Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập

Hoàng Dung là BS Hoàng Xuân Trường QYHD khóa 17. Ban Biên Tập xin chân thành cảm tạ tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH được đăng một số chương trong cuốn sách Cuộc Chiến Việt-Miên-Hoa 1979-1989 mà ông mới tái bản lần thứ hai. Chúng tôi dự định sẽ đăng mỗi tháng một chương trong cuốn sách.
Đây là một tài liệu hết sức quý báu vì chưa hề có tác giả nào nghiên cứu sâu sắc về một cuộc chiến mà rất ít người chú ý đến như Hoàng Dung. Cuộc chiến Việt-Miên-Hoa của thập niên 1980 được tác giả mệnh danh là Chiến Tranh Đông Dương III đã làm thay đổi hoàn toàn sự tương quan giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng và góp phần quan trọng vào thái độ ươn hèn của bộ máy cầm quyền Bắc Bộ Phủ đối với giặc phương Bắc.
Mọi thắc mắc và độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên lạc với tác giả qua điện thư:
hoangdung452000@yahoo.com



PHẦN THỨ BA


CUỘC CHIẾN ĐỢT II: (TRẬN CHIẾN TIÊU HAO)

CHƯƠNG 16 (tiếp theo):    
Cu¶c chi‰n ViŒt-Miên-Hoa 1979-1989 Hoàng Dung
 
˜ LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN TRUNG HOA:

Do sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Hoa sau hơn ba thập niên qua, Trung Hoa đã có khả năng phát triển và canh tân lực lượng hải quân của họ với một tốc độ đáng kể. Kỹ thuật đóng tàu của Trung Hoa cũng tiến bộ vượt bực. Ngoài những phi cơ, tàu chiến, hỏa tiễn, phi đạn tối tân mua của Nga Sô, Trung Hoa đã có thể tự chế tạo được phi cơ, chiến hạm, những tàu ngầm chạy bằng dầu cặn và tầu ngầm chạy bằng nguyên liệu nguyên tử.  Đồng thời, để có thể xây dựng một lực lượng hải quân viễn dương (blue navy), họ đã mua hai hàng không mẫu hạm cũ Varyag và Kuznetsov của Liên Xô về học tập, nghiên cứu để chế tạo hàng không mẫu hạm riêng cho họ.  Ngoài ra, hỏa tiễn tầm xa Đông Phong DF của họ đã trở nên một mối ưu tư cho những hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.   

Kể từ thập niên 1970 cho đến nay, số lượng tàu chiến của Trung Hoa đã gia tăng mạnh mẽ. Số tàu ngầm tăng từ 35 đến 200 chiếc (trong đó có 6 tàu ngầm nguyên tử, 3 tàu ngầm có khả năng phóng phi đạn từ dưới sâu), những pháo hạm phóng phi đạn từ 20 đến 200. Ngoài hơn 20 khu trục hạm cũ, họ còn mua hai khu trục hạm tối tân Sovremenny của Nga Sô….Cùng với những khu trục hạm, hải quân Trung Hoa còn có khoảng trên 50 tuần dương hạm, một số lớn tàu đổ bộ, những khinh tốc đỉnh phóng hỏa tiễn. Tất cả  được bố trí trong ba hạm đội:

- Hạm đội Bắc Hải: chịu  trách nhiệm vùng biển Bột Hải và Hoàng Hải, gần Bắc Hàn và Đại Hàn. Sóai hạm của hạm đội nầy là khu trục hạm Cáp Nhĩ Tân.

- Hạm đội Đông Hải:, có khu vực trách nhiệm là vùng Đông Hải (gồm Đài Loan, Nhật Bản). Soái hạm là tuần dương hạm J302 Sùng Minh Đảo.

- Hạm đội Nam Hải: Bộ tư lệnh hạm đội đặt tại Trạm Giang, Quảng Đông, chịu trách nhiệm vùng Đông Hải của Việt Nam. Sóai hạm là tuần dương hạm Nam Xương. Trong giai đoạn hiện nay, hạm đội Nam Hải được coi trọng nhất, được giành ưu tiên canh tân và phát triển. Trong tương lai gần, khi hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Hoa được hoàn thành, hậu cứ sẽ là quân cảng Tam Á tại phía nam đảo Hải Nam.

Hiện nay quân cảng này đang là một căn cứ tàu ngầm quan trọng, được coi như làm bàn đạp cho công cuộc bành trướng thế lực.

˜ LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN VIỆT NAM

Xét về tương quan lực lượng, số lượng tàu chiến Việt Nam còn thua xa hạm đội Nam Hải của Trung Hoa. Ngoài ra, những chiến hạm tối tân nhất, hỏa lực mạnh mẽ nhất của cả hai nước đều mua từ Liên Xô. Trừ ưu thế hàng không mẫu hạm (dự trù sẽ có) của Trung Hoa và hai khu trục hạm Sovremenny (Hàng Châu, Phúc Châu), những vũ khí lợi hại nhất của hải quân hai nước đều là tàu ngầm Kilo và phi cơ  Sukhoi 30 (4) mua từ Liên Xô (Việt Nam mới mua 6 tàu ngầm Kilo và 12 Sukhoi 30 với giá 2.4 tỷ Mỹ kim). Đặc điểm của hai loại vũ khí này gồm có:

- Máy bay Sukhoi 30 MK2, Trung Hoa đã có 24 chiếc, Việt Nam sẽ có 12 chiếc, là loại phi cơ đa năng, vừa dùng trong không chiến, vừa có thể oanh tạc chiến hạm. Máy bay có hệ thống làm rối loạn radar địch. Vận tốc tối đa của nó là  2120 km/giờ và tầm họat động là 3000 km. Máy bay được trang bị hỏa tiễn chống chiến hạm (hay chống mục tiêu trên mặt đất - không địa) Sk 31 hoặc Sk 59  với tầm họat động khoảng 100 km. Khi dùng trong không chiến, máy bay xử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt R-73. Vì cùng do Liên Xô chế tạo, phi cơ này có thể đã được Trung Hoa biến cải thêm, và Việt Nam cũng đã có thể nhờ Liên Xô hay Ấn Độ cải tiến vài chi tiết, nên những ưu khuyết điểm khác nhau không ai được biết. Vì mua sau đến 10 năm, máy bay Sukhoi của Việt Nam có thể đã được Nga Sô trang bị một số thiết bị điện tử hiện đại hơn. Ngoài ra, nếu tranh chấp xảy ra, sự thắng bại còn dựa vào những sáng kiến và khả năng của phi công. Máy bay Sukhoi 30 có thể bay lâu 4 giờ, nhưng vì Trung Hoa có kỹ thuật tiếp tế xăng trên không, máy bay của họ có thể bay trên trời liên tiếp 10 giờ.

- Tàu ngầm Kilo 636 là loại tàu ngầm chạy bằng dầu cặn diesel. Đặc điểm của tàu là chạy rất êm, khó phát hiện và có thể lặn suốt 45 ngày. Tàu có khả năng lặn đến độ sâu tối đa là 300 mét, đạt tốc độ tối đa 20,3 km mỗi giờ khi nổi và 37 km mỗi giờ khi lặn. Tầm hoạt động của Kilo đạt tới 12.000 km khi chạy có ống thông hơi ở tốc độ 13 km mỗi giờ hay 640 km nếu lặn sâu với tốc độ 5,5 km mỗi giờ. Tàu ngầm Kilo này có thể dùng để chống tàu ngầm hay chiến hạm của địch. Nó cũng là mối lo âu của những hàng không mẫu hạm.

Vũ khí chính của tàu ngầm Kilo 636 là 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm ở phía trước mũi tàu. Thông thường tàu có thể mang theo 18 ngư lôi bắn ra bởi 6  ống phóng ngư lôi (phi đạn bắn dưới nước) loại VA-111 Shkval có tầm bắn từ 7 đến 10 cây số và có vận tốc 370 km/giờ. Những ống phóng ngư lôi này có thể xử dụng để rải 24 trái thủy lôi (hay mìn đặt dưới nước). Vì mua trễ, tàu Kilo của Việt Nam đã được trang bị một loại vũ khí khác tối tân hơn có tên là phi đạn Novator Club-S (NATO gọi là SS-N-27 Sizzler) có thể dễ dàng tiêu diệt các tàu chiến khác ở khoảng cách lên tới 220 km bằng đầu nổ 450 kg của nó. Để phòng không, tàu Kilo 636 được trang bị bệ phóng tên lửa phòng không Strela-3 hoặc Igla. Tên lửa phòng không Strela-3 này (hay SA-N-8 Gremlin) có tầm xa nhất là 6 km. Sáu tàu ngầm Kilo sẽ thay thế hai tàu ngầm Yugo nhỏ mua của Bắc Hàn hơn mười năm trước và trả bằng gạo, dự trù dùng đến 2012 sẽ phế thải hay dùng vào việc huấn luyện.

Ngoài hai loại võ khí tối tân kể trên, hải quân Việt Nam còn có 5 hộ tống hạm loại nhỏ Petya dùng chống tàu ngầm (mang tên HQ 9, 11, 13, 15, 17) mua từ thời Liên Xô. Tàu chạy rất nhanh, khoảng 30 km/giờ. Tầm hoạt động tùy theo vận tốc nhanh hay chậm, từ 500 đến 4000 hải lý.  Để diệt tàu ngầm, tàu trang bị 4 dàn phóng phi đạn RBU 6000 và 5 ống phóng ngư lôi. Phi đạn RBU có tầm bắn từ 600 mét đến 4 cây số, bắn được tàu ngầm lặn sâu nhất là 1000 mét. 

Thời gian gần đây, Việt Nam mới mua thêm hai hộ tống hạm Gepart của Nga, tối tân hơn. Tàu này có vận tốc 23 hải lý (khoảng 40 km) một giờ và tầm họat động 5000 hải lý. Loại hộ tống hạm này được trang bị hệ thống phi đạn chống chiến hạm Uran-E có thể bắn 16 phi đạn cùng một lúc, nhằm chống lại hệ thống phi đạn phòng thủ của địch. Với tầm tác xạ từ 5 đến 100 km, hệ thống có thể nhắm bắn 6 mục tiêu cùng một lúc.  Ngoài ra, Gepart cũng trang bị ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm 533 ly và súng chống chiến hạm 630 M. Gepart còn có thể chuyên chở trên tàu một trực thăng cỡ nhỏ.  Để chống phi cơ địch, Gepart dùng hệ thống phòng không Palma. Hệ thống này gồm một trung tâm radar, và bắn máy bay địch trong tầm cao từ 500 đến 3000 mét bằng cả súng lẫn phi đạn phòng không. Hệ thống Palma có thể dùng những loại phi đạn điều khiển khác nhau và bắn sáu mục tiêu khác nhau trong cùng một lúc.

Ngoài những hộ tống hạm loại nhỏ nêu trên, Việt Nam còn có khoảng 20 khinh tốc đỉnh Tarantul bắn phi đạn chống tàu chiến và tàu ngầm. Những khinh tốc đỉnh này có lợi thế là chạy nhanh (32 hải lý hay gần 60 km/giờ). Nếu chạy 26 km/giờ, Tarantul có thể họat động trên biển 10 ngày và tầm họat động là 1650 hải lý. Tàu được trang bị phi đạn phòng không SA-N-5 và những phi đạn chống chiến hạm SS-N-22 (còn được gọi là Sunburn, có tầm họat động 250 km), hay SS-N-25 (tầm họat động 130 km), hoặc phi đạn cổ hơn SS-N-2 (tầm họat động 80 km). Một số tàu trang bị phi đạn chống tàu ngầm RBU 1200 và ống phóng ngư lôi 406 ly. Một số khinh tốc đỉnh cũ vẫn còn được dùng thuộc các loại Osa II (8 chiếc) chuyên phóng phi đạn, Turya (5 chiếc), Shershen (3 chiếc) dùng phóng thủy lôi và Svetlyak (2 chiếc, trang bị đại bác).

Trên đây là những chiến hạm và võ khí chính của hải quân Việt Nam. Trung Hoa cũng xử dụng những chiến hạm tương tự nhưng với số lượng nhiều hơn, một số chiến hạm tối tân hơn (như hộ tống hạm Sovremenny mà Việt Nam không có). Tuy nhiên, vì thiên về phòng thủ, Việt Nam có lợi thế là vùng duyên hải tương đối gần vùng biển tranh chấp hơn, và ngày 19/5/1009, Việt Nam đã mua được từ Nga Sô hai hệ thống phòng thủ bờ biển rất hiện đại K300P Bastion P gồm có những hỏa tiễn 3M55 Yakont (còn được gọi là hệ thống Hồng Ngọc) điều khiển bằng radar chống chiến hạm có tầm bắn xa 300 km. Đây là một hệ thống phòng ngự tối tân nhất và Nga Sô mới chỉ bán cho Việt Nam. Tân Hoa Xã, trong một bản tin có chiều hướng lo ngại, đã dự đoán hai hệ thống này (tầm bảo vệ dọc theo 600 km duyên hải) sẽ được bố trí dọc theo vùng IV Hải Quân, nơi có trách nhiệm về vùng biển Trường Sa.
 
Ngoài hệ thống Hồng Ngọc nêu trên và những hỏa tiễn Scud không chính xác lắm đối với các mục tiêu trên biển mua của Bắc Hàn nhiều năm trước, Việt Nam còn có những hệ thống hỏa tiễn phòng thủ di động:

- P5 Bazalt có những phi đạn SS-N-12 dùng chống lại những mục tiêu trên biển hay trên mặt đất có tầm hoạt động 550 km.

- Hệ thống Kh-41 Moskit gồm những phi đạn SS-N-22 tầm họat động 120 km.

Theo ký gỉả Korniol của báo The Straits Times ở Singapore, Việt Nam cũng đã đặt mua của Do Thái hệ thống phi đạn tầm ngắn EXTRA, có thể bắn đầu đạn 125 kg xa 150 km để phòng thủ duyên hải.

Ngoài các phi cơ, chiến hạm, hỏa tiễn quan trọng kể trên, hải quân Việt Nam còn có các tàu chuyên chở, vớt mìn, tiếp tế, sửa chữa, đổ bộ hoặc mua của Nga, hoặc tự đóng (do tổng công ty Vinashin), hoặc của hải quân VNCH để lại (Trần Khánh Dư - HQ 501). Việt Nam cũng mới ký hợp đồng mua của Canada 12 thủy phi cơ để dùng trong công tác trinh sát, chuyên chở, cấp cứu… Một số tàu khinh tốc Tarantul với sự trợ giúp của Nga được đóng tại Việt Nam. Việc phòng vệ duyên hải còn được các dàn radar mua của Thụy Điển, Ukraine… trợ giúp. Những phi cơ Mig 21, 23 cũ được Ấn Độ và Do Thái tân trang. Khi Nam Tư bị tách làm hai nước, Serbia trở nên không có biển, hải quân không có chỗ xử dụng, Việt Nam đã định mua lại ba tàu ngầm, nhưng Serbia đã bán trọn tất cả hạm đội cho Ai Cập.

Nằm trong Chiến Lược Biển, Việt Nam cũng cố gắng phát triển kỹ nghệ đóng tàu và tổng công ty đóng tàu Vinashin (5) với số vốn hàng tỷ Mỹ kim được chính quyền thành lập bao gồm nhiều công ty nhỏ dọc theo những tỉnh ven biển. Trong những năm đầu, công ty đã đóng được một số tàu vận tải cho nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Nhật.., và những tàu đánh cá, tàu tuần cho quốc nội. Nhờ nhân công khéo tay và cần cù, tiền công rẻ, có lúc Việt Nam đã được xếp hạng 5 trong những quốc gia đóng tàu trên thế giới.

Tiếc thay, cũng như tất cả những công ty quốc doanh khác, tệ nạn bè phái, tham nhũng, vô trách nhiệm đã làm tổng công ty mới thành lập đầy triển vọng mấy năm trước đây đã sụp đổ, chính phủ phải lãnh số nợ trên 4 tỷ Mỹ kim. Tổng giám đốc công ty Phạm Thanh Bình mất chức và bị truy tố. Sự thất bại của Vinashin thể hiện khuyết điểm của những công ty quốc doanh, làm tổn hại ngân quĩ và là một bước thụt lùi cho kỹ nghệ đóng tàu cũng như kế họach canh tân của hải quân Việt Nam.

˜ TỔ CHỨC HẢI QUÂN VIỆT NAM

Vùng biển Việt Nam được chia ra làm năm vùng hải quân:

-Vùng I, trách nhiệm vùng biển và các hải đảo trong vịnh Bắc Bộ từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Bộ tư lệnh đóng ở Hải Phòng.

-Vùng III, vùng biển miền Trung, trách nhiệm vùng biển và những hải đảo từ Quảng Bình đến Bình Định. Bộ tư lệnh đóng ở Đà Nẵng.

-Vùng IV, trách nhiệm vùng biển Nam và miền Trung từ Phú Yên đến bắc Bình Thuận, kể cả quần đảo Trường Sa và đảo Phú Quí. Bộ tư lệnh ở Cam Ranh.

-Vùng II: trách nhiệm bảo vệ vùng biển từ Bình Thuận tới Bạc Liêu kể cả đặc khu kinh tế DK trên thềm lục địa. Bộ tư lệnh đóng ở Đồng Nai (Vũng Tàu).

-Vùng V: quản lý vùng Nam của biển Đông và vịnh Thái Lan. Bộ tư lệnh đóng ở Phú Quốc.

Sau 1975, Hải quân Việt Nam tổ chức ra 2 hạm đội, Bạch Đằng và Hàm Tử, nhưng sau này đã giải tán, có lẽ để tập trung lực lượng và thống nhất chỉ huy khi xảy ra biến cố.  Những đơn vị hỏa tiễn di động phòng vệ duyên hải được đặt dưới sự chỉ huy của binh chủng “tên lửa pháo bờ biển”. Cùng với binh chủng “lính thủy đánh bộ” và “không quân hải quân”, binh chủng “tên lửa pháo bờ biển” được đặt dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh Hải Quân. Ngoài ra, quân chủng Hải Quân cũng có các công ty đóng tàu Hải Long (Hải Phòng), Hải Minh (hay X51, Sài Gòn), dùng để tu bổ, bảo trì, sửa chữa. Họ cũng đóng được những tàu tuần nhỏ, những tàu đánh cá dân sự cho Việt Nam và ngoại quốc.

˜ TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG QUÂN SỰ.

Trong hoàn cảnh hiện nay, một cuộc chiến qui mô Việt Nam - Trung Hoa gồm cả chiến tranh trên biển và trên đất liền sẽ khó xảy ra.

Thứ nhất, kinh nghiệm lịch sử (nhất là năm 1979) cho thấy Trung Hoa không chắc ăn khi phải chiến đấu trên đất liền dù với một địch thủ yếu kém hơn về nhân lực cũng như vũ khí.

Thứ hai, nếu trận chiến xảy ra không như ý, có thể kéo theo hậu quả khó lường, kể cả sự sụp đổ của chế độ. 

Thứ ba, vì mục tiêu của Trung Hoa là những tài nguyên và vị trí của những hải đảo, một trận chiến trên biển qui mô càng nhỏ càng có lợi cho chiến thuật “lấy thịt đè người” khi họ có thể dùng võ khí tối tân hơn, số lượng nhiều hơn.

Một cuộc đụng độ trên biển khác với một cuộc đụng độ trên đất liền do ưu thế của võ khí sẽ đóng một vai trò quan trọng. Vì thế, khi so sánh tương quan hỏa lực của hai lực lượng hải quân, Trung Quốc có một ưu thế vượt trội. Hơn nữa, những võ khí hiện đại mà Việt Nam sử dụng thì Trung Hoa cũng sử dụng mà lại có nhiều hơn, từng sử dụng lâu hơn và đã hiểu biết hết tính năng. Một thí dụ là ngày 9/7/2007, khi hải quân Trung Hoa nã súng bắn chìm một thuyền đánh cá của Việt Nam, gây thương vong cho nhiều ngư dân, hai tàu BPS-500 của hải quân Việt Nam đã chạy tới, nhưng vì yếu thế, chỉ đứng xa để “cưỡi ngựa xem hoa”, không dám gây chiến, và như thường lệ, để cho phát ngôn viên Lê Dũng giải quyết bằng phản kháng xuông.

Bị chèn ép quá mức, Việt Nam gần đây đã phải tăng cường lực lượng hải quân. Với sự gia tăng này, hải quân Trung Hoa bắt đầu có một số giới hạn, không còn được coi vùng biển Đông như cái “ao sau” của Trung Hoa để tự tung tự tác.  Nếu xảy ra một trận hải chiến qui mô với Việt Nam, Trung Hoa dĩ nhiên sẽ phải dựa vào ưu thế số lượng để chiến thắng nhanh.

Nhưng vùng biển dễ xảy ra tranh chấp nhất hiện nay là vùng biển Trường Sa, chỉ cách Cam Ranh 245 hải lý hay Nha Trang, Tân Sơn Nhất hơn 300 hải lý. Hải quân Việt Nam sẽ dễ dàng được sự yểm trợ của không quân. Trong khi đó, phi cơ của Trung Hoa từ đảo Hải Nam sẽ phải bay một thời gian lâu gấp hai. Nếu Trung Hoa xử dụng các chiến hạm tối tân như Sovremenny, các chiến hạm này có thể là mục tiêu cho những Mig 21, Sukhoi 27, Sukhoi 30MK2 … hay những thủy lôi, phi đạn của Kilo nằm phục kích đâu đó. Hàng không mẫu hạm của Trung Hoa một khi ra đời, cũng sẽ không có tác dụng nhiều trong một trận chiến giả định với Việt Nam, vì nó rất tốn kém và vì tượng trưng cho uy tín Đại Hán, Trung Hoa sẽ phải rất e dè nếu chẳng may bị tổn thất (một hàng không mẫu hạm đi đến đâu cũng cần tiền hô hậu ủng, phải được bảo vệ tứ phía bằng các hộ tống hạm, phi cơ, tàu ngầm và một hệ thống tiếp liệu).  Ngoài ra, tàu chiến Việt Nam cũng còn lợi thế là được yểm trợ trong vùng biển duyên hải bởi những giàn hỏa tiễn phòng vệ, nhất là giàn hỏa tiễn K300 P Bastion dọc theo bờ biển miền Trung…

Nhưng nếu không kể đến các ngạc nhiên bất ngờ nào đó, do sự thua thiệt về số lượng (dù chỉ riêng hạm đội Nam Hải đã hùng mạnh hơn hải quân Việt Nam rất nhiều, chắc chắn Trung Hoa sẽ tăng cường một số phi cơ, tàu chiến của hạm đội Bắc và Đông Hải), hải quân Việt Nam cũng chỉ có thể ở vị thế tự vệ, và không thể chịu đựng một chiến dịch trên biển lâu dài.

Ngoài ra, Trung Hoa lại được lợi thế là nắm sự chủ động. Sự tăng cường hải lực của Việt Nam mới đây chỉ có giá trị cho Trung Hoa biết là họ sẽ phải trả một cái giá nào đó (có thể rất đắt) khi chèn ép Việt Nam thái quá ở biển Đông.

Cuối cùng, lá bài quan trọng nhất mà Việt Nam có thể dùng trong trường hợp tối hậu và có lẽ đã khiến Trung Hoa dè dặt nhất là nếu bị dồn tới chân tường, chính quyền Việt Nam sẽ đành phải “chơi với Mỹ, dù mất đảng”, để cho Hoa Kỳ xử dụng hải cảng Cam Ranh. Sự có mặt của Hoa Kỳ ở Cam Ranh sẽ làm đứt xâu chuỗi ngọc trai và chận đứng kế họach viễn dương phòng vệ của Trung Hoa. 

˜ KẾT LUẬN

Trên đây là vài nét chính về tương quan lực lượng hải quân giữa hai nước Việt - Hoa và một số suy nghĩ chủ quan về những ưu khuyết điểm.

Tại biển Đông, việc đòi lại Hoàng Sa là một công cuộc khó khăn, có lẽ phải chờ một thời gian dài (lịch sử của bất cứ nước nào, nhất là Trung Hoa, luôn có những thời hưng thịnh và suy vi), nhưng việc bảo vệ vùng biển và quần đảo Trường Sa là một mục tiêu ưu tiên cấp thiết. Hiện nay, sức mạnh hải quân Việt Nam chỉ có thể đe dọa sẽ gây tổn hại ít nhiều về uy tín, về quân sự, về kinh tế cũng như về chính trị cho Trung Hoa và không hy vọng gì đạt được chiến thắng.

Sự canh tân lực lượng hải quân mới đây của Việt Nam là một yếu tố tích cực nhằm giảm bớt cường độ sách nhiễu của Trung Hoa, nhưng cũng chỉ là một yếu tố nhất thời. Ngoài ra, vấn đề dũng khí để chính quyền Cộng Sản Việt Nam có dám xử dụng vũ khí mới này để đối phó với nước Cộng Sản đàn anh hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Cho tới nay, vai trò chính để bảo vệ những hòn đảo còn giữ được và vùng biển phụ cận gần như phụ thuộc vào thế lực của Hoa Kỳ. Dù muốn dù không, Việt Nam cũng phải trực tiếp hay gián tiếp dựa vào Hoa Kỳ, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn còn ở trong tình trạng dè dặt. Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ dính líu vào tranh chấp biển Đông nếu Trung Hoa không va chạm đến quyền lợi của họ hay đe dọa đến những đồng minh thân thiết của họ là Nhật Bản, Đài Loan và Đại Hàn.

Hiện nay, với sức mạnh quân sự yếu hơn, để chấm dứt chiến thuật tầm ăn lá dâu của Trung Hoa, Việt Nam cần có một sức mạnh chính trị và ngoại giao mạnh mẽ.  Sức mạnh này chỉ có được khi chính quyền Việt Nam thay đổi tư duy để coi trọng nước hơn đảng mà từ bỏ cái chế độ lỗi thời cai trị bằng đàn áp, độc tài với dân, cầu cạnh với địch. Chỉ tới khi đó, Việt Nam mới có thể hòa nhập được vào trào lưu của thế giới, mới được Hoa Kỳ cũng như những cường quốc khác tích cực ủng hộ và như thế, mới giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và vùng biển Đông mới được thanh bình.. 
      
CHÚ THÍCH

         - (1) Điều 1 của Tuyên Bố của Trung Hoa ngày 4/9/58: Lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa rộng 12 hải lý.  Qui định này áp dụng cho tòan bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, bao gồm Trung Hoa đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hải đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hải đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (hòang Sa0, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về hải đảo của Trung Quốc (bản dịch của Trần Đông Đức trên Nam Úc Tuần Báo ngày 29/05/09). 

Phạm Văn Đồng nhanh chóng công nhận mười ngày sau.  

- (2) Theo Hồi Ký Trần Quỳnh, một tay chân của Lê Duẩn, năm 1974, sau khi chiếm Hoàng Sa, Trần Quỳnh, lúc đó là phó thủ tướng, theo Phạm Văn Đồng sang Trung Hoa xin viện trợ. Chu Ân Lai đã không tiếp phái đoàn theo giờ hẹn mà bắt chờ một giờ để xem đài truyền hình chiếu cảnh một cô gái Tàu ngâm thơ ca tụng chiến thắng Hoàng Sa. Dĩ nhiên, như thường lệ, Phạm Văn Đồng khi gặp Chu Ân Lai, vẫn “ngậm miệng ăn tiền.”

- (3) Tác giả chiến lược viễn dương phòng vệ là đô đốc Lưu Hoà Thanh (Liu Huaquing), tư lệnh hải quân Trung Quốc từ 1982 đến 1987.  Được Đặng Tiểu Bình rồi Giang Trạch Dân nâng đỡ, Lưu Hòa Thanh sau đó được thăng lên ủy viên bộ Chính Trị Trung Quốc kiêm phó chủ tịch quân ủy trung ương. Trong đời Lưu Hòa Thanh chỉ mong có ngày Trung Quốc chế tạo được hàng không mẫu hạm (ở Việt Nam gọi là “tàu sân bay”). Trong thuật ngữ hải quân, có được hàng không mẫu hạm là hải quân đã nâng cấp từ “green water” (cận duyên) lên “blue water” (viễn dương) có thể tạo áp lực sang những nước xa xôi khác.

- (4) Sukhoi 30 không phải là loại phi cơ tối tân nhất của Nga. Loại tối tân nhất là Shukhoi PAK FA, dùng đối đầu với F-35 của Hoa Kỳ.  Hiện Nga  mới chỉ bán Sukhoi PAK FA cho Ấn Độ.

- (5) Công ty quốc doanh Vinashin, thành lập năm 2006 do ngân sách quốc gia vay vốn, giao cho những cán bộ đảng viên quản lý kinh doanh, được ưu tiên chiếm hữu đất đai, bao gồm khoảng 200 “công ty con” từ Bắc xuống Nam, chủ yếu là đóng và sửa chữa tàu, nhưng đã mở rộng và kinh doanh đủ thứ, từ nuôi heo, đến buôn bán xe hơi, trồng cà phê, trồng dứa… Kết quả là mỗi công ty con tha hồ chia nhau đục khoét của công rồi chính quyền sẽ trả nợ. Một thí dụ là năm 2007, họ mua tàu Hoa Sen từ Ý để chạy tuyến đường Bắc Nam với giá 600 triệu Mỹ kim, chạy được đúng một năm thì hư hỏng. Có tin đồn tàu được mua do một lúc nổi hứng trong một bữa nhậu của những cán bộ lãnh đạo công ty. 







Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading