Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012
Con Cò
Lời nói đầu:
Bàn về chính trị, nếu được 51% độc giả đồng ý là kể như thắng. Muốn có trên 90% độc giả đồng ý thì nên tới một nước độc tài mà viết bài ca tụng lãnh tụ của họ. Nếu trong 51% những độc giả đồng ý với mình có nhiều người có mắt khách quan thì đó là điều rất đáng tự hào. Nếu mình thuộc loại “thắng không kiêu, bại không nản” thì càng đáng tự hào hơn.
Con Cò, bản tính ti tiện, thích biết ý kiến trung thực mà người ta nghĩ trong đầu, hơn là lời tuyên bố dè dặt của họ trước công chúng, nên đã thu lượm ý kiến của một số người, với lớp tuổi khác nhau, trình độ khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, trong nhiều buổi gặp gỡ thân mật nhỏ (cỡ ”bỏ túi”) như sinh nhật, cưới hỏi, lễ tết..chứ không thu lượm ý kiến trong những diễn đàn lớn (có nhiều người không dám bày tỏ ý kiến trung thực của mình trước diễn đàn lớn, không phải vì nhút nhát, mà vì cái đức “dĩ hòa vi qúy."
Bài được xắp xếp dưới hình thức các câu hỏi và các câu trả lời. Người hỏi và người trả lời là thành viên của những cuộc họp mặt. Không có chủ tọa. Không có diễn gỉa chính thức. Ai cũng là thính gỉa và ai cũng có thể là diễn gỉa. Con Cò cũng vậy, thích hỏi thì hỏi, được hỏi thì trả lời. Người hỏi hoặc người trả lời không quan trọng. Ý của câu hỏi hoặc câu trả lời mới interesting. Khi mãn cuộc thì vui vẻ chào nhau ra về.
Hắn chép nguyên ý (không phải nguyên văn) ra đây; khách quan và trung thực. Người đọc thấy ý nào hợp với mình thì chấp nhận, ý nào không hợp với mình thì để cho người khác xét đoán. Đừng bực bội mà mất cái thú reading của tuổi gìa.
Phân Loại
Mục phân loại cũng dựa theo ý của đa số, không phải đa số người Việt ở ngoại quốc mà là đa số người Việt trong các buổi gặp gỡ nói trên, tổng cộng chừng ba trăm người.
1/ Những người Việt sống ở Nga và Đông Âu
Họ là con cháu của đảng viên VC được gởi đi học rồi ở luôn tại đó hoặc là những người được nhà nước gởi đi theo diện xuất cảng lao động.
Con cháu đảng viên VC thì lập luận theo đảng viên VC, chẳng cần tốn thì giờ xét tới chính kiến của họ.
Những người được xuất cảng lao động thì từ nhỏ đã bị Đảng nhồi sọ. Ngày nay, tuy đã tiếp xúc với chính trị Đông Âu nhưng cũng chỉ là thứ chính trị “ tập tễnh dân chủ ” nên chưa hiểu nhiều về dân chủ pháp trị, dân quyền, nhân quyền. Vả lại, ngày đêm bận bịu kiếm tiền gởi về quê, họ không còn hơi sức nghĩ tới chính trị. Họ không có phương tiện truyền thông như báo chí, internet ( nếu có cũng không dám biểu lộ tư tưởng vì sẽ phải trở về nước sau khi mãn khế ước) nên không thể biết họ đang nghĩ gì. Không nên đoán phỏng chừng chính kiến của họ.
2/ Những người Việt xuất ngoại trước 1975 sang Âu châu và bắc Mỹ
Đa số những người này sống ở Pháp.
Một số rất nhỏ bị VC móc nối từ lâu mà bây giờ vẫn chưa tỉnh ngộ. Thỉnh thoảng họ tuyên bố đôi điều gây ầm ĩ khắp nơi nhưng tựu trung thì họ khá dè dặt vì chân tướng của họ đã lộ. Vả lại, cái giọng thiên cộng thường sặc mùi cộng sản nên chẳng mấy người thèm nghe. Không đáng quan tâm.
Đại đa số nhửng người khác trong nhóm này nhập bọn với khối tị nạn sau 1975.
3/ Những người di tản sau 30-4-1975
Trên một triệu người sống ở Mỹ. Trên nửa triệu người sống ở Canada, Úc, Pháp. Số còn lại sống rải rác ở các nước Tây Âu như Anh, Đức, Hòa Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Tân Tây Lan v.v…Chính kiến của họ thuần nhất ở lý tưởng chống Cộng nhưng chống kiểu nào thì, tương đối, hơi phân hóa (divided).
Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nhắc tới vài trăm ngàn người Việt gốc Hoa. Trước kia, họ chỉ mượn đất Việt sống nhờ. Bây giờ, tuy còn uất ức vì sản nghiệp ở VN bị VC cướp mất nhưng chỉ chúi mũi vào việc làm giầu ở xứ sở mới chứ không thiết chống VC (truyền thống của Hoa kiều là như vậy). Vậy thì cũng chẳng cần mất thì giờ tìm hiểu chính kiến của họ.
Vào Đề
Chú thích:
Những tư tưởng góp nhặt dưới đây, giống như một cái poll dựa trên chừng 300 người. Mỗi người trong đó đã tiếp xúc với nhiều thân nhân, bè bạn sống khắp năm châu nên, nếu nhân lên, số người được tham khảo có thể lên tới dăm ngàn người.
Vài câu “Hỏi” và “Đáp” đã phối hợp ý kiến của nhiều người.
Còn một điều muốn cáo lỗi trước (chỉ lo xa thôi): lỗi chính tả. Xin đừng dựa vào vài lỗi chính tả để bác bỏ một bài. Gần 80 tuổi rồi, dùm chìa khóa để đâu còn quên thì viết sai vài chữ là thường tình; suy luận còn sắc bén là phúc tổ! Những vị cao niên chắc dễ dãi hơn về điểm này.
Hỏi:
Có nhiều cụm từ mà người Việt sống ở ngoại quốc thường nói đùa như những “nhãn hiệu dán trên lưng” mình: Việt kiều, người Việt tị nạn Cộng sản, người Việt lưu vong, người Việt tự do, người Việt có quốc tịch ngoại quốc. Nhãn hiệu nào đúng nhất?
Đáp:
Nhãn hiệu Việt kiều nên dành cho người Việt trong nước gọi bọn mình thì đúng hơn.
Nhãn hiệu người Việt tị nạn Cộng sản đã lỗi thời (out dated). Nó chỉ đúng trong những năm đầu sau 1975. Bây giờ mình không là dân tị nạn nữa mà còn có khả năng giúp đỡ người tị nạn (tị nạn chính trị nói chung).
Nhãn hiệu người Việt lưu vong cũng lỗi thời. Bây giờ mình đã có quốc tịch mới trong túi áo. Có nghề ngỗng mới. Có sản nghiệp mới. Có xã hội mới. Có tổ quốc mới. Gỉa tỷ nước Việt được giải phóng khỏi nạn Cộng sản mình cũng không dọn về. Nếu thích làm chính trị thì ứng cử những chức vụ dân cử của nước mới. Về Việt Nam, chưa chắc mình đã đủ điều kiện (qualified) để ứng cử vì đã xa quê quá lâu, không đủ thời gian sống trong nước theo luật định. Đã có vài chính phủ lưu vong bên Mỹ nhưng chỉ là những tổ chức thương mại trá hình, không được đồng hương hưởng ứng đông đảo. Vậy thì còn lưu vong cái nỗi gì?
Nhãn hiệu người Việt tự do tuy nghe có lý tưởng tự do trong đó nhưng hàng chục triệu đồng bào của mình vẫn còn sống trong nước. Tuy bị kìm kẹp dưới nanh vuốt độc tài nhưng họ vẫn suy nghĩ tự do, khao khát tự do. Họ yêu tự do hơn ai hết vì mơ mà không được. Nếu chiếm cụm từ này riêng cho bọn mình thì tội nghiệp cho họ quá.
Nhãn hiệu người Việt có quốc tịch ngoại quốc nghe hợp lý hơn các nhãn hiệu trên nhưng hơi dài. Tôi muốn đề nghị cụm từ người ngoại quốc gốc Việt (NNQGV). Nghe ấm cúng hơn mà còn hà tiện được 2 chữ (5 chữ thay vì 7).
Bắt đầu từ câu hỏi tới, sẽ dùng NNQGV (người ngoại quốc gốc Việt) để chỉ những người Việt có quốc tịch ngoại quốc.
Hỏi:
NNQGV thường tổ chức những cuộc hội thảo, biểu tình chống VC. Như vậy có phải đang làm chính trị cho Việt Nam ở ngoại quốc hay không?
Đáp:
Không hẳn là làm chính trị. Hưởng ứng hoặc nâng đỡ người trong nước làm chính trị thì đúng hơn.
Theo nghĩa thông thường, làm chính trị là hoạt động cho người dân (trong đó có mình) được hạnh phúc. Khi VC bị lật đổ thì người Việt trong nước được hưởng chứ mình không được hưởng. Còn nữa, chính người dân trong nước mới có trách nhiệm và khả năng lật đổ VC chứ không phải bọn mình. Đừng trông cậy vào ngoại bang, kể cả Mỹ; cái thời ấy đã qua 40 năm rồi. Bây giờ ngoại bang đang cộng tác với VC vì những lợi ích khác ( thương mại, cản trở Trung cộng, bảo vệ Á châu, kiểm soát Thái Bình Dương vv…). Nếu người Việt trong nước vùng dậy, có một lãnh tụ (sống trong nước) lãnh đạo và có một lực lượng lớn lao khuynh đảo nổi VC thì ngoại quốc sẽ trở cờ mà giúp đỡ họ. Chính trị quốc tế từ xưa tới nay vẫn thế.
Hỏi
NNQGV vẫn thường treo cờ và chào cờ vàng 3 sọc đỏ. Đó có phải là biểu lộ lòng ái quốc hay không?
Đáp
Có phần nào ý nghĩa đó. Nhưng mục đích chính vẫn như vừa trình bày ở trên: nhắc nhở, khuyến khích, nâng đỡ người trong nước vùng dậy tranh đấu cho tương lai của họ. Lòng ái quốc hiện thực của NNQGV bây giờ là hướng về tổ quốc mới. Trốn khỏi nước cũ vì bị đày đọa rồi được nước mới cưu mang, nâng đỡ, bảo vệ, trọng dụng, còn cho cả quốc tịch nữa, mà không yêu nó thì chỉ là phường “ăn cháo đái bát” như câu tục ngữ của ông cha đã dạy. Tổ quốc Việt đối với mình chỉ còn là một kỷ niệm thân yêu, cộng thêm tình đồng bào, ruột thịt mà mình muốn đùm bọc. Mình nhớ nó cho tới khi mình chết nhưng nói rằng bây giờ mình vẫn yêu nó đến độ có thể hy sinh tính mạng của mình cho nó thì nhất định không. Ai nói có thì nên xét lại mức độ thành thực của họ. Những đứa cháu của mình sinh ra tại nước mới, học hành tại nước mới, trưởng thành tại nước mới, lập nghiệp tại nước mới, chỉ nói được tiếng của nước mới (tiếng của nước cũ không hề hiện hữu trên miệng lưỡi của chúng). Hãy hỏi thử xem chúng yêu nước Việt bao nhiêu? Mình không tự ti mặc cảm nếu chúng trả lời không bao nhiêu hoặc cháu không biết.
Hỏi
Anh nói như vậy có thấy ngượng miệng không? Hàng vạn cựu chiến sĩ VNCH đã bị đày ải trong các trại cải tạo gần chục năm và hiện đang sống ở những nước mới sẽ nghĩ sao khi nghe anh nói như vậy?
Đáp
Tôi rất thông cảm nỗi đau của họ. Chính tôi cũng đã ngồi tù cải tạo 5 năm và hiện thời còn căm thù VC tới xương tủy. Năm nay tôi 64 tuổi. Gỉa tỷ có chiến tranh lật đổ VC ở VN mà các con tôi không muốn tôi đem thân tàn về đó chiến đấu thì tôi cũng không nỡ bỏ chúng mà về ( chưa nói đến tinh thần của các cháu tôi ). Tôi biết có những vị dám dứt tình gia đình để trở về, vừa phục quốc, vừa trả hận. Những vị đó là những anh hùng (hero). Anh hùng là một bản lãnh để mọi người cố gắng noi theo, không phải một nguyên tắc để mọi người phải thực hiện. Đối với tôi, phục quốc là một option chính đáng, không phải một nhiệm vụ của NNQGV. Nhiệm vụ đó thuộc về những chiến sĩ hiện đang sống trong nước. Tôi không hãnh diện, cũng không xấu hổ khi nói như vậy. Tôi rất cảm phục những người sẵn sàng hy sinh cá nhân và gia đình để về VN phục quốc nhưng lại bất phục những người gỉa dối chỉ đánh giặc miệng và mỉa mai ai không xả thân tham gia phục quốc là hèn nhát.
Hỏi
Lý Tống có phải là một mẫu anh hùng của NNQGV hay không?
Đáp
Câu hỏi này rất tế nhị. Hiểu sai lệch một chút xíu là biến anh hùng thành terrorist hoặc ngược lại terrorist thành anh hùng.
Từ ngày 11-9-2001, terrorist trở thành cái mà toàn thế giới ghê tởm nhất. Nó thay đổi nếp sống hàng ngày của của mọi người. Tới bất cứ chỗ nào đông người là sợ có terrorist: thể thao, nhà thờ, trường học, ca nhạc, hội thảo, chợ búa v.v…
Muốn thấy rõ ràng hơn thì cứ đi máy bay: hành ký bị kiểm soát ngặt nghèo đến độ tube thuốc đánh răng cỡ trung bình hoặc lọ phấn trang điểm của phụ nữ cũng bị vứt vào thùng rác. Hành khách phải cởi giầy, ai có răng giả hoặc thoi sắt trong xương (metalic rod trong ống xương, knee replacement..) đều bị tuốt lươn từ đầu, xuống tới nách, háng, bắp chân, bàn chân. Một bệnh nhân tâm trí hét lên một tiếng khả nghi là phi cơ phải hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường gần nhất…
Thế mà NNQGV đã vinh danh một người uy hiếp phi công, cướp phi cơ để rải truyền đơn chống VC. Tuy mục đích tốt nhưng phương tiện được dùng, dù chỉ là dọa dẫm, vẫn là hành vi của terrorist, cái mà luật pháp quốc tế muốn loại trừ tới tận cội rễ. NNQGV còn quyên góp tiền để thuê luật sư bào chữa cho hắn và giúp hắn sống phè phỡn sau khi ra tù. Nhiều người biết rõ tông tích của hắn mà không dám công bố sợ bị chụp mũ là cộng sản nằm vùng. Gần đây mới có chừng dăm bảy người viết bài trên internet tố cáo hắn. Thì ra hắn chỉ là một gã điếm đàng, lì lợm, có cái can đảm của một kẻ sống bạt mạng. Hàng chục cô gái (vài cô đã có chồng con) vì chiêm ngưỡng “cái anh hùng bịp bợm ” ấy mà lọt vào vòng tay dâm ô của hắn. Trong lúc rượu chè với bè bạn, hắn đã kể tên của tất cả các cô đã ăn nằm với hắn (kể cả những thủ thuật hắn dùng trong những lần truy hoan) làm cho một gia đình ở San Jose bị tan vỡ. Hắn còn tường thuật tỉ mỉ (lúc ở trong tù) những cuộc truy hoan dơ bẩn của hắn với các cô gái Mỹ gốc Việt cho những cán bộ cải huấn Việt cộng nghe. Có người nghi rằng sở dĩ VC phóng thích hắn sớm là vì chúng muốn dùng hắn để vô hiệu hóa hoạt động phục quốc của NNQGV.
Trong nhiều năm, hàng ngàn người Việt vinh danh hắn, giới truyền thông Việt ca tụng hắn, nhiều tu sĩ Việt ủng hô hắn, thậm chí có vài tổ chức chống VC nhận vơ hắn là người của họ. Thử hỏi qua việc này, thế giới tự do nhìn NNQGV như thế nào?
Tổn thất (damage) đã được tạo ra, đã được thổi phồng, đã được phổ biến quá sâu rộng và quá lâu. Không thể bào chữa được. Không thể tẩy xóa hết.
Hỏi
Cuối thập niên 1990, nhân dịp tổng thống Nga Yelsin viếng thăm Hoa Kỳ, cộng đồng VN quyên được một món tiền lớn thuê tờ báo Washington Post đăng một lá thư ngỏ khuyến cáo ông Yelsin dùng uy thế của ông ép VC nới rộng nhân quyền ở VN. Có ai nghe nói tới chuyện đó không?
Đáp
Tôi đã được đọc bức thư này đăng trên trang 8 của tờ Washinton Post, chiếm khoảng một trang giấy học trò. Phí tổn là 120 ngàn US dollars. Hình như cả ông Yelsin và tòa đại sứ Nga đã không đọc bức thư ấy. Một số người Mỹ đọc phớt qua. Dĩ nhiên là Việt cộng không thèm đọc. Thật là một phí phạn quá mức tưởng tượng. Nếu viết thật hay thì tờ báo W.P. có thể cho đăng miễn phí trên trang nhất hoặc trang 2 chứ không cần phải tiêu một món tiền khổng lồ như vậy mà chỉ được đăng trên trang 8.
Nếu dùng món tiền ấy vào việc khác thì lợi ích sẽ to lớn hơn nhiều. Tỷ dụ như kiện VC cộng trước tòa án quốc tế La Hayes về tội thảm sát hàng trăm ngàn người dân vô tội trong vụ Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 và vụ cầm tù phi pháp gần 200.000 quân nhân, trí thức, nhân sĩ sau năm 1975. Bằng chứng rất hiển nhiên, nhân chứng có cả triệu người kể cả người ngoại quốc, VC không thể nào bào chữa nổi. Tất nhiên một bản án sẽ được quyết nghị rằng VC vi phạm nặng nề công pháp quốc tế về nhân quyền. Nhiều cộng đồng quốc tế đã dùng phương thức ấy. Tuy một bản án của tòa án quốc tế không có khả năng lật đổ một chính quyền nhưng NNQGV có thể dùng nó nhiều lần bất cứ lúc nào nhất là những khi chúng tống giam một người chỉ vì người đó viết thư luân lưu, viết bài trên internet, hoặc làm một vài bài hát đòi nhân quyền (như trường hợp của nhạc sĩ Việt Khang gần đây). Chi phí cho một phiên tòa như vậy chỉ tốn vào khoảng vài chục ngàn dollars bởi vì sẽ có hàng vạn nhân chứng và hàng chục luật sư volunteer sẵn sàng dùng tiền riêng đi tham dự.
Hỏi
Gần đây, có nhiều emails kể nhiều chuyện tồi bại ở VN như chuyện mấy bà xồn xồn mua dâm từ mấy gã gốc Phi châu lê la ở ngoài đường, chuyện con buôn dùng hóa chất độc hại trong thực phẩm để kiếm lời, chuyện xuất cảng gái ra ngoại quốc làm vợ người Đài Loan, Nam Hàn để họ bị đày đọa, lạm dụng… Nhà nước VNDCCH có trực tiếp chịu trách nhiệm về những việc ấy hay không?
Đáp
Đương nhiên nhà nước phải chịu trách nhiệm về những tệ đoan ấy. Chuyện mãi dâm thì nước nào cũng có nhưng đàn bà mua dâm như vậy thì quá tồi bại. Dùng hóa chất trong thực phẩm là do người dân ngu dốt không biết có độc hại trong đó nhưng nhà nước cũng liên đới chịu trách nhiệm vì không có chương trình giáo huấn cho dân. Việc kiểm soát an ninh trật tự để ngăn ngừa và trừng trị những tệ đoan ấy quá lỏng lẻo mặc dầu chính quyền có hàng triệu công an, cảnh sát chìm, nổi. Họ chỉ chú trọng đến việc dập tắt đình công, bãi thị, biểu tình phản đối nhà nước vi phạm nhân quyền.
Hỏi
Tôi vừa nhận được một nguồn tin ( do báo Nhân Dân đăng), từ trong nước gửi ra, nói rằng có một ông gìa thuộc giới trung lưu, sau khi đã chia hết của cải cho bốn người con thì bị chúng bỏ đói rách thê thảm. Có lần, đứa con trai trưởng trải manh chiếu rách cho bố ngồi ngoài hiên cả ngày dưới nắng hè, bất chấp hàng xóm la ó; mãi tới khi cảnh sát tới can thiệp mới dắt bố vào nhà. Phải chăng chuyện đó là sản phẩm của phong hóa đồi trụy dưới chính thể VC?
Đáp
Tôi không muốn đổ hoàn toàn trách nhiệm cho nhà nước VC về cái nghịch cảnh vừa kể trên. Cách đây 5 năm, ở LA, California cũng có một người Mỹ gốc Việt đem mẹ lú lẫn ra bỏ rơi ở đầu chợ; cảnh sát phải truy lùng địa chỉ của người con để trả bà về. Trong quá khứ, cũng đã có rất nhiều người Mỹ giết bố mẹ để được chia gia tài sớm, đến nỗi người Mỹ làm chúc thư để của cho con mà chỉ giao cho luật sư giữ, tuyệt đối không cho con hay. Khách quan mà nói thì chính quyền VC, người Mỹ gốc Việt và chính quyền Mỹ không chịu trách nhiệm luân lý cho những chuyện tương tự như thế. Theo ý riêng của tôi, nếu bất cứ tệ đoan nào trong xã hội cũng đổ lỗi cho VC thì thiếu khách quan mà thiếu khách quan thì hiệu qủa cùa việc thông tin chống cộng sẽ suy giảm.
Hỏi
Có vài người My gốc Việt phát biểu rằng: “người Việt sang đây chẳng cần phải đi làm, chánh phủ Mỹ có trách nhiệm nuôi họ để trả cái nợ đã bỏ rơi đồng minh." Mình có nên công khai bác bỏ lập luận đó hay không?
Đáp
Tôi nghĩ rằng nên. Cũng may, rất hiếm người suy nghĩ hẹp hòi như vậy. Bỏ rơi đồng minh là một chuyện, đi làm để tự lập là một chuyện khác. Nước Mỹ đã xử sự với người Việt tị nạn rất quảng đại, không thể chê điểm nào được. Không nên liên hệ việc trợ giúp người tị nạn với việc bỏ rơi đồng minh (mục này đã được đề cập tới trong một đề tài khác).
Hỏi
Theo nhận xét của qúy vị, tinh thần chống VC của NNQGV biến chuyển thế nào qua các thế hệ?
Đáp
Tinh thần này suy giảm dần theo tuổi tác. Dũng mãnh nhất trong tuổi trên 60. Ở mức trung bình trong lớp tuổi 50. Ở mức dưới trung bình trong lớp tuổi 40. Đối với những người sinh ở ngoại quốc từ năm 1976 thì nó từ từ tụt xuống gần con số không, chỉ còn lại cái tinh thần chống cộng thông thường của người địa phương. Điều này cũng dễ hiểu: mức độ nói tiếng Việt và đọc chữ Việt của NNQGV cũng tụp xuống song song với tinh thần chống VC của giới trẻ.
Hỏi
Có cách nào cứu vãn không? Bọn mình (trong lớp tuổi 50 và 60) có chịu trách nhiệm về sự suy sụp này không?
Đáp
Lẽ dĩ nhiên là bọn mình có phần nào trách nhiệm. Về cách cứu vãn thì không phải là không có mà là có nhưng vô cùng khó khăn bởi vì không thuần nhất và thiếu nỗ lực cần thiết. Một số rất ít gia đình còn giữ được tinh thần này. Đa số những gia đình khác thì hơi lỏng lẻo. Số còn lại thì không đáng kể. Nỗi vất vả, chật vật trong cuộc sinh nhai, tại những xã hội văn minh, đã góp phần tiêu cực trong vấn đề này. Việc đầu tiên cần phải nỗ lực là phải dạy tiếng Việt và chữ Việt trong gia đình. Chưa thấy có dấu hiệu khả quan nào về việc dạy Việt ngữ cho trẻ nhỏ gốc Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới kể cả trong nước Mỹ.
Hỏi
Trong cuộc chiến tranh lạnh giành quần đảo Tây sa, Hoàng sa, Chính quyền Đài Loan, tuy vẫn ghét cay ghét đắng Trung Cộng, đã tuyên bố sẽ đứng về phía Trung Cộng nếu chiến tranh quân sự xảy ra ( cho Trung cộng mượn phi cảng và hải cảng quân sự, và sài quân lực Đài Loan ). NNQGV bình luận thế nào về thái độ ấy của Đài Loan và sẽ đối xử thế nào với Việt cộng nếu chiến tranh quân sự xảy ra?
Đáp
Không khen, cũng không chê thái độ của Đài Loan; đó là thường tình. Nếu chiến tranh VC-TC thực sự xảy ra thì NNQGV cũng sẽ phải đứng về phía Việt cộng. Khẳng định như vậy. Quyết tâm như vậy. Đồng lòng như vậy.
Hỏi
Một số đảng viên VC cỡ lớn như tướng Trần Độ và lãnh tụ truyền thông Bùi Tín, đã phản Đảng và quay về với chính nghĩa tự do. Riêng Bùi Tín đã tuyên bố những câu hoàn toàn trái ngược nhau khi còn ở trong nước và khi đã xuất ngoại. Nhiều NNQGV vì vậy mà không hoan nghênh Bùi Tín, còn xỉ vả ông. Thái độ chung của chúng ta nên thế nào?
Đáp
Cũng nên thông cảm cho an ninh của Bùi Tín khiến ông không dám nói thẳng thừng khi còn ở trong nước. Những câu nào ngang ngược thì mình cứ bác bỏ. Ngược lại, những câu nào đáng hoan nghênh thì cứ hoan nghênh. Đại cương thì chúng mình nên dang tay đón tiếp tất cả những đảng viên VC quay về với chính nghĩa tự do. Như vậy mới thu hút thêm được nhiều đảng viên cộng sản khác.
Hỏi
Tôi nghe nói có “vấn đề” về việc người Mỹ gốc Việt chọn Ngày Quân Lực (đã được quôc hội của một số tiểu bang approved). Có ai biết chuyện này không?
Đáp
Tôi có nghe một dân biều tiều bang, sau khi đã bỏ phiếu chấp nhận Ngày Quân Lực của người Mỹ gốc Việt, phàn nàn rằng: “Tại sao qúy vị không chọn một ngày khác mà lại chọn ngày chính phủ Phan Huy Quát bị ép buộc phải từ chức để trao quyền cho các tướng lãnh? Sau khi biểu quyết chấp thuận chúng tôi mới khám phá ra điểm ấy. Đối với chính giới Mỹ thì đó là ngày quân phiệt. Thế là qúy vị đã đi backward chứ không phải forward. Dân chủ là phải bỏ chính quyền quân sự, lập chính quyền dân sự!“
Đây là một điều đáng tiếc mà mình phải thận trọng hơn trong tương lai.
Hỏi
Nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn, sau 1975 đã ngả hẳn về phía VC và đã tuyên bố vài câu chống “Mỹ Ngụy." Nhiều NNQGV tẩy chay nhạc cũa ông. Một số người giận lây tới cả bạn bè của ông nữa. Đầu thập niên 1990, có một cựu y sĩ thiếu tá, bạn thân với TCS từ nhỏ, đã kín đáo tiếp đón TCS tại tư gia (lúc TCS viếng thăm Bắc Mỹ) và nghe ông hát một số bài quen thuộc cũ. Điều tra ra việc này, người Việt trong vùng đã bắt ông từ chức chủ tịch hội Việt kiều địa phương. Ý kiến của qúy vị về việc này thế nào?
Đáp
Có 2 con người trong TCS: một con người nghệ sĩ và một con người thân cộng. Con người nghệ sĩ đã cống hiến cho VN 500 bài nhạc hay trong đó có chừng 50 bài bất hủ. Rất đông NNQGV vẫn còn thưởng thức nhạc của ông mặc dầu tẩy chay con người thân cộng của ông. Con người nghệ sĩ này vừa đáng kính, vừa đáng mến, vừa đáng thương. Không nên tẩy chay những tác phẩm của ông vì chúng vô tội. Còn nữa, nếu mình tẩy chay mà chúng vẫn được ưa chuộng ở mọi nơi, ở mọi thời điểm thì sự tẩy chay của mình (chứ không phải những tác phảm đó) có vấn đề.
Về việc bắt ông thiếu tá đó từ chức thì đã đi quá xa. Tiếp đãi bạn thân (một người có visa nhấp cảnh) trong nhà là quyền tự do cá nhân ông, nó hợp pháp và không trái với đạo lý. Ông đã giữ kín đáo (không lén lút) nên ông không vi phạm cá nhân nào, cũng không vi phạm cộng đồng. Biết đâu trong lúc chè chén ông chả trách bạn về tư tưởng thân cộng (biết đâu? và cũng không cần biết). Chức vụ hội trưởng hội người Việt địa phương là một chức ăn cơm nhà vác ngà voi. Vậy thì việc gì đến nỗi phải bắt ông từ chức trong khi ông vẫn chống cộng hăng say?
Con người thân cộng của TCS là một sai lầm lớn. Chính trị không phải nghề của ông dù là nghề tay trái. Ông không phải đảng viên CS, chỉ là một trong những kẻ xu thời từ ngày 30-4-1975. Người Việt gọi chúng là cách mạng 30, tục ngữ Việt gọi là theo đóm ăn tàn, rất đáng khinh bỉ. Ông là một thứ chính trị gia gà mờ, chỉ nói vài câu mà câu nọ chửi câu kia. Ông nói: “ Tôi chống Mỹ-Ngụy bằng cách nhịn ăn và uống dấm thanh cả tháng để sụt cân, khỏi phải đi lính chống cách mạng." Ông còn nói: “ Cái chết ám ảnh tôi suốt đời." Sự dối trá nằm sẵn trong câu đầu và được nhấn mạnh trong câu sau. Ông còn nhờ Hoàng Phủ Ngọc Tường (tên trí thức khát máu cầm đầu bọn đồ tể giết hại 5000 thường dân trong tết Mậu Thân ở Huế) đề tựa cho tập nhạc xưng tụng tình yêu và hòa bình của ông. Hết sức ngu muội!
Hỏi
Nhạc sĩ Phạm Duy cùng các con và nhiều ca sĩ khác như Khánh Ly, Chế Linh.. đã về VN ca hát.
MC Nguyễn Ngọc Ngạn và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên vẫn còn cộng tác với Paris By Night mặc dầu có tin rằng hãng này đã bán cho VC. Thái độ của qúy vị ra sao về những người này?
Đáp
Ca hát là nghề nghiệp của ca nhạc sĩ. Nơi nào có thính gỉa yêu tiếng hát của họ và nuôi sống họ thì họ tới. Vả lại họ hát cho đồng bào Việt Nam nghe chứ không phải cho cán bộ Việt cộng nghe. Họ không mang dollars về để giúp ngoại tệ cho VC mà xài bớt ngoại tệ của chúng ở trong nước (lãnh thù lao bằng dollars). Tôi không có ý kiến gì về họ miễn là họ vẫn hát hay và chỉ hát những bài không có mùi VC.
Còn về Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên thì còn phải chờ xem họ nói những gì và chọn những bài hát nào trong những chương trình của họ sau này. Chưa có tin đích xác về việc Paris By Night đã bán cho VC. Những băng nhạc ấy là nguồn vui lành mạnh cho cho hàng chục ngàn người gìa đang sống cô đơn trong xứ Mỹ. Chúng không chứa những bài hát của VC thì khó mà tảy chay. Tới đây xin nhắc lại một ý tưởng cũ: Nếu mình tẩy chay họ mà nhạc và băng của họ vẫn bán mạnh như tôm tươi ở ngoại quốc thì sự tẩy chay của mình có vấn đề.
Hỏi
Đầu tháng giêng năm 2009, lễ nhậm chức của tổng thống Obama được tổ chức, không phải trang trọng nhất, mà to lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ. Có hàng triệu người từ khắp nơi trong nước về tham dự. Tuy đa số là người da đen và da màu nhưng cũng có hàng trăm ngàn người da trắng đổ về thủ đô Hoa Thịnh Đốn đến nỗi tất cả các cầu bắc từ vùng ngoại ô vào DC được dành riêng cho những xe chuyên chở công cộng (các xe du lịch và xe van chở dưới 7 người không được phép băng qua cầu để tránh nạn kẹt xe).
Yếu tố nào giải thích hiện tượng đó?
Đáp
Chứng kiến lịch sử!
Đây là lần đầu tiên một người da đen lai da trắng (bố gốc Kenya, mẹ da trắng) làm tổng thống nước Mỹ mà lại đắc cử với số cử tri đoàn (electoral votes) gần gấp đôi số cử tri đoàn của đối thủ da trắng.
Tôi không nói tới lý do tại sao B. Obama thắng lớn như vậy (lý do này đã nói trong một đề tài khác). Tôi chỉ nói tới khía cạnh lịch sử của buổi lễ: dân Mỹ nao nức muốn chứng kiến biến cố lịch sử đầu tiên của Hoa Kỳ.
Tại một restaurant ở Alabama, một tiều bang miền Nam nổi tiếng kỳ thị da đen trong thế kỷ 20, bà chủ restaurant (gốc da trắng và thuôc đảng Cộng Hòa), đứng trước gần 100 thực khách (đa số là da trắng) đang theo dõi buổi lễ trên TV trong restaurant của bà, dõng dạc nói rằng: “ Trước đây 40 năm, nếu có một người da đen bước vào tiệm này thì tôi có nhiệm vụ mời y ra khỏi vì tôi không được phép serve thức ăn cho người da đen trong một restaurant của người da trắng. Thế mà hôm nay chúng ta ngồi đây để đón nhận một ông tổng thống da đen!
Tháng 11 vừa qua, tuy không còn kỳ thị nữa, tôi vẫn bầu cho ông da trắng nhưng tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh đã có cái may được chứng kiến biến cố lịch sử này
Khi đọc bài này do chính bà chủ restaurant kể lại trên tờ Washington Post, tôi (Con Cò) cảm kích đến gần rơi lệ về lòng tôn trọng lịch sử và nét hào hiệp (đối với tổng thống thuộc đảng đối lập) của người Mỹ. Đây là một thái độ mà tôi chưa nghe thấy người da vàng nào đề cập tới trên báo chí (hy vọng có nhưng tôi chưa có dịp đọc). Có một số emails, viết bằng English, được người da vàng gởi đi tùm lum qua internet, vu khống cho Obama là thiên tả hoặc có gốc Hồi giáo terrorist mặc dù chính ông là người đã giết được Bin Laden. Nước Mỹ đang tận diệt terrorists bằng mọi gía mà lại để một tên terrorist ngồi ghế tổng thống 4 năm, lại còn cho phép hắn vận dụng hết tài năng và thủ đoạn để hòng ngồi thêm 4 năm nữa! Hoang đường hết chỗ nói!
Hỏi
NNQGV chống cộng suốt 37 năm mà VC càng ngày càng lớn mạnh. Riêng về điểm vi phạm nhân quyền, từ tư thế “ở trong danh sách những nước vi phạm nhân quyền," chúng nhảy lên tư thế “thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” nghĩa là đứng trong hàng ngũ những nước xét xử tội vi phạm nhân quyền (tổng thống Cộng Hòa Bus đã cổ động cho chúng trong việc này).
Tại sao vậy?
Đáp
Có rất nhiều nguyên do (không xếp theo thứ tự quan trọng):
1/ Không đoàn kết.
Lập ra nhiều hội đoàn riêng rẽ công kích lẫn nhau, từ đó lộ ra kẽ hở để vài kẻ lợi dụng chính trị làm thương mại trá hình.
2/ Lòng tự tôn quá đáng.
Một viên chức Pháp trong thời Pháp thuộc đã nói: “Mỗi người Việt là một ông quan."
Một phóng viên Mỹ đã viết một bài khá dài trong đó có câu: “Người Việt thông minh, năng động nhưng không có tinh thần đồng đội; khoảng 5 người hoạt động chung là có thề có vài ba ý kiến khác nhau mà không chịu compromise.”
3/ Lòng đố kỵ.
Khác ý với mình và không chịu theo mình là có thể bị chửi sau lưng.
4/ Tinh thần “chụp mũ."
Bất đồng ý với ai thì vu oan cho họ là “Việt cộng nằm vùng," thiên cộng hoặc thiên tả. Tinh thần này phổ thông từ trong nước, khi còn VNCH, rồi “di tàn” nó ra ngoại quốc, tuy đã giảm bớt nhưng vẫn hiện hữu.
5/ Ít thận trọng khi phát ngôn hoặc khi viết bài chống cộng:
a/ Dùng những từ tục tĩu làm giảm gía trị của ý kiến mình.
b/ Nhét một vài tin thất thiệt lẫn với những tin chính xác làm cho lời nói và bài viết của mình không đáng tin nữa.
c/ Thiếu vẻ khách quan khiến bài vở của mình có sắc thái tuyên truyền thay vì thông tin. Điểm này rất bất lợi cho việc thu hút người Âu-Mỹ tin mình ( sẽ nói thêm sau).
6/ Thiếu vẻ khiêm nhượng khi đạo đạt thỉnh nguyện của mình lên chính phủ Mỹ. Thí dụ việc xin họ dùng áp lực kinh tế để buộc VC phải tôn trọng nhân quyền của người Việt trong nước. Điểm này tế nhị ở chỗ (đã nói ở một bài khác rồi nhưng thiết nghĩ đây là một ý quan trọng nên nhắc lại): là công dân Mỹ, mình có quyền đòi chính phủ Mỹ dùng áp lựu kinh tế với VC nếu nhân quyền của chính mình bị VC vi phạm ( khi mình viếng quê cũ), chứ không có quyền đòi chính phủ Mỹ phải dùng áp lực kinh tế với VC để bảo vệ nhân quyền của công dân của nước cũ của mình. Khuyến cáo một cách khiêm nhượng thì có hiệu qủa hơn. Cái gọi là áp lực kinh tế cũng phải có chừng mực, nghĩa là không phương hại đến quyền lợi của nước Mỹ.
7/ Không đắn đo kỹ lưỡng thời điểm của sự việc. Lúc mà chính phủ Mỹ đang cộng tác với VC để chống Trung cộng thì chưa phải lúc để mình yêu cầu họ làm áp lực kinh tế với VC. Đây là bài học thiên thời địa lợi của ngàn xưa để lại, chớ nên coi thường. Không dùng được thiên thời địa lợi thì dễ thất bại. Thất bại nhiều lần thì sẽ nản chí bỏ cuộc. Đối thủ sẽ khinh nhờn mình (vì mình chẳng làm gì được chúng) và càng lộng hành (vì chúng biết chúng sẽ an toàn).
8/ Không tham khảo sâu rộng các cựu chính khách lỗi lạc của VNCH trước khi làm những việc lớn, khiến cả bạn (chính phủ Mỹ) và thù (VC) có cơ hội né tránh.
9/ Không liên kết được những cựu hội đoàn nòng cốt của trí thức VNCH như luật sư đoàn, y sĩ đoàn, hội văn bút.
10/ Sống trong nước văn minh thì phải dùng lề lối văn minh mới có hiệu qủa. Dân Mỹ và dân Tây phương thích thông tin, không thích tuyên truyền. Vậy phải loại bỏ mọi chi tiết có vẻ tuyên truyền thì mới lôi kéo được họ.
11/ Nên truyền bá tư tưởng chống VC tế nhị hơn cho những trẻ nhỏ sinh trưởng tại những nước Âu Mỹ. Chúng đã thấm nhuần đức tính khách quan và lợi ích cá nhân trong trường học và ngoài xã hội. Chúng không hứng thú nghe những lời mà chúng nghĩ rằng thiếu khách quan và đượm mùi thù hận của phụ huynh chúng. Chúng không dám nói ra trước mặt mình nhưng nếu nghe được chúng nói chuyện với nhau thì sẽ rõ.
12/ Thời cơ để lật đổ VC chưa đến. Nó sẽ đến khi đồng bào trong nước hết chịu nổi và vùng dậy. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Phải tạo cơ hội và nuôi dưỡng tinh thần cho họ vùng dậy; cách tốt nhất là internet và emails. Hiện có cả trăm ngàn người đang xài computer tại VN mà VC không kiểm soát nổi.
Kết luận cho câu hỏi này: Mình thất bại không hẳn vì đối thủ quá cứng đầu, gian manh mà còn là mình chưa phối hợp được sức mạnh và kỹ thuật của mình.
Ngày 7-10-2012
Con Cò