Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
Sông Nile nhìn từ khách sạn tại Cairo

Sông Nile nhìn từ khách sạn tại Cairo

Dưới chân Kim Tự Tháp

Dưới chân Kim Tự Tháp

Cưỡi lạc đà trên sa mạc Ai Cập

Cưỡi lạc đà trên sa mạc Ai Cập

Wat Phra Keo (Bangkok)

Wat Phra Keo (Bangkok)

Nhà Hàng Nổi (Floating Restaurant) tại Hồng Kông

Nhà Hàng Nổi (Floating Restaurant) tại Hồng Kông

Meiji Shinto Shrine với cổng Torii Gate tại Tokyo

Meiji Shinto Shrine với cổng Torii Gate tại Tokyo

"Gươm lạc giữa rừng hoa"

Double Bridge (Cầu Đôi) bên cạnh Imperial Palace tại Tokyo

Double Bridge (Cầu Đôi) bên cạnh Imperial Palace tại Tokyo

KoleKole Pass (Hawaii)

KoleKole Pass (Hawaii)

USS Arizona Memorial, Pearl Harbor

USS Arizona Memorial, Pearl Harbor

 
NguyÍn DÜÖng Vòng Quanh Th‰ Gi§i Trong 19 Ngày



N. còn nhớ mãi khi đi trước Chợ Bến Thành Sài gòn vào thời 1960 gì đó có thấy bảng quảng cáo mua vé Xổ số Kiến Thiết Quốc Gia để được đi vòng quanh thế giới mà chỉ tốn có 10 đồng thôi. Lời ca hát do quái kiệt Trần Văn Trạch hát:”Xổ số Kiến Thiết Quốc Gia chỉ 10 đồng thôi giàu sang mấy hồi” vẫn còn văng vẳng trong tai N.. Sau đó N. được xem phim Vòng Quanh Thế Giới trong vòng 80 ngày dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn hào Jules Verne viết năm 1873. Trong cuốn phim đó có tài tử lùn và diễu là Cantinfals đóng chung với David Niven. Lẽ dĩ nhiên chuyện đi vòng quanh thế giới lúc đó chỉ là một mơ mộng hão huyền của N. Sang đến Hoa kỳ năm 1989 N. nảy ra ý định muốn đi vòng quanh thế giới để xem ra sao.

Sở dĩ N. có khả năng làm chuyến du lịch đó là vì sau khi đóng quân ở Tây Đức trên bốn năm N. có nhiều cơ hội đi lại xuyên qua Đại Tây Dương rất nhiều lần nên N. đã thu nhập được rất nhiều mileage. Lúc đó mới có chương trình Frequent Flyer của các hãng máy bay để họ tranh nhau giữ hành khách nên hãng TWA (TransWorld Airlines) có màn độc đáo là để promotion hãng TWA nhiều khi cho gấp ba số miles bay. Chả mấy lúc N. có tổng cộng trên 200.000 dậm mà lúc đó TWA rêu rao là cho đi free vòng quanh thế giới nếu có đủ 200.000 dậm. N. chụp ngay cơ hội đó và chuyến đi du lịch bắt đầu. Đó là chưa kể với số mileage đó hãng TWA lại còn cho phối ngẫu đi theo free luôn. Hơn nữa lại được đi 1st Class (chứ không như chương trình Frequent Flyer hiện nay muốn đi free theo mileage thì không những phải đặt trước cả mấy tháng mà lại còn chỉ được cho những chổ ngồi chật hẹp không tốt). Thảo nào sau đó hãng TWA bị phá sản năm 2001! Sorry!

Hãng TWA cho đi từ Washington, D.C. cho tới Cairo, Ai Cập, sau đó thì bay với hãng JAL (Japan Air Lines) đi từ Ai Cập qua Bangkok (Thái lan), Hồng Kông, Tokyo (Nhật bản) rồi bay trở về Hoa kỳ qua Honolulu (Hawaii) bằng TWA. Tất cả các chuyến bay đều được ngồi 1st Class.

CAIRO (EGYPT)

N. cùng bà xã tới Ai Cập sau một chặng đường khá dài từ Hoa Thịnh Đốn ghé qua Nữu Ước và Paris. Chuyến đi khá mệt mỏi nhưng nhờ vì ngồi 1st Class nên được săn sóc rất chu đáo.

Tới Cairo, N. lấy taxi về khách sạn Mariott tọa lạc ngay cạnh sông Nile. N. không quên lời căn dặn của Tour Guide là không nên đặt hết lòng tin (trust) vào dân Ả rập địa phương như muốn thuê (như taxi chẳng hạn) thì không nên trực tiếp thuê mà chỉ nên thuê qua một trạm du lịch. Và nhớ viết tên người tài xế xe taxi và bảng số xe để khi cần trình báo cho cảnh sát. Đi đâu cũng vậy phải mà cả giá trước khi đi chứ không sẽ bị gạt!

Vì chỉ ở Cairo có đúng hai ngày tròn (không kể ngày tới và ngày đi) nên sáng hôm sau tuy rằng bị jet lag mắt nhắm mắt mở nhưng N. vẫn phải mướn taxi đi xem Kim Tự Tháp Giza chỉ cách xa khách sạn độ tám dậm mà thôi. Thế là N. và bà xã có dịp trở thành Lawrence of Arabia cưỡi lạc đà, đội khăn choàng đầu kiểu Bedouin! Tuy rằng lúc đó trời nóng chang chang nhưng N. không thể bỏ qua dịp leo vào trong Kim Tự Tháp, đi vào một hàng lang chật hẹp và ẩm thấp (có dây đèn điện dẫn dắt để khách du lịch mò mẩm đi theo vào) để xem nơi an nghỉ cuối cùng của vua Ai Cập Pharaoh. Kim Tự Tháp Giza được xây bằng những cục đá lớn cỡ một thước tây trên một thước tây (1mx1m). N. chạnh nghĩ tới các dân nô lệ thuở đó phải ì ạch cong lưng kéo vác các cục đá đó dưới mặt trời nóng bỏng lại bị roi vọt sẵn đó bởi các lính gác. N. cũng nghĩ tới nền văn hóa văn minh của Ai Cập lúc đó: chưa có máy móc tối tân gì mà đã thực hiện một công trình vĩ đại là xây dựng được các Kim Tự Tháp đó. Thảo nào Kim Tư Tháp Ai Cập được cho là một trong bảy kỳ quan của Thế Giới cổ xưa (Seven Wonders of the Ancient World- Kim Tự Tháp Giza là kỳ quan duy nhất còn sót lại, sáu kỳ quan kia đều mệnh một bị phá vỡ mất tích hết).

Xem xong trên đường về, lẽ dĩ nhiên chú tài xế taxi đó “tự nhiên” “phải” ghé một trạm bán hàng kỷ niệm và N. “được” chú ý bởi một đám đông người Ả Rập bán hàng bu chung quanh mời mọc N. mua đồ của họ. Thế là N. đành phải có màn trả giá để mua một khăn quấn đầu Bedouin và một áo dài Ả rập (jallabyaa).

Tối hôm đó N. kiếm chỗ đi ăn chim bồ câu quay như trong sách tour guide dặn ở tiệm Casino des Pigeons (nghe khá hấp dẫn!) ở ngoài trung tâm Cairo và cạnh sông Nile. Chim bồ câu ở đó chả có gì đặc sắc cả: “chim” thì bé lại khô và không có mùi vị gì cả nên không thể nào so sánh được với bồ câu quay ở tiệm Diamond ở trong Chợ lớn mà N. có được thưởng thức lúc xưa kia.

Sáng ngày hôm sau khi bừng tỉnh mắt dậy N. ngó qua cửa sổ khách sạn ngắm dòng sông Nile thì thấy nước cũng đục và dơ với nhóm bèo nổi như ở sông Sài Gòn. Sau đó N. đi bộ xuống đường xem cảnh thành phố Cairo. Đường phố ồn ào náo nhiệt xen kẽ với lời kêu gọi cầu nguyện văng vẳng từ các minarets của các mosques cạnh đó. N. cũng ghé nhanh vòng ngoài một mosque vì cảm thấy làm sao đó nên không ở lâu ngắm kỹ được. Cảnh ngoài đường cũng giống như ở Sài gòn: người người tấp nập, ăn mày nghèo đói, bụi rác v.v…

Chiều hôm đó sau khi dưỡng sức cạnh hồ bơi của khách sạn (khách sạn Mariott downtown khá tốt). N. đi ăn trong khách sạn vì có màn biểu diễn múa bụng (belly dancing). Bà vũ nữ này hơi mập nhưng vẫn uốn éo rất điệu nghệ (thảo nào các sultan trong harem thích màn múa bụng). Bà ta ăn mặc khá kín đáo: chỉ hở có bụng rốn mà thôi. Xứ Hồi Giáo mà! (đó vẫn còn khá chứ mà ở Tehran/Iran hay Saudi Arabia thì các mullahs đã cho gậy đập và roi quật dã man dễ như chơi).
Ma’a Salama (Peace be with You hay Good bye)

BANGKOK (THÁI LAN)

Ngày hôm sau N. bước lên máy bay Boeing 747 của JAL vì TWA không có đường bay chặng tiếp. Được ngồi 1st Class của JAL là nhất rồi, N. và bà xã được các nữ tiếp viên phi hành người Nhật chăm sóc rất chu đáo (ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật mà!), ngoài vụ ăn uống sang trọng rượu sake thả cửa hành khách lại được tặng một bộ kimono để mặc choàng trên máy bay.

Từ Cairo máy bay ngưng tạm ở phi trường Riyadh (thủ đô của Saudi Arabia), ở đó họ không cho rời máy bay xuống phi trường mà phải ngồi chờ trong máy bay. Có lẽ vì phong tục ở đó rất nghiêm ngặt họ sợ hành khách ăn mặc hở hang, nên chỉ được ngó qua cửa sổ máy bay: N. trông thấy phi trường là nhiều tòa nhà kiến trúc như là dẫy lều tối tân nhưng với hơi nóng bốc lên ở bãi cát chung quanh.
Sau đó máy bay JAL ngưng ở phi trường Abu Dubai. Trạm này họ cho xuống phi trường có gắn máy lạnh. Đi dạo các chỗ công cộng thì N. thấy có cái lạ là có một phòng riêng có trải thảm để người Hồi Giáo quỳ lạy hướng về Mecca.

Sau khi đổ xăng xong, máy bay bay tới Bangkok, Thái Lan. N. ở khách sạn Montien rất sang trọng (khách sạn Thái Lan rất nổi tiếng nhất nhì trên thế giới) có đượm mùi Á Châu với nhánh hoa lan để trên gối bông. Tiếp viên khách sạn hay ở nhà hàng rất lịch sự chắp tay cúi đầu săn sóc khách rất chu đáo. Tối hôm đó N. đi ăn ở một nhà hàng nổi tiếng TUM NAK THAI có các cô hầu bàn đi bánh “patin”  nhanh nhẹn đem đồ ăn lướt qua các bàn mà không vãi đổ tung tóe gì cả. Nhà hàng đó còn có nhiều khu trình diễn văn nghệ, múa hát Thái Lan xem cũng được.

Đường phố Thái thì hay bị kẹt xe với bụi bậm, đi xe Tuk Tuk (một loại xe như xe Lambretta ba bánh ở Sài gòn) thì khá rẻ. Tiệm ăn bên lề đường thì đầy rẫy: nào là đủ thứ thịt nướng bốc mùi thơm hợp khí mũi hấp dẫn cộng thêm với quầy hoa quả bánh trái trong lồng kiếng đá lạnh. Các góc đường thì thường có một bàn thờ với hình của vua Thái Lan hiện tại.

N. có đi xem một vài chùa chiền gọi là Wat: chùa Wat Po có một tương Phật nằm lớn màu vàng (lát vàng?) và ghé thăm lâu đài của vua Thái Lan. Các chùa Thái Lan có một kiến trúc đặc biệt với góc mái cong nhọn hoắt (như các ngón tay gắn móng tay nhọn hoắt của các vũ nữ Thái xưa) và có các tượng giống như Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký lúc trước (Wat Phra Keo).

HỒNG KÔNG (Hương Cảng)

Ở Thái Lan ba ngày sau thì N. đáp JAL đi Hương Cảng. Khách sạn ở Hồng Kông thì chật chội lại khá mắc. Vì Hồng Kông là một thành phố tân thời (không có nét cổ kính) nên đường phố khô khan không lấy gì mà mỹ lệ cả (picturesque). Dân chúng vì là dân Tàu nên ăn mặc khá giống … Tàu như khuy áo xường xám kiểu Tàu, đàn ông mặc maillot áo thung hở nách cầm quạt phe phẩy rất tự nhiên ở ngay ngoài đường (dân Việt Nam cũng bị lây như vậy).

N. đi theo một Tour gọi là Tour Hong Kong Island, họ cho ghé xem Victoria Peak để ngắm quang cảnh Hồng Kông ở trên cao, rồi họ cho ghé xem vườn “Dầu Con Cọp Nhị Thiên Đường?” (Tiger Balm Garden) rẻ tiền với các tượng thú bằng đá tạc các con sư tử, cọp, lân v.v…rất thô sơ. Tour cũng ghé hai bãi biển Repulse Bay và Deep Water Bay nhung nhúc đầy dân tắm biển nhi nhô sô bồ. Cuối cùng thì họ cho đứng tại Lok Ma Chan ở gần biên giới Trung Cộng để ngắm lén qua Bức Màn Tre (Bamboo Curtain) một thành phố Tàu Cộng: chả có gì là lạ cả, chỉ là một thành phố với những cao ốc tầm thường.

Đường phố Hồng Kông có rất nhiều quán ăn nhưng vì N. không biết tiếng Tàu lại không có người địa phương chỉ dẫn nên khi N. đánh bạo vào nếm ăn thì cũng chả lấy gì làm ngon lắm: chim bồ câu quay được treo ở rất nhiều tiệm gần giống như là McDonald bên Hoa kỳ nhưng ăn cũng không “juicy” ngọt ngà như ở tiệm Diamond (chắc N. bị ám ảnh mê hoặc hay bị “tẩy não” bởi  bồ câu Diamond mất rồi!).
N. cũng đáp ghe phà qua sang bán đảo Kowloon đi ngang qua một nhà hàng ăn nổi kết hoa đèn rực rỡ và chạm trổ con rồng vàng làm chạnh nhớ đến một cảnh nào đó trong truyện tình cảm Hải Âu Phi Xứ (1972) gì đó do nữ văn sĩ Quỳnh Dao mà N. mê đọc mơ mộng lúc tuổi thiếu niên.

Khi ở Hồng Kông N. có cảm tưởng như là N. không được dân Hồng Kông đón tiếp nồng hậu như là ở Thái Lan. Dân địa phương họ rất lạnh nhạt nhất là khi họ thấy dân du lịch như N. không là dân da trắng mà là một dân da vàng lại không biết nói tiếng Tàu! Khi đi qua trạm kiểm soát quan thuế một nữ nhân viên sỗ sàng giựt lấy máy chụp hình của N. đang treo ở cổ rồi cô ta tự động mở ra xem xét rồi rất tự nhiên chụp flash mặt N. hai lần và không nói năng hay giảng nghĩa tại sao phải làm vậy gì cả! Hay là họ cho các dân tộc da vàng mà không nói được tiếng Tàu là loại dân chư hầu thấp hơn họ cả?
Ôi! Trois Bateaux!

TOKYO (NHẬT BẢN)

Vì Nhật Bản có Quân Đội Hoa kỳ trú đóng nên có khách sạn do Quân Đội Hoa kỳ quản gia nên N. đặt phòng từ trước ở The New Sanno Hotel ở Tokyo.

Tới Tokyo là thấy khác xa ngay khi so với các thành phố Châu Phi hay Châu Á. Trên xe hơi từ phi trường vào thành phố, tài xế đeo găng tay trắng, lái xe bên trái đường như ở bên Anh (N. thấy hơi lạ vì nếu mà Nhật là thuộc địa cũ của Anh quốc thì dễ hiểu nhưng nước Nhật đâu có là thuộc địa của cường quốc nào đâu). Hành khách lên xe hay xuống xe rất lễ độ.

Vào khách sạn N. cảm thấy thích ngay vì tiếp viên không lạnh nhạt như mới ở Hồng Kông xong. Người Nhật ai ai cũng “hấy hấy” cúi đầu xuống chào rất lễ phép. Vì là Trung tá nên N. được dành cho ở một suite ở ngay từng trệt (ground floor). Đồ đạc trong phòng giống như ở một nhà Nhật bản: bàn rất thấp, không có ghế ngồi mà ngồi trên một nệm bông nho nhỏ, giường ngủ thì không có mà là nệm bông trải ngay xuống sàn nhà. Áo choàng kimono đã treo sẵn để mà dùng. Khi mở cửa có rãnh (sliding door) ra ngoài sân thì đó là sân sỏi đá với vài cây bonsai kiến trúc theo kiểu Zen rất là thanh tịnh.

Hôm sau N. mướn taxi đi xem một chùa đạo Shinto (Meiji Jingo Shinto Shrine) có cổng hình chữ Torii đặc biệt Nhật. Hôm đó N. được chứng kiến một đám cưới người Nhật diện y phục kimono cổ truyền. Ở sân chùa N. thấy có một bảng treo nhiều tấm bài bằng gỗ hình như là do các sinh viên xin cúng bái để thi đậu hay chuyện gì đó. Một nhóm trẻ em độ bốn năm tuổi mặc đồng phục đang chạy chơi vui đùa với đám chim bồ câu dưới con mắt giám sát của vài phụ nữ. Chùa cũng có một hồ ao với nhiều cây sen thanh tao. Vào trong chùa thì khói hương nghi ngút nhưng phong cảnh lặng lẽ trang nghiêm: dân chúng cúng bái rất trang trọng, họ thỉnh thoảng lại lấy tay phất khói hương vào mặt họ cho là lấy cái phúc đức do ơn trên ban cho.

N. cũng chụp hình Imperial Palace với cây cầu Double Bridge gần đó. Lâu đài của Nhật Hoàng trông rất lấy làm uy nghiêm, mái ngói cao hiện trên rặng cây cao. N. lúc đó nghĩ rằng nếu Hirohito không chịu đầu hàng để kết thúc Đại chiến thứ Hai thì không hiểu cung điện này còn ngạo nghễ dưới phương trời này để bá tánh tới chiêm ngưỡng hay không mà trở thành mây khói như sáu kỳ quan cổ của thế giới.
Trên đường đi về khách sạn N. nhận thấy xe hơi nào cũng như mới toanh: hỏi ra thì mới biết là luật bên Nhật quy định là mỗi ba năm xe taxi phải thay xe mới không thì bị phạt nặng (không hiểu xe cũ quá ba năm sẽ được recycle như thế nào? Bán sang Phi châu?) Tài xế taxi bấm cửa cho xe tự động mở đóng cửa cho hành khách ra vào. Vì là ngày thường trong tuần lúc đó ngoài đường phố dân Nhật đi làm đều mặc veste màu sậm cả. Người nào mà không mặc veste thì được đoán đúng ngay là dân… tourist! Ngoài phương tiện di chuyển công cộng bằng taxi hay bus thì Nhật bản có một hệ thống xe metro dưới đất rất là tiện nghi, khá rẻ và sạch sẽ.

N. cũng đi thăm khu thương mại Akihabara nơi bán hàng điện tử rất tân tiến và rẻ. Ăn uống thì khá mắc nhưng được là phẩm chất rất là bảo đảm sạch sẽ. Quỹ của N., một sĩ quan Hoa kỳ  khiêm nhường, nên N. rất tận dụng ăn uống ngay trong khách sạn quân đội nên giá cũng phải chăng (N. trông thấy thực đơn bầy ngoài cửa một nhà hàng không lấy gì là sang trọng lắm mà thấy giá biểu một miếng steak trung bình là 100 US đô (năm 1989).

Một tối ở Tokyo N. và bà xã đi xem một show vũ nữ geisha múa hát. Lẽ dĩ nhiên phong cảnh trang trí và nhạc đệm rất là “Nhật.” Lại có màn họ cho du khách mặc bộ kimono cổ truyền lên sân khấu cho khách đàn ông đeo kiếm samurai hay cho đàn bà cầm cây quạt để mà chụp hình đứng cạnh mấy cô geisha. Đực rựa mà được đứng bao chung quanh với toàn là phái nữ mặc kimono cứ tưởng bở là mình được lọt vào một harem Nhật!

Dân Nhật rất đứng đắn và tin cậy vào nhân loại. Khi xem show xong đi về vì khách sạn của N. ở một khu khác xa với cùng nhóm tour không tiện đường cho xe bus chở chung về nên nhân viên tổ chức xùy tiền ứng trước cho N. đi taxi về lấy. Tiền họ đưa cho nhiều hơn là giá biểu taxi thông thường.

Để kết luận chuyến đi Tokyo thì thấy dân Nhật so với các sắc dân mà N. vừa đi qua thì thấy họ rất đàng hoàng, nề nếp, lịch sự và lễ phép. Thảo nào Nhật bản có lúc là một cường quốc trên thế giới! Sayonara!

HONOLULU/HAWAII

Sau khi rời khỏi cái lạnh nhè nhẹ nhưng sạch sẽ ngăn nắp của Nhật bản thì N. được đón tiếp bởi một mùi gió biển mặn mà thoảng mát thiên nhiên của đảo Oahu lồng trong một tiếng nhạc du dương êm dịu vang vang đặc biệt của đàn guitar Hawaiian.

Hotel N. ở là Turtle Bay Hilton & Country Club ở một vịnh riêng biệt xa thành phố Honolulu nên N. phải mướn xe hơi riêng cho dễ di chuyển. Hotel đương nhiên là khá tốt (tuy rằng lúc đó không có cô Paris Hilton đón tiếp -cô ta lúc đó chỉ là một cô bé lỏi tì tám tuổi).

Vì là nơi để dưỡng sức trước khi về lại nội địa Hoa kỳ nên N. chỉ đi thăm vài chỗ đặc biệt như nghe nhạc và múa Hula ở Polynesian Cultural Center, xem cá đủ sắc lội dưới nước ở Hanauwa Bay (rất đẹp). N. cũng không quên ghé trại dứa khóm Dole mà lần đầu tiên N. trông thấy cây dứa có mọc quả trên ngọn cây. N. cũng ghé mua tôm tươi tại một trại nuôi tôm tươi ở dọc đường và nhờ họ luộc hấp chín ăn ngay tại chỗ (khá ngon ngọt, còn tươi mà!).

Khi đi thăm USS Arizona Memorial xem chỗ tàu Arizona bị đắm chìm khi quân đội Nhật đột ngột gây chiến trong Đại chiến Thế giới thứ Hai, N., một người da vàng đứng trong một đám toàn là người da trắng, cảm thấy hơi ngột ngạt như là họ lầm tưởng N. là người Nhật thủ phạm vụ chìm tàu này!

Nhờ có xe mướn riêng nên N. cũng đi lùng xem chỗ KoleKole Pass nơi thung lũng giữa hai rặng núi mà phi cơ Nhật bất thình lình ồ ạt tới oanh tạc Honolulu xưa kia. Ôi bao nhiêu là kỷ niệm chiến tranh!

Để kết thúc, N. đã thực hiện được hoài bão là đã thành công thực hiện được một cuộc đi vòng quanh Thế giới. Tuy rằng mất có 19 ngày nhưng N. không cho là đã phá được kỷ lục 80 ngày của Jules Verne vì N. đang ở thế kỷ thứ 21 hơn 116 năm sau ông Jules Verne. N. phải công nhận là N. rất hên mới có dịp đi đó vì vừa được đi 1st Class mà lại không phải trả tiền (ngoài tiền thuế và quan thuế nhập/xuất cảnh mỗi nơi). Sorry cho hãng TWA. N. và vợ tuy không được nếm mùi cưỡi con đà điểu lẫn đi bay với bóng hơi nóng (Montgolfier hot air balloon) như trong phim “Around the World in 80 Days” nhưng đã được cưỡi lạc đà gần Kim Tự Tháp Ai Cập là kỳ quan cổ duy nhất còn lại, thăm Thái lan với những chùa có mái cong đặc biệt, ghé Hồng Kông mà nhớ đến nữ văn sĩ Quỳnh Dao, thăm Nhật bản, một dân tộc có trình độ công dân giáo dục rất cao và cuối cùng được dưỡng sức trong “Thiên đường Hawaii” với gió mát trăng thanh và lạc trong điệu nhạc đàn guitar Hawaiian đầy quyến rũ.

Cám ơn,

Nguyễn Dương, 1989 



Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
Loading