Tuy họ để là Saigon 1961, tôi còn nhận được nhiều hình từ 1954, khi gia đình tôi di cư vào đất mới. Chúng ta trải qua thời niên thiếu khi ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng, sau lên làm Tổng Thống, khi người Pháp sửa soạn ra đi nhường chỗ cho người "bạn" Hoa Kỳ...
Thời đó quán Givral còn đối diện với nhà hàng Continental. Cũng để bàn ra vỉa hè vì lúc đó chưa có bọn VC khủng bố. Đi lên chút nữa có nhà sách Xuân Thu, tôi không còn nhớ tên nhà sách Pháp trước khi Xuân Thu mua lại nữa. Đi theo đường Catinat hướng về phía nhà thờ Đức Bà bên phải là Bộ Nội Vụ, trước kia là Nha Cảnh Sát Bình Xuyên.
Khi mới vào Saigon, tôi hay lên sân vận động Đinh Tiên Hoàng hay sân đằng sau Nhà Phát Thanh đá banh với Đặng Vũ Báy( Báy Nhảy Dù), Trần Văn Lân (Lân không hiện dịch, sau này học Dược). Sau này khi các ông Tướng thi nhau đảo chánh và để ngừa đặc công, cái sân đằng sau đài Phát Thanh lúc nào cũng có lính ND đóng. Và cũng vì chúng tôi đã lớn, không ai bén mảng tới gần đài Phát Thanh nữa.
1961: Tôi học đệ nhị trường JJ Rousseau (1ère). Trịnh Công Sơn học trên tôi một năm ban Triết. Còn nhãi con, nhưng khi có tiền là ra Givral kêu một ly trà sữa, ngồi luôn hai ba giờ không ai thèm đuổi. Chẳng hiểu cái con ông cụ gì hết nhưng cũng bày đặt hút Bastos xanh, bàn chuyện Le Néant của Jean Paul Sartre hay l' absurde của Albert Camus, ra cái chiều hiểu biết... dĩ nhiên để lòe hơn là để học hỏi. Thời đó, may ra chỉ có đàn anh Đặng Vũ Vương hay Hà Ngọc Thuần là hiểu được những ông Tây này nói gì. Còn lại, chúng tôi còn lo cua đào...
Khi nào chán ăn cơm bà ngoại nấu thì ra chợ Cũ kêu một đĩa cơm khoảng năm chục đồng là có miếng thịt bít tết to tổ bố, một con tôm trộn với đồ chua hay dưa chua, ăn no bụng. Hay đi vào hẻm Casino, ăn bún chả, bún riêu không mất tiền vì bà chủ lại là người tôi phải gọi bằng Bà, cô của cha tôi, di cư vào Nam trước di cư 1954. Khát nước thì đã có nước mía Viễn Đông. Tối đến thì ra ngã sáu (nơi sau này có tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt của Thiết Giáp) kêu một chậu nghêu hấp nhậu với la ve Con Cọp. Lúc đó chúng ta gọi bière là LA DE chứ không gọi là BIA như mấy thằng Dzịt Cộng ( buồn một điều là về VN bây giờ, các bà bán hàng trong Nam cũng không dùng tiếng LA DE nữa). Hoặc vào Chợ Lớn gần nhà thương Chợ Rẫy ăn hủ tiếu sa tê...
Còn phở thì khỏi nói: sáng thứ hai chào cờ xong là phải đến tiệm xôi gà phở gà đường Nguyễn Thiện Thuật, cạnh phòng mạch BS Tôn Thất Cần. Bà cụ chủ tiệm phở lại là mẹ của bạn thằng em tôi. Thế là lại có trò ghi sổ nợ tháng, bắt chước đàn anh Nguyễn Trùng Khánh. Phở bò thì có phở xe trước Cité Larégnère, ngoài Câu Lạc Bộ Quần Vợt, anh chủ là người đầu tiên có cái sáng kiến bỏ củ cải trắng và xu hào vào nồi nước dùng, ngọt đặc biệt, làm cho người ăn nghiền luôn...
1961 hay 1962: Rạp Rex chiếu phim James Bond đầu tiên: Dr No...
Lớn lên, khi đã vào Quân y, đã bén hơi tình ái, nhà tôi đường Vườn Chuối gần cái hẻm nhỏ bên đường Phan Đình Phùng nối dài, có hàng bán bánh cuốn chỉ bán buổi tối. Bất chấp Quân Cảnh, cứ việc chờ đến gần giờ giới nghiêm, đánh bộ quân phục lon nhung đỏ một hay hai hoa mai trên vai, bê rê giắt cầu vai, thế nào cũng có triển vọng được kề vai với mấy cô vũ nữ đi làm về ăn khuya. BS tương lai mà.
Cũng ở quán đó tôi đã có cái hân hạnh gặp Bác Đinh Hùng, vâng, thi sĩ Đinh Hùng. Thường thường cũng vào lúc khuya, sau khi bác "bắn khỉ" xong (hút thuốc phiện, chợ Vườn Chuối nhiều tiệm thuốc phiện lậu nhất Saigon), bác ra nhấm nháp đĩa bánh cuốn. Rủng rỉnh tiền lương Thiếu Úy, rồi Trung Úy, tôi lân la làm quen Bác và lúc nào cũng dành trả tiền. Không những thế, tôi không quên dúi vào tay bác hai ba trăm để bác đi "săn" ngày hôm sau. Bác rất quý tôi và tôi thì ngưỡng mộ người thi sĩ xuất chúng ấy. Trong cái hình hài gầy còm ốm yếu, đầu chải Brillantine ngược ra sau kiểu Rudolph Valentino, không ngờ chứa trái tim lãng mạn tột cùng như vậy:
"Ta thường có những buổi sầu ghê gớm Ở bên em, ôi biển sắc rừng hương... Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm Em đến đây như đến tự thiên đường..."
Lãng mạn đến thế là nhất. Tôi coi bác Đinh Hùng như Baudelaire, Verlaine Việt Nam. Bác biết tôi ngưỡng mộ Bác, Bác thường chép tay những bài thơ cuả Bác để tặng tôi. Bác biết tôi học trường Pháp, Bác sính tiếng Tây, lúc nào cũng viết mấy chữ "A mon cher Nguyễn Ngọc Khôi, le brillant future du pays" trước khi ký. Ngày 29 tháng tư, tôi chạy ra căn cứ Hải Quân, tôi không kịp có thời giờ về nhà mang theo tập thơ Bác tặng. Tôi mất đi một kho tàng vô giá... Bác không sống lâu để thấy tôi chẳng là tương lai sáng lạn của đất nước.
Bác nghèo xác sơ, không bao giờ cho tôi biết địa chỉ. Lúc nào cũng mặc bộ complet cũ mèm, nhàu nát, cái sơ mi không trắng lắm và cái cà vạt điểm nhiều vết thức ăn...
Một buổi chiều ba mươi Tết, nhân lãnh lương rappel, tôi chạy ra Passage Eden mua cái cà vạt mới, chờ đến mùng bốn Tết gặp Bác. Tôi mang tặng Bác. Bác nhỏ nhẹ cám ơn tôi . Ngày hôm sau, ngồi ăn chung, Bác đeo cái cà vạt mới tôi biếu Bác, nói chuyện như pháo rang, miệng luôn luôn nở nụ cười, giục tôi "Này anh ăn đi chứ, nói mãi."
Cho đến nay, tôi không biết ai vui hơn ai, bác Đinh Hùng với chiếc cà vạt mới, hay ...tôi, vì đã mua được cho Bác một phút chốc hạnh phúc trong những chuỗi ngày thật khó khăn của Bác. Trước khi Đinh Hùng mất tại BV Bình Dân, tôi đã vào thăm Bác nhiều lần...
Các anh gửi lên DĐ chuỗi hình ảnh Saigon. Tôi không thể nào ngăn được những kỷ niệm thời niên thiếu với chốn này. Tuy là người Hà Nội, khác với các đàn anh lớn lên với Hà Nội, tôi không có cảm xúc gì với thành phố này khi tôi trở lại, bị vây quanh bởi giọng nói ồn ào the thé của dân miền quê di chuyển lên Hà Nội. Đi trên đường Cổ Ngư hay trên phố Hàng Đào, tôi không xúc động như khi nhìn hình ảnh góc đường Catinat, Charner vào những thập niên năm mươi, sáu mươi.
Tôi cũng rớm nước mắt như Lê Văn Khoa, tôi cũng ngậm ngùi như Phan Thuyên với câu "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo"...
Chân thành cám ơn các Anh,
Nguyễn Ngọc Khôi 16HD
On Nov 17, 2012, at 10:36 AM, Khoa Le wrote:
Xem va nghe nhạc chuyền mà xúc đông, rướm nước mắt.
Vẫn cảm nhận được không khí thời chưa chiến, sắp xảy ra một điều gì.
Một clip buồn.
Trân trọng
LVK
On Nov 17, 2012, at 6:56 AM, Ngoc Dang Nguyen wrote: