Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Phạm gia Cổn
Chúng tôi là một y sĩ nguyên tốt nghiệp tại Việt Nam và đã từng phục vụ ở các đơn vị tác chiến, từ cấp tiểu đoàn lên đến lữ đoàn, thuộc binh chủng Nhẩy Dù. Trong hoàn cảnh đó trên thực tế, muốn làm tròn nhiệm vụ của một y sĩ tiền tuyến, chúng tôi trước hết phải hành quân theo đơn vị và luôn chiến đấu như một người lính; và cùng lúc đó chúng tôi vẫn phải bảo đảm sức khỏe của bất cứ ai trong đơn vị, từ anh binh nhì đến cấp chỉ huy. Nghĩa là bao giờ chúng tôi cũng phải trang bị đầy đủ quân trang quân dụng đúng tiêu chuẩn của một người lính tác chiến, kèm theo y cụ thuốc men của một y sĩ để khi đụng trận cấp cứu, chữa trị, tản thương kịp thời thương binh trong đơn vị mình, đơn vị bạn và nhiều khi cả dân chúng lẫn thương binh địch để lại ở chiến trường nữa.
Nhờ vào vị thế đặc biệt đó, chúng tôi không những làm quen với vấn đề sức khỏe của tập thể người lính mà còn phải phát triển nhất là về chuyên môn cấp cứu của y khoa. Ngoài ra, những tiếp cận chiến đấu hành quân đã khiến chúng tôi thường xuyên phát triển tình đồng đội, nghĩa đồng bào, lòng yêu quê hương đất nước dân tộc và nhất là cụ thể hóa được lý tưởng và chính nghĩa mà cả mấy ngàn năm trước tổ tiên ta đã trao truyền tồn tại tới ngày nay.
Rồi làm thân tị nạn,di tản sang Hoa Kỳ, chúng tôi lấy lại bằng hành nghề Y khoa với các chuyên môn Anesthesiology (Gây Tê-Mê) Pain Management (chữa trị Bệnh Đau Nhức Kinh Niên) và Critical Care Medicine (chữa trị bệnh nặng tại ICU). Từ năm 1982 tôi liên tục làm việc trong ban giảng huấn thuộc Đại học UCLA (University of California at Los Angeles).
Ngày hôm nay, được hân hạnh tham dự Đại Hội Quốc Tế 1996 của Hôi Chuyên Gia Việt Nam, với chút kinh nghiệm và sự hiểu biết hạn hẹp, chúng tôi xin cụ thể đóng góp vài ý kiến để xây dựng một nền y tế phục vụ quần chúng tạm gọi là y tế dân dụng, cho một Việt Nam dân chủ phát triển trong tương lai, như một phần của chủ đề Quan niệm về Sức khỏe của Khối Y tế Đại hội Chuyên Gia kỳ này.
Ưu Khuyết điểm của nền y tế Hoa Kỳ
Trước khi trực tiếp đi vào đề tài, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần điểm qua những nét ưu lẫn khuyết điểm của y khoa Hoa Kỳ so với nền y tế của các quốc gia khác, nhất là so với thực trạng y tế Việt Nam hiện nay:
·Hoa Ky đang có một nền y khoa tân tiến nhất thế giới trong vòng trên nửa thế kỷ qua. Tân tiến ở mặt sáng kiến và khám phá quan trọng, đóng góp tích cực nhất vào bước tiến về tương lai của lịch sử y học thế giới. Tân tiến cả phương diện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào y cụ cho vấn đề ngừa bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu y khoa thì Hoa Kỳ cũng ở vị trí hàng đầu thế giới. Nhưng đồng thời, ưu điểm trên cũng là yếu tố khiến y khoa Hoa Kỳ sa lầy vào chuyên môn tính, máy móc hóa cả tập thể y sĩ lẫn đối tượng bệnh nhân.
·Hoa Kỳ có một ngân khoản lớn lao vô cùng đặc biệt dành cho lãnh vực sức khỏe con người. Ngân khoản y khoa của Hoa Kỳ sở dĩ vĩ đại không phải chỉ dựa vào ngân sách quốc gia mà phần lớn trông cậy vào các cống hiến tư nhân lẫn sự đóng góp của các công ty thuộc ngành kỹ nghệ sức khỏe. Đây là kết quả độc đáo từ nguyên tắc tự do kinh doanh của nền kinh tế thị trường.
·Cũng vì y khoa Hoa Kỳ tân tiến mà y phí trở nên nặng nề cho đại đa số dân sống trong xã hội Mỹ. Lâu nay dân chúng Hoa Kỳ vẫn được hưởng thụ những thành quả y khoa là nhờ:
-Sức khỏe, giáo dục và sinh hoạt xã hội được chính quyền luôn luôn chú tâm đặc biệt và điều chỉnh thường xuyên.
-Hệ thống bảo hiểm sức khỏe tư nhân cộng tác với các công ty kinh doanh của mọi ngành sinh hoạt xã hôi, lâu nay đã tạo thành một kỹ nghệ y tế sức khỏe với các trung tâm nghiên cứu y khoa, bệnh viện và chuyên gia y-nha-dược các cấp. Đây là kỹ nghệ mạnh và quan trong hàng đầu của kinh tế Hoa Kỳ.
-Hệ thống trợ cấp y tế do chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương bảo trợ, nhưng thường được điều chỉnh theo chiều hướng cắt giảm những chương trình trợ cấp xã hội.
Mặc dù nhờ các điểm nêu trên, nền y tế dân dụng Hoa Kỳ xét cho cùng vẫn còn phân biệt đối xử và chưa phổ cập cho đại đa số dân cư bằng các xã hội Tây Âu từ Anh, Pháp, Thụy Điển…đến Canada, Úc Đại Lợi. Chính quyền đã và đang cố gắng cải tổ hệ thống quản trị y tế và cắt giảm những chương trình trợ cấp y tế, trợ cấp xã hội. Chưa biết kết quả tới đâu?
Tuy nhiên, không một ai trong giới y khoa quốc tế lại không đồng ý rằng Hoa Kỳ có một nền y khoa tân tiến nhất thế giới và đứng hàng đầu trong việc săn sóc sức khỏe của dân chúng từ vấn đề môi sinh tới ngừa bệnh, chữa trị.
Sau khi nhìn khái quát về nền y khoa Hoa Kỳ, chúng tôi mời quý vị thử phác họa một nền y tế phục vụ quần chúng Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới và thực trạng hiện nay ở đó, qua những nét chính nền tảng sau:
Khái niệm về căn bản y khoa và vấn đề phục vụ sức khỏe con người.
·Y khoa là một ngành hoạt động nhằm phục vụ cho sức khỏe con người , bao gồm cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Mọi nguồn gốc y lý phát xuất từ đông phương hay tây phương, mọi phát kiến y học đến từ bất cứ cá nhân nào, dân tộc nào cũng đều là những đóng góp chung vào tiến trình phát triển y khoa nhân loại.
·Nền y tế của một xã hội được hình thành nhằm phục vụ cho dân cư thuộc xã hội đó. Cho nên y tế được phổ cập chừng nào trong mọi thành phần quần chúng càng chứng tỏ nền y tế đó hữu hiệu chừng đấy, và hiệu quả thành tựu của nền y tế ấy càng có giá trị thực tiễn.
·Vậy hệ thống y tế dân dụng của mỗi xã hội khác biệt nhau vì những yếu tố cấu trúc và phát triển của mỗi xã hội khác nhau, từ kinh tế, khoa học kỹ thuật, đến giáo dục, văn hóa…
Từ đó,chúng tôi quan niệm rằng: người thầy thuốc không những chỉ lo chữa trị căn bệnh mà còn phải quan tâm đến người bệnh và phải lưu ý coi sóc tới người và sự việc xung quanh.
Nền y tế dân dụng cho Việt Nam theo chiều hướng dân chủ và phát triển
Dựa trên nền tảng khái niệm y khoa với các yếu tố nêu trên, chúng ta có thể mường tượng ra khung sườn một nền y tế dân dụng theo chiều hướng dân chủ và phát triển phù hợp với thực trạng y tế Việt Nam hiện nay, gồm những điều kiện sau:
1/ Điều hòa mức phát triển y khoa mọi nguồn gốc bằng cách:
·Nỗ lực phát triển và lý giải các ngành đông y và y học dân tộc để hòa nhập vào với tây y ở mọi ngành chuyên môn. Tất cả trên căn bản nghiên cứu và học thuật.
·Tiếp tục thu hái các phát kiến y khoa tân tiến của thế giới
·Thiết lập các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành lẫn tổng quát.
·Khuyến khích những phát minh và ứng dụng cụ thể về các ngành
chuyên môn của y khoa tân tiến.
2/ Phổ cập áp dụng vào nền y tế dân dụng
·Đẩy mạnh phong trào sản xuất dược và y phẩm bằng nguyên y dược
liệu sẵn có trong nước. qua y dược cụ và công thức tân tiến quốc tế.
·Sử dụng y cụ khoa học kỹ thuật tùy điều kiện xã hội
·Thiết lập, phát triển các trạm xá, bệnh xá, y viện bệnh viện ở khắp
các cấp hành chánh từ xã ấp tới tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ
sức khỏe dân cư.
3/ Y khoa và giáo dục:
·Thống nhất những tài liệu căn bản về y tế, cả về các ngành chuyên khoa lẫn cơ cấu quản trị.
·Thực hiện kế hoạch ngắn và dài hạn để tu nghiệp và đào tạo những
tầng lớp chuyên viên y nha dược các cấp từ trung, đại học và hậu đại học
·Y tế phòng ngừa: phổ biến và chỉ dẫn kiến thức y tế phổ thông trong
dân cư, nhất là nông thôn và các vùng hẻo lánh.
·Áp dụng các biện pháp vệ sinh công cộng: bảo vệ môi sinh.
4/ Phát triển các hệ thống y khoa bảo vệ sức khỏe dân cư:
·Cho phép chuyên viên y nha dưọc được tự do hành nghề,công lẫn tư, một cách cởi mở rộng rãi và hài hòa
·Thúc đẩy các hoạt động y dược phát triển thành những ngành kỹ nghệ riêng
·Khuyến khích các công tác tặng hay tài trợ các công trình nghiên cứu , xây cất, điều hành bệnh viện công tư lớn nhỏ các loại.
·Đặc biệt tuyên dương và bảo trợ các công tác bảo vệ sức khỏe công ích.
5/ Ưu tiên y tế trong giai đoạn khẩn cấp:
·Kiểm soát vệ sinh thực phẩm
·Kiêm soát vệ sinh môi trường
·Diệt trừ tệ trạng xã hội
·Nâng cao mức sống của dân cư
·Ngân quỹ điều hành căn bản phải do từ nhà cầm quyền đương thời không thể chờ đợi và tùy thuộc các nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Kết luận
Khung sườn y tế chỉ được hữu hiệu thực hiện khi hội đủ ba điều kiện sau:
·Chính sách y tế dân dụng phải đưọc áp dụng dựa trên căn bản bình quyền xã hội.
·Giới chuyên gia cung cấp dịch vụ y tế phải được tự do hành nghề, đời sống tinh thần và vật chất phải được bảo đảm và phải đặt ưu tiên phục vụ đối tượng là bệnh nhân lên trên hết.
·Giới thụ hưởng, dân chúng, luôn luôn được nâng cao trình độ kiến thức y tế và tinh thần tích cực cộng tác trong nền y tế dân dụng này.
Những ý kiến sơ lược nhất thời nêu ra ở đây chỉ có tính cách tiêu biểu nhưng còn thô thiển. Rất mong được sự tích cực bổ túc cuả quý vị.
Lời giới thiệu của Ban Biên Tập
Bài "Nền Y Tế Dân Dụng" của tác giả Phạm Gia Cổn được trích từ Kỷ Yếu Đại Hội Quốc Tế 1996 Việt Nam Dân Chủ & Phát Triển do Hội Chuyên Gia Việt Nam phát hành. Bài nói chuyện của BS Phạm Gia Cổn phác họa khung sườn cho một nền y tế dân dụng theo chiều hướng dân chủ và phát triển phù hợp với thực trạng y tế Việt Nam hiện nay.
Những điểm chính có tính cách tổng quát được tác giả nêu ra dựa vào kinh nghiệm bản thân là một quân y sĩ đã từng phục vụ trong quân lực VNCH và sau này làm việc lâu năm trong ban giảng huấn thuộc Đại Học Y Khoa UCLA.