Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Tổng Thống Barack Obama |
|
|
Thống Đốc Mitt Romney |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Trước hết đàn em xin cảm ơn các đàn anh BS Nguyễn Văn Bảo và Nguyễn Hoàng Hải đã viết và đưa lên Diễn Đàn những bài phân tích rất hay về cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ sắp tới vào ngày 06/11/2012. Để đáp lễ bài thứ nhì này, đàn em xin đưa ra một vài nhận xét về cuộc tranh luận thứ ba và cũng là lần cuối cùng giữa hai ứng cử viên TT Obama và TĐ Romney.
Khác với nhận định của tác giả Con Cò là "đại đa số những người muốn đi bầu (likely voters) đã locked up, nghĩa là dù ứng cử viên nào thắng hay thua trong các cuộc debates, họ cũng không đổi ý nữa," chúng tôi nghĩ rằng những cuộc tranh luận này có tính cách rất quyết định cho cuộc bầu cử vì những lý do:
-Theo những thăm dò thì tỉ lệ ủng hộ cho các ứng cử viên theo đổi hàng ngày và TĐ Mitt Romney rõ ràng vươn lên bắt kịp và qua mặt TT Obama sau kết quả cuộc tranh luận lần thứ nhất (theo Gallup). Như vậy các cuộc tranh luận có kết quả rõ rệt trên tâm lý của cử tri.
-Lịch sử bầu cử nước Mỹ đã chứng minh những ứng cử viên nào thắng những cuộc tranh luận thường có lợi thế trong cuộc bầu cử chính thức. Ít nhất đã hai lần năm 1960, ứng cử viên John Kennedy đã thắng Richard Nixon và năm 1980, ứng cử viên Ronald Reagan đã thắng Jimmy Carter nhờ đã chứng tỏ tài hùng biện qua các cuộc tranh luận.
-Ngoài ra, Việt Nam ta có câu "trông mặt mà bắt hình dong" cũng có thể áp dụng trong trường hợp tranh luận được. Các nhà quan sát đã nhận xét là nhờ ra tranh luận mà cử tri mới nhận ra là TĐ Mitt Romney "không đến nỗi nào," khác với chiến dịch "negative campaign" mà TT Obama đã đổ tiền của ra để vẽ một hình ảnh không đẹp của TĐ Romney. Qua tranh luận, TĐ Romney đã chứng tỏ có đủ khả năng, tư cách để làm nguyên thủ quốc gia được. Vấn đề là có "chuyển tải" được thông điệp của mình và được cử tri chấp nhận hơn là của TT Obama hay không?
Chúng tôi đồng ý với tác giả Con Cò là trong lần tranh luận thứ nhất, TĐ Mitt Romney thắng lớn. Lần tranh luận thứ hai, TT Obama thắng nhẹ, chính yếu là do tài hùng biện trước một cử tọa trực tiếp đặt câu hỏi (theo kiểu mẫu townhall). Đây là điểm mạnh của TT Obama biết cách ăn nói và trực tiếp đối thoại với người dân. TĐ Mitt Romney có vẻ ăn nói hay hơn đàng sau một cái bục và nói chuyện với đám đông chung.
Theo thiển ý, lần tranh luận thứ ba này vào tối thứ hai 22/10/2012 hết sức quan trọng đối với cả hai ứng viên. Đối với TĐ Romney, đây là lần cuối cùng để khẳng định với cử tri là có thừa tài năng, tư cách và cần thiết để thay thế TT đương nhiệm nhằm mang lại những điều tốt đẹp hơn cho nước Mỹ. Đối với TT Obama, đây là dịp để chứng minh cho mọi người thấy mình vẫn là sự lựa chọn tốt hơn cả.
Đặc biệt lần tranh luận thứ ba này chỉ nói về chính sách ngoại giao của nước Mỹ thành thử chúng tôi xin được đưa ra một số điều phỏng đoán hai ứng cử viên sẽ phải trả lời và tranh luận về những vấn đề sau đây, cũng như thái độ của mỗi người sẽ như thế nào.
Đầu tiên, cần phải nhắc tới yếu tố "likeability" của ứng cử viên. Yếu tố này bao gồm giọng nói (voice), dáng dấp (body language), phong thái (style) và quan trọng nhất là phải chứng tỏ được tư cách của một nguyên thủ quốc gia (presidential attitude). Về điều này, cả hai ứng cử viên đều ngang nhau bên tám lạng người nửa cân. Điều này báo hiệu một cuộc tranh luận rất thú vị vì cả hai bên phải biết tự kiềm chế không hành động và ăn nói quá lố nhưng vẫn đủ sức "tấn công" phía bên kia một cách mãnh liệt nhất.
Về các đề tài sẽ tranh luận, chúng tôi nghĩ sẽ bàn về những vấn đề sau:
-Sự kiện tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Benghazi Lybia bị tấn công ngày 9/11/2012 đã làm chết 4 người Mỹ trong đó có Đại sứ Christopher Stevens. Đây là yếu điểm lớn nhất của TT Obama có khả năng làm ông thất cử lần này.
Ngay sau ngày bị tấn công, chính quyền Obama có ý bưng bít, không thành thật với dân Mỹ về các sự kiện đã xảy ra và đưa ra giả thuyết là dân Lybia biểu tình tự phát sau khi có cuốn video nói xấu Hồi giáo được tung ra trên YouTube. Liên tiếp những ngày hôm sau, văn phòng Tổng Thống, Bộ Ngoại Giao lên tiếng phủ nhận âm mưu tấn công của Al Qeda, lại còn ngỏ ý xin lỗi dân Hồi Giáo về vụ cái video. Ngay cả Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice cũng tuyên bố chỉ là biểu tình tự phát. Mãi đến hai tuần sau ra điều trần trước Quốc Hội mới xác nhận đây là một cuộc tấn công khủng bố đã được chuẩn bị và quan trọng nhất là giới tình báo đã biết trước có thể xảy ra nên xin tăng cường an ninh nhưng bị chính quyền từ chối.
Có nhiều giải thuyết tại sao TT Obama có thái độ lấp liếm như vậy. Có thể ông biết nhưng muốn "cover-up" cho đến khi bầu cử xong? Cũng có khi nếu thú nhận ngay thì hoá ra kẻ thù khủng bố vẫn dư sức tổ chức những cuộc tấn công Mỹ mặc dù đã giết được Bin Laden? Nếu nói là chưa biết cho đến khi hai tuần sau mới đủ dữ kiện để "thông báo" cho toàn dân thì hóa ra chính quyền Mỹ bất tài, không nắm được tình hình gì cả. Gần đây thì Bộ trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton lên tiếng nhận trách nhiệm và TT Obama buộc lòng lên tiếng nhận lỗi về mình. Như vậy chính quyền đã chính thức công nhận sự thất bại trong sự kiện Benghazi.
Nếu TĐ Romney biết xoáy mạnh khéo léo vào chỗ này thì sẽ lấy điểm rất nhiều. Lần trước TĐ Romney đã sơ hở để TT Obama thoát như trong lần tranh luận thứ nhì vì câu hỏi kém là "Did you say act of terror or not?" trong khi đáng lẽ phải hỏi rõ ràng hơn: "Did you say the Benghazi attack was an act of terror or not?" TT Obama đã được moderator Candy thiên vị (và theo thiển ý, một cách ngu xuẩn) là: "The president did say act of terror." Câu nói chính thức của Obama ngay sau cuộc tấn công là :"No acts of terror will ever shake the resolve of this great nation..." Câu này hết sức chung chung và hoàn toàn không xác nhận sự khẳng định đó là một cuộc tấn công có dự mưu của khủng bố.
Trước vấn đề này thì TT Obama sẽ tiến thoái lưỡng nan. Nhận là đã biết trước thì mắc tội lấp liếm, mà nói là chưa biết thì lộ cái yếu kém. Thái độ chúng tôi tiên đoán trước là TT Obama sẽ nhận sự thiếu sót không báo cáo đầy đủ cho toàn dân vì lý do an ninh quốc gia nhưng khẳng định là luôn luôn nắm vững mọi vấn đề, trước sau gì cũng túm được bọn sát nhân. Đồng thời sẽ chỉ trích ngược lại TĐ Romney là đã chính trị hóa trước cái chết của người Mỹ để kiếm phiếu.
Vấn đề chiến tranh chống khủng bố
Chắc chắn TT Obama sẽ kể công giết được Bin Laden, chặt được cái đầu của tổ chức khủng bố và coi như chuyện thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh chống khủng bố chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông vẫn từng tuyên bố nhiều lần trong các cuộc vận động tranh cử: "Al-Qaeda is on the run!", một câu nói mà gần đây ông đã bỏ đi vì nó khá giống câu "Mission Accomplished" của TT Bush ngày nào.
TĐ Romney sẽ phản công là vì sự bất tài và nhận định sai của chính quyền đã quá tự mãn sau khi giết được Bin Laden nên đã lơ là, giảm chi phí an ninh cho các tòa đại sứ cũng như cho an ninh nội chính thành thử khủng bố đã củng cố trở lại và âm mưu tấn công người Mỹ, không nhưng trên toàn thế giới mà còn manh nha phá hoại trong nước Mỹ như lần gần đây nhất (ngày 17/10/2012) âm mưu đặt chất nổ tòa nhà Federal Reserve Bank tại New York. Ông Romney sẽ hứa là nếu ông làm Tổng thống, sẽ không bao giờ lơ là nhiệm vụ chống khủng bố và sẽ tăng cường quốc phòng, kiện toàn tình báo để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm hại đến lợi ích và an ninh của người Mỹ.
Vấn đề chiến tranh Afghanistan.
TT Obama sẽ nhắc lại đã giữ lời hứa với cử tri 4 năm về trước là rút quân ra khỏi Iraq (đã hoàn thành) và hứa sẽ rút chân hoàn toàn ra khỏi Afghanistan vào năm 2014. TĐ Romney sẽ nói lại là ông đồng ý quan điểm phải rút quân ra khỏi Afghanistan nhưng chỉ khi nào điều kiện cho phép, nghĩa là có thể sớm hơn hay trễ hơn nhưng không thể đặt ra một cái mốc thời gian để Taliban trông chờ chịu đựng cho đến khi quân Mỹ rút ra khỏi Afghanistan rồi mới tấn công chính quyền thân Mỹ đã dựng ra. Ông sẽ nhấn mạnh chính sách của TT Obama là trái ngược với mọi binh pháp quân sự (nếu không nói là ngu xuẩn). TĐ Romney sẽ chứng minh là chính sách "Afghanistan hóa" chiến tranh đang gặp khó khăn và nhiều lính Mỹ huấn luyện đã bị thiệt mạng gần đây vì sự vội vã của chính quyền Obama.
Vấn đề Iran
TT Obama sẽ tuyên bố là chính sách "đối thoại" trực tiếp với Iran đã và sẽ mang lại kết quả mong muốn, không cô lập hoàn toàn Iran mà vẫn buộc Iran ngồi vào bàn thương lượng về vấn đề phát triển nguyên tử. Ông sẽ hứa sẽ không để cho Iran có đủ khả năng chế tạo bom nguyên tử và làm nguy hiểm đến hòa bình của vùng Trung đông.
TĐ Romney sẽ phản pháo là 4 năm trước. Iran chỉ đủ nguyên liệu để chế tạo 1 quả bom nguyên tử, nay đã đủ để làm 5 quả bom nguyên tử, chứng tỏ chính sách của Obama thất bại. TT Obama sẽ dáp lại là muốn chế tạo bom nguyên tử còn cần nhiều kỹ thuật khác, không phải chỉ có nguyên liệu là đủ. Ngoài ra, nếu nguyên liệu này Iran dùng để phát triển nguyên tử năng thì cũng chính đáng thôi.
TĐ Romney sẽ đối lại là nếu dân Mỹ tin vào lời TT Obama thì đừng ngạc nhiên một ngày nào đó Iran tuyên bố thử bom nguyên tử như Bắc hàn đã từng làm. Bước tiếp theo là thử hỏa tiễn xuyên lục địa. Đây là cái đòn dọa mà TĐ Romney có thể dùng được.
Vấn đề quốc phòng
Tuy cũng là một vấn đề nội bộ nhưng quốc phòng liên quan đến sự hiện diện của quân đội Mỹ trên toàn thế giới. TT Obama, cũng như đảng Dân Chủ của ông luôn luôn quan niệm cắt giảm tối đa chi phí quốc phòng (và đang thực hiện triệt để.) Ông sẽ tuyên bố giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Âu Châu, tại vùng Trung Đông, Nam Hàn, Nhật Bản và giao lại nhiệm vụ phòng thủ cho thế giới lo. Nước Mỹ sẽ không làm "cảnh sát quốc tế" nữa mà chỉ hành động theo các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Đường lối này có thể có hai hiệu quả khác biệt, chưa biết cử tri Mỹ sẽ chấp nhận hay không. Một số thì sẽ cho là hợp lý, tiết kiệm được tiền của và không lý do gì phải can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác hết. Một số khác thì sẽ cho là nước Mỹ sẽ mất đi vị trí lãnh đạo thế giới, có thể sẽ bị các nước đối nghịch coi thường và từ từ lấn át lợi ích của nước Mỹ.
TĐ Romney ngược lại sẽ tuyên bố phải duy trì một lực lượng quân sự đủ mạnh để củng cố vị trí hàng đầu của nước Mỹ trên toàn thế giới, sẵn sàng can thiệp vào các nơi trên thế giới bằng ưu thế quân sự cao nhằm bảo vệ quyền lợi và tính mạng của người Mỹ khắp mọi nơi. Hoặc ít nhất nhờ vào ưu thế quân sự này mà đối thoại trên chân với các quốc gia đi ngược lại nguyện vọng của người Mỹ.
Vấn đề Israel
Đây là một vấn đề khá tế nhị mà TT Obama sẽ cố gắng né tránh đào sâu. Thế lực của người Do Thái trong chính trường Mỹ có thực và họ đang nắm thị trường tài chánh không những của Mỹ mà còn cả của toàn thế giới. Người Do Thái ít khi ra mặt lộ liễu, thậm chí tránh né các sinh hoạt chính trị và xã hội của các quốc gia sở tại. Họ chỉ có một yêu cầu duy nhất là chớ đụng vào quốc gia Do Thái của họ. Những ngày vừa qua, không biết vì vô tình hay hữu ý, chính quyền Obama đã ra lệnh 3,500 quân Mỹ tham gia tập trận chung với Do Thái. Có thể là TT Obama muốn lấy lòng người Do Thái chăng?
Trong vấn đề Do Thái, có thể cả hai ứng cử viên sẽ đồng ý siết chặt mối quan hệ truyền thống với Do Thái và khuyến khích Do Thái đối thoại với Palestine để thành lập quốc gia Palestine. Tuy nhiên trong vấn đề này, TĐ Romney có lợi thế hơn TT Obama vì không phải làm gì cả mà có sẵn niềm tin và lá phiếu của người Do Thái rồi. Nhà giàu với nhau mà. Trong khi đó thì TT Obama sẽ phải lội ngược dòng để không làm mất lòng người Do Thái.
Những vấn đề Trung Đông khác
Có thể liệt kê ra là sự kiện Syria, phong trào nhân dân nổi loạn tại Yemen, Egypt, Morocco, Tunisia và Sudan. Nếu bị hỏi về vấn đề này thì cả hai ứng cửa viên sẽ chỉ phát biểu chung chung là sẽ ủng hộ nguyện vọng của nhân dân các quốc gia nhưng sẽ không đưa ra một điều gì cụ thể, như có trợ giúp về tài lực và vũ khí cho các nhóm phản loạn hay không, hoặc có can thiệp bằng quân sự hay không? Cùng lắm thì chỉ tuyên bố sẽ thực thi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nếu có. Cả hai sẽ không ai mất điểm về vấn đề này.
Vấn đề China
Đề tài về China chắc chắn sẽ được đưa ra. Trọng tâm sẽ là mối quan hệ buôn bán giữa Hoa Kỳ và China. Câu hỏi sẽ là chính sách của Hoa Kỳ đối với China ra sao trong thời gian tới. Hiện nay đang có nhiều sự tranh chấp về thương mãi giữa hai nước chẳng hạn như China hạn chế xuất cảng qua Mỹ nguyên liệu "rare earth" tối quan trọng cho kỹ nghệ hitech, quân sự và năng lượng xanh để tạo ưu thế cho kỹ nghệ trong nước. China hiện nắm 97% nguyên liệu này trên toàn thế giới.
Quan trọng nhất là chính sách của China gắn đồng Yuan vào đồng USD, cộng với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ nhằm giữ cho đồng Yuan trị giá hối đoái thấp hơn thực tế từ hàng chục năm nay đã tạo cho ngành xuất cảng của China luôn luôn có ưu thế trên thương trường quốc tế vì giá thành sản xuất quá rẻ.
Về vấn đề China thì TĐ Romney có lợi thế hơn TT Obama vì ông ta là một nhà kinh doanh đầy kinh nghiệm và chắc chắn sẽ đề ra được những chính sách hợp lý hơn để tạo lại thế công bằng cho ngành xuất cảng của Mỹ. Phương cách "label" China là "currency manipulator" và từ đó đề ra những chính sách đối phó khá hợp lý sẽ lấy được lòng cử tri. Trong khi đó thì TT Obama sẽ chỉa mũi dùi là TĐ Obama đã đầu tư và làm giàu nhờ China qua công ty Bain của ông. Ngoài ra thì TT Obama cũng sẽ chỉ nói chung chung sẽ "đối thoại" với China và chứng minh là trong nhiệm kỳ vừa qua, ông đã vận động áp lực "ngầm" và làm đồng Yuan tăng giá được 11%.
Vấn đề Âu Châu
Vấn đề khủng hoảng kinh tế tại vùng Euro có thể được nêu ra và câu hỏi là nước Mỹ nên có thái độ như thế nào. Nói chung thì cả hai sẽ cam kết sẽ đóng góp cho Âu Châu nếu cần thiết thông qua World Bank và IMF. Rồi hứa hẹn sẽ siết chặt tăng cường buôn bán với Âu Châu như đã làm trong bao nhiêu năm nay. Tuy nhiên đây là cái dịp để TĐ Romney "đá nhẹ" chính sách xã hội của TT Obama sẽ đưa nước Mỹ đến tình trạng Hi Lạp hay Spain.
Các vấn đề khác
Một số vấn đề ngoại giao quốc tế có thể được nhắc qua như chuyện Bắc Hàn, Cuba, Venezuela và Trung Nam Mỹ nhưng nói chung sẽ không có ứng cử viên nào mất điểm cả.
Để kết luận thì chúng tôi tiên đoán cuộc tranh luận sẽ rất thú vị, hai bên sẽ đưa ra những lý lẽ sắc bén để bảo về quan điểm của mình để dành cảm tình của cử tri. Điều có thể đoán là cuộc tranh luận tuy gay gắt nhưng sẽ hòa nhã hơn hai lần trước vì cả hai đã có kinh nghiệm là thái độ quá "aggressive" muốn "đè bẹp" đối thủ sẽ có hại nhiều hơn là có lợi cho hình ảnh của một Tổng Thống Hoa Kỳ.
Về kỹ thuật tranh luận thì rõ ràng TT Obama có kinh nghiệm và có năng khiếu hơn. Tuy nhiên về nội dung thông điệp (message) thì TĐ Romney thành thật và tạo được một sự tin tưởng hơn. Vả lại ông Romney chỉ cần huề là đủ thắng trong kỳ bầu cử chính thức rồi. TT Obama đang ở một vị trí bất lợi của một Tổng Thống đương nhiệm tuy đã có cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng thất bại trong một số điều quan trọng đối với cử tri Mỹ là kinh tế tiếp tục xuống dốc, tỉ lệ thất nghiệp cao, vấn đề an ninh quốc tế sơ hở để chết cả Đại sứ mang lại một nhục cho nước Mỹ.
Điều cuối cùng đáng nói nữa là tính người Mỹ rất mau chán, nhiều đòi hỏi và thời kỳ "trăng mật" với TT Obama đã qua rồi. Không làm hay chưa làm đủ yêu cầu thì họ sẵn sàng "thay ngựa giữa dòng" không một chút thương tiếc. Ví vậy chúng tôi đồng ý với thăm dò của viện Gallup là khả năng thắng cử của TĐ Romney là 51% so với TT Obama là 45% nghĩa là khá cao.
Cảm ơn quý vị đã theo dõi bài viết này.
Westminster, ngày 19/11/2012
Lý Văn Quý
(Tiếp Theo)