Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Trong lịch sử trường Quân Y, lần lượt đã có hơn mười vị chỉ huy trưởng. Riêng tôi, trong suốt sáu năm ở trường Quân Y từ 1964 đến 1970, tôi đã trải qua ba “triều đại” của các y sĩ trung tá Nguyễn Tuấn Phát, Trần Minh Tùng và Phạm Vận, trong đó, triều đại của bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát ngắn nhất. Tuy nhiên, lúc này hồi tưởng lại, vị chỉ huy trưởng này lại để lại cho tôi những kỷ niệm êm đềm nhất.
Tôi vào năm thứ nhất trường Quân Y cách nay nửa thế kỷ (1964) khi trung tá Nguyễn Tuấn Phát làm chỉ huy trưởng. Vị chỉ huy trưởng trước đó là bác sĩ Nguyễn Quang Huấn và trước nữa là bác sĩ Hòang Văn Đức. Bác sĩ Đức là người có công trong công cuộc xây dựng và đặt nền móng vững chãi cho trường Quân Y, nhưng ông phải rời chức vụ sau chính biến 1963. Vì thế, tôi không được gặp (đúng hơn là được thấy mặt) bác sĩ Đức. Tuy không “kiến kỳ hình”, nhưng tôi đã được “văn kỳ thanh” về bác sĩ Đức từ thời trung học, khi được đọc những bài khảo cứu văn nghệ của ông trên báo Chỉ Đạo.
Cho tới nay, tôi vẫn nhớ bài điểm sách cuốn Le Dernier des Justes từng được giải Goncourt năm 1959. Cuốn sách viết theo một chuyện truyền kỳ Do Thái là lúc nào trên đời cũng có một người số phận phải trải qua mọi lầm than nhưng vẫn sống một cách công chính để chứng minh với Thượng Đế là loài người xứng đáng để tồn tại. Tôi nhớ được là vì nội dung thê thảm của nó. Mới đây, được đọc bài viết về ông của bác sĩ Trần Văn Tích, cùng với chuyện đọc văn của ông, rõ ràng bác sĩ Hòang Văn Đức cũng là một vị chỉ huy trưởng đa tài. Tôi không được đọc thơ của ông dưới bút hiệu Hoàng Vân, nhưng văn là người, đọc văn ông, thấy ngay được ông là một cấp chỉ huy và một học giả nghiêm túc.
Cũng là một người đa tài, cũng văn là người, trái lại, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát, bút danh Anh Tuấn, tác giả cuốn “Một Vài Cảm Nghĩ Của Một Người Thày Thuốc”, lại là một người tính tình nghệ sĩ, cởi mở, hiền hậu. Ông cao lớn, bụng hơi to, đeo kính trắng, tướng tá nhanh nhẹn, nói năng họat bát, tiếp xúc đùa giỡn với sinh viên quân y ngay cả với cái lớp hồi đó cắc ké như tôi rất thân mật. Tuy ông chỉ làm chỉ huy trưởng của tôi có một năm, nhưng hình như ông là người chỉ huy trưởng duy nhất mà chúng tôi có thể nghe ông nói chuyện và hỏi han những chuyện vu vơ. Tôi nhớ lần nói chuyện lâu nhất là thời gian chúng tôi tập dợt diễn hành quốc khánh năm 1964.
Không hiểu vì lý do nào, hai vị tiểu đòan trưởng và phó của tiểu đòan sinh viên năm đó là các bác sĩ Đinh Đại Kha và Nguyễn An Hà cũng hiền như đất. Nhưng được cái trách nhiệm diễn hành được giao cho hệ thống tự chỉ huy mà người phụ trách lúc đó hình như là anh Trần Đức Tường nên quân y đi đứng diễn hành cũng không đến nỗi lèng xèng. Ngày Quốc Khánh, tuy diễn hành chỉ bắt đầu lúc 9 giờ sáng nhưng các đơn vị tham dự đã phải ra xếp hàng vào đội hình ở đường Bạch Đằng (?) từ lúc 4 giờ sáng. Trong khi đơn vị đứng cạnh trường quân y là trường Võ Bị Đà Lạt sinh viên lúc nào cũng ở thế nghiêm, hàng ngũ chỉnh tề, đội hình nghiêm chỉnh thì SVQY trong mấy giờ chờ đợi lại đứng ngồi la liệt trên đường phố. Tiếp liệu của trường Quân Y luôn đem đến tẩm bổ hết cam quit, bánh mì, nước ngọt lại thêm vitamin C nên đội hình xem ra cũng hơi mất trật tự. Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân khiến mấy năm sau quân y bị đưa ra phía sau.
Tuy vậy, diễn hành xong, trở về trường, vừa xuống xe GMC là chúng tôi đã được trung tá Phát đứng đón tận nơi và khen nức nở kèm thêm lại một màn cam, quit, nước ngọt. Giữa trưa nắng, dưới hàng hiên trường, ông đứng nói chuyện rất lâu. Nhân nói chuyện về kỷ luật, ông tâm sự “Hôm đó có anh sinh viên QY mặc quân phục đi trên đường phố Bonard, gặp một ông tướng “quên” không chào nên bị phạt 7 ngày. Cuối tuần anh ấy lên chào tôi trước khi lên Bộ TTM thọ phạt, tôi thấy tội nghiệp qúa tôi bớt xuống 3 ngày. Hôm sau tôi đi ăn phở, tôi nhớ đến anh ấy lại phải lái xe vào Bộ TTM lãnh anh ấy ra”.
Bác sĩ Phát làm chỉ huy trưởng được hơn một năm thì lên đại tá. Có lẽ vì ông đã “đụng plafond”, hết chỗ để đi (bác sĩ Vũ Ngọc Hòan hình như lúc đó cũng mới đại tá) nên rời chức vụ chỉ huy trưởng nhường chỗ cho bác sĩ Trần Minh Tùng (lúc đó mới thiếu tá). Tôi nghe nói sau này ông sang làm phụ tá Bộ Chỉ Huy Địa Phương Quân Nghĩa Quân. Vì ĐPQ/NQ làm gì có quân y riêng, tôi nghĩ ông chắc là người yêu binh nghiệp nên không giải ngũ, tiếp tục phục vụ quân đội trong một vị trí cố vấn nào đó, ngòai hệ thống quân y.
Tuy nhiên, mới đây, tôi được đọc trong website www.hocxa.com bài viết của thi sĩ Trần Tuấn Kiệt “Ngày Tết Nhớ Về Văn Nghệ Sĩ Trước 1975”. đăng ngày 23/2/2014, Trần Tuấn Kiệt viết đại tá Phát là nhân vật số 2 của Địa Phương Quân, có uy quyền thứ thiệt. Trần Tuấn Kiệt viết: ”bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát là đại tá Địa Phương Quân, tác giả nhiều thơ đăng trong tao đàn Bạch Nga và một tập sách giá trị “Cảm Nghĩ Của Một Người Thày Thuốc”. Ông rất thương tôi lúc tôi vào tuổi quân dịch. Ông lấy xe đưa tôi vào Bộ Tư Lệnh Địa Phương Quân. Không có tướng, chỉ có ông đại tá là lớn nhất. Ngòai viết văn làm thơ, chơi thân với Nguyễn Vỹ, trong Địa Phương Quân ông kết hợp được nhiều dân văn nghệ tài ba lừng lẫy nhất vào trong Ban Văn Nghệ do đại úy Tô Công Biên, một người tính tình nghệ sĩ và rộng lượng trông coi. Lúc đó có Du Tử Lê thường dắt ca sĩ lên Đài Phát Thanh Quân Đội, tôi thì viết chapeau (lời dẫn đầu). Tài tử có Phi Thòan Khả Năng, Thanh Việt, Lam Phương, Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo”
Sau đó, Trần Tuấn Kiệt cũng có một bài tương tự đăng trong www.canhnam.free.fr, tự nhận đại tá Phát cho anh làm lính trong đòan văn nghệ Địa Phương Quân và Du Tử Lê là một sĩ quan của đoàn.
Đặng Trần Huân cũng viết về ông: “Hồi sinh thời y sĩ đại tá Nguyễn Tuấn Phát, ông có viết những bài phiếm về y học trên vài tờ báo Sài Gòn. Ông cũng vẽ và làm thơ. Ông viết có duyên, ngòai đời ông rất vui vẻ, cởi mở, có cảm tình với anh chị em nghệ sĩ. Có lần có người viết bài này tặng sách ông đề nghị đề tặng “Tặng anh Nguyễn Tuấn Phát, người nghệ sĩ lạc đường vào y học”. Ông dãy nảy lên đáp” Đừng đề thế anh, chẳng gì nghề bác sĩ cũng nuôi sống mình, không nên bội bạc”. Khi xuất bản cuốn sách đầu tay và duy nhất “Một Vài Cảm Nghĩ Của Người Thày Thuốc” Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát được đón nhận với nhiều nồng nhiệt… Cuốn sách được tái bản vài tháng sau đó”.
Cuốn “Vài Cảm Nghĩ Của Người Thày Thuốc” tôi cũng có đọc qua. Đã lâu, tôi chỉ nhớ một bài viết trong cuốn sách viết về cái thú lên Đà Lạt ở trần đắp chăn bông. Tôi nhớ bài đó là vì tôi vốn …sợ lạnh. Lên Đà Lạt học quân sự tối nào tôi cũng phải mặc 2, 3 áo làm sao mà hưởng cái thú đó được. Tôi cũng biết ông ở thi đàn Bạch Nga do Nguyễn Vỹ sáng lập. Thi đàn này chủ yếu làm những bài thơ mà mỗi câu thơ hoặc 12 chữ hoặc chỉ có 2 chữ nhưng tôi không biết bác sĩ Phát có làm thơ theo thể thơ này không.
Đó là những gì tôi biết được về một ông chỉ huy trưởng của tôi, y sĩ trung tá Nguyễn Tuấn Phát, nhà viết phiếm luận bút danh Anh Tuấn, khám bệnh tư cho bệnh nhân nghèo ở Ngã Bảy, làm thơ cùng Nguyễn Vỹ, Minh Đức Hòai Trinh, họa sĩ tài tử, cựu chỉ huy trưởng trường Quân Y và … phụ tá tư lệnh Địa Phương Quân/ Nghĩa Quân. Sau 1975, ông bị đi tù và có lẽ đã chết trong tù. Những gì tôi biết về ông thật ít ỏi, nhưng ông là một trong những người ít ỏi mà tôi kính trọng.