sáp nhập đảo Cần Giờ vào thành phố và đổi tên lại là quận Duyên Hải. Và nhờ có sự giúp đỡ tận tình của hai anh, tôi đã được bổ nhiệm ra làm y tế của quận. Ngẫm nghĩ lại, trong lúc cùng cực, khủng hoảng cả tinh thần lẫn vật chất, tôi đã được ơn trên và những bạn bè tốt bụng nâng đỡ và giúp đỡ, còn không nếu tình trạng nầy kéo dài, chẳng bao lâu nữa cuộc sống và tương lai của tôi sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm và hoàn toàn bế tắt.

Những ngày nương thân ở quận Cần Giờ

Quận Cần Giờ nằm trên cửa khẩu của sông Đồng Nai chảy ra Biển Đông, đó là những hòn đảo nhỏ bị nước mặn quanh năm nên không thể trồng trọt được. Cây cối sống trên đảo phần nhiều là cây bần và cây đước, rể của những cây nầy đã giữ đất lại không cho nước biển làm sạt lở tàn phá bờ đê của đảo, dân cư ở đây quanh năm sống bằng nghề đánh cá.

Trước ngày 30/04/1975, nơi đây là một vùng đất hoang dã, là môi trường thuận lợi cho du kích hoạt động chống phá chính quyền. Người dân trên đảo ban ngày ra biển đánh cá, tối đến thì tiếp tay với du kích hoạt động đánh phá các cơ sở của chính quyền Sài Gòn. Nhà cửa trên đảo phần lớn họ cất theo kiểu nhà sàn, cao hơn mặt nước biển. Nguồn thu nhập lợi tức của người dân sinh sống ở đây chủ yếu là về thủy sản; dân chúng Cần Giờ, từ nhỏ đến lớn, sau một ngày làm việc ngoài biển khơi, tối về họ cùng nhau ngồi uống rượu để giải khuây và tiêu khiển. Cuộc sống đối với họ rất là bình lặng và thô sơ, cũng không cần đến điện nước. Nguồn nước ngọt mà dân địa phương dùng ở đây là nước mưa hứng giữa trời hay mua nước từ Vũng Tàu đem về. Bãi biển vì bị nước ngập lên xuống mỗi ngày nên toàn là sình lầy.

Từ thành phố muốn đi đến quận Cần Giờ phải đi bằng phà, mất hết nửa ngày mới đến nơi. Ngày đầu tiên khi mới đến nhận việc, tôi được sự hướng dẫn của người y tá quận dẫn đi dạo một vòng quanh đảo, gặp và chào xã giao các ban lãnh đạo của đảo. Trong bữa tiếp xúc, ông huyện ủy tuổi trung niên giới thiệu với tôi về lịch sử và những địa danh của quận, đã có những thành tích lớn trong công cuộc kháng chiến đánh Mỹ và chống ngụy. Những người dân ở đây phần lớn là thành phần nòng cốt của cách mạng.

Tôi còn nhớ, khi ông quận trưởng nói về vấn đề tình hình an ninh của đảo, đã nói: Hiện nay nhờ sự sát nhập của huyện vô thành phố, nên đã có một vài người trước đây làm việc cho chính quyền cũ đến đây làm việc; những người nầy được nhân dân và nhà nước của huyện, luôn luôn theo dõi quản lý và trông chừng rất cẩn thận. Nếu chúng nó có muốn trở mặt hay muốn làm bậy, thì chúng nó sẽ bị trừng phạt một cách thẳng tay và không thương tiếc.

Tôi nghe mà thấy nhột, vô tình đưa tay sờ lên gáy.

Đường sá trên đảo thì chỉ có một con đường lớn độc nhất, được đắp bằng đất, đi từ bến phà đến cơ quan hành chánh của đảo. Người dân ở đây đi lại thường là đi chân đất vì chung quanh toàn là sình lầy, quần thì lúc nào cũng xắn lên cao quá gối.

Trạm xá y tế là một căn nhà mới cất, cũng là nhà sàn vách lá lợp tôn, trong trạm xá chỉ có một cái giường độc nhất cho bệnh nhân nằm khám bệnh; tôi vừa mới xuống nên tạm thời được nghỉ lại ở trạm xá. Trời chưa kịp tối mà muỗi giống như đàn ong vỡ tổ, bay ra tấn công tôi tới tấp, tôi phải vội vã chun vào ngồi trong mùng để tránh muỗi. Vì không ai dặn dò trước nên ngủ đến nửa đêm tôi thức giấc hoảng sợ có cảm tưởng như bị nước ngập lụt vì tôi thì đang nằm trên tấm phảng mà xung quanh toàn là nước, té ra đó là nước thủy triều lên. Tôi nghĩ là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, vì đi đâu và làm gì thì tôi vẫn là một người tù bị giam lỏng, nhưng dù sao đi nữa tôi cũng còn có cảm giác được tự do hơn trong những ngày tôi mới ra trại phải trú ngụ ở nhà cô em gái, và nhất là tôi không phải đi trình diện cán bộ công an hằng tuần ở quận.

Nhờ bận rộn trong công việc hằng ngày mà đầu óc của tôi bớt căng thẳng và cảm thấy thoải mái hơn. Bệnh xá chỉ khám bệnh nhân ngoại chuẩn, còn những người đau ốm trên đảo đến khám bệnh thì tùy theo bệnh nặng hay nhẹ mà tôi quyết định hoặc tiếp tục điều trị ở nhà bằng cách mua thuốc từ thành phố đem về, rồi mỗi ngày đến bệnh xá để được chỉ dẫn uống thuốc và chích thuốc, hoặc nếu nặng sẽ được cấp tốc gửi đi thành phố để điều trị.

Lúc đầu tôi mới đến, chưa quen nước quen cái, nên tôi rất dè dặt trong việc hằng ngày tiếp xúc và giao thiệp với những người dân địa phương. Nhưng với bản tính cố hữu, tôi làm việc với một tinh thần có trách nhiệm và siêng năng, và cũng nhờ tính khiêm nhường, thật thà, và dễ dàng hòa đồng với quần chúng, nên dần dần mọi người trên đảo đều tín nhiệm và đến với tôi ngày một đông. Không những người dân địa phương mà còn có thêm những người sống ở những vùng lân cận cũng đến nhờ sự giúp đỡ của tôi.

Đại đa số dân địa phương với bản tính thật thà và chất phát, sau khi lành bệnh họ thường trả ơn bằng cách mời tôi đến ăn bữa cơm với gia đình họ. Trong các bữa cơm thân mật và thanh đạm với những tôm cá mà họ đánh bắt được, tôi đã sống hòa đồng với gia đình họ, không có sự phân biệt sang hèn hay cán bộ hay nhân dân nên dần dần tôi đã nhận được cảm tình tốt của người dân địa phương. Họ không còn xem tôi như là kẻ thù hay một người xấu, một điều mà lúc đầu tôi làm cho mọi người không được vui và bực mình, vì tôi đã từ chối không uống rượu trong những bữa cơm gia đình thân mật đó.

Tôi nói cho họ biết là sức khỏe của tôi không được tốt, vừa mới ra trại nên chưa hoàn toàn bình phục và còn đang tiếp tục tịnh dưỡng, nên tôi cần phải kiêng cử rượu. Họ đâu biết một lý do thầm kín khác khiến tôi phải kiêng rượu vì rượu vào thì lời ra, tôi sẽ không che dấu được nỗi lòng ẩn ức mà tôi cố tình đè nén, che dấu bấy lâu nay. Lúc đầu thì họ cũng cố nài ép thiệt nhưng dần dần mọi chuyện trở thành quen, họ không còn thắc nắc hay buồn lòng nữa.

Lương bổng của tôi cũng như các cán bộ công nhân viên nhà nước khác, là khoảng 60 đồng một tháng thêm vào đó là mấy chục ký bo bo và gạo mua bằng tem phiếu bán cho công nhân viên với giá rẻ gọi là giá bao cấp. Tôi dùng số tiền nhỏ nhoi nầy mua thêm thuốc men để tiếp tục trị các bệnh mãn tính mà tôi đã mắc phải trong thời gian dài đi tù cải tạo, đó là bệnh sốt rét và bệnh lao phổi.

Loading