Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Vĩnh Chánh
Để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh trong Chiến Trường Việt Nam và mến tặng các BS. Quân Y của Quân Lực VNCH, đặc biệt các đàn anh trong Tiểu Đoàn Quân Y Nhảy Dù và các y sĩ tiền tuyến từng sát cánh với các đơn vị tác chiến.
Một cuối tuần đầu thu, có một cuộc hội ngộ nhỏ QYND diễn ra ở quán cà phê Mưa Rừng trong buổi sáng mát lạnh tại Little Saigon. Với sự hiện diện của niên trưởng Trần Tấn Phát, quý đại ca Phạm Gia Cổn, Mai Minh Chí, Nguyễn Mậu Trinh đi cùng anh vợ là Bửu Khải, tức họa sĩ Nguyên Khai và người bạn Nguyễn Đình Cường.
Ngồi bên nhau, BS. Cổn tình cờ đọc cho tôi nghe vài câu thơ của BS. Trần Đức Tường. Tò mò kích thích, về nhà lục soạn kho bài cũ trong tháng 8, 2010 của web svqy.org, tôi tìm thấy bài thơ “Tiễn Anh” do y sĩ Thiếu Tá Trần Đức Tường, Tiểu Đoàn Trưởng TĐQY của Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH, là “Đích Thân” của tôi trong thời gian tôi phục vụ TĐQYND, sáng tác khi lần đầu tiên tham dự cuộc hành quân với đơn vị tác chiến trong chức vụ y sĩ trưởng TĐ3ND. Bài thơ đã được phổ nhạc bởi Y Sĩ Đại Úy Phạm Gia Cổn, nguyên y sĩ trưởng TĐ1ND, là đơn vị tác chiến lẫy lừng mà tôi đến nhậm chức hai năm sau.
Đây không phải là một bài thơ hay khúc nhạc diễn tả sự từ giả “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế” hay nói lên sự sầu vương của chia lìa trong tình yêu “Giờ vĩnh biệt tôi ngại ngùng không nói. Không dám nhìn đôi mắt nhỏ ngây thơ”. Đây cũng không phải là bài thơ soạn theo lời kể chuyện hay thuộc loại phóng sự chiến trường. Đây chính là một bài thơ “sống” với “cảm xúc thật”. Bởi chính tác giả đã làm nhân chứng trước một cái chết hào hùng ngay tại mặt trận khi tiếng súng đang còn rền vang. Với tất cả sự cẩn thận tinh tế của một bác sĩ, lòng kính trọng đối với người quá cố và lời nguyện cầu kín đáo, người y sĩ tiền tuyến dang rộng tay tiếp nhận xác của đồng đội đã tử thương trước khi đến lều cấp cứu, ôm choàng thi thể, dù chỉ để vuốt mắt, thấm đi giòng máu tươi đang còn rỉ, chùi rửa băng bó vết thương.
Trong khi bên ngoài chiến sự vẫn còn tiếp diễn, dưới ánh sáng nhảy múa của hỏa châu và trận pháo, tác giả nằm sát trong hố cá nhân ghi vội những cảm nghĩ đầy xúc động của mình, thể hiện tình cảm thiêng liêng giữa những người từng sát cánh chiến đấu bên nhau trong tinh thần frères d’armes.
Tôi đọc bài thơ “Tiễn Anh” bằng mắt, rồi bằng tiếng. Lúc đầu chỉ ư ê, rồi lớn dần. Tôi lập lại nhiều lần, và nhiều lần hơn nữa. Tôi dừng lại ở từng chữ một của mỗi giòng để cố hình dung khung cảnh trận chiến ngày hôm ấy, ráng soi thấu tâm trạng của anh Tường trong lần baptême de feu này. Sự xúc động mãnh liệt thế nào để Anh sáng tác bài thơ ấy.
Những câu thơ bảy chữ, ngắn nhưng đủ để diễn tả cái chết bất ngờ đột ngột đến trong những giây phút đầu tiên của trận chiến. Với lời thơ chính xác, đau xót nhưng khí khái và sắc bén như mủi nhọn đâm thẳng vào lòng người.
Nhảy xuống cùng tôi trên trận này
Hờn lên khóe mắt, súng cầm tay.
Ai ngờ trong đợt xung phong ấy
Anh chết khi nào anh chẳng hay
Vì không trực tiếp phỏng vấn “Đích Thân”, tôi đành phải một mình mường tượng hình ảnh những chiến binh ND xông vào cuộc chiến hôm ấy. Tôi muốn nghĩ đây là một trận chiến với cảnh nhảy dù ngay trên vùng địch để lòng mình chợt reo lên như những cánh dù bung trong gió. Nhưng dù có nhảy từ trực thăng hay vào vùng bằng đường bộ, “nhảy” đây có nghĩa là nhảy vào trận chiến, xông pha vào chốn đầu tên mủi đạn, can cường chấp nhận mọi gian khó, hy sinh. Súng cầm tay, đạn đã lên nòng, người chiến binh quyết tâm đánh bật quân địch. Không như ánh mắt dã tâm của kẻ xâm lăng luôn hằn vẻ hận thù, ngược lại ánh mắt anh chỉ thoảng “hờn” một cách chính đáng, như thầm ngạo nghễ nói lên chúng mầy bố láo quá! Ta sẽ cho chúng mầy biết tay!
Rồi người chiến sĩ và đồng đội của anh tiến dần đến phòng tuyến của địch. Đạn pháo rơi tơi bời xuống trận địa vẫn không cản được sức tiến của trung đội anh; những tiếng đạn nhỏ bay rít trong gió hay nổ lụp chụp xung quanh anh vẫn không làm anh giùn bước. Anh vẫn bình tỉnh vừa bắn, vừa cẩn thận tiến chậm về hướng rừng thưa. Nơi địch nằm chờ trong các công sự chiến đấu hay chui r úc dưới các hầm hố. Rồi theo lệnh trên, cánh quân anh tạm dừng chân. Trung đội anh nằm rãi dài dựa sau bờ ruộng. Qua điện đài, người đại đội trưởng xin cấp trên yểm trợ bằng súng cối mong dập tắc phần nào hỏa lực của địch trước khi quyết định dứt điểm đối phương.
Cùng với 2 trung đội bạn, trung đội của anh được lệnh cởi bỏ balô, gắn lưởi lê lên nòng súng, chuẩn bị xung phong trong khi đạn súng cối rớt liên tục và chính xác vào phòng tuyến địch. Ngay sau tiếng nổ của viên đạn súng cối cuối cùng, trong tiếng hô xung phong vang rền trời, anh và đồng đội đồng loạt đứng thẳng dây, la lớn những tiếng xung phong đồng thời phóng mình về phía trước, vừa chạy vừa bắn. Chợt thấy ánh sáng loé lên từ khẩu thượng liên của địch nằm kế thân cây lớn, anh chạy nhanh hơn về hướng đó, đồng thời rút quả lựu đạn treo ở dây ba chạc. Không một do dự, anh dùng răng cắn bung kíp lựu đạn và tung mạnh quả lựu đạn vào ổ thượng liên. Cùng lúc ấy, thân hình anh bổng khựng lại rồi anh ngã sập xuống, không kịp nhìn thấy cây thượng liên cùng vài ba thân thể bị văng tung lên trời sau tiếng nổ của quả lựu đạn. Một viên đạn trúng vào đầu anh, đốn ngã anh tại chổ. Sau cuộc xung phong chiếm được vị trí địch, xác anh lính chiến được cáng về lều quân y.
Cũng có thể người chiến sĩ này là một khinh binh đi mở đường cho trung đội của mình. Anh vừa bước đi chậm rải, vừa cẩn thận nhìn trước và 2 bên, nghe ngóng động tỉnh xung quanh. Đi được mươi bước, anh dừng lại, ép mình vào gốc cây, tiếp tục quan sát. Có khi anh quỳ trên một đầu gối, xem xét những vết nghi ngờ trên mặt đất. Vừa qua khúc rẻ của một con đường mòn, anh chợt nhìn thấy một họng súng sáng lên dưới ánh trăng, đang sẳn sàng nhã đạn vào đội hình của anh. Trong một thoáng của chớp mắt, anh vùng lên không một chậm trể, vừa bóp cò khầu súng liên thanh của anh, vừa la to xung phong thẳng vào hướng địch, quyết tìm sinh lộ cho đồng đội của mình qua tử lộ của bản thân. Và anh đã trúng đạn vào đầu, tử thương ngay tại chổ, nhưng anh đã cứu được toán viễn thám của anh trong cuộc phục kích. Còn hy sinh nào cao quý hơn!
Hay người chiến binh này là một vị sĩ quan trẻ tuổi mới ra đơn vị tác chiến và lãnh nhiệm vụ xung trận ngay. Anh đã hăng say chạy từ hầm này qua vị trí nọ để tiếp ứng và nâng đở tinh thần cho toán binh sĩ của mình. Sau những tràng đại liên yểm trợ, anh ra lệnh xung phong. Và trong đợt à l’assaut ấy, anh hướng dẫn toán binh sĩ đánh thẳng vào tuyến địch. Miệng anh la to xung phong, xung phong, một tay anh cầm súng colt, tay kia không ngừng vẩy thúc bước tiến quân. Anh là người đầu tiên gục ngả trên cánh đồng khi địch nhắm bắn vào anh vì biết đây là cấp chỉ huy đơn vị. Anh tử thương tại chổ với viên đạn thù bắn vào đầu, trước khi nhìn thấy địch tháo chạy trước sự dũng mãnh của đợt xung phong anh cầm đầu.
Cũng rất có thể người binh sỉ trọng thương này là một quân y tá Nhảy Dù. Anh gan dạ xung phong vào trận địa cùng với đại đội tác chiến anh phục vụ, ngay bên cạnh người đại đội trưởng. Khi nghe tiếng kêu cấp cứu khẩn cấp, không một do dự anh nhào đến phía người binh sỉ vừa bị thương để làm phận sự. Chính lúc người y tá đang tìm cách băng bó cứu sống đồng đội, anh nhận lãnh một viên đạn vào đầu, gục chết ngay trên mình bạn, như thể lấy thân thể của chính mình che chở cho người thương binh.
Các bạn đưa anh đến chổ tôi
Mày còn dựng ngược vuốt cho xuôi
Súng anh tôi gỡ đem về cất
Sửa lại nhung y đẩm máu rồi
Anh bị vết thương bên trái đầu
Chắc rằng anh chết chẳng nghe đau
Lau đi trên mặt bao đất, máu
Băng lại đầu anh băng trắng phau…
Tôi tự hỏi trong giây phút vừa gục ngã, người chiến binh có kịp kêu lên tiếng “Mẹ Ơi”, như anh từng có thói quen kêu tên Mẹ mỗi khi đau ốm hay gặp rủi ro. Có đủ chăng Anh thì giờ nhớ đến người vợ đang sống bình an ở hậu cứ luôn trông ngóng, chờ đợi anh về. Hay có thấy chăng Anh nụ cười, ánh mắt của người anh thầm yêu mà anh để lại nơi thành phố nhỏ trên bước đường chinh chiến.
Có điều tôi chắc là anh không cảm thấy một đau đớn khi cái chết đến với anh quá nhanh trong bất ngờ. Trong bước tiến xung phóng ấy, anh đang dốc toàn lực chạy nhanh về tuyến địch. Toàn thân anh rướn lên phía trước theo nhịp. Chân anh vững mạnh trong botte de saut. Tim anh đập nhanh đầy hưng phấn. Ngực anh phồng to hít mạnh không khí mang đầy mùi thuốc súng. Mày anh dựng ngược đầy quyết tâm. Mắt anh nở lớn nh́n thẳng, trực diện với nguy hiểm. Tai anh ù điếc vì tiếng hô xung phong của chính mình. Tay anh nắm chặc cây Carbin M2 tự động. Ngón tay anh bóp cò cho ra từng loạt đạn hướng về phía địch. Bổng nhiên, trong một chớp sáng, người anh bổ nhào về phía trước, toàn thân anh rớt mạnh xuống đất, bất động sau một vài co giật nhỏ. Chiếc nón sắt văng nằm bên cạnh, với lổ đạn xuyên phá ở phía trái. Một bên đầu và mặt anh chan hòa với máu Khuôn mặt anh nhăn rúm, mắt anh mở lớn nhìn thẳng vào bầu trời trong xanh; rồi cổ anh nghẹo qua một bên, như muốn hít thở mùi đất mẹ trước khi màn đen sụp xuống vĩnh viễn.
Đưa xác anh không sẳn lá cờ,
Tôi đành tẩm liệm với poncho
Vải dầu che nắng mưa khi trước,
Nay bó thân anh đã cứng đờ
Tôi tiễn anh về một chuyến bay
Mang theo tang tóc chất vơi đầy
Hồn anh theo chuyến tàu bay ấy
Hay vẫn dật dờ phảng phất đây?
Mấy ai từng bước qua trận chiến mà lại không xót xa nhìn thấy những thương binh đổ máu banh ruột, mất tay cụt chân. Có ai không bùi ngùi đau đớn thầm khóc khi đón nhận xác đồng đội tử thương, có khi đã được gói và buộc chặt vào poncho chờ chuyển về tiền trạm, hay oái ăm hơn được đơn vị tạm chôn trên đường di chuyển hay khi căn cứ hoàn toàn bị vây hảm trong nhiều tuần. Trong quá nhiều trường hợp, người y sỉ tiền tuyến cảm thấy bất lực không những vì các vết thương quá nặng, mà còn vì đường tản thương quá dài. Những khi ấy, sự đau xót tăng bội phần, tư tin nghề nghiệp dễ rúng động. Sự hoang mang làm mất đi khả năng suy nghĩ, mấy ai còn được tâm hồn cô đọng và tài thi phú để viết lên bài thơ ai oán hồn tử sĩ như Tiễn Anh
Với tôi, tôi không có sự may mắn, hay nói khác hơn, không có đủ yếu tố thuận lợi để săn sóc tiển biệt tận tay cho chỉ một đồng đội vừa nằm xuống trong trận chiến đầu đời, mà phải tất bật với hàng chục tử thương. Tôi cũng chưa có đủ chiều dài đời lính chiến hay dạn dày phong sương trong thử thách đúng nghĩa của khói lửa binh đao để diễn tả và cảm nhận cái chết một cách sâu đậm. Và dù tôi có được một thời gian ngắn vừa đủ để thấm hiểu cái tình đồng đội sống chết có nhau, sống chết bên nhau, cùng tiến cùng lùi, cùng chịu pháo với nhau, cùng chia xẻ tâm sự và vui đùa với nhau, tôi nghĩ tôi vẫn không bao giờ có đủ khả năng viết ra một bài thơ khóc đồng đội thấm thía như bài Tiễn Anh. Một bài thơ làm ngay tại mặt trận. Bên cạnh xác bạn.
Khi bài viết này đang vào đoạn kết, tôi nhận được lá thư của “Tường Vi” cho biết bài thơ Tiễn Anh còn có hai đoạn cho phần cuối mà tôi là người đầu tiên được biết. Với sự hân hạnh, tôi xin phép sao chép để bổ túc cho bài thơ Tiễn Anh:
Hậu cứ khi về thăm mộ anh,
Mồ còn mới đất, cỏ chưa xanh,
Sẽ đề lên một bài thơ khóc
Xin chứng cho nhau tấm lòng thành
Dưới ấy xin anh cứ ngậm cười,
Trên này, anh hảy để chúng tôi
Cha già, vợ góa, con côi cút,
Đơn vị chúng mình sẽ chăm nuôi!
Qua hai đoạn cuối này, tôi nhìn thấy tấm lòng thành của “Đích Thân” sẽ về hậu cứ thăm mộ người tử trận cùng gia đình của anh ta. Tôi hy vọng “Đích Thân” đã thực hiện được ý nguyện. Bởi vì dù lòng mong muốn thật nhiều, nhưng đời chinh chiến của người lính khó có được những thời gian riêng tư đó. Tôi mường tượng Thánh Michael, quan thầy của binh chủng Mũ Đỏ, cùng với các thiên thần đã rước linh hồn người tử trận lên chốn chân hạnh phúc, y như trong đoạn kết của phim truyện nổi tiếng “Ghost”.
Requiem Aeternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis!
Xin Chúa cho họ được yên nghỉ muôn đời, và ánh sáng ng àn thu soi trên họ
Tôi vô cùng trân quý bài thơ Tiễn Anh của “Đích Thân Tường Vi”. Qua bài thơ, tôi nhìn thấy được con người và tâm hồn của “Tường Vi”. Ở Anh, tôi nhìn thấy cái nghĩa khí của một chiến sĩ, cái lương tâm của một y sĩ tiền tuyến. Ở Anh, tôi thấy được sự độ lượng và lòng vị tha nhân bản. Và ở Anh, tôi thấy được đức độ và tình người trong gian khó hay trong vui đùa, sự hy sinh và lòng tận tụy sẳn sàng chia xẻ khổ đau. Tôi vẫn không hiểu vì đâu Anh có biệt hiệu “Tường Vi”, chử ghép tên của Anh với tên một người đẹp nào chăng! Và đúng như biểu hiệu của hoa Tường Vi là một loại hoa không phô trương, không kiêu sa, nhưng bình dị, thanh tú, đơn sơ bền bỉ, sâu sắc và khiêm tốn, Anh có đầy đủ những đức tính vừa nêu trên.
Vào QYND cuối tháng 5, 1974 cho đến ngày mất nước, tôi chỉ gặp “Đích Thân” một lần duy nhất tại Đà Nẳng khi ra trình diện Sư Đoàn ND và nhận lãnh trách nhiêm làm y sĩ trưởng TĐ1ND ngay trước khi “nhảy” vào vùng trong tháng 8, 1974. Thật sự, lần tiếp xúc quá nhanh chóng đó và ngay cả thời gian phục vụ TĐQY ND quá ngắn không thể nào cho tôi có cơ hội biết về “Đích Thân”. Qua đến hải ngoại, và từ từ sau đó, tôi mới bắt đầu nghe nhắc đến tên của “Đích Thân”, rồi những câu chuyện của những tháng cuối của cuộc chiến, của những ngày cuối trước 30 tháng 4, sự kiện “Đích Thân” cũng trải qua cảnh lao tù CS, khiến tôi càng kính nể “Tường Vi”.
Khi viết lên những dòng chử này, tôi không có tâm trạng của kẻ mong được lên lon, hay chờ đợi một ly rượu Bordeaux, vì không biết chúng mình còn có cơ duyên gặp nhau lần thứ hai. Nhưng tôi chỉ mong nói lên đây lòng kính mến của một đàn em đối với một đàn anh, dù đã gần 40 năm qua. Như một lời tỏ tình, rien n’est trop tard. Tôi phục tư cách của Anh. Tôi phục con người của Anh. Vừa võ vừa văn vừa cả thổi kèn (đủ loại!), lại vừa tu xuất vừa tu đời. Thật đáng nể.
Tôi không mấy am hiểu về nhạc lý dù rất thích nghe nhạc. Bản nhạc phổ theo lời thơ “Tiễn Anh” vẫn chưa có người hát, theo lời của BS. Cổn. Mong một ngày nào đó khi bình an hoàn toàn trở lại trên quê hương VN, chúng ta sẽ cùng hoà tấu bản “Tiễn Anh” . Tôi sẽ cất giọng ngâm ‘Tiễn Anh”, nếu tôi vẫn chưa hát được, hòa cùng với tiếng kèn saxophone và clarinet điêu luyện của đàn anh PG Cổn và của “Đích Thân” Tường Vi. Một bản hoà tấu không cần phải có thêm hai đoạn cuối, như một symphonie inachevée Một gảy đỗ của tuổi xuân trong thời chinh chiến.
Vĩnh Chánh
CA, tháng 10, 2013
**Xin sao lại một phần của lá thư “Đích Thân Tường Vi” gởi, kể lại xuất xứ của biệt hiệu “Tường Vi” và trận chiến đầu đời của Anh. Như một bonus cho bài viết trên.
1/ Tên Tường Vi là do ông Trần Quốc Lịch, tiểu đoàn trưởng TĐ3ND đặt cho mình. Ông cũng đặt tên cho các ĐĐT (đích thân). Thường là lấy tên các ca sĩ : Đ. ÚY. Bùi Quyền là Tố Quyên, Đ. Úy Lê Minh Ngọc là Ngọc Nga, Tr. Úy Trạch là Trang Đài, Tr. Úy Tước là Kim Tước, Tr. Úy Lê Hồng là Hồng Vân, BS. Tường là Tường Vi vv... Mình có nói với ổng là Tường Vi là tên một bà kịch sĩ già, nhưng ổng nói có cô Tường Vi nào là ca sĩ trẻ ?? Mình cũng không ý kiến gì nhưng chết luôn cái tên Tường Vị. Thật ra trong SĐND còn một người nữa tên Tường Vi là ông Nguyễn Văn Tường, chỉ huy trưởng Pháo Binh (Đại Tá bây giờ) Vì thế nên có thêm cái nick nữa là Tường Vi "gà cồ" và Tường Vi "thuốc đỏ". Lúc sau cuộc HQ vào trong nội có gặp vài ba cô gái Huế mang tên Tường Vi...
2/ Trận đánh đầu tiên của đời bác sĩ nhẩy dù của mình là cuộc Hành Quân "Lam Sơn 54" cuối tháng 5/67. Tháng này nóng bức, gió lào rất khó thở. Mục tiêu cuộc HQ này này là tiễu trừ việt cộng ẩn náu trong vùng Phi Quân Sự (DMZ) phía nnam Sông Bến Hải. Từ sau năm 1954, VNCH tôn trong Hiệp Định Genève 1954 và không hề vi phạm vùng này ngoại trừ Mỹ đã thiết lập hàng rào điện tử gọi là hàng rào Mc Namara. Nhưng chỉ là trò đùa! Tin tức cho biết, vùng này hoàn toàn bị việt cộng chiếm làm căn cứ an toàn cho chúng. QLVNCH với sự chấp thuận của Mỹ đã lập kế hoạch Hành Quân quy mô vào vùng này với toàn bộ LĐ2ND, với Trung Tá Đào Văn Hùng, con hùm xám của ND làm LĐT chỉ huy, gồm các đơn vị tham chiến sau đây : TĐ3ND, TĐ5ND, TĐ9ND? TĐ2PB/ND. Một chi đoàn thiết vận xa. Một trung đoàn bộ binh của SĐ1BB.
TĐ3ND trước cuộc HQ đóng ở thôn Nhan Biều, cạnh thành phố Quảng Trị, bên kia cầu Ái Tử bắc qua sông Thạch Hãn.
Sáng sớm hôm vào vùng, Tiểu Đoàn do thiếu tá Trần Quốc Lịch làm TĐT chỉ huy đã được đoàn xe quân vận chở từ địa điểm đóng quân lên phía bắc. Qua đồi Đông Hà, tới đèo Ba Giốc tức còn cách quận Gio Linh (cầu Hiền Lương) chừng 2km và bắt đầu là limit của DMZ. Đoàn xe ngừng và TĐ3ND đi dọc theo quốc mộ 1 đến cách cầu chừng 1km thì giàn quân hướng về bên trái (phía tây) quốc lộ. Từ Quốc Lộ vào tới ven làng (cũng tên là An Hòa) là ruộng lúa và đường xe lửa cao khoảng hai thước. Từ quốc lộ vào ven làng khoảng 700m, hoàn toàn đồng trống không có chỗ ẩn nấp. Tôi nghĩ, đánh vào từ đây có thể là chết bộn.
Phi pháo bắt đầu tác xạ vào ven làng và dọc đường xe lửa. Trong lúc đó, tiếp nối TĐ3ND là TĐ9ND do Thiếu Tá Huệ làm TĐT tiến quan từ phía nam TĐ3ND dọc theo đường xe lửa và bám được ven làng. Tôi nghĩ ông Hùng đưa TĐ3ND giàn ở quốc lột làm như muốn băng đồng tiến vào mục tiêu để đánh lừa địch trong lúc TĐ9 đánh từ phía sau lên. Tin chiếm được ven làng vừa loan thì máy báo Thiếu Tá Huệ tử trận (bị bắn tỉa vào đầu). Di tản ông Huệ và TĐ9 án ngữ tại chỗ. TĐ3ND, được lệnh quay lên quốc lộ, đi ngược lại phía đềo Ba Giốc (làm như rút lui). Nhưng thực chất đã bay lên đường xe lửa, xung phong vào ven làng trám chỗ TĐ9ND rồi tiếp tục đánh lên phía Bắc. Địch chống trả dữ dội... Trận chiến kéo dài 5 ngày, năm đêm. cho tới lúc TĐ3 tiến lên đến bờ sông. 2km, đánh từng thước, từng căn nhà... Theo tù binh thì địch đã thay 3 tiểu đoàn quần thảo với TĐ3. Chúng qua sông ban đêm bằng nhiều giây cables căng dưới mặt nước.
Quả thật toàn thể vùng này coi như ở miền bắc. Nhà nào cũng có hình HCM và cờ miền Bắc. Học trò học chương trình miền Bắc, dân xài tiền miền Bắc... Nhà này sang nhà kia đi bằng giao thông hào, hai bên bờ hào hẹp, họ trồng khoai mì cắm chụng đầu nhau nên bay bên trên tưởng là đường mòn trên mặt đất
.
Tường Vi. Monday, Oct.14, 2013.
"Tiễn Anh" Phạm Gia Cổn phổ nhạc thơ Trần Đức Tường