Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Tổng Thống Barack Obama |
|
|
Thống Đốc Mitt Romney |
|
Thưa quý vị,
Đối với bản thân tôi, câu trả lời không khó lắm, tương tự như hỏi tôi là đã có đủ điều kiện rồi, bây giờ nên sắm một cái xe hơi Mercedes hay BMW đây? Quả thật vậy, tôi luôn tâm niệm đã được diễm phúc sống trong một đất nước tự do dân chủ như nước Mỹ thì vấn dề bầu cho Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng không ảnh hưởng gì lớn lao cho cuộc sống thực tế của tôi và gia đình.
Trải qua từ thời kỳ TT Bush cha, rồi TT Clinton, tiếp theo là TT Bush con và bây giờ là TT Obama, tôi cảm thấy cuộc sống tinh thần và vật chất của bản thân chỉ có thăng tiến, lúc nhanh lúc chậm nhưng nhìn chung không có gì đáng phàn nàn cả cho dù sống dưới "chế độ" Dân Chủ hay Cộng Hòa. Tôi nhận thức được điều quan trọng nhất là dù Dân Chủ hay Cộng Hòa, những người đại diện cho tôi đều một tâm một lòng phục vụ cho đất nước và người dân sống trên mảnh đất kỳ diệu này. Hình như mỗi đảng đều kết hợp được những con người tinh hoa nhất của đất nước, và chỉ có tốt nhiều hay tốt ít chứ gần như không có điều gì xấu cả.
Xã hội Hoa Kỳ trải qua hơn hai trăm năm phát triển đã kiện toàn được một thể chế chính trị tôi cảm thấy là hợp lý và công bằng nhất thế giới. Đặc biệt, phương cách bầu theo "Electoral College" để chọn Tổng Thống đã tạo ra một hiện tượng là mỗi một lá phiếu đều có thể có giá trị quyết định thắng bại, cũng như tiếng nói của thiểu số cũng quan trọng không kém tiếng nói của đa số. Điều này theo tôi bên Âu Châu cũng không sánh bằng vì vẫn còn theo lối thông thường là phổ thông đầu phiếu, do đó những nhóm thiểu số hầu như không được chú ý đến bao nhiêu.
Trên nguyên tắc, Hoa Kỳ theo thể chế đa đảng, thậm chí đảng Cộng sản cũng được phép hoạt động nhưng nhờ nguyên tắc tự do cạnh tranh nên dần dà hình thành một thể chế lưỡng đảng, chỉ còn lại hai đảng thực sự là tốt nhất cho quyền lợi của đa số cử tri nên đã liên tiếp thay nhau lên nắm quyền từ hàng trăm năm nay. Sự kiện này tôi thấy khá giống nguyên tắc tự do cạnh tranh trên thị trường đã đưa đến sự hình thành của Coca Cola và Pepsi Cola, Mackintosh Apple và PC IBM clone v.v... Thứ này cũng ngon và tốt cả, chỉ còn lại hai thứ để lựa chọn thì cũng đỡ... mệt óc.
Bây giờ trở về câu hỏi nên mua xe Mercedes hay BMW thì theo tôi cái nào cũng tốt cả, vấn đề cứ để cho các bà vợ quyết định, thế là xong chuyện. Vậy chứ mà chúng tôi có quen một cặp vợ chồng bạn, chỉ vì chuyện đó mà cãi nhau vỡ cả nhà, không ai chịu nhường ai và giận hờn nhau đến nỗi rốt cục bỏ ý định mua xe mới luôn.
Tuy nhiên, dầu gì đi nữa đi bầu là một nghĩa vụ cao cả của công dân cho nên ít nhất tôi phải có ý kiến dựa trên một số phân tích nào đó. Vả lại có vị đã "cổ động" cho TT Obama rồi, thiết tưởng cũng nên nhắc đến ứng cử viên Mitt Romney cho nó công bằng một chút.
Đầu tiên là bàn về cương lĩnh của hai đảng, có nghĩa là đường lối chung Dân Chủ và Cộng Hòa để lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ ra sao? Theo sự hiểu biết của tôi góp nhặt qua báo chí, Internet và hơn 20 kinh nghiệm sống tại Mỹ thì có vẻ đảng Dân Chủ hoạt động hướng về quốc nội nhiều hơn là tham gia vào chính trị thế giới. Nghĩa là Dân Chủ đặt trọng tâm giải quyết những vấn đề trong nước trước, lo cho lợi ích người dân, cho tự do cá nhân, cực chẳng đã mới "xiá" vào chuyện thế giới.
Do đó Dân Chủ theo đường lối xã hội, chủ trương tăng thuế của người giàu để san sẻ cho người nghèo, chủ trương tự do cá nhân tối đa đưa đến tự do phá thai, tự do đồng tình luyến ái, tự do tín ngưỡng cũng như tự do "vô" tín ngưỡng thành thử vô thần cũng là một phương thức sống được coi trọng. Chúng ta đã thấy những vụ chống đối các cơ quan cộng cộng sử dụng các từ ngữ có liên quan đến tôn giáo và yêu cầu bỏ ra khỏi sinh hoạt công cộng. Ngay cả hàng chữ "In God We Trust" trên tờ giấy USD cũng đã nhiều lần bị phe Dân Chủ chỉ trích. Ngoài ra Dân Chủ cũng chủ trương cắt giảm chi phí quốc phòng tối đa, để chuyện thế giới cho thế giới lo. Với đường lối chung như vậy thì chúng ta thấy những người lợi tức kém, các thành phần phải sống dựa vào trợ cấp xã hội, những người đã về hưu hoặc ăn "tiền già," lớp trẻ sinh viên mới lớn chưa có công ăn việc làm (và ưa thích cuộc sống phóng túng) hết sức hoan nghênh là phải. Vì vậy Dân Chủ được gọi chung là "Liberal."
Cộng Hòa thì tương đối đặt thứ tự ưu tiên đồng đều hơn, đối nội và đối ngoại đều quan trọng như nhau vì quan niệm rằng lợi ích của nước Mỹ gắn liền với lợi ích của thế giới, bên ngoài có ổn định thì người dân mới làm ăn phát triển được. Từ đó, xây dựng một quân đội hùng mạnh để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trên toàn thế giới và không ngần ngại sử dụng đội quân này để ra uy khiến có nhiều người cho rằng chính sách của Cộng Hòa là "diều hâu" và dễ gây chiến tranh hơn là Dân Chủ.
Đối nội thì Cộng Hòa khuyến khích tự do cạnh tranh, tự do kinh tế bằng cách giảm thuế cho những công ty và cắt giảm ngân sách để làm vai trò của chính phủ nhỏ dần đi đối với sinh hoạt quốc dân. Cộng Hòa chú trọng đến đời sống tinh thần và khuyến khích tự do tín ngưỡng. Những giá trị truyền thống về gia đình và trách nhiệm của con người trong xã hội và tôn giáo được đặt nặng, từ đó đưa đến chủ trương chống phá thai (trừ những trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân và có nguy hiểm đến tính mạng người mẹ), chống đám cưới đồng tình luyến ái tuy chấp nhận mọi cách sống của họ. Điểm nổi bật của Cộng Hòa là chủ trương tạo điều kiện công bằng cho mọi người để thăng tiến và làm giàu! Nói chung thì Cộng Hòa được gọi là "Conservative."
Từ sự khác biệt về cương lĩnh của hai đảng, bản thân tôi cảm thấy phù hợp với chủ trương của đảng Cộng Hòa hơn là đảng Dân Chủ. Tôi cũng nghĩ rằng sở dĩ gia đình tôi được qua Mỹ theo diện HO vào năm 1991 phần nào cũng do chủ trương của chính quyền Bush cha, tức đảng Cộng Hòa đã làm áp lực với CSVN. Tôi thật sự không biết nếu đảng Dân Chủ nắm quyền thì liệu thành phần cựu tù nhân cải tạo CS như chúng tôi có được đón qua Mỹ hay không?
Tuy nhiên khi bầu người lãnh đạo cao nhất, chúng tôi nghĩ rằng phải chọn người giỏi và xứng đáng nhất, không chọn theo đảng phái được. Cả hai đảng đều từng có những vị Tổng Thống rất giỏi và đã thực hiện được những chuyện lớn lao mang lại những điều tốt đẹp cho dân Mỹ và cả nhân loại. Chẳng hạn phe Cộng Hòa đã từng có các TT Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Dwight Eisenhower, Ronald Reagan... và phe Dân Chủ thì có Franklin Roosevelt, Harry Truman, John Kennedy... đều xứng đáng là những vĩ nhân của Hoa Kỳ và có thể của cả thế giới nữa.
Lần bầu cử này thì tôi phải chọn giữa TT Barack Obama và Thống đốc Mitt Romney. Tương tự như đã có tiền mua xe mới rồi bây giờ phải chọn xe Mercedes hay xe BMW đây? Sở dĩ phải nhắc lại điều này một lần nữa để nhấn mạnh những điểm phân tích sau đây chỉ có tính cách chi ly, đi vào chi tiết mà không hề có tính cách chỉ trích hay đả phá ứng cử viên nào cả.
Trước tiên là nói về TT Obama.
TT Obama xuất thân từ một gia đình khó khăn, gốc da đen, không được sống với bố mẹ mà sống với ông bà ngoại, nhờ tài năng và ý chí phi thường nên đã vươn lên được vị trí cao nhất của nước Mỹ. TT Obama hiểu được tâm trạng của những người nghèo và các tầng lớp thấp của xã hội Mỹ nên cố gắng thay đổi nước Mỹ để nâng đỡ những tầng lớp này lên với ý tưởng là khi thành phần khó khăn vươn lên dược thì cả nước Mỹ sẽ tiến lên mạnh mẽ hơn về phía trước. Phuơng châm tranh cử của TT Obama năm 2008 là " Thay Đổi" (Change) và năm nay là "Đưa Hoa Kỳ tiến lên" (Moving America Forward).
Sự thành công của TT Obama khi thắng cử vào năm 2008 đã làm chấn động cả thế giới và khẳng định tính ưu việt của thể chế chính trị tại Mỹ, đã tạo ra niềm tin đối với tất cả những thành phần thiểu số khác tại Mỹ là mọi cánh cửa đều mở rộng cho những người có ước mơ và tài năng.
TT Obama trưởng thành tại Hawaii và đã có thời kỳ sống tại Indonesia nên có cơ hội tiếp xúc với các dân tộc Á Châu nên tôi có cảm giác ông đã chịu ảnh hưởng lối suy nghĩ của người Á Châu, phần nào có chiều sâu thâm trầm, tính toán nhưng rất thủ đoạn khi cần. Đặc tính này đã giúp ông thành công trong một số quyết định lớn. Ví dụ, đã bổ nhiệm Hillary Clinton làm bộ trưởng ngoại giao mặc dù trước đó lúc tranh cử sơ bộ đã chỉ trích bà không tiếc lời. Từ đó "nắm" được cựu TT Bill Clinton là một trong những người nổi tiếng và có uy tín nhất của Dân Chủ. Trong vụ giải quyết Khadafi tại Lybia, TT Obama một mặt thì truyên bố Hoa Kỳ không muốn dính dáng đến chính trị của Lybia và đẩy NATO phải ra mặt chịu trách nhiệm nhưng mặt trong thì ngầm trợ giúp phản loạn (rebels) Lybia tối đa để cuối cùng dứt điểm được Khadafi. Chuyện giải quyết Bin Laden cũng vậy, TT Obama không ngần ngại "qua mặt" chính phủ Pakistan và âm thầm tấn công chỗ ẩn núp của Bin Laden để giải quyết một lần cho xong.
Những thành tựu nổi bật của TT Obam trong 4 năm vừa qua gồm có:
-Đã có những quyết định hợp lý và kịp thời để nước Mỹ thoát ra khỏi cơn khủng hoảng tài chánh 1007-2008.
-Đã thông qua được Obamacare, một tham vọng lớn mang lại cho mọi người dân Mỹ sự an toàn về bảo hiểm sức khỏe.
-Đã ra lệnh giết Bin Laden, chấm dứt được một chương quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Những thất bại nổi bật của TT Obama trong 4 năm vừa qua:
-Thất hứa với cử tri Mỹ là giảm thất thu ngân sách xuống còn một nửa. Trong 4 năm vừa qua, mỗi năm ngân sách chính phủ vẫn thâm hụt trên $1 ngàn tỷ, tệ hơn chính quyền tiền nhiệm TT George Bush và đẩy tổng số nợ quốc gia lên mức kỷ lục là sẽ vượt $16 ngàn tỷ vào cuối năm nay. Cần chú ý là trong 8 năm của TT Bush, số nợ quốc gia tăng $4.9 ngàn tỷ đạt mức $10.6 ngàn tỷ và chỉ 4 năm của TT Obama, số nợ đã tăng thêm $4.9 ngàn tỷ.
-Thất hứa với cử tri Mỹ là sẽ đoàn kết Dân Chủ và Cộng Hòa để chung sức giải quyết khó khăn của đất nước. Ngược lại đã làm cho sự chia rẽ ngày càng trầm trọng hơn.
-Không giải quyết được công ăn việc làm trong 4 năm qua. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở mức 7.8% tức y nguyên từ lúc TT Obama nắm quyền đến nay. Tốc độ phát triển kinh tế chậm dần một cách đáng ngại. Các chính sách QE có vẻ không có hiệu quả.
-Yếu kém trong vấn đề đối ngoại thậm chí lấp liếm về sự kiện khủng bố tấn công tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Benghazi làm chết 4 nhân viên trong đó có đại sứ Hoa Kỳ tại Lybia. Trong gần hai tuần lễ chính quyền Obama liên tiếp tuyên bố là vụ tấn công do biểu tình tự phát vì một cuốn băng video nói xấu Hồi giáo. Đích thân bà đại sứ Susan Rice lên tiếng trước dư luận quốc tế để khẳng định như vậy. Mãi gần đây chính quyền Obama mới thú nhận đó là một vụ tấn công khủng bố đã có dự mưu từ trước nhân ngày kỷ niệm 9/11. Sở dĩ phải nói dối như vậy vì ngại phải xác nhận là mối nguy khủng bố vẫn còn đó mặc dù đã diệt được Bin Laden.
Bây giờ nói về Ứng cử viên Mitt Romney.
Khác hẳn với TT Obama, Thống đốc Mitt Romney xuất thân từ một gia đình giàu có đã thành công trong ngành xe hơi tại Mỹ. Nhiều người cho rằng là TĐ Mitt Romney là một trong những ứng cử viên giàu nhất của nước Mỹ từ trước tới nay. Trưởng thành trong một môi trường ưu tú nhất của nước Mỹ mà đa số là người da trắng, ông được thừa hưởng những đặc tính tinh hoa của tầng lớp thượng lưu của xã hội Mỹ cũng như được đi học trong những trường xuất sắc nhất của nước Mỹ. Ông là một nhà kinh doanh thành công từ 25 năm nay và đã từng là một trong những sáng lập viên của Bain Capital một công ty tài chánh với tổng tài sản lên đến $65 tỷ. Tài sản riêng của TĐ Mitt Romney được ước lượng khoảng từ $190 đến $250 triệu, đó là chưa kể một cái "blind trust" riêng cho con cái trị giá khoảng $100 triệu nữa. Sau khi đã thành công về tài chánh, ông chuyển qua hoạt động chính trị và đã từng ra tranh cử chống lại TNS Ted Kennedy và bị thua vào năm 1994.
Năm 2002, Mitt Romney đứng ra nhận lãnh điều hành Thế Vận Hội Mùa Đông tại Salt Lake City thành công một cách vượt bực. Ông đã tặng lại Ủy Ban số tiền lương 3 năm làm việc là $1.4 triệu và còn tặng thêm $1 triệu nữa.
Cuối năm 2002 Mitt Romney ra tranh cử Thống đốc tiểu bang Masschussetts và thắng vẻ vang O'Brien của đảng Dân Chủ. Ông từ chối tiền lương Thống đốc và đã thành công vực lại được kinh tế của Tiểu bang Masschussetts, hạ thấp được tỉ lệ thất nghiệp một cách đáng kể và cân bằng lại được ngân sách của Tiểu bang. Ngoài ra ông cũng áp dụng được một chính sách bảo hiểm sức khỏe cho hầu hết cư dân Masschussetts, một kiểu mẫu về chăm sóc y tế lần đầu tiên áp dụng trên nước Mỹ mà người ta mệnh danh là "Romneycare." Ngay cả Obamacare cũng áp dụng một số nguyên tắc lấy từ Romneycare ra. Đến cuối năm 2006 thì ông mãn nhiệm kỳ và bắt đầu tham gia vào chính trường toàn quốc để sửa soạn ra tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Năm 2008 Mitt Romney thua John Mc Cain bầu cử sơ bộ đại diện đảng Cộng Hòa.
Những ưu điểm nổi bật của TĐ Mitt Romney:
-Một người có nhiều kinh nghiệm và thành công vượt bực về quản trị và kinh doanh. Đã từng tốt nghiệp MBA, Juris Doctor từ trường Đại học Harvard và thành tích kinh doanh đáng được ngưỡng mộ và tin tưởng.
-Trong khi TT Obama gần gũi với tầng lớp lao động và khó khăn thì TĐ Mitt Romney có nhiều liên hệ tốt đẹp với tầng lớp thượng lưu của xã hội Mỹ. Hai điều trái ngược này có những điểm lợi và hại khác nhau và đều có thể là những yếu tố thuận lợi cho vị trí nguyên thủ quốc gia nếu khéo sử dụng.
-Tham vọng của TĐ Mitt Romney khi ra tranh cử Tổng thống nếu có là thể hiện lòng yêu nước và ý nguyện phục vụ một cách chân thành. Cả cuộc đời hoạt động cho tôn giáo và những vấn đề của xã hội một cách vô vụ lợi đã chứng tỏ điều đó một cách rõ ràng.
Những yếu điểm của TĐ Mitt Romney:
-Đã thay đổi lập trường trong nhiều vấn đề trong đó quan trọng nhất là đã từng ủng hộ phá thai (pro-choice) nay chuyển qua chống phá thai (pro-life). Đây là một trong những yếu tố đã làm ông thua John Mc Cain trong kỳ tranh cử sơ bộ năm 2008.
-Chưa có kinh nghiệm tham gia điều hành chính quyền Liên bang, chẳng hạn chưa từng nắm một vị trí quan trọng nào trong bộ máy chính quyền Liên bang.
-Gia đình quá giàu có nên có một số người ganh ghét.
-Lập trường chống phá thai đã làm ông mất đi một số phiếu quan trọng trong các cử tri phụ nữ. Phá thai là một trong những vấn đề lớn của xã hội Mỹ và hiện Tối Cao Pháp Viện chưa có quyết định dứt khoát. Nhiều người phe Dân Chủ pro-choice lo ngại là Tổng thống có quyền đề cử Thẩm phán TCPV nên có khả năng làm nghiêng quyết định của TCPV trong vấn đề này.
Hiện nay qua 2 lần tranh luận (debate) giữa hai ứng cử viên Tổng thống và một lần tranh luận Phó Tổng thống thì các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên Mitt Romney đang dẫn trước với một tỉ lệ 50% - 46% (theo Gallup ngày 16-10-2012) . Tỉ lệ này thực tế là một thắng lợi lớn cho TĐ Mitt Romney vì các cuộc thăm dò trước đó cho thấy ông bị thua khá xa, nhất là tại các Tiểu bang gọi là "swing states" gồm Colorado, Florida, Iowa, North Carolina, New Hampshire, Nevada, Ohio, Virginia và Wisconsin.
Bản thân tôi sau khi theo dõi các cuộc tranh luận kể trên thì rút ra những nhận xét như sau:
-TĐ Mitt Romney đã chứng tỏ cho tôi thấy là một người xứng đáng đại diện cho tôi là Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ qua tư cách, thái độ và thành tích đã thực hiện hơn trong cuộc đời kinh doanh, lúc điều hành Thế Vận Hội Mùa Đông 2002 và thời gian làm Thống đốc Massachusetts. Ứng cử viên Phó Tổng Thống Paul Ryan trông cũng rất "sáng giá" và xứng đáng là thành phần trẻ kế thừa vào những vị trí cao nhất của Hoa Kỳ.
-Những kế hoạch TĐ Mitt Romney đưa ra để vực lại kinh tế có tính khả thi tuy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ít nhất là sẽ tiếp tục hay gia hạn chính sách giảm thuế từ thời TT Bush. Những nhà quan sát viên cho rằng nếu TT Obama tiếp tục nắm quyền, chính sách giảm thuế này sẽ bị bãi bỏ và thị trường chứng khoán có khả năng bị sập vào cuối năm nay và lôi kéo kinh tế xuống dốc theo. Hiện tượng này gọi là "fiscal cliff."
-Nhiệm vụ của TT Obama đối với lịch sử nước Mỹ đã hoàn thành xong, nên để cho một người khác lên tiếp nối. TT Obama ở lại thêm 4 năm sẽ không thay đổi gì thêm nhiều và kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục xuống dốc.
-Tôi không bằng lòng với thái độ lấp liếm của TT Obama về vụ Lybia đã làm thiệt mạng 4 người Mỹ cũng như không thích lối hứa cuội của TT Obama để thắng cử cách đây 4 năm.
-So sánh giữa Joe Biden và Paul Ryan thì rõ ràng Joe Biden là một tay chính trị gia cáo già nhưng đã hết thời rồi. Paul Ryan còn thiếu kinh nghiệm nhưng xứng đáng đại diện cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ.. Thái độ "kẻ cả" của Joe Biden lúc tranh luận với Paul Ryan đã làm cho phe Dân Chủ mất đi một số phiếu khá lớn, đặc biệt là giới phụ nữ rất ghét cái thói "macho-man" của Biden.
Để kết luận, tôi sẽ bầu cho MITT ROMNEY!!!
Westminster, ngày 16/10/2012
Lý Văn Quý
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012