Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Th¢ng Già Ngu XuÄn

Alberto Moravia
Nguyễn Mạnh Tiến (QYHD/20) chuyển ngữ


Khi bạn có thói quen lả lướt với đàn bà thì thực khó để nhận biết khi nào bạn đã hết thời và đàn bà bắt đầu nhìn bạn như bậc cha chú - hoặc tệ hơn, như ông nội ông ngoại của họ. Khó nhất hạng là trường hợp của những anh trung niên, anh nào cũng có hai cái đầu lồng vào nhau : cái đầu bên ngoài thì da nhăn, tóc bạc, răng sâu, mắt đục. Còn cái bên trong thì vẫn y hệt như thời anh ta còn trẻ, tóc đen dầy, mặt nhẵn nhụi, răng trắng tươi và mắt sáng quắc. Chính cái đầu bên trong này là cái nhìn đàn bà một cách khao khát, những tưởng rằng họ trông thấy được nó. Thế nhưng dĩ nhiên là đàn bà chỉ trông thấy cái đầu bên ngoài, và họ nói: "Thằng cha hình nhân già này muốn gì đây? Bộ chả không thấy là chả đáng tuổi ông nội tui sao chớ?"

Năm ấy, tiệm hớt tóc nơi tôi làm việc gần ba mươi năm nay được nới rộng: họ thay gương soi và bồn rửa mặt, sơn lại tường và tủ. Sau rốt, ông chủ nghĩ tốt hơn nên mướn thêm một cô làm móng tay, tên cô ta là Iole. Trong tiệm, ngoại trừ ông chủ có cả thảy ba người: ngoài tôi ra còn một tay trẻ khoảng hai mươi lăm tuổi tên Amato, da ngăm đen, nghiêm trang, trước từng làm cảnh sát; và Giuseppe, hơn tôi độ năm tuổi, lùn, mập và hói.

Như thói thường khi có một người đàn bà lọt vào một nơi toàn là đàn ông, chẳng bao lâu tôi để ý thấy cả ba đứa tôi đều chằm chằm nhìn Iole. Có thể nói rằng nàng là một cô gái bình thường, thuộc loại mà ta hay thấy hình in trên bưu ảnh - tóc đen, coi được, đỏm đáng, có nét; trên đời này có cả triệu cô như vậy.

Đến lúc này đây, xin bạn ghi nhận cho rằng mặc dù không muốn khoe khoang, tôi cũng phải tự nhận rằng mình là người đẹp trai. Dáng tôi gầy, cao vừa phải, vẻ mặt hơi xanh nhưng cứng cỏi; đàn bà thường nói là tôi có nét hấp dẫn. Điều chắc chắn là tôi có đôi mắt khá nổi, nhất là khi tôi liếc ngang, trông chúng hiền hòa, đầy tình cảm, nhưng lại phảng phất chút vẻ hoài nghi. Nhưng phần trội nhất trong con người tôi là mái tóc. Tóc tôi màu nâu hạt dẻ nhạt, mảnh, sạch và dợn sóng, cắt kiểu alla narrazena, nghĩa là dựng đứng lên như ngọn lửa, hai vạt tóc mai chạy dài xuống đến giữa má. Hơn thế nữa, tôi luôn luôn ăn mặc chỉnh tề. Khi ra khỏi chỗ làm, lúc nào tôi cũng mặc đồ chững chạc. Cà vạt, vớ và khăn tay luôn luôn hợp màu với nhau.

Ở tiệm thì tôi khoác một chiếc áo choàng trắng tinh, lẽ ra nên để cho một bác sĩ giải phẫu mặc thì hợp hơn là một anh thợ hớt tóc. Với những đặc tính như trên, nếu tôi có thường thành công đối với đàn bà thì cũng chẳng lấy gì làm lạ. Và vì luôn nắm chắc phần thắng như vậy. đối với cô nào tôi thích, tôi có cái thói quen nhìn chòng chọc một cách khêu gợi như thể gửi đến cô ta ngàn lời ca tụng. Để tới lúc tôi đến gặp cô ta sau khi đã cố ý chiếu tướng một hồi lâu thì trái đã chín mùi, chỉ việc đưa tay ra mà hái lấy.

Về chuyện Iole, người ở trong tiệm mà tôi gờm nhất là Amato. Hắn tuy xấu người và vô duyên nhưng được cái còn trẻ. Còn Giuseppe thì hoàn toàn không đáng kể: như đã nói, thằng chả già hơn tôi, lại xấu xí hết thuốc chữa.
Suốt ngày Iole ngồi ở cái bàn làm móng tay nhỏ trong góc, người đờ đẫn vì chán và vì ngồi yên một chỗ, mê mải đọc đi đọc lại hai ba tờ nhật trình để trong tiệm, hoặc tự làm móng tay cho mình trong khi chờ khách. Do bản năng, và hầu như ngược lại ý muốn của chính mình, tôi cứ nhìn nàng liên tục. Một người khách bước vô tiệm và ngồi vào ghế, tôi lấy một tấm khăn và với vẻ điệu nghệ giũ một cái một để trải nó ra, đồng thời ném về phía nàng một cái liếc dài. Hoặc khi đang gội đầu cho khách, hai tay xoa vò cái đầu đầy xà-bông, tôi lại liếc nhìn nàng một lần nữa. Hoặc khi đang dùng mũi kéo tỉa viền tóc; cứ nhắp kéo bốn cái tôi lại liếc nàng một cái. Hoặc khi nàng chậm rãi đi ra chỗ tủ để lấy một dụng cụ gì đó, tôi cũng đưa mắt dõi theo trong gương.

Tôi phải nhìn nhận rằng Iole không nhanh nhảu mà cũng chẳng rụt rè: nàng có cái vẻ mặt lặng lẽ, dè dặt, trì độn của một con mèo to ngái ngủ. Thế rồi sau một thời gian, nàng dần dà nhận ra rằng tôi cứ nhìn ngắm nàng hoài; kế đến nàng chấp nhận việc tôi nhìn nàng; và sau rốt nàng bắt đầu liếc nhìn trả lại. Một cách ngờ nghệch, lừ đừ chứ chẳng có chút vẻ gì là diễu cợt (bởi lẽ nàng nào có biết diễu), nhưng không thể nào nhầm lẫn được.

Lúc đó tôi nghĩ rằng cá đã cắn câu, như lời người ta thường nói. Một thứ bảy nọ tôi rủ nàng đi tắm ở bãi biển Ostia vào chiều ngày hôm sau, Chủ nhật. Nàng nhận lời ngay, chỉ yêu cầu là tôi không được chê bộ áo tắm của nàng: nàng mập hơn trước và bộ áo tắm duy nhất của nàng bây giờ có hơi chật. Thực ra, nàng nói chẳng chút e lệ: "Suốt ngày ngồi yên một chỗ thành thử người em phì thêm ra một chút." Nói được một câu như vầy phải là người hoàn toàn chẳng gian dối tí nào, và tôi khoái nàng vì lẽ ấy.

Chúng tôi hẹn gặp nhau ngày hôm sau ở ga xe lửa San Paolo. Trước khi rời nhà, tôi sửa soạn thật cẩn thận: râu cạo nhẵn nhụi, thoa tí phấn rôm lên má, chải kỹ tóc  bằng lược bí để không còn qua một tị gầu nào, vài giọt nước hoa vẩy lên đầu và vào khăn tay. Tôi mặc sơ mi hở cổ và áo khoác ngoài mùa hè mỏng, mang quần dài trắng.
Iole rất đúng hẹn. Vào đúng hai giờ tôi trông thấy nàng rẽ đám đông người tiến lại phía tôi. Nàng mặc đồ toàn trắng, trông hơi lùn và đẫy đà nhưng vẫn trẻ trung và hấp dẫn. "Đông đến thế!" nàng nói khi gặp tôi, "Em sợ rằng mình phải đứng quá à." Vốn có máu hào hiệp, tôi bảo nàng là cứ việc yên trí để mặc tôi, tôi sẽ kiếm ra chỗ ngồi cho nàng.

Trong khi đó xe lửa đã vào đến ga, và đám đông đang chờ trên sân ga bắt đầu chuyển động một cách hoảng loạn, như thể là họ đang bị cả một đội kỵ binh rượt đuổi. Người ta la hét, gọi nhau ơi ới. Tôi phóng tới trước, bíu lấy cửa, rướn lên cao khỏi đám đông và sắp sửa vào được bên trong toa thì bị một tên trẻ tuổi nước da đen xạm xô đẩy và ráng lấn qua mặt. Tôi xô mạnh trả đũa và lao lên trước. Y nắm tay áo tôi mà kéo nhưng tôi huých cho y một cùi chỏ vào bụng, giựt tay ra và xông vào toa. Vì đã bị mất một ít thì giờ với thằng con nít vô lại này, trong toa đã chật ních người, chỉ còn có mỗi một chỗ trống. Cả tôi lẫn y tranh nhau nhào đến, và gần như cùng một lúc, tôi quẳng bộ quần áo tắm còn y ném chiếc áo khoác lên cái ghế sau cùng này để xí chỗ. Rồi chúng tôi đối diện nhau. "Tôi tới trước," tôi nói. "Ai bảo thế?" "Tôi nói vậy đó!", tôi vừa trả lời vừa ném trả chiếc áo khoác vào mặt y. Đúng lúc ấy Iole trờ tới và xà vào ngồi ngay không do dự, miệng nói: "Cảm ơn nhiều, Luigi." Tên trẻ tuổi lượm cái áo lên, ngần ngừ một lúc. Và rồi thấy rằng không thể nào đuổi Iole đi chỗ khác được, y đành bỏ đi, miệng chửi lớn: "Thằng già ngu xuẩn!"

Xe lửa chuyển bánh gần như ngay lúc đó. Tay nắm lấy thanh sắt thành toa, tôi đứng sát ngay cạnh Iole. Thế nhưng giờ đây tôi đã mất hết hứng thú, và chỉ muốn ra khỏi xe đi về nhà quách. Cái câu chửi "Thằng già ngu xuẩn" đã điểm trúng yếu huyệt tôi giữa lúc bất ngờ nhất. Tôi nhớ rõ là mình có hai cảm nghĩ khác biệt khi nghe câu chửi của thằng nhỏ. Ý chửi nằm ở mấy chữ "thằng ngu xuẩn", nhưng chuyện ấy chẳng nhằm nhò gì: y gọi tôi là đồ ngu là để cố tình chọc tức tôi. Còn cái chữ "già" thì không nhằm mục đích chửi. Y phát ngôn chữ "già" như thể đó là một sự thật hiển nhiên. Giả dụ như tôi chỉ mới mười sáu tuổi thay vì năm mươi, thì có lẽ y đã chửi: "Thằng nhóc này sao đần độn quá chừng!" Đối với y, và thực ra, đối với tất cả mọi người khác kể cả Iole, tôi là một ông già. Thế thì nếu y gọi tôi là thằng ngu mà Iole có cho rằng tôi thông minh đi nữa thì cũng chẳng khác biệt gì mấy. Có lẽ ngay cả Iole cũng chẳng cần phải đến chiếm cái ghế. Cuối cùng thằng nhỏ chắc cũng sẽ nhường chỗ cho tôi vì nể nang tuổi tác. Điều này được xác định qua lời phát biểu của cái ông ngồi đối diện với Iole, người đã mục kích sự việc từ đầu: "Cậu nhỏ thiệt thô lỗ... Nhẽ ra cậu ấy phải nhường ghế cho người có tuổi như ông mới phải..."

Tôi bàng hoàng và cảm thấy lạnh toát cả người. Chốc chốc tôi lại  đưa tay lên sờ mặt như thể là vì thiếu gương soi nên phải dùng ngón tay để xét xem mình già cỡ nào. Lẽ dĩ nhiên Iole chẳng hề để ý đến chuyện gì xẩy ra. Nửa đường đến Ostia, nàng nói với tôi: "Em rất tiếc ông phải đứng." Không nhịn được, tôi nói: " Tôi biết tôi già thật, nhưng chưa đến nỗi không đứng nổi nửa tiếng đồng hồ." Tôi nửa mong đợi rằng nàng sẽ đáp: "Luigi!... Anh mà già ấy à?...Anh nói gì lạ vậy?" Thay vì thế, cô em tối dạ này chẳng trả lời gì cả, và như vậy tôi hiểu rằng mình đã nói lên sự thật.

Đến Ostia, nàng đi thay đồ trước và ra khỏi nhà thay đồ trong một bộ đồ tắm chật đến nỗi gần muốn rách toạc. Thân thể nàng trắng trẻo, tươi mát và rắn chắc, trẻ trung quá khiến người ta trông mà phát nực. Khi tới phiên tôi vào nhà thay đồ, việc trước tiên là tôi đến soi ngắm mình trong mảnh gương vỡ treo trên tường. Tôi quả có già thật: tại làm sao mà từ hồi nào đến giờ tôi lại không nhận ra được điều này? Chỉ mới liếc sơ tôi đã thấy ngay đôi mắt mình mờ đục chìm lỉm giữa những nếp nhăn, tóc thì đầy sợi bạc, da bèo nhèo nơi má, răng vàng xỉn. Cái áo sơ mi hở cổ xuân tình quá sức đến nỗi tôi phát ngượng: nó để lộ nguyên cái cổ, da xếp nếp chảy xệ che lấp yết hầu. Tôi cởi đồ ra, và khi cúi xuống để mặc quần tắm vào thì cái bụng phệ của tôi nhô lên rồi lại rơi thõng xuống, hệt như một cái bao bị xì hơi.

"Thằng già ngu xuẩn", tôi tự nhắc lại câu đó một cách giận dữ. Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy đúng là cuộc đời có lắm cái bất ngờ. Chỉ mới trước đó có một giờ đồng hồ tôi vẫn tin chắc rằng mình còn đủ trẻ để đóng vai hào hoa phong nhã với Iole. Thế mà giờ đây, chỉ vì bốn chữ đó, tôi thấy tôi già đáng tuổi bố của nàng. Và tôi cảm thấy xấu hổ là đã nhìn nàng quá nhiều ở chỗ làm và rồi lại còn rủ nàng đi chơi. Tôi tự hỏi: nàng nghĩ cái quỷ gì về tôi? Dưới con mắt của nàng tôi trông ra sao?

Một lát sau rồi tôi cũng biết là nàng nghĩ gì về mình. Chúng tôi đứng, tay bám sợi dây thừng an toàn để mặc sóng đánh lên người, vì hôm nay biển động. Sau mỗi đợt sóng, tôi thở không nổi và tự bảo: "Mình ngộp thở như vầy là vì mình già." Thế nhưng Iole, cực kỳ vui vẻ, la lớn với tôi: "Luigi, em thật không ngờ ông thể thao như vậy đấy." "Tại sao vậy," tôi hỏi, "cô nghĩ tôi là người thế nào?" Nàng trả lời: "Những người ở tuổi ông thường không thích ra biển...Thường là bọn trẻ..." Đến đây thì một đợt sóng lớn ngầu bọt đánh phủ lên người chúng tôi. Tôi té đè lên người Iole, và để gượng lại tôi chụp lấy cánh tay nàng - một cánh tay rắn chắc tròn lẳn, bắp thịt trẻ trung và mềm dẻo. Tôi hét to cho nàng nghe, miệng đầy nước biển: "Tôi đáng tuổi ông già cô." Đứng giữa đám bọt nước sôi sục, nàng cười lớn: "Làm gì đáng tuổi bố em lận...Chắc chỉ cỡ chú em thôi!"

Đến lúc tắm xong, vừa quê vừa nhục nhã, tôi nói hết nổi. Tôi có cảm tưởng như có một cái bẫy dương ra ngay trong miệng mình và đã sập lại, giờ phải cần một cây xà-beng mới nậy nó ra được. Iole đi phía trước, tay kéo áo tắm để che đùi và ngực, vì khi ướt trông chúng lộ liễu quá. Rồi nàng nằm lăn xuống bãi cát, thịt nàng săn cứng đến độ cát không bám nổi vào người nàng và rơi ra từng tảng ẩm ướt. Tôi ngồi xuống cạnh bên nàng, vừa câm vừa tê liệt, không tài nào mở miệng hoặc nhúc nhích nổi.

Mặc dù vô cảm còn hơn cả loài tê giác, rất có thể là Iole đã cảm biết được nỗi đau khổ của tôi, bởi vì liền khi đó nàng hỏi thăm xem tôi có mệt trong người không. "Tôi đang nghĩ về cô," tôi nói, "Trong tiệm mình, cô thích ai nhất? Amato, Giuseppe hay là tôi?". Sau một hồi lâu nghĩ ngợi, nàng thẳng thắn trả lời: "Sao ông lại hỏi thế, em thích cả ba." Thế nhưng tôi nằn nì: "Dĩ nhiên là Amato còn trẻ..." "Đúng thế," nàng đáp, "ảnh còn trẻ thật." Một lát sau tôi nói tiếp: "Tôi tin rằng ảnh mê cô." "Thiệt vậy hả?" nàng trả lời, "em chẳng để ý gì cả." Rồi nàng trầm ngâm như thể là đang lo nghĩ việc gì. Sau cùng nàng nói: "Luigi, em gặp rắc rối rồi: cái áo tắm của em bị bục chỉ ở phía sau...Đưa hộ em cái khăn, em phải đi thay đồ đây."

Thật ra mà nói, tôi lấy làm mừng trước cái tai nạn này. Tôi đưa chiếc khăn tắm để nàng quấn nó quanh hông và chạy vào nhà thay đồ. Nửa giờ sau, chúng tôi đã ở trong một cái toa trống lốc trên xe lửa. Tôi đã gài kín  cổ áo, và đang suy gẫm rằng đối với tôi mọi sự đã chấm dứt, và sự thực tôi là một anh già.

Bữa đó tôi thề nhất quyết từ nay sẽ không nhòm ngó gì tới Iole cũng như tới bất cứ người đàn bà nào khác nữa, và tôi đã giữ lời. Tôi thấy dường như Iole có vẻ hơi ngạc nhiên, bởi đôi lúc nàng trân trối nhìn tôi với vẻ trách móc, nhưng cũng có thể đó chỉ là cảm tưởng của tôi mà thôi. Một tháng trời trôi qua mà tôi chỉ nói chuyện với Iole vỏn vẹn độ bốn, năm lần. Trong thời gian đó, nàng kết thân với Giuseppe. Tuy nhiên ông ta luôn luôn đối xử với nàng bằng tác phong cha chú, luôn nghiêm trang, tốt bụng và không chút nào lộ ý tán tỉnh. Tôi cảm thấy già hơn bao giờ hết, vẫn tiếp tục hớt tóc, cạo râu và nhận tiền thưởng khách cho, lầm lì chẳng nói chẳng rằng.

Thế nhưng một hôm vào lúc đóng cửa tiệm, trong khi tôi đang thay đồ ở phòng kho phía sau thì ông chủ tôi, vốn là người tốt bụng, tuyên bố: "Này, anh em nào không bận gì tối nay thì mình đi ăn chung...Tôi mời tất cả mọi người... Chả là Giuseppe và Iole vừa mới đính hôn..."

Tôi nhìn ra: Iole đang còn ngồi ở cái bàn làm móng tay nhỏ trong góc, miệng tủm tỉm. Phía bên kia thì Giuseppe vừa rửa dao cạo vừa mỉm cười. Đột nhiên tôi thấy nhẹ cả người: Giuseppe già hơn tôi, lại xấu xí, thế mà Iole lại chọn anh chàng chứ không phải là Amato. Hai tay giang rộng, tôi chạy nhào tới ôm Giuseppe, miệng la lớn: "Chúc mừng các bạn, nồng nhiệt chúc mừng..." Rồi tôi ôm Iole và hôn lên cả hai má nàng. Trong ba đứa chúng tôi, đúng ra tôi chính là người vui sướng hơn cả.

Ngày hôm sau là một ngày Chủ nhật. Vào buổi chiều, tôi ra đường đi tản bộ. Trong lúc đang đi, tôi nhận ra rằng mình lại bắt đầu ngắm nghía các cô như dạo trước, ngắm kỹ lưỡng từng cô một, cả phía trước lẫn đằng sau.


ALBERTO MORAVIA
Nguyễn Mạnh Tiến chuyển ngữ


Tiểu sử tác giả


Alberto Maravia sinh tại La Mã vào năm 1907, là con của một kiến trúc sư nổi tiếng. Thuở nhỏ ông bị bệnh nặng trong nhiều năm, và học nhiều ngôn ngữ ( tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh ) trong thời gian đó. Ông khởi sự   viết truyện vào năm 1925, khi đang làm phóng viên cho hai tờ báo La Stampa và La Gazzetta del Popolo ở Turin. Trong những năm chót của thời kỳ Phát-xít, truyện của ông bị cấm, và ông phải ký tên giả để có thể tiếp tục sáng tác. Trong giai đoạn Ý bị Đức chiếm đóng, ông phải lánh lên núi cao ẩn náu cho đến ngày giải phóng vào năm 1944. Ông được coi như nhà văn hàng đầu của văn chương Ý hiện đại, Trong số những tác phẩm xuất sắc của ông, có thể kể tập truyện ngắn Roman Tales ( truyện ngắn trên đây được trích từ tập này ), các truyện dài Two women, Conjugal love, The conformist, The fancy dress party v.v...



Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Alberto Moravia

Alberto Moravia

Loading