Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
nam-quy-ty

Khai Bút ñÀu ñông

Tôn Kàn

Ở Việt Nam thì khai bút đầu Xuân.

Sang bên xứ giá lạnh này thì khai bút đầu Đông. Cả Tết Tây Tết Ta gì cũng rơi vào mùa băng tuyết ráo trọi!

Dân Vịt Điên gặp nhau, câu chuyện khởi đầu thường là thời tiết.

---Hôm nay trời đẹp quá! (It’s a beautiful day!)

Hoặc:

---Gió thổi muốn bay xuống hồ!

Hay:

---Xúc tuyết đã chưa ?

Cà kê dê ngỗng cũng phải mất đến ít nhất 5-10 phút,sau đó mới đề cập đến các đề tài khác, riết thành một thủ tục.

Năm mới tất nhiên phải nói đến chuyện năm cũ.

Chuyện khởi đầu chẳng có gì hơn là chuyện... thời tiết!

Cuối năm 2012, Bắc Mỹ bị phang 3 trận bão gần như liên tiếp.Vùng New Jersey và Manhattan bị trận Sandy nhà cửa tan hoang,chưa kịp thu dọn thì lại bị trận bão tuyết, dân chúng ngất ngư cù đèn! Bên Canada thì bão tuyết từ Tây qua Đông, Ottawa và Montreal một ngày hứng 60 cm tuyết! Oái oăm là lại đúng vào mùa lễ Giáng Sinh, đồng bào kêu la như bọng!

Sang đầu năm 2013, thời tiết sáng sủa hơn, pháo bông nổ rực rỡ trên bầu trời từ Sydney qua Hồng Kông Việt Nam tới Bắc Mỹ. Đặc biệt năm nay có sự đóng góp của Miến Điện---Myamar-một quốc gia đã lánh mặt thế giới từ gần 50 năm nay.

Giống như mọi năm khác, 2012 cũng đầy rẫy những chuyện nhiêu khê, nào thiên tai động đất bão lụt, nào chiến tranh cướp bóc án mạng hà rầm, chẳng muốn nhắc tới làm chi cho thêm bận lòng.

Tuy nhiên, có hai vụ cần phải nhắc đến. Đó là vụ thảm sát tại Aurora, Colorado (ngày 12 tháng 7) và vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut (ngày 15 tháng 12). Hai vụ thảm sát này cho ta thấy vai trò của sự hung bạo trong xã hội Huê Kỳ, và lại hâm nóng sôi nổi cuộc tranh luận về sự kiểm soát súng ống đạn dược. Chỉ tranh luận thôi, vì sau đó cũng chẳng thấy có biện pháp chi hết. Dân số Huê Kỳ vào khoảng 370 triệu người; tổng số súng ống lưu hành trong nước có trên 400 triệu khẩu! Trên thế giới cũng có một vài vụ thảm sát bằng súng, nhưng đó là ngoại lệ. Còn bên Huê Kỳ thì giết người bằng súng xẩy ra như cơm bữa. Riêng vụ ở Newtown Connecticut làm người ta sốn sang là vì nạn nhân gồm 20 trẻ em, đứa lớn nhất mới có 14 tuổi.

Cái điều quái đản khó hiểu nhất là tại sao chính quyền Huê Kỳ lại để cho mua bán tự do thả giàn những loại súng bán tự động như khẩu AR-15 mà hung thủ sử dụng. Khẩu súng này bán chạy nhất Huê Kỳ, một khẩu súng nòng dài có thể bắn cả 100 viên đạn trong một phút. Nếu nói là để tự vệ thì có lẽ mai mốt mỗi công dân Mỹ cần phải thủ một khẩu đại liên phòng không!!

Ngoài vụ súng ống còn vụ Fiscal Cliff---vực thẳm chi thu.Chi nhiều hơn thu, thiếu hụt chồng chất năm này qua năm khác, đi vay mượn nợ nần ngập tới cổ, đây là một bài toán không thể giải quyết bằng toán học hay kỹ thuật được. Nó là một bài toán chính trị, muốn giải quyết cần phải áp dụng những biện pháp khắt khe cứng rắn dễ làm cho người ta thất cử, do vậy chẳng ai muốn đụng tới vào lúc năm hết Tết đến.

Phải đợi tới ngày mồng 1 tháng Giêng 2013, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa mới thỏa thuận với nhau về thuế má, Quốc Hội Mỹ mới thông qua dự luật cứu thoát Huê Kỳ khỏi rơi xuống vực thẳm.

Dân chúng sống quen trong phồn hoa giả tạo nên khó lòng từ bỏ những chương trình trợ cấp của chính phủ mà họ coi là quyền lợi được thụ hưởng (entitlements). Bởi thế chẳng ai muốn rớ vào vấn đề giảm chi, cái củ khoai nóng này (hot potato) đến đầu năm sẽ lại đem ra bàn cãi mô xẻ cùng với Debt ceiling, nền kinh tế Huê kỳ còn ngất ngưởng ít nhất đến đầu tháng Ba mới có mòi ngã ngũ. Nếu không giải quyết mỹ mãn những vấn đề liên quan đến Medicare, MedicAid Social Security thì những chương trình này khó lòng tồn tại nguyên vẹn được. Nền kinh tế tùy thuộc nặng nề vào những chương trình này, và sẽ lụn bại nếu những chương trình này nguy ngập.

Canada sống bên cạnh con voi, nên khi trái gió trở giời nó xì hơi thì không những bị ngửi mùi khắm mà còn có khi bị lây bệnh! Tuy nhiên, nhờ dân tình hiền lành cẩn mật không thích phô trương, Chính phủ khôn ngoan bảo thủ nên tình trạng kinh tế Canada tương đối vững vàng.Trong những năm khủng hoảng tài chánh, những ngân hàng của Canada được công nhận là những ngân hàng có nền móng quản trị vững chắc nhất và được quốc tế vinh danh là những thành trì gương mẫu đáng để cho thế giới noi theo.

Năm ngân hàng tư của Canada là loại Chartered Banks hoạt động dưới sự giám sát của Chính Phủ, cho nên muốn làm bậy cũng khó lắm. Trước năm 2008,một vài ngân hàng Canada muốn sát nhập với nhau (merger), lấy cớ là cần phải trở thành những tổ hợp có số vốn lớn lao mới có khả năng ganh đua trên thị trường quốc tế. Thế nhưng Chính Phủ không cho phép, viện lý rằng số lượng ngân hàng vừa đủ để đáp ứng cho nhu cầu quốc nội, cũng như để khuyến khích sự cạnh tranh có lợi cho giới tiêu thụ. Hơn nữa ---và đây là điều làm tôi cảm phục sự sáng suốt của giới lãnh đạo Canada--- Chính Phủ không muốn thị trường bị khống chế bởi những “quái vật khổng lồ” TOO BIG TO FAIL, khi những “quái vật” này gặp khó khăn thì gây ra khủng hoảng giây truyền, bắt buộc mọi người phải è lưng ra gánh vác cứu vớt. Đây chính là hiện tượng Moral Hazard đã đưa những ngân hàng Huê Kỳ xuống hố vào năm 2008, làm cho thế giới bị một phen xiểng liểng, đến nay còn đang ngất ngư!

Sự kiện trên cho ta thấy rằng khi một chuyện gì có dính dấp tới tiền bạc thì bất cứ ở đâu cũng cần có qui chế và giám sát-TRUST BUT VERIFY. Nếu áp dụng chính sách laissez-faire Capitalism thì sẽ đưa tới tình trạng lừa đảo, ăn cắp và lạm dụng. Tự Do buôn bán không có nghĩa là Tự Do lường gạt, tự do làm bậy hay bóc lột gìới tiêu thụ. Vai trò của Chính Phủ trong một thị trường tự do là giám định cho mọi ngưới đều phải tuân theo cùng một luật lệ ---everybody plays by the same rule.

Tuy nhiên,thế giới đều cảm phục sự dẻo dai chịu đựng của nền kinh tế Huê Kỳ. Sau nhiều khó khăn thử thách căm go tưởng chừng như sắp xụm bà chè, hiện nay có nhiều dấu hiệu báo cho biết là nên kinh tế đang trên đường hồi phục: nạn thất nghiệp suy giảm, giá trị nhà cửa bắt đầu tăng, xe hơi sản xuất ra có người mua, Dow Jones lên gần tới 13500, S&P 500 lên gần tới 1500. Các công ty hãng xưởng trước kia đi vay nợ chính phủ để sống sót nay đã trả lại nợ cả vốn lẫn lời. Kinh tế Huê Kỳ vẫn đáng là lãnh tụ của thế giới.

Chưa xong vụ Fiscal Cliff thì lại xẩy ra vụ một số quốc gia trong khối Bắc Âu bị đe dọa phá sản. PIGS là tên viết tắt của những quốc gia này: Portugal ,Italy, Greece, Spain. Người ta còn mỉa mai gọi là Club Med! Cũng như Huê Kỳ, những quốc gia này ăn xài quá mạng, vay mượn tùm lum, khổ hơn nữa là lợi tức eo hẹp làm ăn lại lè phè thua lỗ, phần đông tìm cách trốn thuế. Thử hỏi như vậy sao không bị vỡ nợ được? Nước Hy Lạp trong quá khứ đã vỡ nợ cả chục lần, với thành tích như vậy mà vẫn có người cho vay thả giàn. Chủ nợ lớn nhất là Đức quốc, hiện nay là quốc gia cưu mang còng lưng cõng Greece nặng nhất! Tham thì thâm, cuộc đời kể cũng lắm trớ trêu! Mọi người đều đồng ý là trước khi có liên hiệp về tiền tệ cần phải có liên hiệp về chính trị. Bàn đã nhiều về kinh tế tài chành, nay xoay qua đề tài khác, vui hơn.

Mùa Thu năm rồi, Trời thương còn khỏe mạnh, bèn nẩy ra ý định đi thăm cảnh cũ người xưa. Nhẩy lên chim sắt, làm một chuyến viếng Cali từ Bắc chí Nam.

Tỉnh đầu tiên bước chân tới sau bao năm xa cách là San Francisco. Đây là đất dụng võ của tôi từ năm 1970. Hồi đó,sau khi bị thương trận, tôi được TQLC gửi qua du học tại một Bệnh Viện Hải Quân Huê Kỳ tại Oakland. Đi dò hỏi thi được biết Bệnh viện này đã đóng cứa. Ông Phó Đề Đốc Chỉ huy Trưởng cùng bà thư ký đã qua đời. Bà thư ký có một căn nhà nhỏ xinh xắn ở Berkeley, bà thỉnh thoảng mời tôi và bạn bè đến ăn trưa vào những buổi cuối tuần cho đỡ nỗi buồn xa xứ. Căn nhà vẫn như xưa, ghé qua đứng ở ngoài nhìn nhớ lại một vài kỷ niệm cũ, trong lòng cảm thấy buồn man mác.

Bay Area thời đó là thủ đô của Hippy và phong trào phản chiến.Tôi được phép mặc đồ dân sự đi thăm viếng tất cả các vùng quanh Oakland, Berkeley, Monterey, Carmel, Palo Alto, Menlo Park... trừ San Jose và Los là tôi không tới. Có một số bạn bè Mỹ và có Cao đồng Khánh lái xe đưa tôi đi chơi mút mùa.

Một hôm đang lang thang ở San Francisco thì thấy một người đàn bà mặc áo dài chit khăn mỏ qụa đi ngất ngưởng ở Market Street, giữa đám đông mặc âu phục,trông thật ngộ nghĩnh. Chạy theo xem mặt thì té ra cụ Hòa Tường!
Cụ mời tôi về nhà ăn giỗ. Cụ ở với cô cháu gái tại một chung cư đường California gần phố Tầu. Cụ xì xụp khấn vái, mãi tới gần 3 giờ chiều mới hạ cỗ, đồ ăn nguội teo, bún chương phềnh cả lên, thế mà ăn vẫn ngon miệng vì thèm!

Sau đó đi thăm quán ăn của Đặng trần Thành là cháu cụ. Cũng ở đường California, dưới chân dốc tầu điện chạy giật chuông kêu leng keng.Thành đặt tên quán là Cordon Bleu với khẩu hiệu: ”We do’nt go North, We do’nt go South, We stay right here!

Quán bán một đĩa cơm trắng, hai cọng xà lách, hai cái chả giò cùng một chén nước mắm pha và một ly trà nóng---3 đôn rưỡi. Dân chúng phần đông là giới trẻ đứng xếp hàng vào ăn trưa, Thành thu tiền vui như Tết!

Một hôm ngủ tá túc tại nhà của Thành, sáng thức giậy mở cửa ra hành lang thì đụng phải một thùng plastic to tổ bố, bên trong toàn là cà rốt và bắp cải thái nhỏ. Nhân chả gió đấy,các cụ ơi! Dân Huê Kỳ ăn khen ngon loạn cả lên!

Nay quán không còn nữa, chủ nhân thì cũng đã ra người thiên cổ rồi. Tôi có gặp bà chị của Thành. Chị bảo tôi:

---Chú nó đang ngồi đánh piano thì gục xuống, đi luôn!

Âu cũng là số mệnh. If you have to go, that would be the best way! Tôi thầm nghĩ như thế.
Đặng Cơ, con trai cụ Hòa Tường,cũng vậy. Đang ngồi ăn uống tại nhà hàng với bạn bè, Cơ nói:

---Các cậu ngồi đây chờ tôi xuống nhà hút điếu thuốc.

Anh em chờ mãi không thấy Cơ trở lên, xuống kiếm thì thấy Cơ nằm chết gục trong xe!

Kỳ này ở San Francisco được vợ chồng Phương Hoa và Đặng vũ Báy tiếp đón nồng hậu. Cậu Báy có hầm rượu vang ngon nổi tiếng, toàn Bordeaux Vintage Opus. Cậu tổ chức xoa mạt chược tại nhà, vừa xoa vừa nhâm nhi rượu vang thượng hảo hạng, cơm tối chị Phương Hoa khỏan đãi, cậu Báy mở chai Opus 1993, thật là hạnh phúc!

Tôi được hầu bài hai cụ Đỗ trung Anh và Dương quang Lộc,hai cụ vẫn còn tráng kiện và xoa còn sáng nước lắm. Có cả Nguyễn hoàng Hải vốn vang danh là vua mạt chược, nhưng hôm đó vận đen nên thua kêu la oai oái, mất uy tín quá! Kỳ đó tôi vồ, Bắc Cali cay cú hẹn ngày tái ngộ! Năm nay cậu Báy rủ sang để mợ Hoa trổ tài nấu bún bò Huế, chắc phải đi.

Sau San Francisco thuê xe đi San Jose đón hai ông bạn là Bùi anh Dũng tự Dũng Lùn và Lê bá Bình. Hai ông này được nội tướng ký giấy phép cho đi giang hồ vặt với cậu Khánh trọn luôn một ngày. Dũng và Bình cung phu thê tốt, nên mỗi cậu lấy được một cô vợ hiền ngoan đảm đang biết chiều chồng, tôi cũng mừng cho hai cậu.

Cậu Dũng Lùn xuất thân kỹ sư canh nông, chẳng hiểu sao lại đi làm mật thám, có chó lửa giắt lưng quần.Hồi đó cậu chưa lập gia đình, nên thường ngồi Pagode uống cà phê vặt với tôi. Thời cậu làm Chánh Sở An Ninh Đô Thành, tôi tha hồ đi xem xi-nê cọp. Lúc đi hành quân về, cậu thường sai lính kiểng Ba Tầu yêu nước lái xe Fiat đưa tôi đi ăn chơi thả giàn.

Còn cậu Bình vốn xuất thân cao bồi đấm đá vùng Tân Định, tòng quân đi TQLC, lên tới chức Trung Tá Chỉ huy Trưởng căn cứ Sóng Thần.Cậu chăm lo cho tôi khi tôi mới lớ ngớ về phục vụ Tiểu Đoàn 3 TQLC.Sau này Bình và tôi thân nhau như anh em ruột thịt.

Ba đứa Dũng Bình và tôi kéo nhau lên Top of the Mark ở Nob Hill ngồi uống Champagne ngắm phong cảnh. Thời xưa tôi thường lên đây uống rượu, cái bar này nay đã tân trang trông sáng sủa đẹp mắt hơn.Nhìn qua cửa kính trông xuống đảo Alcatraz,một bên là Golden Gate Bridge, một bên là Bay Bridge, tinh thần cảm thấy sảng khoái.

Kế tiếp ba đứa cho xe lái đến Horseshoe Bay ăn đồ biển, tối đi nhậu ở Alioto, la cà bù khú với nhau suốt một ngày, ôn lại chuyện xưa người cũ.

Lúc chia tay bùi ngùi bịn rịn, chẳng biết có còn dịp gặp lại nhau không?

* * *
Ngày tới tôi bay xuống Los.

Tôi đến thăm viếng vài nơi mà thời xưa thường hay trú ngụ.Vài ngày ở Four Seasons Hotel Beverly Hill,vài ngày ở Ritz-Carlton Dana Point. Tại Beverly Hill, khách sạn cho tài xế lái Rolls Royce đưa tôi đi ăn phở! Tại Dana Point, phòng trông thẳng ra Thái Bình Dương, đêm nằm mở cửa nghe sóng vỗ rì rầm ngủ thiếp đi lúc nào không biết,thật là thoải mái.

Sau đó 3 ngày ở nhà Lưu đức Thụy tức Thụy Râu,3 ngày kế tiếp ở nhà Phạm gia Thuần.Vợ chồng Thụy và vợ chồng Thuần o bế đãi đằng ăn uống và tất nhiên là tổ chức xoa.Có các cao thủ như Trần hùng Hải, Đặng đức Nghiêm,Nguyễn đức Cung, Nguyễn tự Hào tham dự. Gặp vận hên tôi lại thắng!

Có người kháo rằng:

---Cậu Khánh thắng mạt chược từ Bắc chí Nam, sắp đủ tiền mua nhà ở Cali! (gáy một chút chơi cho đỡ buồn.)

Cậu mợ Thuần thì ngày nào cũng đưa đi la cà ở Laguna Beach, tối đến lại cơm Tây rượu chát,lại khui một chai Opus nữa, say sưa thật đã đời!

Tôi nhắn Hải mù mời vợ chồng Cò Công và Bùi Quyền đi ăn trưa môt bữa, chúng tôi tụ họp tại một nhà hàng ở Little Saigon, ăn nhậu đấu hót tưng bừng.Cò Công nhắc lại vụ phò tướng Loan Qùe đi dẹp loạn ở Đà Nẵng, hào hứng đáo để, tôi có ghi lại chuyện này trong bài Vui Buồn Tết Mậu Thân,mời anh em đọc chơi cho vui.

Sau ba tuần du hí thoải mái,tôi bay về Toronto,vợ chồng Phạm gia Thuần lái xe đưa ra phi trường.

Lần này thăm viếng Cali thật là kỳ thú.

Hạnh phúc nhất là thấy bạn bè còn khỏe mạnh, gia đình êm ấm.

Cảm kích nhất là thấy họ vẫn qúy mến mình,trước sao nay vậy,tình nghĩa không suy suyển, như vậy chứng tỏ mình đối sử với bạn bè cũng có phần trọn vẹn.

Tuy nhiên, đi chu du Cali cũng tìm hiểu được một vài vấn đề.

Có hai huyền thoại (myth) mà tôi muốn phá vỡ.

Huyền thoại thứ nhất là các Bác Sĩ gia đình ở Cali làm tiền nhiều hơn là các đồng nghiệp ở Ontario. Trật lấc. Tôi có thăm dò mấy người bạn cũng như mấy họ hàng hành nghề Bàc sĩ gia đình ở cả hai nơi. Ngoài ra,tôi còn tham khảo các tài liệu thống kê. Theo như Physician Compensation and Production Report (2003) của Physicians and Surgeons.Medical Group Management Association thì lợi tức trung bình hàng năm của một Bác Sĩ gia đình tại Cali (Family Practice) là $150267.

Ngược lại,lợi tức trung bình hàng năm của một Bác Sĩ gia đình ở Ontario là $211000! (Ryan A.. Smith :National Average Income for Medical Doctors,2009 /06 /19). Lý do dễ hiểu là có quá nhiều Bác Sĩ gia đình tại Cali. Hơn nữa, tiền phí tổn chi phí cho phòng mạch (overhead) ở Ontario rẻ hơn ở Cali rất nhiều. Nhất là vấn đề bảo hiểm, Cali mắc gấp 10 bên Ontario, việc các bệnh nhân lôi Bác Sĩ chữa trị ra tòa rất hiếm khi xẩy ra ở Ontario. Do vậy,Net Income của các Bác Sĩ bên Canada cao hơn các bác Sĩ bên Huê Kỳ. Hơn nữa, lối sống life style của các Bác Sĩ bên Canada tôi nhận thấy thoải mái hơn. Tôi có dùng cơm trưa với mấy anh bạn hành nghề tại Los, anh nào anh nấy vừa ăn vừa trả lời cell phone lia chia, anh thì bệnh nhân réo, anh thì phòng mạch hoặc nhà thương kêu, không ngồi yên ăn xong được bữa cơm!

Huyền thoại thứ nhì là đồ ăn Á Đông ở Cali ngon vô địch.

Ăn ngon hay không là tùy khẩu vị. Nhưng đa số công nhận rằng muốn ăn đồ Việt ngon thì chỉ có ăn... ở nhà! Ra tiệm ăn đồ Việt là chuyện bất đắc dĩ. Những món ăn Việt Nam nấu nướng khá cầu kỳ, mà khi ăn thì phải đủ độ nóng và tươi,cho nên không hợp với các bữa tiệc đông người. Chả giò hay bún chả mà nguội ngắt thì không sao nuốt được.

Còn các món quà như phở, hủ tiếu, bún bò, đồ nhậu... thì Vancouver, Montreal hay Toronto cũng không thua kém gì Los. Nhà hàng ăn Nhật Bổn hay Đại Hàn thì đầy rẫy ở cả hai xứ, tôi thấy ăn ngon cũng ngang ngửa bằng nhau.

Riêng có khoản đồ ăn Trung Hoa ---cơm Tầu---thì Canada ăn đứt Huê Kỳ. Hình như dân Huê Kỳ không chuộng cơm Tầu bằng dân Canada---đây là tôi muốn nói cơm Tầu chính thống chứ không phải cơm Tầu bá láp chop suey chow mien! Ta cứ so sánh phố Tầu China Town ở New York, Chicago hay LA với Vancouver,Montreal hay Toronto thì sẽ thấy khác nhau một trời một vực. Do vậy, những đầu bếp trứ danh ở Hồng Kông hay Phúc Kiến Quảng Đông thích sang Canada lập nghiệp hơn là sang Huê Kỳ.

Đến LA mà kiếm được một tiệm ăn tỉm xắm (dim sum) cho vừa mồm thì cũng mờ mắt luôn! Các món như mì vịt,heo sữa quay, tôm hùm rang muối tiêu, bao tử heo xào hẹ...bán ê hề ở Montreal và Toronto và ăn còn ngon hơn là ở Chợ Lớn hay Hồng Kông. Bên Vancouver thì có cua biển và bào ngư được chế biến thành các món ngon nổi tiếng.

Dân tình Canada hay nhún nhường, đôi khi cho người ta có cảm tưởng là bị inferiority complex. Tôi nghĩ dân Canada nên hãnh diện về những thành quả mà họ đã đạt được,không phải để khoe khoang hốc hách,mà để chia sẻ những kinh nghiệm ngõ hầu để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.Họ chịu đựng sưu cao thuế nặng để gầy dựng và bảo vệ một mạng lưới xã hội rộng lớn và chắc chắn, dân chúng cùng nhau chia sẻ ngọt bùi đương đầu với những khó khăn thử thách,chung sống trong một môi sinh thanh bình và công bằng.

Người dân Canada tiếp tục phát huy trong con cháu của họ những đức tính thanh liêm cần kiệm, hiền hòa bao dung nhưng công bằng, tôn trọng nhân quyền và đạo lý, những đức tính đã làm cho dân Canada đưọc thế giới nể vì kính mến.

TÔN KÀN
Đầu năm 2013.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Loading