Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 

4e7d9aa292aa726b262124f3779c2267
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021

Anh Bạn Bùi Thế Khải trong Ban Biên Tập Nội San Y Giới Pháp với lòng yêu mến chiến hữu Khóa 11 Trưng Tập Quân Y-VNCH năm 1969, muốn tôi viết cái gì đó. Trong vùng ký ức lờ mờ của một lão già 82 chợt lóe lên vài kỷ niệm … đi du lịch bằng máy bay. 

Các câu chuyện nhỏ này xẩy ra đã lâu, vào khoảng 25 năm trở lại.

Thưa Quý Vị, tình huống xảy ra rất bất ngờ trong khi tinh thần không chuẩn bị và trong lúc đang ngái ngủ vào các dịp nghỉ …hè thoải mái.

Đây là tôi muốn kể về những cú gọi khẩn cấp qua loa phóng thanh ở phi trường hoặc trên máy bay ‘’A lô! A lô ai là bác sĩ ở đây, có bệnh nhân đang cần cấp cứu. A lô! A lô!’’.

Tại phi trường Oslo-Nauy

Vợ chồng chúng tôi đang ngồi ở phòng đợi Fornebu-Oslo chờ bay đi Paris để nhà tôi ‘’dạo chơi’’ trung tâm mua sắm La Fayette, chợt loa phóng thanh kêu lớn bằng tiếng địa phương ‘’Có ai là bác sĩ ở đây, một bệnh nhân từ Kristiansand vừa đáp xuống phi trường để được xe di chuyển vào bệnh viện mổ tim, nay đang có vấn đề’’. Lời kêu gọi nhắc đi nhắc lại trong 5 phút mà không thấy ai nhúc nhích. Nhà tôi hích khuỷu tay vào tôi “Anh ơi, người ta gọi bác sĩ kìa!”. Tôi nghĩ trong bụng, mình đâu phải chuyên viên bệnh tim mạch, dính dô có ngày toi mạng. Bảo với nhà tôi như thế. Nhà tôi nói “Kệ, người ta khẩn thiết kêu gọi, mà mình là bác sĩ, ngồi im sao được!”. Nghe có lý, không thể ngồi im, tôi chạy về phía bệnh nhân đang nằm trên xe đẩy, tim đánh lô tô vì không biết chuyện gì xẩy ra. Cũng may bà bệnh nhân đau ngực, có đủ thuốc cần thiết cho bệnh tim. Tôi chỉ dẫn bệnh nhân nên dùng ngay thuốc nào. May mà …tai qua nạn khỏi cho… tôi.

Trên chuyến bay từ Paris/Pháp-Oslo/Nauy.

Chúng tôi ở xứ Viking tận nơi xó Bắc Cực quê mùa cho nên nhà tôi thỉnh thoảng rủ tôi sang Paris, nơi có những cửa hàng áo quần, bánh trái nhà tôi thích, vì bị ảnh hưởng của Pháp từ hồi học tiểu học trường Pháp. Lại thêm ở Huế có tiệm Chaffenron chuyên bán sản phẩm từ Pháp. Nhiều lần chúng tôi đáp máy bay hồi 7:00 giờ sáng từ Oslo-Nauy, chỉ 2 tiếng sau, chúng tôi có mặt ở quận 13 Paris, vào tiệm phở ăn sáng.

Một lần khác, trên chuyến bay từ Paris trở về nhà, chợt loa phóng thanh phát ra lời kêu gọi “A lô, a lô, chúng tôi cần bác sĩ, có bệnh nhân đau bụng khẩn cấp’’. Lời kêu gọi phát ra 4-5 lần. Tôi ngồi không nhúc nhích, vì nghĩ rằng thế nào trên chuyến bay cũng có vài bác sĩ. Thế nhưng không ai đứng lên cả. Nhà tôi thúc bên hông “Anh kìa, người ta cần bác sĩ, hãy đứng dậy đến với bệnh nhân đi!’’.

Chẳng đặng đừng, tôi phải làm theo “bề trên’’. Không phải trường hợp cấp cứu. Tôi tìm trong túi thuốc cần thiết mang theo đưa cho bệnh nhân dùng tạm. Cũng may, mọi sự êm ru cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường.

Vào khoảng 2-3 tuần sau đó, hãng Air France gửi tấm thiệp cám ơn với chiếc áo thun quảng cáo thương hiệu máy bay.

Trên chuyến bay Frakfurt/Đức-Gardemoen/Nauy.

Đang lim dim ngủ gật trên máy bay, bỗng nhiên loa phóng thanh xướng lên “A lô, A lô, đây là tiếng nói của phi công trưởng chuyến bay X, chúng tôi cần bác sĩ. Một nữ bệnh nhân đau bụng khẩn cấp’’. Sau 3 lần kêu gọi không thấy ai anh dũng đứng lên, nhà tôi - một gynécologue- bèn đứng lên đi về phía bệnh nhân. Sau khi xem qua, biết rằng không phải bệnh phụ nữ, bèn “bàn giao’’ đương sự cho tôi.

Bệnh tình của nữ hành khách không thuộc hạng khẩn cấn phải nhập viện. Tìm trong túi thuốc cần thiết mang theo, giúp bệnh nhân. Mọi sự êm xuôi. Tiếp viên hàng không Luftansa tặng chiếc áo thun gọi là “đền ơn’’.

Chuyến du lịch Oslo/Nauy-Úc và các Đảo trên Thái Bình Dương.

Chuyến đi gần 2 tuần lễ để lại những kỷ niệm khó quên trong ký ức. Chúng tôi đi theo toán vào khoảng trên 30 người từ Nauy. Thăm thú Sydney, Melbourne, Brisbane, được gặp lại bạn đồng môn từng ở tù cải tạo chung nhau ở Long Giao, Katum, là Bác Sĩ Nguyễn Diêu. Có ý muốn ghé thăm BS Nguyễn Phúc Bảo Quý, một đồng nghiệp trẻ tốt nghiệp ở Úc, rất giỏi về computer và rất dễ thương, tuy nhiên rất tiếc không được gặp.

Chúng tôi lên cruiseship Royal Caribbean từ Brisbane thăm một số đảo trên Thái Bình Dương như Fiji, Nouvelle Calédonie, Vanuatu v.v.. nơi một số nhà yêu nước Việt Nam bị thực dân Pháp bắt giam rồi đày sang đó vào thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Chuyến đi diễn ra 2 giai đoạn. Từ Oslo/Nauy dùng Thai Airways sang Bangkok/Thai Lan, rồi từ đó đổi máy bay Qantas của Australia Airways đi Sydney. Chuyến về, lấy máy bay từ Brisbane đến Bangkok, từ đó đổi máy bay trở về Oslo.

Trong nhóm chỉ có chúng tôi gốc Việt Nam. Vì chuyến đi khá dài ngày, hầu như mọi người biết về nghề nghiệp cũ của chúng tôi.

Trên máy bay từ Thái Lan về Nauy, đang ngủ ngon, bỗng nghe tiếng gọi giật cách 3 hàng ghế “Bác sĩ!”. Bừng tỉnh. Một người trong nhóm chỉ tay về phía cách đó 4-5 hàng ghế. Vội vã chạy sang. Một người trong nhóm nằm bất tỉnh giữa lối đi. Mạch cổ tay nhịp rõ và tốt, hơi thở đều nhưng nhẹ, ở trong thế “ngủ say’’. Hai tiếp viên hàng không mang hộp cấp cứu y tế đến, chả biết dùng làm gì trong lúc gấp. Xem qua thấy tình hình “bệnh nhân’’ không ở hoàn cảnh khẩn cấp, bèn yêu cầu di chuyển đương sự từ hạng du lịch bình dân lên hạng ghế “cao cấp’’vì nghĩ rằng ở đó không gian thông thoáng hơn. Tôi phải đi “visite’’ 2 lần, “bệnh nhân’’ xem ra chìm vào giấc ngủ êm ả. Sáng sớm hôm sau đương sự đến ghế ngồi chúng tôi nói lời cám ơn lịch sự. Bà sếp tiếp viên hàng không Thai Airways nói lời cám ơn với chai champagne lớn trao tay, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có dịp mở ra uống.

Chuyến du lịch bằng tàu trên sông Wolga từ Moscow đi St.Petersburg

Cách đây vào khoảng 04 năm, chúng tôi ghi tên vào hãng du lịch làm chuyến du hành dọc theo sông Wolga từ Moscow đi St.Petersburg mà thời Sô Viết gọi là Leningrad. Nhóm gồm khoảng 40 người, ngoài chúng tôi gốc Việt, toàn là người gốc Viking. Vì chuyến đi dài ngày nên mọi người đều biết nhau chút ít.

Một hôm sau bữa cơm tối, một phụ nữ trung niên nói riêng với tôi về người bạn gái cùng lugar có vấn đề về sức khỏe vì sau chuyến phiêu du này sẽ nhập viện, nhờ tôi xem dùm.

Vì chúng tôi bị huyết áp lên xuống bất thường nên có mang theo máy đo. Lần này thì không cảm thấy căng thẳng, vì nếu có “vấn đề’’ khẩn cấp thì đá banh sang bác sĩ Nga đi theo chuyến tàu.

Đương sự khá đẫy đà. Trong các cuộc du ngoạn luôn có mặt. Tôi để ý, khi thăm viếng nơi nào, nếu có cơ hội là tìm cách ngồi nghỉ mệt. Huyết áp và mạch bình thường, hơi thở bình thường, bụng mềm. Mặc dù không biết đương sự bệnh gì nhưng qua các dấu chứng cơ thế, tôi chỉ biết an ủi rằng xem ra tình hình sức khỏe như thế này thì chẳng có gì lo ngại hết. Hôm sau nhận được món ‘’quà tặng’’ là búp bê nhỏ có hai cánh sau lưng.

Tâm tình của người làm lang tây bất đắc dĩ.

Tôi rất sợ phải hành nghề lang tây bất đắc dĩ theo kiểu như thế này trong khi trên tay mình chẳng có phương tiện khám và chữa bệnh. Người thợ may có cây thước, cái kéo, cái máy may mới ra là thợ may. Người bác sĩ chẳng có gì trên tay, mần răng mà “hành nghề’’. Mỗi lần loa phóng thanh trên máy bay kêu bác sĩ khẩn cấp, tôi cố tránh, ‘’nhường’’ phận sự cao đẹp cho một đồng nghiệp nào đó. Lần nào cũng như lần nào, không có ông bà nào anh dũng nhào ra đỡ đạn, thế là mình phải gồng mình gánh lấy. Với mỗi bước chân đến đến gần “bệnh nhân’’, não bộ tôi “làm việc’’ chớp nhoáng với trái tim đập lỗi nhịp. Cái lo lắng của tôi hiện ra trong đầu: Liệu hành khách đương sự có ở trong tình trạng khẩn cấp hay không? Nếu ở vào trường hợp khẩn cấp, liệu mình có dám yêu cầu phi cơ đáp xuống phi trường gần nhất để chuyển đương sự vào bệnh viện cấp cứu? Trách nhiệm mình phải gánh cả hai vai. Một bên là tính mạng bệnh nhân, một bên là trách nhiệm đối với phi hành đoàn!

Mỗi lần trên máy bay, khi nghe loa gọi bác sĩ khẩn cấp là …run. Cũng may tôi gặp “hên’’ trong các trường hợp tôi chường mặt. Lỡ học làm bác sĩ, khi nghe lời kêu gọi khẩn cấp, lương tâm không cho phép tôi gục mặt cúi đầu chạy…đạn!

Cái khổ là ở chỗ đó trong khi mình chỉ là một anh lang tây làng nhàng.

Bắc Âu, tháng 03.2021, đầy 82 tuổi .
Tôn-thất Sơn

(Mùa đại dịch Cúm Tàu đang kéo dài từ đầu năm 2020 cho đến nay không biết
bao giờ mới dứt)