Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Hai Træm Quä ñåi Bác
phaobinh
NguyÍn Trác Hi‰u
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2013
Sáng chủ nhật, trời Florida thật đẹp.  Chúng tôi về chùa Long Vân cầu siêu cho mẹ một người bạn vừa khuất núi. 

Vừa bước vào hậu liêu của chùa, tôi gặp ngay mấy người bạn thân đã tề tựu, trong đó có một người mà tôi quen gọi là ông Quận.  Anh là cựu sĩ quan Võ Bị Đà Lạt và từng giữ chức vụ quận trưởng một quận của miền Nam trước năm 1975.  Tôi bắt tay bạn bè.  Đến lượt bắt tay ông Quận tôi cười:
- Chào ông Quận!  Anh luôn luôn đúng giờ.  Khỏe không anh?
Ông Quận cũng cười tươi:
- Khỏe, khỏe.  Anh thì sao?  Dạo nầy ít thấy anh đến chùa. 
- Tôi đi du lịch xa nên phải vắng mặt ở chùa mấy tuần. 
Chúng tôi ngồi chuyện vãn chờ đến giờ làm lễ cầu siêu.  Tôi chợt nhớ ra một câu hỏi dành cho ông Quận.  Tôi quay sang anh:
- Ông Quận nầy, tôi định viết lại câu chuyện anh kể cho tôi nghe mấy tháng trước mà tôi lại quên lửng mấy chi tiết nên chưa viết.  Anh nhắc lại dùm tôi vài chi tiết nhé!
Ông Quận cười:
- Chuyện gì?  Mà anh quên chi tiết gì? 
- Chuyện Hai Trăm Quả Đạn Đại Bác đấy. 
Ông Quận lẩm bẩm:
- Hai trăm quả đạn đại bác, hai trăm quả đạn…
Rồi chợt nhớ ra, anh vội chắp hai bàn tay trước ngực, mắt lim dim:
- Mô Phật!  Mô Phật!  Tội lỗi!  Tội lỗi!
Tôi bật cười lớn.  Các bạn ngồi quanh không hiểu sao tôi cười lớn nhưng nhìn dáng dấp ông Quận, các bạn cười theo.  Tôi giải thích cho các bạn:
- Ông Quận bạn tôi bây giờ hiền như Bụt nhưng ngày xưa là tay sát thủ nhà nghề.  Từ ngày qua Mỹ, gần 40 năm nay, đã theo vợ đi chùa sám hối tội lỗi rất nhiều.  Tôi vừa nhắc chuyện xưa đời lính của ông nên ông Quận giật mình.
Ông Quận nhìn tôi:
- Nhắc lại thôi sao?  Anh còn định viết lại thành truyện cho thiên hạ đọc mới chết tôi chớ.  Tôi chót dại đã kể cho anh nghe quá nhiều về đời lính của tôi.  Tội lỗi!  Tội lỗi!!
Tôi hạ giọng:
- Tôi không có sức mà viết lại hết cuộc đời chinh chiến của anh đâu, tôi chỉ gắng viết vài chuyện để chia xẻ cùng bạn bè và để dành cho con cháu mình đọc cho chúng biết cha ông chúng chiến đấu bảo vệ  quê hương Việt Nam như thế nào…
Vài bạn cũng tham gia khuyến khích ông quận:
- Nên viết lại chuyện chinh chiến xưa lắm anh.  Tôi cũng có những điều muốn viết mà đâu có khả năng viết được.  Một mai mình nằm xuống thì coi như mình mang theo quá khứ vui buồn, không thể chia xẻ cùng ai…

Từ ngày quen nhau ở chùa, chúng tôi trở thành bạn thân, thường kể cho nhau nghe chuyện đời học sinh, chuyện đời lính.  Chuyện chiến đấu gian nguy khắp mọi miền đất nước của anh hấp dẫn tôi vô cùng.  Một ngày nắng ấm tràn ngập sân chùa, anh kể cho tôi nghe chuyện anh đi làm quận trưởng một quận của miền Nam:
- Những ngày chiến đấu ở Quảng Trị thật gian khổ.  Ngày đêm, chúng tôi thường phải sống dưới hầm.  Có lần vợ tôi đến thăm bị pháo kích suýt nguy tính mạng.  Tôi cũng dần dần thấm mệt nên chấp nhận thuyên chuyển về miền Nam làm quận trưởng. 

Cái quận mà tôi được biệt phái về cũng đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng.   Ban đêm du kích hoành hành.   Chúng bắt cóc thanh niên, ép họ đi theo chúng, chúng ám sát cán bộ, thường dân, những người không nghe, không làm theo lệnh chúng.  Tôi về đó phải tổ chức lại mọi cơ cấu, huấn luyện lại binh sĩ và cán bộ, dần dần loại trừ được nội tuyến, xây dựng lại cơ sở phòng thủ và sắp đặt kế hoạch tấn công tiêu diệt địch.  Dân chúng bắt đầu yên tâm, giúp đỡ chúng tôi một cách âm thầm để tránh bị du kích trả thù.  Binh sĩ và cán bộ tin tưởng nơi tôi nên hăng hái chiến đấu, phòng thủ và tấn công.   Nhiều binh sĩ tình nguyện giả làm du kích, ban đêm đi ruồng bắt những người mà họ biết chắc là địch, ban đêm là du kích, ban ngày giả dạng thường dân hiền lành.  Tin tức tình báo từ dân rất có hiệu quả.  Chúng tôi dần dần thanh toán được những thành phần địch ẩn náu trong dân gây kinh hoàng cho thôn xóm. 

Một hôm, một người dân trong quận, giả làm người bán hàng rong, đến quận báo cho chúng tôi biết là một toán du kích từ trong rừng ra, đã bắt cóc thằng cháu 10 tuổi của ông và đòi tiền chuộc một triệu đồng.   Một tiệu đồng thời đó giá trị rất lớn.  Chúng biết ông có đủ lúa để chuộc thằng cháu.  Ông cho biết nếu ông trễ nãi không chuộc cháu kịp thời hạn chúng đưa ra thì chúng sẽ thủ tiêu thằng cháu duy nhất của ông.   Thấy người dân bị du kích làm điêu đứng  tôi đau lòng.  Chúng tôi an ủi ông và hứa sẽ tìm cách giúp đỡ.  Ông về rồi, tôi cho người thân cận điều tra và được biết chuyện bắt cóc đòi tiền chuộc là có thật và rất thường xảy ra trong quá khứ.  Du kích đã sử dụng chiến thuật nầy từ lâu và thu góp được rất nhiều tiền của, lúa gạo của dân để nuôi quân.

Bộ tham mưu của tôi giúp tôi bàn tính kế hoạch giúp đỡ người bị nạn và đáp ứng thích đáng với hành vi ăn cướp của du kích.  Ông X, người dân đang bị nạn bằng lòng hợp tác hoàn toàn với kế hoạch của chúng tôi.   Đúng ngày giờ hẹn với du kích, một bà cụ từ gia đình ông X mang trên vai bao tiền một triệu đồng đi vào một khu rừng được du kích chỉ định cách quận lỵ chúng tôi mấy cây số.
Bà cụ được chúng tôi dặn dò kỹ càng rằng sau khi trao bao tiền cho toán du kích thì mau mau dẫn thằng bé đi thật nhanh ra khỏi khu rừng.   

Tôi đứng trên chòi canh cao của quận đường, dùng ống nhòm quan sát cử động của bà cụ.  Đợi hai bà cháu bà cụ vừa ra khỏi khu rừng
một khoảng cách an toàn, tôi ra dấu cho chi đội pháo binh của quận tác xạ ngay vào khu rừng.  Đạn đại bác 105 ly nổ vang, nổ chụp lên khu rừng rộng khoảng 1km vuông.  Binh sĩ pháo binh của tôi bắn hăng say và liên tục.  Khu rừng tan nát, sụm xuống, buị lửa mù trời.   Khi tiếng đại bác vừa ngưng, toán biệt kích của tôi tràn vào khu rừng kiểm soát kết quả.  Máu thịt, súng ống, quần áo của nguyên một trung đội quân du kích và một triệu đồng tiền giấy vung vãi khắp nơi, trên mặt đất và trên cây lá.  Chắc không còn sinh vật nào sống sót trong vòng 1 km vuông rừng đó.  Tôi hỏi viên trưởng toán pháo binh bắn hết bao nhiêu đạn.  Anh ta cho biết chỉ dùng 200 viên đạn cũ để lâu chưa dùng, số đạn mới nhận để dành khi cần.   Anh ta nói thêm, “Chúng em muốn đưa nguyên đám bọn chúng về chầu diêm vương một lần với nhau để cho dân lành bớt khổ và cũng để cảnh cáo tên nào còn muốn đi ăn cướp thì có dịp ăn đạn…” 

Từ sau trận bị pháo kích, bọn du kích từ bỏ luôn chiến thuật bắt cóc đòi tiền chuộc.  Những người dân từng bị chúng hành hạ, áp bức cũng thấy hã dạ.  Chúng không còn công khai hoạt động gieo kinh hoàng cho dân lành.   

Kể xong câu chuyện, anh ngồi yên lặng một chặp như để hồi tưởng một thời khói lửa, chết chóc trong chiến tranh.  Tôi hỏi nhỏ:
- Sau trận đó, cảm giác anh ra sao? 
- Buồn!  Cho tới bây giờ, đôi khi đêm tôi còn nằm mơ thấy đạn pháo nổ chụp trên cánh rừng, còn thấy máu thịt vung vãi khắp nơi. Nhưng nếu họ có đủ lương thực, vũ khí mà tấn công chúng tôi thì chính thân xác chúng tôi cũng sẽ bị họ bằm nát ra thôi.  Biết bao nhiêu đồng đội của tôi đã nằm xuống trên khắp các mặt trận mà thân xác không còn nhận ra…
- Tôi chỉ hỏi cho biết cảm giác của anh thôi chứ không ai có thể trách anh đã thi hành nhiệm vụ của một chiến sĩ giúp dân, cứu nước. 
Tôi hỏi anh thêm về ngày đơn vị anh di tản:
- Làm sao anh đưa được cả đơn vị gồm binh sĩ, cán bộ và thân nhân của họ thoát đi ra biển an toàn ngày anh phải di tản, trước khi Bắc quân tràn vào quận anh?
- Tôi luôn luôn chuẩn bị trước đường tiến đường lui.  Chúng tôi có giang thuyền.  Tôi giải thích cho binh sĩ biết tình hình nguy ngập của miền Nam và khuyên mọi người nên theo tôi di tản để tránh bị trả thù bởi Bắc quân.  May thay, lính thương tôi như tôi thương họ nên không ai phản đối ý tôi mà đòi ở lại. 
- Qua Mỹ, anh có khi nào gặp lại được binh sĩ hay cán bộ dưới quyền? 
- Có.  Chúng tôi có gặp nhau đôi lần nhưng dĩ nhiên không được đủ mặt vì mỗi người ở một nơi, tứ tản bốn phương trời. 

Tiếng chuông chùa ngân nga trong trời chiều.  Chúng tôi chia tay nhau sau một lần chia xẻ những mẫu chuyện thời chinh chiến. 

Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, đêm 4 tháng 11 năm 2013
Loading