Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021
Câu chuyện Kỳ Hoá Khả Cư, giấc mộng di hoa tiếp mộc của Lã Bá Vi; Tần Thuỷ Hoàng họ Doanh hay họ Lã?
Chế độ phong kiến Đông phương dưới ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo đã đặt các vua chúa vào địa vị chí tôn với quyền hành độc tôn, địa vị cao sang; kho tàng vô tận… Đấng Thiên tử chẳng ai dám so bì, nên chỉ cần được kề cận quân vương cũng đủ để được một đời vinh hiển. Được Thiên tử tin dùng là đã có địa vị cao sang và lợi lộc vô ngần ai mà chẳng ham muốn là "tả phù, hữu bậc” nhưng cơ hội đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng. Lịch sử Trung quốc còn ghi lại cuộc đầu tư ngoạn mục của Lã Bát Vi trong một thương vụ "buôn vua". Lã bát Vi đã giúp Tần Dị Nhân, một Hoàng tôn của vua Tần đang làm con tin nơi nước Triệu lấy lại được uy tín của kẻ bị lưu đày và lòng tin yêu của triều đình Tần quốc để xứng đáng được lên ngôi cửu ngũ… Và hơn thế nữa truyền thuyết dân gian và những điều còn hoài nghi trong lịch sử còn nói rằng Lã Bát Vi còn có tham vọng đưa dòng máu của mình vào dòng hoàng tộc thống trị Trung hoa trong thủ đoạn "di hoa tiếp mộc" . Người đời vẫn truyền tụng rằng Tần Thuỷ Hoàng là con của lã Bát Vi. Sự thật thế nào vẫn còn là một nghi vấn.
Bài viết chỉ muốn giải thích một sự tò mò về huyết thống của một quân vương bạo chúa dưới tầm mắt của y học; muốn đặt lại vấn đề truy tầm phụ hệ của Hòang đế đầu tiên của Trung quốc cũng như sự khả thi của việc cấy dòng máu của mình vào hoàng thất đời đời thống tri giang sơn.
Trở về với Lịch sử Trung quốc trong thời kỳ chiến quốc. Tần quốc lúc bấy giờ là nước chư hầu yếu kém ở về phía Tây của Trung nguyên. Vua Tần phải gửi con tin sang nước Triệu lúc này đang là bá chủ. Dị Nhân, một hoàng tôn, con của Thái tử An Quốc Quân vì mẹ là Hạ cơ mất, không được trọng vọng và thương yêu lắm trong Hoàng thất được cử làm con tin; sống thân phận lưu đày. Một duyên kỳ ngộ giữa Lã Bát Vi, một thương nhân tương đối thành công trên thương trường với Tần Dị Nhân đã tạo một cơ hội tốt đẹp mà hai bên đều có lợi; viết nên lịch sử Trung quốc, ảnh hưởng không ít đối với nhân loại.
Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên Lã Bát Vi đã già đoán anh hùng giữa chốn trần ai vì Dị Nhân không hơn không kém chỉ là một con tin đang bị bạc đãi vì "nước Tần là nước hổ lang, người Tần tráo trở " vẫn đang lăm le ngoài biên giới nước Triệu. Vua Tần Chiêu Vương ở xa cũng chẳng mấy đoái hoài đến đứa cháu lạc loài.
Được sự đồng thuận của người cha về lợi ích không cùng của việc buôn vua so sánh với mọi công việc sanh nhai hay buôn bán khác, Lã Bát vi đã từng bước, lên kế hoạch đưa Tần Dị Nhân về làm vua nước Tần…
Trước nhất Lã bát Vi tái tạo lại phong thái và niềm tin của Dị Nhân, đã không ngại tốn kém cung phụng tiền bạc, nhà cửa và cả mỹ nữ cho Dị Nhân. Họ Lã còn phải đút lót cho những kẻ canh giữ con tin để họ dễ dãi cho Dị Nhân được thoải mái trong những sinh hoạt và đi lại cũng như để có sự dễ dàng của họ trong những cuộc gặp gỡ, bàn bạc về kế hoạch lâu dài.
Lã bát Vi còn phải tung tiền để mua uy tín của Dị Nhân đối với Hoàng tộc và triều đình Tần quốc cũng như để mua sự tin yêu của Hoàng tộc và xã tắc nước Tần đối với Tần Dị Nhân.
Trước hết Lã Bát Vi khuyên Dị Nhân đổi tên thành Tử Sở (người con của nước Sở) để lấy lòng Hoa Dương phu nhân, người vợ xuất thân từ nước Sở, không có con trai đang được Thái tử An Quốc Quân sủng ái. Lã đã không ngại mua chuộc người chị của Hoa dương phu nhân và đưa tin rằng Dị Nhân là một người con chí hiếu lúc nào cũng nghĩ đến cha, (An Quốc Quân) và mẹ (Hoa Dương phu nhân- tuy chưa được phu nhân nhận làm con nuôi), để được người này nói thêm những tiếng tốt cho Dị Nhân.
Họ Lã còn khôn ngoan mua lòng của Dương Toàn, người em của Tần Vương Hậu, chánh thất của Tần Chiêu Vương (ông nội của Dị Nhân Tử Sở) để thêm tiếng nói của Vương hậu làm hậu thuẫn cho việc lập Dị Nhân làm người kế vị ngôi vua và tìm cách cứu Dị Nhân về Tần.
Trở về nước Triệu ở thành Hàm Đan và sau này ra Tùng Đài, Lã bát Vi vẫn phải cung phụng Dị Nhân như một thượng khách: vàng bạc, nhà cửa, xe cộ và ... mỹ nữ. Lã bát Vi đã gả người thiếp mỹ miều và yêu dấu nhất của mình, nàng Triệu Cơ đã có thai hai tháng) cho Dị Nhân với sự tính toán rằng đứa con trong bụng Triệu cơ sẽ là người kế vị những vua Tần sau này.
Tư Mã Thiên không ghi là chi tiết này, chỉ ghi vắng tắt là Triệu cơ đã có thai…
* Theo Chiến Quốc sách (bảng dịch của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê) thì Lã Bất Vi giúp Dị Nhân về Tần, làm vua không nói gì về việc gả Triệu Cơ đã có thai, cho Di Nhân.
Chính sử thì không ghi rõ ràng việc nàng Triệu Cơ có thai với Lã Bát Vi trước khi về với Tần Dị Nhân nhưng dã sử tiểu thuyết hay lịch sử tiểu thuyết và truyền thuyết dân gian thì truyền tụng rằng Triệu Cơ đã có thai 2 tháng với Lã Bát Vi trước khi về với Dị Nhân và Triệu Chánh (lúc bấy giờ lấy họ mẹ để dễ bề đi lại) được sanh vào ngày một tháng Giêng (ngày tháng chánh trong một năm vì thế mà quân vương tương lai có tên là Chánh) và cuộc hoài thai của bạo chúa tương lai cũng rất đặc biệt là một năm thay vì thông thường chỉ có 9 tháng 10 ngày.
Truyền thuyết ghi rằng, trong dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) Lã Bát Vi bày một tiệc rượu linh đình đầy đủ sơn hào hải vị, không thiếu bồ đào mỹ tửu, thêm phần vũ nhạc giúp vui. Hai người khách đặc biệt được mời: Tần Dị Nhân và giám sát Công tôn Kiên. Khi hai người khách đã ngà ngà hơi men, Lã Bát Vi tung chiêu cuối cùng: Nàng Triệu Cơ xuất hiện trong điệu nhạc du dương, xiêm y rực rỡ, bước chân dìu dặt, toàn thân mỹ miều uốn lượn như cánh bướm chập chờn trong sương sớm. Dị Nhân mơ mơ màng màng tưởng chừng như đang ở chốn bồng lai; không còn tự chủ, ôm choàng mỹ nữ vào lòng. Cá đã cắn câu, ngay ngày hôm sau Lã Bát Vi đưa Triệu Cơ về nhà Dị Nhân dưới sự chứng giám của của người giám sát.
Mấu chốt của câu chuyện là đây: sự có thai dài tháng (grosesse prolongée) hay sự "chửa trâu” của nàng Triệu Cơ khi sinh ra Tần Thuỷ Hoàng.
Tần Thuy Hoàng sanh vào tháng giêng năm 260 trước Tây lịch (năm 260 BC) vậy khi Triệu Cơ vu qui về nhà Dị Nhân vào Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) năm ấy; nếu kể thêm 2 tháng có thai trước ngày vu qui thì thai kỳ phải là 14 tháng. Một điều vô lý không thể chấp nhận được. Theo y học (Tây y): thai nhi của một thai kỳ quá 10 tháng đã không có thể sống được rồi vì thiếu dinh dưỡng và dưỡng khí qua hệ thống tuần hoàn đặc biệt trong bụng mẹ chật chội, nói chi đến thai kỳ kéo dài một năm hay 14 tháng.
Thêm những chuyện bất thường nữa: những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ mang thai dài tháng (grossesse prolongée) thường là những đứa trẻ bướng bỉnh ngu đần. Tần Thuỷ Hoàng không phải là kẻ ngu đần.
Những "bất thường" trong những cuộc trao long hoán phụng của những sự tiếp mộc di hoa thì thông thường người mẹ báo tin rằng bà đã phải sanh non (dù hài nhi vẫn đủ cân nặng) với "1001 " lời giải thích về lý do sanh non. Nhưng trong trường hợp của Tần Thuỷ Hoàng lời giải thích của những người chung quanh là: “‘một vĩ nhân đặc biệt phải có một thời kỳ được mang thai đặc biệt’”, phải chăng lời giải thích được nàng Triệu Cơ tung ra để làm yên tâm Lã Bát Vi khi nàng biết chắc Doanh Chính không phải là người con mang dòng máu của Lã Bát Vi.
Vậy thì việc gì đã có thể xảy ra đối với việc nàng Triệu Cơ mang thai Tần Doanh Chính?
Những trường hợp sau đây có thể hợp lý:
Trường hợp I: Nàng Triệu Cơ thật sự chưa hề có thai với Lã Bát Vi, nhưng khi Triệu mỹ nhân được Lã Bát Vi lên kế hoạch "thụ vương " (trồng vua) từ bụng của Triệu Cơ nàng đã nói dối với Lã Bát Vi rằng nàng đã có thai với người thương gia khôn ngoan ấy để mong chút lòng hào hiệp của kẻ lắm tiền vì trước sau Lã Bát Vi vẫn là chỗ dựa của Triệu Cơ trong khi Tần Dị Nhân dưới mắt nàng chỉ là một con tin sống nhờ sự cung phụng của Lã Bat Vi. Ngôi cửu ngũ đâu chưa thấy trước mắt là một tấm thân tầm gửi; và thật sự nàng đã mang thai với Dị Nhân sau vài tháng về sống chung với Tần Dị Nhân và hài nhi Doanh Chính sinh ra là hài nhi sanh đúng ngày tháng hoài thai. Vậy Doanh Chính là con của Dị Nhân, không phải con của Lã Bát Vi.
Thời gian đầu về sống với Dị Nhân, ân ái mặn nồng chắc chắn Dị Nhân sẽ phát hiện những bất thường ở người đàn bà có thai 2 tháng, thời kỳ thèm chua, ốm nghén. Có ngu đần đến đâu Dị Nhân cũng phải có chút nghi ngờ về cái bào thai ấy chứ. Cho dù có vì lý do nào đó phải ngậm đắng nuốt cay làm thân chim chích choè nuôi con tu hú thì cũng không dễ gì chấp nhận đứa con nghiệt chủng đăng cơ Thái tử kế vị Vương thất nhà Tần vì khi ấy nhà vua đã đăng quang là Trang Tuyên Vương, ít nhiều cũng đã có quyền hành và không khó lắm thoát khỏi ảnh hưởng của Lã Bát Vi.
Trường hợp II: Nàng Triệu Cơ đã có thai với Lã Bát Vi, nhưng khi về với Dị Nhân, nàng đã bị hư thai tự nhiên (avortement spontané). Có thể nàng biết hay không biết về sự hư thai này. Điều này không lạ vì những cuộc vui trác táng : đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu; và sau khi hư thai nàng Triệu Cơ lại mang thai với Tần Dị Nhân để rồi sinh Tần Doanh Chính. Tần Thuỷ Hoàng không phải là con của Lã Bát Vi.
Truòng hợp thứ III: Nàng Triệu Cơ tiếp tục đi lai với Lã Bát Vi và thật sự có thai với họ Lã sau ngaỳ vu qui về công quán của Dị Nhân. Điều này có thể xảy ra, nhưng xác xuất xảy ra rất thấp bỡi lẽ Lã Bát Vi là người khôn ngoan, không bao giờ làm chuyện có nhiều rủi ro. Họ Lã đã gần như trút trọn gia tài để đầu tư vào việc buôn vua; một khi chỉ vì việc vụng trộm với người đàn bà bị vỡ lỡ thì, liên hệ của Dị Nhân và Lã Bát Vi không còn tốt đẹp; họ Lã sẽ mất cả chì lẫn chài. Vả lại thời gian vụng trộm của nàng Triệu Cơ với Lã Bát Vi (nếu có) cũng sẽ rất ít ỏi so vời thời gian gần gũi của Triệu Cơ đối với Dị Nhân, nên xác xuất để Triệu Cơ có thai với Lã Bát Vi rất thấp so với xác xuất để Triệu Cơ có thai với Dị Nhân. Trong truyện và sách lịch sử cũng cho thấy Lã Bát Vi hiếm con hơn Tần Dị Nhân. Hạt giống của Lã Bát Vi không chắc là tốt (fertile) hơn hạt giống của Dị Nhân. Sau khi Trang Tuyên Vương băng Hà, Lã Bát Vi lại tư thông với Triệu Thái hậu nhưng không thấy có con trong khi Triệu Thái Hậu đã có 2 người con với Lao Ái sau khi họ Lã khôn khéo quất ngựa truy phong. Vả lại nếu Lã Bát Vi có ý định muốn Vương thất nhà Tần nuôi con mình làm vua thì khi biết cái bẩy Triệu Cơ không thành có thừa khôn ngoan để giăng các bẩy khác. Họ Lã đâu có thiếu các nàng Trịnh Cơ, Hàn Mỹ nữ hay Sở Mỹ nhân để dâng hiến cho Dị Nhân theo cách đã dâng Triệu cơ cho Vương tôn nhà Tần.
Dân gian hẳn đã biết Tần Thuỷ Hoàng khó có thể là con của Lã Bát Vi, nhưng tại sao người đời vẫn cố gán ghép Tần Thuỷ Hoàng là con của Lã Bát Vi. Có lẽ người đương thời và hậu thế oán ghét bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng vì những tội phần thư khanh Nho (đốt sách chôn học trò), đày ải hàng triệu người đi xây Vạn Lý trường thành với “Đống xương Vô định đã cao bằng trời” và muôn vàn những khắc nghiệt khác vì sự tàn ác, tham lam và ích kỷ. Bạo chúa chỉ đáng là một đứa con hoang
Chuyện về sau khi Kha Thư Hàn làm phản, muốn tôn lập Thành Kiệu, vẫn còn nhiều người (Mông Ngao, Mông Điềm) ủng hộ Tần Thuỷ Hoàng vì vẫn nghĩ Doanh Chính Tần Thuỷ Hoàng là con chánh thức của Dị Nhân Tần Trang Vương.
Lã Bát Vi từ một thương gia từng trải đã quá chu đáo trong kế hoạch buôn vua và đã thành công với mục tiêu đầu tiên và tối hậu này. Chỉ là một thương nhân đã trở nên một Tể tướng của một Đế quốc, ông đã lấy được cả vốn lẫn lời. Còn thiếu gì: tiền tài địa vị. Danh vọng với tước vị Thường Tín Hầu còn chưa đủ; Lã bát Vi kiến lập Lã Thị Xuân Thu hầu muốn hậu thế chiêm bái như hàng Văn thánh. Được voi đòi tiên. Chuyện trồng vua (thụ vương) vào vương thất nhà Tần có lẽ chỉ là chuyện thứ yếu khi có cơ hội nhưng Xuân Thu giấc mộng chưa thành.
Thân thế của Tần Doanh Chính và những người liên quan được sử Gia Tư mã Thiên ghi lại vài hàng sơ lược. Sử gia sống sau Tần Thuỷ Hoàng khoảng 100 năm và câu chuyện ghi lại (khoảng năm 199-BC đến năm 90 BC nghiã là 150 năm về trước từ những lời truyền tụng trong dân gian. Lời truyền tụng không nhiều thì ít không tránh khỏi tình cảm chủ quan của người nói lẫn người nghe. Nhân chứng cho sự kiện ngày trước đã không còn ai; mà nếu có chăng nữa vào lúc đương thời thì mấy ai biết rõ sự kiện trừ chính một người: đó là người mẹ ruột của Tần Thuỷ Hoàng: Triệu Cơ.
Hai nhân vật được ghi nhận và nghi ngờ là cha của bạo chúa: Tần Dị nhân Tử Sở và Thường Tín hầu Lã Bát Vi chắc ít nhiều cũng biết sự thật theo những suy đoán và hiểu biết của họ và họ giữ sự thật theo lợi ích của họ. Nặm 257 BC, quân Tần vây đánh thành Hàm đan rất gắt Lã Bát Vi sợ tính mệnh của Tần Dị Nhân bị đe doạ; bằng mọi giá phải cho Dị Nhân trốn thoát về Tần, nếu không thì không còn cơ hội nào nữa mà bao nhiêu tiền của đầu tư cho thương vụ buôn vua này cũng sẽ mất sạch. Lã Bát Vi đã nói dối với Công tôn Kiền rằng sợ cuộc can qua kéo dài không còn đường về thăm nhà ở Dương- dịch, xin làm một buổi tiệc chia tay và xin cho mở cửa thành phía Nam trong chốc lát (3 ngày) sau đó để họ Lã đưa gia đình thoát khỏi nước Triệu. Bây giờ Quân Tần đang vây hãm phía tây Tùng Đài. Lã Bát Vi ép rượu Công tôn Kiền, làm ra mặt quyến luyến vì sẽ khó cơ hội gặp lại.
Công tôn Kiền say rượu ngủ li bì, ngay trong đêm đó Lã Bát Vi cho Dị Nhân cải trang làm gia nhân đi lẫn vào đoàn tuỳ tùng thoát ra khỏi Tùng Đài ở cửa Nam sau khi trình giấy thông hành xin được của Công tôn Kiền và vàng bạc đút lót cho các người giữ cửa. Thoát ra khỏi thành Tùng Đài, Lã Bát Vi dẫn đoàn tuỳ tùng và Dị Nhân vòng về hướng Tây để tiếp xúc với các tướng sĩ Tần quốc giải cứu Dị Nhân. Trong lần thoát hiểm này Lã Bát Vi đã coi nhẹ Doanh Chính mà chỉ lo cho Dị Nhân; năm ấy Doanh Chính lên ba tuổi; mãi đến mấy năm sau mẹ con Triệu Cơ mới thoát về được đất Tần. Xem ra việc này Lã Bát Vi đã không có biểu lộ mấy tình phụ tử sâu đậm đối với Doanh Chính. Phải chăng Lã bát Vi đã biết Doanh Chính không phải đích thực là người mang dòng máu họ Lã.
Người đương thời có lẽ cũng biết được sự thật mặc dù có những lời đồn đãi trong dân gian. Bằng cớ là triều thần và binh sĩ nhà Tần vẫn rất trung thành với vua Tần. Quần thần, xã tắc và binh sĩ có thể vì quyền lợi vẫn trung thành với Tần Thuỷ Hoàng, nhưng cũng khó loại bỏ được yếu tố tôn quân. Họ thờ vua vì nghĩ vua mang dòng máu chính thống của Hoàng gia không thể la` đứa con nghiệt chủng. Nhưng dân gian thì vẫn đồn đãi rằng Tần Thuỷ Hoàng chỉ là đứa con hoang nghiệt chủng. Vâng bạo chúa chỉ nên xứng đáng là một đứa con hoang. Và với Lã Bát Vi, còn một giấc mộng Xuân Thu chưa thành.
Chicago Mùa Đông năm Quý Mùi
Phan Bảo Thư