Loading
Site map
Quân Y Häi Quân
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
 
Tài LiŒu


Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu


Sau ngày ký kết Hiệp định Genève, chánh phủ Pháp lúc đó mới bắt đầu thật sự trao trả chủ quyền cho Việt Nam. Thật ra sự trao trả này cũng đã phải trải qua nhiều giai đoạn nhiêu khê vì người Pháp ở Đông Dương vẫn nuối tiếc thời vàng son của họ. Chánh Phủ Ngô Đình Diệm đã phải đương đầu với nhiều thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thực dân cũ còn hối tiếc muốn tìm cách duy trì ảnh hưởng của Pháp để có thể một ngày nào đó phục hoạt được một phần nào thế lực chánh trị hay kinh tế Pháp.

Quân lực Việt Nam đã được thành hình trong bối cảnh đó và Hải Quân cũng đã thật sự được tổ chức khi quân đội Pháp bắt đầu rút lui khỏi Đông Dương. Người đầu tiên được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ định lèo lái quân chủng Hải Quân là Thiếu Tá Lê Quang Mỹ.

Bộ Tư Lệnh Hải Quân được đặt ở Trại Bạch Đằng sau khi Pháp bàn giao căn cứ Caserne Francis Garnier ở bờ Sông Sài Gòn. Nha Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chấp thuận bổ nhiệm Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Tấn Tước vào chức vụ Y Sĩ Trưởng Hải Quân. Vào lúc đó, quân số Hải Quân kể cả Thủy Quân Lục Chiến không quá 5,000 người. Bộ Tư Lịnh TQLC cũng cùng đóng chung ở Trại Bạch Đằng và Y Sĩ Thiếu tá Phạm Tấn Tước cũng phụ trách phần quân y cho TQLC.

Một cơ sở Hải Quân lớn khác được chuyển giao là Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Trước khi được chuyển giao thì Trung Tâm này cũng như Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân đều do người Pháp điều khiển. Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Gia Quýnh được Bác Sĩ Phạm Tấn Tước bổ nhiệm để lo phần yễm trợ quân y cho Trung Tâm có nhiều khóa sinh này. Bệnh xá này nguyên là một bệnh viện tư của một y sĩ Pháp thành lập và được HQ Pháp mua lại khi xây cất Trung Tâm Huấn Luyện. Vì vậy bịnh xá phòng ốc rất tiện nghi, từ văn phòng y sĩ nhìn ra sẽ thấy một phần rất đẹp của bãi biển Nha Trang.

Cơ sở Quân Y Hải Quân đầu tiên do Y Sĩ Thiếu tá Phạm Tấn Tước trách nhiệm được đặt tên là Bệnh Xá Bạch Đằng. Tên gọi cũ của Pháp là Infirmerie Francis Garnier, gồm cơ sở hai tầng lầu về phía Đông của Trại Bạch Đằng, ngó ra Công Trường Mê Linh, sau này được đổi tên là Công Trường Trần Hưng Đạo.

Bệnh Xá Bạch Đằng là một bệnh xá có tầm vóc, có phòng quang tuyến,phòng Nha Khoa,phòng Dược, phòng Thí Nghiệm...Tầng hai là trại bịnh và tầng ba dành cho y sĩ trực gác và nhân viên y tá. Từ phòng y sĩ trực có thể nhìn được sinh hoạt dân chúng, giai nhân tài tử đi dạo mát ở Bến Bạch Đằng và Công Trường Mê Linh vì là thời còn tương đối thanh bình, đường trước Bộ Tư Lịnh HQ không có chắn kẽm gai như về sau này.

Nha Sĩ Hải Quân đầu tiên là Nha Sĩ Đại úy Nguyễn Văn Hiền, tốt nghiệp ở Pháp và dược sĩ phụ trách Trung tâm Tiếp Liệu Y Dược là Dược Sĩ Đại úy Thái Hữu Đức, tốt nghiệp Đại học Toulouse, Pháp.

Các quân y sĩ Hải Quân vào lúc khởi đầu thành lập như vậy là gồm toàn y sĩ trừ bị, được động viên và do Nha Quân Y thời bấy giờ phân phối cho quân chủng Hải Quân.

Có một sự kiện đặc biệt là vào cuối năm 1950, khi Quân Đội Việt Nam mới bắt đầu thành lập ngành Quân Y được giao phó cho một sĩ quan Quân Y Pháp là Đại Tá Quân Y Pagès (Người viết bài không nhớ trọn tên). Như hầu hết các quân y sĩ Pháp phục vụ ở VN cũng như các bịnh viện lớn như Bệnh Viện Grall ở Sài Gòn, các quân y sĩ hiện dịch Pháp đều xuất thân từ Trường Quân Y Bordeaux. Ở Pháp có hai trường Quân Y, một là Trường Quân Y Lyon để đào tạo quân y sĩ cho quân đội đóng ở Pháp (Métropole) và trường thứ hai là Trường Bordeaux , gọi là Trường Quân Y Hải Quân và các Thuộc Địa (École de Santé Navale et Coloniale). Sở dỉ có sự phân chia đó vì Trường Lyon chuyên về chuẩn bị cho chiến trường Âu châu và Trường Bordeaux chuyên về Y khoa Nhiệt đới. Đại tá Pagès, người đầu tiên được biệt phái giúp thành lập quân y VN vốn tốt nghiệp trường Quân Y Bordeaux. Ông có một con trai học Trường Chasseloup Laubat và sau theo học chứng chỉ P.C.B. của Đại Học Sài Gòn vừa mới được thành lập không quá 2 năm.

Đại Tá Pagès thường đến giao thiệp với sinh viên nhất là các bạn học của con ông để thuyết phục sinh viên VN tình nguyện gia nhập ngành quân y. Sau khi được chánh phủ Pháp chấp thuận, mười sinh viên đã được cấp học bổng sang Pháp học Trường Quân Y Bordeaux (5 thuộc Đại học Sài Gòn và 5 thuộc Đại học Hà Nội). Đây là lần đầu tiên Trường Quân Y Bordeaux nhận sinh viên nước ngoài, nên không có những biệt lệ gì cho mười sinh viên VN. Hai năm đầu ở trường được coi như hai năm đi quân dịch và cấp bực là thủy thủ không chuyên nghiệp (Matelot de Seconde classe, sans spécialité). Mỗi tháng được cấp 180 quan, 15 gói thuốc lá và 10 con tem để gửi thư. Chỉ sau 2 năm mới được coi là chuẩn úy và lãnh lương sĩ quan.

Sinh viên sống nội trú trong doanh trại và y khoa thì phải theo học ở Trường Y khoa Đại học Bordeaux. Trường Quân Y có thêm chương trình riêng về quân sự và kiểm soát sự hiện diện của khóa sinh rất chặt chẽ ở Trường Y Khoa cũng như khi thực tập ở các bịnh viện. Mỗi năm, khi các sinh viên trường Đại học có được 3 tháng nghỉ hè thì khóa sinh quân y chỉ có được 1 tháng, 2 tháng kia được gửi đi thực tập ở các quân y viện hay các đơn vị quân đội. Khóa sinh VN tham dự các chương trình huấn luyện quân sự như các đồng đội Pháp, chỉ trừ các chương trình gọi là X,Y,Z thì không cho học vì liên quan đến chiến tranh hóa học, vi trùng và nguyên tử.

Đến khoảng cuối năm 1956 thì các khóa sinh quân y VN bắt đầu trình luận án tốt nghiệp ở trường Y khoa Đại học Bordeaux. Vào thời buổi đó ở VN có xảy ra vụ Ông Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại. Phó Giám đốc Trường Quân Y Bordeaux lúc đó đã bán chánh thức tiếp xúc riêng từng khóa sinh VN và cho biết là sau khi tốt nghiệp, các sinh viên có thể ở lại Pháp, không nhất thiết phải trở về VN vì chánh thể đã đổi. Một vài đồn điền lớn của Bỉ đã biết tin và tiếp xúc với vài sinh viên để xin đồng ý ký giao kèo làm việc ở các thuộc địa của họ ở Phi châu. Các anh em đã bàn với nhau và đã trả lời cho trường là các anh em đã đi học với học bổng tuy là của Pháp nhưng là tiền của dân chúng VN nên đã lựa chọn là phải về phục vụ lại dân chúng VN. Người viết bài không quên được giây phút cảm động khi Y Sĩ Đại Tá Phó Giám Đốc trường tên Đại Tá Simmon, trong văn phòng riêng của ông, sau khi nghe tôi giải bày, đã từ từ đứng lên, nghiêm nghị tuyên bố: "Anh hiện nay tốt nghiệp mang cấp hiệu Trung Úy, tôi mang cấp bực Đại Tá nhưng tôi xin đứng lên cung kính chào lòng thương nước của các anh."

Các anh em quân y sĩ hiện dịch lần lược trở về và đã được Y sĩ Thiếu tá Phạm Tấn Tước bổ nhiệm vào phục vụ ở Bệnh xá Bạch Đằng, Bệnh xá Hải Quân Công Xưởng, Căn cứ Cát Lái, Bệnh xá Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang. Riêng bác sĩ Nguyễn Phúc Quế được chỉ định làm Y Sĩ Trưởng Thủy Quân Lục Chiến và cùng với Đại úy Lê Nguyên Khang tiếp nhận căn cứ Cam Ranh. Bệnh xá đầu tiên của TQLC được BS Quế thành lập ở Bình Ba, Cam Ranh.

Theo thông lệ thời bấy giờ, sau khi tốt nghiệp ở ngoại quốc, sĩ quan được cho nghỉ phép một thời gian để sắp xếp việc sinh sống, nhưng hầu hết các quân y sĩ HQ khi về là đều đến trình diện Bộ Tư Lịnh HQ và đã được cấp ngay phương tiện nhà cửa để nhận công tác!

Các công tác đầu tiên thời bấy giờ là việc di tản Việt kiều từ Cam Bốt về VN và việc chuyển vận định cư đồng bào miền Trung vào Cam Ranh hoặc Phú Quốc theo các chương trình của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Trong các công tác chuyển vận này các anh em y sĩ đã rất nhiều lần đỡ đẻ cho nhiều thiếu phụ vì các gia đình được di chuyển toàn bộ theo từng làng hay xứ đạo, không có sự lựa chọn những trường hợp người đang có bịnh hay đang mang thai gần ngày sinh. Khi ra biển, sóng nổi lên là có trường hợp nôn mửa và chuyển bụng. Theo truyền thống Hải Quân, các hạm trưởng là sĩ quan hộ tịch và các bà thường đồng ý lấy tên chiến hạm để đặt tên con. Ở VN hiện tại chắc hẳn rất có nhiều người mang tên các quân vận hạm Hóa Giang, Hát Giang, Hàn Giang...

Vì quân y Hải Quân có những sắc thái riêng biệt cũng như quân y Không Quân v.v... nên về hoạt động vẫn theo những truyền thống riêng và không thể tránh khỏi những va chạm với Nha Quân Y (vào thời đó tổ chức Quân Y chỉ vào cấp Nha, chưa là Cục như về sau). Bệnh xá Bạch Đằng có xe cứu thương hiệu Peugeot sơn màu trắng như xe cứu thương Bệnh viện Grall. Chở bịnh đến Quân Y Viện Cộng Hòa trông rất le lói nhưng không giống ai! Khi xe hư thì Quân Cụ từ chối sửa chữa vì không phải loại quân xa thông thường, nhưng cũng may là có Hải Quân Công Xưởng sửa hộ. Y tá được huấn luyện riêng ở Nha Trang theo một chương trình của HQ Pháp. Nha Quân Y không chấp thuận và bắt phải theo học chương trình y tá quân đội CC1, CC2... Bịnh Xá Bạch Đằng có phòng mổ, phòng điện tuyến... nhưng xin bổ sung vật liệu thì không được chấp thuận vì chỉ là bịnh xá, cấp số không cho phép. Sau một lần kiểm kê của Nha, các dụng cụ phòng mổ và nhất là phòng khám mắt phải gởi về Nha vì quá sang trọng đối với một bịnh xá. Sự thiếu thông cảm vì không thấu đáo các truyền thống tổ chức quân chủng đã làm nản lòng một số y sĩ HQ. Vì lý do đó và vì không đồng ý với tánh cách gia đình trị của Tổng Thống Diệm, một y sĩ có vợ là người Pháp đã cùng vợ bỏ về Pháp nhân ngày Tết Nguyên Đán.

Theo truyền thống, các thủy thủ khi được bổ nhiệm lên các chiến hạm, đều được cho lương phụ trội (Prime de mer) vì phải xa gia đình và sóng gió thường làm suy giảm sức khỏe so với các đơn vị bờ, nhưng Tổng Thống Diệm đã nghe lời bàn của một sĩ quan lục quân và không cho trả phần lương phụ trội đó! Sau nhiều năm tranh đấu trình bày về các vần đề y tế, cuối cùng HQ được thuận cho cấp lại nhưng chỉ cho cho các ngày đi biển mà thôi, những ngày cập bến là những ngày cần bồi dưỡng thì bị cúp!

Riêng phần Quân Y cũng vậy. Các quân y sĩ hiện dịch không được hưởng phần chuyên môn, lúc đó vào khoảng 2,000 đồng. Cùng với sự thỏa thuận với các quân y sĩ hiện dịch Lục Quân và Không Quân, chúng tôi đã viết từng đơn riêng, tránh việc làm trái phép là viết đơn tập thể, để xin được hưởng phần chuyên môn đó. Kết quả là từng người đã phải trình diện Cục An Ninh của Đại Tá Đổ Mậu để được điều tra biết ai là chủ mưu!

Với đà lớn mạnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quân số HQ đã gia tăng vào khoảng 30 ngàn, với tổ chức Hải Lực, Giang Lực, Duyên Lực. Thủy Quân Lục Chiến được tách rời thành một Quân chủng riêng. Vào lúc này Y Sĩ Thiếu tá Phạm Tấn Tước được giải ngũ, và các chức vụ điều khiển Quân Y HQ được giao cho các y sĩ hiện dịch tốt nghiệp Trường Quân Y HQ Bordeaux. Với chức vụ Y Sĩ trưởng HQ, người viết bài đã đảm nhận luôn chức vụ sĩ quan hộ tịch cho TQLC cho đến ngày xảy ra chiến cuộc Bình Giả. TQLC đã bị thiệt hại lớn trong chiến trận này. Các anh em thương binh đã khóc khi chúng tôi viếng thăm và cho biết các bộ đội cộng sản đã được Nga Sô yểm trợ AK 47 trong khi anh em vẫn còn phải xử dụng Garant M1 bắn từng phát một! Trại Cửu Long là nơi cư ngụ gia đình binh sỉ TQLC, sau một đêm, sáng dậy thấy toàn các thiếu phụ mang khăn sô trắng! Vì không còn kham nổi trách vụ nên người viết bài đã trình xin để TQLC lo hẳn phần vụ Hộ Tịch. Y Sĩ Thiếu tá Nguyễn Phúc Quế từ đó không còn trực thuộc Quân Y HQ và anh em y sĩ TQLC đã gầy dựng một ngành quân y riêng biệt với nhiều thành công rực rở.

Nhận định thấy Bệnh Xá Bạch Đằng có một vị trí làm trở ngại việc phòng thủ Trại Bạch Đằng, mặc dầu cửa vào bệnh viện lối Công Trường Mê Linh đã được khóa lại và bịnh nhân phải ra vào do cổng chánh của trại, sau nhiều lần trình bày, Bộ Tư Lịnh HQ đã chấp thuận cho hoán chuyển bệnh viện về Trung Tâm Hành Chánh HQ đường Cường Để, trước Hải Quân Công Xưởng. Đây là một cơ sở biệt lập, thích hợp với vị trí một cơ quan quân y và có khả năng phát triển. Quân đội Mỹ lúc này đã tham chiến vào chiến trường VN nên sau nhiều buổi thảo luận, HQ Mỹ ở VN đã chấp thuận giúp khuếch trương bệnh xá, lo việc xây cất phòng ốc và xây thêm một Nhà Bảo Sanh cho gia đình binh sĩ HQ.

Ngoài công tác yểm trợ quân y cho các chiến hạm, các giang đoàn,duyên đoàn, các y sĩ HQ thường tham gia các công tác dân sự vụ cho đồng bào các đảo và các miền duyên hải. Để có khả năng giúp đỡ hữu hiệu, Bộ Tư Lệnh HQ đã chấp thuận cho thành lập một tàu bệnh viện. Quân Y HQ đã phối hợp với HQ Công Xưởng để thiết lập sơ đồ biến cải quân vận hạm HQ 400 thành một bệnh viện lưu động với đầy đủ trang bị. Vào lúc này một bộ phận Quân y HQ Mỹ được biệt phái làm cố vấn cho ngành QYHQ. Y sĩ Thiếu tá Pye là viên cố vấn đầu tiên.

Khi nhận viện trợ các chiến hạm Mỹ, HQVN đã nhận điều kiện không được biến cải tánh cách các chiến hạm . Các chiến hạm được coi như cho HQVN mượn xử dụng trong thời chiến nên Thiếu tá Pye đã giúp ý kiến dùng các quân xa chở hàng cỡ lớn của quân đội Mỹ có tiện nghi máy lạnh để trang bị thành các phòng khám bịnh, phòng giải phẩu, phòng thí nghiệm, phòng quang tuyến... Các xe này được ràng buộc trong lòng tàu vì HQ 400 là loại tàu đổ bộ cỡ trung bình LSM (Landing Ship Medium) nên việc thực hiện rất dễ dàng và mau chóng. Nhân viên y tá VN đã được gởi tu nghiệp ở Mỹ. Hai y sĩ Mỹ về nội thương và giải phẫu cùng toán y tá thí nghiệm, phòng mổ cũng được biệt phái cho chiến hạm bên cạnh y sĩ và y tá VN.

Công tác dân sự vụ của HQ 400 đã đem đến cho dân chúng các đảo và các miền duyên hải một trợ giúp y tế hữu hiệu. Một tàu bệnh viện thứ hai HQ 401 đã được thành lập tiếp theo sau thành quả tốt đẹp của bệnh viện hạm HQ 400.

Khi HQVN nhận lãnh được Dương Vận Hạm HQ 500 là loại lớn LST (Landing Ship Tanks) để mở đầu chiến dịch "Sóng Tình Thương" đổ bộ vào Mũi Cà Mau, các y sĩ HQ đã rất nô nức vì loại LST có phòng y tế trang bị để giải phẫu, có cả bãi đáp trực thăng. Nay HQVN lại có cả hai Bệnh viện hạm,đó thật là một bước tiến dài của ngành Quân Y HQ.

Sự hiện diện của phái bộ cố vấn Quân Y Mỹ bên cạnh QYHQVN đã giúp rất nhiều về sinh hoạt và huấn luyện cho ngành. Sự thông hiểu sắc thái đặc thù của QYHQ đã được Cục QYVN thấu đáo chấp thuận. Việc di chuyển thương binh trên chiến hạm qua các cầu thang dựng đứng và chật hẹp hay từ chiến hạm này qua chiến hạm khác, không thể dùng các loại cáng thường mà phải cần buộc thương binh trong cáng thúng (basket litter); việc đào thoát và sống còn trên biển cả cần phải có những phương thức huấn luyện riêng; kho y dược HQ phải có kế hoạch yểm trợ đặc biệt cho các chiến hạm như các bệnh xá biệt lập, không thể chỉ có được cấp số như một đại đội Lục Quân... Đó là những sự việc mà anh em y sĩ trong ngành đã phải đương đầu trong lúc phôi thai, chuẩn bị cho sự gia nhập đông đảo về sau của các y sĩ tốt nghiệp ở VN.

Giờ đây chiến cuộc đã tàn phai. Nhiều anh em y sĩ Hải Quân đã trở về trong lòng đất lạnh. Hồi tưởng lại buổi thiếu thời, sau khi đã nếm mùi biển động của Đại Tây Dương vùng Brest hay biển êm ả Địa Trung Hải ở vịnh Toulon (Pháp), lần đầu tiên được trở về phục vụ Hải Quân Việt Nam, nhìn nước biển một màu xanh biếc ở Cầu Đá Nha Trang, tâm hồn người y sĩ trẻ đã cảm thấy một niềm phấn khởi và hãnh diện vô biên .

Quả thật: "Chốn quê hương đẹp hơn cả!"

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Huy Hiệu Hải Quân QLVNCH

Huy Hiệu Hải Quân QLVNCH

Bệnh Viện Hạm Hàn Giang

Bệnh Viện Hạm Hàn Giang

Tác giả Trần Nguơn Phiêu