Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Duy Anh
Trong thời gian gần đây, trong không khí bao trùm của suy giảm hoạt động kinh tế và công ăn việc làm khó khăn, báo chí thường xuyên nhắc đến hai chữ QE, hoặc Quantitative Easing như một câu "thần chú" của Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed, US Federal Reserves System) với hi vọng sẽ cứu vãn được tình thế.
Vậy thì QE là cái gì vậy? QE hoạt động như thế nào? Lợi và Hại ra sao? Chúng tôi mong bài viết ngắn sau đây sẽ phần nào giải đáp được một số thắc mắc căn bản nhất.
QE viết tắt từ chữ "Quantitative Easing" là một cụm chữ đầu tiên được báo chí Nhật sử dụng để nói về chính sách thả lỏng tiền tệ đặc biệt của ngân hàng trung ương Nhật Bản trong đầu thập niên 1990 nhằm đối phó với suy thoái kinh tế. Vào thời kỳ đó, lãi nhất ngân hàng trung ương Nhật đã rớt xuống 0% nên phương cách thông thường thu mua công khố phiếu, còn gọi là "Monetary Easing ME" nhằm hạ lãi suất xuống để thúc đẩy kinh doanh không còn hiệu quả nữa. Các ngân hàng thương mãi Nhật không muốn mượn tiền để kinh doanh vì hầu hết các ngành kinh doanh đều suy thoái, mượn tiền về cũng để đấy không có gì để buôn bán cả. Tình trạng này còn được gọi là "monetary trap." Kinh tế Nhật tiếp tục trì trệ. Lúc đó, ngân hàng trung ương Nhật mới nghĩ ra cách chủ động bơm tiền vào thị trường bằng cách thu mua các loại trái phiếu (securities), đặc biệt là các loại trái phiếu về địa ốc nhằm nâng giá cả các loại tài sản nhà đất lên, tạo ra giá trị tài sản mới để các nhà kinh doanh dùng làm thế chấp để làm ăn. Ngoài ra, lượng tiền mới bơm vào lưu lượng khiến cho vốn vay mượn để làm ăn sẵn sàng hơn và lãi suất cũng dễ dàng hơn.
Như vậy, QE và ME không khác biệt nhau nhiều, cùng đưa đến hiệu quả là tăng nguồn vốn trên thị trường nhưng khác nhau ở mục đích. ME nhằm hạ lãi suất thị trường xuống thấp, còn QE nhằm chủ động bơm tiền vào thị trường, đồng thời nâng giá một số tài sản trong các ngành kinh doanh khác nhau. Thông thường thì QE là bước tiếp theo khi ME không còn hiệu quả nữa. Cũng vì vậy QE được gọi là phương cách trái lệ (unconventional), trong khi ME được gọi là phương cách thông thường (conventional).
Đến kỳ khủng hoảng tiền tệ thế giới cuối năm 2007 khởi đầu từ Hoa Kỳ, chính phủ các nước lớn trên thế giới đã tận dụng ME, đưa lãi suất thị trường xuống thấp chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh của các nước. Tại Mỹ, lãi suất căn bản đã xuống còn 0.25% mà tình hình kinh tế chưa phát triển trở lại được mặc dầu có một số cải thiện nhất định. Do đó, Fed đã bắt đầu một loạt chính sách QE, từ QE1, QE2, và nay là QE3. Đặc biệt lần QE3 còn gọi là QE "vĩnh viễn," nghĩa là sẽ không chấm dứt cho tới khi nào tình hình công ăn việc làm khả quan hơn, hoặc có dấu hiệu lạm phát.
Để lý giải các nguyên tắc của QE, thiết nghĩ chúng ta trở lại với một trong những khái niệm của kinh tế tư bản (capitalism) là sự tích lũy của nguồn vốn (capital accumulation). Đặc tính của nguồn vốn là có thể "co giãn" thất thường với biên độ có thể rất cao tùy theo tình hình kinh tế.
Lấy ví dụ giá trị của căn nhà bạn mua tại vùng Westminster, California hai chục năm về trước với giá $300,000. Vào thời kỳ trước 2006, giá trị có thể lên tới $600,000. Lúc đó bạn tha hồ thế chấp để vay tiền làm ăn, hoặc tái tài trợ (refinance) để rút ra những món tiền lớn tùy nghi sử dụng. Số tiền lời $300,000 có vẻ như được "tạo ra từ thinh không," trên trời rơi xuống vậy. Nhưng khoan, đến năm 2009 thì bong bóng thị trường bất động sản bị bể, căn nhà của bạn mất giá, chỉ còn $300,000. Như vậy rõ ràng là "nguồn vốn" của bạn bị biến mất vào hư vô hết 50%.
Lấy một ví dụ khác có liên quan với nguồn vốn hơn là giá trị của thị trường chứng khoán. Riêng trong một ngày thứ hai 29/09/2009, chỉ số Dow Jones Wilshire 5000 mất đi một trị giá tổng cộng là $1.2 ngàn tỷ. Biến mất vào hư vô chỉ vì... tâm lý con người!
Như vậy, có thể nào chúng ta chủ động "tạo" ra giá trị nhân tạo mới để bù đắp vào khoản bị biến mất đó hay không? Đó chính là câu hỏi đã đưa đến phương án QE!
Đến đây, một số độc giả có thể nghĩ đến chuyện: như vậy tại sao chính phủ không can thiệp mạnh mẽ hơn vào kinh tế bằng cách ấn định giá cả của nhà cửa, của thị trường chứng khoán để tránh cho kinh tế khỏi bị biến động? Nghe qua có vẻ có lý lắm nhưng đó chính là lý lẽ của Cộng sản chủ nghĩa đấy. Chủ nghĩa tư bản tự do đặt nền tảng vào quyền tự do tư hữu của cá nhân và sự hạn chế của chính quyền vào hoạt động kinh tế thị trường.
Nói tóm lại, chính phủ có thể thúc đẩy kinh tế hồi phục bằng cách tạo ra tiền trở lại bằng những cách:
1. Chi thêm qua những công trình công cộng, xây cầu cống, tài trợ thất nghiệp, tiện ích xã hội, huấn nghệ, ngay cả tài trợ chi phí cho chiến tranh v.v... Nước Mỹ đã làm chuyện này rồi và kết quả là đã mang một khối nợ khổng lồ vượt 100% GDP. Quốc Hội chắc chắn sẽ không tán thành chi thêm nữa.
2. Hạ lãi suất thị trường xuống bằng cách thu mua công khố phiếu. Lãi suất căn bản hiện nay đã tận cùng ở 0.25%. Hết còn hạ nổi nữa.
3. Phương cách sau cùng này là QE. Lần này Fed nhắm thu mua các trái phiếu địa ốc (Mortgage Backed Securities MBS) để vực lại thị trường nhà cửa, một ngành kinh tế căn bản nhất cho phát triển kinh tế.
Từ tháng 11/2008 đến tháng 5/2010, trong đợt QE1, Fed đã mua tổng cộng $1.75 ngàn tỷ MBS của Fannie Mae và Freddie Mac và một số công khố phiếu khác. Đến kỳ QE2 từ tháng 11/20120 đến 6/2011, chính phủ mua thêm $600 tỷ nữa. Cuối tháng 9/2012 vừa qua Fed tuyên bố sẽ tiến hành một đợt QE3 nữa với một sự khác biệt lớn là không hạn chế về thời gian. Mỗi tháng Fed sẽ mua vào $40 tỷ MBS cho tới khi nào kinh tế có dấu hiệu phục hồi thực sự và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức khả quan hơn là bây giờ vẫn còn nằm trên 8%.
Lợi và Hại của QE
Lợi
-Lợi đầu tiên là thị trường sẽ có nguồn vốn dồi dào với chi phí lãi suất thấp, giúp cho các ngành nghề sản xuất và thương mãi dễ hoạt động hơn.
-Tạo ra công ăn việc làm. Theo tính toán của Fed thì với đợt QE3 này, GDP sẽ tăng thêm 3% tỉ lệ phát triển và 2 triệu công ăn việc làm sẽ được tạo thêm cho nước Mỹ.
-Tránh cho kinh tế không bị rơi vào tình trạng giảm phát (deflation) là hiện tượng vật giá xuống thang với gia tốc nhanh sẽ đưa đến khủng hoảng kinh tế.
- Làm cho giá đồng USD trở nên rẻ hơn so với ngoại quốc khiến cho xuất cảng Mỹ được thuận lợi hơn.
- Một mối lợi phụ nhưng khá đáng kể nữa là chính phủ Mỹ có thể giảm số nợ hiện có cũng bằng cách "in tiền ra từ thinh không" để mua lại công khố phiếu, nghĩa vụ trả lãi sẽ giảm đi.
Hại
- QE là một khái niệm kinh tế khá mới mẻ, chưa có nghiên cứu và kết quả chắc chắn. Kinh tế nước Nhật đã từng áp dụng QE nhưng hiệu quả rất hạn chế. Bernanke đã phải trấn an với Quốc Hội là QE của Mỹ khác với QE của Nhật là đợt này, QE Mỹ sẽ tập trung vào khu vực nhà cửa là ngành kinh tế chính yếu của Hoa Kỳ và không hạn chế về thời gian. Tức là Fed sẽ thực hiện QE vô hạn định (QE infinity) cho đến khi nào có dấu hiệu phục hồi kinh tế hoặc lạm phát tăng cao đến mức giới hạn cho phép (vào khoảng trên dưới 3%).
- Nhiều nhà phê bình cho rằng với khuynh hướng toàn cầu hiện nay, QE chỉ tạo công ăn việc làm cho những quốc gia ngoài Hoa Kỳ vì đa số những công ty lớn của Mỹ đều làm ăn với ngoại quốc, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Trung Cộng, những con rồng Á Châu v.v..., do đó tình trạng việc làm trong nước Mỹ chỉ khả quan hơn sau khi các nước ngoài được hưởng lợi trước. Tạp chí New York Times số tháng 11/2010 nêu ra là các công ty lớn của Mỹ như GE hay GM có khuynh hướng mang công việc ra ngoại quốc để bán hàng tại chỗ, do đó không giúp ích gì cho công ăn việc làm của dân Mỹ bao nhiêu.
- Đồng tiền USD rẻ đi một cách nhân tạo để giúp xuất cảng của Mỹ sẽ gặp sự chống đối của các quốc gia khác và có thể đưa đến chiến tranh kinh tế. Có khả năng các rào cản hải quan được dựng lên làm cản trở sự lưu thông hàng hóa khiến kinh tế không phát triển được.
- QE sẽ tạo ra lạm phát về lâu về dài. Đây là một chuyện đương nhiên sẽ xảy ra khi quá nhiều tiền theo đuổi một lượng hàng hóa nhất định. Tuy nhiên hiện nay mối lo này còn xa vời vì Fed còn phải đang đối phó với giảm phát trước đã. Ngoài ra, nếu kinh tế phát triển tốt, hàng hóa tạo ra dồi dào sẽ hạn chế sự phát triển của lạm phát.
Westminster, California ngày 30/09/2012
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012