Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Đức Cha Marcel Lichtenberger (1906-1985) |
|
1986 Tháng Tư
ECHOS
của Cộng Đồng Jésuite
Nội san lục cá nguyệt
Đức Cha Marcel Lichtenberger (1906 -1985)
Gốc ở thành phố Ath (1), sinh ngày 28 tháng 6 1906, một nhà truyền giáo tại Trung Quốc trong 16 năm, sau đó ở Việt Nam gần 18 năm trời, đã tạ thế ở Namur ngày 10 tháng 12 năm 1985. Marcel Lichtenberger luôn là một mẫu người ngoại lệ và ông cũng đã từng bị tù tội dưới chế độ Cộng Sản.
Chính nhân một buổi thuyết trình của Cha Vincent Lebbe mà Marcel đã nghe thấy tiếng gọi đầu tiên của Trung Hoa Lục Địa. Ông cảm thấy bị thu hút bởi lời kêu gọi phải cố gắng để thích nghi hoàn cảnh của diễn giả như là điệu kiện tất phải có nhằm truyền bá Công giáo tại lục địa rộng lớn này. Trong lúc đi cấm phòng ở tại Arlon (2), khi nói với Cha De Pierpont về ý muốn truyền giáo của mình, ông được khuyên đến học tại trường dòng mà các cha dòng Jésuite người Pháp đã mở ra ở Florennes (3) để thu nhận những người có thiên hướng muộn. Trong vòng 3 năm, Marcel đã học được rất nhiều về ngữ học Hy lạp và La tinh đến độ các Cha đã cho ông làm giáo sư lớp 6 La Tinh trong vòng một năm. Đó là kinh nghiệm sư phạm đầu tiên đã thu trọn tâm tư của ông đến độ ông xin gia hạn nhiệm kỳ thêm một năm nữa.
Nhân một cuộc du hành đến Rome trong dịp lễ Phục Sinh vào năm thứ hai này, khi thăm viếng ở Gésù các phòng nơi thánh Ignace đã trú ngụ, ông mới thấy được sự tiếp sức nội tâm để hiến mình cho Dòng Tên(Jesuite). Ngày 1 tháng 10 năm 1929, ông vào trường đào tạo (noviciate) của các giáo sĩ Jesuite của Pháp tại Florennes và tình nguyện xin đi làm sứ mệnh ở Trung Quốc. Hai năm sau ông hoàn tất nghiã vụ quân sự phục vụ ngành y tế tại Bourg-Léopold. Tại đây ông đã gặp một vị y sĩ đã giúp ông đào sâu thêm kiến thức tu nghiệp ngành lính trợ y và đồng thời cũng học hỏi được nhiều điều sau này sẽ giúp ích cho ông rất nhiều.
Ngày 15 tháng Tám 1932 là ngày khởi hành đi Trung Quốc, qua ngã Moscou và bằng con tàu xuyên Sibérie. Cuối tháng Chín, Marcel đến trung tâm truyền giáo ở Sienshin để bắt đầu học tiếng Hoa. Một năm sau ông vào khoa Triết cùng với 14 người Hoa. Trong cộng đồng gồm 80 người này, người ta nhận thấy ông nói tiếng địa phương một cách thuần khiết và ông đã cố gắng thu nhập được những điều căn bản đó trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Triết học làm ông quan tâm nhiều nhưng cũng không chiếm hết thời gian của ông. Ông vẫn luôn thích những việc khéo tay làm lấy. Mới 12 tuổi ông đã làm đươc một cái đài thu thanh bằng Galène. Ở trường dòng, ông được cấp cho một chỗ để làm phòng thí nghiệm để thử nghiệm về vật lý. Đức Cha Jomin, vị khoa trưởng, tiên đoán được khả năng của người học sinh này và sẽ quyết định mang ra sử dụng.
Cái điện thoại trong nhà dòng dùng để liên lạc giữa các bộ phận thường hay bị hỏng. “Hãy làm cho chúng ta một cái điện thoại tự động,” một ngày kia Ngài nói với ông như thế. Mệnh lệnh nghe thì được lắm nhưng không phải là chuyện dễ. Bằng những sáng tạo tài tình, với những phương tiện tự tìm kiếm được, cộng đồng nay đã có được một điện thoại gọi đến được đúng số, tám lần trên mười, là điều mà vào thời kỳ đó đã là một kỷ lục rồi!
Trường dòng dạy triết học nằm ngay giữa cánh đồng, cách Tientsin 50 cây số. Các giáo sĩ đã cho xây dựng một bệnh viện để phục vụ cho một dân số cỡ một triệu người trong vòng một bán kính 100 cây số. Một bác sĩ người Hoa có đến hai hay ba lần một tuần. Đôi khi ông ta cũng có nhờ Cha Lichtenberger làm giúp một số xét nghiệm. Khi vắng mặt bác sĩ này, các nữ tu ở đây, khi có trường hợp cấp cứu cũng thường kêu gọi vị Cha dòng Jésuite trẻ tuổi đến giúp đỡ.
Các Sơ yêu cầu Cha mang ứng dụng những kiến thức học được khi làm việc ở Bourg-Léopold. Ở đây cũng vậy, Đức Cha khoa trưởng còn khuyến khích người thầy thuốc trẻ bắt buộc này phải bạo dạn mà hành động hơn nữa! trước một người bệnh bị tràn dịch màng phổi, Người nói với ông “Con phải chọc dò rút nước ra!” Marcel phải tuân lời cha bề trên đồng thời tra cứu cuốn sách Ngoại Khoa Cấp Cứu và đã giúp được người bệnh. Và chính vì vậy mà Cha Lichtenberger, y tá giáo sĩ dự khuyết, khi đang học về Triết lại ngày càng phải thực hành về ngành Y.
Học xong phần Triết năm 1936, người thụ giáo nhà dòng được gửi đến học về thần học ở Zikawei, ngoại ô của Thượng Hải. Sau một năm học, ngài Khoa Trưởng báo cho Marcel biết các cha bề trên kỳ vọng ở ông để dạy về môn sinh học. Ngài còn dặn Cha phải biết tận dụng hết sức thì giờ rảnh rỗi của mình. Vì vậy mà Cha đã làm được một máy điện tâm đồ, có lẽ là cái đầu tiên có được tại Trung Quốc!
Năm 1940, Cha, lúc đó đã được phong chức linh mục năm 1939, trở về Sienhsin và dạy môn sinh học tại đây cùng với môn tâm lý học thực nghiệm.
Từ năm 1936, người Nhật, đang lúc chiến tranh với Trung Quốc, chiếm lãnh nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Hoa Lục Địa. Ở Sienhsin, không còn bác sĩ phục vụ trong bệnh viện. Các nữ tu quản lý một trạm y tế ở gần trường dòng. Họ thường mời Cha Lichtenberger đến để làm các xét nghiệm và không lâu sau đó - vì cần phải chữa chạy cho người bệnh - Cha phải liều bắt tay giải phẫu.
Người bệnh được giải phẫu đầu tiên là một người Cộng Sản Trung Quốc, trong một cuộc đụng độ, bị thương do một viên đạn vào đầu. Phim XQuang chụp cho thấy vị trí viên đạn không nguy hiểm. Không nhất thiết phải lấy viên đạn ra, nhưng cần phải làm sạch vết thương, khâu lại và theo dõi diễn tiến… và diễn tiến lại rất tốt sau đó! Cứ như thế cho đến hết chiến tranh Hoa-Nhật, để phục vụ Chúa và dân nghèo, Cha tiếp tục làm công tác của một y sĩ, và còn làm phẫu thuật viên nữa . Ông đã làm cả ngàn cuộc giải phẫu, từ việc cắt Ruột dư đến mổ Césarienne, và cả 102 lần mổ Cườm mắt.
Năm 1945 tình hình thay đổi, quân Nhật đã rút lui và Trung Hoa nằm trong tay quân Cộng Sản. Và họ chỉ muốn đuổi hết tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc. Cha Lichtenberger sẽ nếm mùi các phương pháp CS, các áp lực chúng dùng để buộc những người vô can phải nhận tội. Chúng vu là cha Lichtenberger đã dùng tay đánh chết 1 phụ nữ nhưng lời tố cáo quá vụng nên được bãi. Cha được trả tự do trong 1 thời gian ngắn. Lần cuối cha bị giam là vào 4 tháng 11, 1947. Thật là nhờ sự sáng suốt và lòng quả cảm mà cha đã đứng vững và không chịu lùi bước trước địch thủ.
Vào thời Nhật, cha đã đương đầu với bọn xâm lăng để bảo vệ kẻ thế cô, các nữ tu, các thầy tu, và ngay cả vị giám mục bị quản thúc. Một mình với viên sĩ quan, cha Dòng Tên đã tranh luận cho đến khi thắng. Nhưng phương pháp của CS thâm độc hơn thế, chúng không chấp nhận bàn luận hay yêu sách, kẻ bị gọi ra trước tòa chỉ có đường nhận tội mà thôi.
Quả là cha can trường và không chùn bước mặc dù phải nghe những tiếng kêu la của các tù nhân bị tra tấn ở các phòng giam kế cận hay khi nghe một tên sĩ quan dọa: “Mai tụi tao sẽ bắt mày khai.” Cha bị giam biệt lập cùng với 3 vị tu sĩ Dòng Tên người Pháp và 1 vị linh mục Trung Hoa, - lần cuối cùng thời gian quản thúc kéo dài 9 tháng- , 1 người gác Trung Hoa có mặt thường trực trong phòng.
Cuối cùng vị tu sĩ Trung Hoa lãnh án 1 năm khổ sai và bị tước quyền công dân trong 2 năm; 4 nhà tu người Âu bị trục xuất ngày 29 tháng 7, 1948 “ về tội muốn giữ nhân dân trong vòng nô lệ và cũng vì bị nhiễm vi trùng tư bản quá nặng.” Cha mất 30 kí lô. Ngài vẫn giữ văn kiện đầy chữ và triện Tàu ghi bản án của mình.
Ta hiểu lối phán xét thẳng thắn của cha về CS và lối hành xử của chúng. Cha nhận rõ qua kinh nghiệm bản thân là đường lối đấu tranh của chúng kiên trì và đối với chúng mọi phương tiện đều tốt.
1948, Cha Lichtenberger trở về Pháp. Các bề trên nhận thấy cha cần học nốt năm thứ 3 tại chủng viện và cũng để lấy bằng y sĩ. Cha học Y khoa tại Louvain (4) từ 1949 đến 1954. Năm 1953, khi đi thực tập tại Mont-sur-Meuse, nơi điều trị bệnh Lao, cha để ý tới 1 loại mốc trụ sinh đã được khám phá tại phòng thí nghiệm của viện. Cha say mê khảo cứu và dược phòng Christiaens de Bruxelles đã dành cho cha những phòng thí nghiệm để tiếp tục công trình này từ 1955 tới 1957.
Lúc cha đang tùng sự tại collège Saint-Jean Berchmans, bề trên đề nghị cha qua Việt Nam điều khiển khu Mô và Bào Thai Học tại Viện Đại Học Saigon. Cha là vị tu sĩ Dòng Tên duy nhất trong ban giảng huấn trong 17 năm rưỡi. Nghiên cứu và giảng dậy là những hoạt động chính hàng ngày của cha.
Một dịch vụ y khoa duy nhất tại Việt Nam được thiết lập, đó là tham khảo di truyền cho các y sĩ bệnh viện. Cha Marcel không phải chỉ lo chuyện khoa học mà thôi. Sáng chủ nhật cha thường đến khám bệnh tại 1 chẩn y viện dành cho người nghèo do 1 tu sĩ Việt Nam điều hành và tại 1 cô nhi viện. Ngoài ra lại còn những công tác tuyên úy cho các y sĩ công giáo trong thành phố, liên lạc với giới sinh viên, các buổi họp tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp. Cha cũng quan tâm tới vấn đề giữ thể diện cho Giáo Hội trước phong trào bài xích tôn giáo tại Saigon.
Năm 1975, cha Lichtenberger phát chứng đau tim và phải trở về Âu châu.
Cha được đưa đến Lille (5) và từ đó tới Namur (6). Tại đây cha tiếp tục nghiên cứu tại khu di truyền học.
Trong cộng đồng ban giảng huấn, cha tiếp tục theo dõi sinh hoạt và tình hình chính trị thế giới. Cha hay nghe đài Moscou, Bắc Kinh, BBC và VOA, luôn luôn đi tìm tin tức trực tiếp. Các bản đồ địa dư treo trong phòng cho biết cha có trái tim đập theo nhịp của thế giới.
Cũng trong cộng đồng này, cha là vị “ bác sĩ” hàng ngày thăm hỏi những ai đau yếu, lúc nào cũng sẵn sàng giúp ý kiến, quan tâm đến từng người, ngay cả giữa đêm khuya và mặc cho sức khỏe cá nhân mình không được tốt, đang cần sự chăm sóc.
Ngày mồng 8 tháng 12, 1985 cha Lichtenberger lại cảm thấy rất mệt. Cha biết và chấp nhận bệnh tình mình 1 cách can đảm, bình tĩnh.
Cha Lichtenberger mất tại nhà thương ngày 10 tháng 12 trong lòng thanh thản và quả cảm, hai nét chính phản ảnh tâm hồn mình trong suốt cuộc đời.
Ghi chú các địa danh:
(1): Ath: thành phố ở phía tây- Nam của Bruxelles
(2): Ảrlon: Thành phố ở phía đông của Bỉ , gần biên giới Luxembourg
(3): Florenne: thành phố nhỏ thuộc tỉnh Namur , đông- nam của Bruxelles
(4): Louvain: ở phía Bắc Bruxelles cách 30 kms
(5):Lille: thành phố lớn của miền Bắc nước Pháp
(6):Namur: thủ phủ của vùng nói tiếng pháp của Bỉ (Wallonnie), cách Bruxelles 70 kms , về phía Đông-Nam
BS Phan Thi Mai
BS Nguyễn Đình Phúc
Dịch thuật
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2012