Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
map
Th‹ LŒ BÀu Cº  T°ng ThÓng tåi Hoa Kÿ
 
Lš Væn Quš
 
 

T hể lệ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hiện nay tương đối phức tạp và khó hiểu đối với những người không bỏ thời gian để tìm hiểu cặn kẽ. Có thể nói đây là một phương pháp tuyển chọn độc nhất vô nhị trên thế giới, có tính cách gián tiếp thông qua một bộ phận gọi là “Đại Cử Tri Đoàn” (Electoral College), khác với những phương thức thông thường như “phổ thông đầu phiếu,” tức toàn dân đi bầu chọn vị nguyên thủ quốc gia, hay “đại nghị,” tức đảng thắng cử trong quốc hội sẽ chọn người cầm quyền hành pháp trong quốc gia đó.

Sự hình thành của thể lệ tuyển chọn Tổng thống tại Hoa Kỳ hiện nay là kết quả của các cuộc tranh cãi trong Quốc Hội Hoa Kỳ trong suốt quá trình lập quốc từ kỳ tranh cử Tổng thống đầu tiên vào năm 1789 (George Washington) sau khi Hoa Kỳ giành được độc lập đối với Anh quốc cho đến nay. Vào thời kỳ đó, Hoa Kỳ mới chỉ có 13 Tiểu bang gọi là các thuộc địa cũ của Đế quốc Anh (tức 13 vạch đỏ trắng trên lá cờ Hoa Kỳ). Lúc đó có hai khuynh hướng chọn Tổng thống là phổ thông đầu phiếu hoặc chế độ đại nghị, tức để cho Quốc hội chọn nguyên thủ quốc gia.

Nếu phổ thông đầu phiếu thì các tiểu bang đông dân như Pennsylvania, Virginia, New York v.v… sẽ có lợi thế rất nhiều và các tiểu bang ít dân thì sợ rằng tiếng nói của họ sẽ không có tác động gì mấy đối với cuộc bầu cử. Còn nếu để cho Quốc hội chọn Tổng thống thì đa số các tiểu bang không muốn chính quyền Liên bang có quá nhiều quyền hạn.

Do đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua bản Hiến Pháp với điều khoản 2 trong đó xác định phương thức chọn Tổng thống sẽ thông qua hệ thống Đại Cử Tri Đoàn.

Đại Cử Tri Đoàn toàn quốc hiện nay là một bộ phận gồm 51 Đại Cử Tri Doàn của 50 tiểu bang và District of Columbia (D.C.). Nhân sự của Đại Cử Tri Đoàn toàn quốc được ấn định tương đương theo tổng số các vị dân cử liên bang, tức 435 dân biểu liên bang, 100 thượng nghị sĩ liên bang, và 3 đại cử tri của D.C., tổng cộng là 538 người. Ứng cử viên Tổng thống nào dành được 270 phiếu Đại Cử Tri sẽ đắc cử. Nếu không có ứng cử viên nào đạt đủ con số 270 phiếu Đại Cử Tri thì ch1ưc vụTổng thống sẽ do Hạ Viện chọn và Phó Tổng thống sẽ được Thượng viện bầu ra. Lần duy nhất điều này xảy ra là kỳ bầu cử năm 1876 Rutheford Hayes (Cộng Hòa) đã đắc cử Tổng thống do Hạ viện thuộc Cộng Hòa nắm đa số chọn mặc dù Samuel Tilden (Dân Chủ) đã chiếm đa số phổ thông đầu phiếu nhưng không đủ túc số Đại Cử Tri Đoàn.

Điểm đặc biệt của hệ thống Đại Cử Tri Đoàn là các đại cử tri của các tiểu bang (ngoại trừ Maine và Nebraska chúng tôi không muốn đi vào chi tiết vì không ảnh hưởng đến kết quả chung) đều phải “ký” giấy hứa bầu theo nguyện vọng của cử tri trong phạm vi tiểu bang của mình, tức bỏ phiếu theo đa số lá phiếu của người dân. Quan trọng hơn hết là ứng cử viên Tổng thống nào chiếm đa số phổ thông đầu phiếu trong phạm vi tiểu bang sẽ được tất cả số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó (winner-take-all).

Cũng đã có nhiều trường hợp đại cử tri thất hứa (157 vụ) và không bỏ phiếu theo kết quả của tiểu bang nhưng cho đến nay không có tác hại gì quan trọng đến kết quả chung cuộc. Lần bầu cử năm 1836 đã xảy ra trường hợp toàn bộ Đại cử tri tiểu bang Virginia 23 người đã thất hứa bỏ phiếu chống Phó Tổng thống Richard Mentor Johnson vì ứng cử viên này thú nhận đã có quan hệ tình dục với người nô lệ da đen tên là Julia làm cho Johson không đủ túc số. Tuy nhiên khi đưa qua Thượng viện thì Johson vẫn được bầu làm Phó Tổng thống.

Tùy theo luật lệ của từng tiểu bang, những đại cử tri thất hứa có thể bị truy tố ra tòa hay không.

Công việc tuyển chọn các đại cử tri thuộc quyền hạn của tiểu bang. Có nơi thì được các đảng địa phương đề cử và có nơi thì được cử tri bỏ phiếu chọn qua các cuộc bầu cử sơ bộ. Nói chung thì các đại cử tri phải là những công dân gương mẫu và không nắm một chức vụ dân cử hay thuộc bộ máy chính quyền nào cả.

Như vậy nói tóm lại thể lệ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ không tùy thuộc vào phổ thông đầu phiếu toàn quốc mà tùy thuộc vào số phiếu đại cử tri đoàn, đa số hiện nay là 270, với đặc điểm là ứng cử viên nào chiếm đa số lá phiếu của tiểu bang sẽ được hưởng trọn số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó.

Đã có nhiều lần một ứng cử viên chiếm đa số phổ thông đầu phiếu toàn quốc nhưng vẫn thất cử Tổng thống Hoa Kỳ vì không đủ túc số 270 đại cử tri. Lần gần đây nhất là cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, Al Gore đã thua George Bush (266/271 đại cử tri) mặc dù chiếm đa số phiếu cử tri toàn quốc.

Điều này đã khiến cho các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ mang sắc thái đặc biệt là các ứng cử viên luôn luôn tập trung chiến dịch vận động vào các tiểu bang gọi là “xôi đậu”, hay swing states mà quan trọng nhất là Ohio, Florida, Pennsyvalnia, Georgia, Virginia, North Carolina, Wisconsin, Michigan v.v… nói chung có khoảng một chục tiểu bang sẽ quyết định kết quả của các cuộc tranh cử Tổng thống.

Năm 1960, ứng cử viên Nixon đã mắc phải sai lầm chiến lược là đã tranh cử vận động trên toàn nước Mỹ và kết quả là đã thua ứng cử viên Kennedy vì không đủ tài chánh và nhân lực để làm chuyện đó.

Trải dài qua hơn 200 năm lịch sử về chính trị, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chừng như đã “đóng trụ” ở một số lớn các tiểu bang, chẳng hạn như các tiểu bang miền cực Tây như California, Washington, Oregon và các tiểu bang cực Đông như New York, Massachussets, Mariland… luôn luôn bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ. Ngược lại thì các tiểu bang miền Nam và miền Trung Hoa Kỳ thường là thủ phủ của đảng Cộng Hòa.

Do đó, trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra, các lá bài thường đã được chia ra cho ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa một số phiếu Đại cử tri nào đó, với lợi thế là phe Dân Chủ thường được nhiều hơn.

Kỳ tranh cử Tổng thống năm 2016, các nhà phân tích đều nhận định rằng ứng cử viên Hillary Clinton đã có sẵn 200 phiếu đại cử tri trong tay, còn ứng cử viên Donald Trump thì được 163. Phần còn lại là 175 sẽ được quyết định qua bản đồ sau đây (xem sơ đồ bên cột trái):

<https://www.270towin.com/maps/2016-election-toss-up-states>

Như vậy, nếu Donald Trump muốn có đủ túc số 270 (cần 107) thì bắt buộc phải thắng các tiểu bang sau đây:
1. Ohio 18. Chưa hề có một ứng cử viên Cộng Hòa nào đắc cử mà không có Ohio
2. Florida 29. Florida có quá nhiều phiếu nên hết sức quan trọng đối với Trump
3. Pennsylvania 20
4. Georgia 16
5. North Carolina 15
6. Virginia 13

Tổng cộng là 111 tức còn dư 4 phiếu đại cử tri. Trường hợp mất một trong 6 tiểu bang trên thì phải đổi lại bằng một hay nhiều tiểu bang xôi đậu khác cho đủ số 107 cần thiết. Chẳng hạn nếu mất Pennsylvania thì Trump phải thắng được Iowa (6) và Wisconsin (10). Nếu mất Virginia (13) thì phải thắng lại Colorado (9). Còn nếu mất hai trong số 6 tiểu bang trên thì… về vườn. Xin quý vị thử trên bản đồ theo link trên.

Theo các cuộc thăm dò sau kỳ Đại Hội của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thì Donald Trump thua toàn bộ và trong nhiều trường hợp thua rất xa trong tất cả các tiểu bang xôi đậu. Tuy nhiên hiện nay Donald Trump có vẻ như đã vượt lên trên Hillary Clinton tại hai tiểu bang Ohio và Iowa. Florida thì Trump chỉ thua sát nút (42.2/45.8) trong khoảng cách sai sót cho phép của thăm dò dư luận. Còn tại các tiểu bang xôi đậu khác thì khoảng cách đã được rút ngắn lại rất nhiều (trên dưới 5%).

Mặc dù vậy, vài ngày vừa qua ứng cử viên Donald Trump đã bị vấp ngã nghiêm trọng khi cuốn video do Acces Hollywood trưng ra cho thấy Donald Trump đã có những lời nói quá sức bất nhã đối với phụ nữ. Thậm chí một số đảng viên Cộng Hòa kỳ cựu đã tuyên bố yêu cầu Donald Trump rút ra khỏi cuộc đua, để cho ứng cử viên Phó tổng thống là Mike Pence tiếp tục cuộc tranh cử.

Một điều cần lưu ý là các cuộc thăm dò dư luận trên phạm vi toàn quốc thường không chính xác, trừ phi là khoảng cách giữa hai ứng cử viên quá xa (trên 10%). Các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc mới nhất cho thấy Hillary Clinton đạt 52.3% còn Donald Trump là 47.4%.

Đối với các cử tri gốc Việt thì có lẽ lá phiếu của họ không ảnh hưởng gì nhiều đối với cuộc bầu cử Tổng thống lần này thì đa số cộng đồng người Việt sinh sống tại hai tiểu bang California (truyền thống Dân Chủ) và Texas (thuộc Cộng Hòa).

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2016
Loading