Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
HQPD_1332811100
Mười hai năm trước, được tin Giáo Sư Hoàng Tiến Bảo giã từ thế gian trong một buổi sáng âm u và ngoài trời có tuyết bay như gợi thêm nỗi buồn tiếc một vị thầy rất khả kính, khả ái mà tài đức từ những nhận xét của các môn sinh “một bậc vĩ nhân” đã vĩnh viễn ra đi. Hôm nay các bạn nhắc nhở đến Thầy vào những ngày trọng Đông trong tình hình bất ổn của nền chính trị Hoa kỳ đang dằng dai suốt hai tháng nay mà kết quả bầu cử chưa biết sẽ về đâu.

Về đâu?

Xã hội đang cần một chính nhân quân tử để lãnh đạo đất nước bỗng nhớ đến thành ngữ Lương Sư Hưng Quốc và lại nhớ đến thầy:

Một Lương Sư

Là một Y sư, với tài năng và kiến thức Thầy đã cứu biết bao nhiêu bệnh nhân trong suốt mấy mươi năm hành nghề, công đức này không sao kể xiết nên hãy tạm gác để xét đến công lao đào tạo môn sinh. Đức Khổng phu tử  trong đời dạy học đã đào tạo được 3 ngàn học trò mà trong số đó có 72 vị đại hiền, được hậu thế lưu danh Vạn Thế Sư Biểu. Thầy Bảo suốt mấy mươi năm trên bục giảng của các Giảng đường Y khoa chắc số học trò thành danh cũng có thể nhiều hơn số học trò của Thầy Khổng tuy con số Hiền triết do thầy đào tạo có thể ít hơn con số 72 của Khổng Khâu thì ít nhất Thầy cũng phải được xếp vào hàng Bách Thế Sư Biểu.

Những bài học đầu tiên với Thầy: 2 tuần học về Cơ Thể Học của tứ chi và rồi một buổi chụp hình lưu niệm ở bờ Hồ Bao Tử: Thầy đã ưu ái và chăm sóc hoc trò từ buổi khởi đầu quen biết đó.

Năm thứ Hai Y khoa, Thầy mở đầu môn Cơ Thể Bệnh Lý (Ana-Path-Pathology) với bài Viêm với các triệu chứng: Sưng Đỏ Nóng Đau.

Năm thứ ba Thầy dạy về gãy xương: từng vị trí của xương gãy có cách điều trị riêng biệt khác nhau. Làm sao mà nhớ hết. Bài giảng và cours thầy phát ra rất thực dụng tôi nhớ ngày đi đơn vị tác chiến trong ba lô hành quân của tôi ngoài những thuốc men và vật dụng cá nhân tôi còn gói theo mấy xấp cours của Thầy.

Năm thứ tư Y khoa, Thầy dạy về các bướu xương: sao mà nhiều loại và rắc rối đến thế! Thầy đã làm bảng tóm lược để phân phát cho mọi người như một quyển cẩm nang, khi cần thì có ngay lời giải đáp. Câu chuyện ngoài lề trong những bài học lúc này, Thầy kể về hai nhà Cơ thể bệnh lý học nổi tiếng của Hoa Kỳ: ông Aegerter và ông X ( xin lỗi đã quên tên). ông X mỗi lần đọc 1 coupe anapath luôn luôn đòi hỏi cung cấp 3 điều kiện: coupe của mô bệnh, tóm tắt bệnh lý, và sau cùng: 100US dollars. Thiếu 1 trong 3 điều kiện ấy Mr. X không đoc; trái lại ông Aegeter không đòi hỏi nhất thiết phải đủ 3 điều kiện mới đọc và Thầy đã học và thực hành theo ông Aegeter…

Vào những ngày bất ổn chính trị trong những năm 1970s, để bù đắp những thiếu sót bài vở do những cuộc biểu tình, bãi khoá của nhóm sinh viên phản chiến, Thầy đã tổ chức các buổi học lý thuyết tại các Giảng đường của Bệnh viện Bình Dân.

Năm thứ nămY khoa thầy có mấy giờ về môn Médecin opératoire. Bài vở của Thầy cũng rất thực dụng. Tôi còn nhớ một phiên trực ở phòng nhận bệnh ngoại khoa BV NguyễnVăn Học, nhận một bệnh nhân đàn bà chừng 50 tuổi với chứng trật khớp háng (luxation de la hanche ), tôi và Trần Thu Bảo đã làm những động tác rất ngoạn mục theo phương pháp của Hippocrate để đưa đầu xương đùi về đúng vị trí cũ sau khi lên phòng nội trú dở lại trang cours của Thầy.

Ngoài ra tôi con dự những buổi luyện thi nội trú (conférence d'internat) do thầy trình bày và buổi nghe thuyết trình của Thầy ở Trường Quân y về đề tài Lao Cột Sống (Mal de Pot).
Ngoài sự truyền trao cho các môn sinh những kiến thức cơ bản về y học, Thầy đã giúp đỡ rất tận tình những sinh viên khi đi qua thực tập ở khoa Chỉnh Trực của Thầy. Mọi sinh viên nội trú khi xong kỳ thực tập ở đây với Thầy đều đã xong phần luận án Y khoa do chính Thầy bảo trợ, chính Thầy đã cung cấp tài liệu thật đầy đủ, một cơ hội rất tốt cho các nam sinh viên nếu phải nhập ngũ vì phần luận án tốt nghiệp giúp cho họ có vị thứ cao trong bảng xếp hạng khi chọn nhiệm sở.

Còn những nội trú không phải lo chuyện lính tráng đến tập sự tai khoa chỉnh trực đều được thầy huấn luyện để trở thành nhân viên giảng huấn của Trường Đại Học Y Khoa Saigon, anh Võ Thành Phụng, Lê Kính, anh Trần Việt Cường, Bác Sĩ Quang, Bs Điền, ...Thầy đã tạo mọi điều kiện để các anh có thể vượt qua được cuộc khảo sát tước vị (épreuve de titre ) bằng cách cho các anh đứng tên chung trong những bài báo do Thầy viết để đăng trên những tạp chí Y- khoa nổi tiếng của thế giới. Nhiều năm liền, từ cuối thập niên 1960 đến năm 1975, Thầy đã lãnh ghế Chánh Chủ Khảo kỳ thi tuyển Nội trú các Bệnh viện và chế độ Nội trú cũng đã được cải tổ. Khác với vài vị Giáo sư trong hội đồng khoa,Thầy chủ trương tuyển nhiều, càng nhiều càng tốt các sinh viên nội trú thực thụ trong kỳ thi tuyển nội trú vì nếu có cơ hội để học hỏi thì mọi sinh viên Y khoa vốn là những thành phần ưu tú trong xã hội đều có thể trở thành những bác sĩ giỏi để phục vụ quê hương. Sự thành công và phục vụ xã hội một cách hữu hiệu của các môn sinh của Thầy đã nói lên rằng đường lối giáo dục của Thầy rất đứng đắn và phù hợp với xã hội Việt Nam

Ngày tôi trình diện đơn vị, hành trang là mấy quyển sách Y khoa và xấp cours của Thầy Hoàng Tiến Bảo nhưng chẳng bao lâu thì biến cố 1975 như một cơn bão xô đẩy mọi người và đất nước vào một cuộc bể dâu, ngày 30/4/1975 được Thầy ghi nhận là ngày dài nhất trong cuộc đời Y sĩ của Thầy, Thầy đã can đảm gánh vai của Giám đốc BV Bình Dân chấp nhận chờ đợi mọi việc có thể đến với mình và bênh vực cho tất cả những nhân viên, các bác sĩ đàn em và sinh viên. Thầy vẫn giảng dạy học trò cho đến ngày được định cư ở Hoa kỳ vào năm 1982. Đến Mỹ, ở tuổi 60 thầy vẫn cố gắng dùi mài kinh sử để có dịp trở lại hành nghề Y khoa. Có thể lúc này Thầy học không phải cho bản thân của Thầy mà cho các môn sinh của Thầy: Thầy muốn làm một tấm gương tốt cho đám môn sinh noi theo và cũng để tạo không khí vui học cùng với đám học trò cũ vừa mới đến Mỹ. Thầy vẫn giữ cương vị của người Thầy trong mọi hoàn cảnh với ý nghĩa tốt nhất của danh từ.

Thầy đã ưu ái , chăm sóc sinh viên từ năm đầu mới bước chân vào trường Y khoa, trong suốt thời gian theo học và cả khi vào đời. Anh Phạm Duy Bình lớp 66-73 có lần nói chuyện về Thầy anh đã nói với tôi: Thầy Bảo là một vị thánh, anh nhắc rằng ngày anh mãn khoá hành chánh ở TQY, đến chào Thầy để ra đơn vị thầy dặn dò: đến đơn vị chụp ngay một tấm hình ở đơn vị: Đại Đội Giải Phẫu Lưu động Quân đoàn II gửi ngay về cho Thầy. Và ngày anh từ trại cải tạo của VC trở về; đang thất nghiệp vì chưa có việc làm, một buổi chiều nằm trên căn gác thì Thầy Bảo lọc coc đạp xe đến thăm anh và cho anh một ít tiền. Anh hết sức ngạc nhiên không biết sao Thầy biết nhà mình. Làm tròn nhiệm vụ của một thầy thuốc, một thầy dạy học lại còn đèo bồng thêm những công tác từ thiện của Xã hội chắc chắn sự đóng góp công lao của Cô Bảo ở nhà không it. Cảm mến sự tận tuỵ và ưu ái của bậc Ân Sư dành cho hàng môn sinh, nhiều người bạn của lớp chúng tôi đã chọn tên của Thầy để đặt tên cho các con của mình (trường hợp của VQC, PNH), có người chọn tên thánh của của Thầy: Thánh John Baptiste, làm tên Thánh Bổn Mạng của mình khi theo đạo Công giáo (trường hợp của NĐT)

Thầy đã ra đi nhưng những di sản mà Thầy để lại cho đời không phải ít: Bao thế hệ Y khoa bác sĩ xuất thân từ Y khoa Đại học đường Saigon, mà nổi bậc nhất là toán bác sĩ phụ trách phần chỉnh trực trong ca mổ Việt Đức: Lê Kính, Võ Văn Thành, Vũ Tam Tĩnh. Chính họ đã làm sáng danh nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hoà khi đã thực hiện thành công phần hành khó nhất của ca mổ, ca mổ mà các đại giáo sư của nền Y khoa ưu việt xã hội chủ nghĩa Hà nội đã "chê" và trả lại cho miền Nam.

Ngày nay mọi người của lớp chúng tôi đều đã trên 70, cái tuổi đang sống với dĩ vãng, mỗi lúc gặp nhau đều nhắc chuyện xua mà  thời kỳ huy hoàng nhất của cuộc đời có lẽ là thời kỳ sinh viên Y khoa. Nhắc đến các kỷ niệm đẹp thời sinh viên, không thể không nhắc đến các vị thầy khả kính và khả ái nhất của trường thuốc: Thầy Nguyễn Hữu, Thầy Trần Lữ Y, Thầy Lê Quốc Hanh và nhất là Giáo Sư Hoàng Tiến Bảo: ưu ái và chăm sóc học trò từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất cho đến khi đã vào đời.