Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
biaYSTT-1
 
Bùi Quang DÛng M¶t Câu ChuyŒn Th©i Chi‰n

Tôi  ra trường năm 1973 và chọn đơn vị Trung đoàn 33 Sư đoàn 21. Theo cấp số bộ binh mỗi Trung đoàn có một Đại đội Quân y yểm trợ và tôi về làm Đại đội phó cho người tiền nhiệm cũng là BS Dũng làm Đại đội trưởng. Nhiệm vụ chính của tôi là đi theo Bộ Chỉ Huy Trung đoàn hành quân ở bất cứ nơi nào còn BS ĐĐT làm việc chính ở hậu cứ của Trung đoàn (trại Nguyễn Viết Cần tại Cần Thơ).

Lúc ấy khoảng cuối năm 1974 và BCH Trung Đoàn đóng quân tại căn cứ Hải quân Xẻo Rô quận Kiên An thuộc tỉnh Kiên Giang.  Căn cứ này nằm trên bờ sông Cái Lớn thông với con kinh 11 đi tân vào U minh nên cũng là Tổng hành dinh của Lực Lượng Thủy Bộ thuộc HQ. Đây là lực lượng chiến đấu nguy hiểm nhất của HQ vì họ phải bảo vệ các thủy lộ quan trọng, hành quân tiêu diệt địch nên luôn bị tấn công quyết liệt khi hành quân cũng như khi ở tại căn cứ.

Các tàu của LLTB đậu trên sông Cái Lớn bị VC thả bè lục bình có gắn bom để phá hủy hàng ngày và VC đã dùng đặc công tấn công căn cứ HQ Xẻo Rô trước khi Trung đoàn đến đóng quân. Các nhà kho (ware house) bằng sắt do quân đội Mỹ xây dựng trong căn cứ đầy kín những vết đạn trên vách sau các cuộc tấn công vào căn cứ bằng đặc công và bằng hỏa tiễn.


Vị Đại tá Trung đoàn trưởng và BCH đóng quân trong căn cứ của HQ để phối hợp chỉ huy các Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn chiến đấu quanh đó đến tận U minh. Hai lực lượng tăng phái là Quân Y và pháo binh cũng nằm trong BCH, đại diện pháo binh là ông Trung tá Tiểu đoàn trưởng và Thiếu tá TĐ phó thay phiên nhau đi theo BCH hành quân. Tôi lập bệnh xá trong một ware house trống để săn sóc các thương binh thuộc trung đoàn và các đơn vị bạn trong trường hợp khẩn cấp trước khi tản thương. Các Tiểu đoàn nếu ở gần cũng gởi thương binh về BCH để chữa trị và tản thương vì họ phải di chuyển hành quân liên tục,

Một ngày ở BCH hành quân có thể rất xôi động khi có chiến sự nhưng có khi lại rất dài nếu không có chuyện gì.  Ông ĐT Trung đoàn trưởng luôn luôn mời tôi và đại diện pháo binh ăn cơm chung mỗi ngày để nói chuyện dù tôi đã nhiều lần từ chối, đối xử rất thân tình và tử tế với tôi. Khi vợ ông xuống thăm ông cũng mời tôi ăn cơm chung và nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện ở Saigon, chuyện văn nghệ văn gừng. Có một lúc mỗi đêm ông còn kêu tôi và vài sĩ quan khác đánh xì phé và để máy ĐT bên cạnh nghe báo cáo hành quân. Tôi không đủ tiền đánh bạc ông bảo tôi làm phòng mạch kiếm tiền và ông kêu dịch vụ đóng bàn ghế cho tôi, dùng gỗ của các bao bì đạn dược.

Chiến cuộc bất ngờ trở nên xôi động và một tiểu đoàn được điều động về gần căn cứ để chống trả và bào vệ căn cứ Xẻo Rô. Ban Quân y của Tiểu đoàn báo cáo một quân nhân không muốn chiến đấu nên đã hủy hoại thân thể bằng cách dùng lựu đạn phá nát chân và họ muốn chuyển thương binh đó về chỗ tôi. Vị ĐT biết điều đó, gặp tận mặt tôi và ra lệnh:" Tôi muốn BS không được chuyển thương mà phải giữ lại đây để làm gương cho các binh lính khác", tôi trả lời tôi sẽ làm theo thượng lệnh. Nhưng sau đó tôi có giải thích với ông là tôi sẽ giữ thương binh này để làm gương cho các binh sĩ khác cho đến khi nào không thể giữ được nữa.

Anh quân nhân hủy hoại thân thể được chuyển về chỗ tôi, một bên chân của anh đã bị mất tới bắp chân với các bắp thịt gân dập nát và rỉ máu, anh đã hủy hoại thân thể trước đó 4-5 ngày. Tôi lập tức sơ cứu làm tourniquet cắt bỏ sach sẽ các cơ bắp bầm dập và nhiễm trùng rồi băng lại, chích penicillin, thuốc giảm đau. Mỗi ngày tôi đi thăm bệnh và săn sóc anh cùng các quân nhân khác. Nhưng tình trạng vết thương của anh thương binh trở nên trầm trọng hơn, đến ngày thứ ba tôi thấy sắc diện anh thay đổi và bị sốt  cao, tôi biết anh đã bị nhiễm trùng nặng và trụ sinh không còn công hiệu. Anh cần được cắt chân nếu không sẽ bị nhiễm trùng máu và có thể chết, tôi phải quyết định ngay.

Tôi ra lệnh gọi tản thương bằng trực thăng. Y tá của tôi khiêng anh thương binh ra bến đò để lên thuyền qua con kinh nhỏ đến bãi đáp trực thăng bên kia bờ. Khi y tá của tôi đang chuyển thương thì ông ĐT không biết ai báo ra bến đò và hỏi y tá tôi ai ra lệnh tản thương. Ông đạp y tá tôi ngã lăn chiêng gần rơi xuống sông, cấm không cho tản thương. Tôi đang đi tới bến đò thấy mọi sư việc. Y tá hỏi tôi bây giờ làm sao, tôi ra  lệnh tản thương tiếp và các y tá đã thi hành lệnh với sự có mặt của tôi.

Tôi trở về bệnh xá với ban Quân Y lòng nặng trĩu không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi và cả ban QY. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng chấp nhận vì tôi biết hủy hoại thân thể để khỏi chiến đấu là một tội nhưng tôi là một bác sĩ không thể để bệnh nhân chết mà không làm gì hết. Tính nhân đạo và nhiệm vụ cứu người của tôi cao hơn sự nhận định về tội phạm hay thù địch và đó là lý do quân y vẫn săn sóc các bệnh nhân trên chiến trường không phân biệt bạn thù.


Ngày hôm đó và cả ngày hôm sau tôi tránh gặp ông ĐT và tất nhiên không còn ăn cơm với ông như hàng ngày. Tôi cũng lo ban QY sẽ bị trừng phạt nên ở lại bệnh xá với ban QY suốt ngày, tối về ngủ ở bunker do ông Thiếu tá HQ CHT căn cứ dành cho tôi. Tôi cũng tránh không nói chuyện với ông sĩ quan pháo binh thường ăn cơm chung với tôi và cả các sĩ quan  khác trong BCH dù hàng ngày trước đó tôi cũng vẫn nói chuyện với họ rất thân hữu.  Nhưng bây giờ họ và tôi đều ngại vì ông ĐT đang ghim tôi, không biết chuyện gì sẽ đến

Đến ngày thứ ba ông ĐT kêu tôi lên trình diện, ông rất giận và hỏi tôi tại sao dám trái lệnh cấm tản thương và ông có thể phạt tôi. Tôi trả lời: "Thưa ĐT, tôi đã tuân lệnh ĐT ngay từ đầu và đã gìữ anh QN hủy hoại thân thể lại bênh xá trong ba ngày. Nhưng khi anh ta quá đau đớn và bệnh nặng thì tôi không thể gìữ lại. Trước nhất sẽ gây ra phản tác dụng khi các quân nhân khác thấy tình cảnh anh này (vì bệnh xá ở trong một nhà gần với một quán nước nhỏ nơi các quân nhân thường lui tới).

Sau nữa và quan trọng hơn hết là tôi không thể để mặc một BN mà không cứu chữa đó là trái với lòng nhân đạo và nhiệm vụ cứu người của tôi".  Ông ĐT hơi khựng lại vì câu trả lời của tôi, càng giận và ra lệnh: "Tôi yêu cầu BS về sửa soạn với  ban QY và đi vào quận Hiếu Lễ trong U Minh ngay khi có phương tiện". Tôi hỏi lại: " thưa ĐT, ĐT muốn tôi vào Hiếu Lễ để làm gì" ông ĐT nói: "BS vào đó làm dân sự vụ cho đến khi nào tôi kêu về lại". Tôi biết ngay ông ĐT muốn trừng phạt tôi bằng cách đày tôi vào vùng nguy hiểm nhưng là quân nhân tôi phải thi hành lệnh.


Sáng hôm sau tôi và ban QY lên trực thăng đi vào Hiếu lễ nằm giữa rừng U Minh. Quận này nằm ngay trong khu căn cứ địa của CS và đã từng bị VC đánh chiếm nhiều lần, và dù lúc đó ở trong tay Quốc Gia nhưng lúc nào VC cũng có thể tràn ngập nếu có dịp. Tôi vào đó và ở chung với Trung tá quận trưởng Trương Cuội suốt một tháng. Trung tâm quận dưới sự bảo vệ của quân đội quốc gia chỉ vỏn vẹn trong vòng bán kinh 1 dậm (mile), ra ngoài là vùng chiến sự. Ra vào quận chỉ dùng trực thăng vì không thể dùng đường bộ hay con kinh 11 bị VC kiểm soát.

Trung tá Trương Cuội rất tử tế đã cho tôi ở ngay tại quận đường, tối ngủ trong bunker tại quận đường với ông (bunker chia làm hai, ông nằm phía trước tôi nằm phía sau). Nếu tôi nhớ không lầm ông có nhà riêng và gia đình ở Rạch Giá nên trong suốt thời gian tôi ở đó ông ở tại quận đường và đêm nằm trong bunker tôi nghe ông liên lạc với các đơn vị đóng chung quanh báo cáo hoạt động của địch quân, ra lệnh chỉ huy. Có lúc VC  đã tính tràn vào chiếm quận nhưng may có một Tiểu đoàn của trung đoàn và một Tiểu đoàn Cao đài hành quân trong vùng nên chúng không dám (các vị TĐT này thường vào quận gặp quận trưởng và mời tôi đến nhậu với họ gần như hàng ngày.

Một chuyện bên lề: một lần Tướng Mạch Văn Trường vừa lên làm Tư lệnh SĐ 21 thay Tướng Hưng đáp trực thăng xuống thị sát các lực lượng chiến đấu, ông quận trưởng và các TĐT phải ra đón, tôi muốn trốn không ra vì tóc dài quá mà tướng Trường nổi tiếng reglot nên sợ ông quạt trước hàng quân nhưng may mắn ộng chỉ chiếu tướng tôi và cho qua khi biết tôi là BS. Sau này khi tôi bị thương nằm trong QYV Cần Thơ, ông có vào gắn huy chương cho tôi). Đêm nằm trong bunker tôi gối đầu khẩu súng colt và giữ cây M 16 bên cạnh nhưng không biết nếu VC tràn vào có làm gì được không.

Trung tá Trương Cuội bị VC lên án xử tử nhiều lần nhưng chúng không giết được ông. Cho đến sau 75 nghe nói ông đã bị VC bắt và xử bắn dù lúc đó ông đã giải ngũ, tôi xin chân thành cầu nguyện cho ông một quân nhân anh dũng và tài giỏi đã bỏ mình vì chính nghiã quốc gia.


Nhớ lại chuyện cũ tôi hoàn toàn không mang lòng oán hận ông ĐT (mà tôi không nêu tên) đã đày tôi vào vùng nguy hiểm mà tôi không đáng phải đi. Đây là một kinh nghiệm trong thời chiến và tôi không hề hối tiếc về cách xử sự của mình. Tôi thông cảm với thái độ căm ghét các binh sĩ hủy hoại thân thể để khỏi chiến đấu của ông ĐT nhưng các giá trị phổ quát của nhân loại còn cao hơn và cần được tôn trọng dù thời bình hay thời chiến. Không thể nhân danh chiến tranh hay bất cứ tình thế nào để chà đạp các chân lý của nhân loại. Chiến tranh hay tai ương sẽ qua đi nhưng con người là mãi mãi.

Bùi Quang Dũng
Viết trong những ngày gần tháng Tư

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2017
Loading