Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Phạm Duy & Trịnh Công Sơn

Phạm Duy & Trịnh Công Sơn

 
NguyÍn Månh Ti‰n Thiên Tài Và Ô Nhøc
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
Tôi vốn mê âm nhạc từ khi còn rất trẻ. Trong thập niên 60, tuần nào tôi cũng say mê nghe những chương trình "Nhạc Yêu Cầu", cả nhạc Việt Nam lẫn ngoại quốc trên làn sóng điện của đài phát thanh Saigon. Thời ấy, nhạc Pháp thịnh hành ở Việt Nam, và những bản nhạc của các ca sĩ Pháp thượng thặng bấy giờ như Juliette Greco, Dalida, Gilbert Bécaud, Charles Aznavour... thường xuyên được phát trong những chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu. Ca sĩ Anh, Mỹ nổi danh thời ấy như Pat Boone, Johnny Mathis, Connie Francis, Brenda Lee, The Platters, Cliff Richard, Elvis Presley...cũng có nhiều bản nhạc được giới trẻ Việt ưa chuộng. Nhạc hòa tấu thì nổi tiếng nhất là The Shadows và The Ventures. Từ giữa thập niên 60, phong trào nhạc trẻ lên cao với các ca sĩ Pháp Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Adamo, Christophe, Claude Francois...

Chỉ một thời gian ngắn sau đó là cuộc cách mạng nhạc trẻ đến từ Hoa Kỳ và Anh quốc với Bob Dylan, The Beatles, The Searchers, The Animals, The Rolling Stones, The Beach Boys, Elton John, Simon and Garfunkel, Bread ...vv, dần dần chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ ngoại quốc ở Việt Nam, đẩy nhạc Pháp vào quên lãng. Vào thời kỳ đó, đài phát thanh và truyền hình của quân đội Hoa Kỳ đã góp phần rất lớn vào việc giới thiệu nhạc trẻ Anh Mỹ với giới trẻ Saigon. Lớn lên chút nữa, vào năm cuối trung học và thời học đại học, tôi tìm hiểu nhạc cổ điển Tây phương và say mê thế giới âm thanh kỳ ảo và phong phú của piano, violin, cello...vv qua những symphony, concerto, sonata của các nhà soạn nhạc lừng danh như Bach, Mozart, Beethoven, Schubert, Chopin, Dvorák, Tchaikovsky, Rachmaninoff...

Nhạc Việt Nam thì tôi nhớ thuộc lòng cả nhạc lẫn lời hầu hết các bản nhạc tiền chiến, và cùng một nhóm bạn cũng mê nhạc như tôi, sưu tầm và trao đổi những bản nhạc do các nhà xuất bản Tinh Hoa, Đại Nam... phát hành, và hễ có dịp là tụ tập ê a ca hát với nhau chơi. Được một người bà con cho một cây đàn mandoline cũ, tôi mầy mò tự học đàn và nhạc lý qua cuốn sách dậy nhạc của nhạc sĩ Lê Hoàng Long. Lớn lên tí nữa, tôi tự  “nâng cấp” lên đàn guitare, cũng toàn là tự học qua sách vở, thúc đẩy bởi lòng say mê âm nhạc.

Các nhạc sĩ sáng tác thời tiền chiến phải nói là hết sức đông đảo và đa dạng: Văn Cao, Lê Thương, Nguyễn Thiện Tơ, Tô Vũ, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Tý... Nhưng người nhạc sĩ đã ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự thưởng ngoạn nhạc Việt của tôi là nhạc sĩ Phạm Duy.

Phạm Duy là một thiên tài, và có thể nói không ngoa rằng trong giới nhạc sĩ Việt Nam ông là người sáng tác nhạc đa dạng nhất. Ông viết cả ngàn bản nhạc đủ thể loại, từ nhạc yêu nước đến nhạc hùng, nhạc tình, nhạc thiếu nhi, nhạc dân ca, kể thêm cả những bản nhạc "chính huấn" được chính quyền miền Nam "đặt" làm, mà hầu hết bài nào cũng đạt cả nhạc lẫn lời!

Nhạc Phạm Duy đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc trong tâm hồn của một đúa trẻ mới lớn là tôi trong thập niên 50, 60. Tình yêu nước được ông đưa lên đỉnh cao qua những câu thơ-nhạc tuyệt vời như: "Tôi yêu tiếng nước tôi...từ khi mới ra đời...Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời... Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi, thoát ngàn năm thành tiếng lòng tôi...Nước ơi!..." (Tình Ca). Tôi xót xa thương cho thân phận của những người nông dân Việt Nam nghèo khổ, đổ mồ hôi và nước mắt trên mảnh đất cằn cỗi qua lời ca của bản "Quê Nghèo" : "Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cách đồng cát dài, có luỹ tre còm tả tơi... Ruộng khô, có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cầy...".

Nhạc của ông cũng kích thích lòng yêu nước trong bọn trẻ thuộc nhóm mê nhạc của tôi, khi nghe ông vẽ lên hình ảnh oai hùng của những chiến sĩ lên đường đánh đuổi thực dân Pháp, dành lại độc lập cho quê hương : "...Ra biên khu trong một chiều sương âm u, âm thầm chen khói mù... Bao oan khiên đang về đây hú với gió, là hồn người Nam nhớ thù... Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn, muôn lời thiêng còn vang. Hồn quật cường còn mong đến phút chiến thắng, sầu hận đời lấp tan..." (Chiến Sĩ Vô Danh). Hay “Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến. Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành…Quân Việt Nam đi, hồn non nước xây thành… Đi là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng…”. Tưởng cũng cần nhắc lại rằng cảm hứng để cho ra đời những bản nhạc kể trên là cuộc kháng chiến chống Pháp sôi nổi và hào hùng vào thập niên 30, 40, bao gồm mọi thành phần dân tộc thuộc nhiều đảng phái, khuynh hướng kể cả rất nhiều người Quốc gia. Mãi đến sau này, Hồ Chí Minh và đảng CSVN mới dùng những thủ đoạn bất chính và tàn ác để cướp thành quả về cho phe đảng của mình, loại bỏ và đàn áp các đảng phái Quốc gia.

Trước ông, không nhạc sĩ nào nêu bật  được sự hy sinh cao cả mà gia đình của những kẻ vì nước ra đi chiến đấu phải gánh chịu :"Ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ, đùa trong nắng ngây thơ, đàn em hát líu lo ngoài ngõ. Nhưng mỗi khi, dưới mái nhà mênh mang, ngừng chơi nắm tay mẹ hỏi rằng, rằng cha chúng con đâu, về mua bánh cho con, mẹ ơi!..." (Nhớ Người Ra Đi). Mỗi lần nghe bài hát này, lòng tôi lại rưng rưng, thương cảm cho những bà mẹ, những thiếu phụ, những trẻ em có con, chồng, cha đã bỏ nhà, ra đi vì tổ quốc. Chữ "mênh mang" ông dùng thật tuyệt, nó nói lên được nỗi hiu quạnh của một gia đình mà người trụ cột đã đi xa, khiến căn nhà trở nên trống trải.
Những bài tình ca của Phạm Duy đối với tôi là những kỷ niệm đậm đà của tuổi mới lớn, mới biết yêu. Một thời từng yêu nhau, hai mái đầu xanh say sưa với Ngày Đó Chúng Mình: "Ngày đó, có em đi nhẹ vào đời...Và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối... Ngày đó có ta mơ dệt mộng ngời... Và se tơ kết tóc, giam em vào lòng thôi..."; hay âu yếm: "Dìu nhau đi trên phố vắng...Dìu nhau đi trong ánh sáng... Dắt dìu về chốn xa vời đời đời, dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu..." (Thương Tình Ca)

Đến khi không còn có thể tiếp tục mối tình được nữa, thì lòng quặn thắt khi nghe những lời ca của bản Nghìn Trùng Xa Cách: "...người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười... Nghìn trùng xa cách, đời đứt ngang rồi...Còn lời trăn trối, gửi đến cho người...Vài cánh xương hoa, nằm ép trong thư, rồi sẽ tan như bụi mờ. Vạt tóc nâu khô, còn chút thơm tho, thả gió bay đi mịt mù...".

Hồi đầu thập niên 70, mượn bài hát ""Đừng Xa Nhau", tôi đã gửi gấm tấm lòng của mình cho người yêu: "Đừng xa nhau nhé, đừng quên nhau nhé...Đừng chia nhau núi cao vực sâu... Đừng xa nhau,  đừng quên nhau, đừng dứt tiếng ngậm sầu! Đừng im hơi đắng cay rời nhau...Đừng đi mau, để mãi mãi là chiếc bóng đậm mầu, còn theo nhau tới muôn đời sau...". Và từ lúc tôi đàn guitare hát bản đó cho nàng nghe, đến nay đã ngoài 40 năm, chúng tôi vẫn "còn theo nhau", và chắc chắn là cho đến "muôn đời sau"!

Vào giữa thập niên 60, một loạt những nhạc sĩ trẻ xuất hiện với những dòng nhạc có âm hưởng cũng như ca từ mới mẻ: Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên...vv. Nhưng vượt trội lên trên tất cả là Trịnh Công Sơn. Những người trẻ ở miền Nam thật sự chới với khi lần đầu tiên được nghe những bài nhạc nói về thân phận phù du nhỏ nhoi của con người qua dòng nhạc lạ lùng của họ Trịnh: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi một mai vươn hình hài lớn dậy... Ôi cát bụi mệt nhoài... vết mực nào xóa bỏ không hay..." (Cát Bụi), hay "Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, năm qua tuổi mòn... Mẹ nhìn quê hương, nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn... Giọt lệ ăn năn đưa con về trần, tủi nhục chung thân... Một giòng sông trôi cuốn mãi về trời, bấp bênh phận người..." (Ca Dao Mẹ).

Cũng lạ lùng như thế, tình ca của TCS  mang những sắc thái, hình ảnh độc đáo chưa từng thấy trong những bản nhạc trước kia: "Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa. Một mai thức dậy, chợt hồn như ngất ngây, chợt buồn trong mắt nai. Rồi tình vui trong mắt, rồi tình mềm trong tay...Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu... Tình thắp cơn sầu, tình dìu qua hố sâu, tình vời lên núi cao... Rồi tình trong im tiếng... Rồi tình ngoài hư hao..." (Tình Sầu). Những người trẻ như bị thôi miên, cuốn hút vào những lời ca kỳ bí, đầy những ẩn dụ trừu tượng: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...Rồi một ngày, tình ta như núi rừng cúi đầu. Ôi tiếng buồn rơi đều, nhìn lại mình đời đã rong rêu..." (Tình Xa).

TCS cũng viết nhiều bản nhạc về chiến tranh, như những bản nhạc trong tuyển tập "Ca Khúc Da Vàng". Nhưng ngay từ đầu, tôi đã không thích những bản nhạc ấy, cũng như không ưa những bản nhạc phản chiến của Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng..., vì tôi thấy chúng có vẻ giả tạo, gượng ép sao đó, không khiến cho tôi xúc động. TCS cũng không công bằng khi phàn nàn về những khổ đau do cuộc chiến VN gây ra  mà  viết “hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng….”; “hàng vạn chuyến xe Claymore, lựu đạn…” (Đại Bác Ru Đêm), rõ ràng là nói đến quân đội VNCH, nhưng trong toàn bài hát không có một chữ nào về những tội ác khủng bố dân lành đầy rẫy của VC, kể cả vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế mà như mọi người Huế khác, TCS biết rất rõ.

Không biết TCS khi viết các bản nhạc phản chiến có cố ý tiếp tay cho Việt Cộng hay không, nhưng chắc chắn những ca khúc thể loại đó của ông, phổ biến tự do tại miền Nam, đã làm giảm thiểu tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH và làm lợi cho phe xâm lăng Cộng sản.

Trên phương diện nghệ thuật, đối với tôi hai nhạc sĩ PD và TCS là những thiên tài chói sáng, là hai khuôn mặt âm nhạc lớn, nếu không nói là lớn nhất, của nền âm nhạc Việt Nam, nổi trội lên trên mọi nhạc sĩ khác, cả về lượng lẫn về phẩm. Về mặt nghệ thuật thì thế, nhưng điều đáng buồn là về mặt con người, cả hai nhạc sĩ này đều là những người thiếu tư cách và liêm sỉ.

Phạm Duy là một con người rất đam mê sắc dục và ham chạy theo vật chất. Ông đã xác nhận là sở dĩ ông bỏ kháng chiến về thành hồi cuối thập niên 40 là vì cực khổ quá chịu không nổi, chứ không phải là vì nhận ra bộ mặt thật của Cộng sản. Ông đã công khai tuyên bố: "Tôi không chống Cộng, chỉ chống gậy thôi". Rất nhiều người còn nhớ những scandals về tình ái của ông trong thập niên 60, 70. Ông lẹo tẹo với chị dâu là KN,  và khi bị bắt quả tang đang du dương với nhau ở quận Nhà Bè, ông chống chế là chỉ đưa chị dâu sang đấy để ăn chè thôi (từ đó dân Saigon gọi hành động ngoại tình bằng cụm chữ "đi ăn chè ở Nhà Bè"!). Một thời cả thành phố Saigon đồn ầm lên rằng ông ngủ cả với con dâu. Dường như trong con người của PD không hề có luân lý. Ông sống buông thả, hoàn toàn để bản năng tính dục chi phối, đưa đến những hành động loạn luân không thể chấp nhận.

Nhưng tệ hơn nữa là sau hơn 20 năm sống lưu vong ở Hoa Kỳ, ông bắt đầu tiếp xúc xin xỏ để CSVN cho phép về nước, và đến năm 2001 thì về VN sống. Theo những người thân cận với gia đình PD cho biết thì lý do PD về VN là vì kinh tế, sau khi lũ con ông đã về ở hẳn VN vì không còn kiếm ăn được nơi xứ Mỹ. Tưởng cũng nên ghi nhận một điểm son nhỏ là Phạm Duy vẫn còn chút đỉnh liêm sỉ ở chỗ không hề tuyên bố hay sáng tác bản nhạc nào ca tụng CS hay bọn lãnh tụ CSVN.

Trịnh Công Sơn là một con người phóng đãng ngay từ khi còn trẻ, rất mê uống rượu mạnh và uống nhiều mỗi ngày (sau này ông chết vì chai gan, hậu quả của rượu). TCS tự nhận mình là người trốn lính chuyên nghiệp, mà vẫn thong dong đi lại, ca hát do nhờ vào sự che chở của nhiều nhân vật cao cấp của VNCH mến tài ông như Đại tá Không Quân Lưu Kim Cương (khi ĐT Cương tử trận năm 1968, TCS đã viết bản nhạc tưởng nhớ bất hủ "Cho Một Người Nằm Xuống").

Khi CS chiếm Saigon ngày 30/4/1975, TCS đã lên đài phát thanh hát bài Nối Vòng Tay Lớn để "mừng Cách Mạng thành công". Ông giao du thân mật, thường xuyên ăn nhậu với bọn cán bộ CS nằm vùng khét tiếng khát máu như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân... Ông  hãnh diện vì được "anh Sáu Dân" tức cựu Thủ tuớng CS Võ Văn Kiệt sủng ái. Ông viết những bài hát phục vụ chính sách của chế độ mới như "Em ở nông trường, em ra biên giới", "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui". Để tưởng thưởng công lao của ông, nhà nước CSVN cho ông đi tham quan bên Liên Xô vào khoảng đầu thập niên 1980. khi trở về ông viết bản "Ánh sáng Mạc Tư Khoa" ca tụng sự “giàu đẹp văn minh” của quốc gia lãnh đạo khối Cộng Sản quốc tế.

Trong cuốn "Trịnh Công Sơn, có một thời như thế", Nguyễn Đắc Xuân đã trích lại nhiều điều do chính Trịnh Công Sơn viết xuống, trong đó ông ta đã muối mặt bôi bác chế độ VNCH qua đoạn văn sau đây: "... Sống trong tình trạng bấp bênh như thế tôi vẫn phải làm việc không ngừng để sống. Tôi vẫn viết đều tay và vẫn tiếp tục đi hát. Những ca khúc của tôi được in ra từng tờ rời và từng tuyển tập. Phụ trách công việc in ấn và phát hành đã có người em ruột của tôi, cũng cùng trốn lính, chăm lo. Việc in ấn càng lúc càng khó khăn, nhất là sau khi có lệnh tịch thu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của tôi. Cảnh sát lúc bấy giờ được lệnh vào tận các nhà in để truy lùng. Thế là phải đổi kế hoạch. Thay vì in trong một nhà in, nay phải rải ra trong ba bốn nhà in khác nhau. Tịch thu nơi này còn nơi khác, và dĩ nhiên, chuyện đi đứng không phải dễ dàng. Đi từ một nhà in ở vùng SàiGòn đến một nhà in ở vùng Chợ Lớn phải qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi..." (Những dòng chữ tôi gạch dưới là để nêu lên những dối trá của TCS).

Là một thanh niên sống tại Saigon thời ấy, tôi chứng kiến sách nhạc của TCS, các băng cassette nhạc của TCS do Khánh Ly hát được bán đầy rẫy trong mọi tiệm sách, vào quán cà phê nào cũng nghe đầy tai những bản nhạc đó, làm gì có chuyện chính quyền miền Nam cấm hay tịch thu nhạc Trịnh? TCS còn trơ tráo bịa chuyện đi từ Saigon vào Chợ Lớn "...phải đi qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi..."! Dân Saigon như tôi nghe qua là biết ngay là chuyện phịa! Ở Saigon thời đó người ta đi lại hoàn toàn tự do. Đi ngoài đường thì lâu lâu mới có bữa gặp Cảnh sát chặn xét giấy tờ, chứ làm gì có "biết bao nhiêu trạm xét hỏi" như ông mô tả! Và nếu có lắm nơi chận xét giấy tờ như vậy thì người em trốn lính của TCS, “phụ trách công việc in ấn và phát hành” nhạc của ông làm sao có thể tránh khỏi bị tóm? TCS cường điệu ra như thế để tâng công và lấy điểm với chế độ mới, ra điều mình cũng vì "phục vụ Cách mạng" mà phải trải qua nguy hiểm! Viết ra những điều bịa đặt dối trá trắng trợn như vậy, với tôi TCS là một con người vô liêm sỉ và thiếu lương thiện.

Cho nên, mặc dù tôi rất hâm mộ những tác phẩm bất hủ của hai nhạc sĩ PD và TCS, nhưng đồng thời tôi cũng rất bất mãn và khinh bỉ những hành động ô nhục hèn hạ vào lúc cuối đời của cả hai. Thật đáng tiếc là tôi đã không thể giữ được sự kính trọng đáng lẽ phải có đối với hai nhạc sĩ tài ba này.
Vì những hành động thiếu đúng đắn đó, rất nhiều người Việt ở hải ngoại ghét người, đâm ghét lây cả nhạc, nhất định không thèm nghe, không thèm chơi nhạc của PD và TCS nữa, theo kiểu "Yêu ai yêu cả đường đi - Ghét ai ghét cả tông ti họ hàng"! Mấy năm trước đã rộ lên phong trào tẩy chay không hát nhạc Trịnh trong những buổi trình diễn của cộng đồng. Những người chủ trương cứng rắn như vậy muốn cộng đồng người Việt hải ngoại phải giữ lập trường vững chắc, giữ nguyên tắc rõ ràng, tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ. 

Đó là về mặt công cộng, có những tiêu chuẩn đạo đức mà cộng đồng người Việt hải ngoại cần phải duy trì để tránh tình trạng nhập nhằng và sự lợi dụng của Cộng sản. Còn về mặt cá nhân, chỉ tôi với riêng tôi, thì tôi quan niệm rằng một tác phẩm nghệ thuật, nhất là văn, thơ và nhạc, một khi đã tung ra cho công chúng thưởng thức thì về phương diện tinh thần, chúng không còn là sở hữu riêng của người nghệ sĩ sáng tác nữa, mà đã trở thành của cải chung của xã hội, được lưu trữ trong văn khố chung của cả cuộc đời. Với nhiều người, những tác phẩm đó đã trở thành những kỷ niệm riêng, gắn bó chặt chẽ với từng người thưởng ngoạn. Riêng với cá nhân tôi, những bản nhạc tuyệt vời của PD và TCS mà tôi yêu mến từ thời còn trẻ đã gắn liền với những rung động mãnh liệt, những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, và do đó đã trở thành sở hữu của riêng tôi mà không ai có thể lấy đi được.

Ở nơi riêng tư, tôi vẫn nghe, vẫn hát các bản Tình Ca, Quê Nghèo, Cát Bụi…vv bởi vì chúng là của tôi, là những chất liệu quá khứ đã giúp tạo nên con người của tôi ngày hôm nay. Người nhạc sĩ viết ra những bản nhạc đó đối với tôi giờ đây hoàn toàn không quan trọng, và hầu như chẳng còn liên quan gì đến những bản nhạc đó nữa!

Nguyễn Mạnh Tiến
Loading