VAHF0003 1

Vietnamese American Heritage Foundation & Vietnamese American Oral History Project, UC Irvine

 

Narrator: HUỲNH VĂN CHỈNH (AKA TRUNG CHỈNH)

Interviewer: Darlena Tran

Date: November 07, 2010

Location: Viet Bao Daily News, Westminster, CA

Length of Interview: 01:27:48

Sub-collection: Vietnamese American Heritage Foundation

Transcriber: Khanh Bui

 

DT: Dạ cho cháu hỏi, chú tên gì ạ?

 

HVC: Tôi tên là Huỳnh Văn Chỉnh, tôi có sinh hoạt văn nghệ từ những năm 1966 ở Việt Nam và với cái tên là Trung Chỉnh.

 

DT: Cho cháu hỏi chú sinh ra ở đâu?

 

HVC: Tôi sinh ra ở Mỹ Tho, Việt Nam.

 

DT: Dạ ở Mỹ Tho có (lớn) không chú, chú có thể diễn tả cho cháu biết?

 

HVC: Mỹ Tho là một tỉnh miền Nam của [Việt Nam], cách Sài Gòn khoảng 72 cây số và tỉnh chúng tôi tương đối nổi tiếng vì có đệ nhất phu nhân là bà Nguyễn Văn Thiệu. Từ hồi nhỏ, những năm mà tôi chừng bảy tám tuổi, lúc nào tôi bịnh thì mẹ tôi hay dắt tôi ra ngoài nhà của bà Thiệu, tại vì ông thân của bà Thiệu là một thầy thuốc Bắc rất nổi tiếng, rất giỏi, lần nào ra đó hốt thuốc Bắc về uống thì cũng khỏi. [Tỉnh] chúng tôi cũng có bến Bắc Rạch Miễu. Bây giờ họ xây cầu đi ngang qua Cồn Phụng, tức là chỗ của ông đạo dừa, đi qua Bến Tre đó. Tôi nghĩ, đại khái Mỹ Tho của chúng tôi là vậy.

 

DT: Dạ bây giờ chú có thể suy nghĩ lại thời thơ ấu của chú, tỉnh Mỹ Tho thường có những gì và chú thường chơi những trò chơi gì lúc chú còn nhỏ?

 

HVC: Dĩ nhiên là với một cái xứ tương đối nghèo thì cái trò chơi thông thường nhất vẫn là đá banh. Chúng tôi có một sân banh lớn ở đường Hùng Vương, là con đường hình như dắt ra toà tỉnh trưởng. Chiều chiều [chúng tôi] hay ra đó đá banh. Chúng tôi có một trường tôi học gọi là Cầu Bắc. Trường tiểu học Cầu Bắc ở bên kia đường rày xe lửa, và ngay nhà bà tổng thống Thiệu ở bên đây đường rày xe lửa, trường chúng tôi ngay bên kia. Tôi học những năm tiểu học ở đó xong rồi [học] trường tư một thời gian rồi tôi lên trường Nguyễn Đình Chiểu học ở đó cho đến hết trung học.

 

DT: Vậy Nguyễn Đình Chiểu là ở đâu?

 

HVC: Nguyễn Đình Chiểu là ở Mỹ Tho, một trường trung học nổi tiếng từ những năm ba mươi mấy, bốn mươi mấy. [Lúc đầu] người ta đặt tên là Le Myre De Villers (03:11) là tên của một vị thống đốc của Nam Kỳ thời đó. Sau đó, đổi tên lại là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Trường chúng tôi cũng có những người nổi tiếng [như là] phụ tá tổng trưởng bộ giáo dục, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, hồi xưa cũng từng dạy ở đó.

 

DT: Chú có anh chị em gì không?

 

HVC: Tôi có hai người anh ruột nhưng rất tiếc là hai người đó mất sớm, còn ba mẹ tôi đã mất hết rồi.

 

DT: Dạ ba mẹ của chú mất khi nào?

 

HVC: Ba tôi mất khi tôi mới bảy tuổi, khi đó là năm 1950. còn mẹ tôi thì mất sau khi tôi qua Mỹ năm 1979, bà mất năm 80.

 

DT: Ở Việt Nam, hai anh em của chú cùng mất lúc chú còn nhỏ hay là?

 

HVC: Khi tôi đi vượt biên thì hai người đó tiễn tôi ra bến tàu. Người anh thứ hai của tôi, tôi qua Mỹ cuối năm 79 thì mất, còn người anh cả mười năm sau cũng mất, tức là năm 1989.

 

DT: Cho cháu hỏi, khi ở Việt Nam, gia đình chú làm nghề gì?

 

HVC: Mẹ tôi buôn bán thôi, gia đình tôi nghèo thành ra người anh của tôi phải nghỉ học sớm. Tôi hồi nhỏ thì học không giỏi giắn gì cho nên thi mãi vào trường công không đậu nên phải ra học trường tư. Trường tư thục nhỏ lắm, có tên là Trúc Giang. Tôi học ở đó 4 năm. Lúc tôi vào học đệ thất thì tôi không hiểu sao, giống như ông trời ổng mở trí mình, tôi học rất giỏi, những năm đó tôi học rất là xuất sắc, tốt nghiệp đệ nhất cấp. Năm đó nhận được rất nhiều phần thưởng. Xong rồi đậu trung học, bấy giờ,trường Nguyễn Đình Chiểu họ cho ghi danh. Họ cho những người học trung học xong được vào học trong Nguyễn Đình Chiểu, tôi ghi danh vào thì được nhận. Những lớp gọi là trung học đệ nhất cấp đó, đệ nhị cấp thì những năm đó là những năm 60 đến 63. Năm đầu là năm đệ tam thì cũng thường thường thôi. Đến năm đệ nhị tôi học khá nổi tiếng. Đến năm đệ nhất thì tôi học nổi tiếng nhất trường. Sau năm đệ nhất tôi đậu tú tài, đậu xong rồi thì thi vào trường y khoa Sài Gòn và học y khoa luôn cho tới lúc ra trường.

 

DT: Dạ vậy chú ra trường vào lúc nào?

 

HVC: À, cô muốn nói ra trường nào?

 

 

DT: Dạ, năm nào, của những trường nào?

HVC: Trường nào? Tôi ra trường Nguyễn Đình Chiểu năm 63 và học hết đại hoc y khoa cho tới cuối năm 1971 thì ra trường, tức là tốt nghiệp ngành y khoa bác sỹ đó. Sau đó, tới đầu năm 72 tôi gia nhập vào Thuỷ quân lục chiến, tức là bác sỹ của Thuỷ quân lục chiến tham dự trận đánh mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị từ 1972 tới 1975.

 

DT: Chú có thể cho con biết hành trình, process mà chú tham gia vào quân đội trong khi vừa mới ra y khoa bác sỹ?

 

HVC: Dạ vâng, từ năm 1966 tôi thi đậu vào trường quân y của Sài Gòn, trường quân y nhiều người cứ tưởng rằng trường quân y thì dạy về y khoa cho sinh viên nhưng thực ra trường quân y họ chỉ quản lý về vấn đề hành chánh và huấn luyện về vấn đề quân sự cũng như là Anh ngữ, còn học y khoa thì vẫn phải ra ngoài trường y khoa đại học Sài Gòn để học, học trường dân sự. Chung quy chỉ có cái lợi là họ cho mình lương để mình học. Khi mình ra trường (thì) phục vụ cho quân đội. Những người không có điều kiện về tài chánh như chúng tôi thì phải vào trường quân y để có phương tiện tiếp tục công việc học hành. Cho nên tôi vào từ những năm 1966, tới năm 1971, cuối năm 71 tui ra trường. Sau đó, năm 72 tui chọn vào ngành Thuỷ quân lục chiến, tức là làm bác sỹ của sư đoàn Thuỷ quân lục chiến.

 

DT: Dạ bây giờ chú có thể nói cái tiến trình để thi đậu rồi qua mấy năm, cái test nó như thế nào?

 

HVC: Dạ, bắt đầu từ năm 60, tôi không nhớ rõ chính thức là từ năm nào, 61 hay là 62, trường y khoa có tổ chức một lớp, gọi là dự bị y khoa. Hồi trước đó, họ không có lớp này, hồi đó là họ dạy một lớp gần như lớp sinh hoá, tức là về bio, animal , bio chemistry, biology đó, đại khái là như vậy. Những sinh viên đó họ học tự do sau đó khi mà họ đậu được chứng chỉ sinh hoá, còn gọi là HBTN(?) (PCB=Physics, Chemistry and Biology), thì rồi những người đó họ mới nộp đơn vào trường y khoa. còn sau tới những năm tôi không [nhớ] chắc lắm, chắc là từ năm 62, thì trường y khoa tổ chức một lớp gọi là dự bị y khoa, tức là mình thi trực tiếp vào cái lớp đó, xong rồi mình vô, coi như mình chính thức đậu vào trường y khoa, gọi là dự bị y khoa. Sau lớp dự bị y khoa thì mình sẽ đi lên. Mỗi năm đều phải thi lên, gọi là thi lên năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ nam, thứ sáu. Hết năm thứ sáu thì là mình ra trường.

 

DT: Vậy là sáu năm?

 

HVC: Bảy năm, kể cả năm dự bị y khoa. Năm tôi thi (tú tài) là năm 63, vì tôi tốt nghiệp là năm 63. Tôi nộp đơn đi thi, lên đó thi được 2 ngày thì tôi nhớ có lẽ vào những ngày cuối tháng 10 hay gì đó, đang thi thì sinh viên biểu tình dữ dội lắm. Năm đó là năm đảo chánh tổng thống Diệm - năm 1963. Họ làm dữ lắm, sinh viên biểu tình rồi thì trong trường đại học khoa học lúc bấy giờ, chúng tôi học dự bị y khoa (nhưng học bên trường Khoa học, bắt đầu năm thứ nhất mới qua trường y khoa học) thì họ phải đóng cửa phòng thí nghiệm vì họ sợ [sinh viên] lấy acid rồi tạt tùm lum, rất nguy hiểm. Những năm tôi đi thi, tôi nhớ có cô Ngô Đình Lệ Thuỷ đi thi. Cô ta là con ông bà Ngô Đình Nhu. Tôi nhớ mãi cô tới ngay trước cổng trường đi vào. Cô đi chiếc xe hơi…(11:04), có bốn người cận vệ đi theo. Ngày cuối cùng, chúng tôi thi được 2 bữa, tới ngày thứ 3, cô tới thì người ta không tổ chức thi, cô ta phải đi về và bỏ thi. Cho tới khi đảo chánh ông Diệm xong, ngày 1 tháng 11 năm 1963 đó, có lẽ là giữa tháng 11 hay là đầu tháng 12 họ kêu chúng tôi đi thi tiếp. Tui đậu, tôi vào y khoa từ những năm đó.

 

DT: Vào những năm mà chú đi thi thì nước Việt Nam mình đang ở trong chiến tranh?

 

HVC: Ừ, thời kỳ sôi nổi về chính trị nữa.

 

DT: Dạ chú có thể diễn tả cho cháu và những cháu sau này nhìn lại có thể biết một ngày bình thường của đời sống sinh viên như thế nào, mọi vật xung quanh ra sao? Xã hội như thế nào?

 

HVC: Thật ra thì đó là năm đó biến động chính trị. Ngày 1 tháng 11 coi như là đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm xong, dĩ nhiên những ngày sau đó nó có những biến động khác, khoảng chừng 1 tháng sau trung tướng Dương Văn Minh, sau lên đại tướng, ông đảo chánh ông tổng thống Diệm ông lên làm quốc trường hay gì đó tui không nhớ rõ nhưng rồi có một ông tướng tiếp theo là tướng Nguyễn Khánh, tướng Nguyễn Khánh gọi là chỉnh lý, tức là đảo chánh ông Dương Văn Minh để ổng lên làm thủ tướng, đại khái như vậy. Lúc bấy giờ thì vấn đề chính trị của Việt Nam mình nó rất là hỗn loạn, phần lớn vấn đề đảo chánh là do những tướng quân sự làm chính trị, gọi là đứng đầu của một nước hoặc là thủ tướng, hoặc là quốc trưởng. Sau thời gian hỗn loạn đó, cuối cùng mới có sự xuất hiện của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, hai người nắm vận mệnh chính trị lúc đó cho tới lúc ổn định. Lúc bấy giờ, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ trở thành phó tổng thống. Hai vị đó đứng đầu nước Việt Nam mình cho tới lúc mình mất nước tháng 4 năm 1975. Đó, cái hỗn loạn chính trị trong thời gian đó diễn ra như vậy. Chúng tôi học năm 63 học, 64, 65. Những năm 66, 67 tôi nhớ mãi là năm 66, tôi bắt đầu lên năm thứ nhất y khoa thì lúc bấy giờ sinh viên biểu tình, biểu tình dữ lắm, sinh viên rồi thì kể cả những thường dân chẳng hạn như là những người đạp xích lô, những người buôn gánh bán bưng cũng tham gia biểu tình, lúc đó rất là hỗn loạn và lộn xộn lắm, chúng tôi đi học, chúng tôi không biết gì về vấn đề biểu tình ở ngoài vì mình học ở trong trường y khoa. Nhưng những lúc biểu tình hỗn loạn quá thì lúc bấy giờ tổng thống Thiệu ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, vì cứ mở trường học cho sinh viên tới để học thì (họ) biểu tình, cho nên tôi nhớ mãi có một đêm nằm nghe radio nghe tổng thống Thiệu loan báo trong đài phát thanh - hồi đó thường thường thì đài phát thanh nhiều hơn, ông nói rằng: “Nay tôi ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học từ lớn chí nhỏ” - mình nói từ lớn chí nhỏ tức là từ đại học tới tiểu học là đóng cửa hết. Chúng tôi hồi đó đi học mà nghe đóng cửa trường học thì mừng lắm, tối đó [chúng tôi] đi mua bia về uống ăn mừng, vui lắm. Nói vậy cho vui chứ thực ra khi [trường] đóng cửa thì không có việc gì làm, đại khái là như vậy. Lúc đó bấy giờ rất hỗn loạn về chính trị.

 

DT: Lúc đó gia đình chú như thế nào?

 

HVC: gia đình chúng tôi ở Mỹ Tho, tôi thì tôi đi học ở Sài Gòn, vẫn sinh hoạt b.nh thường vậy thôi, vì (ở) tỉnh không có xáo trộn như ở Sài Gòn. Tất cả những xáo trộn đều nằm ở Sài Gòn.

 

DT: Ngày mà Việt Nam mình mất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì lúc đó chú đang làm gì và đang ở đâu?

 

HVC: Dạ cái đoạn đường mà trước khi nói đến chuyện mất nước đó, đoạn đường chinh chiến của tôi rất là gay cấn, nếu mà chúng ta có dịp quay trở lại lúc đó thì tôi sẽ kể lại cái vấn đề đó. À sau năm 75, tháng 4 năm 75, cũng giống như một sỹ quan của quân lực Cộng Hoà, tôi cũng phải đi trình diện, gọi là học tập cải tạo nhưng thực ra là đi cải tạo ở Trảng Lớn, Tây Ninh. Lý do tui được đi Trảng Lớn là vì tôi đã được thăng cấp đại úy nhưng tôi chưa có cái thẻ căn cước của đại uý cho nên tôi trình diện với tư cách là trung uý. Chứ nếu mà tôi trình diện là đại u. thì chắc là họ đưa tôi ra ngoài Bắc rồi. Những người cấp tương đối mà cao thì thường thường họ đưa ra ngoài Bắc. Tôi trình diện trung uý nên được đưa lên Trảng Lớn. Tôi ở đó một thời gian thì được đưa về Thủ Đức. Sau đó, họ thả tôi ra khoảng giữa năm 1976. Tức là tôi ở khoảng 1 năm thì về và làm việc tại bệnh viện Phước Kiến ở Chợ Lớn, bây giờ mình gọi là bệnh viện Nguyễn Trãi. Tôi làm đó 3 năm cho tới cuối tháng 5 năm 1979 thì đi vượt biên. Tôi đi vượt biên thì…, con đường vượt biên của tôi cũng rất là gay cấn, đi, gọi là boat people, đi trên biển cũng gọi là gian nan, vạn nan, tôi cũng có kể trên này là đại khái chúng tôi cũng mất (chết) 18 người ở trên biển. Chúng tôi phải bỏ họ lại trong cái mền hay là cái chiếu (rồi) ném họ xuống biển vì mình đâu có thích chở xác người trên tàu đi mãi hoài được.

 

DT: Vấn đề vượt biên thì lát nữa cháu sẽ nhắc tới tiếp. Bây giờ cho cháu xin hỏi là cái kinh nghiệm chiến tranh của chú, có thể kể một tý xíu về đời sống của một người lính?

 

HVC: Khi tôi ra trường là năm 1971, thì giữa tháng 2 năm 1972, tôi chính thức gia nhập Thuỷ quân lục chiến. Lý do mà chưa có gia nhập liền vì (phải) đi qua một cái lớp thụ huấn, gọi là cấp cứu hồi sinh ở bệnh viện Cộng Hoà, sau đó hết tháng giêng rồi thì qua tháng 2 đó là chúng tôi được gởi thẳng, tại vì chúng tôi chọn, tôi chọn, tôi cùng với hai vị bác sĩ nữa, ba người chúng tôi chọn về Thuỷ quân lục chiến, chúng tôi chính thức gia nhập Thuỷ quân lục chiến. Thế thì ở Thuỷ quân lục chiến tôi nhớ hoài, ở khoảng giữa cuối tháng 2, chúng tôi ở khoảng cuối tháng ba thì được orientation, cũng giống như được huấn luyện sơ khởi ở binh chủng Thuỷ quân lục chiến, nhưng đúng ra khi được huấn luyện, chúng tôi ở trong bệnh viện Lê Hữu Sanh, tức là bệnh viện riêng của binh chủng Thuỷ quân lục chiến ở Thủ Đức, chúng tôi ở đó đâu khoảng một tháng hơn thì cuối tháng ba, ngày 29 tháng ba năm 1972, binh sỹ của bộ đội cộng sản ở miền Bắc tổng tấn công các tiền đồn ở Bến Hải, họ đánh các tiền đồn ở Bến Hải, như những đơn vị trung đoàn, tôi không biết trung đoàn nào, nhưng tôi biết là hai trung đoàn của sư đoàn 3 bộ binh của Việt Nam Cộng Hoà bị thất thủ, họ phải bỏ những tiền đồn ở ngoài đó, ngoài Bến Hải, để rút về Quảng Trị, căn cứ gọi là căn cứ Ái Tử. Cô nghe, xin lỗi cô Darlena có nghe ca sỹ Duy Khánh hát bài: “mẹ thương con ra cầu Ái Tử, vợ trông chồng lên núi Vọng Phu?”. Đó là căn cứ Ái Tử, là một căn cứ rất lớn hồi xưa Mỹ từng đóng ở đó. Sau này làm căn cứ của sư đoàn 3 bộ binh của mình. Hai sư đoàn thất thủ lui về đó, thì ngày 29 tháng 3 bị tổng tấn công rồi tới ngày 30 tháng 3, rồi ngày 31 tháng 3, chúng tôi được lệnh ra Quảng Trị, chỉ mới có 2 ngày thất trận là chúng tôi được lệnh ra Quảng Trị liền.

 

DT: Năm đó là năm 1972?

 

HVC: Năm 1972, thì tôi nói là tôi ra trường cuối năm 1971, năm 1972 tôi gia nhập Thuỷ Quân lục chiến rồi. Và chúng tôi gia nhập hầu như ngay từ đầu mùa cuộc chiến của Quảng Trị năm 1972, tức là 31 tháng 3, tôi và 2 bác sỹ mà chúng tôi mới kể, 3 anh em chúng tôi được lệnh ra Quảng Trị, thế nhưng hôm đó, chắc là cô Darlena và anh cũng biết là Việt cộng không những tấn công Quảng Trị mà họ còn tấn công An Lộc, nổi tiếng, địa danh An Lộc sau này biệt kích dù là những đơn vị tử thủ cùng với các đơn vị ở tại địa phương đó cho nên mới đặt ra cái câu thơ: “An Lộc địa sử ghi chiến tích, biệt kích dù vị quốc vong thân”. Lúc đó những người đánh ở đó rất là tử chiến. Họ đã nằm đó để giữ vững An Lộc, còn ở ngoài Quảng Trị thì các đơn vị đã thất thủ. Thuỷ quân lục chiến được lệnh là ra trấn giữ Quảng Trị. Ngày 31 tháng 3, tôi đi không được là vì phi cơ lúc bấy giờ được dùng tăng phái để mà tiếp viện cho An Lộc, [đó là vào] ngày 31 tháng 3 năm 1972. Thành ra chúng tôi phải trở về ngày 1 tháng 4 là chúng tôi đã có mặt tại Huế rồi. Tôi được lệnh ra tận căn cứ Ái Tử lên gần tới Đông Hà, Đông Hà là một địa danh giữa Quảng Trị và Đông Hải. Đông Hà bây giờ phồn thịnh lắm tại vì đây là một địa danh người ta buôn bán, đi ngang qua Lào. Dân chúng bây giờ sống rất trù phú, tui chưa tới đó, nghe nói cất nhà cất cửa, linh đình phố xá lắm. Đại khái khi tôi ra gần tới Đông Hà thì tôi gia nhập, nhập vào chứ không phải gia nhập, nhập vào, tại vì lúc bấy giờ cái tiểu đoàn 6 Thuỷ quân lục chiến ở trong, gọi là căn cứ Barbara, họ kéo ra, từ trong núi họ kéo ra. Lúc bấy giờ tiểu đoàn 6 chưa có bác sỹ mà có một người trợ y giống như một người physician assistant của mình bây giờ. Thành ra tôi được lệnh ra (để) thế cho người trợ y, vì thế tôi gia nhập với tiểu đoàn 6 thuỷ quân lục chiến ngày 1 tháng 4 năm 1972 và chúng tôi bắt đầu tham gia trận đánh khốc liệt ở ngoài Quảng Trị. Quảng Trị thì thuỷ quân lục chiến và dù - nhảy dù cùng những đơn vị của tiểu đoàn biệt động quân tăng phái, chúng tôi đã quần thảo với lính của miền Bắc - bộ binh chính quyền miền Bắc. Đánh những trận đánh rất là nảy lửa, tôi nghĩ là ngay cả những binh lính của miền Bắc họ cũng phải phục chúng tôi, tôi nghĩ vậy.

 

DT: Dạ cho cháu hỏi khi chú gia nhập Thuỷ quân lục chiến thì chú đã có gia đình chưa?

 

HVC: Lúc đó có gia đình rồi.

 

DT: Không biết là có gia đình và con hay là ?

 

HVC: Lúc đó thì tôi có một cháu trước, một cháu gái sinh năm 1970. Dạ vâng tôi lập gia đình năm 1969 thì năm 70 chúng tôi có một cháu gái. Lúc tôi ra hành quân phải thêm một chút xíu nữa thì là 1 tháng 4, để tham dự mặt trận ở Quảng Trị. Tôi nghĩ là khoảng 2 tuần lễ tức là ngày 12 tháng 4 thì ở Sài Gòn, báo đăng tui chết. Báo Sài Gòn đăng tôi chết. Tôi có cầm được tờ báo đó, nhưng lúc đó chúng tôi còn ở trong núi quần thảo cùng với lại binh sỹ (địch) mà mình gọi là Việt Cộng. Chúng tôi đánh, ngày nào cũng đụng trận, cho tới ngày 17 tháng 4 thì có 2 người phóng viên chiến trường [từ] Sài Gòn ra, họ đi ra tận ngoài chiến trường giống như họ lấy tin tức hoặc phỏng vấn. Họ gặp ông tiểu đoàn trưởng của tôi lúc bấy giờ là thiếu tá Đỗ Hữu Tùng rất là nổi tiếng, ông là một trong hai vị tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh, lấy lại thành Quảng Trị tháng 9 năm 1972. Ông đẹp trai lắm. Ông cũng rất là thân cận với cô Khánh Ly. mình cần phải nói chuyện một chút về chuyện đó nữa. Hai người phóng viên này vô gặp ông tiểu đoàn trưởng của tôi là ông Đỗ Hữu Tùng, tôi có qua và nói chuyện với họ, họ gặp tôi. Một anh tôi không nhớ rõ, nói rằng: “Báo Sài Gòn đăng ông chết rồi.” Tôi nói: “ông giỡn chơi?”. [Họ trả lời]: “Không, thiệt [mà],báo Sài Gòn đăng ông chết rồi.” Tôi mới lấy tờ giấy tập giống như của Dalerna, viết mấy chữ [rồi] nói [với họ]: “bây giờ tôi đương bận hành quân, lúc nào anh về Sài Gòn làm ơn đem cái thơ này về gia đình tôi cho vợ con tôi biết là tôi vẫn còn sống”. Tôi viết mấy chữ cho ảnh thì ảnh giữ cái thư đó. Nhưng tới ngày 19, chúng tôi được lệnh về nghỉ dưỡng quân. [Chúng tôi] đánh quần thảo từ ngày 7 tháng tư chúng tôi đụng trận với họ những trận đánh nảy lửa, cho tới ngày 19 tháng tư thì coi như đã là 12 ngày, ngày nào cũng đụng trận. Chúng tôi kéo về Ái Tử nghỉ dưỡng quân. Tôi về Huế ngày 23 thì gặp đại tá Bùi Thế Lân, lúc đó, ổng chưa lên tướng, ổng đương chỉ huy sư đoàn Thuỷ quân lục chiến. Lúc bấy giờ trung tướng Lê Nguyên Khang không còn tham dự trực tiếp chỉ huy Thuỷ quân lục chiến nữa, ông Bùi Thế Lân chỉ huy. Khi tôi về thì đại tá Bùi Thế Lân cho tôi về Sài Gòn để mà đi cải chính báo chí họ đăng tui chết. Ông bảo tôi về đó kiếm một vài cô ca sỹ ra hát để hát uỷ lạo cho chiến sỹ. Tôi nói tôi cố gắng kiếm nhưng chưa chắc Đại tá Bùi Thế Lân nói: “Kiếm được thì tốt, không kiếm được thì thôi”. Ngày 24 tôi đã về tới Sài Gòn, lúc bấy hai anh phóng viên chiến trường còn đương đi quay phim tùm lum họ chưa về tới nhà, họ chưa đưa cái thơ cho vợ tôi nữa. Khi tôi về, nhà tôi mừng lắm tại vì nghe tin tôi chết nên [nhà tôi] lên căn cứ của Thuỷ quân lục chiến là bộ chỉ huy đó - ở tại [đường] Lê Thánh Tôn, hồi đó cũng còn bộ chỉ huy tại căn cứ Sóng Thần trên Thủ Đức thì ai cũng nói tôi bình yên, không có sao, hồi xưa đâu có cell phone mà cầm cái cell phone gọi về, khó khăn lắm, không có dễ dàng. Nhà tôi hỏi thăm ở đó thì ai cũng nói tôi bình yên không có sao cả nhưng nhà tôi đâu có tin, nhà tôi nói rằng sợ là người ta giấu nên tới lúc tôi được về bằng xương bằng thịt thì nhà tôi mới mừng. Tôi về ngày 24 thì ngày 25, tôi lên vũ trường Tự Do của cô Khánh Ly, tôi mời cô Khánh Ly đi. Lần đó tôi mời được cô Khánh Ly và Ngọc Minh, hai người ra Quảng Trị hát uỷ lạo cho chiến sỹ. Tui còn cái hình để tại phòng mạch chụp chung với mấy người đó.

 

DT: Cho cháu hỏi cái này, căn cứ vô đâu mà báo Sài Gòn biết chiến sỹ nào chết mà đăng lên?

 

HVC: Cái đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ là quý vị làm báo thời đó đó là năm 1972, tôi không biết Darlena lúc đó ra đời chưa?

 

DT: Dạ chưa.

 

HVC: Tôi nghĩ là những người làm báo của mình họ chỉ nghe đâu đó rồi họ lấy đó họ đăng, họ không có bằng cớ nào cả, họ đăng họ cứ đăng thôi, tại vì những cái tin nào giật gân mà họ đăng thì sẽ được người ta mua nhiều , giống như là mình gọi là breaking news bây giờ ở đây vậy đó, tin giật gân vậy đó. Thế thì tôi về tôi có cầm được tờ báo, tôi không nhớ là (báo nào vì) báo Sài Gòn đó nhiều lắm, chắc quý vị cũng biết mình có nào là báo Thành Chung, báo gì đó, nhiều báo lắm, đủ thứ báo. Rồi thì tôi có cầm tờ báo, tôi không nhớ báo gì đăng, tôi nhớ mãi tôi coi cái hàng tựa, cái hàng tít đó, “Thêm một tài năng vừa nằm xuống ở Quảng Trị, bác sỹ kiêm ca sỹ Trung Chỉnh”, tôi nhớ mãi, không nhớ hết chi tiết của cái bài đăng như thế nào. Tui vô toà soạn nhật báo đó nói rằng là cái tin này không phải, tôi còn sống, thì họ đồng ý là họ cải chính. Nhưng mà về sau họ cải chính (ở) một cái mục nhỏ xíu bên trong nói là bác sĩ Trung Chỉnh còn sống, vậy thôi. Nhưng mà tôi nghĩ là họ nhầm tôi với một nhạc sỹ tên là Dzũng Chinh, không biết quý vị có biết Dzũng Chinh không? Dzũng Chinh là ông đặt cái bài nổi tiếng lúc bấy giờ gọi là “Những Đồi Hoa Sim”, đó là của nhạc sỹ Dzũng Chinh. Ông mất trước khi tôi đi Quảng Trị, tôi nghĩ là trước đó một vài năm gì đó. Người ta nhầm tôi với ông nhạc sỹ Dzũng Chinh (nên) họ nói là Trung Chỉnh chết rồi.

 

DT: Trong quân đội thì có bộ kiểm soát nào để biết ai đi đánh trận, ai đã qua đời, ai đã bị thương không?

 

HVC: Có chứ ngay tại bộ chỉ huy của quân đội mình đều có chứ và mỗi ngày người bị thương ngoài đơn vị và người chết đó đều đánh điện về Sài Gòn để họ cập nhật.

 

DT: Vậy thì từ năm 72 đến năm 75. Chú có thể cho cháu biết cái tâm trạng của một người chiến sỹ đang đánh trận?

 

HVC: Tôi nghĩ rằng là dân Việt Nam mình đã trải qua bao năm trong chiến tranh, chúng ta sinh ra trong chiến tranh, chết trong chiến tranh, giải ngũ hay là bị thương rồi những thế hệ tiếp theo nó cũng vậy thành ra mình nghĩ đó là chuyện b.nh thường, ai mà không lo sợ. Tôi nghĩ ngay cả con em của những người Mỹ của chúng ta bây giờ có gia nhập quân đội Mỹ đi đánh giặc ở những chiến trường như là Iran hay là Afghanistan cũng lo sợ chứ, ai cũng vậy cả. Nhưng mình nghĩ lúc bấy giờ đó là bổn phận của những người trai, thành ra bây giờ mình lớn lên như chúng tôi thì học xong ra trường thì phải trả nợ gọi là trả nợ cơm áo là phải gia nhập quân đội, tức là mình phải đi đánh giặc thôi, đó là chuyện bình thường. Nhưng mà ra trân [có] sợ không? Sợ chứ, mình nói mình không sợ đó thì không đúng, thành ra là những cái sinh hoạt hàng ngày của quân đội cũng cảm thấy đó là sinh hoạt trong những cái sinh hoạt thôi. Tôi là một bác sĩ cho nên không trực tiếp chiến đấu, gọi là cầm cái súng bắn mấy người Việt cộng hay là binh sĩ đối phương của mình. Mặc dù tôi có súng nhưng tôi lại cầm ống chích, tôi ở ngoài chiến trận thì tôi ở ngay (ngoài) chiến trận, vì ngay ngày đầu tiên là bảy tây [7/4/1972] chúng tôi ra tới Phượng Hoàng là căn cứ mà chúng tôi giữ, chấn đóng ở đó của tiểu đoàn 6 lúc bấy giờ. thì ngày chín tây (9/4) là chúng tôi đụng ngay trận đầu tiên và chúng tôi bị tăng của Việt cộng rượt, chúng tôi chạy, tôi ở ngay chiến trường nhưng mà ở chung với bộ chỉ huy, tức là ở cạnh ông tiểu đoàn trưởng và cái đơn vị của chúng tôi gọi là trung đội quân y, chúng tôi gồm trên dưới mười người y tá cùng phụ với tôi, hễ mà bệnh nhân, binh sĩ nào bị thương đưa về là chúng tôi săn sóc ngay, băng bó rồi cho họ chích thuốc, vô nước biển, đại khái là như vậy. mình gọi là primary care, tức là mình săn sóc ngay tại chỗ trước khi đưa những người đó về đàng sau để cho họ chuyển những thương binh đó về những bệnh viện ở đàng sau, nhiệm vụ của chúng tôi là như vậy đó. Thành ra không lúc nào ngơi nghỉ, đành giặc từ sáng tới chiều thì chúng tôi bận bịu từ sáng tới chiều bởi vì ra ngoài chiến trận thì binh sĩ bị thương và tử thương cũng khá nhiều.

 

DT: Trong lúc chiến trận có khi nào chú suy nghĩ cho tương lai của mình, cho gia đình mình không?

 

HVC: À, chúng tôi có nghĩ tới nhưng thực tình mà nói cái cuộc chiến của mình nó dai dẳng, nó kéo dài lâu quá, cũng không biết được cái số phận của mình trong tương lai như thế nào, tại vì sự sống chết ở ngoài mặt trận rất là mong manh, một người sống buổi sáng, buổi chiều đã thấy bó trong cái bông xô rồi, thành ra cái tương lai đó mình không nghĩ ra được. Sau này tới ngày 27 tháng giêng năm 1973, chính thức ký hiệp ước đình chiến thì lúc bấy giờ mình mới cảm thấy có cái ánh sáng trong tương lai chứ còn trước đó thì ngày nào cũng vùi đầu đi tham chiến thì mình không nghĩ đến chuyện tương lai.

 

DT: Vậy thì lúc đó căn cứ chú ở đâu, năm 1973 đó?

 

HVC: À, 73 đình chiến thì chúng tôi vẫn đóng quân ở ngoài đó, vì nói là đình chiến nhưng vẫn còn đụng trận lai rai, phía bên thuỷ quân lục chiến chúng tôi thì đụng ít hơn nhưng còn phía bên dù thì hầu như họ đụng rất là nhiều, nói chung họ là đụng dài dài, đụng hoài.

 

DT: thì chú ở Quảng Trị cho tới năm 75 luôn hay sao?

 

HVC: Cho tới năm 75, tới khoảng cuối tháng 2 năm 75 thì tui được đổi về bệnh viện Long Khánh, tiểu khu Long Khánh. tới chín tây [9] tháng 4 thì Việt Cộng lại đánh Long Khánh, thì chúng tôi lại bỏ Long Khánh chạy về Sài Gòn.

 

DT: Trong lúc mà biết mất nước thì chú có cái cảm giác gì không, sau mấy năm chú đã chinh chiến để bảo vệ miền Nam, khi mà biết những thứ mà chú bảo vệ đã bị sụp đổ thì lúc đó chú có cảm tưởng như thế nào?

 

HVC: Lúc đó là năm nào?

 

DT: Năm 1975

 

HVC: Vào [năm] 75 ngày 9 tháng 4 Việt cộng đánh Long Khánh thì chúng tôi bỏ Long Khánh chạy cho tới 11 tháng 4 thì tôi về được tới Sài Gòn, 12 tháng 4 chúng tôi trình diện cục quân y thì họ gởi chúng tôi lên Biên Hoà, gọi là trình diện cái đơn vị trực thuộc của tổng chỉ huy quân y gọi là vùng 3, người chỉ huy lúc đó là Trung tướng Lương Khánh Trí. Ông coi cả vùng 3, họ muốn gởi chúng tôi trở về Long Khánh là cái chỗ đương đánh dữ dội, cái mặt trận cuối cùng của sư đoàn 18. Nhưng mà sau này vì vấn đề không có phương tiện vận chuyển nên chúng tôi được ở dưới này. Những cái ngày đó cho tới lúc gần mất nước bấy giờ tôi trở về trường y khoa thì được biết đã có một số người đã được đăng ký, họ đi một cách chính thức. Tôi không biết họ đăng ký bằng cách nào mà mình không hỏi dò được đường dây.

 

DT: Đi đâu chú?

 

HVC: Đi Mỹ, lúc bấy giờ Mỹ có bốc một số các bác sỹ Việt Nam mình đi. Mà cái đường dây bốc thế nào thì mình không biết, thành ra mình vào trong đó hỏi thăm thì không ai biết và người ta nói với nhau rằng trước sau gì cũng mất nước.

 

DT: Chú đã đoán được là sẽ mất nước?

 

HVC: Đúng.

 

DT: Chú có chuẩn bị gì không?

 

HVC: Thật tình mà nói tôi cũng muốn kiếm đường đi tại vì tôi biết là Việt cộng nó vào thì tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn rắc rối. Tôi cũng [muốn] kiếm đường mà không kiếm được. Tôi hỏi thầy cô tôi là những người dạy tôi trong trường đại học y khoa thì nhiều người họ không muốn đi. Họ nói đi Mỹ rồi, nên không thích đi Mỹ nữa. Tôi có một người mẹ nuôi rất giàu có, bà ở dưới Chợ Lớn, tôi hỏi bà đi không thì bà nói là không muốn đi. Những người mà tôi quen biết không người nào đi hết. Tôi có người bạn thân, là đại uý bên giang cảnh, tức là ảnh coi về chi đoàn về tuần giang trên sông, ảnh có nhiều tàu lắm. Bấy giờ ảnh bị bệnh lao màng óc. Dù là hơi yếu nhưng ảnh cũng khá, tôi hỏi ảnh đi không, ảnh nói ảnh không đi. Tôi năn nỉ ảnh đi, ảnh nói ảnh không chịu đi, chứ nếu ảnh đi thì chúng tôi vào cơ sở hải quân sớm, chúng tôi cũng có thể đi được tại vì ảnh quen biết trong đó rất nhiều. Mà ảnh không đi thì thành ra tôi không biết t.m đường nào để đi hết. Thành ra cuối cùng mình phải kẹt lại thôi. Tôi phải chịu ở lại. Cái ngày mất nước là cái ngày 30 tháng 4 là cái ngày đau thương, cái ngày hôm đó ở Sài Gòn trời vần vũ, mây đen, pháo kích của Việt cộng vào Sài Gòn ầm. ở vùng gì Vấp, Tân Sơn Nhất. Dân chúng kéo nhau lũ lượt từ gì Vấp, Tân Sơn Nhất, họ gồng gánh, đầu này thì một đứa con nít, đầu kia thì mấy túi đồ ăn, họ gánh trông thê thảm lắm. Cái ngày hôm đó đúng là cái ngày đau buồn. Cho tới khoảng trưa, tôi nhớ khoảng 11, 12g trưa gì đó thì ông Dương Văn Minh tuyên bố trên đài là yêu cầu binh sỹ hãy buông súng đầu hàng. Lúc đó buồn lắm, người nào cũng buồn cả, tôi lúc đó buồn ghê lắm, nhà vợ tôi ở đường Phan Đình Phùng, ở trong hẻm, bề ngang cái nhà nhỏ thôi, chừng ba thước, tôi ngồi trong một cái xó góc nhà buồn lắm, tôi ngồi trong đó nói: “Mình mất nước thật rồi sao?”, tôi hỏi vậy đó, mà đúng, mình mất nước thật. Nhiều người rủ tôi ra ngoài bến tàu kiếm một cái tàu nào đó đi ra, [tới hải phận] thì [sẽ] có một hạm đội nào đó vớt, nhưng tôi cũng chẳng tha thiết gì hết. Nhưng thực sự lúc đó ra bến tàu có thể đi được. Mà rồi tôi chịu, tôi ở lại luôn. Đó là cái tâm trạng của tôi là như vậy.

 

DT: Rồi sau cái ngày 30 tháng 4 đó thì chú làm gì?

 

HVC: Ừ thì sau cái ngày 30 tháng 4 thì tới tháng 6, 26 tháng 6, tôi nhớ hình như vậy thì tôi phải đí trình diện để đi cải tạo. Tôi phải đi cải tạo, tức là tối hôm đó thì tôi trình diện ở trường vì Trường Toản, họ bảo là đem mười ngày đồ ăn, ai cũng nghĩ đem mười ngày đồ ăn là ở mười ngày rồi thì đi về. Chúng tôi trình diện đông lắm, người nào cũng không có vẻ gì băn khoăn lo nghĩ nhiều cả vì ai cũng nghĩ là chỉ đi có mười ngày thôi. Khuya hôm đó thì họ tập trung tất cả những người sỹ quan lại, họ đưa lên các xe nhà binh chở đi đông lắm. Khi chở đi, họ [hạ] cái bạt xuống nên chúng tôi không có thấy đường nhưng mà chúng tôi cũng đoán là họ chở chúng tôi đi về hướng Tây Ninh. Khi tới gần sáng thì chúng tôi tới nơi gọi là Trảng Lớn, thì họ cho xuống. Chúng tôi may mắn là vì đoàn của chúng tôi xuống tới đó thì họ cho vào trong đó, tôi nghĩ là có 14, 15 ngàn người gì đó. thì lúc bấy giờ là coi như ở đó hết chỗ chứa rồi những cái đoàn sau họ chở thẳng lên Cà Tum, gần biên giới của Việt Miên, những người trên đó cực hơn chúng tôi nhiều tại vì ở chỗ Trảng Lớn là cái căn cứ của sư đoàn, hình như là sư đoàn 5 hay là gì đó. Lúc bấy giờ tụi Mỹ cũng có ở đó, họ có lập một cái phi trường, là phi trường tương đối đơn giản, họ để những cái miếng PSB là những miếng sắt làm tạm cái phi trường trên đó. Căn cứ lớn lắm, nằm đáng sau có cái vườn cao su và ngó thẳng ra núi Bà Đen ở Tây Ninh, chúng tôi ở trong đó và (rồi) tôi được đổi về Thủ Đức, sau đó thì được thả.

 

DT: Bao lâu là chú mới được [chuyển] về Thủ Đức?

 

HVC: Tôi nhớ là khoảng chừng đầu năm 76 gì đó, thì họ đưa về Thủ Đức mấy tháng thì họ thả.

 

DT: Trong Trảng Lớn đó thì chú làm gì?

 

HVC: À, họ giao mình đi công tác, chẳng hạn như vác những tấm vỉ sắt, đi đốn củi, đi làm những công việc tạp dịch, đi đào hố. Tại vì trong đó cũng có người chết, mấy anh em chết vì bệnh, có người tự tử, chẳng hạn như vậy, có khi đi dẫy mả. Trước khi tôi về vài tháng thì mấy anh em họ thương họ bầu tôi làm anh nuôi tức là đi nấu ăn, tui được nấu ăn, lúc bấy giờ thì nấu ăn cũng chẳng có gì nhiều đâu, đi nấu ăn thì vẫn sướng hơn đi tạp dịch, tức là đi lao động.

 

DT : Thưa là năm 76 là chú về trại Thủ Đức hay là chú ra khỏi?

 

HVC: Không, về trại Thủ Đức, chỗ đó có cái trại của Thủy quân lục chiến đó, họ giữ mấy người sắp thả thì họ đưa về đó.

 

DT: Rồi trong trại Thủ Đức đó nó có khắt khe hơn hay là sao?

 

HVC: Tương đối là thong thả hơn, họ cũng cho mình ăn rồi thì có gia đình lên thăm trước khi họ cho mình về.

 

DT: Chú có biết cái tiến trình khi gia đình vô thăm những người trong đó ra sao?

 

HVC: Không có gì đâu, lúc bấy giờ nhà tôi còn ở Đà Lạt chưa về thì chị vợ tui thì chị... Lúc bấy giờ họ cho viết thư về gia đình cho biết là tui ở đó thì chị tui mới làm đơn cũng như xin với chính quyền địa phương lên thăm, đó là một [thủ tục] thông thường thôi, họ giữ những người sỹ quan ở Thủ Đức đông lắm.

 

DT: Vậy thì chú ở Thủ Đức bao lâu?

 

HVC: Tôi không nhớ rõ, chừng ba bốn tháng gì đó.

 

DT: Ba bốn tháng rồi chú được thả ra?

 

HVC: Được thả thì tôi về (th. phải) trình diện, gọi là chính quyền địa phương đó, tôi về trình diện xong rồi thì ở tại nhà chị vợ. trình diện xong thì sau đó tôi về gặp mẹ, người mẹ đỡ đầu của tôi ở dưới Chợ Lớn, bả cũng không có đi, bà ở lại. thì ba đỡ đầu của tui là chủ tịch nhà thương Phước Kiến lúc bấy giờ mình gọi là nhà thương (Nguyễn) Trãi. Nhờ như vậy mà tôi xin vào làm thì được nhận vào làm ở trong đó và tôi làm ở trong đó luôn cho tới cuối tháng 5 năm 1979 thì vượt biên.

 

DT: Quyết định nào mà dẫn đưa chú để có định đi vượt biên?

 

HVC: Tôi nghĩ rằng chắc là Darlena và mọi người đều biết rằng ở Việt Nam thời bấy giờ ai cũng muốn đi cả, đến nỗi người ta nói cây cột đèn biết đi thì nó cũng đi nữa mà. Thành ra tôi không thể nào ở lại được và tôi không thể nào sống dưới cái chế độ cộng sản được. Ở chỗ tôi ở đó ngày nào thì họ cũng có bắt loa lên nói cả ngày, họ nói ra rả rằng là cái huyện này sản xuất được 200 phần trăm chỉ tiêu, tức là sản xuất nhiều lắm. Cái huyện kia sản xuất được 200, 300 phần trăm, tôi nói thí dụ như vậy, mà lúc bấy giờ chúng tôi không đủ cơm ăn. Thành ra mình biết là họ nói láo, cái nghề nói láo là cái nghề của cái người cộng sản, mình biết chắc như vậy thành ra mình nghe mình cảm thấy mình tức lắm, mình không dám nói, thành ra nếu mà tôi ở lại thì hoặc là tôi ức mà chết hai là tới một lúc nào đó tôi tức mà nghĩ tới cái chuyện chống đối họ thì họ cũng giết tôi chết thành ra chỉ có cách là phải đi thôi. Xin được kể lại cái câu hỏi của Darlena là cái l. do nào mà tôi ra đi. thì lúc bấy giờ thì ngày nào thì cái bộ phận tuyên truyền của chính quyền cộng sản ở tại địa phương họ cũng đều làm, bắt cái loa họ lên họ nói cả ngày, họ nói là huyện Đông Xuân thì được 200% chỉ tiêu, đạt được chỉ tiêu, huyện gì Vấp thì được 300% chỉ tiêu, đại khái như vậy, nhưng mà lúc bấy giờ chúng ta không đủ gạo ăn cho đến nỗi mà có khi họ phát cho mình gọi là bo bo thế cho gạo, có khi mua thì khoa m., khoai lang,đại khái như vậy, còn lúa thì có khi là lúa mục, cái lúa ở ngoài đồng nhiều khi chưa chín tới mà họ cũng gặt, họ đem về ẩm, đâu có ăn được. Họ phát cho mình rồi thì mình đem ra chợ mình đổi, gạo gì họ cũng có cả nhưng mà cái gạo chính quyền họ phát cho mình thì toàn là cái gạo gì không. Ra đó mình đổi thì tôi không nhớ là nhà tôi đổi như thế nào, đại khái thì là mình đổi gạo thường mình ăn được, còn mấy cái gạo đó thì họ bán để nuôi heo, nấu ra nuôi heo chứ sao mà ăn được, nó đâu có chín tới đâu, đó thì là vậy, cho nên là tôi ở lại mà mình làm việc mà mình là một bác sỹ làm việc thì lương của chúng tôi bấy giờ thì họ trả cho chúng tôi là tôi nhớ khoảng 17, 18 đồng rưỡi một tháng cho một người bác sỹ. Mà lúc bấy giờ thịt heo là 60 đồng một ký. Lương tui lãnh ra nhiều lắm là mua được 1 ký thịt heo thì làm sao mà sống. Rồi cộng lại thì thành ra mình tức, mình nghe nếu mình không phản đối thì mình ấm ức rồi mình cũng chết. Nếu mà mình làm gì mà mình chống đối họ thì họ cũng giết chết, thành ra chỉ có cách là mình phải đi thôi.

 

HVC: Đúng vậy, có nhiều vị quen biết với bạn bè là những người tổ chức, họ gọi là đi chui.

 

Đi như vậy rất là nguy hiểm, nhiều người chết nửa chừng, trên đoạn đường khi chưa tới được chiếc tàu nữa. Tôi cũng là nhờ ơn trên thương, có những người bạn tổ chức đi cho người Hoa, vì tôi làm việc ở Chợ lớn. Lúc báy giờ chính quyền cộng sản muốn cho mấy người Hoa đi ra khỏi nước, nên chúng tôi đi dưới cái tên người Hoa, mà mình hay gọi là đi bán chính thức. mình trả tiền cho họ rồi mình đi dưới cái h.nh thức đó. Dĩ nhiên là phải đi một cách lén lút chứ không đi một cách công khai được. Chúng tôi đều được đặt cho những cái tên người Hoa. Họ lấy tờ khai gia đình của những người đã đi trước, rồi điền tên chúng tôi thế vào. Tôi nghĩ phần lớn họ đều đi bằng cách đó. Lúc bấy giờ tôi đã có đứa con thứ tư rồi, là cháu Việt lúc đó mới có 3 tháng, chúng tôi lên tàu đi, chúng tôi bắt buộc phải đi thôi.

 

DT: Dạ, tức là đi nguyên gia đình?

 

HVC: Đi hết nguyên gia đình.

 

DT: còn lúc, ồ, ba mẹ chú đã qua đời sớm.

 

HVC: Đúng rồi.

 

DT: Chú bắt đầu đi ở đâu?

 

HVC: Chúng tôi về Mỹ Tho để đi, tại vì họ tổ chức ở đó. Từ Mỹ Tho, vào nửa đêm chúng tôi đi ra biển. Con đường đi nó thiên nan vạn nan, chúng tôi đi một lần mà thành hai. Chúng tôi không được may mắn vì thứ nhất là cái tàu của chúng tôi, họ định đi chỉ 200 người thôi. Thế nhưng người chủ tàu tham lam, họ lấy tới 338 người tức là chở thêm một trăm mấy chục người nữa. Tất nhiên người lớn thì trả tám cây vàng, con nít bốn cây. Họ chở đông người thành ra cái tàu không vững, ra khơi có khi nó muốn chìm. Thế nhưng cũng may mắn là trời tháng 5, thực t.nh mà nói, cuối tháng 5 qua tháng 6 thì biển êm lắm. Biển êm lắm nhưng người tài công là trung úy hải quân nhưng anh không có kinh nghiệm về hải hành. Anh chỉ là sỹ quan ở trên bộ, chuyên môn về vấn đề hành chánh thôi. Anh không biết nhiều về hải hảnh nên anh không biết vẽ đường đi cho tới nơi tới chốn. Chúng tôi cứ đi lạc m.i cho đến nỗi bị cướp Thái Lan ăn cướp 2 lần. Cho tới ngày thứ 8 chúng tôi đi vô tới địa phận của Mã Lai. Lúc bấy giờ chúng tôi vô cái tỉnh đó gọi là Kotabaru, tức là nó nằm ở miền nam Thái Lan, miền Bắc của Mã Lai, cách biên giới Thái Lan 10 cây số. Thực ra, không dễ dàng vô đâu. Lính nó canh bờ biển mà. Họ biết người Việt Nam lúc bấy giờ đổ vào rất nhiều. Mà lúc đó đổ vào nhiều thật. Khi vô tới nơi đó thì mấy người mà gọi là trưởng ban tổ chức của tàu bị lính Mã Lai nó đánh, nó đánh dữ lắm. Sau đó thì chúng tôi phải đục tàu vì (như vậy) nó không có lý do nó đuổi mình trở ra tàu được.

 

DT: Đục tàu là sao?

 

HVC: Đục tàu cho nó chìm.

 

DT: Ồ.

 

HVC: Cho tàu nó chìm thì nó đâu có lý do gì nó bảo mình trở ra tàu để mình đi nữa, Phần lớn tàu vô Mã Lai mà bị lính canh đều đục tàu cho chìm hết. Chúng tôi lội vô. Nó ngập cỡ lưng chừng ở cổ, tui đưa vợ con vào được tới nơi an toàn. Sau đó thì họ tập trung chúng tôi vào một cái làng ở trong cái tỉnh đó, canh giữ mình như tù vậy, tại vì họ nói mình là những người xâm nhập bất hợp pháp. Họ giữ chúng tôi ở đó 16 ngày, ở cái tỉnh gọi là Kotabaru, Keratang.

 

DT: Cho cháu hỏi, cái thuyền 338 người trên một chiếc thuyền thì cái thuyền nó lớn bao nhiêu?

 

HVC: Cái thuyền nó lớn bề ngang 3 thước rưỡi, bề dài nó được 7 thước rưỡi.

 

DT: Một thước là một yard đúng không chú?

 

HVC: Một thước là một yard hơn một chút. Phần lớn thanh niên thiếu nữ còn sức khỏe thì chủ tàu bắt họ xuống dưới khoang, tức là dưới đáy tàu nằm ở dưới, còn đàn ông, đàn bà lớn tuổi, con nít thì cho ở trên phía trên, chở tổng cộng là 338 người, chật ních cái tàu, không đi lại được. Darlena nhớ cái tàu mà đàng trước nó open, đàng sau có cái máy nó gọi là cái khoang. Bộ phận chỉ huy, máy móc nằm ở đàng sau. Nhưng mà ở đàng sau nó giống như cái nhà bếp, ở giữa là bộ phận văn phòng chánh để cho người ta lái tàu, rồi mấy ông chủ tàu tính toán vẽ họa đồ trong đó. Hai bên là hai cái hành lang để cho mình đi tới đi lui, đi ra bếp này kia nữa. Thế nhưng, hai bên hành lang họ ngồi chật ních, không có đường đi, thành ra tui là bác sỹ thì tui ở trên mui, lúc nào có người gọi tui chích thuốc thì tui phải leo xuống.

 

DT: Lúc đó có thuốc không chú?

 

HVC: Có, mình mang theo đầy đủ, mang theo rất nhiều thuốc. Bộ phận ống nghe ống chích, tôi mang rất nhiều, tôi mang cho cả tàu mà. Khi tôi phải leo ra, mấy người bệnh đàng trước thì không nói làm gì, những người đàng sau nhà bếp thì tôi phải leo tại vì họ ngồi chật ở dưới hành lang thì làm sao mình đi được, không có chỗ đi. Tôi phải leo lên trên những cái chấn song, leo vô tới đàng sau, chích thuốc cho họ, rồi khi ra tôi cũng phải leo ra.

DT: thì chú có nói là thuyền của chú bị hải tặc hai lần.

 

HVC: Đúng rồi.

 

DT: Bị hải tặc của Thái Lan, bây giờ gọi là pirate, hải tặc, nhưng mà tụi cháu không thể tưởng tượng được nó như thế nào, chú có thể diễn tả cho cháu cái cảnh hải tặc trên cái thuyền 338 người đang di tản, diễn tả cho cháu chuyện gì xảy ra không?

 

HVC: Dạ vâng.Tôi nhớ rằng là họ có 2 cái tàu, một tàu chận đầu chúng tôi lại, một tàu họ nhảy qua tàu chúng tôi. Trước khi qua, một người có một cây súng lục, họ đưa lên trời, cũng giống như dọa cho chúng tôi biết. Rồi một đám thủy thủ tôi đoán cũng chừng mười người thôi, họ cầm nào là búa nào là dao, họ nhảy qua tàu chúng tôi. Sau đó, cũng giống như thị oai xong rồi, họ bắt chúng tôi, tất cả những người bên tàu chúng tôi họ bắt qua tàu của họ. Họ cặp sát lại, họ bắt chúng tôi qua tàu của họ để trống tàu bên này, họ đi lục soát, họ đi kiếm tiền. Sau khi họ lục xong hết rồi, họ qua bên tàu của họ vì chúng tôi qua tàu của họ hết rồi. Họ lục soát chúng tôi ở bên đó. Họ không có xét trên đầu nhưng họ biết đầu tóc thì không có gì (nhưng cũng có người giấu được một vài chỉ vàng trong tóc ) rồi họ xét trong quần, trong áo, kể cả quần lót của mình Họ xét coi mình có giấu tiền bạc quần áo hay gì trong đó không, còn nhẫn hay gì họ cởi hết rồi, đồng hồ cởi hết cho họ rồi, còn trong túi có cái gì thì họ lục lấy hết rồi.

 

DT: còn thuốc thang chú đem vào?

 

HVC: Đó, thuốc tôi để trên mui thì sau này khi mà họ đi rồi, [chuyện họ đi cũng không phải dễ dàng] tôi lên thấy họ lục tùm lum hết, họ lấy đồ nghề cùa tôi, ống chích, đồ đo áp xuất máu này nọ họ cũng lấy hết. Máy châm cứu của tôi họ cũng lấy luôn. Thuốc men thì họ làm tung tóe hết, không còn xử dụng được cái gì cả. Nói cái chuyện họ bỏ đi cũng là hy hữu và may mắn. Tôi nghĩ họ lục chúng tôi từ khoảng 2g chiều cho tới 5g chiều, 3 tiếng đồng hồ, họ cứ lục tới lục lui. Lúc bấy giờ có một cái tàu ở xa lắm, tàu buôn hay gì ở xa lắm. Họ thấycái tàu đó đi gần như tới cái hướng của họ nên họ hối chúng tôi trở về tàu của chúng tôi, họ đuổi chúng tôi trở về tàu của chúng tôi, rồi họ chặt dây bỏ đi. Tại vì họ cột tàu của mình vô nên họ chặt dây ra khi họ bỏ đi. Nhờ vậy mới thoát được cái cảnh hải tặc, chứ nếu mà họ còn tiếp tục lục lọi nữa thì mình không biết chuyện gì nó xảy ra, có thể họ bắt đàn bà con gái , những thiếu nữ họ hiếp giống sau này họ làm, có thể như vậy, hay là đàn ông thì họ giết, cũng chưa biết cái chuyện gì xảy ra. Cái đó cũng là ơn trên thương lúc bấy giờ.

 

DT: Bị hải tặc là lúc chú ở trên biển 8 ngày, đúng không?

 

HVC: Đúng, đó là lần đầu tiên đó.

 

DT: Lần đầu tiên bị hải tặc đó là vào ngày thứ mấy?

 

HVC: Tôi nghĩ nó là ngày thứ tư hay thứ năm gì đó.

 

DT: Thứ năm?

 

HVC: Ừ, mấy ngày đầu đi thì chưa gặp họ mà phải mấy ngày sau mới gặp họ.

 

DT: còn lần hải tặc thứ hai thì sao?

 

HVC: Lần hải tặc thứ hai, tương đối họ hiền hơn. Họ gặp chúng tôi thì họ cho nước uống, rồi chúng tôi còn được bao nhiều tiền thì phải đưa cho họ, họ nấu cháo cho chúng tôi ăn. Cuối cùng họ kéo chúng tôi vào trong một cái tỉnh của Mã Lai, rồi họ chặt dây, họ biểu chúng tôi chạy vào trong đó.

 

DT: Vậy là họ, họ là hải tặc đó hả chú?

 

HVC: Nếu mà mình không cho tiền họ,tôi nghĩ họ cũng cướp mình, nhưng mà đại khái thì họ tương đối hiền hơn cái đám đầu. Cho nên chúng tôi vào đó, được 16 ngày thì chính quyền Mã Lai nói là sẽ đưa chúng tôi đi Bidong. Họ lập danh sách chúng tôi rồi họ chích ngừa này kia đủ thứ Nghe họ nói sẽ đưa chúng tôi đi Bidong thì mọi người đều hớn hở , vì ở đó (nơi đang ở) là một cái tỉnh nhỏ, không có cơ quan bộ phận nào của Liên hiệp quốc cả.

 

DT: Bidong ở đâu chú?

 

HVC: À, Bidong là một cái đảo tị nạn tại Mã Lai. Chỗ đó là cái chỗ mà chính phủ Mã Lai để người tị nạn ở đó, chính thức để ở đó cho các nước trên thế giới tới đó phỏng vấn. Người nào nộp đơn xin đi Mỹ thì có phái đoàn Mỹ tới phỏng vấn, người nào muốn đi Úc thì có phái đoàn Úc, đại khái là như vậy. Đó là đảo chính thức, rất là nổi tiếng, ai nghe nói Bidong cũng thích cả , tại vì tới đó mới có phái đoàn quốc tế tới phỏng vấn, chứ còn ở tại cái tỉnh nhỏ này đâu ai biết tới đâu. Chính quyền Mã Lai họ cũng không thích giữ mình lâu nữa. Khi chúng tôi ở đó chúng tôi có nghe là chính quyền Mã Lai cho tàu kéo những cái thuyền tị nạn ra biển bỏ, chặt dây (cho trôi giạt tự do). Chúng tôi đã nghe như vậy rồi nhưng lúc bấy giờ cũng không ai để tâm trí nhiều vào vấn đề đó nữa. Bây giờ nghe nói họ kéo mình đi, họ đưa ra ngoài đó thì mình mừng lắm (tưởng được đi Bidong). Lúc bấy giờ ở đó thì mình có đồ ăn của Liên hiệp quốc cho, những lon đồ ăn, rồi gà, rồi thịt cũng có, đại khái là họ cho mình ăn, có cả cơm. Họ cũng cho mình nấu cơm mỗi ngày ăn. Thành ra khi họ kéo mình đi, họ bỏ lên tàu, họ kéo mình đi theo thứ tự thôi. Tức là những cái tàu mà hồi xưa nhiều tàu họ bỏ lại đó, bây giờ họ sửa lại cho nó không bị lủng, họ sửa cho nó còn nguyên, rồi họ bỏ người lên, kéo đi, vì máy nó không có chạy nữa. Lần tôi đi là lần sau, không phải trên tàu của tôi, mà là tàu Rạch Giá Kiên Giang , họ cứ chất lên đầy là họ kéo đi thôi. Họ kéo chúng tôi đi như vậy là coi như hai ngày, ba đêm. Họ kéo chúng tôi đến một vùng biển vắng, họ chặt dây, họ bỏ chúng tôi ở ngoài đó, họ tính họ cho chúng tôi chết ở ngoái đó mà. Khi chúng tôi ở ngoài đó thì câu chuyện nó còn gian nan, vạn nan lắm. Chúng tôi trôi như vậy đến ngày thứ 13, chúng tôi chết thêm 10 người nữa ở trên tàu. Lần đầu chúng tôi chết 8 người rồi. Tới ngày thứ 13 thì gặp một cái tàu, gọi là tàu chở dầu, mà lúc đó họ chưa chở dầu. Họ thấy tàu chúng tôi thì người thuyền trưởng đó nghe nói là một người Anh, còn thuỷ thủ đoàn là người Hồng Kông. Người Tàu họ thấy người Tàu, họ nói chuyện với nhau, họ thông cảm, họ mới nhờ ông đó năn nỉ ông thuyền trưởng kéo chúng tôi, giúp chúng tôi. Sở dĩ mà chúng tôi gặp được cái tàu đó cũng không phải là chuyện dễ dàng là tại vì họ, tàu Mã Lai họ bỏ chúng tôi trên biển vắng cơ mà. Tàu chúng tôi có cây cột to lắm, bằng bắp chân của mình vầy, mình dùng cây cột đó làm cột buồm. mình đem theo mấy tấm bạt che nắng kết nó lại thành ra như một cái buồm vậy đó, thành ra tàu mới chạy đi được. Nhờ nó đi như vậy, đi về hướng Nam, cuối cùng nó tới nơi mà nhiều tàu ngoại quốc đi qua đi lại. Đi như vậy đó mà tới ngày thứ mười ba, (sau 10 trôi giạt) mới tới chỗ đó.

 

DT: Vậy, trong thời gian đó, thiếu đồ ăn thì mình có thể nhịn đói được, nhưng đồ uống thì sao?

 

HVC: Đấy, cái câu hỏi đó rất hay. Chúng tôi biết là bị bỏ rồi, chúng tôi mới đi kiếm. Chúng tôi gởi một toán thanh niên chừng trên dưới một chục người, đi lục hết tất cả nước có ở trên tàu. Tại vì những người đi đó, họ ở Kotabaro, nghe nói đi Bidong thì họ đem theo nhiều nước lắm. Có người đem theo, rồi có người buổi sang dậy xúc miệng rồi gội đầu nữa mà đâu có dè nó bỏ mình ra ngoài biển đâu. Họ đem nhiều nước, họ đem từng gallon, gallon nước. Chúng tôi gom lại hết rồi đổ vô cái thùng phuy, chúng tôi đổ vô 2 cái thùng lớn đó. Thùng phuy của mình hồi đó khoảng 200 liters. Xong rồi chúng tôi cứ mỗi gia đình, lập danh sách ra, canh theo đầu người để được phát nước, phát đồng đều hết, mỗi ngày phát chừng 3 lần, sáng trưa tối, mỗi gia đình chúng tôi canh, phát bao nhiêu lần nước vậy đó. Tôi lãnh nước rồi thì tôi chỉ nếm chút xíu, phần còn lại tôi đưa cho nhà tôi với mấy đứa nhỏ uống cầm cự, không ai dám ăn. Ban đầu thì còn ăn chứ lúc sau không ai dám ăn, vì đồ ăn nó mặn, mặn quá mà không có nước uống thì không chịu nổi.

 

DT: Rồi như vậy thì chú tới đâu?

 

HVC: Đó, rồi sau đó họ mới kéo, cái tàu dầu đó, họ kéo chúng tôi vô một cái đảo gọi là Bolaoloop. Nó là một cái đảo của Nam Dương, xa lắm. Họ đưa chúng tôi tới đó là 3giờ sáng. Trên đường đi cũng gian nan lắm, tại vì cái đêm đầu tiên họ kéo tôi đi đó là có bão, bão lớn lắm. Những thuỷ thủ ở trên tàu kéo chúng tôi nghĩ là ( tàu chúng tôi) sẽ ch.m nhưng mà may mắn sao tàu chúng tôi vẫn nổi được. Và ngày hôm sau, tới giữa đêm thì sóng yên biển lặng. Họ kéo chúng tôi vào gần tới cái đảo đó vào lúc 3 giờ sáng. Họ kéo tới chỗ đó thì họ chỉ cách canh (nhắm chừng), canh cái nước ( thủy triều ), canh cái gió... Họ biểu đến gần sáng thì căng buồm lên, rồi chiếc tàu nó sẽ tự động trôi vô trong đảo.

DT: Rồi cuối cùng làm sao mà chú qua Mỹ được?

 

HVC: Chúng tôi ở trên đảo gọi là đảo Bolaoloop, chúng tôi chết thêm 10 người nữa. Tại vì lên đó đói, dân địa phương họ đâu có dư cho mình nhiều, mà chính quyền đại phương chỗ đó cũng là một tỉnh nhỏ mà. Rồi đói, bệnh sốt rét. Hồi đó sốt rét kinh khủng, cả gia đình tui bị sốt rét, thành ra có nhiều người bị sốt rét, đói chết, nhà tôi tưởng là phải chết trên đảo đó. Cuối cùng, họ thấy chết nhiều quá mới đánh điện về trung ương. Trung ương mới gởi tàu, gọi là Seasweep (tàu lớn lắm, chuyên đi vớt mấy người trên biển đó) lên trên đảo đón mấy người trên đảo đi nơi khác. Họ đưa tất cả về trại gọi là đảo Galang. Cái đảo tị nạn đó là của Nam Dương, còn cái đảo Bidong là đảo tị nạn bên Mã Lai. Tôi qua tui ở Galang. Lúc tôi ở Galang thì ở đó mới có 1000 người thôi. Chúng tôi nhập với họ trên đó cho tới cuối tháng 11 thì tui đi Mỹ.

 

DT: Vậy là chú ở đảo Galang mấy tháng?

 

HVC: Tôi ở đảo Galang vậy là từ cuối tháng 7 cho tới tháng 11.

 

DT: Rồi khi chú mới qua Mỹ thì chú đi tới đâu?

 

HVC: Đầu tiên là chúng tôi tới Denver, Colorado. Tôi ở đó, vì lúc bấy giờ người sponsor của chúng tôi ở đó. Tôi đi học lại. học Anh Văn, rồi học chuyên môn , rồi đi thi. Cũng may là cái trường y khoa của chúng tôi (ở VN) giống như trường y khoa Mỹ, hay là bộ phận y tế của Mỹ, nó công nhận cái bằng của tôi vì vào những năm 68 trở về sau, Mỹ gởi những giáo sư đại học qua để dạy cho sinh viên Việt Nam. Thế là họ công nhận cái bằng đó để chúng tôi dùng cái bằng đó đi thi bằng y khoa của Mỹ, tức là mình không phải học lại từ đầu.

 

DT: Dạ rồi, vậy còn cái phần tiếng Anh nó có vấn đề gì? Tại vì bên Việt Nam mình đâu nói tiếng Anh.

 

HVC: Chúng tôi học tiếng Anh bên nhà, hồi còn trong trường quân y. Ở trường y khoa ,chúng tôi đều có học tiếng Anh, mà cái lối học bên nhà nó không giống như bên này. Tôi học ngay cả y khoa bằng tiếng Anh trong trường quân y nữa, có giáo sư Mỹ dạy nữa, nhưng mà một tuần họ dạy chừng hai buổi chẳng hạn, thì mình đâu học được gì nhiều đâu. Những người giỏi tiếng Anh thì phần lớn là những anh chị xuất thân từ những trường Tây, học bên trường Tây , giống như là (10:08 PART4), họ dạy tiếng Tây, học thêm tiếng Anh thì đối với họ rất là dễ dàng, thành ra họ rất lưu loát, cả hai ngôn ngữ. còn chúng tôi học ở trường Việt thì cái vấn đề học tiếng Pháp với tiếng Anh rất là sơ đẳng. Ngay cả hồi trung học các thầy dạy mỗi người cũng nói một cách nữa, thành ra qua tới Mỹ, sinh ngữ vẫn làm cho chúng tôi lúng túng.

 

DT: Rồi khi chú qua được bên này thì cái cảm nghĩ về chiến tranh, về chính sách của Mỹ về chiến tranh Việt Nam, chú có nghĩ gì không?

 

HVC: À, có nhiều người nghĩ rằng người Mỹ có bổn phận giúp đỡ người Việt Nam, tôi không nghĩ như vậy. Tôi rất là đơn sơ. Ban đầu tôi xin đi Úc nhưng chính phủ Úc họ không nhận vì họ nghĩ rằng chính phủ Úc dư bác sĩ rồi. Họ nói rằng nếu tôi đi Úc thì tôi phải bỏ nghề bác sĩ thì họ mới nhận. Nhưng mà tôi không muốn bỏ nên nộp đơn đi Mỹ, và được phái đoàn Mỹ nhận. Chúng tôi nghĩ rằng tới đây chúng tôi có cơ hội để theo đuổi nghề nghiệp của mình, nên mình cố gắng học để mình lấy bằng hành nghề thôi. còn cái chuyện chiến tranh Việt Nam thì mình coi như nó thuộc về dĩ vãng rồi, nó là quá khứ. Vả lại vào những năm 80 lúc đó tôi đã ở Mỹ rồi thì cái chuyện liên lạc với Việt Nam rất là xa vời, gởi một cái thơ nhiều lúc 6 tháng mới tới. Tại vì có khi gởi (thư) về Việt Nam thì nó đi Cananda, rồi từ Canada nó đi qua bên Việt Nam, rồi bên Việt Nam chính phủ giữ lại họ kiểm duyệt, họ đọc đủ thứ chuyện trong đó rồi họ mới cho chuyển về cho thân nhân. Thành ra lâu lắm mới nhận được cái thư.

 

DT: Vậy chứ ngọn gió nào mà từ Denver Colorado chạy qua California chú?

 

HVC: À, con đường nó cũng dài lắm, sau khi chúng tôi thi, cũng vất vả lắm mới đậu được cái bằng y khoa căn bản của Mỹ , sau đó mới đi xin đi học ở những trường nội trú của những trường y khoa của Mỹ. Tui lớn tuổi rồi nên đi kiếm những cái trường nào tương đối nhỏ mà ít có người xin. Chúng tôi xin về cái trường ở một cái tỉnh nó gọi là Leuo (12:41) thuộc bang Louisiana. Tôi được nhận về đó, và tôi xuống đó học. Tôi vô học nội trú, làm một sinh viên nội trú, bác sĩ nội trú trong đó. Tới năm 1986 tôi xong chương trình ở dưới đó, rồi tui đi xin việc. Tui gởi thư xin việc, tôi gởi tất cả mọi nơi. Trong khi chờ đợi đó thì có một bác sĩ ở trên Pennsylvania họ cần một người bác sỹ. Cái chỗ đó, cái tỉnh đó nhỏ lắm, gọi là John Town. Tôi lên đó chuẩn bị làm việc cho ổng. Khi ký hợp đồng, giao kèo rồi thì Oklahoma gọi. Họ còn một cái chỗ trống nên gọi tôi về interview, tức là họ phỏng vấn đó. Chưa bắt đầu làm việc ở trên PA, nên tôi mới nói với ông bác sỹ mới mướn tôi rằng bây giờ vợ tôi với 4 đưá con ở nhà vất vả lắm, không có ai coi chừng con cái, bây giờ họ kêu tôi về để mà coi việc gia đình, bây giờ ông cho tôi về coi vấn đề việc gia đình sao đã. Tôi nói dối với ông như vậy nhưng kỳ thực tôi về Okhlahoma City để mà đi phỏng vấn cái job ở đó. Tại vì tôi nghĩ nếu tôi ở Okhlahoma City tôi về Louisiana gần hơn. Tui về đó phỏng vấn thì họ nhận. Tui bay trở lên Pennsylvania xin lỗi ông bác sỹ đó, tui nói là vợ con tôi không có tôi là không ai săn sóc được con cái hết. thì ổng bực mình lắm, ổng nói là tôi về sẽ không có ai giúp ổng, tại vì trên đó chỗ vắng lắm, kiếm một người bác sỹ khó khăn lắm. Tui về Okhlahoma City ,làm việc từ năm 86 cho tới 2004, về hưu ở bên đó rồi mới về đây. Tại vì tôi có đứa con út ra trường xong nó về đây năm 2000, ở trên Los Angeles. còn mấy đứa con khác thì nó ở rải rác các nơi khác. Chúng tôi quyết định về đây.

 

DT: Dạ vậy trong thời gian mà chú đi học để lấy bằng y sỹ bên này, thì tiền đâu mà chú có thể đóng tiền học để mà đi học?

 

HVC: Đúng rồi, câu hỏi đó hay. À thực ra như tôi nói hồi nãy đó là chúng tôi không cần phải học lại từ đầu, chúng tôi chỉ cần dùng cái bằng y khoa của Việt Nam, lấy cái đó nộp lên gọi là tín chỉ, để mình nộp mình đi lấy cái bằng y khoa của Mỹ. Đó, thành ra mình không cần phải học lại từ đầu. Nhưng mà mình phải học là vì tôi ra trường cuối năm 71, rồi 72 gia nhập đơn vị, đánh giặc triền miên cho tới năm 75 mất nước, rồi đi ở tù cải tạo, rồi về làm trong nhà thương Phước Kiến những năm 76 tới năm 79. Trong khoảng thời gian dài như vậy đó, không học được cái gì cả, không có cái gì mới hết. Nhưng mà làm trong nhà thương thì mình có một số kinh nghiệm làm trong nhà thương. Lúc bấy giờ học hỏi được như vậy nhưng mà cũng chẳng có nhiều là bao nhiêu tại vì tất cả tài liệu sách vở y khoa làm gì có. Những cái mới đó, mà y khoa của Mỹ hay thế giới, sau 6 tháng hay 1 năm thì họ đã có nhiều cái mới lắm rồi, thành ra chúng tôi qua thì chúng tôi học lại. Những người có tuổi chút xíu học lại vất vả lắm. Có nhiều cái rất mới thành ra mình cũng vừa học và nhờ may mắn thì mình cũng thi đậu, cũng phải trầy vi tróc vẩy lắm mới thi đậu. Sau khi thi đậu 2 cái bằng, cái bằng đầu tiên thì mình gọi là cái bằng ECFMG, cái bằng thứ hai nó gọi là National Board. Cái board thì phải thi 3 ngày khó lắm. Sau khi thi đậu được 2 cái bằng đó rồi thì mình mới đi nộp mấy cái trường đại học để mình xin đi học nội trú. Thành ra cái khoảng thời gian đó thì chúng tôi nhờ hưởng trợ cấp. Sau đó, tới năm 81 thì nhà tôi được vào làm ở bưu điện, tiền lương tương đối cũng khá. Tôi thì,ngoài vấn đề học tôi làm cho sở xã hội Denver. Chỉ làm mấy tháng thôi rồi thì lo học, nào là học Anh Văn, học chuyên môn. Chuyên môn nó có những lớp luyện thi. mình không cần phải học từng năm như ở ngoài mà có lớp luyện thi thì mình học những lóp luyện thi để mình đi thi.

 

DT: Dạ cho cháu hỏi, những lúc mà chú qua bên này năm 79 đó thì các con của chú khoảng chừng mấy tuổi?

 

HVC: À thì đứa lớn 9 tuổi, đứa kế đó là 6 tuổi, rồi đứa ba tuổi và thằng út thì mới có 10 tháng thôi.

 

DT: Dạ thì trong lúc đó con của chú vẫn còn nhỏ và khi lớn lên thì đối diện với hai nền văn hóa, văn hóa cúa cha mẹ, văn hóa Việt Nam và văn hóa của người Mỹ khi đang lớn lên thì làm sao mà chú gìn giữ cái truyền thống của Việt Nam và cũng cùng một lúc dạy dỗ cho các con của chú sống trong môi trường mới?

 

HVC: Cái tôi nghĩ đó là cái khó khăn của chúng tôi ở cái thế hệ của chúng tôi đó. Bây giờ tôi nghĩ ở những cộng đồng lớn như ở đây [CA] thì có những địa điểm, có những lớp dạy Việt ngữ cho các cháu, dạy văn hóa, rồi có những sinh hoạt văn hóa thì nó dễ. Ở đây các cháu lớn khôn không quên nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam. Chúng tôi ở trên mấy cái tỉnh tương đối nhỏ thì làm gì có những cái đó. Lúc bấy giờ cũng đâu có nhiều người Việt Nam, thành ra là cái... với lại tôi vẫn thường nói với nhà tôi và những người bạn đó là chúng tôi, hồi đó mình còn nhỏ, mình ở trong một cái tỉnh nghèo, cha mẹ chúng tôi đâu có học hành nhiều. Điều đó là tự nhiên, các anh của tôi cũng vậy nữa. Xung quanh chúng tôi là những đứa nhỏ như chúng tôi cũng chẳng có học hành nhiều, thành ra vấn đề được giáo dục một cách đàng hoàng thì không có. Người lớn thì hầu như truyền cho những đứa nhỏ những chuyện không được tốt đẹp. Cỡ chín mười tuổi mà hút thuốc hay là uống rượu thì người ta cho là cái chuyện b.nh thường. Thành ra ngay cả khi chúng tôi lớn rồi, lập gia đ.nh, thì cũng đâu có ai dạy mình cái cách phải làm chồng,làm cha thế nào cho nó đàng hoàng đâu. Chúng tôi gặp khó khăn lắm. Qua tới đây rồi nếu người nào không thức thời, vẫn cứ nghĩ rằng mình làm cha làm chồng thì mình có quyền độc tài, mình muốn cái gì thì người dưới cũng phải nghe mình thì điều đó rất là sai lầm. Phần lớn thế hệ già nua như chúng tôi là như vậy, cho nên mới có những cái sự gãy đổ trong gia đình.

 

DT: Dạ thì chú đã có làm gì để truyền xuống truyền thống văn hóa phong tục Việt Nam cho các con của chú không?

 

HVC: Chúng tôi nói tiếng Việt với nhau ở nhà. Cho tới giờ này thì con út của tôi, hồi đó qua Mỹ mới có 11 tháng thôi, nó lớn lên cho tới giờ này, nó vẫn nói tiếng Việt với chúng tôi được. Có những năm chúng tôi ở Oklahoma City, lúc mấy cháu còn nhỏ học tiểu học,chúng tôi có cho mấy cháu đi học những lớp tiếng Việt của trường công giáo ở đó, họ có dạy vào mùa hè. Học được 2 năm, tôi không nhớ 2, 3 năm gì đó, sau đó thì thôi, nhưng đứa con gái lớn của tôi còn viết tiếng Việt được, bây giờ nó nói tiếng Việt rất rành. Thằng con trai thì nói tiếng Việt rành lắm nhưng không nhớ được chữ Việt. còn đứa con gái thứ ba thì nó nói tiếng việt rất rành nhưng đọc tiếng Việt thì chữ được chữ không. Thằng út nói tiếng Việt khá lắm nhưng mà (viết) chữ thì hoàn toàn không biết.

 

DT: Dạ, cho con hỏi câu cuối cùng là kinh nghiệm nào của chú mà chú rút tỉa được trong cả cuộc đời gian nan từ trước chiến tranh, sau chiến tranh, lỡ mà sau này thế hệ mai sau muốn nh.n lại cuộc đời của Việt Nam, muốn nhìn lại cái lịch sử Việt Nam thì chú có kinh nghiệm gì chú rút tỉa được và muốn nhắn nhủ cho thế hệ mai sau không?

 

HVC: Dạ vâng, tôi nghĩ niềm tin là cái quan trọng. Cái niềm tin đây là niềm tin về số phận của mình, và niềm tin nơi tôn giáo nữa. Trong lúc vượt biên, mọi người đều cầu nguyện. Người Phật giáo thì cầu Phật, người Công giáo thì cầu Chúa. Với lại, chúng tôi gặp những gian nan như vậy thì có những cái mà tôi nghĩ là, nếu Darlena hỏi những người nào đi vượt biên, tôi nghĩ có lẽ phần lớn người ta sẽ kể cho Darlena, có những cái màu nhiệm trong nhiều chuyến đi đó. Chúng tôi cũng trải qua như vậy. Niềm tin về số phận của mình là một, niềm tin nơi đấng Thiếng Liêng là hai. Sau đó, khi mình đến được bến bờ tự do, mình cũng không bỏ được niềm tin đó. Mà càng sống lâu thì chúng tôi thấy rằng, nếu mình sống một cách đạo đức thì tôi nghĩ rằng là mình sẽ vượt qua được những gian nan, sẽ có một cái màu nhiệm nào đó che chở cho mình. Chúng tôi thấy điều đó rất rõ. Chúng tôi thấy rằng những người làm không tốt thì kết quả họ gặp nhiều cái trắc trở dữ lắm. Người nào làm nhiều việc tốt thì tôi thấy rằng dù là gặp những cái khó khăn thì họ được cứu vớt, nhất là nếu họ có cầu nguyện. Điều đó thấy rất rõ. Nhưng tuổi trẻ nhiều khi không nghĩ tới được điều đó, tại vì họ chưa trải qua những kinh nghiệm đó. Chúng tôi là những người đã trải qua những sự sống chết gần trong gang tấc như vậy đó, và chúng tôi đã thấy được những điều đó. À, rồi cái cuối cùng là lúc nào mình cũng phải phấn đấu, không thể nào không phấn đấu được. Trong cuộc sống của mình, bất cứ chuyện gì mình cũng phải phấn đấu, mình phải chiến đấu, phải phấn đấu cho tới cùng, không bỏ cuộc, mình cố gắng, mình vừa dùng cái khả năng của mình. Dĩ nhiên mình phải biết mình ở đâu, chẳng hạn như một người b.nh thường mà bảo rằng là để tôi học đễ thành bác học, bác sĩ mà chưa có gì hết thì rất khó khăn. Dĩ nhiên mình biết cái sức của mình tới đâu, khả năng của mình tới đâu, mình phấn đấu, khi mình có cơ hội may mắn mình chụp lấy, tui nghĩ trước sau gì mình cũng thành công.

 

DT: Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn này thì chú có câu hỏi gì muốn hỏi cháu không ?

 

HVC: Tui có thấy sơ qua là những người được phỏng vấn có trình bày một số ý nghĩ của họ. Tui nghĩ rắng tôi có lẽ là một trong những điều mà cơ quan của Darlena muốn truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm của những người đi trước. Tôi cũng muốn nhắn nhủ lại những cái điều như vậy, mong rằng (thế hệ) mai sau biết được những chuyện xảy ra cho cha ông của họ, và đừng quên nguồn gốc của mình, vì dù sao mình cũng, [qua cái dáng vẻ của mình] không phải là một người Mỹ chính gốc thì đừng có quên nguồn gốc của mình, đừng quên cộng đồng của mình. mình phải cố gắng, mình ở trong cái xứ sở này thì có cái bổn phận với cái xứ sở này là đương nhiên, nhưng mà cũng đừng quên nguồn gốc của mình, cộng đồng của mình. Như vậy, tôi nghĩ là cuộc sống của mình nó có nghĩa hơn.

 

DT: Cám ơn chú

 

HVC: Vậy xong rồi ha.