Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm là di tích lịch sử của Thăng Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Tên cũ là hồ Lục Thủy hay hồ Thủy Quân.
Đây là một khối nước ngọt nằm giữa trung tâm thành phố, có chiều dài tối đa là 700m, độ rộng tối đa là 250m, chu vi 1750m, độ sâu trung bình từ 1 đến 1.4m. Hồ hình chữ nhật , phía Bắc giáp hàng Đào và khu Phố Cổ, phía Nam giáp Tràng Thi và Tràng Tiền, phía Tây giáp đường Lê thái Tổ và khu Bảo Khánh, phía Đông giáp đường hàng Bài và Quận Hoàn Kiếm.
Sinh vật nổi tiếng sống trong hồ là những con Rùa khổng lồ thuộc họ Ba Ba (Trionychidae) có tên khoa học là Rafetus leloìi.
Những công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng gồm có Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, Tháp Hòa Phong, Đền Bà Kiệu và Nhà Thủy Tạ.
Đi tản bộ thong thả quanh Hồ, người ta gặp rất nhiều loại cây.Những cây này không được trồng theo một hình thức quy mô nào.
Tô Hoài viết: “ Có phải cây Hồ Gươm đã được trồng lên từ trong những chuyện cổ tích. Ông lão nào như ông lão đeo ống tranh cô tiên Giáng Kiều từ đằng cầu Đông đi xuống nghỉ chân bên Hồ, đặt một chiếc giành đất cây giống xuống. Có khi cây được trồng vào độ mưa phùn tơi đất, có khi hàng trăm năm nghìn năm mới lại gặp một ông lão.Mỗi cái cây bên nhau mà khác nhau đều mang chứng tích lịch sử và thời gian thế vậy.”
Ta hãy làm một danh sách những cây mọc quanh bờ Hồ: cây lộc vừng, cây mõ, cây ô môi, cây đa , cây đề, cây gạo, cây sung, cây si, cây sanh, cây sấu, cây me, cây vông, cây kim giao, cây liễu, cây sữa, cây nhội, cây gỗ tếch, cây phượng vĩ.
Ta hãy khảo sát từng cây một.
CÂY LỘC VỪNG
Tên khoa học là Barringtonia acutangula, mọc quanh ven biển Nam Á và Bắc Úc. Tại Việt Nam, kiếm thấy được từ Hòa Bình đến Bình Dương. Cây nằm trong Tam Đa sinh vật cảnh Vạn THỌ, LộC Vừng, SUNG túc.
Hoa đỏ nở mỗi năm hai lần, giữa năm và gần Tết,thường được trồng làm cây kiểng. Người ta ăn lá như rau sống hay rau ghém, đọt non thái nhỏ trộn gỏi. Quả và vỏ ngâm rược dùng làm thuốc chữa đau mắt, đau lưng, đau dạ dày và bệnh tiêu chảy.
CÂY MÕ
Tên khoa học là Manglietia conifer thuộc họ Mộc Lan, thường mọc trong rừng thẳm, trồng cạnh cây lộc vừng bên Hồ Gươm, có thể cao tới 20m, cành lá xòe cánh quạt, hoa mầu vàng đỏ.
CÂY Ô MÔI
Tên khoa học là Cassia grandis thuộc họ Vang, có thể cao tới 20m, phần nhiều mọc ở Gò Công và Hà Tiên.
Hoa mầu đỏ như hoa đào nở giữa mùa Hạ, lá dùng làm thuốc, trái dùng để nấu chè.
THẦN CÂY ĐA, MA CÂY GẠO, CÚ CÁO CÂY ĐỀ
CÂY ĐA tên khoa học là Ficus Bengalensis thuộc họ Dâu Tầm còn được gọi là cây hải sơn, cây dong, cây đa.
Phần lớn các làng mạc Bắc Bộ Việt Nam đều có cây đa cổ thụ mọc cạnh đình đền, dưới gốc cây có xây miếu thờ, các dây rễ theo tục lệ thường treo lủng lẳng các bình vôi xa trông như đầu lâu. Hồi nhỏ mỗi lần về thăm quê một mình đi qua cây đa đầu làng là hồn vía tôi lên mây, cắm đầu chạy một mạch về nhà không dám ngoái đầu lại!
Ở Hà Nội, gốc đa cổ thụ nằm tại đầu đường Tràng Thi bên cạnh những bụi mây bụi song. Giữa thành phố mà hóa như đất trung du bán sơn địa! ( Tô Hoài).
Cây đa lớn nhất thế giới sống tại Pune, Ấn Độ, có chu vi rộng tới 800 m!
Tại Hải Phòng, Việt Nam, có cây đa 13 gốc, là một kỳ quan thu hút rất đông du khách.
CÂY GẠO tên khoa học là Bombax ceiba còn được gọi là mộc miên hay hồng miên.
Hoa 5 cánh mầu đỏ, nở vào mùa Xuân. Sợi bông của hoa cũng được dùng để thay thế cho sợi của cây bông.
Tô Hoài viết: "Cái gốc gạo hiền lành, xù xì như tảng đá vì những nhát dao tước vỏ cây từ thuở trong phố còn những cột đèn dầu thắp ở các ngã tư đường thập đạo, người ta lấy vỏ gạo về làm thuốc bóp chân sái, tay gẫy ---những bài thuốc ai cũng thuộc.” Chẳng hiểu tại sao người ta lại tin cây gạo là nơi ma trú ẩn.Dưới đây là hình cây gạo 700 năm tuổi đời.
CÂY ĐỀ tên khoa học là Ficus religiosa còn gọi là cây Bồ-đề. Tương truyền dưới gốc cây này thái tử Tất-đạt-Đa Cồ-đàm đã đạt tới Giác Ngộ và trở thành một vị Phật. Cây có thể cao tới 30 thước, lá cây hình trái tim.
Wikipedia viết: "Hiện người ta có thể chiêm ngưỡng một cây Bồ-đề rất lớn tại chùa Đại Bồ-đề ở Bồ-đề đạo tràng cách Patna 96 km. Đây là con của cây Bồ-đề mà ngày xưa Phật Thích Ca Mâu-ni đã ngồi thiền định 49 ngày sau khi thành tựu Vô thượng chính đẳng chính giác.” Vì người ta tránh sát sanh nơi thiêng liêng nên cây là nơi trú ẩn của nhiều sinh vật.
Hình trên là cây Bồ-đề ở Bodhi Gaya và ở Hà Nội.
CÂY SUNG
hay Ưu đàm thục hay tu quả dong, tên khoa học là Ficus racemosa thuôc họ Dâu Tầm. Sung tiếng Phạn là Udumbara là hoa được nhắc đến trong Diệu Pháp liên hoa kinh. Cây thường mọc ở gần sông hồ và có thể cao tới 30 m. Hoa đực và cái cũng như vú lá mọc ra trên cùng một cây, quả mọc từng chùm trên các cành nhỏ trên thân cây. Lá sung dùng để gói nem sống hoặc ăn kèm với các món ăn dữ dằn như các loại gỏi hoặc dùng làm thuốc. quả sung ăn sống vị chan chát hoặc dùng để muối dưa. Trái sung tượng trưng cho sự sung túc trong mâm ngũ quả.
CÂY SI & CÂY SANH
CÂY SI còn gọi là cây Gừa hay Cừa, tên khoa học là Ficus microcarpa. CÂY SANH tên khoa học là Ficus Indica, lá nhỏ hơn lá cây si. Cả hai đều được người ta ưa chuộng trồng làm cây bonsai.
Quanh hồ Gươm có một số cây si đại thụ, cành cây uốn cong xuống mặt hồ.Tôi đã từng ngồi trên một cành này xem Quân đội Pháp diễn hành ngày 14 tháng 7, có biểu diễn nhẩy dù một vài anh rơi tòm xuống hồ, vài Cụ Rùa thấy động nổi lên mặt hồ bơi lặn, tôi xem đã con mắt! Ngoài ra, chẳng hiểu tại sao lại có từ ngữ “trồng cây si” để ám chỉ mê gái?!
CÂY SẤU
Tên khoa học là Dracontomelon duperreanum thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae ). Còn gọi là sấu tía, sấu trắng hay long cóc. Cây có thể cao tới 30m, mọc ở trong rừng vùng miền Bắc, ít thấy ở Nam Kỳ.
Hoa nở mùa Xuân-Hạ, quả ra mùa Hạ-Thu. Quả thuộc loại quả hạch một hạt. quả xanh dùng để nấu canh chua hay giầm nước rau muống luộc, hay lấy cùi thịt của quả chín để làm mứt, ô mai, làm chắm trẻ con nào cũng mê!
Hà Nội trồng rất nhiều cây sấu để lấy bóng mát, hàng cây sấu quanh hồ Gươm rất thơ mộng, các thanh niên thiếu nữ thường ra đây đi dạo liếc mắt đưa tình!
Đến mùa trảy quả , thành phố cho doanh thương đấu thầu những cây sấu cây me, những người này thuê cảnh sát đi tuần hành canh chừng. Tụi trẻ em nghèo khó trèo cây ăn trộm, bị lính ruồng bắt chạy trốn, rủi trượt chân té cây bể đầu gẫy xương, có khi bỏ mạng, thật là thương tâm!
Dân Hà Nội thường rủa những trẻ em biếng học, lêu lổng ngoài đường là đồ “trèo me trèo sấu." Quả sấu còn dùng để trị một số bệnh thông thường.
CÂY ME
Tên khoa học là Tamarindus indica thuộc họ Đậu. Cây có thể cao tới 20m. Hoa tạo thành dạng cành hoa, quả thuộc dạng quả đậu mầu nâu da cứng.
quả me dùng để nấu canh chua và là một gia vị quan trọng trong Worcestershire sauce và sauce HP. Người ta cũng dùng me để làm kẹo và mứt rất được ưa chuộng trong ngày Tết.
CÂY VÔNG
Còn gọi là Vông đồng hay Vông vang, tên khoa học là Hura Crepitans thuộc họ Đại kích. Xuất phát từ rừng nhiệt đới vùng Amazone Nam Mỹ, cây có thể cao tới 30m.
Hoa không cánh nở mùa Thu mầu đỏ choét. Đỏ như hoa vông, đông như miếng tiết. Người ta dùng nhựa cây này để đầu độc cá hoặc để chế một thức uống gây ảo giác gọi là Ayahuasca.
CÂY KIM GIAO
Tên khoa học là Nageia flreuryi đưa từ rừng Mai Châu và Cát Bà về.
Đặc biệt của chi Nageia là lá hình bầu dục dạng có gân. Cây có thể cao tới 25m, tán cây hình tháp. Gỗ thân cây mầu trắng đẹp và bền. Các Vua Chúa thời xưa thường dùng đũa làm bằng gỗ cây Kim Giao để thử độ độc của thức ăn. Nếu đồ ăn có thuốc độc thì đũa sẽ xám đen lại.
CÂY LIỄU RỦ
Tên khoa học là Salix, chì có một vài cây liễu rũ cạnh nhà Thủy Tạ nằm ở phía Tây Bắc bờ Hồ.Hoa đuôi sóc đơn tính khác gốc, nở vào mùa Xuân, mầu hồng tía. Quả dạng nang nhỏ một ngăn chứa nhiều hột nhỏ. Lá và vỏ thân cây chứa chất Salicilin. Năm 1897, ông Felix Hoffmann chế ra chất tổng hợp Salicilin từ các loài Spiraceae ( hoa hồng ). Đây là chất acid AcetylSalicylic được hãng Bayer đặt tên thương mại là Aspirin.
Bình Nhưỡng là thủ đô của cây liễu rũ.
Gió đưa cành liễu la đà
Tiếng chầy Yên Thái, canh gà Thọ Xương!
CÂY SỮA
Tên khoa học là Alstonia scholaris thuộc họ La bố na, ta còn gọi là hoa mò cua hay mù cua (?). Cây có thể cao tới 60m.
Hoa hình phễu, mầu trắng vàng hồng hay lục, cụm hoa mọc ở đầu ngọn hay nách lá. Hoa thơm có thể nồng nặc nếu cây trồng mật đô cao, hoa rớt xuống làm đường xá nhầy nhụa, nhiều tỉnh miền Trung Việt đã đâm đơn kiện chính quyền địa phương.
CÂY NHỘI
Còn gọi là cây Sếu, cây cơm nguội, cây phác.Tên khoa học là Cellis sinensis thuộc họ Gai dầu.
Cây có thể cao tới 20m, hoa nở vào tháng 3-4, quả dáng hạch hình cầu.
CÂY GỖ TẾCH
Còn gọi là cây Giá tỵ. Tên khoa học là Techtona grandis. Đây là loại cây gỗ có thể cao tới 30-40m, khu vực phân bố là Ấn Độ và Đông Dương.
Gỗ mầu vàng sẫm hay hơi xám nâu, không bị mối mọt, nấm mộc phá hoại,lại chịu được nước mặn, nên dùng làm đồ nội thất, xà nhà ván nhà, đóng tầu đi biển...Kỹ nghệ trồng gỗ tếch đang phát triển mạnh tại Đông Nam Á. Cây gỗ tếch cũng là biểu tượng của người Thái Lan.
Lá và quả cây tếch
CÂY PHƯỢNG VĨ
Những tên gọi khác là Phượng, Xoan Tây, Điệp Tây hay hoa nắng. Tên khoa học là Delonix regia thuộc họ Đậu, cây này xuất phát từ đảo Madagsacar và nay đã lan tràn trên khắp thế giới.Hải Phòng được gọi là thành phố hoa phượng đỏ!
Lá như lông chim, mầu xanh lục sáng, hoa đỏ rực nở vào mùa Hè.
phượng vĩ bên sông Hương
Chúng ta đã khảo sát sơ qua những cây cối mọc quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm.
Khác với những đô thị lớn và những Thủ đô trên thế giới, những cây cối này không bị gò bó theo một hình thức quy mô nào. Phần lớn là những thổ sản của các làng mạc kế cận, một số được đưa từ các rừng rú miền Bắc hay Trung Việt hoặc từ đồng bằng miền Nam, một vài cây được du nhập từ Trung Quốc hay Nam Mỹ. Nhưng tất cả đều tỏ vẻ thanh thản bình yên hài lòng với môi sinh chỗ đứng của mình, không cây nào tỏ vẻ lạc lõng hay bị trấn áp bởi bàn tay con người. Mà cái sự việc này cũng là sự ngẫu nhiên, chẳng phải do ai sắp đặt, hay nếu có thì cũng chẳng lộ liễu.
Dạo quanh bờ Hồ, người ta có thời giờ suy gẫm về sự xoay vần của Tạo Hóa. Cũng như lắng tai nghe tiếng rì rầm của cây cối, hình như đang kể lại những diễn biến lich sử mà chúng đã chứng kiến trong mấy ngàn năm qua.
Tôn Kàn
Hè 2013