Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Loading
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Duy Anh

Tôi có một người dì ruột tên là Uyển, tuy nhiên vì mẹ tôi thường gọi là cô Uyển theo lối của người Bắc nên chúng tôi cũng quen miệng gọi dì là cô Uyển. Mẹ tôi là chị lớn nhất nhà, ngoài một người anh cả trong một gia đình đông anh chị em. Năm 1954 mẹ tôi một mình theo cha tôi di cư vào Nam, bỏ lại gia đình ngoại ở Hà Nội vì đa số các cậu đều đi "kháng chiến chống Pháp" còn lẩn quẩn trong rừng sau trận Điện Biên Phủ. Cha tôi lúc đó là sĩ quan tiểu đoàn 3 Nhảy Dù trong quân đội Pháp nên đi theo đơn vị di chuyển vào trong Nam sau hiệp ước Giơ-Neo. Ông bà ngoại thì thúc đẩy mẹ tôi phải vào Nam theo chồng.

Sau 1975, mẹ tôi liên lạc lại được gia đình và sau một lần ra Bắc thăm, mẹ tôi đón cô Uyển vào Sài Gòn sống với gia đình chúng tôi. Mẹ tôi kể lại rằng lần đầu tiên ra Bắc, bà không thể tưởng tượng nổi là cuộc sống ngoài đó có thể khủng khiếp như vậy. Nghe nói là các cậu đều làm "lớn" trong chế độ cộng sản nhưng tận mắt thì mẹ tôi thấy đời sống quá sức cực khổ, mỗi gia đình chỉ có được một căn phòng bé cỏn con chen chúc nhau sống trong một căn nhà được chia ra thành nhiều "hộ" khác nhau. Cô Uyển lúc đó phải ngủ bên cạnh một con "lợn" trong một cái chuồng ngoài sân, cũng được chia ra cho mỗi gia đình sử dụng một mảnh be bé để "cải thiện đời sống," người thì trồng rau, kẻ thì nuôi heo, nuôi gà.

Cô Uyển là út trong nhà nhưng bất hạnh cho cô, hay là may mắn vì nhờ đó mà cô được miễn nhiễm với ngoại cảnh (?), cô bị chứng "đần độn" từ thuở nhỏ. Tuy đã lớn tuổi, tâm lý cô vẫn còn như đứa con nít lên 5. Vào khoảng năm 1945, lúc 16 tuổi, cô bị một gã lưu manh dụ dỗ vào thửa ruộng hãm hiếp. Cả nhà không ai biết nhưng vài tháng sau thì cô mang bầu, tra hỏi mãi thì cô khai ra. Ba cậu lớn nhất tức quá hẹn gã lưu manh ra bờ sông Tô Lịch bóp cổ đến chết và vứt xác xuống sông. Sau đó thì cả ba bỏ trốn vào bưng đi theo Việt Minh. Đứa bé sanh ra chỉ vài tháng thì mất vì cô Uyển không thể nào tự chăm sóc nổi, huống chi là nuôi bé sơ sinh. Vả lại thời gian đó chiến sự bùng nổ lớn giữa quân đội Pháp và Việt Minh, cả nhà phải lánh nạn ra khỏi Hà Nội, chuyện đứa bé bị chết cũng là dĩ nhiên vì không được ai chăm sóc đúng mức.

Lúc còn sinh thời, cha tôi làm việc trong Sư Đoàn Nhẩy Dù QLVNCH nên được chia một miếng đất bên ngoài căn cứ Hoàng Hoa Thám gần Ngã Tư Bẩy Hiền thuộc quận Tân Bình. Cha tôi xây lên một căn nhà. Sau 1975, các anh em tôi quây quần lại sống với cha mẹ, người nào chưa có chỗ thì tự xây lên một căn nhỏ vì khoảnh đất còn khá rộng. Ngoài ra mẹ tôi xây thêm một cái chuồng nuôi một con heo, cứ vài tháng heo lớn thì bán.

Ngày đầu tiên cô đến gia đình chúng tôi, thấy đàng sau nhà có cái chuồng như vậy, cô tự động mang túi đồ bỏ xuống bên cạnh, nhìn quanh quất như muốn tìm một cái gì đó. Chúng tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao cô lại làm như vậy. Mẹ tôi giải thích là cô sống chung với một người cậu và nhiệm vụ của cô là chăm sóc cho con heo. Chỗ ngủ hàng đêm của cô là một cái phản gỗ kê bên cạnh chuồng heo. Mẹ tôi phải dắt tay cô dẫn vào cái phòng dành sẵn cho cô. Dùng dằng mãi cô mới chịu nhưng rất nhiều đêm nghe tiếng động ngoài sân sau, mẹ tôi ra xem xét thì lại thấy cô Uyển loay hoay tìm chỗ trải chiếu bên chuồng heo.

Khuôn mặt của cô Uyển giống mẹ tôi như khuôn đúc, dĩ nhiên là trẻ hơn và đặc biệt là lúc nào cũng tủm tỉm cười, gặp chuyện gì cũng cười được. Thấy con chó vẫy đuôi vòi ăn, cô cười. Cho cô quả xoài, trái mận mới hái xuống cô cũng cười. Nhiều lúc cô ngồi tư lự, không biết đang suy tư điều gì nhưng miệng cứ tủm tỉm cười, thật như đứa trẻ. Cô rất ít nói, ai hỏi gì chỉ trả lời nhát gừng một hay hai ba tiếng. Tuy vậy cũng có lúc cô giận dỗi, nhất là sau khi bị mẹ tôi mắng chuyện gì. Lúc đó, mẹ tôi ân hận đi mua xôi bắp, một món cô rất thích, về cho cô ăn thì cô trả lời: "Đéo ăn!" làm cả nhà cười vỡ bụng. Thằng em tôi tính hay nghịch tinh thường nhân dịp những lúc cô dỗi như vậy thì đưa cô kẹo bánh, khi cô thốt lên "Đéo ăn" thì nó cười khanh khách bỏ chạy chỗ khác vì sợ mẹ tôi mắng cho là hỗn láo.

Có lúc hỏi thử cô có nhớ ngoài Bắc không thì cô trả lời: "Đánh đau lắm!" Anh em chúng tôi sững sờ đoán là cô bị ăn đòn nhiều nên có một thời gian chúng tôi rất oán giận ông cậu quá tàn nhẫn.

Cô Uyển đã đến với gia đình chúng tôi một cách âm thầm, lặng lẽ và trong suốt thời gian ở với chúng tôi, cô đã chứng kiến một số biến cố quan trọng của gia đình, như khi anh em tôi thay phiên nhau vượt biên, và bị bắt. Chúng tôi phải bàn bạc phương cách cứu những người bị bắt ra, vàng bạc ai cần bao nhiêu và ai sẽ chồng ra, ai đi lo hối lộ công an v.v... Tôi còn nhớ là thằng em kế tôi đã lập thành tích vượt biên tổng cộng 30 lần, bị bắt gần chục lần khắp 4 vùng chiến thuật, cộng thêm lần bị bắt ở Kô Kông Căm Pu Chia nữa. Nhưng đến lần thứ 31 thì thoát, và nay thì đang ung dung "vểnh râu" ở Texas...

Những lúc họp gia đình như vậy, cô Uyển lúc nào cũng có mặt đàng sau, có vẻ lo lắng lắm vì biết chuyện nghiêm trọng. Cô không dám góp ý kiến gì cả nhưng sự có mặt của cô đem lại cho mọi người một sự yên tâm mơ hồ nào đó không giải thích được. Đôi lúc tôi có cảm giác hay là cô giả bộ? Phải chăng cô đã khỏi bệnh rồi?

Người Việt ít có thói quen biểu lộ tình cảm ra ngoài nhưng mặc nhiên chúng tôi chấp nhận cô Uyển là một thành viên quan trọng trong gia đình chỉ sau mẹ tôi và thông thường thì mọi người vẫn cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để cô vui lòng. Bây giờ nghĩ lại, rất nhiều lúc tôi ân hận đã không nói cho cô biết điều đó và đã không làm thêm nữa để cuộc đời cô được sung sướng trọn vẹn vào cuối đời.

Khoảng 4 năm sau trong một ngày cuối đông, cô Uyển tự dưng nổi cơn ho rũ rượi. Mẹ tôi lo lắng đưa cô đi khám bác sĩ thì được cho đi chụp hình phổi. Tôi còn nhớ thằng em tôi lúc đó đang làm y tá ở bệnh viện lao Hồng Bàng đi cô đi chụp hình phổi lúc về nhà cứ thở dài sườn sượt. Hỏi ra thì hình phổi có những vết tròn lởm chởm, có cái lớn bằng trái chanh và bác sĩ chẩn đoán là ung thư phổi giai đoạn cuối rồi. Không thể mổ được nữa, mà lúc đó thì không có những phương pháp chữa trị khác như hiện nay.

Mẹ tôi quyết định không làm gì hết, chỉ ngày ngày đi chợ mua đồ ngon vật lạ về cho cô ăn. Ngoài ra thì đưa cô đi chơi các nơi, có một lần đưa cô về thăm lại miền Bắc. Tội nghiệp cô Uyển vẫn không ý thức được sự nghiêm trọng của căn bệnh của mình và vẫn giữ nụ cười cố hữu, có vẻ lại thích thú hơn vì được chị nuông chiều mà không hề bị la mắng nữa.

Những cơn ho của cô ngày càng nhiều và dài hơn, nhất là về đêm. Đau lòng nhất là những lúc cô thốt lên: "Đau quá, đau quá..." Cả nhà buồn quá mà chẳng biết phải làm gì ngoài chuyện đưa thuốc giảm đau cho cô uống.

Được vài tháng sau thì cô qua đời. Đêm hôm đó tôi không còn nghe tiếng ho hàng đêm của cô nữa, linh tính báo cho biết có điều gì không ổn rồi. Đến sáng thì mẹ tôi báo cho mọi người biết cô đã ra đi. Mẹ tôi là người suốt đêm hôm đó ở bên cạnh cô.

Đám tang cô diễn ra một cách đơn giản chỉ trong phạm vi gia đình. Họ hàng ngoài Bắc không vào được vì ai cũng bận vật lộn với cuộc sống. Mẹ tôi quyết định hỏa táng và đưa tro vào chùa nuơng dựa cửa Phật.

Trong buổi chiều tà sau khi thiêu xong ngoài nghĩa địa, mọi người đã ra về, chỉ còn lại mẹ và tôi vì có nhiệm vụ chở xe máy mẹ về. Nhìn mẹ tôi bình thản gắp từng mảnh tro xác của cô vào hũ, tôi mới nhận ra là mẹ tôi không hề nhỏ một giọt lệ nào từ ngày cô vĩnh viễn ra đi. Có lẽ đến một lúc nào đó, sự đau khổ đã bão hòa và con người không còn có thể đau khổ hơn nữa? Hoặc là mẹ tôi cảm thấy đã làm tất cả những gì có thể làm được cho em mình và không còn ân hận điều gì nữa? Hoặc vì là phật tử chân chính mẹ tôi đã giác ngộ cõi này chỉ là cõi tạm và cô Uyển đã trả xong nghiệp chướng và đang được lên một cõi an bình tốt đẹp hơn? Nghĩ đến đó thì trong im lặng, tự dưng nước mắt tôi chảy dài xuống má.

California, ngày 11-11-2011


Cô Uy‹n
picasso01
Donna Con Capello Verde
Pablo Picasso