Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
2012/10/12
Nguyễn Hoàng Hải
Thưa các bạn,
Tôi thấy bài phê bình này có nhiều điều cũng đúng, nhưng chắc sẽ có bất đồng. Tác giả có can đảm nói thẳng ý nghĩ và quan điểm chính trị của mình về nhiều vấn đề tế nhị trong cộng đồng. Vì tác giả (BS Nguyễn Văn Bảo) không ở trong Diễn Đàn nên không có vấn đề bút chiến qua lại. Tôi đưa lên DĐ với mục đích các bạn đọc cho vui và có dịp phát biểu ý kiến của mình cho diễn đàn thêm sống động.
NH Hải
Thưa Bác-Sĩ Nguyễn Hoàng Hải và Anh Em
Xin đề-nghị phân-biệt ba bình-diện để thảo-luận giữa nhiều người hoặc đối-thoại giữa hai người:
1. cảm nghĩ cá-nhân của một người dân trước hiện-tình đất nước, nói một cách đại-khái, người dân nào cũng có một trình-độ kiến-thức để tìm hiểu và bàn cãi về một hay nhiều vấn-đề nào đó (Mỹ, Úc hay Việt...); trước một chuyện quan-trọng đang xẩy ra ai cũng có ý-kiến và muốn nói lên những ý-kiến ấy; những bài này thường có tính-cách sôi-nổi, nhưng dễ có sai lầm;
2. một bài bình-luận thời-sự, của một bình-luận gia hay là của một ký-giả đã có theo dõi và biết khá tường-tận về một vấn-đề, về một cuộc tranh-chấp nào đó, hoặc của một người đã từng hoạt-động nhiều năm trong chính-trường; tác- giả có thể có thiên-kiến, nhưng ít ra cũng có những dữ-kiện xác-thực và những lý-luận có cân-nhắc; những bài thuộc loại này có phần chín-chắn hơn;
3. một bài khảo- cứu chính-trị của một chuyên-gia chính-trị-học.
(a) có-thể có tính-cách phổ-thông cho đại-chúng, nhưng cũng có-thể
(b) có mức-độ chuyên-biệt riêng cho giới chuyên-gia chính-trị-học; thường là trong giới đại học; có-khi quá lý-thuyết và không hợp với tình người;
Trong thực-tế không thể nào có sự phân-biệt rõ-rệt như vậy được, nhưng chúng ta nên nhận-định bài viết mà chúng ta đương đọc gần với loại nào nhất, 1 hay 2 hay 3a hay 3b? - và chúng ta nên biết tác-giả bài viết là ai, bài viết xuất-xứ từ đâu, trong hoàn-cảnh nào...
Ngoài ra có một loại bài không thể thảo-luận nổi, đó là những bài viết có tính-cách tuyên-truyền vận-động của cán-bộ tuyên-truyền, nhất là những bài viết với kỹ-thuật cao vì người viết đã được huấn-luyện chu-đáo; chủ-đích tuyên-truyền được giữ kín nhẹm!
Và có một loại bài khó có thể chấp nhận tạm gọi là những bài "xôn-xao dư-luận," nhắc đi nhắc lại những điều đã nói tới trên báo-chí, trên truyền-hình hay trên mạng lưới quốc-tế mà không đưa ra được một kiến-giải gì mới lạ.
Anh Em thuộc Diễn Đàn đều tốt-nghiệp Đại-học, nhưng chúng ta chỉ được huấn-luyện nhiều về y-học mà thôi. Kiến-thức về chính-trị, luật và kinh-tế giũa chúng ta với nhau rất là không đồng đều; sự khác-biệt tăng thêm với tuổi đời, với kinh-nghiệm bản thân và với hoàn-cảnh cuộc sống, với những công-phu tự học, với những suy-tư và những cố-gắng tìm hiểu cùa mỗi người.
Có lẽ không gì hơn là chúng ta sẽ đọc những bài về chính-trị một cách cẩn-thận, và trước khi trả lời hay góp ý chúng ta cũng nên tự xét điều mình sẽ nói thuộc loại 1 hay 2 hay 3 (?).
Ông Lâm Ngữ Đường, trong cuốn Một Quan-niệm về Sống Đẹp, đã dẫn lời của Trưong Trảo như sau "Trong số bạn bè, người nào làm thơ được là quý nhất, rồi tới người nào nói chuyện được, rồi tới người nào ca hát được, sau cùng mới tới hạng người biết những trò chơi trong xã-hội" (Bản Việt-ngữ Nguyễn Hiến Lê, trang 241).
Anh Em thuộc Diễn Đàn chính là những người nói chuyện được. Chúng ta thành-thật quý-mến lẫn nhau, nói chuyện vui, chuyện phiếm, chuyện cười, sao cũng được, nhưng nói chuyện chính-trị thì không thể không cẩn-thận. Thế nào là cẩn-thận thì xin trả lại câu hỏi cho Diễn Đàn và xin Anh Em cho biết ý-kiến của mỗi người.
Hà Ngọc Thuần QY 13 HD
Đã đọc xong bài của tác giả Con Cò tức Bác Sĩ Nguyễn Văn Bảo. Bài này không thể đọc nhanh được. Cân có suy nghĩ đắn đo chín chắn. Không thể đọc sơ qua rồi viết lên những câu trả lời đầy định kiến hàm hồ sẫn có theo phản xạ tự nhiên do môi trường mình sinh ra và lớn lên hay những điều mình học từ thày, bạn từ trước đến nay.
Cần có lối nhìn mới vì tác giả đã thách đố mình với cái nhìn mới và những sự kiện mới của ông.
Vì vậy, hôm nay tôi mới bạo dạn góp chuyện như anh Nguyễn Hoàng Hải khuyến khích. Tôi không phải người đầu tiên. Đã có anh Hà Ngọc Thuần là người đi tiên phong. Tuy nhiên, Anh Thuần cũng chỉ phân loại tổng quát bài này thuộc thể nào và người đọc trình độ ra sao. Anh Thuần không hẳn trả lời thẳng những thách đố người đọc trong bài của tác giả, những thách đố vô cùng hào hứng và có cơ đảo ngược định kiến cũ của mỗi người trong chúng ta.
Tôi mất ngủ một đêm dù tôi đồng ý với tác giả 98 trong 100 điều. Còn hai điều làm tôi mất ngủ:
1. "Lòng ái quốc hiện thực của NNQGV bây giờ là hướng về tổ quốc mới.
Tôi không biết những người Việt sống tại các nước khác ra sao, nhưng tôi sống tại Hoa kỳ 37 năm, thời gian còn dài hơn thời gian tôi sống ở quê hương. Trước đó tôi đã sống thêm hai năm tại Hoa Kỳ từ 1972 tới tháng 8 năm 1974. Hằng ngày, tôi trải qua 8 tới 9 tiếng nói tiếng Anh khi khám bệnh hay thăm bệnh tại nhà thương.
Tôi tự cho nói tiếng Anh trôi chảy, ít pha giọng. Tuy nhiên, khi thức cũng như khi ngủ, tôi vẫn tự coi tôi là người Việt Quốc Gia. Có nhiều lý do: trải qua cuộc chiến, tôi biết Hoa Kỳ đã đang tâm bỏ rơi đồng minh khi đã bắt liên lạc được với Trung Cộng. Mặc dù được xã hội Hoa Kỳ chiều đãi, nhưng trong lòng vẫn có gì vướng mắc. Tôi không khỏi nghĩ tới hình ảnh người mẹ ghẻ nhờ kẻ thù đâm mẹ ruột mình. Tôi vẫn đi bầu trong những kỳ bầu cử Tiểu Bang, Liên Bang. Nhưng thú thật tôi CHƯA có lòng ái quốc với nước mới.
Thí dụ: nếu có phép lạ gì cho tôi được trở lại tuổi hai mươi, có ai hỏi tôi có tình nguyện đi lính Mỹ không, tôi không chắc tôi tình nguyện nhập ngũ sau khi chứng kiến cảnh Hoềa Kỳ rút khỏi Việt Nam, rồi Irak, nay sắp rút khỏi Afghanistan. Hoa Kỳ, tôi nhận thấy, sau thế chiến thứ II, không thể đi vào cuộc chiến nào quá bốn năm với tình thế chính trị hiện tại. Cứ bốn năm lại bầu cử Tổng Thống, người tranh cử với Tổng Thống đương thời lại chỉ trích cuộc chiến tranh đang tiếp diễn.
Rồi lại tìm giải pháp lừng chừng và rút. Ai dại gì đi lính trong trường hợp chính Phủ không đi tìm chiến thắng? Vậy có lẽ tôi thuộc vào trường hợp ngoại lệ.
Tôi không coi tôi như Người Ngoại Quốc Gốc Việt. Tôi xin đề nghị tôi coi tôi như Người Việt Tha Hương. Tôi có nhiều bạn Hoa kỳ, bạn trai cũng như bạn gái. Nhưng chúng tôi chỉ trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Thỉnh thoảng cung mời nhau một bữa cơm nhưng cũng chỉ là xã giao. Còn hằng ngày, cái thú nhất trong ngày là buổi chiều khi khám xong bệnh, nếu không muộn quá, gọi điện thoại viễn liên lên cho Anh Nguyễn Hoàng Hài, nói chuyện với nhau cả giờ về "Hoa Dung Tiểu Lộ" hay cái bát nước trà Temmoku đời Tống. Đọc một bài khảo luận của ông Niên Trưởng Nguyễn Trùng Khánh "Chửi" thống khoái hơn nói Anh Ngữ.
Tôi vẫn là người Việt tha hương, tôi chưa phải là người ngoại quốc gốc Việt. Từ ngữ này áp dụng cho lứa tuổi con tôi thì đúng hơn.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là những cảm xúc riêng tư của mỗi người, và cũng chỉ là tiểu tiết không ảnh hưởng gì đến giá trị tổng quát của bài BS Nguyễn Văn Bảo viết.
2." Nếu chiến tranh Việt Cộng-Trung Cộng thực sự xảy ra thì NNQGV cũng sẽ phải đứng về phía Việt Cộng. Khẳng định như vậy. Đồng lòng như vậy"
Câu này đánh thật bất ngờ vào lối suy tư từ trước tới nay của tôi. Kinh nghiệm lịch sử tổ tiên và kinh nghiệm dĩ vảng trong đời tôi học hai điều:
a. Khi Trung Hoa xâm chiếm, phải hợp lại chống ngoại xâm. Cái này nó vào tủy tạng rồi.
b. Kinh nghiệm dĩ vãng bản thân là phải hợp lực với dân tộc trong ngoài nước lật đổ đảng CSVN là nguồn gốc của biết bao lầm than trong lịch sử cận đại.
Đây lại là ưu tiên đầu tiên được nhập vào trong óc tôi không phải từ 1975 mà là từ 1954 khi gia đình phải rời nơi chôn nhau cắt rốn đề đi tìm tự do trong Nam, cái đất phì nhiêu, rộng lượng và nhân ái. Cái đất Nam mà tôi coi là Tổ Quốc của tôi.
Từ trước tới nay tôi vẫn hy vọng ta lật đổ được bọn CS Hà Nội rồi sẽ tính chuyện đối với Trung Quốc. Thú thật với BS Nguyễn Văn Bảo và anh em, tôi
chưa sẵn sàng với ý nghĩ đứng với VC chống TC. Tôi chưa sẵn sàng thỏa hiệp với địch. Tôi có nghĩ tới nhưng rồi từ chối trốn nghĩ tới.Tôi vẫn hy vọng nếu chuyện đó xảy ra. Hoa Kỳ, vì quyền lợi tại Đông Nam Á sẽ có thể nhảy vào can thiệp. Lúc đó người Quốc Gia có cơ và chúng ta phải sẵn sàng. Wishful thinking?
Có thể, nhưng nó giúp tôi đỡ phải nghĩ tới chuyện thỏa hiệp với quân thù.
Lại nữa, điều hai kể trên cũng chỉ là những phản xạ riêng tư trước những câu hỏi "nhức đầu" mà tác giả đặt cho chúng ta.
Tuy nhiên, nhức đầu không có nghĩa là lấy chổi quét nó xuống dưới gần giường. Những người VN tha hương như anh em chúng ta đều nên đọc bài viết này và để tâm suy nghĩ trước khi chối bỏ nó. Cái hay không phải là đọc những gì mình thích và chọn lựa rồi. Cái hay là đọc những thách đố, những bài toán khó giải đáp.
Tôi gần như hoàn toàn đồng ý với nhận xét của tác giả về tác phong và cách suy nghĩ của người Việt hải ngoại. Chia rẽ, bất phục thiên. Một người mười ý. Thêm nữa lại có tình trạng thi nhau coi xem ai chống Cộng hơn ai bằng cách tổ chức những chiến dịch bài trừ người này kẻ nọ trên Internet hay qua những vụ biểu tình. Ngay trong diễn đàn này cũng có một quái thai bệnh hoạn to mồm chống Cộng Lý Toét ngu xuẩn như cái thùng rỗng.
Tôi thấy nhận xét của tác giả về Trần Độ hay Bùi Tín rất công bằng. Tác giả cũng phân tích trường hợp Lý Tống rất chính xác. Vì ở xa cộng đồng người Việt nên tôi không biết nhiều chi tiết về Lý Tống như tác giả. Phân tích Trịnh Công Sơn cũng vậy: công bằng và hợp tình hợp lý. Tôi cũng đồng ý với tác giả về chuyện các ca sĩ về Việt Nam trình diễn. Ta mất nhiều thời giờ tẩy chay những người này mà không cần xét đến nguồn lợi tức kiếm cơm của người ta. Như vậy ta chỉ mất sự hậu thuẫn của họ. Thông cảm họ, ta sẽ kéo họ về với ta, nếu không họ sẽ lần lượt từ giã ta. Biết bao kẻ đỗ đạt các trường Đại Học Hoa Kỳ đang về phục vụ các bà xồn xồn làm affaires ở Việt Nam? Làm bí thư cho các ông Tư Bản đỏ?
12 điều nhận xét cuối cùng về người Việt cư ngụ ở ngoại quốc về cách chống Cộng của họ quá hay. Tác giả đang nói chúng ta đó. Chùng ta cùng sờ lên gáy mà ráng sửa đổi. Nếu không, ngày giải phóng Việt Nam còn lâu lắm mới tới.
Tôi nghe nói tác giả là Cựu Sinh Viên Quân Y Hiện Dịch, là Niên Trưởng của tôi. Tôi cũng nghe nói tác giả muốn tự do, không muốn gia nhập Hội hay Diễn Đàn nào. Ta nên tôn trọng nguyện vọng của tác giả. Tuy nhiên để giữ lễ, tôi đề nghị Anh Lý Văn Quý hay anh Phạm Anh Dũng viết thư mời Niên Trưởng Nguyễn Văn Bảo gia nhập Diễn Đàn.
Riêng tôi, tôi có hoài bão được tiếp tục nhận những bài nhận định xuất sắc như bài này. Có như thế mình mới tiếp tục học được những điều hay nơi người khác.
Thân ái,
Nguyễn Ngọc Khôi 16HD
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012