Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
BS Thái Minh Bạch và BS Nguyễn Duy Cung (bên phải)

BS Thái Minh Bạch và BS Nguyễn Duy Cung (bên phải)

ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (28)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
- Ấp Sông Bé
- Ra Tòa Làm Chứng
- 30 Tháng Tư Năm 1975
- Trại tù đầu tiên
- Trại Tù Xuân Lộc
- Trại Tù Suối Máu
- Trại Tù Sóng Thần
- Một lời cám ơn đáng quý
- Buổi hội thảo cuối cùng
- Nghiên cứu thời tiết gió mùa
- Hải tặc VịnhThái Lan và trên Biển Đông
- Đến đảo tị nạn
- Trường trại tỵ nạn Pulau Bidong
- Tình trạng rác

- Bidong
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
TỪ BIDONG ĐẾN BATAAN

Chuyển bớt thuyền nhân từ đảo Bidong về trại tạm trú LHQ trên bán đảo Bataan-Phi Luật Tân

Vào cuối tháng 8 năm 1979 và vào đầu tháng giêng năm 1980, Cao ủy tỵ nạn đã nhắc nhở kế hoạch chuyển bớt thuyền nhân quá đông từ đảo Bidong về Trung tâm tạm trú LHQ trên bán đảo Bataan-Phi Luật Tân.  Chương trình định cư mới này dành cho thuyền nhân thuộc diện 4B-C-D-E, thường được gọi là diện “Hốt rác” vì không có ưu tiên, nên được Hoa Kỳ nhận sau cùng hết.

Đại diện tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Kuala Lumpur với tư cách trưởng phái đoàn, đã đến họp bất thường với các cấp chỉ huy trại và đã cho phổ biến một thông cáo liên quan đến vấn đề này bằng ba thứ tiếng Anh, Việt, Hoa.

Thông cáo có ghi rõ: Việc qua trung tâm đặc biệt này là một vấn đề hết sức quan trọng.  Phải qua Phi trước rồi từ đó mới được qua Mỹ.  Vì vậy bạn cần phải thấu đáo vài vấn đề quan trọng và phải đồng ý tuân hành một số điều kiện:

1/ Qua Trung tâm tạm trú tại Phi, bạn có thể sẽ phải ở lại đó một thời gian từ 1 đến 3 năm (không quá 3 năm).  Nếu bạn từ chối cơ hội này, bạn sẽ không còn cơ hội nào khác để qua nước Mỹ trong chương trình tị nạn của Hoa Kỳ.

2/ Trong thời gian còn ở Mã Lai, nếu có một quốc gia nào khác cho bạn cơ hội đi định cư, bạn không có quyền từ chối.

3/ Khi đến Phi, bạn có trách nhiệm phải giữ gìn kỷ luật.

4/ Bạn phải bằng lòng qua Mỹ ngay sau khi bạn có được người tại Mỹ bảo trợ, và được Giám đốc chương trình tị nạn Hoa Kỳ tại Phi cho xuất cảnh.  Bạn phải hiểu rằng nếu bạn và gia đình bạn không vâng lời điều kiện trên thì bạn và gia đình bạn sẽ không được quyền qua nước Mỹ.

5/ Bạn cũng phải có đủ điều kiện sức khỏe để đi biển từ 4 đến 5 ngày.

Mặc dù có thông cáo chính thức rõ ràng của Hoa Kỳ từ tháng 8 năm 79, nhưng đồng bào đang sống trên đảo Bidong cũng nơm nớp phập phồng lo âu, nghĩ đến số phận của mình, không biết sẽ ra sao?
Họ lo sợ sẽ bị đưa trả về Việt Nam, giống như trước đây có một chiếc tàu xuất phát từ miền Trung dự định vượt biển Đông sang Phi.  Nhưng khi qua hải phận quốc tế, gần đến nơi gặp toàn những quần đảo nhỏ chi chít.  Đang loay quay định hướng thì gặp tàu Liên Xô trờ tới kéo về Nha Trang trao cho Cộng sản Việt Nam.  Bị bắt lại, chắc chắn họ bị buộc tội nặng nề và có thể bị đem đi hành huyết mà không cần đưa ra tòa xét xử.

Họ có thể bị CS đưa đến vùng Kinh tế mới trên miền Cao nguyên, rừng thiêng nước độc, gia đình sẽ chết vì muỗi đòn xóc, vì bệnh Sốt rét rừng ác tính, dịch hạch, dịch tả.  Nếu thoát được để ra đi trở lại ngoài biển khơi mà rủi gặp phải Hải tặc chận đường uy hiếp, cướp bóc hảm hiếp thì thật là thê thảm.  bất cứ một hình ảnh đau thương nào đã xảy đến cho thuyền nhân đều được họ đem ra nhắc nhở: Có những đứa nhỏ còn quá trẻ, sống sót mồ côi trên đảo sau khi cha mẹ chúng đều tử nạn trên tàu bị cướp. 

Có một bà mẹ ôm con mình bệnh hoạn trên tay vì thiếu thuốc men cho đến chết, rồi nhắm mắt đặt đứa con thân yêu xuống một thùng gỗ nhỏ thả trôi theo dòng nước.  Có một chiếc tàu bị lạc hướng, trôi dạt nhiều ngày trên biển động mênh mông.  Lương thực hết cạn, không còn đủ sức chịu đựng, thuyền nhân lần lượt qua đời.  Người thân đành phải thả thây chìm xuống biển.  Có một đứa trẻ, con của một người chủ tàu, dưới sức nóng như thiêu, đã ngã lăn ra chết vì thiếu nước.  Thay vì quăng em xuống biển, trên tàu đề nghị xẻ thịt em ra chia cho những người đi chung còn sống sót để làm phần ăn qua ngày cho đỡ đói … Những hình ảnh đen tối hãi hùng đó cứ lởn vởn đè nặng trong tâm trí họ.

Không khí chán nản, nặng nề vẫn bao trùm trên đảo Bidong mà thuyền nhân còn gọi là đảo “Buồn lo bi đát”.

Đến ngày có danh sách thuyền nhân được tuyển chọn để ra đi đến trại tạm trú mới, còn bị ám ảnh khi nghĩ đến tương lai tối tăm mờ mịt, có người đã tỏ ra chán nản, trở nên cuồng trí điên khùng, đã liều mình tự tử, phải đưa vô nhà thương cứu cấp.  Mặc dù có nhiều lời khuyên lơn, họ vẫn nghi ngờ.

Là trưởng trại tôi cũng chỉ là người tị nạn không hơn không kém.  Tôi cố gắng an ủi, giải thích theo những điều hiểu biết của mình, theo những suy luận mà mình cho là hợp lý.  Nhưng tôi cũng không có đủ dữ kiện, không có những tài liệu trọng yếu để trả lời dứt khoát những câu hỏi thầm kín của họ: tại sao tôi lại phải ra đi? Bao giờ đi? Đi bằng phương tiện gì? Đi về đâu? Có gì là bảo đảm?

Tôi cố gắng làm những gì tôi cho là tốt nhất trong phạm vi quyền hạn của mình ngõ hầu giúp người đồng hương tị nạn trên đường rời đảo sang trại tạm trú Bataan của LHD-Phi Luật Tân.

Tôi đã mạnh dạn đề nghị và được chấp thuận dùng nhân lực trên đảo để lo việc tổ chức cho người tị nạn ra đi được an tâm, thay vì để cho Chánh quyền Cảnh sát Mã Lai để tránh những trường hợp rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra vì ngôn ngữ bất đồng, nhất là trong hoàn cảnh tâm thần đồng bào trên đảo đang dao động mạnh.

Chiều ngày 26 tháng giêng, đã thấy dạng 2 chiếc tàu hải quân Phi Luật Tân loại đổ bộ LST còn ở ngoài xa.  Tàu sẽ đến vào sáng thứ bảy, thả neo ngoài khơi, và rời Bidong vào ngày chủ nhật.  tàu có phòng vệ sinh và phòng tắm, 2 bác sĩ, 2 nha sĩ, 2 y tá.

Chiếc tàu Black Gold thường cập bến Jetty để đưa người rời đảo sang đất liền Terengganu để đi định cư, nay được dùng để đưa từng toán người ra tàu Phi.

Trong 2 ngày cuối cùng, các khu, các khối xúm lại giúp đỡ đồng bào ra đi.  Khối Trật tự lo việc giữ gìn an ninh trong khu vực, an ninh bờ biển.  Thủ tục đưa người từ trên cầu tàu Jetty xuống Black Gold ra đến chiến hạm Phi được dự tính 2 tiếng đồng hồ.  Đồng bào được thường xuyên nhắc nhở đem theo thẻ trắng, thẻ tỵ nạn và số riêng của mình.  Khối hành chánh lo việc phân phát thẻ cho đồng bào dùng để đến khối Y tế khám sức khỏe trước khi rời đảo.  Có 2. 000 thuyền nhân được tổ chức ra đi đợt đầu trong một ngày. 

Đồng bào được chia thành hai toán (toán I và toán II), mỗi toán gồm 1. 000 người chia thành ba toán nhỏ: A = 350 người, B = 350 người, C = 300 người.  Mỗi toán nhỏ thành lập một ban chỉ huy chặt chẽ như trong một cuộc hành quân.  Ngoài ra, mỗi toán còn thành lập một đội thông dịch viên để giúp người tị nạn liên lạc với nhân viên trên chiến hạm Phi khi cần.  Toán I (từ 1 đến 1. 000) đi tàu số 1 KUL 80/044.  Quách-cảnh-Minh 25 tuổi đến đảo dưới tên tàu cũ MH 3105, là người đầu trong danh sách mới mang số M/RPC/001.  Toán II xuống tàu còn lại.  GS Võ văn Dũng, trưởng khối Thông tin Văn hóa đã viết một bức thư dài để Trưởng trại ký tên, với lời lẽ chân thành, cảm ơn sâu đậm gởi bà Tổng thống Marcos, nhờ giúp đỡ người tị nạn.

Phần tôi bận họp liên miên từ sáng đến tối với Chính quyền địa phương, Lực lượng Đặc nhiệm Mã Lai về an ninh chung, tổ chức cho đồng bào xuống cầu tàu Jetty và xuống tàu được an toàn - với Cao ủy Gentiloni Fabrizzo về trại tị nạn chuyển tiếp trên bán đảo Bataan- với phái đoàn Mỹ của ông Chatman và phái đoàn MRCS của ông Jim Hart về những tài liệu được phiên dịch và phổ biến cho người tị nạn khi xuống tàu và khi đến trại tị nạn mới.  Trên tàu đã có người lo thức ăn, thức uống.  Chỉ cần mang theo quần áo, mùng màn, dụng cụ nấu nướng.  Không cần mang theo thùng nước, lều vải lỉnh kỉnh.  Không cần cuốc, sẻng vì trại mới đã được cất lên sẵn, có đầy đủ điện và nước.  LHQ sẽ cung cấp vật dụng làm vườn.

Văn phòng trại Bidong đã trao tặng kỷ vật cho hai ông Chatman, Charles Watts, nhờ ông Chatman chuyển quà kỷ niệm đến Thuyền trưởng và thơ gởi gấm thuyền nhân đến cho bà Tổng thống Phi.  Chính quyền địa phương đứng ra giám sát, và giữ an ninh chung.  Ông Chatman và tôi xuống thăm chiến hạm Phi.  Tôi cũng phụ khuân vác tiếp gạo, đồ đoàn của thuyền nhân, cám ơn các sĩ quan hải quân Phi.  Khi tàu rời Bidong, Ban Điều hành trại nhờ ông Chatman, đại diện tòa Đại sứ Hoa Kỳ đi theo cùng với một nha sĩ thuộc văn phòng trại.  Thuyền nhân rời đảo cảm thấy an lòng …

Người ở lại trên đảo đã sống những ngày kế tiếp lo âu cho số phận những người ra đi.  Cho đến khi phái đoàn theo tàu Phi đưa người tị nạn trở về tường thuật cặn kẽ về Trung tâm tạm trú Bataan của LHQ với nhiều hình ảnh rõ ràng về đời sống trong trại mới.  Có thơ của những người ra đi gởi kèm theo: Đời sống trong trại Bataan có trật tự, thoải mái, dễ chịu hơn ở Bidong vừa chật chội, vừa thiếu tiện nghi.  Chỉ có trại tị nạn mới ở hơi xa bờ biển, không giống như ở Bidong.  Khi ấy thân nhân, bạn bè quen thuộc còn lại mới cảm thấy an tâm …

Phái đoàn Hoa Kỳ lập lại quyết định: “Những người ở Trung tâm tạm trú Bataan được cho học chữ, học nghề trong vòng từ một đến ba năm để dễ dàng hội nhập vào đời sống trên đất Mỹ.  Không có người nào sẽ ở quá ba năm”.

GIẢ TỪ BIDONG

Tôi sắp rời khỏi trại tỵ nạn Pulau Bidong, một hòn đảo nhỏ thân thương mà tôi đã tình nguyện ở lại một thời gian khá lâu để đóng góp, làm việc cho thuyền nhân và đã để lại biết bao kỷ niệm vui buồn.  Sáng hôm nay, dậy sớm như thường lệ, tôi xuống dốc khu D đến bãi biển khu F yên tịnh gần nhà, lặn hụp xem những đàn cá biển nhỏ, đủ màu sắc, lẩn quẩn quanh những tảng san hô to trắng. 

Tâm hồn thanh thản, tôi lặng nhìn những luồng sóng biển lăn tăn, nhấp nhô theo chiều gió, ngắm móng cầu vồng đầy màu sắc rực rở ở cuối chân trời.  Thằng Huân con trai tôi thường hay tò mò hỏi: “Ba! Tại sao nước biển lại xanh? Ba! Tại sao lại có móng cầu vồng? …”.  Tôi chỉ muốn nói với con tôi rằng đó là màu xanh của hy vọng, của niềm tin và cuối đường chân trời trong sáng kia là tương lai tươi đẹp của chúng ta, những người đang chờ đợi đến một đất nước tự do an bình, ở đó chắc chắn không có nhà tù và cuộc sống đày ải khổ nhục như ở quê nhà.

Tôi đi một vòng thăm đảo lần cuối cùng.  Dừng lại trước một chiếc xuồng nhỏ nằm úp bên hốc đá nhô ra ngoài biển, sau lưng là xác con tàu lớn bằng gỗ chỉ còn trơ xương, tôi hình dung một thuyền nhân đang âm thầm làm lại cuộc đời mình sau những đổ nát, tang thương vùi dập.

Hôm qua tôi đã đi viếng và từ giã các khu, các khối, các ban, các trường tiểu học, chùa chiền, nhà thờ, nhà thương, cơ quan Task Force Mã Lai … Mọi việc trong trại, tôi đã bàn giao hết cho ông Nguyễn văn Thành, nguyên là Tổng thơ ký phủ Phó Tổng Thống, tốt nghiệp Cao học Hành chánh, Thủ khoa khóa 23 Thủ Đức, trước sự hiện diện của ban Cố Vấn trên đảo.  Ông Thành đi từ Trà Vinh ngày 29 tháng Chạp năm 1979, đến Kelantang ngày 2 tháng Giêng năm 1980.

Nhìn lại văn phòng nhỏ, chỉ có một cái điện thoại duy nhất để liên lạc nội bộ, tôi đã từng ngồi làm việc với Linh mục Lê Ngọc Triêu-Trưởng trại, rồi thay thế LM đi định cư cho tới nay.  Căn phòng vẫn như cũ, không có gì thay đổi, những dãy bàn ghế bằng gỗ dành cho nhân viên Hành chánh nhóm họp, vừa làm nơi tiếp đón phái đoàn Ngoại quốc ngồi chờ khi đến đảo, cái bục cao bằng gỗ, kê trong một góc nhà dùng để thuyết trình.  Cái logo có dấu hiệu tay lái hình tròn bốn phương tám hướng màu xanh da trời của trại tỵ nạn Pulau Bidong, ở giữa có hình bản đồ VN màu vàng lợt nằm dọc và một chiếc tàu vượt biển màu nâu sậm nằm ngang tượng trưng dòng sông Bến Hải do nhà khảo cổ Hoàng văn Lộc thiết kế để làm biểu tượng của đảo.

Vừa ra khỏi văn phòng, có một thanh niên đứng chờ tôi để tặng tôi một chiếc tàu gỗ nhỏ có mui, làm bằng ván ép rất khéo, sơn tỉ mỉ KG 0783.  Anh bộc bạch rất chân tình:

Em cũng đi chung tàu vượt biển với Bác sĩ.  Đêm đó, em ngồi bên cạnh Bác sĩ trên mui, thấy rõ phía sau có một tàu cướp tắt đèn đang trờ tới bên hông phải.  Đến ngang tàu mình, tàu cướp bật mấy cái đèn pha, rọi thẳng qua tàu mình, từ trước mũi đến sau lái, quăng dây có neo bốn móc, cập vô tàu mình, cướp biển mình mẩy đen thui, xỏa tóc, ngậm dao, sẵn sàng nhảy qua uy hiếp.  Nhưng trước sự cương quyết của Bác sĩ, đứng thẳng trên mui, một tay cầm dao, một tay cầm búa, vừa thổi tu huýt, vừa hô hào chống cướp, hàng trăm người đứng trên boong tàu, từ mũi ra đến sau lái đã hưởng ứng, liều mình, hò hét, tháo ba cái neo cướp quăng xuống biển, dùng gậy gộc chống cự hải tặc, em nhớ hoài hình ảnh bác sĩ hiên ngang lúc đó. . Nhờ vậy mà ghe mình thoát nạn”.

Hôm nay bầu trời quang đảng trong xanh, khác hẳn với ngày tôi mới đến đảo, mây bay vần vũ, xám xịt và gương mặt ai cũng còn in dấu hãi hùng về một chuyến đi gian nan mà cái chết và sự sống mong manh trong gang tấc. 

Theo ống loa của thông tin treo cao trên cây dừa trước nhà thương Sick Bay, tiếng nhạc vang lên tiễn đưa người rời đảo trong bài “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn, trầm buồn tha thiết.  Trên đường xuống cầu Jetty, tôi cảm động thấy đồng bào bắt tay đưa tiễn.  Có mặt ông Papa người Ấn Độ, trưởng phòng Tiếp liệu, cô Lady Burton, quản lý nhà thương Sick Bay, cô Monica chuyên viên phụ trách quang tuyến X thuộc đoàn Y tế Đức, và nhiều đồng nghiệp.

Ngừng lại một thoáng dưới tàn dừa, tôi nhớ lại hình ảnh mình lạc lõng đứng tìm người quen khi vừa đặt chân lên bờ vào tháng 5 năm 79, tàn dừa bây giờ có rộng hơn, nhưng điều gây cho tôi xúc cảm nhất là ngôi miếu nhỏ điêu tàn, thờ người đầu tiên lên đảo bị dừa rớt xuống trúng đầu bất tỉnh chết dưới gốc cây. Thân nhân người quá vãng đã rời đảo, không còn ai lo chăm sóc khói hương.  Những hoài bảo ôm ấp của buổi ban đầu vượt thoát chưa được thực hiện, đã âm thầm gởi thân xác lại trên bãi bể hoang sơ, hiu quạnh.  Sau anh còn có biết bao nhiêu người nằm lại trên đồi cao kia vì bệnh tật vì đói khát vất vưởng trên tàu, khi vào bờ thì đã quá sức chịu đựng mà ngã gục và còn biết bao nắm xương mục rả trong lòng đại dương xanh thẩm lạnh lùng vì hải tặc cướp bóc, tàu chìm. . vong linh người khuất chắc cũng ấm ức khi chưa đến được bến bờ tự do như lòng mơ ước.  Hơn một triệu người đã bỏ nước ra đi, chỉ có phân nửa đến nơi đến chốn … Đó là một sự thật.

Chiếc tàu Black Gold từ từ rời bến.  Mọi người vẫn còn đứng chen nhau trên sà lan, trên cầu tàu, trên bờ biển.  Mắt tôi nhòe đi.  Tôi không còn nhận ra ai nữa.  Chỉ thấy những cánh tay vẫy chào giã biệt.  Phía sau tàu, nhiều đứa trẻ vô tư nô đùa, vài thanh niên cố lội theo dòng nước biển trong xanh.  Ngôi miếu thờ “chiếc tàu ma” và mạng lưới đánh cá căng khỏi mặt nước ngoài bờ khu A vừa qua khuất.

Đồi Tôn giáo mờ dần, chỉ còn là một điểm đen giữa khung trời bao la man mác.  Bãi biển Batu Rakit lần đầu tiên tôi cầm cờ S. O. S.  lội vô bờ gặp nhóm lính của Lực lượng Đặc biệt Mã Lai cũng không còn nhìn ra.  Đảo Tioman nơi 2/3 thuyền nhân trên tàu KG 0783 bị kéo ra khơi vào một đêm tăm tối, đã may mắn trở vào bờ được nhờ chạy theo dấu của một con ba ba biển, cũng không còn nhận biết ở hướng nào …

Tất cả chỉ còn là dĩ vãng xa mờ …

Người thuyền trưởng lịch sự mời tôi và gia đình vô nghỉ trong phòng dành riêng cho ông.  Nhưng tôi đã cảm ơn, chỉ muốn tranh thủ thời gian đứng bên ngoài hông tàu ngắm cảnh, nhìn trời, nhìn nước, nhìn lại Bidong.  Biết bao giờ tôi mới trở lại đây? … Lòng hoài niệm của con người đôi khi cũng thật là mâu thuẩn.  Muốn được ra đi rồi lại nhớ!.

Đến cảng Terengganu, chúng tôi lên xe bus đêm về thủ đô Kuala Lumpur.  Trước khi hởi hành, xe ngừng lại ở một quán nhỏ bên đường cho khách dùng cơm tối.

Trên khoảng đường dài, núi đồi thanh vắng, chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài xa và tiếng máy xe nổ đều đều.  Vợ con tôi mệt mỏi ngủ yên.  Huân đứa con trai đầu lòng dựa đầu vào cánh tay tôi, trong khi đứa con gái nhỏ Xuân Uyên nằm yên trong lòng mẹ nó.

Bây giờ tôi mới cảm thấy an tâm.  Gia đình sắp thật sự được hưởng Tự Do.  Sang định cư tại Hoa Kỳ, các con các cháu tôi sẽ được học hành và phát triển theo khả năng và sở nguyện của chúng.  Không còn cảnh “xét lý lịch trích ngang” khi vào Đại học và cảnh “học tài thi lý lịch”.

Tôi cũng nhắm mắt, ôn lại những ngày tối tăm u ám trong các trại tù Cộng sản, vợ con ở nhà chật vật lầm than, người cha thân yêu vì lo buồn, sanh bạo bệnh qua đời, chị em ly tán … Khi tạm tha trở về, vì nhu cầu nhà thương cần bác sĩ giải phẫu lồng ngực, tuy nhiên tôi đã phải “làm việc không lương trong gần 9 tháng”, suốt ngày sống trong cảnh phập phòng, chờ ngày bị đưa ra vùng biên giới Cao Bắc Lạng như 2 người anh cô cậu (đã từ trần trong trại cải tạo) và người em rể của tôi.  Ban ngày làm việc trong phòng mổ, chiều nằm dưỡng bệnh trên khu Nội thương và Vật lý trị liệu, tối ra gác đường với Công an phường khóm như “tù giam lỏng”, cho đến khi vợ tôi xoay xở cho gia đình đổi tên đổi họ, lén lút xuống Rạch Giá theo tàu bán chính thức của người Hoa, vượt biển sang Mã Lai.

Ở Sài Gòn, “bệnh viện Nhân Dân và Sở Y tế lên cơn sốt”, theo lời một viên chức Hoa Kỳ chúng tôi gặp lúc vừa bước chân lên bờ biển Batu Rakit Tertengganu Mã Lai và sau này được một đồng nghiệp qua sau xác nhận, vì chuyện 14 Giáo sư, Bác sĩ Y khoa với một số đông sinh viên Y Khoa đã ra đi cùng một lúc và cùng trên một chuyến tàu.  Đây là một thất lợi lớn trên phương diện chánh trị.  Chính quyền Cộng Sản muốn xoa dịu dư luận, tuyên bố xảo trá là đã bắt được tôi đưa về trường Y Khoa Sài Gòn, trong khi trên đài BBC, ký giả Đỗ Văn của đài, loan tin tôi đang làm Phó trưởng trại tỵ nạn tại Pulau Bidong.

Xe đến trại Cherras Kuala Lumpur đã quá nửa đêm.  Trời sương mờ hơi lạnh.  Một số đồng bào Bidong qua trước có mặt tại cổng niềm nở đón tôi, dẫn đường đưa chúng tôi về chỗ tạm trú dành cho người bên đảo mới sang.  Nhiệm vụ cuối cùng của tôi là trao lại tận tay cho Ban Điều hành trại Cerras hồ sơ và phim phổi của đồng bào bị lao cùng đi chung trên chuyến xe.

Trách nhiệm của tôi đối với đảo tỵ nạn P.  Bidong coi như đã chu toàn.  Tôi thấy mình thanh thản khi đã làm xong nhiệm vụ giúp đở đồng bào, dù trong phạm vi nhỏ hẹp như bên đảo nhưng tôi đã hết sức cố gắng bằng khả năng của mình .  Bây giờ tôi có quyền nghỉ ngơi chờ đến phiên mình được đi định cư ở Mỹ.  Đó cũng là một ước nguyện của bao nhiêu người mà gia đình tôi đã may mắn còn sống sót đến ngày nay.

NHIỆM VỤ CUỐI CÙNG

Đến thủ đô Mã Lai tôi những tưởng nhiệm vụ của tôi đã xong chỉ còn chờ đợi đến phiên mình được lên danh sách đi định cư.  Không ngờ sáng hôm sau gặp Đại tá Martindale thuộc tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Kuala Lumpur.  Ông ngõ ý muốn tôi nán ở lại thêm một thời gian để chấn chỉnh lại trại chuyển tiếp Cherras này, vì trại nằm ngay trong thủ đô Kuala Lumpur và được Chính quyền trung ương Mã Lai rất để ý. 

Trại có vẻ lộn xộn trong những tuần qua.  Nhân viên làm việc trong khối trật tự bên đảo Bidong qua buổi tối, bị những người lạ mặt tắt đèn, trùm mềm đánh trọng thương, hồ sơ bệnh phổi của những người tỵ nạn bên đảo qua bị đánh tráo, người bệnh muốn được đi sớm phải chịu chi cho Ban Điều hành trại một số tiền để được đổi phim phổi tốt, nhân viên y tế người địa phương làm việc tắc trách, bắt phụ nữ cởi hết quần áo trong phòng riêng để khám bộ phận sinh dục và làm điều xằng bậy.  Ngay cả trong giới Y khoa cũng có đồng nghiệp lạm dụng chức vụ để ghi tên cho gia đình mình với người thông dịch nói tiếng Hoa ra phố chơi, mua sắm, thay vì để dành chỗ cho bệnh nhân đến nhà thương khám bệnh.

Chính quyền Mã Lai tuyên bố sẽ ngưng việc cho thuyền nhân trên đảo sang, nếu thấy trại chuyển tiếp làm việc không đàng hoàng.  Trong thủ đô Kuala Lumpur, có hai trại: trại Sungei Besi dành cho thuyền nhân chọn đi định cư tại Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi, trại Cherras dành cho thuyền nhân chọn đi định cư tại Hoa Kỳ.  Việc đi định cư đã được phân loại rõ ràng nên không còn có nhiều phái đoàn nước ngoài đến thăm viếng như ở Bidong.  Và số người trong trại chuyển tiếp cũng thưa hơn.

Trại chỉ rộng bằng một sân đá banh, chung quanh có một hàng rào kẽm gai bao bọc sơ sài, với một dòng suối cạn.  Bên trong có một nhà thờ bỏ trống đã lâu, trên gác có một bao lơn nhỏ.  Ngoài ra có hai dãy nhà bằng gỗ hai tầng dành cho thuyền nhân bên đảo mới sang.  Gia đình tôi 9 người được một khoảng trống 2 thước vuông ở từng dưới.  Công việc trong trại Cherras nhẹ nhàng, không bận rộn như ở Bidong.  Ở đây chỉ có những bệnh thông thường, không có vấn đề cấp cứu và giải phẫu.

Sau buổi họp với Đại tá Martindale, tôi đồng ý ở lại giúp tổ chức ban Điều hành mới cho trại Cherras.  Quen với vấn đề hành chánh, chúng tôi tập trung làm việc trong ba ngày xong được bản nội quy.  Thông tin hàng ngày phổ biến tin tức nội bộ, kêu gọi đồng bào phối hợp với Ban Điều Hành để lo cho đời sống chung trong trại được an toàn, chờ ngày đi định cư.  An ninh trong trại được tổ chức lại chặt chẽ.  Tại mỗi khu có ban trật tự riêng.  Đèn đuốc trong trại ban đêm được thắp sáng hơn.  Đồng bào mới đến được khuyến khích cử người gia nhập ban trật tự để canh gác nơi gia đình mình cư ngụ.  Những phần tử phá rối trị an sẽ bị Chính quyền cảnh cáo, gởi trả tức khắc về đảo cũ và sẽ bị giữ ở lại đó thêm một thời gian lâu.  Điều mà không thuyền nhân nào muốn.

Cơ quan Y tế vẫn làm việc mỗi ngày, chăm sóc chu đáo sức khỏe cho đồng bào.  Việc khám sản phụ khoa phải do một bác sĩ chuyên khoa phụ trách, có sự hiện diện của một nữ y tá hoặc của một thân nhân, hay gởi ra một nhà thương lớn ngoài phố có chuyên khoa về Sản phụ.

Đa số thuyền nhân từ các đảo sang biết mình sắp được đi, nên đã chăm chú nghe lời dặn của bác sĩ, cố gắng giữ gìn sức khỏe tốt, tránh tình trạng bệnh hoạn có thể bị giữ ở lại thêm, vì nếu trong gia đình mà có một người nào không may bị giữ lại vì lý do sức khỏe là cả gia đình cũng bị ảnh hưởng ở lại theo.

Đồng bào bị nám phổi được đặc biệt chú ý trong công việc điều trị và dinh dưỡng, để giúp cho họ sớm được đi định cư.  Thuốc trị lao được dùng tùy theo trường hợp nặng hay nhẹ, mới bị hay tái phát: Bệnh nhân được chích thuốc trụ sinh chống lao phổi mỗi ngày, thuốc uống được cấp để dùng liên tục trong ba tháng.  Bệnh nhân được theo dõi cẩn thận, khuyên nhủ bớt ưu tư, nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng.

Có người chỉ non sau hai tháng điều trị, bồi dưỡng đúng mức, kiểm tra lại thấy hình phổi trong tốt, lên cân, nên được cấp giấy phép xuất trại để đi định cư.  Tuy nhiên họ vẫn được khuyên phải tiếp tục uống thuốc kỹ lưỡng mỗi ngày theo đúng lời dặn của bác sĩ điều trị.  Giấy tờ y khoa được cấp để đương sự trình cho cơ quan y tế nơi mình đến cư ngụ.  Điều này đã khích lệ những người còn đang nằm lại điều trị để họ cố gắng nghĩ ngơi, tránh phiền nảo và yên tâm chờ đợi đến lượt mình.

Chấn chỉnh nội bộ xong, hoạt động của trại chuyển tiếp Cherras trở nên điều hòa, cuối năm 1980, gia đình tôi được đưa lên phi trường Kuala Lumpur sang Hoa Kỳ.  Chúng tôi về làng Van Buren thuộc tiểu bang Arkansas, để sống với gia đình người em gái bảo lãnh cho chúng tôi.







Loading