Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Trần Văn Tích
Mỗi con người trong chúng ta đều mang bản sắc và cá tính rõ nét về những đặc điểm thể chất, phong cách, tài năng, thân phận, ý chí, đạo đức, vai trò xã hội. Sự hình thành nhân cách đó là một quá trình kéo dài nhiều năm từ lúc sơ sinh cho đến lúc nên thân người, qua sự sinh trưởng thành thục hay suy thoái xuống dốc của cơ thể; qua sự tiếp nhận các yếu tố văn hoá xã hội trong những mối quan hệ cộng đồng phức tạp; qua sự hình thành những cơ cấu tâm lý dựa trên các quá trình vô thức hay hữu thức. Khoa tâm lý học xã hội đã chứng minh tác động của những phương pháp tuyên truyền giáo dục, của các phương tiện thông tin đại chúng, của quảng cáo, của dư luận trên các mặt ứng xử, suy nghĩ thuộc cuộc sống nội tâm và thậm chí trên cả ngoại hình cơ thể.
Chế độ thống trị càng tàn ngược, dấu ấn lưu lại trên cá tính công dân càng rõ nét. Chính sách tuyên truyền càng bưng bít, vô thức xã hội càng có nhiều cổ hình đúc bản (archétypes stéréotypés). Những huyền thoại xã hội, những biểu tượng chế độ tác động lên tâm lý đám quần chúng bị bưng tai bịt mắt khiến cho các thành viên của dân tộc sinh sống và lớn lên trong chế độ toàn trị thường lập lại những hình tượng tương tự mà cốt lõi tạo hình nằm trong noãn sào vô thức xã hội. Người cộng sản tự ru mình bằng những hư tưởng, ảo giác; họ núp bóng trong hàng hàng lớp lớp hải thị thẩn lâu (*). Bà Đặng Mỹ Dung-Yung Krall đã qua một giai đoạn cuộc đời trong hoàn cảnh hải hùng bi thảm đó.
Bà Đặng Mỹ Dung vốn gốc miền Nam. Bà lớn lên ở một ngôi làng nào đó. Thân phụ bà tập kết ra Bắc năm 1954 và trở thành Đại sứ của cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam tại Liên Xô cũ trong bảy năm. Thân mẫu bà không theo chồng mà ở lại miền Nam nuôi nấng các con thành người. Bà Đặng Mỹ Dung kết hôn cùng một công dân Hoa Kỳ và có thêm danh tính mới Yung Krall. Vị nữ lưu Đặng Mỹ Dung-Yung Krall viết sách kể lại đời mình bằng Anh ngữ rồi cũng chính bà tự dịch sách mình sang Việt ngữ. Cho nên sách có hai tên gọi : A thousand tears falling / Ngàn giọt lệ rơi.
Tôi không có ý định đọc sách của Đặng nữ sĩ. Nhưng tôi thấy có nhu cầu trình bày nhận thức cá nhân xung quanh hai câu văn bà viết ở chương sách mở đầu. Hai câu đó nguyên văn quốc ngữ như sau : “Hồi tôi còn nhỏ, khái niệm về màu sắc của lá quốc kỳ trong vùng kháng chiến đã in sâu vào lòng tôi. Màu cờ đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, ngôi sao vàng ánh biểu dương cho nòi giống oai hùng của dân tộc Việt mình.”
Để tránh tình huống có thể bị nghi ngờ, thậm chí bị kết tội đoạn chương thủ nghĩa, tôi xin nói rõ là tôi chỉ ghi lại suy nghĩ riêng tư xung quanh tình huống khai sinh, hoàn cảnh chào đời của hai câu văn trích dẫn mà thôi chứ không có dự kiến bàn thảo về nội dung toàn bộ tác phẩm. Ngoài ra, tôi chỉ có hai tài liệu dùng làm nền móng cho bài viết hôm nay : trang 1 và trang 508 trích từ sách Ngàn giọt lệ rơi cùng với đoản văn Sự chọn lựa của má tôi, cũng do bà Đặng Mỹ Dung-Yung Krall chấp bút. Cả hai nguồn dữ kiện đều đến với tôi qua phương tiện internet.
Một anh bạn đồng nghiệp của tôi bên Úc, người đầu têu ra chuyện phê bình hai câu văn liên hệ - cùng hai, ba câu văn / đoạn văn khác - tỏ thái độ bất bình về nội dung của chúng. Không ưa gì lá cờ của cộng sản, tôi cũng góp ý theo cùng chiều. Nhưng một số người lại tỏ ra bất bình với hai anh em chúng tôi. Vốn hấp thụ và hiểu biết sâu xa nền văn hoá khai phóng, nhân bản của phương Tây, họ chủ trương rằng hai câu văn đang bàn chính là BOP (Beliefs, Opinions, Perceptions) của tác giả (sic). Cho nên người đọc phải tôn trọng BOP.
Vấn đề tiên thiên, a priori, đặt ra là hai câu văn được trích dẫn để phân tích có phải là BOP hay không. Theo tôi thì không.
Bà Đặng Mỹ Dung-Yung Krall sinh năm 1945. Năm thân phụ bà ra Bắc tập kết bà được chín tuổi. Tôi ngồi trước máy vi tính gõ bài viết ngắn này qua cố gắng nhìn lại tâm lý cô bé Mỹ Dung từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi lên chín, dựa cơ bản vào cuốn sách nhỏ Từ điển tâm lý thuộc Tủ sách Tâm lý Trẻ em của BS Nguyễn Khắc Viện. Và bỗng nhiên cảm thấy một nỗi sợ hãi kinh hoàng không ngờ trước được và không lường trước được.
Không cần nhắc lại các giai đoạn nằm trong bụng mẹ, giai đoạn sơ sinh, giai đoạn bồng bế, tôi xin bắt đầu bằng giai đoạn đi nhà trẻ, thuờng là từ ba tuổi. Vào thời điểm này, trẻ có thể đi lại, nói năng, tương đối độc lập. Thời kỳ học mẫu giáo kéo dài thông thường từ ba đến sáu tuổi, bé bắt đầu biết suy nghĩ, và trong xã hội cổ truyền Việt Nam, bé từ từ học ăn, học nói, học gói, học mở. Đến khi lên chín - tuổi của bà Đặng Mỹ Dung-Yung Krall khi suy nghĩ của bà hình thành nên những tư tưởng ký thác trong hai câu văn đang được phân tích - trẻ trải qua bước đầu có khả năng tiếp nhận các kiến thức một cách có hệ thống, đại não chuyển biến đạt thành tích tư duy sơ khởi theo lý luận, nghĩa là trẻ chập chững biết phán đoán. Tính tình cũng ổn định dần, trẻ khởi sự biết cách cư xử hợp đạo lý lễ giáo, chấm dứt giai đoạn “trẻ con.“
Trong những điều kiện sinh hoạt xã hội bình thường, ổn định, từ ba bốn đến sáu bảy tuổi, trẻ học mẫu giáo. Lứa tuổi ngây thơ có những đặc điểm phát triển tâm lý như chuyển từ tư duy chủ yếu duy kỷ sang tư duy trừu tượng sơ khai rồi bắt đầu có tư duy hợp lý. Trẻ cũng bước từ vô thức sang hữu thức, trẻ có ý thức về bản thân, về vị trí của mình trong gia đình, trong xã hội. Môi trường mẫu giáo tạo điều kiện tiếp tay trẻ bước qua giai đoạn này thông qua một phương thức giáo dục đặc thù, dành riêng cho lứa tuổi liên hệ là chơi. Trẻ chơi để học, trẻ học qua chơi. Phát triển tâm thần trong những điều kiện như vừa mô tả, trẻ được chuẩn bị để đến khoảng sáu bảy tuổi thì bắt đầu tập đọc tập viết một cách “chính qui“. Tóm lại, song song với quá trình sinh trưởng càng ngày càng thành thục của cơ thể, trẻ thơ tiếp nhận các yếu tố văn hoá, xã hội qua nhiều mối quan hệ cộng đồng phức tạp trên cơ sở hình thành những cơ cấu tâm lý thuộc biểu hiệu vô thức hay hữu thức.
Nhưng trẻ lên sáu, lên bảy, lên tám, lên chín chưa đạt được trình độ tư duy trừu tượng đúng nghĩa. Tư duy trừu tượng rút ra (trừu 抽 nghĩa là lấy ra, rút ra) từ một sự vật phức tạp một hay nhiều yếu tố và dẫu rằng trong thực tế các yếu tố đều liên kết với nhau nhưng trong tư duy mỗi yếu tố lại là độc lập. Cũng có thể trình bày theo cách khác : tư duy trừu tượng là một quá trình đi từ điểm giống nhau của các hiện tượng khác biệt mà rút ra một quan niệm tổng quát, khái quát. Tỷ như trong không gian - trong thời gian cũng thế - bao giờ cũng có những vật thể với nhiều thuộc tính (màu sắc, hình dáng, dày mỏng v.v..) nhưng tư duy trừu tượng có thể tách ra một khái niệm không gian trống không để nghiên cứu về không gian. Lá cờ bà Đặng Mỹ Dung-Yung Krall đề cập bay trong không gian. Nếu chúng ta tin rằng hai câu văn do bà viết trong hồi ký là beliefs, opinions, perceptions - cho nên cần được tôn trọng - của cháu bé nhỏ hơn chín tuổi thì quá trình thành hình hai câu văn đó phải qua nhiều giai đoạn phức tạp như sau. Cây cờ có hai thuộc tính được cô bé Mỹ Dung chưa tròn chín tuổi lấy ra, rút ra, tách ra, để trừu tượng hoá, nhân cách hoá, lãng mạn hoá, khái quát hoá. Hai thuộc tính đó là màu đỏ của nền lá cờ và màu vàng của ngôi sao năm cạnh. Chất xám của cô bé dưới chín tuổi hay tròn chín tuổi khởi đi từ thao tác bóc, tách, rút đó để chuyển sang bước kế tiếp : cô trình bày nhận thức, cô phu diễn tình cảm của mình. Đến bước thứ ba, cô lại trừu tượng hoá một lần nữa và đem cái riêng của màu nền cờ, của ánh sáng sao đặt song hành với những đặc điểm tập thể hết sức trừu tượng là đức tính dũng cảm, là nòi giống oai hùng.
Trong thực tế tâm lý học và xã hội học, quá trình phát triển tâm thần nơi trẻ chưa tròn chín tuổi không thể hoàn tất được qui trình luận lý đó, chưa đạt được năng khiếu nhận thức đó.
Có kẻ làm việc đó thay cho bé Mỹ Dung “trong vùng kháng chiến“. Cái cơ chế ma quỷ là bộ máy tuyên truyền nhồi sọ của Việt Minh nhét đầy vào trí óc non nớt thơ ngây của bé hai ý niệm-khái niệm-phương trình-đẳng thức : 1) màu cờ đỏ = sự dũng cảm, 2) ngôi sao vàng = nòi giống oai hùng. Thay vì cho bé chơi để học, học qua chơi, những thứ người lớn ma vương ngạ quỷ đã lợi dụng tình trạng non nớt của trí não, thực trạng chưa chín của chất xám để lưu lại trên hai bán cầu của cháu bé đáng thương một thứ tỳ vết tâm linh không bao giờ tẩy sạch nổi, không cách nào bôi xoá được. Những thế lực yêu tinh đã tận lực trường kỳ tuyên truyền cưỡng bách đến mức đối tượng trẻ nít phải mù quáng nghe theo; chúng truyền thụ cho trẻ những tri thức trên khả năng hiểu biết và thu nhận của bé. Nạn nhân thơ dại của chúng ta, đương nhiên, không hề có một tí xíu lỗi nào cả. Cháu chỉ tiếp nhận suy nghĩ của người khác một cách hoàn toàn thụ động, không một chút phê phán tích cực.
Tâm lý học nhi khoa chứng minh rằng trẻ em rất dễ bị ám thị. Cho nên trong lĩnh vực tư pháp tố tụng, quan toà không thể dựa vào lời khai của các cháu các em; và chi tiết càng cụ thể thì càng đáng nghi ngờ, vì đó là những chi tiết do người lớn ám thị rồi thốt nhiên hay tiệm tiến in sâu vào tâm trí các cháu các em, khiến các cháu các em kể lại cứ “y như thật“. Trường hợp hai câu văn của nữ tác giả Đặng Mỹ Dung-Yung Krall là ví dụ cụ thể điển hình. Bà hạ bút viết chúng rõ ràng, rành mạch tựa hồ như bà là người trong cuộc, giống in như chính bà là tác giả chân chính của chúng. Bà bị ám thị, hay nói cho chính xác hơn - và cũng rùng rợn hơn -, bà bị quỷ ám.
Hiện tượng quỷ ám còn biểu thị qua ít nhất hai di chứng khác thuộc phạm vi dụng ngữ và nhận thức của nữ tác giả Ngàn giọt lệ rơi. Từ năm chín tuổi trở đi, qua quyết định can đảm và sáng suốt của mẫu thân, thiếu nữ rồi thanh nữ Đặng Mỹ Dung được đào tạo trong môi trường giáo dục của chế độ cộng hoà. Như thế tính cho đến khi miền Nam mất, cô/bà đã hấp thụ nền giáo dục nhân bản, khai phóng không dưới hai thập niên. Nhưng qua vỏn vẹn hai trang sách và một đoản văn được chuyển tải trên mạng, người đọc thấy bà thư thái sử dụng từ vựng đẫm chất cộng sản : cái nôi của cách mạng, chính phủ cách mạng, nhà cách mạng, cán bộ cách mạng; vùng giải phóng, quân giải phóng; Bắc Bộ.
Chỉ có lối sáu năm quỷ ám mà vẫn lưu lại ảnh hưởng rất nặng nề lên ngôn ngữ thường nhật của người thiếu phụ dẫu rằng ít nhất trong hai mươi năm bà đã “được sống ở miền Nam, được hít thở không khí tự do và hiểu được thế nào là dân chủ“. Quỷ ám khiến bà không có - hay đánh mất - thói quen sử dụng ngoặc kép trong văn bản. Mặt khác, và vẫn do di hại thảm khốc của quá trình quỷ ám, cô/bà Đặng Mỹ Dung-Yung Krall đã cưu mang suy tư bất bình thường khi tự đánh giá mình là con của một người yêu nước tuy rằng trong thực tế, qua quá trình bỏ vợ bỏ con hai lần - một lần khi tập kết ra Bắc và một lần khi tái ngộ ở Paris - thân phụ bà chỉ biết cúc cung phục vụ một chế độ bạo tàn độc ác nhất lịch sử dân tộc chứ không hề biết đến tổ quốc Việt Nam.
Đương nhiên tuổi nào cũng chịu ảnh hưởng của xã hội chung quanh chứ chẳng riêng gì tuổi thơ. Con người không thể nào không tiếp nhận ít nhiều ảnh hưởng của những yếu tố phong tục, tín ngưỡng, kỹ thuật, giáo dục. Riêng trong chế độ cộng sản, dấu ấn của tuyên truyền, cải tạo càng sâu sắc bội phần. Tuy nhiên hậu quả của xã-hội-hoá thuở ấu thời không nhất thiết phải luôn luôn cố định vì diễn biến đó chịu tác động của các thành tựu trí lực, của những cơ cấu nhận thức. Hy vọng nữ sĩ Đặng Mỹ Dung-Yung Krall có đủ nội lực, bản lĩnh, tài ba, khả năng để tự biến cải tác động xã-hội-hoá thiếu thời.
Nhưng lập luận của những người chủ trương rằng hai câu văn trong tác phẩm hoài niệm thuở ấu thời của vị nữ lưu Đặng Mỹ Dung-Yung Krall là thuộc loại beliefs, opinions, perceptions thì lại rất đáng bàn thảo thêm. Thừa hưởng một nếp sống tự do trong một xã hội nhân bản, vận dụng những quan điểm tinh hoa thuộc một văn hoá mẫu mực, đưa ra các suy tư ưu hạng của một trí tuệ tráng kiện, chính những người đề xướng phải tôn trọng những gì gì là beliefs, là opinions, là perceptions được họ gán một cách phũ phàng cho cháu bé Mỹ Dung thực ra đã có những beliefs, những opinions, những perceptions không khoẻ mạnh, thiếu khoa học, sai tâm lý. Ba mươi sáu năm qua rồi mà vẫn còn có thể có người Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài thuộc cộng đồng tỵ nạn chúng ta suy nghĩ như thế thì sức tàn hại của chất phóng xạ cộng sản thật quá chừng khủng khiếp. Có thể có người sẽ cãi rằng những BOP (sic) được đề cập và phân tích là những ý nghĩ do con người trưởng thành Đặng Mỹ Dung-Yung Krall ghi lại, cho nên đó là những BOP phải được trân trọng. Nhưng không phải vậy, theo cách trình bày của nữ tác giả, bà ký thác những ký ức, những suy tư thơ ấu chứ không phải những ký ức, những suy tư của người đứng tuổi nhìn ngược lại dòng thời gian.
Cho nên tôi gõ máy viết bài đến đây mà vẫn cứ thấy ớn xương sống, nổi da gà.
22.05.2011
(*) Hải thị thẩn lâu là những ảo ảnh thị giác các người di chuyển ngoài biển hay trong sa mạc thường ghi nhận.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013