Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
6885565368_8bd929e38d_z
7032860067_22d12ca674_z
images
unnamed
 
 
 
NguyÍn Månh Khäi CÖn UÃt Tháng TÜ
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020
30 Tháng Tư lại về....đã bốn mươi lăm năm qua....

Nhớ về dĩ vãng đau buồn, những dòng chữ sau đây dành để tưởng niệm QLVNCH, một Quân Lực còn non trẻ mà đã tạo nên những chiến công hiển hách, vang lừng trong quân sử và cuối cùng đành chịu cảnh đỗ vỡ, tan nát trong muôn vàn uất nghẹn đau thương chỉ vì bị đồng minh phản bội.

Từng tràng đạn thi nhau nổ và phóng vút về mặt biển, đạn đủ loại M16, AK47, Đại liên cách đầu tôi chừng nữa thước từng loạt năm mười giây dừng lại chừng nửa phút rồi lại tiếp tục.  Tôi nằm úp mặt xuống cát, nón vải che đầu, bên cạnh tôi là Đại Tá Cựu Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 51 / SĐ 1 BB, bên trái là Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng TĐ 1/ SĐ 1 BB.

Chúng tôi đã di tản gần 7 ngày đêm từ thành phố này đến thành phố khác, và đến đây thì còn lại khoảng một trăm sáu mươi người từ binh nhì đến Đại Tá thuộc nhiều đơn vị khác nhau của những binh chủng khác nhau.    Khoảng chừng mười phút thì ngưng tiếng súng.  Bổng có tiếng la lớn từ phía đồi thông: ”Tất cả ra qùy ngoài bãi, mặt hướng về biển, hai tay để sau đầu”. Trong lúc mọi người vừa hoàn hồn đứng dậy, tôi chợt thấy ĐT Q. vùng dậy cởi áo trận với lon đại tá ra và khoác vào chiếc áo trận khác chạy vụt thoát đi về phía rừng thông.

Bài Cơn Uất Tháng Tư - Nguyễn Mạnh Khải (edited) Tôi cùng đoàn người còn lại làm theo lịch của những bóng đen: qùy gối mặt hướng về biển, hai tay sau ót. Nhìn ra vùng biển mênh mông tối mù trước mặt, tôi nghĩ rằng chắc giờ phút cuối cùng của mình đã đến. Tôi không thấy mệt cũng không thấy đói mặc dù không ăn uống gì suốt 6, 7 ngày di tản. Trong khoảng đen vô tận trước mặt tôi thả hồn nhớ lại những gì đã xẩy ra trong những ngày tháng vừa qua...

Trung tuần tháng giêng năm nay (1975) Phước Long thất thủ, một đồng nghiệp cùng khoá với tôi đã mất tích ở đó. Lần đầu tiên mất một tỉnh lỵ mà quân đội và chính phủ không có kế hoạch hành quân tái chiếm.  Toàn miền Nam ở trong một hoàn cảnh trầm lặng đau thương. Chiến trận xảy ra từng ngày, từng giờ ở mọi nơi trên bốn vùng chiến thuật, cho đến chiều ngày mười tháng ba 1975, tôi đang ở hành quân về hậu cứ thì được tin Ban Mê Thuột mất và vùng hai chiến thuật đang di tản về miền duyên hải. Khoảng mười ngày sau đó chúng tôi được lệnh của quân đoàn di chuyển toàn bộ sư đoàn về đóng trong thành nội Huế với lệnh tử thủ, trong khi các trung đoàn vẫn hành quân ở các vùng đồi núi phía Tây nam của thành phố.

Chúng tôi từng đơn vị lo đào hầm làm bao cát chuẩn bị với địch. Được hai ngày và chưa thấy địch đâu cả thì lại có lệnh rút toàn bộ bỏ Huế vào Đà Nẳng là nơi có Bộ Tư Lệnh QĐ1 QK1. Tôi đang ngồi nghe đài BBC để theo dỏi tình hình chiến sự thì được lệnh lên bộ chỉ huy hành quân Trung đoàn để hợp khẩn cấp. Tôi lên xe cùng tài xế và một y tá với khẩu M16 đến một ngọn đồi nhỏ gần đỉnh TBone. Sau khi nhận lệnh từ Trung đoàn, tôi đến gặp toán QY hành quân cho lệnh di tản và kéo BS T. y sĩ hành quân qua xe jeep với tôi, đám y tá còn lại chen nhau trong một chiếc xe HTT và chúng tôi đỗ đồi. Lần này thì tôi giữ tay lái, BS T. ngồi ghế trước, tài xế và cận vệ ngồi băng sau. Tôi nhấn mạnh ga phóng xe đi trong cảnh hoảng loạn đỗ vỡ của một bộ chỉ huy hành quân đang di tản.

Đi chừng mười phút đến một ngã ba, tôi rẽ phải chạy về hướng làng Văn Thánh, phóng xe qua một chiếc cầu gỗ cũ kỹ, chạy ngang chùa Linh Mụ, thẳng xuống Kim Long và về trước cửa Thượng Tứ. Nhìn qua cầu mới Nguyễn Hoàng, tôi thấy một chiếc tank M48 máy còn nổ nòng súng chỉa về phía hữu ngạn sông Hương, tôi yên tâm nghĩ rằng thành phố còn được bảo vệ bằng xe tăng thì cũng không có gì nguy ngập. Tôi về đến hậu cứ đại đội thì thượng sĩ thường vụ đã tập họp xong đám y tá còn lại và sẵng sàn di tản.

Sau nầy trên đường di tản tôi mới biết, qua lời kể lại của đám lính, là tôi đã thoát chết đến hai lần trên đường rút về từ bộ chỉ huy hành quân. Đó là: nếu tôi  về qua ngõ cây số 17 như tôi thường lên hành quân bằng đường này thì sẽ bị phục kích như số phận của chiếc jeep truyền tin ba mạng không ai sống sót, sau đó là tôi đã phóng xe qua một chiếc cầu gỗ đã hư hao từ bao nhiêu năm nay, xe đò không qua được, chỉ có người đi bộ, xe đạp hay xe bò.

Chiều 26 tháng ba năm 1975, chúng tôi bắt đầu di chuyển ra khỏi thành Nội, khi chạy ngang qua cầu Mới tôi vẫn thấy chiếc tank 48 còn nổ máy nhưng đến gần thì không thấy người nào trên xe cả, hoá ra họ đã xuống xe chạy đi hết cả rồi. Kế hoạch di tản của sư đoàn lúc đầu là bằng đường bộ theo quốc lộ 1 vào Đà Nẳng, nhưng đường đã bị cắt đứt thành nhiều đoạn từ nhiều ngày nay, nên chỉ còn con đường duy nhất là về cửa Thuận An, đi bộ theo bãi biển đến cửa Tư Hiền rồi đón  đò ghe về Đà Nẳng.

Không còn cách nào hơn chúng tôi nhắm hướng Thuận An phóng xe về miền biển. Trên đường đi rất nhiều xe từ Honda, Vespa đến xe nhà binh đủ loại nằm chất lại bên lề đường. Trời gần tối thì chúng tôi về đến phá Tam Giang. Cả một rừng người hổn loạn trước mặt, đàn ông, đàn bà, con nít… lính đủ loại binh chủng bộ binh, thiết giáp, biệt động quân, cảnh sát, cả hàng chục ngàn con người chen nhau trên một vùng đất rông khoảng hai sân banh, chỉ cần xô đẩy nhúc nhích một chút thì cũng có cả chục người rơi xuống nước. Mệt mỏi từ tinh thần đến thể xác, tôi ngồi xuống nhắm mắt suy nghĩ. Không qua phá Tam Giang được nữa rồi thì làm sao mà ra đến bãi biển để đi bộ về cửa Tư Hiền.

Đang miên man suy nghĩ thì một y tá cho biết là bốn nām đứa tụi nó đã lấy được hai thùng xăng rổng, chúng nó cột lại và kê vài tấm vàn lên trên làm thành một chiếc phao nổi, chừng năm sáu người vin vào đó có thể lội qua phá. Nhưng khi vừa thả thùng phao xuống thì cả vài chục mạng trên bờ nhảy xuống bơi về phía chiếc phao sắt và trong nháy mắt dây buộc hai thùng phuy đứt, bè gỗ trôi theo dòng nước. Tôi ngán ngẩm ngồi lại chổ cũ nhắm mắt cầu nguyện. Trời đã vào khuya thật lâu, chung quanh chổ tôi ngồi dầy đặc người ta, đủ thứ mùi xông lên nồng nặc đến nghẹt thở, bổng ầm.. ầm.. ầm... nhiều tiếng nổ thật lớn cách xa chúng tôi chừng vài chục thước. Đối phương đã bắt đầu dội pháo vào đám người đang chen nhau trên cầu Phá Tam Giang.

Không nón sắt, không áo giáp, không một tất sắt trong tay tôi và đám y tá ngồi yên chịu trận, và tôi đã ngủ vùi trong cơn mê hoảng đầy tiếng nổ và tiếng kêu khóc la hét cho đến một lúc nào chợt có một bàn tay đập nhẹ vào vai tôi: ”Bác sĩ dậy ān mì gói”. Tôi choàng dậy thì thấy P. chú tà lọt phục vụ ān uống hàng ngày cho tôi, tay xách một lon Guigoz mì gói còn bốc hơi đưa tận mặt. Tôi quá ngạc nhiên hỏi: ”Ở mô mà mi có mì goái rứa?”

“Trình bác sĩ, em vừa mới nấu”. Thằng này quê ở Quảng Nam Đà Nẵng, tháng nào tôi cũng cho nó về phép đôi ngày. Những ngày hổn loạn vừa qua tôi không hiểu sao nó không nhân cơ hội chuồn về nhà với gia đình mà còn theo tôi tới giờ phút này. Đến đây tôi, và chắc cũng nó nữa đều thấm tình thầy trò đồng đội. Ān xong tô mì gói tôi đảo mắt nhìn quanh, bổng thấy một cây ăng teng  cao đang lay động trên nền trời hừng sáng ánh bình minh. Tôi kéo Bác sĩ T. về phía cần ăng teng thì thấy Đại tá Q. đứng bên cạnh một lính truyền tin và đang chỉ về phía chiếc đò máy đang từ bên kia phá Tam Giang  chạy về phía chúng tôi, một người trên chiếc đò máy dùng một chiếc loa điện dội về phía bờ:”xin quý vị đứng yên để chúng tôi rước Đại tá qua phá làm đầu cầu để di tản các đơn vị”. Đò máy cập bờ sau vài phút tôi kéo vội Bác sĩ T. và cùng ĐT nhảy xuống đò.

Chiếc đò máy lùi nhanh ra giữa dòng phá Tam Giang, đò vừa cập bến tất cả chúng tôi nhảy xuống và chạy thẳng ra bãi biển. Đến đây tôi lại thấy một cảnh tượng chật cứng người dân và lính đang chen lấn nhau đợi tàu Hải quân vào rước. Trời gần trưa nắng cháy cả da khát khô cổ mà chúng tôi chỉ chịu đựng đứng chờ. Khoảng xế chiều ngoài khơi có một chiếc tàu há mồm (landing Ship LDS ) rẽ sóng chạy vào bờ, cách bờ khoảng 20 thước thì tàu ngừng lại, cả đám người chúng tôi chạy ào xuống biển, tôi may mắn bám được vào thành tàu, đu người phóng lên khoan tàu. Chiếc tàu rú ga thật mạnh và lùi ra khơi. Chạy khoảng 30 phút tôi thấy chiếc tàu lớn của Hải quân trên đó chất cả núi người, khi phà vừa cập vào thân tàu tôi nhảy qua bám chặt vào chiếc thang dây to tướng từ trên chiến hạm thả xuống, cùng cả hàng chục người khác trèo vào sân tàu.

Lênh đênh trên biển một ngày một đêm, chúng tôi cập bến Đà Nẵng. Tôi rời chiến hạm đi vào thành phố trong yếu định trình diện Tiểu đoàn 1 Quân y nay đã rút về Đà Nẳng. Tôi vào Quân Y viện Duy Tân, gặp một người bạn cùng khoá chỉ để thặng nó lắc đầu ngao ngán: ”sao mầy ngu quá vậy, người ta tìm phương tiện về Sài gòn không có mà mầy lại nhảy xuống tàu vào đây làm  gì ?”. Tôi không còn thời gian trả lời nó, vôi chạy nhanh về hướng cảng Đà Nẳng và may mắn một lần nữa tôi lại lên được một chiến hạm khác.

Tàu lênh đênh trên biển ba ngày hai đêm và cuối cùng cập cảng Cam Ranh. Trước đó tôi đã có lệnh thuyên chuyển về Quân Y Viện Nha Trang, trình diện ngày 1 tháng tư 1975. Tôi vào QYV nhưng không thấy ai, tôi vội chạy vào nhà bà chị ruột để nghỉ ngơi. Bà chị đưa cho tôi một lượng vàng và vài ba trăm ngàn, bảo tôi đem vào SG cho mạ tôi. Tôi tìm cách trở lại Cam Ranh, dọc đường tôi chợt thấy một đoàn gồm 6, 7 xe thiết vận xa M113 và hai chiếc xe jeep có cần câu. Đoàn xe đi rất chậm, tôi mừng rở thấy ĐT Q. ngồi trên chiếc Jeep thứ hai, tôi vội nhảy lên ngồi vào băng sau.

Đoàn xe ra khỏi thành phố Nha Trang trực chỉ Bình Tuy. Khi đến gần ngã ba Bình Tuy thì súng ở hướng đó bắn vào chúng tôi như mưa không biết là địch hay bạn, sau này chúng tôi mới biết là sư đoàn 18BB được lệnh QĐ3 phải chận đứng bằng mọi cách đoàn người di tản hổn loạn từ miền Trung vào. Chúng tôi không còn cách nào khác đành phải trở về Tiểu khu Phan Thiết để xem tình hình ở đây ra sao.  Chúng tôi gặp Thiếu tá Trưởng ba 3 Tiểu khu, Ông cho biết là Tiểu khu cũng đã có kế hoạch di tản nhưng chưa biết bao giờ mới thực hiện và mời chúng tôi ở lại cùng đi với họ.

Tình hình hiện tại rất căng thẳng, nếu phút chót họ rút đi mà không cho mình biết thì làm sao? Vì chúng tôi không thuộc quân số của tiểu khu và họ không có trách nhiệm gì với chúng tôi cả.Do đó chúng tôi chỉ cám ơn anh bạn tốt lòng và xin cho chúng tôi biết tình hình an ninh ở vùng này để chúng tôi di tản bằng phương tiện riêng của chúng tôi.Anh lấy một bản đồ hành quân của tiểu khu Phan Thiết và cho chúng tôi biết là có thể đi bằng QL1 về hướng Bình Tuy, khoảng 50 cây số thì rẻ trái, dùng M113 xuyên rừng cạn đi ra phía biển, và từ bãi biển có thể đi đến Hàm Tân khoảng hơn 10 cây số.

Chúng tôi lên mấy chiếc thiết vận xa và di chuyển về hướng Bình Tuy, đi khoảng hơn 40 cây số rẽ trái xuyên qua đám ruộng gần quốc lộ và đến cạnh bìa rừng.Chúng tôi tiếp tục xuyên rừng, tôi ngồi trên xe thứ hai cạnh ĐT Q. Trên đoàn xe này còn có một Bác Sĩ nữa, đó là Y sĩ  Đại uý T., Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 23 QY, kiêm Y sĩ trưởng SĐ 23 BB.Đoàn xe chạy được vài tiếng đồng hồ, tôi chợt thấy một cô gái đứng giữa rừng, đầu đội nón tai bèo vai mang AK 47, mặc bộ bà ba đen choàng khăn rừng. Đoàn xe vẫn phóng đi mà không nghe động tĩnh gì cả. Đến chiều thì chúng tôi đã ra khỏi rừng xồi, qua đồi cát cao này là đến bãi biển, và từ đó chỉ hơn mười cây số nữa là đến Hàm Tân, quận lỵ của tỉnh Bình Tuy.

Đến đây thì chúng tôi gặp trở ngại: trong bảy chiếc thiết vận xa, sáu chiếc chạy xăng không lên được đồi cát, chỉ có một chiếc chạy dầu cặn qua được, chúng tôi quyết định bỏ xe để đi bộ. Nhưng đoàn người đã quá mệt sau năm ngày không ăn uống nghỉ ngơi gì cả nên mọi người đồng ý nghỉ chân qua đêm. Có một nguồn nước ngọt róc rách chảy ra từ một khe đá từ đồi thông, chúng tôi uống rồi đổ vào bao gạo sấy làm cơm ăn ngon lành. Ăn xong, chúng tôi quyết định nằm nghỉ một lúc, đến khuya sẽ đi, vì chỉ còn mười cây số nữa là đến Hàm Tân.Chợp mắt chưa được bao lâu thì súng nổ rền trên đầu và chúng tôi đành thất thủ.

Những bóng đen chạy lên xuống trong hàng quân của chúng tôi, tiếng lên nòng đạn rắc rắc nghe đến rợn người. Tôi nhắm mắt lại lâm râm cầu nguyện. Chợt nghe một tiếng hét rất lớn: ”Thằng nào là đại uý và thiếu tá thì đứng dậy bước ra khỏi hàng. Trung tá Đ.đang quỳ bên cạnh tôi đứng nhổm dậy, tôi vội kéo tay ông xuống và nói thầm: ”Nó nói đại uý và thiếu tá, ông là trung tá thì đứng dậy làm gì?, ông gạt tay tôi ra: ”thôi, trước sau gì cũng bị rồi”. Tôi và vài anh em nữa cũng đứng dậy theo và đi về phía đồi thông theo sự hướng dẫn của những bóng đen. Đi chừng trăm mét thì họ bảo chúng tôi dừng lại bên gốc một cây dương liễu khá cao.

Sau đó một bóng đen đầu đội mũ tai bèo tay cầm cây súng ngắn giống như colt 45 đi đến từng người chúng tôi và hỏi người đầu tiên: ”Anh tên gì, cấp bậc gì?”. ”Tôi tên S. trung tá trưởng phòng quân số Sư đoàn 23BB, tiếp đến là anh Đ., trung tá thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 kỵ binh, và người thứ ba bị hỏi là tôi, tôi trả lời: ”Tôi là Bác Sĩ trong quân đội”. Bóng đen hỏi lại: ”bác sĩ là gì, trung sĩ hay hạ sĩ?” Tôi chưa kịp nói gì thì anh S. nói chận họng: ”Thưa mấy anh, hai anh này (chỉ tôi và Bác Sĩ T.đứng bên cạnh) là Đại uý Bác Sĩ.” ”Đại uý hả, đưa tay đây.” Thế là tất cả chúng tôi bị trói tay về phía trước.Trong màn đêm, tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ dạ quang của anh Đ., đồng hồ chỉ 3:05 đêm 3 rạng ngày 4 tháng Tư năm 1975. Và chỗ chúng tôi đang đứng là mũi Kê Gà quận Hàm Tân tỉnh Bình Tuy....

Xin hẹn các Anh và quý vị kỳ sau: G3K6: trại tù Tam Biên.

Nguyễn Mạnh Khải
K18 QYHD