Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Duy Anh
Chữ "Fiscal Cliff" lần đầu tiên được Chủ tịch Federal Reserve Bernanke vào đầu năm 2012 để nói về viễn ảnh tình trạng kinh tế Hoa Kỳ vào đầu năm 2013 khi một loạt các biện pháp giảm thuế từ thời Tổng Thống George Bush hết hiệu lực, cộng thêm sự kiện chính quyền phải bắt buộc phải cắt giảm chi phí trong mục đích quân bằng ngân sách. Điều kiện này đã được đặt ra sau khi Quốc Hội đồng ý cho nâng "trần nợ" lên từ $15.1 ngàn tỷ đến $16.4 ngàn tỷ.
Nếu Hạ Viện mà phe Cộng Hòa đang nắm đa số (đại diện là DB John Boehner) và Nhà Trắng (TT Obama) không đi đến một sự thỏa thuận nào trước thời hạn 31/12/2012 thì sự kiện tăng thuế và tự động cắt giảm ngân sách chính quyền (làm sao cho nợ quốc gia phải giảm xuống ít nhất $1.2 ngàn tỷ trong 10 năm tới đây) sẽ có khả năng làm suy thoái kinh tế nước Mỹ trong năm 2013 và ảnh hưởng đến cả kinh tế toàn cầu.
Những nhà phân tích cho rằng biện pháp tăng thuế sẽ làm tăng thu nhập (revenues) của chính quyền nhưng sẽ làm hại cho hoạt động thương mãi vì thuế cao sẽ làm các nhà kinh doanh khó khăn hơn và không muốn làm ăn nữa.
Hiện nay, trong tình hình kinh tế còn khó khăn, chi phí của chính quyền đang phần nào bù đắp vào hoạt động yếu kém của khu vực tư nhân. Để nhắc lại, chúng ta thấy công thức tính toán GDP là:
GDP= C + I + G + (X-M) trong đó
C: Private consumption (Tiêu thụ khu vực tư nhân)
I: Gross investment (Đầu tư khu vực kỹ nghệ + dịch vụ)
G: Government spending (chi tiêu của chính quyền)
(X-M): cán cân xuất nhập khẩu
Thuế cao sẽ làm giảm I, từ đó gây thất nghiệp cao và làm giảm C.
Bây giờ cắt giảm thêm G thì sẽ ảnh hưởng được cộng hưởng làm cho GDP bị sút giảm nghiêm trọng. Theo ước tính "fiscal cliff" sẽ làm GDP nước Mỹ tụt hẳn 0.5% trong quý 1/2013 và đẩy tỉ lệ thất nghiệp vượt qua mức 9% trở lại. Cái lợi tạm quân bình ngân sách chưa thấy đâu mà đất nước lại chìm vào khủng hoảng thì mất cả chì lẫn chài.
Tất cả mọi người dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ đều nhìn nhận sự kiện này và đang tìm phương cách giải quyết, ít nhất là tìm giải pháp tạm thời để từ từ tính nữa. Dĩ nhiên là không thể tăng thuế toàn bộ được rồi, cũng như không thể cắt giảm chi phí chính quyền một cách quyết liệt như đã định được. Cái khó là bây giờ tiếp tục giảm thuế như thế nào? Và cắt giảm chí phí chính quyền bao nhiêu và cắt cái gì?
Hai vấn đề này đang gây tranh cãi và chia rẽ hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ một cách trầm trọng. Điều này có liên quan đến chủ trương đường lối của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Phe Cộng Hòa luôn luôn chủ trương giảm thuế để thúc đẩy kinh tế và làm lợi cho giới kinh doanh, đồng thời cắt giảm chi phí chính quyền nhằm thu nhỏ ảnh hưởng của chính quyền (state) đối với hoạt động tư nhân (private). Những lý do chính phe Cộng Hòa đưa ra là hiện nay biểu thuế đã quá cao, giảm thuế không những làm lợi cho hoạt động kinh doanh mà còn làm tăng thu nhập (revenues) của chính quyền vì tiền thuế thu về sẽ cao hơn. Mô hình chứng minh là đường cong Laffer (xem hình bên cạnh):
Giải thích:
Nếu thuế suất là 0% (góc trái) hoặc 100%, tiền thuế thu về sẽ là 0. Điều này hiển nhiên vì không thu thuế sẽ không có tiền nhưng nếu đánh thuế 100% thì chẳng ai làm ăn nữa và chính phủ cũng "troớc qước," chẳn thu được đồng thuế nào cả.
Như vậy sẽ có một thuế suất tối ưu nằm giữa hai cực mà hiện nay không ai có thể xác định một cách chắc chắn được tuy đã có nhiều cuộc nghiên cứu tìm tòi về sự kiện này.
Phe Cộng Hòa cho rằng biểu thuế hiện hành đang nằm về phía tay phải của đường cong Laffer. Các chính sách giảm thuế từ thời Reagan đến nay, cũng như một số biện pháp giảm thuế của nhiều quốc gia trên thế giới có vẻ đã chứng minh điều này là đúng. Giảm thuế ngoài chuyện thúc đẩy kinh tế lại còn làm cho thu nhập chính quyền tăng thêm.
Điều thứ hai liên quan đến ngân sách chính quyền. Phe Cộng Hòa cho là nhiệm vụ của chính quyền chỉ nên quản lý hành chánh để điều hành hoạt động kinh doanh của tư nhân, không nên khống chế và xâm phạm vào quyền tự do của tư nhân quá nhiều. Kinh nghiệm kinh tế chỉ huy của các nước cộng sản cũ đã chứng minh chính quyền càng xâm phạm vào quyền tự do tư nhân chừng nào càng làm hại cho phát triển xã hội chừng đó.
Phe Dân Chủ thì chủ trương bảo vệ người nghèo nên chằm chằm vào chuyện đánh thuế để "spread the wealth," lấy tiền của người giàu san sẽ qua cho người nghèo. Do đó, hiện nay chính quyền Obama nhắm đánh thuế tối đa vào nhóm 2% dân Mỹ có thu nhập cao nhất. Đồng thời phe Dân Chủ muốn gia tăng tối đa các chương trình an sinh xã hội cho toàn dân, chẳng hạn như bảo hiểm sức khỏe toàn dân nên rất cần phải có quyền lực khống chế và ngân sách dồi dào. Với đường lối như vậy không thể có chuyện cắt giảm chi phí chính quyền được và khi hết tiền thì cứ việc... in thêm!
Đường lối của đảng Dân Chủ tuy chưa phải là cộng sản như một vài người phe Cộng Hòa lên án nhưng phần nào tương tự đường lối dân chủ xã hội Âu Châu với những hậu quả là chính quyền hết tiền và đưa đất nước vào khủng hoảng như các quốc gia PIIGS (Portugal, Italy, Ireland, Greek và Spain).
Theo những tin tức mới nhất thì Hạ Viện và Nhà Trắng đã tạm thỏa thuận về vế đầu là thuế má. Sẽ giảm thuế "across-the-board" tuy không nhiều như trước và biểu thuế cao hơn một chút đối với 2% người giàu (những người thu nhập $250,000/năm trở lên). Tuy nhiên còn một vấn đề hóc búa nữa là chuyện cắt giảm chi phí chính quyền. TT Obama chưa chịu cắt giảm đủ như phe Cộng Hòa yêu cầu. Được biết tối ngày 13/12/2012 John Boehner và TT Obama lại gặp riêng với nhau một lần nữa và hi vọng sẽ đi đến một giải pháp trung hòa mới. Mong lắm thay.
California ngày 13/12/2012