Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

VUOTQUAGIANKHO(2) (1200 x 858)
NguyÍn Công TrÙ VÜ®t Qua Gian Kh° (10)
Hồi ký của một quân y sĩ trong trại tập trung cộng sản
VƯỢT QUA GIAN KHỔ
Hồi ký của BS Nguyễn Công Trứ
Nam Việt, California, xuất bản lần thứ I
Copyright by William Nguyen
Trình bày: Võ Hương-An
Bìa sách: Uyên Nguyên.
Khi đọc những trang hồi ký nầy, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng.

Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu để đọc những trang hồi ký nầy.

NGUYỄN CÔNG TRỨ
 
Thành công trong chuyến đi bất ngờ
trong một đêm mưa bão

Dân ở đảo thường có câu nói "Ông tha mà bà không tha, ông cho cái lụt 23 tháng Mười". Trời mưa bão tầm tã mấy ngày liên tiếp, tất cả mọi sự sinh hoạt trên đảo gần như bị hạn chế và đình trệ vì thời tiết xấu.

Anh Ngọt, một lần nữa, gần nữa đêm đến trạm xá đánh thức tôi dậy và bảo tôi chuẩn bị lên tàu. Anh nói lần nầy là dịp may cuối cùng độc nhất vô nhị vì ông huyện ủy đã có giấy tờ thuyên chuyển sang một chức vụ khác, nếu bỏ lở dịp may nầy thì chắc là không bao giờ có một cơ hội tốt nữa, vì tôi đã thố lộ những dự tính của tôi cho người khác biết, không sớm thì muộn sự bí mật nầy sẽ lộ ra ngoài; thêm vào đó, gần đây đã có nhiều dư luận xấu của những người xung quanh về tôi.

Như một người phóng lao thì phải theo lao, không suy nghĩ nhiều, tôi như một người máy, đi theo anh xuống biển. Trời mưa tầm tã, anh và tôi lên một chiếc thuyền thúng, chèo hướng ra biển. Anh thì chèo còn tôi thì tát nước. Trong khi đi, miệng tôi lải nhải cố tình thuyết phục anh ấy nên đi cùng với tôi, sống cùng sống chết cùng chết. Nếu may mắn anh em còn sống tới được bến bờ tự do thì sẽ đùm bọc nương tựa với nhau. Khoảng nửa giờ phấn đấu vượt qua sóng gió, sau cùng tôi và anh Ngọt đã đến được một hòn đảo khác. Trời thì tối như mực, mưa như thác đổ, tôi ngồi dưới lùm bụi cây để tránh mưa, anh nói không bao lâu nữa sẽ có tàu lớn đến và mình sẽ lên tàu.

Quả nhiên đúng hẹn tàu lớn cập bến; điều làm tôi ngạc nhiên và không hiểu là trước tôi đã có rất nhiều người đến đây chờ đợi. Tàu vừa cập bến thì những người nầy đã ùa chạy ra chen lấn nhau để lên tàu, với bản năng sinh tồn tôi cũng theo những người nầy sống chết tranh nhau lên tàu. Tôi vừa lên tàu được mấy phút thì đột nhiên tàu tắt máy và có tiếng loa kêu gọi hành khách lên bờ để có chỗ cho tài công sửa chữa máy tàu, sau đó sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Như người máy tôi cũng dự định rời tàu lên bờ theo lời kêu gọi của thuyền trưởng, nhưng thình lình có một người lạ nắm tay tôi kéo lại và đưa cho tôi chiếc nón sắt bảo tôi theo anh ấy để phụ giúp tát nước dưới hầm tàu. Tôi, như một người mất hồn không thể làm chủ lấy mình, nói sao nghe vậy. Thay vì xuống thuyền tôi lại xuống hầm tàu để tát nước.

Một số người đã lên bờ, thì bất ngờ tàu nổ máy, bỏ chạy ra khơi để lại một số lớn những người kém may mắn ở lại trên đảo giữa lúc trời mưa to gió lớn. Đúng là định mạng, nếu tôi tạm rời tàu lên bờ như các hành khách khác thì lần nầy tôi sẽ bị bắt bởi công an biên phòng và cả một tương lai của tôi sẽ tan nát trong đen tối.

Tàu chạy ra khơi, trên tàu tôi là một người hành khách không tên tuổi nằm dưới một góc hầm tàu dơ bẩn đầy xăng dầu, rác rến và đồ phóng uế của các hành khách trên bong tàu vứt xuống trong suốt cuộc hành trình giữa biển khơi. Ơn trên đã giúp tôi sống sót trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, không ăn không uống trong suốt cuộc hành trình.

Thình lình tôi bừng tỉnh dậy khi nghe có người nói tàu đã bị mắc cạn vì nằm trên bải san hô, cần sự giúp đỡ của các hành khách trên tàu phụ với tài công đẩy thuyền ra chỗ nước sâu hơn để có thể tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi như con chuột bò ra khỏi hầm tàu dơ dáy bẩn thỉu, nhảy xuống biển tiếp tay cùng với các hành khách cố gắng đẩy con tàu ra chỗ nước sâu. Nước biển thì trong xanh, không khí lại trong lành, tôi đã có dịp tắm rửa sạch sẽ và thoải mái sau một cuộc hành trình dài. Bất ngờ có người la
lớn tiếng bị cá tấn công cắn vào người, hốt hoảng tôi cùng mọi người leo trở lên tàu lại. Chiếc tàu đã không di chuyển được vì bị kẹt vào bãi san hô và chiếc chân vịt của tàu cũng đã bị gãy.

Làm ơn mắc oán.

Những người dân làng Indosesia đem nước và lương thực đến tiếp cứu các thuyền nhân trên tàu, sau đó tàu hải quân Indonesia đến để phụ kéo tàu ra khỏi bãi san hô và đưa về trại tỵ nạn. Trong khoảng thời gian nầy có một người lớn tuổi đi cùng trên tàu, có lẽ chịu không nổi cực khổ của cuộc hành trình đầy sóng gió nên đã từ trần.

Vì sức yếu và bị đói lả sau nhiều ngày không ăn uống, tôi là một trong những người sau cùng trong đám thuyền nhân được nhân viên của tàu hải quân xuống giúp đỡ, khi lên đến bong tàu tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao còn một người bị bỏ lại. Với một chút tiếng Anh bập bẹ, tôi hỏi người thủy thủ hải quân Indonesia mới biết là tàu hải quân dự định sau khi các thuyền nhân lên tàu tiếp cứu thì thi thể của người xấu số sẽ bị vứt bỏ xuống biển.

Tôi nghĩ là không công bằng, tại sao tất cả mọi người trên tàu đã đến vùng đất tự do lại có một người bị bỏ rơi. Tôi nói với người thủy thủ nếu họ ném người nầy xuống biển thì tôi sẽ nhảy theo vì người nầy là người thân của tôi. Tôi sẽ ở lại trên tàu nầy và sẽ cùng chết với người thân, tôi từ chối lên tàu tiếp cứu.

Sau cùng thủy thủ đoàn đồng ý sẽ kéo tàu trong đó có tôi và thi thể người chết về bến.

Khi tàu cập bến bà con thân nhân của người chết thay vì cảm ơn tôi đã giúp đỡ đem người thân của họ về với gia đình, đã nói với chính quyền sở tại là tôi đã nói láo vì tôi với gia đình họ không quen biết gì nhau. Thêm vào đó họ đã kết tội tôi trong lúc kéo tàu tôi đã đánh cắp tháo gỡ đồ nữ trang của tử thi. Cũng may cho tôi, khi tàu cập bến trên người tôi chỉ có duy nhất một cái quần cụt để che thân nên tôi đã để cho họ lục soát tìm kiếm.

Sau 11 ngày đêm nằm dưới hầm tàu giữa đống xăng dầu, rác rến và đồ phóng uế của những người trên tàu, tôi đã bị sưng phổi, nhiễm trùng da và mắt. Hồng thập tự sau khi khám bệnh đã cách ly tôi với những thuyền nhân khác và sau đó đã chở tôi vào bệnh viện Tangjung Pinang để điều trị. Đó cũng là một cái may mắn cho tôi.

Chưa hết, tôi còn bị một nạn khác nữa. Người vượt biên cùng chuyến tàu đều tỏ ra khinh bỉ tôi vì tội gian lận, đi tàu mà không trả tiền cước phí, cái mà họ gọi là đi canh me. Sau một thời gian dài mất tự do vì sống trong sự cùm kẹp và áp bức, với bản tính thật thà và trung trực, tôi đã dần dần cải hóa được kẻ thù thành bạn. Tôi nghĩ chính nhờ họ là người đã mở cửa cho tôi được tháo củi sổ lồng, và cũng nhờ ơn trên đã cứu mạng dẫn dắt tôi đến được vùng đất tự do một cách an toàn mà tôi có thể ước mơ có một cuộc sống bình dị và thoải mái cho tôi và gia đình tương lai của tôi sau nầy.

Cuộc hành trình đi tìm tự do qua bản tường trình của
CHERYL HAWKINSON - 03/11/1980
(Hoàng Kế Văn phỏng dịch).

Sau cùng chúng tôi đã đến Indonesia cửa ngõ của tự do và của tình người, chiếc thuyền nhỏ bé dài 10.5 x 2.8 x1.8 m với đầu máy 27 HF (mã lực) đã vượt qua những thử thách giữa biển khơi và đã thành công, đem theo 101 người hành khách gồm : 51 đàn ông, 23 đàn bà và 27 trẻ em đến bến bờ tự do .

Chúng tôi gồm 60 người, thuộc 12 gia đình đã bí mật rời Vũng Tàu trên chiếc thuyền nhỏ nầy. Trên đường ra biển Đông chúng tôi đã giúp thêm 53 người khác bị bỏ rơi từ một chiếc thuyền khác trên một hòn đảo nhỏ đi tìm tự do. Do đó tổng cộng số hành khách trên tàu chúng tôi có tất cả 113 người .

Sau khi đi về hướng tây nam trong năm ngày giữa lúc sóng cao biển động, chúng tôi ra đến được hải phận quốc tế vào ngày 23/10/1980. Sau đó chúng tôi đi ngược lại 215o trực chỉ về hướng Idonesia. Từ ngày 23/10 đến 25/10 chúng tôi đã bị vùi dập vì mưa to sóng lớn, nhiều lúc chúng tôi nghĩ chiếc tàu chở khẳm người sẽ bị đắm. Trên đường đi chúng tôi thấy có tất cả 6 chiếc tàu buôn lớn nhưng không biết là quốc tịch nào, chúng tôi kêu gọi xin cứu vớt nhưng cũng vô ích. Trong khi theo đuổi những chiếc tàu buôn nầy, chúng tôi đã bị lạc đường và đến gần những hòn đảo hoang. Trên đường đi, tàu của chúng tôi bị trục trặc hư hỏng ba lần, mỗi lần như vậy chúng tôi đều nghĩ sẽ bị chết chìm ở giữa biển khơi. Nhưng cũng nhờ sự cố gắng và tài giỏi chuyên môn của tài công nên tàu đã chạy được và chúng tôi đã thoát qua được những cơn hiểm nguy.

Như đã dự tính theo kế hoạch, chúng tôi dự trữ đem theo lương thực, nước uống và thuốc men vừa đủ dùng cho 60 người trong khoảng thời gian ngắn. Nay phải chia xẻ cho một số hành khách đông gần gấp đôi nên số lương thực dự trữ cạn dần trong một thời gian ngắn. Chúng tôi đã phải nhịn đói trong suốt cả tuần lễ, nước uống thì mỗi người được chia đều 3 muổng canh mỗi ngày, tinh thần của các hành khách trên tàu đều bị căng thẳng.

Rời khỏi Vũng-Tàu được hai ngày, thì một thiếu phụ chuyển bụng và hài nhi đã chết hai giờ sau khi lọt lòng. Một người thanh niên khác vì tinh thần quá giao động, đã mất trí và nhảy xuống biển lúc nào không ai biết. Còn phần lớn những hành khách khác tinh thần cũng bị giao động nhưng nhờ sự ủng hộ và nâng đỡ tinh thần của các người đồng hành, nên những người nầy đã cam chịu, bình tĩnh trong suốt cuộc hành trình.

Trong lúc lạc đường giữa các đảo hoang, chúng tôi đã được các ngư dân Indonesia cho nước uống và chỉ đường vào đất liền.

Ngày 01/11/1980, tàu chúng tôi bị mắc kẹt vào bãi san hô và chân vịt của tàu cũng bị gãy, tài công cùng với một số hành khách đã nhảy xuống biển tìm cách đẩy tàu ra và thay lại chân vịt. Nhưng tất cả những sự cố gắng đều vô ích, lúc nầy chúng tôi chỉ cầu xin thượng đế và ơn trên giúp đỡ. Trong lúc tình trạng khẩn cấp, một số ngư dân địa phương đã mang lương thực và nước uống đến để tiếp cứu và đồng thời chở một số hành khách đến Kwal xin nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ.

Sau cùng tàu hải quân Indonesia đến giúp và đưa chúng tôi về trại tỵ nạn. Chúng tôi được tàu hải quân Indonesia vớt vào ngày 06/11/1980. Ba ngày sau khi được cứu vớt, chúng tôi, những người sống sót, đã được hồi phục lại sức khỏe sau một cuộc hành trình đầy gian khổ và hy sinh tính mạng để tìm tự do.

Chúng tôi thành thật biết ơn đến tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi thoát khỏi cái chết giữa biển khơi đến được Indonesia, cửa ngõ của tự do, bao gồm các ngư dân và chính quyền Kwai, Hội Hồng Thập Tự Quốc tế và các nhân viên trại tỵ nạn.

Cám ơn thượng đế.

Cám ơn đến tất cả những ân nhân đã giúp đỡ chúng tôi đến vùng đất tự do.

AIRAYA 06/11/1980 .

Người kể lại : Giáo sư HOÀNG KẾ VĂN .
Chiếc tàu số hiệu: SS 0244 IU.
Chủ tàu: DƯƠNG THẾ TÂM.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading