Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 

happy-fathers-day-neon-sig
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2021


Father’s day! Một ngày Father’s day lại đến khiến tôi nhớ lại ngày Father’s day 5 năm trước, khi các bạn học cũ Chu Văn An cùng lớp, một ngày đến Houston gây cảm hứng cho tôi viết bài “Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ” với câu kết; nếu cha tôi còn sống chắc ông lại rầy rà với cặp mắt nghiêm khắc như ngày tôi 18 tuổi:

- Mày không đi ngủ sau mấy đêm làm việc chỉ thích viết lách!

Câu kết luận ấy đúng cho cả hai ông bố, ba tôi và ông bố vợ. Bài tùy bút ấy đã viết trong một mùa hè với cảm hứng 51 năm trước, cậu bé 11 tuổi với bài luận văn thi vào đệ thất trường Trần Lục “Mùa hè năm nay em sẽ lên núi hay xuống biển?”

51 năm sau, cậu bé ấy qua bao nhiêu năm sống trong đời không thấy câu hỏi nào có một câu trả lời giản dị!

Mùa hè năm nay, với tôi, bắt đầu vào một ngày cuối tháng năm, một ngày cuối tuần xuống Galveston, thành phố phía nam Houston ở vùng vịnh Mễ Tây Cơ, với căn nhà đã hơn 24 năm mang nhiều kỷ niệm. Thành phố hồi phục sau trận bão Ike 4 năm trước, nhộn nhịp, đông người trên đường phố và bãi biển dọc trên đại lộ Seawall. Con người đã dễ quên sau những cơn bão tàn phá khắp thành phố. Căn nhà của tôi vẫn còn đó sau nhiều cơn bão, nhưng đã vắng bóng những người đã đến và yêu căn nhà ấy hơn chính tôi. Căn nhà đã vắng những tiếng ồn ào của đám trẻ con cuối tuần xuống đùa với sóng và nước. Ngày còn trẻ, đến nhà, ra tắm nắng và tắm biển, đêm đi dọc trên bãi, đạp trên nước lấp lánh ánh lân tinh và những con sò, đêm nằm nhớ những kỷ niệm mùa hè ở Việt Nam và bạn bè. Đêm hè năm nay, tôi nhớ những tiếng nói tiếng cười năm xưa và bỗng thấy ra biển chỉ để nhìn những cơn sóng, nghe tiếng sóng trò chuyện hàng giờ tưởng như chính mình đã chuyện trò với bạn bè đã đến đây nhiều đêm, nằm ngủ quên ngoài sân thượng, nhìn ra biển với tiếng gió, tiếng sóng vỗ về và không muốn quay về lại thành phố Houston của những ngày hè oi ả.

Một tuần sau từ biển tôi đi lên xa hơn núi, đến thành phố Montréal, Gia Nã Đại (thành phố núi Royal, Mont Royal nói trại thành Montréal). Thành phố đã đem đến hạnh phúc cho tôi trong nhiều mùa hè. Thành phố không thay đổi nhiều so với lần cuối tôi đến 5 năm trước, cũng một thành phố “xứ lạnh tình nồng,” cũng Montréal của một ngày mùa hè năm 1983 khi tôi lái xe từ Cleveland, Ohio qua New York đến Montréal qua cầu Jacques Cartier thăm thầy tôi, giáo sư Y khoa Đào Đức Hoành.

Năm năm rồi chúng tôi mới đi dạo lại trên đường phố Montréal, thành phố với những quán cà phê bên đường như Paris. 5 năm tưởng như đã quên những kỷ niệm cũ ở thành phố quen thuộc nửa Paris nửa New York, nhưng mùi cà phê từ trong những quán hay ở nhà những người bạn đã đánh thức những kỷ niệm xưa như mùi cà phê với chiếc bánh Madeleine chấm sữa buổi sáng điểm tâm trong quán trọ, đánh thức Marcel Proust về với quá khứ trong “à la recherche du temps perdu”. Và tình cờ, một buổi chiều đi thăm vườn hồng ở phố Mont Royal với vợ chồng bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền, chúng tôi trở lại phòng họp nhỏ của thành phố, 5 năm trưóc, nơi họp của các bạn trong gia đình Trưng Vương của vợ tôi, với những giọt nước mắt hạnh ngộ trong tình thầy trò. Ngôi trường với câu thơ nổi tiếng của Nguyên Sa, ”Áo nàng xanh anh mến lá sân trường”, ngôi trường năm tôi 18 tuổi bước vào với các cô “hư quá, sao mà kiêu” với các thầy cô mặt khó đăm đăm. Các thầy cô năm nay đã lớn tuổi, tên tuổi một thời nổi tiếng trong ngành giáo dục, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tá, Đào Đức Hoàng, bà Tổng giám thị Nguyệt Minh nay tay cầm gậy nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung. Các cô học trò sao mà kiêu ngày xưa nay gặp nhau nói nhiều, nói ríu rít như chim. Các thầy cô một thời nổi tiếng khắt khe nay bỗng nhiên hiền khi nói chuyện với học trò. Thời gian đã làm các thầy cô thay đổi hay cậu rể nổi tiếng phá phách đã thay đổi thầy cô? Lại thêm một câu hỏi không có câu trả lời đơn giản!

Mười ngày ở Montréal, một thành phố nhỏ êm đềm, bạn bè ở gần nhau khiến tôi có khi quên hẳn Houston một thành phố lớn luôn luôn thay đổi, 10 ngày quên hết tất cả những biến cố chính trị đang xảy ra mặc dù có những cuộc biểu tình nhỏ chống tăng học phí trên phố. 10 ngày gặp lại bạn Y khoa đồng khóa đầy những kỷ niệm thời đi học. Những người bạn thân thiết gặp nhau gác chuyện đời ngoài tai. Từ khu vườn nhà bạn tôi Bích Hằng với những cây phong, cây thông Gia Nã Đại ngàn năm xanh mãi với hàng rào nghiêng đằng sau vườn không thay đổi như hai ông bà chủ nhà đến căn nhà mới của Kim Nhi qua những xa lộ nhỏ khoảng cách ngắn đủ cho tôi cái ảo tưởng bóng thời gian 44 năm qua từ ngày đầu tiên ở trường Y khoa Đại học Sàigòn là một thời gian rất ngắn. Những Mã Ngọc Phương, Thắng, Tòng, Trọng, Trác, Phong Huệ, Thành, Điệp, Dĩnh Ngộ, Liên Chi, Lâm Liêu Kim trong 10 ngày thấy lại thời đi học mặc dù bên trong chúng ta là những thay đổi lớn. Thay đổi trái biệt lớn lao là hai bạn Quỳnh Giao và Liên Chi. Một Quỳnh Giao theo Pháp Luân Công và một Liên Chi thích chuyện trinh thám kinh dị, thời đi học cô bạn tôi thích đọc văn thơ, người lả lướt nay bỗng nhiên thích chuyện giết người, những chuyện “một áng dao bay nghìn thuở đẹp”, bạn tôi như nhân vật Parry trong chuyện “hành lang tối” (Dark Passage) của David Goodi, muốn giết người, muốn giải phẫu thay bộ mặt cho hợp cuộc đời mới nhưng sợ đau và trong tận cùng đáy lòng vẫn là một người ngây thơ vô tội.
Trong một phút vui ở quán cà phê, các bạn đã nhắc đến những năm học Y khoa và đã nhớ tôi là sinh viên y khoa giỏi, nhất là những lúc đứng bên gường người bệnh, những giờ phút lâm sàng. Hai tháng trước, Tập San Y Sĩ ở Montréal ngỏ ý nhắc tôi viết một vài kỷ niệm ở Bệnh Viện Bình Dân đúng vào lúc “hồn thơ không lai láng” nay gặp các bạn vài kỷ niệm cũ lại đổ về.

Ý tưởng vào y khoa của tôi đến vào Tết mậu thân năm 1968 khi còn học đệ nhất trường Chu Văn An chưa đậu tú tài hai. Những ngày tổng công kích vào Sàigòn của Việt Cộng đã khiến các bệnh viện thiếu điều dưỡng. Tôi vào bệnh viện Nhi Đồng với toán Hướng Đạo tình nguyện công việc cứu thương, băng bó, săn sóc bịnh nhân, phụ các bà sơ, đi theo các anh sinh viên y khoa năm thứ 4, các anh Nguyễn Chấn Hùng và Nguyễn Lương Tuyền, ở phòng anh nội trú Vũ Văn Dzi trong khu giải phẫu tiểu nhi. Tôi đã ngưỡng mộ hình ảnh những sinh viên áo trắng. Năm ấy, lần đầu tiên vào phòng mổ nhìn giáo sư Trần Ngọc Ninh, ông lúc ấy đang giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục, con người cao lớn nghiêm nghị làm chúng tôi kính sợ chỉ dám đứng nhìn từ xa. Tôi đã muốn trở thành y sĩ giải phẫu sau khi nhìn bác sĩ Trần Xuân Ninh cưa chân một em bé bị chấn thương vì mìn (trọn ba ngày sau đó tôi không dám ăn bánh canh giò heo). Hè năm ấy tôi đậu vào y khoa theo chân các anh Nguyễn Lương Tuyền và Nguyễn Chấn Hùng (đàn anh Hướng Đạo). Tôi không theo con đường giải phẫu tiểu nhi nhưng có vài kỷ niệm đáng nhớ ngông nghênh ở bệnh viện Nhi Đồng với bác sĩ Trần Xuân Ninh, ông là một bác sĩ giỏi, hơi ngạo mạn (tánh của các y sĩ giải phẫu) khó với sinh viên (tháng giêng năm ngoái gặp nhau ở Chicago nhắc chuyện cũ ông đã tự nhận:

- Tôi biết nhiều người ghét tôi.

Năm thứ tư, đi thực tập qua khu giải phẫu tiểu nhi, cuối kỳ thực tập sinh viên phải qua kỳ thi viết. Tôi làm bài thi được bác sĩ Trần X Ninh, khen giỏi nhưng chỉ cho 18 điểm. Tôi đã ngông nghênh phản đối:

- Anh nói bài em hoàn toàn không lỗi, đi thực tập không vắng mặt, ban đêm 3, 4 giờ sáng phụ mổ cạnh anh vậy mà anh keo kiết chỉ cho em 18 điểm!

Ông cầm viết gạch ngay con số 18 thay vào là con số 20. Hai anh em tính ngang tàng sau này còn vài kỷ niệm đáng nhớ.

Kỷ niệm thứ hai của thời sinh viên ngông nghênh cũng ở bệnh viện Nhi Đồng, đúng hôm phải thi cuối kỳ thực tập ở khu nhi khoa của giáo sư Thái Văn Kim, tôi buồn bỏ đi xem xi nê rạp Rex dù bạn bè đã cảnh cáo sắp phải thi vấn đáp. Qua hôm sau, giáo sư Kim gọi tôi vào văn phòng hỏi:

- Tại sao anh bỏ không thi ngày hôm qua!

Tôi thành thật trả lời,

- Em buồn quá,nhìn bạn bè đi lính vì mùa hè đỏ lửa nên em đã đi xem xi nê.

Ông giáo sư Thạc sĩ y khoa ở Pháp mới về nhìn tôi như quái vật, cho tôi một cơ hội về nhà học bài mai vào thi vấn đáp, tôi trả lời ngay:
- Thầy cho em thi ngay bây giờ, để đến ngày mai mất thì giờ của cả thầy và trò.

Trong nửa giờ, tôi đã ngồi giảng trôi chảy 3 câu hỏi của thầy, giáo sư Kim đã phải đi hỏi các giáo sư khác:

- Sinh viên Việt Nam sao học lạ quá, khác với sinh viên Pháp!

Giáo sư Kim không biết cũng cùng năm ấy giáo sư Nguyễn Ngọc Huy làm chương trình thí nghiệm gởi sinh viên qua thực tập tại bệnh viện Grall và các bác sĩ Pháp cũng đã phải hỏi giáo sư Huy và bác sĩ Nhơn:

- Cái thằng sinh viên Việt Nam lạ quá, nó không biết nói tiếng Tây nhưng bạn nó cùng nhóm thực tập cái gì cũng hỏi nó rồi thông dịch lại những câu trả lời cho chúng tôi!

Ký ức tôi đầy ắp những hình ảnh bệnh viện Bình Dân. Bệnh viện nhỏ nằm trên đường Phan Thanh Giản gần góc đường Cao Thắng. Từ xóm nhà tôi đi qua ngõ hẻm nhà thuốc Kim Điền băng qua các ngõ hẻm đến cửa sau bệnh viện. Năm học lớp nhì trường Bàn Cờ, Sơn bạn tôi có bố làm y tá khu Nhãn Khoa đã dẫn tôi vào khuôn viên bịnh viện chơi đùa mỗi buổi chiều gần nhà xác sau bệnh viện và sau những phòng bệnh nhân có mùi hôi thối của khu ung thư vì vậy tôi biết khu ung thư trước khi vào y khoa.

Năm 11 tuổi anh tôi bị đánh trái vũ cầu vào mắt phải, mắt chảy máu sau thành mắt cườm được chị Vân y tá phòng mắt (nhà ở cạnh bác sĩ Bùi Mộng Hùng cùng xóm tôi) dẫn vào khám mắt với bác sĩ Nguyễn Đình Cát (sau mới biết chị là chị Vân nhỏ còn chị Vân lớn phòng mổ sau là mẹ vợ tôi)

Năm thứ hai sinh viên y khoa bắt đầu đi thực tập bệnh viện, thích mổ xẻ ban ngày đi học ban đêm tôi đi theo anh nội trú Nguyễn Chấn Hùng gác mỗi ba đêm để học. Thời ấy các Giáo Sư ở trên cao (nói theo bác sĩ T X Ninh là Grand prof.) đến gần thầy khó hơn đi tán gái chỉ biết nhìn thầy như “ngẩng đứng trông vời áo tiểu thơ” nên cách học tốt nhất là đi theo các anh nội trú của các giáo sư Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh, Ngô Gia Huy, Đào Đức Hoành, Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Văn Út, các giáo sư Thạc Sĩ của trường Y khoa Sàigòn.

Năm thứ hai tôi đi theo phụ mổ ở phòng cấp cứu với các anh lớn Tăng Nhiếp, Hồ Tấn Phước, Nghiêm Đạo Đại, Võ Thành Phụng, Nguyễn Chấn Hùng, Nguyễn Văn Quang, Đặng Phú Ân… và làm những công việc y tá như lấy nước tiểu đem đến phòng thí nghiệm, theo bà Thái khu tiết niệu đặt ống thông bọng đái, khâu vá vết thương ở phòng tiểu giải phẫu, băng bó vết thương khu giải phẫu tổng quát, băng bột, cắt bột ở phòng chỉnh trực của giáo sư Hoàng Tiến Bảo, theo sơ Mariac thay vết thương ở khu ung thư. Năm thứ hai tôi đúng như anh thợ học nghề trong các chuyện y khoa ở Tàu ở Hy Lạp ngày xưa, ban ngày vào trường, ban đêm vào bệnh viện, thời kỳ chiến tranh nạn nhân chiến tranh không thiếu, tôi vẫn có giờ ra Sàigòn uống café đến nhà bạn học bài và nhiều hoạt động khác.

Năm thứ tư các bà y tá nhẵn mặt tôi và các đàn anh tin tưởng dám để mổ những “ca” dễ như ruột dư, đặt ống thông phổi, xuống phòng hồi sức thăm bệnh, cắt thịt dư khu tai, mũi, họng của bác sĩ Huỳnh V. Xuân , chưa vào nội trú mà tôi đã được xem như là “ông thầy”.

Năm thứ năm thi đậu vào nội trú, tôi về khu ung thư của giáo sư Đào Đức Hoành, ông đặc biệt thương cậu học trò ngông nghênh hay che trở những tật xấu và lỗi lầm của học trò hay gọi tôi lên giảng bài cho các bạn cùng lớp cho nên “thầy thương, bạn ghét”. Dưới giáo sư Đào Đức Hoành là bác sĩ Nguyễn Quang Huấn, Trần Ngọc Quang và Nguyễn Chấn Hùng. Các anh làm giảng nghiệm viên cùng phe với cậu nội trú nên những đêm gác ở bệnh viện có đi với những màn nhậu bá vai bá cổ Hùng, Phụng, Ân, Quang mù, Quang đế, trong đám tôi là người nhỏ tuổi nhất.

Thời gian đã qua, bây giờ nhìn lại mới thấy thời kỳ ấy là thời kỳ đẹp, anh em sống trong gia đình giải phẫu y khoa Bình Dân với tình sư đệ. Một giáo sư Phạm Biểu Tâm khắc khổ đạo đức, một giáo sư Trần Ngọc Ninh kiến thức thông thái, một giáo sư Ngô Gia Hy “tròn” không mất lòng người, một giáo sư Đào Đức Hoành với tâm Phật và một giáo sư Hoàng Tiến Bảo tận tâm với sinh viên. Thời kỳ ấy là thời kỳ anh em thương yêu nhau thật lòng, tranh nhau học để tiến bộ, để xây dựng bịnh viện Bình Dân, trường Y Khoa Sàigòn và một nền y tế Việt Nam.

Kết quả là phái bộ AMA đã phải công nhận bịnh viện Bình Dân là nơi đào tạo nhân tài và theo đúng tiểu chuẩn giải phẫu quốc tế. Thời kỳ ấy khác xa thời kỳ sau 30/4/1975, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đó con người “xô nhau mà đi, đạp nhau mà lên” mất cả tình anh em.

Trong 10 ngày ở Montréal, tôi gặp bác sĩ Nguyễn Lương Tuyền 3 lần, anh đã về hưu 2 năm không còn làm giáo sư giải phẩu tiểu nhi Đại Học Mc Gill. Ngày đầu tiên người đàn anh hơn tôi 5 lớp, nay theo thời gian khoảng cách ngắn lại, anh lại là một người bạn. Anh pha trà đợi tôi khiến tôi nghĩ đến cảnh các cụ ngày xưa như Tam Nguyên Yên Đổ đợi bạn từ xa đi bộ đến thăm nhà. Thời gian còn lại của chúng tôi những người 60 tuổi như hai câu thơ của Du Tử Lê “hãy nói về cuộc đời, khi ta không còn nữa” và chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều về những kỷ niệm ở bệnh viện Nhi Đồng, ở bệnh viện Bình Dân, về những người bạn rất thân. Con người có lúc bị bạn bè xem là tự kiêu nay nhẹ nhàng nói với tôi:

- Toa đến, moa rất vui, nếu toa đến thăm moa mỗi ngày chắc moa hết bệnh!

Tôi cũng thấy rất vui mỗi lần gặp lại anh, thời buổi này gặp một người tâm đầu ý hợp đã khó, nói chi anh là người đã đem đến cho tôi nguồn cảm hứng theo đuổi ngành y khoa và là người đã bỏ thì giờ để dạy tôi thi vào nội trú các bịnh viện, kết quả là năm 1973 tôi đã đỗ nội trú hạng rất cao cùng với Quỳnh Giao và Võ Thái Phú hai người đã được anh hướng dẫn.

Đêm trước khi rời Montréal, tôi được hưởng thú uống cà phê ngoài trời trên đường St. Bernard cùng với hai người bạn, Nguyễn Mậu Phụng và Lê Tạo. Phụng là bạn học trung học 51 năm về trước, vắng nhau từ một “mùa hè qua ngày ấy, tạm biệt nhau từ đấy” đến Houston ngày Father’s day năm 2007, gây cảm hứng cho “cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ” Nguyễn Mậu Phụng bạn tôi giỏi toán và hình học, chìa khoá giải được những nhiệm mầu khoa học nhưng không giải quyết được những vấn đề của cuộc đời, anh bạn kỹ sư của tôi giờ đây chỉ muốn một ngày biến mất vào vũ trụ! Còn Tạo say mê nói về Montréal, thành phố dễ thương anh đã chọn thay Paris. Đêm xuống, người Montréal đổ về phố nói tiếng Pháp lại càng làm tôi nhớ đến Paris.

Mười ngày được bạn tôi cho đi lại khắp Montréal, đi lên lại nhà thờ St Joseph nhìn xuống thành phố và nghe tiếng gió thầm thì, đi bộ quanh ngôi chùa mới Đại Tùng Lâm, ngắm cảnh núi đồi với thông Gia Nã Đại và tưởng tượng như đang đi hành hương ở Ấn Độ qua vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Bồ đề Đạo Tràng đến Banares và về nơi Phật nhập Niết Bàn, thời tiết Montréal đẹp nhưng có hai ngày mưa lạnh như Houston mùa đông. Hai ngày nhìn trời mưa tôi muốn bỏ tay vào túi quần, đội mưa mà đi dưới tháp Eiffel như anh chàng Adrieu Brody trong phim “Midnight in Paris” của Woody Allen.

Montréal, tôi đã đến trong nhiều mùa hè, mong một ngày mùa đông, tôi sẽ trở lại, cùng những người bạn đi cạnh nhau trong công viên giá lạnh tìm lại thời gian đã mất như hai câu thơ của Verlaine:

“Dans le vieux parc solitaire et glacé
Deux spectres cherchent le passé.”

Việt Nguyên
19/06/2012

Cước chú của Ban Biên Tập:
Việt Nguyên là bút hiệu của BS
Nguyễn Đức Tuệ (ER physician in Houston TX, USA)