Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Trần Văn Tích

     Trước 75 tôi cũng từng viết. Nhưng tôi chỉ viết quanh quẩn về một nội dung: biện hộ cho Đông y đối trước thái độ không mấy thân thiện của Tây y.

     Tỵ nạn ở nước ngoài, tôi chuyển dần thế đứng và thay dần cách viết. Tôi ngầm ký thác lập trường chống độc tài đảng trị trong một số lớn bài viết của tôi. Tôi có những bài nghị luận chính trị trực tiếp chống cộng bên cạnh những bài đả kích cộng sản một cách xa xôi. Rất nhiều bài không nói gì về chủ nghĩa mác-xít, trái lại nội dung hoàn toàn thuộc lĩnh vực văn học văn chương nhưng vẫn mang màu sắc chống cộng.

     Tôi quan niệm rằng trước tai hoạ vô song đổ lên đầu dân tộc, mỗi người Việt lưu vong góp vào công cuộc cứu quốc được cái gì thì góp, kẻ bằng cánh tay, kẻ bằng hiện vật, kẻ bằng lời nói, kẻ bằng trang báo. Tôi nghiệm ra rằng hầu như không có ngòi bút tỵ nạn nào rời bỏ thế đứng chống đối đại hoạ độc tài đảng trị và cũng không có ai chấp nhận chính sách văn học chỉ huy. Thế mạnh của văn học chính thống là thể hiện, biện luận, phân giải những vấn đề chính nghĩa, xoay quanh công cuộc chống ách nô lệ mác-xít. Đối với tôi, người viết văn lưu vong tỵ nạn không coi sáng tác là một biểu hiệu của tài hoa, mà là một bổn phận, vừa thoả mãn nhu cầu tinh thần, vừa đóng góp cho đại cuộc.

     Văn hoá văn học lưu vong của chúng ta không chịu đầu hàng thực tế mà tự thấy đương nhiên có nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng man rợ và tàn bạo đang đe dọa cuộc sống tự do. Tin tưởng vào tính thiêng liêng của các bản thông điệp do mình gửi đi, các ngòi bút nuôi hy vọng tác động đến quần chúng. Cho nên người cầm bút có trách nhiệm tự động tự giác từ bỏ việc tìm tòi nghệ thuật thuần túy,  lìa xa con đường dẫn đến văn nghệ trừu tượng hay thi ca bí hiểm. Trái lại nhiều người trong chúng ta quan niệm sáng tác phải có tác dụng vận động quần chúng, mà mong ước tác động vào thực tại cuộc sống tất yếu sẽ dẫn đến tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị trước cơn sốt trầm trọng của lịch sử tổ quốc. Đó là một trong những lý do và cũng là kích động khiến nhiều trang mạng ra đời để tồn tại cho đến tận hôm nay. 

     Trong thực tế, tờ Văn học ở Cali, tờ Làng văn ở Toronto, hai tờ tạp chí có uy tín ở hải ngoại, đã phải đình bản mặc dầu các toà soạn liên hệ đã cố tìm cách thích nghi: thay vì ra hàng tháng chuyển sang ra mỗi hai tháng, in cỡ chữ lớn hơn vì khối độc giả càng ngày càng mắt kém. Ở quận 13 Paris, nhà sách Nam Á đóng cửa, nhà sách Khai Trí bây giờ chủ yếu thu nhập tài chánh qua dịch vụ cung cấp bánh mì.

     Tuy nhiên chúng ta không phải chỉ biết sử dụng văn phong đề cao trực tiếp chính nghĩa quốc gia hoặc truyền bá rõ ràng lập trường chống cộng. Là những người có học, chúng ta dùng sở học sở trường gián tiếp chứng minh cho người cộng sản thấy rõ trình độ, bản lĩnh, kiến thức v.v..của người tỵ nạn trong nhiều lĩnh vực. Trong nước có Viện Văn học, có Viện Sử học, có Viện Hán-Nôm, có Viện Đông y; có Tạp chí Nghiên cứu Văn học, có tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, có Tạp chí Hán-Nôm, có Tạp chí Đông y; có cả một tập thể rất đông đảo những cán bộ lĩnh lương hằng tháng để làm công việc nghiên cứu, biên khảo. Nhưng họ vẫn không tìm hiểu được đích xác mục túc trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi là cây gì, thổ cẩu trong thơ đi sứ Nguyễn Du là con gì. Và họ cũng không biết đường thiếp lập cho tác giả Truyện Kiều một bệnh án theo những tiêu chuẩn thuộc y học cổ truyền  như một mình kẻ viết bài này đã đơn thân làm được và cho đăng trên báo chí hải ngoại. Tôi viết biên khảo văn học và gởi đăng Văn học, Làng văn, Tập san Y sĩ v.v..là với mục đích ngấm ngầm chống cộng, kín đáo nhắn những người đang đứng bên kia và trong thực tế, vào một số trường hợp, tôi đã nhận được tiếng vọng từ trong nước. Chẳng hạn và chỉ riêng đối với Đào Tấn, sau hai bài do tôi cho đăng trên tạp chí Văn Học phát hành tại Garden Grove, California, tôi đã ghi nhận được hai đáp ứng từ quốc nội:

     1) Tác giả Nguyễn Huệ Chi khi đọc bài Hý trường tùy bút của Đào Tấn của tôi xuất hiện trên Văn Học số 219, tháng 07.2004, đã công khai công nhận rằng mình phiên âm một số chữ Hán không đúng, như tôi chỉ rõ. Ông ngỏ lời cám ơn tôi và hứa sẽ đính chính khi cho tái bản bài biên khảo của ông cùng với lời ghi rõ xuất xứ.

     2) Tác giả Phạm Văn Ánh trong bài viết Sự thực về Mộng Mai từ lục của Đào Tấn đăng trên trang Web Văn hoá Nghệ an đưa nhận xét rằng bài viết Vấn đề văn bản học của một số bài từ Đào Tấn do tôi chấp bút và gửi đăng trên Văn Học số 203-204, tháng 3-4.2003 là “nghiêm túc, công phu.

     Đương nhiên đây chỉ là những trường hợp tôi tình cờ biết được và tất nhiên tôi chẳng thể nào biết được tất cả những phản ứng từ giới cầm bút trong nước.   

     Vận tải những nội dung chuyên biệt về văn học thường khi khô khan, nhiều khi khúc mắc, những bài biên khảo về văn học cổ trung đại Việt Nam do tôi trước tác cố gắng mang ba đặc tính cơ bản về hình thức: sáng sủa, đơn giản và chính xác. Tôi không đi tìm văn phong hoa lệ, tôi tránh cung cách dụng ngữ cầu kỳ. Tôi quan niệm thời điểm viết bài cũng là thời điểm sáng tạo. Tôi không viết cho cá nhân tôi mà viết cho chủ đích tự vạch.

Vi‰t Vì LÜu Vong
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
devoir
Loading
BS Trần Văn Tích

BS Trần Văn Tích