Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Hà Ngọc Thuần QY 13 HD
Cách đây ít lâu trên Diễn Đàn có nhắc tới nhị hồ và nguyệt cầm, như lời ca trong Hương Xưa của Cung Tiến:
"Tình nhị hồ vẫn yêu âm xưa..."
Tôi xin để nguyệt cầm vào một dịp khác, và hôm nay chỉ nói về nhị hồ. Nhị là hai, điều đó ai cũng biết. Hồ là giống du-mục ở phía tây của Trung-Hoa. Nhị hồ là đàn hai dây và đã du-nhập vào Trung quốc, có lẽ nhiều nhất dưới thời Mông-cổ ngự-trị (Nhà Nguyên). Cách gây âm bằng dây cung có lẽ phát-xuất từ dân du-mục, luôn luôn phải cưỡi ngựa cho nhanh và dùng cung tên bắn từ xa để giết con mồi. Trên wikipedia nhị hồ dịch là "er-hu". Từ "er-hu "chúng ta sẽ đi vào một lãnh-vực khá lớn của nhạc-học là khảo về những nhạc-khí cổ-truyền của Trung-Hoa."Er-hu" có nhiều liên-quan đến "hu q'in", tiếng Việt đọc là "hồ cầm".
Ngay trong đoạn đầu của Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã giới-thiệu Vương Thúy Kiều:
"Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương"
Các nhà chú-giải thường cho rằng hồ-cầm là một nhạc-khí giống như đàn tì-bà. Các họa-sĩ khi minh-họa thường vẽ Thúy Kiều ôm đàn tì-bà; không thấy vẽ hình Thúy-Kiều kéo nhị hay sử-dụng nhị hồ.
Trong một đoạn sau Nguyễn Du lại viết:
"Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương cũ se tơ phím này"
Đàn nhị hồ không có phím!
Nguyễn Du là người rất rành âm-nhạc, nên "hồ cầm" của Ông không phải là "hu-q'in" của Trung-quốc.
Trong tự-vị Khai Trí Tiến Đức không có "nhị hồ" nhưng có "nhị huyền". Cũng đơn-giản là đàn hai dây vậy. Nôm-na thường gọi là "nhị". Tại Hà-nội vào năm 1946 (trước khi có lệnh tản cư) có những người mù đi hát dạo, thường thường mang theo cây đàn nhị. Để rao hàng người hát sẩm vừa đi vừa kéo nhị bài "Anh Hùng Xưa", chờ được gọi vào hát và thưởng tiền. Nhạc-sĩ Lê Thương có bài hát:
"Có con dế mèn
Hát trong đêm khuya
Hát sẩm không tiền
Nên nghèo xác-xơ"
Không biết sao mà tệ quá vậy ! Chắc là bởi hát mà không có tài kéo nhị.
Khi trời mưa bất-chợt, người hát sẩm phải đứng trú mưa tại một hàng hiên nào đó. Đang lúc chờ
cơn mưa tạnh, người nghệ-sĩ bỗng cảm-hứng đưa hồn vào một vài cung điệu. Vì vậy Phạm Duy
trong bài Trở Về Mái Nhà Xưa mới có câu:
"Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa
Giọt châu đã gieo trên thềm nhà..."
Nếu không phải thế sao có tiếng đàn ngoài hiên mưa cho chúng ta nghe và hát?
Hà-nội vào thời hồi cư (1948-1954) những người hát sẩm đã biến mất hết. Những người tật-nguyền khó mà bảo-toàn tính-mệnh trong lúc chiến tranh.
Cũng những tháng ngày này tại Hà-nội, violon thường được dịch là "hồ cầm"; cao-thủ có Nguyễn Văn Giệp. Riêng danh-tài Lương Ngọc Châu được xuất-ngoại, coi như tài-năng tương-lai của Việt Nhạc. Violoncelle thường dịch là "trung hồ cầm", người sử-dụng là Nguyễn Trí Nhường. Khi đoàn Gió Nam trình-diễn ba vị Nguyễn Trí Nhường, Nguyễn Văn Giệp và Võ Đức Thu có hòa-tấu một vài tam tấu khúc cổ điển. Ít nghe hoặc không nghe thấy nói đến đàn alto (Pháp) hay viola (Anh). Mãi sau này tại Saigon mới nghe nói có nhạc-sĩ Nguyễn Quý Lãm sử dụng nhạc-khí này.(?)
Cũng theo wikipedia người Trung-hoa dịch như sau: violon = tiểu đề cầm; viola (hay alto) = trung đề cầm, violoncelle = đại đề cầm. Còn double bass có tên riêng là Đê trầm đề cầm. Lẽ cố nhiên chúng ta không có lý-do gì để dùng những tiếng này trong tiếng Việt. (Chữ đề này có nghĩa là nâng cao lên).
Sau 1954 tại Saigon, violon thường được gọi là vĩ cầm. Vĩ có một nghĩa là đỏ; đàn violon thường có màu đỏ rất đẹp. Vĩ có nghĩa nữa là đuôi, mã vĩ là đuôi ngựa; dây cung thường đưọc làm bằng lông đuôi ngựa. Đúng là nhạc-khí của dân du-mục, hết dây cung lại tới đuôi ngựa!
Nếu chúng ta chấp-nhận violon là vĩ cầm thì tôi xin liều mạng đề-nghị một vài danh-từ để dùng trong tiếng Việt như sau:
violon = vĩ cầm
viola (hay alto) = thứ vĩ cầm (thay thế vĩ cầm trầm, chưa được dùng nhiều)
violoncelle = trung vĩ cầm
doulble bass = trầm vĩ cầm. (thay thế đại hay đê-trầm vĩ cầm)
Như vậy bộ tứ-tấu (quartet) sẽ gồm: vĩ cầm 1 và 2, thứ vĩ cầm và trung vĩ cầm. Có lẽ dễ-dàng và minh-bạch. Còn "hồ cầm " xin để dùng nơi khác.
Xin tùy Anh Em và tùy tất-cả mọi người, nhất là những người đã lỡ nặng tình với tiếng Việt.
Brisbane 03/10/2012
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012